THẲNG ĐƯỜNG TỚI BỜ VỰC
Hoàng Ngọc Nguyên
Hoàng Ngọc Nguyên
Sự phàm tục phi phàm
Nhiều người vẫn quen nghĩ những người được các đảng phái chính trị hay phong trào quần chúng đưa ra tranh cử phải là những nhân vật phi phàm, xuất chúng, có tài đức hơn người, với một quá khứ đủ sức thuyết phục cử tri trong việc chọn mặt gởi vàng. Cuộc bầu cử năm nay đã cho thấy trong chúng ta, có nhiều người lý tưởng quá đến trở thành ấu trĩ, nay có thể bắt đầu thấy trò chơi dân chủ trong “cơ chế” chính trị hiện nay đã trở thành một hài kịch cho đến khi kết thúc một cách bi kịch. Hoặc là cơ chế chính trị đã hỏng, các đảng phái đã hư, đã quá tắc trách trong việc lựa chọn “người hiền tài” cho đất nước cho nên những con người trong mộng chẳng bao giờ có cơ may nào tiến thân, xuất đầu lộ diện. Hoặc đơn giản hơn, những con người lý tưởng như thế từ lâu có lẽ đã tuyệt chủng, cho dù ta cảm thấy sự trống vắng đó không lâu. Có quá nhiều khuôn mặt nhợt nhạt trên sân khấu, mà không cần nhìn kỹ người ta nhìn lên cũng thấy toàn là những người đeo mặt nạ. Điều kinh khủng là ngay cả những diễn viên cũng hiểu rằng họ chẳng cần đeo mặt nạ, thế nhưng cái thói quen ra sân khấu không bỏ được là không thể chường mặt ra mà không son phấn. Chắc chắn trên đất nước trên 300 triệu dân này, với sự giàu có, phong phú của văn hóa, giáo dục, lịch sử xây dựng đất nước, có không thiếu những người tài giỏi, thao thức tìm kiếm, suy nghĩ những giải pháp cho một đất nước bao giờ cũng có những vấn đề sinh tử trên con đường sinh tồn và phát triển. Như thế tại sao qua cuộc bầu cử này, chúng ta thấy nổi lên những ứng cử viên chỉ có ôm ấp những tham vọng rất phàm tục mà chẳng làm cho người dân có được những thần tượng phi phàm về chính trị và xã hội? Không thiếu những người có đời tư đầy tai tiếng, những tư cách kém cỏi, những quan điểm kỳ thị lạc hậu, những kiến thức nông cạn ngay cả đối với những chuyện cơ bản như hiến pháp và Tu chính án, vai trỏ của Tối Cao Pháp Viện… Cũng qua cuộc bầu cử này, người ta thấy khoảng cách thế hệ đang làm cho nước Mỹ rã rời, vì thế hệ già không chịu mở đường cho lớp trẻ đi lên. Và nhìn chung, tất cả những người muốn làm chính trị bằng cách đi vào Quốc Hội, chẳng có mấy người có ý niệm “tu tề trị bình”, nghĩ đến sự cần thiết của kiến thức,kinh nghiệm và cả ưu tư về những giải pháp toàn diện cần có cho đất nước. Sự phàm tục đến đáng kinh ngạc của những ngưòi lẽ ra phải “phi phàm”, phải đứng trên con ngưòi bình thường đúng là đáng bàng hoàng, bởi vì sự phàm tục này cũng trở nên quá phi phàm.
Sức mạnh của đồng tiền
Đúng là người ta đã gạt con người qua một bên để cho đồng tiền quyết định tất cả. Và ta phải coi phán quyết từ tháng giêng của Tối Cao Pháp Viện cho phép các tổ chức kinh doanh cũng như công đoàn lao động chi tiêu tối đa cho quảng cáo trong các cuộc bầu cử liên bang đã có tính cách xác định tính chất của các cuộc bầu cử trong năm nay và từ nay về sau: đó là cho phép sự phát huy tính mâu thuẫn đối kháng giữa quyền lợi của giai cấp tư bản và lợi ích của giới lao động trong việc tranh giành quyền lực chính trị. Nhìn qua, thì đó là một giải pháp “công bằng”: giới tư bản cũng cần thiết cho sự phát triển của đất nước, và cũng cần có quyền lực để có thể duy trì quyền lợi của mình trong những chính sách, biện pháp của chính quyền; giới lao động cũng cần thiết để làm những điều giới tư bản thống trị cần họ làm, nhưng họ cũng cần có cách đến với quyền lực để bảo đảm lợi ích sống còn của đại đa số quần chúng lao động không bị hy sinh, không bị bán rẻ. Tư bản tuy ít nhưng có tiền. Lao động tuy ít tiền nhưng đông. Tích tiểu thành đại là phương châm “tư bản hóa nghiệp đoàn”. Nhưng thực tế không đơn giản như thế. Chúng ta cứ xem số tiền túi mà bà Meg Whitman của đảng Cộng Hòa ở California đã bỏ ra cho cuộc bầu cử của bà hơn 160 triệu đô la để bù đắp cho nghèo nàn thành tích và thiếu thốn giải pháp cho đất nước, so với khoảng 25 triệu của ông Jerry Brown của đảng Dân Chủ quyên góp được từ các nghiệp đoàn. Những tin tức trong những ngày đầu tuần này chỉ có một nội dung: Tiền, tiền, và tiền, mà người ta đổ ra cho các ứng cử viên trong tuần lễ cuối cùng chạy nước rút. Nhưng phải khách quan mà nói đảng Công Hòa nói chung và giới tư bản nói chung đã tuôn tiền ra như nước cho những ứng cử viên Cộng Hòa bởi vì họ vốn có thế “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Trên tờ Los Angeles Times ngày thứ hai, người ta loan tin Ủy ban Vận động Tranh cử Thượng viện của đảng Cộng Hòa đã nhanh chóng đổ ra cho bà Carly Fiorina 3 triệu để bà đánh trận chót trong tuần này trước đối thủ ứng cử viên Thượng Viên là đương kim Thượng nghị sĩ Barbara Boxer. Trên tờ New York Times, người ta cho biết các nhóm chính trị bảo thủ, các công ty bảo hiểm y tế, các định chế ngân hàng tài chánh… đang tuôn tiền cho những ứng cử viên Cộng Hòa và nhất là những ứng cử vỉên được Tea Party đề bạt như bà Sharron Angle ở Nevada, Rand Paul ở Kentucky, Christine O’Donnell ở Delaware… và quan trọng hơn hết là 80 chiếc ghế Dân Chủ ở Hạ Viện họ đang nhắm đến để giành ưu thế đa số cho Cộng Hòa với mục đích rất rõ rệt: khi đảng Cộng Hòa nắm được Hạ Viện, thì công việc đầu tiên là “đền ơn đáp nghĩa” với những nhà đầu tư chính trị, đó là xét lại đế hủy bỏ từng phần luật cải tổ bảo hiểm y tế cũng như luật về giám sát hoạt động tài chánh…
Khi người ta không cần cái đầu
Trong nhận xét của nhiều nhà quan sát, trong cuộc bầu cử năm nay, cử tri không đưọc thấy cái đầu nơi những người ra ứng cử. Một phần là vì họ không có mặt. Không thấy được mặt của ứng cử viên, làm sao người ta thấy được cái đầu của họ. Người ta thấy được màu sắc của đồng tiền. Nói đến ứng cử viên là nói đến tiền của họ, nói đến gây quĩ, nói đến sự ủng hộ từ bên ngoài… Thế nên có lẽ vì họ nghĩ họ có tiền cho nên chẳng cần có cái đầu, vì đồng tiền chi phối, điều khiển tất cả. Một trăm người Cộng Hòa khi phát biểu chỉ có một cách nói. Đúng ra chỉ hô khẩu hiệu một cách. Và một trăm người Dân Chủ thì cũng chỉ có một cách chống chế. Con đường giao điều chính thống nghèo nàn, cũ kỹ quen thuộc đang dần dần biến tất cả thành con vẹt. Cho dù cả trăm cuộc tranh luận, cũng chỉ là sự rập khuôn những lập luận đã có sẵn mà không bên nào dám đi sâu vào thực trạng một cách phân tích và phê phán. Không ai dám lệch đường (deviationist) cho dù chỉ là nửa li. Người Cộng Hòa, trăm người như một tranh cử từ cấp cao như thượng nghị sĩ, thống đốc, hay dân biểu liên bang… đến các chức vụ quèn, vớ vẩn nhưng không thiếu người ham như các hội đồng này nọ ở San Jose hay Orange County… đều chỉ có một “quốc sách” tố Dân Chủ là “big government”, “over spending”, “failure of stimulus program”, “high unemployment”… trong khi thực ra trong đầu từng người sắp xếp một cách thứ tự những ý niệm đó và suy nghĩ mất ăn mất ngủ về thực chất của những vấn đề này, cơn “bão thời đại” của loài người trong thế kỷ 21 … chẳng ai có thì giờ nghĩ tới mà cứ đế cho đồng tiền nghĩ thay cho họ. Những người Dân chủ thì cũng thế, khi bị công kích, hoặc họ chỉ ngay đến sự thất bại của chính quyền Bush mà họ xem là thủ phạm của hiện trạng để cho phép mình thiếu thuyết phục hay lẩn quẩn trong những giải pháp hiện hành. Hoặc một số người vội vàng đào ngũ, nghi ngờ ngay cả những việc làm chính đáng, không dám nói lên điều mình tin tưởng – nếu họ tin tưởng thực sự chuyện cải tổ y tế là cần thiết, giám sát thị trường tài chánh là chuyện sống còn cho xã hội kinh doanh.
Ác mộng ở Capitol Hill
Vào một lúc đất nước cần có con tim và cái đầu, ác mộng ở Capitol Hill chính là ở chỗ hiện nay và trong tương lai người ta chưa thấy được con tim ở đâu, làm sao tìm ra đưọc cái đầu. Người ta nói rằng cử tri còn có quyền chọn lựa thực sự vào giờ chót – và kết quả có thể chẳng như những gì nguòi ta nói trong các cuộc thăm dò. Ít nhất có đến 1/3 người có thể thay đổi ý kiến. Cho nên Dân chủ cứ cố hy vọng, Cộng Hòa đâm lo, và trung lập co ro vì cái gì cũng sợ. Nhưng cho dù kết quả có như thế nào, thì cũng những ngừơi như thế ấy đi vào Hạ Viện và Thượng Viện, đại diện cho những quyền lực và thế lực trong đó tiếng nói của người dân đúng là “thấp cổ bé miệng”. Thế nhưng những vấn đề của đất nước quá lớn, quá phúc tạp, quá trầm trọng, không thể không có vai trò của những “think tank”, không thể thiếu sự hợp lực giữa hai đảng để đi tìm giải pháp. Và mọi sự hợp lực đều phải bắt nguồn từ cái tâm, từ cái tâm đó mói điều khiển được cái đầu. Đất nước có vẻ đang bế tắc vì thiếu cái đầu.Ngưòi ta thiếu cái đầu là vì thiếu con tim. Thử thách của Capitol Hill trong những năm sắp đến là ở chỗ đó: nó phải chứng tỏ có con tim để tìm ra được cái đầu. Điều này có vẻ như rất khó khi không khí hiện nay không phải là tranh luận mà là đấu tố. Không khí này sẽ có thể còn ngự trị trong hai năm tới, khi Cộng Hòa sẽ cố tràn ngập tiến công, trong khi ông Obama và đảng Dân Chủ sẽ cố “tử thủ”. Cho nên người ta có thể phải chờ đợi cho đến khi hai bên cùng nhau chông chênh trên bờ vực, nhìn xuống vực sâu người ta mới biết sợ và bắt đầu phải tựa vào nhau để tìm cách đứng chựng lại và thối lui. Có lẽ đến lúc đó cái tâm mới gần nhau được.
Gửi ý kiến của bạn