LUẬT DI DÂN CHO “NHỮNG NGƯỜI NẰM MƠ”
Thi Phương HNN
Dự luật cải tổ chính sách di dân của nhóm “Bát Nhân Bang” (Gang of Eight) đã được Thượng Viện thông qua nhanh chóng không ngờ vào cuối tháng sáu, với tỷ lệ phiếu thuận có tính áp đảo cũng không ngờ, đến mức người ta phải hỏi chuyện gì đang xảy ra, và trong bước chót tại Hạ Viện, con đường đi của dự luật này có còn được hanh thông nữa hay chăng. Cho đến khi người ta thấy ông John Boehner, người Cộng Hòa, chủ tịch Hạ Viện, cả cười, nói rằng : “Còn lâu”. Và đứng bên ông là dân biểu Eric Cantor, lãnh tụ của phe đa số Cộng Hòa tại Hạ Viện, gục gặc đầu lên xuống, bày tỏ sự hài lòng ông Boehner đã nói như ý muốn của phía Cộng Hòa tại Hạ Viện – gồm cả 234 người trên tổng số 435 dân biểu của viện dưới.
Người ta thường suy nghĩ đơn giản: cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 đã cho đảng Cộng Hòa một bài học gọn gàng, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ: ra tranh cử thời nay mà không có lá phiếu Latino thì không xong. Mà làm sao có được phiếu của những người này trong những cuộc bầu cử sắp tới đây? Hay nói cách khác, làm sao trong một thời gian ngắn có thể làm cho người Latino không còn một lòng một dạ với người Dân Chủ nữa? Câu trả lời mà nhiều người ưa chuộng: Hãy tìm cách hợp pháp hóa 11 triệu di dân bất hợp pháp ở Mỹ hiện nay. Chẳng may thay, những ứng cử viên Thượng Viện của Cộng Hòa có thể nhìn vấn đề cách đó. Những ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa chắc chắn phải nhìn vấn đề theo cách đó. Nhưng những người chỉ có nhìn vào cái ghế ở Hạ Viện, với những thế lực của phong trào Tiệc Trà tea party sau lưng, chẳng ưa nhìn vấn đề như thế, nói gì đến câu giải đáp ta đã nêu.
Những người Cộng Hòa tại Hạ Viện nhóm họp tuần này để bàn đến luật di dân này, và đương nhiên dư luận đang theo dõi hết sức chặt chẽ để xem các người dân cử này sẽ hành động theo hướng nào: hoặc biểu quyết về dự luật mà Thượng Viện chuyển qua, hoặc đi bàn một luật riêng của họ. Và những người Cộng Hòa cũng đương nhiên có nhiều nỗi lo lắng trong một thời điểm dư luận đang nhìn đến đảng này như một lực lượng chính trị tiêu cực, chống phá hơn xây dựng.
Theo nhận định của tờ USA Today, giới cử tri ở Mỹ đang biến chuyển mạnh trong động thái của họ, trở nên thực tiễn hơn, đa dạng hơn, và đông đảo hơn trong thành phần cha mẹ độc thân - những biến chuyển rõ rệt chẳng thuận lợi tí nào cho những nhà chính trị Cộng Hòa. Bởi thế, như lời cảnh cáo của tờ báo đại chúng này: chỉ có một cửa mà ngưòi Cộng Hòa có thể mở, đó là những cử tri gốc là di dân Latino, và tờ báo này nói rõ thêm cho người Cộng Hòa yên lòng: “Những cử tri này có tinh thần tôn giáo sùng đạo cao hơn, họ cũng thường có những quan điểm xã hội bảo thủ đối với những vấn đề như phá thai và hôn nhân đồng tính so với cử tri nói chung. Họ cũng rất cần cù, chịu khó. Và dân số của họ ở Mỹ ngày càng đông”. Theo nhận xét của một số quan sát viên chính trị, cử tri Latino chỉ làm mạnh thêm cho đảng Cộng Hòa – nếu Cộng Hòa nắm được họ.
Những nhà báo Mỹ vốn rất độc đáo về mặt chơi chữ, cho nên sau khi ghi nhận “phản ứng tiêu cực” của những người Cộng Hòa tại Hạ Viện đối với vấn đề di dân này, tờ báo đặt ra câu hỏi phải chăng các dân biểu Cộng Hòa có một ý định tự sát đối với thành phần cử tri này (Do House Republicans have a demographic death wish?). Đúng là một số người tâm thần vẫn lảng vảng trong đầu ý định tự vẫn, và chẳng phải mới đây ngưòi ta mới có nhận xét ngưòi Cộng Hòa nhiều khi hành động như người có vấn đề tâm thần. Thực ra, tại những tiểu bang mà người Cộng Hòa nắm quyền lực chính trị tại Quốc Hội, người ta vẫn tăng cường những luật lệ truy bức di dân bất hợp pháp. Chẳng hạn như chuyện không cho lớp con cháu di dân lậu được xin bằng lái xe, khiến cho tuị nhỏ lái xe tha hồ, có điều không có bằng lái, không bảo hiểm… Giống như cách họ đối xử với người da đen trong trường hợp Đạo luật Quyền Bỏ phiếu mà Tối cao Pháp viện mới phán quyết vào tuần cuối tháng sáu.
Dự luật của Thượng Viện có ba nội dung chính: mở ra một “con đường gian khổ” có thể kéo dài đến 13 năm cho 11 triệu di dân bất hợp pháp trở thành công dân Mỹ, tăng cường an ninh biên giới để cho người Mễ đừng hòng mò vào Mỹ nữa, và cải tổ qui trình di trú hợp pháp nhằm vào những lợi ích kinh tế và an ninh của nước Mỹ. Nó gần giống như đề nghị của cựu Tổng thống George W. Bush năm 2005 – mà chính những người Cộng Hòa thời đó đã quyết liệt bác bỏ. Tuy nhiên, những người Cộng Hòa tại Hạ Viện dứt khoát nói họ không ưa ý kiến “ân xá” này và chuyện mở ra một con đường đương nhiên cho mọi ngưòi trở thành công dân Mỹ. Họ cho rằng như thế là “bất công” với những người hợp pháp!
Lý do các dân biểu tại Hạ Viện chống luật di dân của Thượng Viện xem chừng vừa đơn giản vừa kỳ cục: họ sợ cử tri của chính họ phản ứng. Giống như vào ngày 17-4 bốn thượng nghị sĩ Dân Chủ đã phản bội đảng mà bỏ phiếu bác bỏ chuyện kiểm tra súng đạn vì sợ cử tri của mình vừa là tín đồ của Hiệp hội Súng Quốc gia (NRA) không ủng hộ mình nữa. Cách bầu cử ở Hạ Viện khác xa cách bầu cử của Thượng Viện và Tồng thống. Trong bầu cử Hạ Viện, ứng cử viên chỉ tập trung vào một đơn vị cử tri khá nhỏ, với thành phần, đặc tính của cử tri hầu như không thay đổi mấy từ mùa này qua mùa khác (Đó là lý do người ta nói chuyện phân vùng qui hoạch bầu cử chỉ làm cho nước Mỹ thêm phân hóa). Đây là vùng đất của Cộng Hòa thì đố ứng cử viên Dân Chủ nào dẫm lên nổi. Và đã là vùng đất Cộng Hòa thì người ta không cần phiếu Latino. Ai mà điên dại đi xin phiếu Latino có khi phải chết không kịp rút. Nếu ứng cử viên Cộng Hòa nào có thái độ chưa được mấy bảo thủ, đương nhiên sẽ sẵn có những người khác bảo thủ hơn, quá khích hơn, thách đố và lật đổ mình như chơi, bởi vì ngưòi khác này có tea party sau lưng. Theo khảo sát của tờ báo Cộng Hòa Wall Street Journal, chỉ có 16% dân biểu Cộng Hòa đến từ những đơn vị mà cử tri Latino đông hơn 20%. Và cũng chỉ có 12% dân biểu Cộng Hòa gặp phải sự thách đố thực sự từ phía Dân Chủ. Có nghĩa là có đến ít nhất 85% dân biểu hiện nay an toàn để tiếp tục theo đuổi chuyện chống di dân của mình. Cũng có những dân biểu Cộng Hòa suy nghĩ “xa hơn”. Họ cho rằng người Cộng Hòa bây giờ đã có lắm kẻ thù. Nay cho 11 triệu người di dân Latino hợp pháp hóa, điều này có thể có nghĩa là phía Dân Chủ sẽ có thêm 11 triệu ngưòi đi theo nữa, và phía Cộng Hòa sẽ có thêm cả 11 triệu kẻ thù trước mắt, chưa nói đến con cháu đời sau của những lớp kẻ thù này.
Thực ra, những người Cộng Hòa vẫn có cố tật không nhìn xa mấy, mặc dù những nghiên cứu, khảo sát đều chỉ ra rằng chẳng bao lâu nữa người da màu nào cũng sẽ thành “giống dân thiểu số” (tức chưa được 50% dân số), và người da trắng cũng sẽ trở thành “dân tộc thiểu số”, cũng giống như dân Latino. Rồi vài chục năm tới, dân Latino từ tỷ lệ 16% hiện nay có thể lên tới 30%, lúc đó mà người Cộng Hòa nói chuyện “đại đoàn kết dân tộc” e đã muộn.
Bởi vậy, một số người Dân Chủ “cấp tiến”, “tự do”, thức thời đã lên tiếng thay cho nhiều người di dân bất hợp pháp – hay cho những con cái của họ hoặc được đưa vào Mỹ bất hợp pháp từ thời nhỏ hoặc được sinh ra (hợp pháp hay bất hợp pháp) trên đất Mỹ. Tranh cãi thế nào là hợp pháp hay bất hợp pháp đúng là chuyện điên đầu. Hay nhiều khi phải điên một tí mới mạnh miệng nói được. Ví dụ ông Eugene Robinson, một cây viết bình luận trên tờ Washington Post, viết rằng “Thượng Viện tuần qua đã làm một việc có lý khi thông qua một dự luật cho phép những di dân tuân hành luật pháp (law-abiding) đang sống trên nước Mỹ không có giấy tờ (without papers) được ở lại – và cuối cùng trở thành công dân”. Ông này có bình thường không khi nói những người không có giấy tờ là những người “tuân hành luật pháp”? Tờ The New York Times cũng đăng một bài xã luận “tâm thần” như vậy để cổ vũ chuyện phải cho con cái của những di dân bất hợp pháp quyền có bằng lái xe. Họ gọi “những di dân phi pháp từng được đưa vào nước Mỹ khi còn nhỏ” nhưng nay được chính quyền Obama cho phép xin giấy phép làm việc và xin được có số An sinh Xã hội (SS number) là những “Người Nằm Mơ” (dreamers), và những người có giấc mơ đẹp đẽ lương thiện chính đáng này được làm công dân Mỹ cần phải được phép lái xe vì họ “đang sống trong nước Mỹ hợp pháp” - vừa lái xe vừa mơ.
Một số người Dân Chủ có những quan điểm chừng mực hơn, họ nêu những lý do thông thường như chuyện đã lỡ rồi, bột đã khuấy nên hồ, vả lại người Mễ ngaỳ nay cũng sợ qua Mỹ lắm rồi, nhất là vì kinh tế Mỹ đang phát triển theo kiểu một nền kinh tế “vươn dậy” quen thuộc thời nay. Tống đi 11 triệu di dân lậu không phải dễ, tìm cách trục xuất số lượng lớn là nảy sinh những vấn đề phức tạp. Bỏ tù cũng khó, cho nên hay nhất là làm chuyện “nhân đạo”. Thế nhưng trong nước mà phải ôm một số lượng lớn đến thế những người bất hợp pháp, những người sống bên lề, thì một mặt, chính quyền cũng không làm sao kiểm soát được và mặt khác, người ta sẽ sống trong sự vô vọng, đưa đến những động thái sinh hoạt nguy hiểm, bất cần, liều lĩnh, chỉ tiếp tay cho những tập đoàn tội ác buôn lậu ma túy, và tổ chức mãi dâm có điều kiện hoạt động.
Đương nhiên, một trong những cái hỏng của nền dân chủ của Mỹ hiện nay mà người ta đang nhận ra trong Ngày Lễ Độc Lập 237 này là người ta không còn thấy nữa có đối thoại thẳng thắn, nghiêm chỉnh, các bên trao đổi quan điểm và tranh luận trong tinh thần tìm đến chân lý và xem tối thượng những mục tiêu được đề ra trong Tuyên Ngôn Độc lập: quyền được sống, tự do và theo đuổi hạnh phúc. Vừa do ngại đụng chạm, vừa do chỉ muốn nói nhưng không muốn nghe người khác nói, vừa không có thì giờ “cãi vã”, cho nên ở Mỹ người ta thấy độc thoại nhiều hơn đối thoại. Ví dụ như người ta nói đến nguồn nhân lực rẻ mạt mà di dân tạo ra, nhưng người ta lơ đi môn học số 1 của kinh doanh là “phân tích phí tổn-lợi ích” (cost-benefit analysis), chẳng đánh giá nghiêm chỉnh nước Mỹ có thực sự cần những người này hay chăng, họ làm cho nạn thất nghiệp có thể thêm trầm trọng như thế nào, họ làm cho đồng lương tối thiểu của lao động chân tay ở Mỹ bị ghìm ra làm sao. Và nhìn tổng quát hơn, nếu nước Mỹ chấp nhận một nguồn lực lao động với kỹ năng “phổ thông” như thế, thì nên hiểu chuyện nước Mỹ đi xuống, các chỉ số về hạnh phúc và mức sống cũng xuống, sự an lạc của trẻ con Mỹ đứng thứ 27 trong 28 nước được nghiên cứu…, là chuyện thường. Thêm nữa, gánh nặng xã hội của di dân 11 triệu này: giáo dục, y tế, an ninh…, ai lo, ai trả?
Trong tuần này, hoặc chúng ta sẽ thấy những người Dân Chủ tại Hạ Viện tập hợp lại, lôi cuốn thêm được chừng 20 người Cộng Hòa không điên rồ nữa là đủ để vượt qua con số quá bán 218 để thông qua dự luật của Thượng Viện chuyển qua. Hoặc những người Cộng Hòa tại Hạ Viện phá được “âm mưu” này và tìm cách đưa ra luật của riêng họ - mà chúng ta thừa biết sẽ chẳng bao giờ được Thượng Viện thông qua hay Tồng thống Obama phê chuẩn. Tùy chuyện gì xảy ra mà chúng ta sẽ có thể khẳng định là Đảng Cổ Đại (GOP) có lãnh đạo hay chăng, có đường lối hay chăng. Và Chúa ơi, một đảng lớn như Đảng Cổ Đại mà không có lãnh đạo, không có đường lối, thì điều này chỉ có ý nghĩa hệ thống chính trị của Mỹ đúng là bị hỏng thật rồi, không sửa, không thay, không làm máy lại thì còn chờ đến lúc nào nữa?