TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phần II)

28 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 5659)
TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phần II)
TRỌC SĨ NĂM NHẬP MÔN (Phần II)

Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)

Tháng đầu của niên học, ba giáo sư cùng tên Long, giáo sư Vương Văn Bắc gây ấn tượng cho chúng tôi. Ba thầy cùng có tên Long, có ba hình dáng khác nhau và bộc lộ ba phong cách khác nhau. Học trò đặt tên cho ba thầy Long. Thầy Long Lùn bình dị, Giám Đốc Học Vụ. Thầy Long Cao thì điềm đạm. Thầy Long Cao là Giám Đốc Nguyên Tử Lực Cuộc Đà Lạt, thầy dạy môm Kinh Toán Học. Thầy Long Mập thì lanh lẹ, hoạt bát, tháo vác của người dân Hà Nội. Cả ba thầy Long là nòng cốt của trường và đều gắn bó với sinh viên. Chúng tôi gọi ba thầy là ba con rồng sẽ đưa chúng tôi qua biển học .

Thầy Trần Long thấp và nhỏ con. Thầy có tên là Long Lùn, nhưng thầy là siêu nhân. Thầy đảm nhận ba chức vụ một lúc : Giám Đốc Học Vụ trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp, Sĩ quan giảng viên tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, giáo sư kế toán tại trường Chính Trị Kinh Tế. Giám Đốc Học Vụ của một trường mới thành lập thiếu thốn về mọi mặt từ việc giảng dạy, giáo trình, mời giáo sư lẫn cơ sở vật chất là một gánh nặng khó khăn. Đảm nhận dạy kế toán cũng là một gánh nặng cho thầy. Mặc dầu tốt nghiệp cao học ngành thương mại tại Mỹ nhưng việc giảng dạy kế toán cấp đại học là lần đầu tiên kể từ khi thầy trở về Việt Nam. Môn kế toán là môn học khô khan vậy mà thầy Trần Long đã thi vị hóa, khôi hài hóa những danh từ kế toán khiến cho chúng tôi cảm thấy thích thú hơn. Thầy đã dùng tên các công ty rất lạ như Công Ty Trần Như Nhộng, hãng giầy Hai Ta ..vân vân .. Hình ảnh độc đáo và hiếm có là hình ảnh thầy Trần Long đứng trên bục giảng trước chúng tôi trong bộ quân phục với hai hoa mai vàng. Trong thời gian thầy chờ đợi giấy tờ biệt phái, thầy được chuyển lên làm việc trong Ban Văn Hóa Vụ của trường Võ Bị Đà Lạt. Thầy dậy Anh Văn và dĩ nhiên phải trực chiến mỗi tuần một đêm như các sĩ quan khác. Vào ngày trực chiến và sáng hôm sau có giờ dạy kế toán vào sáng sớm, thầy không kịp về nhà thay quần áo dân sự để đến lớp. Chúng tôi thường thấy thầy Trần Long lái chiếc xe 2 CV qua cổng viện. Ngồi bên cạnh thầy là vợ thầy, cô Ánh Nguyệt . Nhìn thầy Trần Long và cô Trần Long ngồi cạnh nhau trong xe 2CV, chiếc xe trở nên xinh xắn thật hợp với thầy cô. Chiếc xe 2CV gắn liền với thầy Trần Long. Nói tới thầy, sinh viên nhớ tới xe 2CV. Nhìn thấy xe 2CV, sinh viên nhớ đến thầy. 

Thầy Phó Bá Long tức Long Mập. Thật ra thầy không mập. Thân hình so với chiều cao của thầy là cân đối. Nhưng vì có thầy Long Lùn, thầy Long Cao nên học trò đặt gượng ép cho thầy tên là Long Mập. Thầy gọi chúng tôi là Đại Học Sĩ. Buổi học đầu tiên thầy kể cho chúng tôi nghe một câu truyện chứng tỏ việc học và ngoài đời là hai việc khác nhau . Thầy Phó Bá Long kể rằng : Sau khi tốt nghiệp bằng Quản Trị Kinh Doanh tại một Viện Đại Học Mỹ , một sinh viên học kém nhất lớp trở thành một Giám Đốc của một xí nghiệp lớn. Một hôm, anh ta vào hộp đêm xem biểu diễn văn nghệ ở Hawai. Nhìn lên sân khấu, anh thấy anh bạn cùng lớp với anh đang đánh đàn ghi ta trong ban nhạc. Anh bạn cùng lớp là sinh viên thủ khoa xuất sắc của trường … Những buổi học kế tiếp, thầy kể cho chúng tôi những câu truyện buôn bán ở Mỹ khiến chúng tôi không tưởng tượng nổi. Thầy kể về những tiệm One Dollar. Những tiệm này bán những món hàng giá một dollar trở xuống. Thầy nói nhân viên bán hàng ở Mỹ chiều khách hàng và tiếp đãi khách hàng lịch sự. Khách hàng được tự do lựa chọn. Mua rồi, không vừa ý, đem trả và lấy tiền lại một trăm phần trăm . Chúng tôi ngạc nhiên vì trước đây chúng tôi cho rằng người Mỹ là những anh chàng trọc phú chỉ biết tiền, chỉ có người Pháp mới là người lịch sự .

Thầy Vương Văn Bắc ảnh hưởng đến chúng tôi qua những bài giảng của thầy về môn Lịch Sử Chính Trị Thế Giới. Thầy là luật sư nổi tiếng ở Sài Gòn. Với tài hùng biện và giọng nói ấm, thầy Bắc đã lôi cuốn chúng tôi đến nỗi chúng tôi thuộc bài ngay sau khi thầy giảng. Những tên chính trị gia tên tuổi của thế giới mà chúng tôi chưa hề biết trước đây đã in trong trí nhớ chúng tôi như Machiavell và quyển Quân Vương, Tocqueville, Leviathan …

Một buổi trời chạng vạng tối, tôi đang chấm bài toán của hai lớp đệ tứ . Tường mở cửa phòng hô hoán như cháy nhà :
- Đi mau, đi mau … tao thấy cha Viện và thầy Bắc ra phố …
Cha viện và thầy Bắc ra phố thì có gì đặc biệt mà cả bọn nhốn nháo như có truyện gì hệ trọng. Chúng vừa thay quần áo vừa thúc dục nhau ra đi . Tôi cũng vội vàng cất bài vở dưới gối, thay quần áo và đi theo bọn chúng. Sáu đứa tôi theo con đường mòn đổ dốc nhanh như những mũi tên vừa thoát khỏi dây cung. Qua nhà thờ Tin Lành, tôi nghe đằng sau tiếng xe máy và tiếng cười. Chiếc xe goebel với ba đứa ngồi trên xe chạy vụt qua chúng tôi với tốc độ cao trong con đường Hàm Nghi nhỏ. Chiếc xe Goebel màu đỏ quen thuộc của Cương, tôi thấy hằng ngày. Năm phút sau, chúng tôi tới cà phê Tùng. Chiếc xe của Cương dựng dưới lề đường trước cửa cà phê Tùng. Chúng tôi đi vô cà phê Tùng. Khoảng mười lăm đứa đang vây quanh cha Viện Trưởng và thầy Bắc. Trước mặt hay trên tay mỗi người là tách cà phê. Mọi người đều im lặng nghe thầy Bắc nói chuyện. Sáu đứa tôi lặng lẽ ra quầy gọi cho mỗi đứa một ly cà phê sữa. Sau đó chúng tôi đến đứng với đám đông. Thầy Bắc nói về tình hình chính trị đang biến động. Khoảng nửa tiếng sau chiếc xe Peugeot của cha viện chạy đến trước cửa cà phê Tùng. Cha viện và thầy Bắc đứng dậy để ra về. Tiếng nói cười vang lên như sau giờ tan học. Nửa tiếng trước đây đúng là lớp học. Lớp học đang thảo luận một vấn đề hệ trọng của đất nước. Thầy Bắc nói, thỉnh thoảng một vài anh đặt câu hỏi. Lớp học chấm dứt đột ngột. Chúng tôi nhìn theo chiếc xe cha viện dời cà phê Tùng để đi về viện và tự hỏi không biết đến bao giờ chúng tôi lại được dự lớp học đặc biệt như tối nay. Bây giờ tôi mới hiểu rằng tại sao các bạn tôi háo hức khi thấy cha viện ra phố với một vị giáo sư. Các bạn tôi không phải vì muốn uống ly cà phê sữa chùa do cha viện đãi mà mục đích chính vì vui và muốn có mặt trong một sự kiện đặc biệt hiếm có. Sự kiện này chỉ xảy ra ở Viện Đại Học Đà Lạt và chỉ xảy ra với viện trưởng linh mục Nguyễn Văn Lập. Tôi tiếc buổi tối tuần trước nghe thằng Tường vừa chạy vừa la: Cha viện ra phố. Lúc đó tôi không hiểu tại sao cha viện ra phố mà Tường chạy và la làng la xóm. Nay tôi đã hiểu.

Cha viện và thầy Bắc đi rồi. Mới hơn tám giờ tối, chẳng lẽ về nhà, chúng tôi rủ nhau tìm thú vui khác. Nhóm ba bốn đứa đi qua Thủy Tạ uống cà phê hoặc ăn kem, nhóm năm sáu đứa ra góc đường Minh Mạng uống sữa đậu nành và ăn bánh đậu xanh. Nhóm bốn năm đứa ra góc đường Trương Vĩnh Ký – Duy Tân ăn cháo, xôi hoặc chè, nhóm hai đứa đến ăn bánh khoái trên đường Minh Mạng. Trời lạnh được ngồi bên bếp than đỏ rực, nghe tiếng xì xèo chiếc bánh khoái trên bếp, bụng bỗng thấy hạnh phúc dạt dào. Nhóm ba đứa xuống gần cuối đường Duy Tân để ăn hủ tiếu Nam Vang . Nhóm sáu đứa tôi đi mua bắp nướng tại những gánh bắp nướng thoa hành mỡ trên những bậc thềm dẫn xuống chợ Đà Lạt và vũ trường Tulipe Rouge. Ngồi quanh bếp đỏ hồng để chờ bắp chín. Nghe chị bán hàng nói giọng Huế. Tôi nhớ Hoa quá chừng.

Đêm hôm đó, tôi phải thức đến hai giờ sáng mới chấm xong bài tập để giảng cho học trò vào ngày mai.

Ba trung tâm sinh hoạt chính của sinh viên là khu Nam Đại Học Xá Dương Thiện, khu nữ Đại Học Xá Kiêm Ái và khu Lữ Quán Thanh Niên - Võ Tánh. Các nhóm sinh viên thành hình do cùng ở địa phương, do cùng thuê chung một khu nhà, do cùng sở thích âm nhạc, thơ văn … Trước hết phải kể đến hai đoàn thể được hình thành sớm nhất là Sinh Viên Phụng Sự Xã Hội do anh Hoàng Văn Lộc sáng lập. Nòng cốt của tập thể này là các anh chị ở Lữ Quán Thanh Niên và khu Võ Tánh. Anh Lộc có tài tổ chức và vận động. Anh tổ chức công tác tại các buôn Thượng. Anh mượn xe của tòa tỉnh làm phương tiện chở đoàn đi công tác và chính anh lái chiếc xe này. Anh Lộc lái xe thật giỏi. Một lần, sau khi đi công tác tại buôn thượng Đakto về, anh lái xe trên đèo Prenn. Trời nhá nhem tối anh lái tốc độ bẩy, tám mươi cây số trên đường đèo hẹp và khúc khuỷu, mỗi lần qua khúc quanh, các cô la oái oái còn lũ con trai chúng tôi thì hào hứng la hét: tới luôn bác tài. Đoàn Sinh Viên Phụng Sự Xã Hội ra được tờ báo TUỔI XANH dành cho thiếu nhi . Báo Tuổi Xanh in đẹp chứ không phải báo quay roneo như các tờ báo của các nhóm văn nghệ hoặc đặc san của sinh viên thường thấy. Báo được đem đến bán tại các trường tiểu học .

 Đoàn thể thứ hai do hai anh Lê Đường và Nhữ Văn Trí vận động để thành lập một toán tráng . Anh Lê Đường là hướng đạo sinh duy nhất trong đạo Lâm Viên Đà Lạt có bằng rừng nghành Tráng. Trong buổi họp đầu tiên tại nhà anh Lê Đường số 27 đường Lê Lợi, hai vấn đề được đặt ra. Thứ nhất, toán tráng được thành lập cho sinh viên Viện Đại Học hay cho cả những người bên ngoài. Thứ hai, tráng sinh mặc quần short hay quần dài. Buổi họp đi đến kết luận : Trước hết lập một toán tráng chỉ gồm sinh viên thuộc viện Đại Học Đà Lạt. Tên của toán tráng là THỤ NHÂN. Sau này sẽ thành lập thêm nhiều toán tráng cho nhiều thành phần trong lãnh thổ thành phố Đà Lạt và phụ cận để thành lập một tráng đoàn. Tên của tráng đoàn là Tráng đoàn HÙNG VƯƠNG. Buổi họp quyết định mặc quần dài thay vì quần short. Quyết định này trái với qui định về đồng phục của Hướng Đạo Việt Nam. Các ngành Ấu, Thiếu, Tráng mặc quần short. Chỉ có ngành Kha được mặc quần dài. Sau nhiều lần thuyết phục gay go với các trưởng đạo Lâm Viên với lý do chân của các tráng sinh khẳng khiu, trời Đà Lạt lạnh lẽo. Cuối cùng toán THỤ NHÂN được đạo Lâm Viên cho phép mặc quần dài. 

Buổi cắm trại đầu tiên của toán THỤ NHÂN tại thác Cam Ly chỉ kéo dài từ sáng đến chiều. Số người tham dự buổi trại đầu tiên chỉ có bẩy người : Lê Đường, Nhữ Văn Trí, Nguyễn Viết Dũng, Đan Đình Soạn, Châu Tuấn Xuyên, Trần Anh Tuấn và Trần Tiễn Tuấn. Buổi cắm trại đầu tiên đã bắt đầu cho tương lai sẽ đóng góp cho phong trào Hướng Đạo có thêm một tráng đoàn và cho Viện Đại Học Đà Lạt có thêm một sinh hoạt giáo dục mới. 

634186330019360013_236x268

634186332395725933_308x400

Một nhân vật xuất hiện như một cứu tinh của sinh viên học hàm thụ và sinh viên đến lớp không đều như tôi : anh Trần Quang Cảnh. Anh Cảnh là cựu sinh viên trường Luật nên anh có kinh nghiệm trong việc in ấn bài học cho sinh viên. Trong việc in ấn bài học, anh Cảnh không những giúp ích cho sinh viên mà còn đóng góp cho Viện Đại Học Đà Lạt một hình thức tổ chức mới lạ. Anh Cảnh thành lập một hợp tác xã mang tên HỢP TÁC XÃ SIVIDA . Sivida viết tắt Sinh Viên Đà Lạt. Hợp Tác Xã SiViDa chuyên lo việc in ấn bài học cho sinh viên. Anh Cảnh hoàn thành một bản nội qui cho Hợp Tác Xã . Bản nội qui là căn bản pháp lý. Bản nội qui gồm nhiều điều khoản liên quan đến việc tổ chức và điều hành hợp tác xã Sivida. Điểm xuất sắc nhất của bản nội qui là điều khoản qui định về bầu cử ban điều hành và ban kiểm soát hàng năm. Có thể nói SIVIDA là tổ chức kinh doanh đầu tiên của sinh viên Trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp. Viện Đại Học đã hổ trợ cho việc thành lập hợp tác xã sau khi thông qua bản nội qui. Viện đã cung cấp cho hợp tác xã Sivida một văn phòng và dụng cụ in ấn . Văn phòng hợp tác xã Sivida là nhà tiền chề bằng sắt được đem đến đặt ở sườn đồi ngang với giảng đường Spellman. Anh Cảnh là chủ tịch ban điều hành nhiệm kỳ đầu tiên của hơp tác xã. Ban điều hành và ban kiểm soát gồm Lê Thanh Tâm, Huỳnh Thoảng, Nguyễn Đình Cận đều là sinh viên ở lầu IV và lầu V nam đại học xá cùng lầu với anh Cảnh. Điều đó cũng là điều tất nhiên. Những tháng đầu tiên, mọi người chân ướt chân ráo ở một thành phố lạ còn bỡ ngỡ và chưa quen nhau . Có người ra gánh vác một công việc hữu ích là điều may mắn hiếm có. Công của anh Cảnh lớn, nhưng có lẽ do giá phí bài học hơi đắt và vì anh là người đứng mũi chịu sào nên bạn bè đặt cho anh tên không đẹp Cảnh Lái Cours. Thật là oan cho anh. Sivida là một hợp tác xã có nhiều người được sinh viên bầu ra, có ban kiểm soát chứ đâu phải một mình anh. Hợp Tác Xã Sivida hoạt động đã vào nề nếp tốt đẹp về mặt cung cấp bài học và tài liệu cho sinh viên cũng như về mặt tài chánh cho hợp tác xã . Năm học sau, việc bầu cử ban điều hành hợp tác xã Sivida chắc chắn sẽ sôi nổi.

Bạn bè đặt tên cho nhau nhiều khi không phản ảnh đúng sự thật như trường hợp anh Trần Quang Cảnh. Nhiều tên gây hiểu lầm cho người được hay bị đặt tên. Ba anh Trần Hữu Độ, Nhan Kim Hòa, Nguyễn Phi Hùng hiền như Bụt, đẹp trai, mặt mày phúc hậu đươc gán cho tên TAM QUÁI . Ai nghe biệt danh cũng tưởng ba anh là những tay phà làng phá xóm . Ba anh cao lớn, trắng hồng như những ông Tây. Ba anh đều tốt nghiệp trung học trường Tây, trường giòng nên tác phong ăn nói lịch sự hòa nhã . Nếu gập và nói chuyện với ba anh thì phải gọi ba anh là TAM BỤT thay vì TAM QUÁI . Tại sao bạn bè lại gán cho tên TAM QUÁI cho ba anh. Ba anh gắn bó với nhau như hình với bóng, đi đâu cũng đi với nhau . Thân hình to lớn, đi hàng ngang không đi hàng dọc nên ba anh luôn luôn chiếm hơn một nửa bề ngang con đường Võ Tánh. Một buổi sáng, con đường Võ Tánh nhộn nhịp sinh viên đi học. Chiếc xe lam chở đầy nữ sinh viên nữ Đại Học Xá Kiêm Ái từ ngoài phố đi vô viện. Chiếc xe lam chạy chậm sau lưng ba anh. Anh tài xế xe lam phải bấm còi hai lần để xin vượt qua, một anh đi sau ba anh la lớn: Ba thằng quái đản đi nghêng ngang giữa đường… lúc đó ba anh mới tạt vô lề đi hàng một. Sự kiện này chắc cũng phải xẩy ra hai ba lần do đó mới có tên TAM QUÁI. Nhưng cũng có người bảo ba anh có tên Tam Quái do Độ, Hòa và Hùng thường đến lớp sớm và chiếm ba ghế của những hàng đầu. Những người ngồi sau nhìn ba cái lưng như ba tấm phản nên bực mình và gán tên Tam Quái cho ba anh …

Thông thường thì ai cũng dị ứng với tên bạn bè đặt cho mình. Nhưng không phải dễ được bạn bè đặt cho một tên. Cả trăm người thì chỉ có khoảng năm sáu người có biệt danh do bạn bè đặt. Nhiều người tự đặt cho mình một biệt danh nhưng không được chấp nhận . Chẳng hạn anh Hùng có vài sợi râu xưng là Hùng Râu . Không ai gọi anh là Hùng Râu mà gọi anh là Hùng Trâu Bò lý do mỗi lần đi trại công tác xã hội, anh đào giếng, xây nhà, đắp đường không mệt mỏi suốt ngày không thua gì con trâu cầy ruộng . Lý do thứ hai đã có người được anh em tặng cho chữ Râu là Sơn Râu. Phái nam có biệt danh. Phái nữ không có biệt danh, nếu có thì rất hiếm và không phổ biến rộng rãi . Điều này chứng tỏ tinh thần tôn trọng nữ giới của nam sinh viên. Có hai cô mà ai cũng phải chú ý nên ai cũng biết tên, nhưng hai cô không được gắn biệt danh. Những chiếc xe lam đổ nữ sinh viên Kiêm Ái trước cổng viện. Từng nhóm nữ sinh viên đi vô cổng viện để đi đến giảng đường Spellman. Hai cô tách khỏi đám đông và đi tụt lại đằng sau. Gương mặt hai cô tươi xinh như hoa Lan, hoa Huệ . Một cô thì cao hơn thước bẩy, một cô thì chưa tới thước năm. Hai cô thân nhau vì cùng ở nữ đại học xá Kiêm Ái và cùng chơi trong ban nhạc của nữ đại học xá Kiêm Ái. Hình ảnh một cao một thấp thì ai có thể quên được vậy mà không ai tìm ra một biệt danh cho hai cô. Thật đáng tiếc cho hai cô, có một biệt danh không phải là dễ.

 Một cô sinh viên văn khoa có tên mà ai cũng đoán được cô ta là người Quảng Trị . Cô cao khoảng thước bẩy, thân hình cân đối, mặt xinh xắn nhưng nghiêm nghị . Cô thường đi đến trường một mình. Tôi chưa thấy cô đi với bạn gái hay trai. Cô nổi bật nhờ mái tóc dài đến gần khủy chân. Tôi tưởng tượng một đêm khuya trăng sáng , cô mặc áo dài trắng và đi trên đồi Cù thì truyện Liêu Trai Chí Dị, những truyện ma ở Nghĩa Địa Đà Lạt, ở đồi Domain Marie, ở đường Trần Bình Trọng sau bệnh viện Đà Lạt, hay truyện cô giáo Thảo hiện hình ở hồ Than Thở không còn làm ai rởn tóc gáy nữa.

Một cô có tên rất nghe rất lạ Oanh Trảo. Oanh là con chim Oanh, Trảo là móng vuốt. Oanh Trảo có nghĩa là móng vuốt của con chim Oanh. Tôi không tìm được trong tự điển danh nhân điển tích một người phụ nữ nào có tên Oanh Trảo, cũng không tìm được một điển tích nào có hai chữ oanh trảo. Tôi thật kính phục bậc sinh thành của cô Oanh Trảo. Họ phải là những văn sĩ hay thi sĩ và có kiến thức rộng mới có thể đặt được cho con gái tên thật lạ và thật hay. Cô Oanh Trảo đẹp như con chim Oanh. Cô dịu dàng, hiền hậu như móng vuốt của con chim Oanh. Móng vuốt của chim oanh không độc ác như móng vuốt của hổ, beo, sói . Móng vuốt của chim oanh chỉ để vỗ về tha nhân với tấm lòng nhân ái . 

Đó là những nhân vật gây ấn tượng cho tôi trong tháng đầu tiên bỡ ngỡ.

Một buổi sáng tháng mười hai, ông Chữ gập tôi ngay tại cửa lớp đệ tứ A, ông nói với tôi:
- Sau giờ dạy, cậu đến văn phòng gặp tôi.
- Dạ
Dạy xong hai giờ toán, tôi đi đến văn phòng để gặp ông Chữ. Trong văn phòng, ông Chữ đang nói chuyện với anh Khoáng, giáo sư Việt Văn. Anh Khoáng là sinh viên Văn Khoa. Anh lớn hơn tôi sáu tuổi. Anh thuê basement của villa mầu hồng cũng nằm trên đỉnh đồi Lữ Quán Thanh Niên xa phòng chúng tôi chừng năm chục mét. Chúng tôi thường gọi là Lầu Hồng vì biệt thự quét vôi màu hồng. Ông Chữ chỉ ghế cho tôi ngồi cạnh anh Khoáng. Ông nói:
- Chúng tôi có chuyện cần bàn với cậu. Cậu đoán được chúng tôi bàn chuyện gì với cậu không ?
- Thưa không ?
- Thử đoán xem
- Chuẩn bị tất niên cho các em
- Không ? Cho cậu thử lần nữa
Tôi cười và nói đùa:
- Anh Khoáng lấy vợ
Ông Chữ cười lớn:
 - Đúng không Khoáng ?
- Đúng một phần tư.
- Tôi hiểu ý anh Khoáng. Một phần tư là mở đề, hai phần tư là thân bài, một phần tư còn lại dành cho Thanh kết luận. Đúng vậy không Khoáng?
- Thưa đúng như vậy.
- Phần mở đề là anh Khoáng về Nha Trang lấy vợ. Anh phải ở lại Nha Trang để phụ giúp ông nhạc trông coi một cơ sở sản xuất. Anh Khoáng không trở lại Đà Lạt. Thân bài là chúng ta phải tìm một người thay anh Khoáng. 
Ông Chữ nhìn thẳng vô mắt tôi và nói:
- Người ấy là anh.
Tôi giật mình sửng sốt, tôi nói:
- Ông biết tôi đậu tú tài ban B, không phải ban C. Tôi chưa từng dạy Việt Văn. Tôi không dám nhận.
- Tôi biết cậu sẽ từ chối. Tôi biết khả năng dậy toán của cậu còn về Việt văn tôi không rõ, nên tôi không có ý kiến. Nhưng anh Khoáng là người gần gủi cậu hơn tôi. Anh khẳng định cậu sẽ là một giáo sư Việt Văn giỏi. Anh Khoáng kể với tôi: Anh Khoáng và cậu tối thứ sáu, thứ bảy nào cũng ngồi uống trà và đàm đạo văn thơ. Anh Khoáng nói cậu thuộc cả ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu thơ Kiều, ba trăm năm mươi sáu câu thơ Cung Oán Ngâm Khúc. Có phải vậy không?
- Anh Khoáng nói đùa. Một lần tôi đọc câu đầu và câu cuối của truyện Kiều
 Trăm năm trong cõi người ta 
 Mua vui cũng được một vài trống canh.
Từ đó anh Khoáng nhạo tôi thuộc ba ngàn hai trăm năm mươi mốt câu thơ Kiều. Dạy Việt Văn rất khó. Người dạy phải có kiến thức rộng, biết nhiều điển tích, danh từ Hán Việt, thông hiểu Phật Nho Lão giáo, lịch sử, địa lý, thân thế giòng họ tác giả … Tôi không đủ điều kiện để trở thành một giáo sư Việt văn. 
- Có đúng như vậy không anh Khoáng?
- Thanh kiến thức rộng, thuộc nhiều điển tích, có óc tổng quát, có óc phân tích sâu sắc. Thanh có tài nói khôi hài rất tỉnh. 
- Tôi đề nghị anh Khoáng có ý kiến để giúp đỡ Thanh dễ dàng trong việc dạy Việt Văn.
- Tôi sẽ đưa cho Thanh tất cả cái gì tôi có. Sách vở, tài liệu, chương trình giảng dạy, dàn bài chi tiết. Lợi điểm của Thanh là các em học sinh đều rất thương mến Thanh.
- Nếu Thanh nhận lời thì Thanh sẽ đảm trách dạy Việt Văn hai lớp đệ ngũ, hai lớp đệ tứ. Dạy toán hai lớp đệ tứ, các giờ toán của hai lớp đệ ngũ tôi sẽ dạy. Thay cậu dạy toán hai lớp này không phải dễ. Học trò rất chịu cậu. Bây giờ đến phần kết luận. Cậu kết luận, rồi chúng ta đi Thủy Tạ uống cà phê.
Tôi im lặng. Ông Chữ nói:
- Ngày đầu tiên, tôi gặp cậu. Cậu yêu cầu tôi chấp thuận cho cậu dạy thử một lớp trong một tuần. Tôi đã chấp thuận. Bây giờ tôi yêu cầu cậu dạy Việt Văn một lớp đệ tứ trong một tuần. Cậu kết luận rồi chúng ta đi ra Thủy Tạ uống cà phê.
Tôi bị ông Chữ chiếu bí.
- Thưa được.
Ba chúng tôi đến Thủy Tạ uống cà phê.

Tôi chuẩn bị thật kỹ cho hai giờ dạy Việt Văn đầu tiên. Tôi có hai ngày để chuẩn bị. Sau giờ học tại giảng đường Thụ Nhân, chờ mọi người ra về, chỉ còn lại một mình tôi. Trời tháng mười hai lạnh và tối nhanh. Mới gần bẩy giờ mà trời đã sẩm tối. Tôi lên bục giảng, tôi tập giảng bài Việt Văn. Tôi tập đi tập lại dàn bài chi tiết của bài giảng cho tới tận chín giờ tối. Tôi trở về Lữ Quán. Lên đến đồi Lữ Quán, tôi đứng nhìn qua chùa Linh Sơn. Tôi thèm được nghe tiếng chuông chùa. Từ khi đến Đà Lạt tôi chưa được nghe tiếng chuông chùa Linh Sơn. Hai tháp nhỏ, cây si to trước sân chùa thật tĩnh lặng. Chùa thiếu tiếng chuông. Tôi nhớ tiếng chuông chùa Thiên Mụ. Tôi không phải chỉ nghe tiếng chuông chùa Thiên Mụ, tôi còn nhìn được tiếng chuông. Tôi nhìn thấy tiếng chuông lướt nhẹ và chậm trên mặt nước sông Hương. Tiếng chuông đi, đi thật xa. Tiếng chuông trở về và nằm trong hồn tôi. Tiếng chuông của Bồ Đề Lạt Ma. Ngài đưa tiếng chuông đi trên dòng sông Hương. Ngài đưa tiếng chuông vào tâm hồn người Huế. Tôi nhớ câu thơ của Hồ Phùng, bạn học thời Quốc Học :
Đâu những chiều qua xóm Ngự Viên
Lao xao mặt nước, bóng con thuyền
Văng vẳng tiếng chuông chùa Linh Mụ
Trong Huế và ta đượm gió thiền
 Đại Tâm - Hồ Phùng

Tôi nhìn qua đồi Domain Marie. Ánh đèn điện vàng thật ấm cúng. Tôi nhìn bầu trời cao thăm thẳm đầy sao. Tôi thèm được thấy một ngôi sao băng mà tôi được thấy nhiều lần tại bờ biển Thanh Bình, bờ biển Lăng Cô, bờ biển Cửa Đại. Ngôi sao hôm lấp lánh phía núi Lâm Viên. Núi Lâm Viên như viên ngọc khổng lồ giữa không gian bao la. Tôi bâng khuâng nhớ Quê Hương miền Trung. Quê Hương Miền Trung của tôi trải từ Thừa Thiên vô Quảng Nam. Tôi nhớ ba mạ tôi. Tôi nhớ Hoa. Tôi chắc chắn cả ba người cũng đang nhớ thương tôi. 

Tôi vô phòng. Đứng ngoài trời lạnh lâu nên cảm thấy trong phòng thật ấm. Ba thằng bạn cùng phòng đang nằm trong chăn đấu láo. Chúng đang đánh giá các cô nữ sinh Bùi Thị Xuân. Chúng nó đang nói về cô Hoà, cô Thuận, cô Tường Vi, cô Hồng Quế ... Tôi nói:
- Đi ăn mì bồ câu.
- Lạnh lắm. Nằm trong chăn sướng hơn
Tôi kéo chăn chúng:
- Ngày mai không có giờ học, tha hồ ngủ
Chúng tôi rủ thêm Tiền, Tâm, Bách, Hùng. Tất cả tám đứa chúng tôi đi xuống đường Phan Đình Phùng bằng đường đi ngang qua chùa Linh Sơn và Hợp Tác Xã Rau. Chúng tôi nói nhỏ, cười không lớn vậy mà âm thanh vang rất rõ trong không gian im ắng. Đi qua lò bánh mì Chấn Hưng trên đường Phan Đình Phùng, mùi thơm của bánh mì mới ra lò khơi dậy sự thèm ăn của chúng tôi. Chúng tôi vô lò bánh mì mua mỗi đứa một ổ. Chúng tôi vừa đi vừa bẻ từng miếng bánh mì nóng và thơm bỏ vô miệng nhai rất từ tốn. Những lần trước, thường vào quãng nửa đêm, đi rong chơi hoặc đi xem phim về, chúng tôi mua bánh mì và đem bánh mì đến tiệm mì bồ câu cũng nằm trên đường Phan Đình Phùng. Chúng tôi chấm bánh mì vô nước của tô mì bồ câu để ăn. Nuốt miếng bánh mì thẫm nước mì qua thực quản thấy ấm cả người và ngọt lên cả mắt. Mục đích chính của chúng tôi là no. Ăn bánh mì với tô mì bồ câu thật tuyệt, vừa ngon lại vừa no bụng. Bước vô tiệm mì bồ câu, tôi thấy Đạt và Bình đang ngồi ăn. Trên bàn của Bình và Đạt còn có hai chai bia. Tôi nói:
- Ăn uống linh đình. Thắng lớn phải không ?
- Thua cháy túi chứ thắng gì ? Đi ăn để đổi vận, rồi về phục thù.
Ăn xong chúng tôi lên đường Minh Mạng để đến khu Hòa Bình. Trên đường đi chúng tôi gập hai ba nhóm bạn học cùng lớp. Nhóm bốn đứa mới bước ra từ quán cà phê Sakura, nhóm hai ba đứa đang đứng chung quanh chiếc xe đẩy uống sữa đậu nành. Nhóm bốn năm đứa đi ra từ đường Trương Vĩnh Ký là đường đi vô Đại Học Xá Kiêm Ái . Tôi đoán bọn họ vừa ăn chè, cháo, xôi tại những quán ở góc đường Trương Vĩnh Ký và Duy Tân. Một toán bốn đứa đang đứng trước rạp xi nê Hòa Bình. Đến gần cà phê Tùng, tôi nghe tiếng gọi:
- Thanh
Anh Khoáng đi đến vỗ vai tôi và nói:
- Vào cà phê Tùng, uống với mỏa ly cà phê rồi về. 
- Hơn mười một giờ rồi.
- Chưa tới mười hai giờ. Còn sớm. Vô ngồi uống với mỏa ly cà phê.

Tôi và anh Khoáng vô tiệm cà phê Tùng. Chúng tôi ngồi nói chuyện đến gần nửa đêm. Tôi không dám dục anh Khoáng về. Tôi biết anh Khoáng buồn vì hai hôm nữa anh xa thành phố Đà Lạt và chấm dứt cuộc đời cắp sách đến trường. Tôi mới đến thành phố này mấy tháng mà đã thấy trong tôi đã chớm nở một tình quyến luyến thành phố Đà Lạt, huống chi là anh Khoáng đã sống bốn năm tại thành phố này. Anh Khoáng vẫn nhớ những ngày tháng chưa có trường Chính Trị Kinh Doanh. Anh gọi đó là những ngày tháng Trinh Nguyên của Đà Lạt. Anh nói những ngày tháng đó Đà Lạt thơ dại nên rất hiền hậu, trong trắng, ngây ngô. Anh nói Đà Lạt có năm ngàn biệt thự, không biệt thự nào giống biệt thự nào. Đà Lạt có những trường học xinh đẹp nổi tiếng Yersin, Couvent Des Oiseaux, Adran. Biệt thự, trường học đẹp là của những giới giầu sang khiến cho anh Khoáng có cảm tưởng mình đang được học tại thành phố nào đó tại phương Tây. Anh khẳng định, anh như được sống tại khu sinh viên Monmartre của thành phố Paris, nước Pháp mặc dầu anh chưa xuất ngoại lần nào. Khu Lữ Quán Thanh Niên – Võ Tánh bây giờ không khác gì khu Monmartre Paris. Đà Lạt có những cái sang trọng lịch thiệp của phương Tây. Đà Lạt cũng có những cái bình dị đáng yêu. Những buổi sáng sớm Đà Lạt, sương còn vương vấn trong những khu rừng thông thưa, những nhóm người Thượng dắt dìu nhau mang những bó củi thông dùng để nhóm bếp, những cây hoa lan hái được trong rừng. Họ bày gủi và hoa trên vỉa hè đối diện với vũ trường Tulipe Rouge tại chợ Đà Lạt để bán cho những ai cần dùng . Họ có những đôi mắt to như mắt nai, chất phát ngây thơ, không hận thù. Đà Lạt cũng là nơi tập hợp của những dân tứ xứ nghèo đến lập nghiệp. Họ đến từ Miền Bắc, miền Thanh Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên, Nam Ngãi. Những con người cần cù, nhẫn nại, thật thà. Những người di dân đã khai phá, xây dựng Đà Lạt với tấm lòng quả cảm và trái tim trong sáng : sống bằng sức lao động. Biệt Thự, trường học của giới quí phái tạo cho Đà Lạt phong thái lịch thiệp sang trọng của phương Tây. Người Thượng, người di dân đã tạo cho cao nguyên Lâm Viên sinh động hơn, thật thà chất phát. Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt đem đến cho Đà Lạt một niềm tin, một cảm giác an toàn được bảo vệ, được che chở. Sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh mang lại cho Đà Lạt một nguồn sinh khí tươi trẻ khiến Đà Lạt nhộn nhịp hơn, vui tươi hơn, trưởng thành hơn. Anh kết luận : “ Cái gì cũng phải đổi thay. Đó là luật của tạo hoá. Không có đổi thay thì anh em mình không gập nhau. Cái cũ dễ thương và cái mới cũng đáng yêu. Ước mong mọi người giữ cho núi rừng Đà Lạt mãi mãi xinh đẹp, trong sáng, thật thà, phúc hậu “.

Tôi hỏi anh Khoáng
- Đà Lạt có nhiều cảnh đẹp và thơ mộng, nhưng anh thích cảnh gì…..nhất, hay cái gì của Đà Lạt gây ấn tượng cho anh nhất
Anh trả lời
- Câu hỏi dễ trả lời, nhưng nếu trả lời thì khó được chấp nhận vì Đà Lạt là một tổng thể nhiều cái đẹp của thiên nhiên và của con người. Trong tất cả những cái đẹp của Đà Lạt, rừng thông gây ấn tượng cho anh nhất. Phải nói anh mê say rừng thông Đà Lạt. Rừng thông chiếm gần trọn diện tích Đà Lạt. Đứng bất cứ nơi nào ngoài trời ở Đà Lạt, người ta cũng nhìn thấy cây thông. Rừng thông, chứ không phải cây thông, là biểu tượng của Đà Lạt. Một vị linh mục người Pháp, cha Pierre, đã chỉ cho anh thấy được cái đẹp của rừng thông Đà Lạt mà trước đó anh chưa cảm nhận được. Cha Pierre nói với anh :” Tôi đã đi khắp Âu Châu, đi khắp miền Nam Việt Nam, tôi chưa thấy nơi nào có rừng thông đẹp và thơ mộng như rừng thông ở Đà Lạt”. Cha Pierre giải thích :” Cây thông Đà Lạt có hai đặc tính khác với cây thông ở phương Tây. Thứ nhất cây thông Đà Lạt cứng cáp, rắn chắc hơn cây thông Âu Châu. Khác biệt thứ hai là lá thông phương Tây không có lỗ hổng nên không gây được tiếng kêu vi vu khi gió thổi. Những lá kim của thông Đà Lạt có những lỗ khổng, nhất là ở Đà Lạt có loại thông năm lá có nhiều kẽ hở hơn thông hai lá, ba lá, gió thổi qua những kẽ hở gây lên tiếng vi vu trong không gian tĩnh lặng. Rừng thông Đà Lạt khác rừng thông phương Tây. Rừng thông Đà Lạt thưa nên rừng khô ráo, ấm áp và có ánh nắng chan hòa. Còn rừng thông Âu Châu dầy kìn kịt nên ẩm ướt, đôi khi đi trong rừng mà không nhìn thấy trời mây. ” Cha Pierre nói về rừng thông Đà Lạt :” Đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt, tới Định Quán bắt đầu thấy cây thông, nhưng thông mọc thưa thớt. Cây thông ở Định Quán là cây thông hai lá. Lên đến Bảo Lộc, Di Linh, nơi này có nhiều thông hơn Định Quán. Thông ở đây là loại thông ba lá. Bảo Lộc, Di Linh không có rừng thông. Có thể do người ta phá rừng thông để làm đồn điền trà và cà phê. Dọc quốc lộ 20, từ Bảo Lộc tới Di Linh có những khu rừng thông mới trồng. Rừng thông mới nên không đẹp vì thông còn non chưa có cành dài và được trồng gần nhau tại vùng đồi không có núi đá. Người càng già thường thì càng xấu, cây càng già thường thì càng đẹp. Qua khỏi Liên Khương ta mới thấy rừng thông nguyên thủy. Đến thác Prenn, ta thấy cái tuyệt đẹp của cây thông và rừng thông. Thông ở đây có thông hai lá, ba lá hoặc thông năm lá. Tùy theo thế đất mà cây thông có hình dáng khác nhau do tác động của gió và thế đất. Khu thác Prenn là khu có nhiều vách đá nên có nhiều cây thông có hình dáng đẹp. Cây thông đứng cheo leo trên vách đá. Mền mại từ thân cho đến cành, nhưng vẫn thấy vững chắc. Ở đây ta nghe tiếng suối chảy và tiếng thông reo. Thông reo hay thông hát. Tiếng thông reo như tiếng đàn violon, tiếng suối chảy như tiếng đàn piano đệm cho hàng trăm con chim cất tiếng hát vang lừng nhưng êm ái. Buổi sáng nắng mới và sương, buổi trưa nắng chan hòa và gió nhẹ, buổi chiều mơ màng và êm ái, buổi tối thanh tịnh. Rừng thông Đà Lạt lúc nào cũng đẹp. Ngày nắng rừng thông đẹp, ngày mưa rừng thông vẫn đẹp. Nhìn mưa phủ mờ rừng thông êm ả và buồn nhè nhẹ . Rừng thông có vẻ đẹp nhẹ nhàng êm ái khiến tâm hồn con người thảnh thơi an lạc… Đi trong rừng thông trong ngày nắng ấm hay ngồi dưới gốc thông già, nghe chim hót và chợt nhìn thấy một đóa hoa lan trên ngọn thông cao, thật cao. Nhìn đóa hoa lan chẳng khác gì trông thấy người mình yêu đang nở nụ cười tươi …”
 

Tôi vô lớp với sự tự tin vì tôi chuẩn bị bài giảng rất kỹ. Tôi nói với cả lớp, tôi dậy thế cho thầy Khoáng một tuần. Tôi giảng bài Kiều và Thúc Sinh. Tôi nói về sự khôn khéo, tâm tình và ước muốn của Kiều. Tôi tạo được nhiều tràng cười. Sau khi cười, cả lớp im lặng nghe tôi nói. Giảng xong, tôi cho bài tập về nhà làm. Tôi nói:
- Đề tài bài tập: ”Các trò viết lại đoạn thơ này bằng văn xuôi”. Các trò viết lại được, diễn tả lại được đoạn thơ này bằng văn xuôi là các trò hiểu bài. Nhớ không được viết dài quá một trang giấy. Viết dài chưa hẳn là hay. Các trò phải tìm chữ và gọt dũa câu văn cho gọn và dễ hiểu.
- Thầy Khoáng về Nha Trang lấy vợ. Thầy Khoáng không trở lại Đà Lạt. Thầy dậy luôn chúng em, nghe thầy. 
Học trò đã biết anh Khoáng về Nha Trang lấy vợ và không trở lại Đà Lạt. Tôi không trả lời. Tôi vừa ra khỏi lớp, ông Hiệu Trưởng đi nhanh tới vỗ vai tôi:
- Khá lắm. Cậu dậy hấp dẫn và dễ hiểu. Lên xe đi ăn phở với tôi.
Trên đường đi đến tiệm phở, ông Chữ nói:
- Tôi đứng ngoài nghe cậu giảng. Cậu giảng hấp dẫn đến nỗi tôi quên cả công việc của tôi. Bây giờ tôi yên chí đã tìm được người thế anh Khoáng.

Vô tiệm phở Bằng, ông Chữ nói với bà chủ:
- Hai tô như thường lệ. 
Cách gọi, cho biết ông Chữ chỉ ăn phở của tiệm Bằng. Tiệm phở nào ở thành phố Đà Lạt cũng ngon. Tôi đã ăn phở hầu hết các tiệm phở Đà Lạt. Chỉ trừ tiệm phở gần ga Đà Lạt là tôi chưa ăn vì ở xa trung tâm thành phố. Nhận được bưu phiếu của gia đình, mấy đứa bạn tôi đi lãnh bưu phiếu ở Bưu Điện thường rủ nhau đi cả bọn bốn năm đứa. Lãnh tiền xong, chúng tôi đi qua đường Nhà Chung ngay trước Bưu Điện ăn một tô phở Bưu Điện rồi về đường Phan Đình Phùng tắm nước nóng tại tiệm đối diện với rạp xi nê Ngọc Hiệp. Tôi thường ăn Phở Bằng . Phở Bằng là tiệm phở lâu đời nhất tại Đà Lạt và nấu đúng theo cách nấu phở Hà Nội. Có lẽ vì vậy ông thiếu tướng Kỳ thường đến ăn tại phở Bằng mỗi lần ông ta lên Đà Lạt. Nước dùng của phở Bằng rất trong. Đến ăn phở vào buổi tối nước dùng vẫn trong như nước suối mặc dù nồi nước dùng lúc ấy gần cạn. Phở Bằng lại có đĩa rau trông thấy cũng ngon. Rau xà lách xoăn ăn dòn, hơi đăng đắng, ngọt mát. Đĩa rau của phở Bằng chỉ có rau ngò tây, rau quế, rau xà lách xoăn và không giá sống hay giá trụng. Chúng tôi ăn phở Đắc Tín để được cô con gái bà chủ phục vụ. Tôi không biết tên cô nên gọi cô ta là cô bé Đắc Tín. Cô bé Đắc Tín còn có một cô chị và một cô em, nhưng cô là người chúng tôi thường thấy nhất. Cô bé Đắc Tín là cô gái nhỏ nhắn, da trắng như tuyết, môi đỏ như son. Tường là khách hàng trung thành của tiệm phở Đắc Tín. Đi theo Tường lãnh bưu phiếu ở Bưu Điện, chúng tôi không bao giờ được Tường cho ăn phở Bưu Điện. Đến chủ nhật, Tường mời tụi tôi ăn phở Đắc Tín. Lý do cô bé Đắc Tín học trường Couvant des Oiseaux nên chỉ có ngày chủ nhật để cô ta giúp gia đình tại tiệm phở.

Phở Bằng, phở Đắc Tín ở trên đường Hàm Nghi. Phở Tùng cũng ở đường Hàm Nghi ngay bến xe chở khách trong tỉnh Tuyên Đức. Phở Tùng mới mở ngay ở bến xe Đà Lạt đi Trại Hầm, Trại Mát, Tùng Nghĩa và các vùng lân cận quanh thị xã. Thỉnh thoảng di dậy học khuya về tôi ghé ăn phở Tùng vì phở Tùng đóng cửa muộn hơn phở Bằng và Đắc Tín.

Tôi thích ăn phở Ngọc Lan ở bến xe đi các tỉnh Sài Gòn, Nha Trang. Tô phở Ngọc Lan lớn hơn tô phở của các tiệm khác, miếng thịt nạm dầy mền và thơm, gầu vàng óng cắn và nhai thấy dòn dòn và ngon ngọt, vè trắng phau và dòn, đặc biệt là hành củ ngâm dấm khách nào cũng thích. Ăn phở Ngọc Lan tôi lại được ưu tiên. Vô tiệm là có phở ăn ngay. Sở dĩ tôi có ưu tiên này vì cậu con trai ông chủ tiệm, Hưng, là học trò lớp đệ tứ B của tôi. Thấy tôi , Hưng nói nhỏ gì với bố, lát sau Hưng bưng phở cho tôi và nói:
- Phở của thầy.
Sau đó, Hưng mới bưng phở cho mấy đứa bạn đi cùng tôi. So sánh tô phở của tôi với tô phở của mấy đứa bạn thì tô phở của tôi hấp dẫn hơn hẳn. Tô hoa văn đẹp hơn, nhiều thịt hơn, tô phở to hơn. Tôi không biết tô phở của tôi gọi là tô phở gì. Bạn bè tôi, đứa thì gọi phở tái nạm gầu, đứa thì gọi tái nạm gân, đứa thì gọi tô tái nạm gầu gân gối sách sụn. Còn tô phở của tôi thì gồm đủ thứ. Tôi hỏi Hưng:
- Thầy gọi tái nạm gầu, tô này có phải là tái nạm gầu không?
Hưng trả lời :
- Bố em làm tô Đặc Biệt.
Bạn tôi nói rằng tôi chưa đi làm việc mà đã có máu ăn hối lộ. Tôi cho Hưng điểm nới để được tiếp đãi hậu hĩnh hơn. Một lần tôi nói với Hưng:
- Thấy tôi vô ăn phở, trò nói chi với ba trò
- Em nói với bố em :’’Bố, thầy con”
- Tôi chỉ là khách như mọi người khác. Trò làm như vậy trò không sợ người khác phiền lòng sao?
- Bố em với em chỉ làm bổn phận.
- Nói cho tôi rõ bố trò và trò làm bổn phận gì vậy?
- Bổn phận với thầy
- Lần sau trò đừng làm như rứa. Bạn bè tôi nói tôi ăn hối lộ. Tôi cho trò điểm nới
- Bạn thầy nói đùa. Cả lớp thương thầy chứ phải mình em đâu. Cả lớp biết thầy tận tâm và công bằng.
- Nhưng trò đừng làm như rứa. Không công bằng.
- Người Việt Nam, ai cũng làm như bố em và em. Không thầy đố mày làm nên mà thầy.
Ăn phở Ngọc Lan hai ba lần, sau đó tôi không đến ăn phở Ngọc Lan nữa vì sợ bị mang tiếng lợi dụng học trò.

Ngồi ăn phở với ông Chữ. Ông Chữ vui mà tôi cũng vui. Ông Chữ nói:
- Cậu giảng rất hấp dẫn. Trong việc dạy Việt Văn, cậu có hai điểm hay. Thứ nhất gợi ra câu hỏi để học trò có ý kiến tranh luận. Thứ hai là cậu ra bài tập viết lại bài thơ bằng văn xuôi. Viết lại bài thơ bằng văn xuôi, học sinh viết theo ngôn ngữ hiện nay, không phải ngôn ngữ của của thời tác giả.
- Cám ơn lời khen của ông. Tôi học được lối dạy Việt Văn của thầy Hồng, thầy dạy Việt Văn lớp đệ tứ trường Phan Châu Trinh. Dạy Việt Văn rất khó. Người thầy phải làm sao cho học trò cảm xúc được như tác giả đã cảm xúc khi viết ra tác phẩm. Học trò và tác giả ở thời đại khác nhau, cuộc đời khác nhau, trình độ khác nhau, ngôn ngữ diễn đạt cũng khác nhau, cái khó là ở những chỗ đó. Cái khó nữa là làm sao cho học trò không đứng trên quan điểm thời đại ngày nay để phê bình giá trị của tác phẩm được ra đời trong thời đại trước. Thầy Hồng có một điểm rất hay là để cho học trò tự do phát biểu những ý kiến, những suy nghĩ của mình về tác phẩm kể cả những ý kiến trái lại hẳn với ý kiến thường thấy trên các sách giáo khoa. Không ít những bài giáo khoa hay những bài viết của nhiều nhà giáo, nhà văn đã gán ghép cho tác giả những điều mà tác giả không nghĩ đến lúc hoàn thành tác phẩm. Tuy vậy thầy Hồng vẫn thường khuyên chúng tôi khi đi thi thì nên viết theo những quyển sách hướng dẫn làm bài bình luận văn chương hay nghị luận của các nhà giáo nổi danh như Nguyễn sĩ Tế, Nguyễn duy Diễn. Thầy nói không nên viết những ý kiến riêng của mình khác hẳn với lập luận và cách nhìn trên sách giáo khoa. Những bài viết đó dành để viết trên báo chí, tạp chí văn nghệ. 
- Tôi trả cho cậu một trăm đồng một giờ dạy Việt Văn. Năm chục cho một giờ dạy toán.
Tôi ngẩn ngơ không biết mình nghe có đúng khộng ? Tôi nói:
- Tôi cám ơn sự rộng rãi của ông.

Tôi phải làm việc thật vất vả trong những tháng đầu. Học bài cho việc học của mình, học bài cho việc đi dạy. Tôi cảm thấy hạnh phúc, hạnh phúc thật lớn. Hạnh phúc vì tôi đã tự lập. Lương tháng của tôi nhiều hơn lương của ba tôi. Hạnh phúc thứ hai là tôi nhớ ba mạ tôi và tôi biết ba mạ tôi bằng lòng về tôi. Hạnh phúc thứ ba là tôi nhớ Hoa. Tôi biết rằng tôi có khả năng đem cho nàng đời sống không túng thiếu. Hạnh phúc thứ tư tôi đang học tại một đại học đầm ấm tình bạn, tại một thành phố xinh đẹp hiền hòa.

Đầu năm dương lịch, một sự kiện khiến chúng tôi phấn khởi, nhưng người vui mừng nhất phải là thầy Trần Long. Trường đổi tên thành Trường Chính Trị Kinh Doanh thay cho tên dài lòng thòng Trường Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp. Viện nâng chức của thầy Trần Long từ Giám Đốc Học Vụ lên thành Khoa Trưởng. Sự kiện này có nghĩa là trường tôi được nâng cấp ngang hàng với các trường Đại Học Khoa Học, trường Đại Học Văn Khoa. Cùng thời gian này, thầy Trần Long nhận được giấy biệt phái chuyển từ trường Võ Bị Đà Lạt về Viện Đại Học Đà Lạt. Từ nay chúng tôi sẽ không được thấy thầy Trần Long mặc quân phục trên bục giảng.

Mùa xuân về. Hoa đào nở. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy Hoa Anh Đào. Trước đây tôi chỉ biết hoa Đào qua sách vở hay phim ảnh. Hà Nội có làng Nhật Tân chuyên trồng Đào để bán trong dịp tết. Nước Nhật là xứ sở của hoa Anh Đào. Truyện Kiều có những câu thơ về hoa Đào. 
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
Tôi cũng đã đọc giai thoại và bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Thôi Hộ nói về màu hoa đào và má hồng của mỹ nhân. Nhớ câu truyện tình đẹp và thần tiên của Thôi Hộ khiến tôi háo hức muốn được ngắm và được nói chuyện với hoa đào. Câu truyện kể rằng : Thôi Hộ thư sinh đời Đường văn hay chữ tốt nhưng lại lận đận trên con đường khoa cử . Một ngày xuân, Thôi Hộ dạo chơi vùng ngoại ô kinh thành. Khát nước, chàng ghé vô một nhà có vườn anh đào đang nở hoa để xin nước uống. Một giai nhân đem nước cho chàng. Thôi hộ ngơ ngẩn vì sắc đẹp của cô gái. Mùa xuân năm sau, chàng trở lại chốn cũ để tìm người năm trước. Cửa đóng then cài, gọi nhiều lần nhưng không ai mở cửa, Thôi Hộ làm bài thơ và cài bài thơ trên cánh cửa bên trái. Bài thơ như sau:
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Cụ Trần Trọng Kim dịch:
Hôm nay năm ngoái, cửa sài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi
Mặt người chẳng biết đâu rồi
Hoa đào còn đó còn cười gió đông
Người con gái đọc thơ Thôi Hộ. Nàng ngã bệnh và qua đời. Ngay ngày người con gái qua đời, Thôi Hộ chợt đến. Nghe tiếng khóc trong nhà, chàng gọi cửa. Một ông già mở cửa và hỏi chàng có phải là Thôi Hộ không ? Ông lão kể rằng sau khi con gái ông đọc bài thơ của chàng, nàng buồn rầu, ngã bệnh, không ăn uống và chết. Thôi Hộ ôm thây nàng mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh. Ông lão gả con gái cho Thôi Hộ.

Hoa Đào qua sách vở, qua phim ảnh thật đẹp. Hoa đào ngoài thiên nhiên đẹp nhiều lần hơn hoa Đào trong phim ảnh, trong sách vở. Tôi đứng nhìn hoa Đào lòng thấy ngẩn ngơ. Cả một cây toàn là hoa mà tôi vẫn thấy một dáng mong manh thanh thoát. Một cây toàn là hoa mà tôi vẫn thấy hài hòa hiền hậu. Tôi đứng nhìn Hoa Đào. Mặc dầu cả hai im lặng, nhưng thật ra chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều. Tôi hỏi hoa Đào:
- Có màu hồng nào đẹp bằng mầu hồng hoa đào
- Có , màu hồng đôi má mỗi khi thẹn thùng của Hoa con dì Cúc
- Hoa Đào biết Hoa con dì Cúc
- Em là Hoa con dì Cúc
- Có ai hỏi Hoa Đào giống câu hỏi của anh đã hỏi hoa đào không ?
- Có, ông nhạc sĩ Hoàng Nguyên.
- Em trả lời ông Hoàng Nguyên như thế nào ?
- Màu hoa đào đẹp như môi hồng người anh yêu
- Hoa đào biết người yêu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên ?
- Em là người yêu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên
- Răng hoa đào nhiều người yêu rứa ?
- Đâu phải lỗi tại em. Mọi người yêu em và em đáp lại tình yêu của mọi người. 
Một lần ngắm hoa đào, tôi cảm thấy hoa đào buồn :
- Hoa đào có điều chi buồn phải không ?
- Tối thứ sáu tuần trước, một anh Sinh Viên Chính Trị Kinh Doanh vô vườn một nhà ở đường Võ Tánh. Anh ta đốn một cây Anh Đào sát tận gốc. Anh ta đắp đất lên gốc cây đào để phi tang. Sáng hôm kia anh ta đem cây anh đào về Sài Gòn .
- Tha thứ cho anh ta. Anh ta quá yêu hoa Anh Đào nên bầy trò nghịch ngợm … Nhưng làm sao anh ta có thể đem cây đào to về Sài Gòn được . Anh ta đi xe đò hay máy bay về Sài Gòn.
- Anh ta đáp máy bay . Anh ta đem cây đào xuống phi trường Liên Khương .
- Ai cho phép anh ta mang cây đào to lên máy bay
- Anh ta to gan. Anh ta gói cây đào cẩn thận. Anh ta viết bên ngoài : SINH VIÊN VIỆN ĐẠI HỌC ĐÀ LẠT KÍNH BIẾU THƯỢNG TỌA VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO . Anh ta đã đem được cây đào về Sài Gòn để tặng người mẹ yêu quí của anh ta .
- Bà cụ mẹ anh chắc phải mừng đến rơi nước mắt
- Trái lại, bà cụ rơi nước mắt vì buồn . Suốt buổi tối, bà cụ đọc kinh sám hối và xin tha tội cho đứa con ngỗ nghịch của bà . Nể lời bà cụ là người nhân hậu, chúng em đã xá tội cho anh ta .

Hừng sáng sương chưa tan, màu hồng hoa đào thấp thoáng trong sương như nàng tiên mờ mờ ảo ảo. Nắng ấm mùa xuân làm hoa đào rực rỡ, cái đẹp toàn bích của người thiếu nữ của tuổi dậy thì. Hoa đào bay trong gió cũng đẹp. Những cánh đào nằm trên mặt đất cũng đẹp, đẹp hơn những xác pháo hồng trên sân nhà cô gái ngày tân hôn. Tôi phải thận trọng từng bước chân tôi để không đạp lên những cánh hoa đào nằm trên mặt đất.

Đà Lạt tổ chức hội chợ đón tết . Hội chợ tết Đà Lạt được tổ chức tại Khuôn Viên tòa Tỉnh. Đặc biệt hơn các hội chợ tết tại các tỉnh thành khác, hội chợ tết Đà Lạt tổ chức Thi Hoa Hậu. Các trường trung học trong thị xã như Bùi Thị Xuân, Yersin, Việt Anh … gửi mỹ nhân tham dự. Viện đại học Đà Lạt cũng có thí sinh tham gia. Điều ít ai ngờ được hoa hậu và á hậu đều thuộc về hai nữ sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh. Người đoạt vương niệm hoa hậu là một cô gái xứ Mỹ Tho tên Nguyễn Thị Thanh Thủy. Người đoạt á hậu là cô gái Hà Nội tên Trương Thị Phùng. Cả hai cô xinh đẹp ngang nhau, đối đáp nhanh nhẹn duyên dáng như nhau. Cô miền Nam thắng cô miền Bắc nhờ sự cố vấn thẩm mỹ của thi sĩ Ly Sa Nguyễn Văn Sơn. Sơn làm cố vấn cho cô miền Nam. Anh huấn luyện cho cô cách đi đứng, ăn nói đối đáp sao cho nhẹ nhàng duyên dáng, nhờ vậy cô miền Nam đoạt giải hoa khôi. Hai hôm sau, Sơn than với chúng tôi :
- Tao làm cố vấn mỹ thuật cho bà Thủy đoạt giải hoa khôi chẳng được gì mà bị bà Phùng giận. 
 
Hoa Đào đã nở khắp nơi, các bạn tôi rộn ràng sửa soạn về quê ăn tết. Đường vô viện dần dần vắng bóng người. Các giảng đường đóng cửa. Tiếng nói cười vụt biến mất. Lòng tôi buồn bâng khuâng. Tôi vẫn thấy tết chưa về, xuân chưa tới. Riêng tôi, tôi thấy thiếu một cái gì đó, mà phải có cái đó, tôi mới thấy tết. Tôi thiếu những cây mai, những bông mai vàng thân thuộc. Tôi nhớ những cây mai già nở hoa trong các vườn ở Vĩ Dạ, Dương Nỗ, Kim Long … Thấy hoa mai tôi mới thấy tết. Thấy hoa mai tôi mới thấy xuân về. Nhưng tôi biết một ngày nào đó của năm sau, khi thấy hoa đào nở tôi thấy xuân về. Tôi biết chắc chắn như vậy. Tôi về Huế ăn tết. Về Huế, tôi nhìn thấy hoa mai vàng để chắc chắn tết đang đến và cũng để về gập Hoa trong ngày giỗ bà ngoại Hoa.

Sau giờ dậy cuối cùng để nghỉ tết, Tôi rủ Khương đi mua vé máy bay. Khương rủ tôi đi vô viện với nó. Tôi hỏi mục đích vô viện, Khương không nói. Đi tới văn phòng Viện, Khương nói::
- Vô mượn tiền cha Lập.
- Tao có tiền. Mi hết tiền, tao đưa cho mi mượn. Cha Viện biết mi là thằng cha căng chú kiết nào mà dám cho mi mượn tiền.
- Cứ vô với tao. Cha Viện rất tin sinh viên. Có đứa bài bạc hết tiền, nói dối cha Viện để mượn tiền. Tháng trước thằng Tượng thua bài rạt gáo, phải bán hết vé ăn cơm. Tượng nói dối cha Lập rằng hai đứa em lên thăm nó đang ở ngoài khách sạn Ngọc Lan nên nó cần tiền để đưa hai em nó đi du ngoạn Đà Lạt. Trước Noel mấy toán xin tiền Cha để tổ chức party. Cha hỏi có bao nhiêu sinh viên tham dự. Hai mươi đứa tham dự thì chúng khai là bốn chục . Nhất quỉ nhì ma thứ ba sinh viên thứ tư mới tới học trò
- Mi đứng thứ mấy
- Tao mượn tiền về quê ăn tết thì có chi xấu . Tết vô tao trả .
- Mi thề đi
- Tao mượn tiền cha Lập. Tao có mượn tiền mi đâu mà mi bắt tao thề
- Tao biết tẩy mi. Mượn tiền tao thì mi phải trả. Mi mượn tiền cha Lập là mi tính đường quịt. Mi còn đứng trên quỉ.
- Mi đừng nói bậy. Tao thề tết vô, tao không trả tiền mượn cha Viện thì máy bay cán chết tao

Chúng tôi vô văn phòng cha Viện. Tôi thấy Long trong văn phòng cha Viện đi ra với nụ cười tươi. Khương hỏi Long :
- Mấy thước ?
Long đưa hai ngón tay. Long đã được cha cho mượn hai ngàn. Lần đầu tiên tôi vô văn phòng của Cha Viện Trưởng.
Cha hỏi :
- Hai con vô gập cha có chuyện chi không ?
- Thưa cha, con muốn về thăm gia đình trong dịp tết Nguyên Đán.
- Gia đình con ở mô ? Anh Long vừa mới vô gập cha để mượn tiền về quê ăn tết. Hai con cũng muốn mượn tiền như anh Long phải không ?
- Dạ. 
- Ghi tên vô sổ. Cha cho mỗi anh mượn hai ngàn. 
Khương ghi tên vô sổ rồi đưa quyển sổ lại cho Cha Lập. Tôi liếc nhìn quyển sổ. Số thứ tự của Khương số hai mươi hai. Nghĩa là đã có hai mươi hai sinh viên mượn tiền để về quê ăn tết. Cha Lập nói :
 - Đưa sổ cho bạn con ghi
 - Thưa cha con có tiền. 
Khương cũng được cha cho mượn hai ngàn đồng.
Cha Viện Trưởng đẩy hộp thuốc lá đến cho tôi. Tôi nói:
- Cám ơn cha, con không hút thuốc.
Khương mở hộp thuốc rất tự nhiên. Khương rút ra một điếu thuốc màu đen to hơn những điếu thuốc Salem, Palmall nhưng nhỏ hơn những điếu thuốc cigar, Khương nói:
- Anh Thanh không hút thuốc vì sợ hại sức khỏe. Con hút thuốc, con càng khỏe. Thanh không lấy, con lấy phần của Thanh.
Khương rút thêm một điếu nữa và nói :
- Điếu này là phần của con.
Cha cười và nói với thằng Khương láu lỉnh dễ thương:
- Anh thích thì cha cho. Anh cầm cả hộp. Tháng trước cha cũng cho anh Phong một hộp. Các anh chia nhau.
- Con xin cha hai điếu. Hai đứa con là hai đứa sau cùng về quê ăn tết. Còn ai nữa đâu mà chia. Xin phép cha, chúng con về. Sang năm mới chúng con chúc cha được dồi dào sức khẻo
- Cha chúc các con về ăn tết với gia đình được vui vẻ. Cha gởi lời cầu chúc gia đình các con được hạnh phúc.
- Chúng con xin cám ơn cha.

Chúng tôi đi ra phố ăn cơm ở quán Như Ý trên đường Minh Mạng. Quán cơm nhỏ chỉ có ba bàn, mỗi bàn bốn ghế. Quán cơm thấp hơn mặt đường. Chúng tôi thỉnh thoảng đến ăn để thưởng thức món cà ngâm trong mắn cá nục thật ngon của nhà hàng. Ăn xong chúng tôi đi bộ qua trạm hàng không Việt Nam để mua vé máy bay. Chúng tôi trở về khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt để mua quà tết đem về nhà. Tôi và Khương mang những gói quà mua được gửi cô Bích Liên, trong chiếc áo dài xanh học trò, đang ngồi tại tiệm vàng của gia đình tại khu Hòa Bình. Chúng tôi đến quán cà phê Tùng. Quán cà phê Tùng buổi chiều ngày gần tết nên không đông khách. Chúng tôi thích ngồi uống cà phê tại Cà Phê Tùng hơn tại Thủy Tạ. Cà Phê Tùng ngay trung tâm thành phố thật thuận tiện cho những lần đi chơi khuya. Tôi không nghiền cà phê, thuốc lá nhưng tôi thích ngồi chung với bạn bè tại quán cà phê Tùng vào những buổi tối đi chơi khuya hay đi xi nê. Bạn tôi, đứa thì nói, đứa thì mơ màng nhìn khói thuốc, đứa thì nhâm nhi tách cà phê, đứa thì ngồi nhìn ra ngoài đường qua cửa kính mặc dù trời tối không người qua lại, còn tôi ngồi ngắm bức tranh vẽ nụ cười nàng Mona Lisa của Leonard De Vinci. Trong tiệm có ba bức tranh, chúng tôi thường ngồi bàn trước bức tranh Mona Lisa vì bàn này gần cửa kính nhìn ra đường. Mỗi đứa chúng tôi mơ màng theo nỗi niềm riêng. Ngồi cà phê Tùng ấm cúng, ấm áp hơn ngồi Thủy Tạ. Chỉ có một lần ngồi uống cà phê Thủy Tạ làm tôi xúc động. Một buổi chiều mưa tầm tã trắng xáo hồ Xuân Hương, ngồi uống cà phê tại Thủy Tạ làm tôi nhớ những ngày mưa trắng xáo trên sông Hương phủ mờ cầu Tràng Tiền. Chiều mưa trên hồ Xuân Hương thật đẹp nhưng không buồn như chiều mưa trên sông Hương.
 
Tôi không mua vé máy bay đi Huế. Tôi mua vé đi Đà Nẵng với hy vọng được đi chuyến xe lửa ra Huế với Hoa. Xe Hàng Không Việt Nam đưa tôi từ sân bay Đà Nẵng đến trạm Hàng Không Việt Nam nằm trên đường Lê Lợi, Đà Nẵng. Tôi gọi xích lô để đi đến xóm Mười Sáu Gian. Nhà Hoa đóng cửa. Người đàn ông ở trong nhà cũ của tôi, mới đổi từ trong Nam ra, cho tôi biết gia đình Hoa đã ra Huế đã ba hôm nay. Ông ta cho tôi biết có chuyến tàu chợ đi Huế lúc một giờ trưa. Tôi vội vàng đi ra ga để kịp đáp chuyến tàu chợ ra Huế.

Tàu của tôi đến ga Lăng Cô khoảng ba giờ chiều. Trên ga Lăng Cô đã có chuyến tàu từ Huế đến đang chờ sẵn trên sân ga. Tàu của tôi vừa ngừng thì tàu Huế - Đà Nẵng cũng hú còi báo hiệu tàu dời ga. Con tàu chậm chạp dời ga. Đầu máy đang phì phà phì phạch phà những khói nước trắng xáo. Con tàu cổ lỗ sĩ có từ ba thế kỷ trước ở phương Tây. Tôi nhớ lại bài thơ NHỮNG NGÀY NGHỈ HỌC của thi sĩ Tế Hanh mà thương cho dân tộc mình còn quá nghèo nàn :

Tôi thấy lòng thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau
Có chi vướng víu trong hơi máy
Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau

Tôi bỗng giật mình sửng sốt. Hoa và Thuần đứng nơi cửa sổ toa tàu thứ hai. Hoa và Thuần vẫy tay. Tôi vơ vội hành lý của tôi. Tôi nhẩy xuống sân ga. Tôi chạy trên sân ga đầy người qua lại. Tôi chỉ còn thấy thân mình Hoa chồm ra khỏi cửa sổ. Tôi không thấy Hoa nữa. Đoàn tàu sắp vượt qua tôi. Tôi vội vàng ném hành lý của tôi lên một toa xe. Tôi chụp được thanh sắt của tao xe. Tôi lấy hết sức bình sinh để đưa người lên tao tàu. Một người đàn ông đứng ngay ở cửa toa tàu nắm tay tôi và giúp tôi lên được toa tàu. Nhờ ông ta tôi lên được tàu. Không có ông ta giúp, không biết tình trạng tôi ra sao. Có khi tôi đã về bên kia thế giới vì bị xe hỏa cán chết. Tôi cám ơn người đàn ông. Tôi sửa soạn lại quần áo và hành lý. Tôi đi len lỏi trong những toa chật người và hành lý. Tôi đi tìm Hoa. Hoa thấy tôi, nàng đứng bật dậy. Chúng tôi muốn chạy đâm sầm vào nhau để ôm chặt lấy nhau. Nhưng cả hai chúng tôi không dám. Chúng tôi khựng lại như bị trời trồng. Thuần chạy lại ôm chầm lấy tôi:
- Kỵ bà ngoại, răng chừ anh mới về ? 
Tôi không trả lời Thuần. Tôi chào ba mạ Hoa và nói :
- Con tính lộn ngày ta và ngày tây nên con về trễ.
- Kỵ ngoại ngày hôm qua. Cậu Minh nhắc con. Con không về nên không ai canh nồi bánh tét cho cậu.
- Chị Hoa nhắc anh nhiều nhất.
- Chị nhắc anh Thanh khi mô ?
- Hồi sáng, em nghe chị hỏi dì Quyên mấy lần. Chị còn chối.
- Chị nhắc anh Thanh thì đã răng
Ba mạ Hoa hỏi về chuyện học hành, đời sống của tôi tại Đà Lạt. Qua những câu hỏi của hai người, tôi biết ba mạ tôi đã kể cho ba mạ Hoa rất chi tiết về đời sống của tôi tại Đà Lạt. Tầu đến ga Liên Chiểu. Tôi nói :
- Con mua hoa Huệ để về cúng ngoại. Chai ruợu mận, mứt mận để biếu dì dượng. Đến ga Nam Ô con xuống . Con đón xe ra Huế
Ba của Hoa nói :
- Về Đà Nẵng ngủ lại. Mai ra Huế chuyến tàu sớm hay tàu trưa. Chừ đã năm giờ hơn rồi, khó đón xe ra Huế. Đêm tối, bây chừ không an ninh.
 
Sáng hôm sau, tôi dẫn chị em Hoa đi chợ Hàn. Tôi mua cho Hoa một cái trâm bằng đồi mồi. Hoa kẹp tóc nàng. Nàng đứng cho tôi ngắm. Tôi gật đầu :
- Đẹp hơn thơ.
Chúng tôi vô chợ Hàng, tôi mua một xấp vải may áo dài màu thanh thiên, một đôi guốc cho Hoa. Khi chúng tôi ra khỏi chợ, Thuần nói :
- Đi về răng ? Răng cái chi anh cũng mua cho chị Hoa. Em không có chi mô răng ?
- Rứa em thích chi ?
- Em thích xe đạp
- Mi đòi chi mà vô hậu. Anh Thanh mần chi có tiền mua xe đạp cho mi.
Chúng tôi đi cửa hàng bán xe đạp đường Lê Lợi để mua xe đạp cho Thuần. Mua xong tôi nói :
- Chúng mình đi ăn rồi về.
- Về nhà, em nấu cho anh ăn … Em nấu bánh canh Nam Phổ và đổ bánh Khoái. Em thích nấu cho anh ăn.
- Bánh canh mềm cột ba mạ em chặt. Cột em với anh có chặt không?
- Em không biết. Cuộc đời em tùy thuộc vô anh. Anh cho em cái chi thì em biết em được cái đó. Em hoàn toàn tin tưởng anh.
Tôi nắm chặt tay Hoa. Thuần chạy tới nắm tay tôi : 
- Về nhà anh tập cho em đi xe đạp, nghe anh
Chúng tôi đi xích lô về nhà. Hoa và Thuần ngồi một xe. Tôi và chiếc xe đạp một xe. Về nhà tôi tập xe đạp cho Thuần. Hoa nấu ăn.

(Còn tiếp Phần cuối)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29251)
" Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ, Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma. Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất, Đất khách đàn con lặng xót xa."
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6834)
ĐÀ LẠT DU KÝ (Phần 2) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6577)
Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập Giáo Sư Nguyễn Cao Hách gọi Cha là vị lãnh đạo tinh thần cao cả. Đối với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Cha là một nhân vật siêu việt, gia trưởng của đại gia đình Thụ Nhân. Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương tôn vinh Cha là Thừa Thiên Thụ Nhân. Giáo Sư Lê Hữu Mục khẳng định Cha là một người Cha nhân lành, có những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm. Giáo Sư Trần Long cho rằng Cha là hiện thân của lòng nhân.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13162)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 7053)
Linh Mục Nguyễn Văn Lập: Một Vị Lãnh Đạo Tinh Thần Cao Cả Gs Nguyễ n Cao Hách Lúc còn sinh thời, Linh Mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh. Trong mấy chục năm liền, tôi hân hạnh được hợp tác với Viện Đại Học Da lat, m à Linh Mục Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6459)
NHỚ LẠI QUÁ KHỨ Frêre Théo phane NGUYỄN VĂN KẾ, FSC ...ai ai Ngài cũng cư xử với con tim thật tình. Người đối với người: lễ phép kính cẩn mến yêu, trong giọng nói, bình tĩnh, trầm trầm Miền Trung. Ngài để ý đến mọi người. Như vậy đắc nhân tâ m là phần thưởng cho Ngài lúc sống và lúc qua đời.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 8077)
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi Nguyễn Duy Tưởng TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975 Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt.
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6179)
MIẾNG BÁNH ĐA KÊ Tác giả: Người Hànội, CTKD 1 Nghe ba chữ “ Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
07 Tháng Mười Một 2010(Xem: 7877)
ĐÀ LẠT DU KÝ Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít đ ược đề cập đến .
14 Tháng Mười 2010(Xem: 6321)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn Cuối) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468