TỪ NHỮNG CHUYỆN THỜI SỰ

09 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 23462)
TỪ NHỮNG CHUYỆN THỜI SỰ

 

TỪ NHỮNG CHUYỆN THỜI SỰ

Hoàng Ngọc Nguyên

634222640391305861_275x183


 “I am alone, all sinks in phariseeism; To live a life - is not an easy task”

Boris Pasternak, “Hamlet”

 

Đối với người phải báo cáo hàng tuần cho độc giả biết những chuyện gì đáng quan tâm nhất hiện nay, thời buổi này không phải dễ dàng. Sự khó khăn này đến một phần từ người đọc, trong cuộc sống hàng ngày trước sự quay cuồng của tình thế, ngưòi ta ngày càng dễ nhậy cảm trước thực tế mình ngày một già đi, vấn đề dường như ngày càng giăng mắc, giải pháp ngày càng mờ mịt, khó khăn rõ rệt thêm chồng chất, và hiển nhiên tâm tư càng thêm chĩu nặng vì người ta dần dần buông xuôi trước tất cả. Trước sự cô đơn đó của người đọc, lời an ủi duy nhất phải chăng là một lời nói tử tế với nhau “Chúng ta cô đơn, nhưng đó là cuộc sống muôn đời như thế”.

Nhưng trong khó khăn hiện nay của người viết còn chính ở chỗ trong cuộc sống của con người trong xã hội, sự hiện hữu ít nhất phải được thể hiện ở chỗ tuy cô đơn, tuy phải suy nghĩ, con người cần hiều được cái tối thiểu của cuộc sống chung quanh, nắm được cái ít nhất phảỉ nắm - nhất là trong những chuyện liên quan đến mình. Một thời chúng ta đã sống ngù ngờ đến mức chẳng biết được điều tối thiểu là số phận, sinh mệnh của chúng ta hoàn toàn ngoài khả năng kiểm soát của mình - tức là nhân quyền hay dân quyền tối thiểu nhất đã không biết được, nếu ta còn tin tưởng ở những thứ này còn có trên đời. Mệnh nước nổi trôi đã cuốn chúng ta đi cả và làm chúng ta mất cả. Liệu ngày nay có thể nào một chuyện không ngờ tới lại xảy ra, khi “mệnh nước” của một “nước (mới) của chúng ta” nhưng chúng ta thực sự cũng chẳng có quyền sở hữu gì lại cuốn chúng ta đi một lần nữa mà bến bờ chưa hình dung được.

Và trong nỗi ưu tư đó của người đọc, người viết có thể nói gì về chuyện trong tuần qua, tháng qua – khi có quá nhiếu chuyện để nói, dồn dập đến không hiểu hết, và chuyện nào cũng quá quan trọng đến nỗi sắp xếp ưu tiên khách quan đến mấy cũng trở thành chủ quan.

Thông báo chính thức của Văn phòng Quốc gia Khảo sát Kinh tế (National Bureau of Economic Research – NBER) là chuyện quan trọng đấy: suy thoái quả thật đã chính thức chấm dứt từ tháng sáu năm 2009 – không phải là chuyện phĩnh phờ, phủ dụ của chính phủ nói để người dân an tâm và để lấy điểm trong cuôc bầu cử sắp đến. Làm cho người dân an tâm quả thực là khó, muốn lấy được điểm của người dân trong một nước như nước Mỹ đúng là chuyện vạn nan - chẳng thế mà ông bà ta cứ nói “bá nhân bá tánh”. Muốn chiều người dân thì phải biết họ là ai, họ muốn gì, nhưng làm sao biết được ai là ai trong nước Mỹ này, khi chung quanh chúng ta, tính ra có không dưới một chục sắc dân khác nhau, từ các nhóm dân đến tiểu nhóm. Thêm một lần nữa, người ta thấy thấm thía sự khôn ngoan và tiên tri của người xưa khi họ nói: dò sông dò biển dễ dò. Bằng chứng là công ty British Petroleum cuối cùng đã dò ra được chỗ rò rĩ trong ống dẫn dầu nằm sâu đến mấy cây số dưới mặt biển. Nhưng lòng người… Ai có thể biết được tâm địa thực sự của các chính khách trong mùa bầu cử này. Hay nói đến con người. Ngay cả người da đen, cũng có hai nhóm chính là người da đen Hồi giáo (“có thể” nguy hiểm vô cùng) và da đen ở New York (“có thể tốn kém cho ngân sách xã hội vô cùng). Hay ngay cả trong cộng đồng người Việt, ai dám bảo đảm được tính thuần nhất, người thì theo Cộng Hòa cho bằng được vì cám nghĩa ông Reagan mà quên Nixon và Kissinger cũng là gốc con voi; người thì cứ Dân Chủ vì cảm thương thân phận của chính mình… Hay ngay cả ở mỗi một người, cách đây 30 năm có thể hát “Saigon ơi, ta đã mất thật rồi…” nhưng nay có thể hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà chẳng chịu tiếng “xướng ca vô loài”.

Nhưng trong thông báo phấn khởi của NBER, và những dấu hiệu cũng khá phấn khởi của nền kinh tế, chẳng phải người dân vì thế mà vơi đi nỗi ưu tư trước thời cuộc. Ít nhiều người ta đã có thể nhận ra những điểm sáng trong nền kinh tế. Ít nhiều họ cũng nhận thấy nền kinh tế Mỹ đang vùng vẫy, đẩy mạnh xuất cảng, gia tăng sản xuất trong kỹ nghệ chế biến và chế tạo, việc buôn bán có vẻ còn nhiều sinh khí (ít ra thì những bà vợ thích đi shopping đều nói thế: tháng mười Halloween, tháng 11 Thanksgiving, tháng chạp Giáng Sinh, và tháng giêng là Tết ta cho những người già nhưng còn sức “về quê ăn tết…). Người ta vẫn còn chạy đôn chạy đáo hỏi kiếm việc, thay vì an phận chờ chính phủ. Nhà cửa người ta vẫn cứ đi coi, cho dù chưa mua, muốn mua chưa chắc người ta đã bán (Một lời khuyên nóng hổi trong tuần qua trên CNN: trong tình hình thị trường địa ốc hiện nay, đối với người bán, càng sớm càng tốt; đối với người mua, càng chậm càng tốt!).

Nhưng thực tế là sao? Một năm trước và một năm sau: tỷ lệ thất nghiệp cũng vẫn thế. Tháng 10-2009: 10.1%; tháng tám năm 2010: 9.6%. Người ta không thể qui trách cho ông Obama về đại họa này. Người ta càng không thể qui trách ông khi cho rằng công cuộc chống suy thoài kém hiệu quả. Nhà bình luận kinh tế trên Newsweek, ông Robert Samuelson, đã ngậm ngùi đưa ra kết luận: người ta tranh cãi không cùng về lý thuyết kích thích của John Maynard Keynes mà người Dân Chủ rất mặn mà và lý thuyết cứ đẩy cho sản xuất đi lên bằng cách chiều tối đa các nhà tư bản của Milton Friedman mà người Cộng Hòa xem như Kinh Koran của họ mà không hiểu hai lý thuyết này chẳng thể áp dụng nguyên si trong tình hình hiện nay. Chẳng cần quá khích để nói chuyện đốt kinh, người Mỹ nên nhìn thấy một điều căn bản: trong thế giới ngày nay đã toàn cầu hóa, có nghĩa là người Mỹ không còn một mình một chợ, như thế mà nếu người ta cứ khơi khơi như đang vào chốn không người, thì cho dù Keynes có sống dậy, Friedman có còn vương vấn hồn ma bóng quế đâu đây, hai người cũng sẽ chỉ buồn rầu lắc đầu mà thôi.

Nhiều người không thấy được sự lạc hậu, hết thời của não trạng về “American exceptionlism” (sự ưu việt của nước Mỹ) chỉ vì họ bị mê hoặc bởi những giáo điều, tín điều, chẳng hạn như cái Cương lĩnh của đảng Cộng Hòa được đưa ra tuần qua. Bởi vậy đừng trách người Cộng Sản trước đây mê muội. Và cũng đừng trách người Cộng Hòa ngày nay còn mê muội hơn người Cộng Sản thời trước. Vì người Cộng Sản “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”, còn người Cộng Hòa tỉnh dậy còn có bên mình còn có Sarah Palin, Christine O’Donnell. Được gọi là “cương lĩnh” cho ghê gớm, nhưng thực ra nó chẳng có gì là cương lĩnh cả. Bị phê bình là muốn lật đổ đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Hoa Kỳ nhưng chẳng có kế sách gì cả, không có được một bản tuyên ngôn “Contract with America” như hồi năm 1994, khi người Cộng Hòa mở cuộc tổng công kích vào đảng Dân Chủ tại Quốc Hội để kìm lại uy thế của Tổng thống Bill Clinton, những nguòi Cộng Hòa tại Hạ Viện bèn ngồi trước computer gõ lia gõ lịa văn bản “Pledge to America” (Cam kết với nước Mỹ) để nói cho người dân biết nếu chuyến này mà ăn nên làm ra nắm được đa số tại viện dưới (hiện nay, họ lép vế tới mức 178/257) họ sẽ làm gì cho ích nước lợi dân.

Ho sẽ làm gì? Thứ nhất, duy trì tất cả những biện pháp giảm thuế đã được đưa ra từ thời ông Bush năm 2001 đến nay, với lý do như thế thì cả người giàu và người nghèo đều hoan hỉ. Ai cũng hạnh phúc thì cũng là điều tốt, đúng là “chủ nghĩa xã hội” Cộng Hòa, nhưng với những loại biện pháp như thế này, ta chỉ nên nhớ người giàu thì vui sướng nhiều, người nghèo thì ít khi cảm được niềm vui đó vì quá nhỏ nhoi đến không đáng kể; thứ hai, thông thường như qui luật của muôn đời,người nghèo mà vui thì chẳng ảnh hưởng mấy đến người giàu, nhưng người giàu mà vui thì “dân ngu khu đen”, “thấp cổ bé miệng” chỉ có chết; và thứ ba, người giàu mà được miễn thuế thì tiền đâu cho chính phủ có ngân sách – nhất là hiện nay sự thiếu hụt đã lên đến 1.7 ngàn tỷ, tức đến 12% tổng sản lượng nội địa của nước Hoa Kỳ dễ mến khó yêu này.

Điều thứ hai, người Cộng Hòa sẽ làm là “thu nhỏ chính phủ”, “cắt người, cắt tiền, cắt việc”, vì “chỉ có tụi cộng sản, tụi xã hội chủ nghĩa như Obama mới ham chính phủ lớn”. Chính phủ đã chi tiêu quá cỡ mà chưa kích thích nổi nền kinh tề hồi phục vững chắc, chỉ mới làm giảm lao đao nhưng chưa đem được sự ổn định cho người nghèo (sống dưới mức nghèo khổ có đến 48 triệu) những người thất nghiệp, người già, người bệnh, trẻ em, phụ nữ đơn chiếc (nên nhớ, ở Mỹ, có đến 40% “bà mẹ cô đơn” cho dù nhiều “di dân” hợp pháp lớn tuổi vẫn phải chống gậy mò về quê hương cũ để kiếm bạn gái). Nay bảo chính phủ cắt chi tiêu là cắt chỗ nào. Vấn đề đặt ra đúng hơn là phải nói: cần xem lại toàn bộ sự thối nát, nhũng lạm trong bộ máy chính quyền, tuyển dụng, trả lương, hưu bổng, đề bạt… như người ta thấy trong trường hợp của Bell City và Vernon City ở California…

Và điều thứ ba, họ cam kết làm là gì: xóa bỏ luật cải tổ y tế. Thống kê mới nhất, nước Mỹ có 51 triệu người không có bảo hiểm. Khoảng 60 triệu người bảo hiểm chưa đúng mức (under-insured). Các xí nghiệp ngày càng muốn hủy bỏ cam kết bảo hiểm sức khỏe với người làm của mình. Đảng Cộng Hòa đứng về phía lợi ích của ai khi đòi hủy bỏ luật cải tổ y tế, nay tuy đã nửa năm tuổi, nhưng chỉ mới ở giai đoạn “dợm” thi hành.

Câu hỏi đặt ra trong ngày cuối tuần qua, suy đi nghĩ lại, chỉ có một: Nay Đạo luật Y tế Trong Khả năng (Affordable Care Act), hay Luật về Quyền Bệnh nhân (Patient Rights Bill) cũng thế, đã được ban hành cách đây đúng sáu tháng tính vào ngày 23-9 và có hiệu lực thi hành đối với một số điều khoản kể từ ngày đó, thì người ta có thể mong đợi có những thay đổi gì tác động đến mình, liên quan đến mình. Hôm thứ sáu, bà Kavita Patel, một bác sĩ chuyên ngành về bảo hiểm y tế, hiện nay là giám đốc Chương trình Chính sách Y tế thuộc Quỹ Nước Mỹ Mới (New America Fund) đã lên tiếng trên diễn đàn của CNN, khẳng định rằng mặc dù cương lĩnh của những người Cộng Hòa tại Hạ Viện hăm he sẽ hủy bỏ luật cải tổ bảo hiểm y tế này nếu họ nắm được quyền đa số tại Quốc Hội, mối lo không phải ở chỗ đó, đảng Cộng Hòa không đủ khả năng đó, mà đáng quan tâm là ở chỗ người dân chưa hiểu hết ý nghĩa của luật này. Chính ông Obama cũng nhìn nhận rằng cần phải đẩy mạnh việc quảng bá nội dung cụ thể của luật này để cho người dân có thể biết quyền lợi cũa họ như thế nào trong tình hình mới.

Tóm lược những lợi ích này, bà Patel đã viết: “Cải tổ y tế bắt đầu từ khi con người được sinh ra - những chương trình bảo hiểm y tế sẽ không thể từ chối bảo hiểm cho trẻ dưới 19 tuổi đơn giản chỉ vì trẻ có vướng một bệnh gì đó. Từ khi sinh ra cho đến khi được 26 tuổi, người ta có thể được bao gồm trong kế hoạch bảo hiểm y tế của gia đình bất kể lợi tức hay tình trạng hôn nhân của người đó.

“Với phụ nữ trong tuổi sinh con, người ta không còn cần giới thiệu để đi khám sản khoa, phụ khoa (OB-GYN). Cũng từ đó, người lớn và người cao niên sẽ không chịu những điều khoản chia sẻ phí tổn đối với những dịch vụ y tế phòng bệnh. Có ít nhất 45 dịch vụ phòng bệnh sẽ được bảo hiểm, bao gồm mọi chuyện, từ tư vấn dinh dưỡng đến soi dò ung thư. Cũng quan trọng vô cùng là việc loại bỏ những giới hạn định mức chi phí tối đa mà bảo hiểm trả và sự loại bỏ từ từ những giới hạn thanh toán bảo hiểm hàng năm”.

Theo phân tích của những chuyên viên phân tích y tế của CNN, có sáu điều khoản có thế ảnh hưởng tức thì đối với người dân nếu ngưòi ta mua một hợp đống bào hiểm mới bắt đấu ngày thứ năm tuần này. Đối với những ngưòi đã có bảo hiểm y tế, những thay đổi này sẽ có hiệu lực trong thời gian ghi danh nếu là trường hợp nhân viên được bảo hiểm qua nơi mình làm việc, hay khi hợp đồng hiện nay tái tục nếu người ta mua một chương trình bảo hiểm trên thị trường cá nhân. Sáu điều này có thể tóm tắt như sau:

- Những người trẻ có thể nằm trong bảo hiểm của cha mẹ cho đến 26 tuổi.

- Không phân biệt đối với trẻ có tình hình sức khỏe từ trước.

- Không ngưng bảo hiểm khi khách hàng có bệnh

- Không giới hạn thời gian đối với bảo hiểm

- Bảo hiểm mới phải cho những dịch vụ phòng ngừa miễn phí

- Mở rộng khà năng khiếu nại những quyết định của công ty bảo hiểm

Chúng ta chỉ nên nhớ rằng trong hai năm 2008 và 2009, số ngườì không có bảo hiểm đã tăng 16.7%. Ước tính có đến 6.5 triệu người đã mất bảo hiểm cá nhân và cũng khoảng 6.5 triệu người mất bảo hiểm của nơi làm việc. Tổng cộng người ta tính có đến 51 triệu người không có bảo hiểm. Đó là lý do vì sao người ta cần luật này - một luật mà người Cộng Hòa hứa sẽ bãi bỏ nếu họ thắng cử vào ngày 2-11 sắp đến.

Bản tin suy thoái chấm dứt chỉ ra những thử thách có tính khủng hoảng mà nước Mỹ phải đương đầu. Bản tin về “cương lĩnh của người Cộng Hòa”, về những cam kết của họ, chỉ ra sự bế tắc trong việc tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng đó – lý do chính là sự phân hóa, tan rã ý chí chung của một đất nước nhưng có quá nhiều dân tộc và sự chia rẽ giai cấp, chủng tộc không phải là không sâu sắc. Và bản tin thứ ba cho thấy trong tình hình đất nước như thế, xã hội như thế, đã làm nổi rõ một số thành phần đang chịu “nguy cơ”, bất trắc trong xã hội. Nay đi đâu người ta cũng thấy quen thuộc với cụm từ “at risk”. Children at risk. Seniors at risk! Women at risk! Nation at risk!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 2917)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3060)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 3708)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 3597)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 3430)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 3248)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 3010)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2923)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 3156)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3182)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468