Các bạn thân mến:
Tôi đính kèm theo đây qua cả hai dạng Word và PDF bài viết của tôi tựa đề "Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết ...về tôi", và cũng xin giải thích lý do:
1/ Ông Khương Hữu Điểu, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển
Kỹ Nghệ Việt Nam trước ngày 30 tháng 4, 1975 là xếp của tôi. Có rất
ít những bài viết về xếp của mình, và bài này được
viết (như tựa đề) nhân dịp sinh nhật thứ 80 của ông như một lời cám ơn người
xếp của mình trong gần
suốt 7 năm trường. Những gì tôi nhớ
về ông, những dấu ấn ông để
lại trong cuộc đời tôi là những
gì tôi trân quí.
Công danh, địa vị, bằng cấp, của cải giàu có theo
với thời gian đều bị lãng
quên, chỉ những gì mình làm đúng,
làm tốt trong chức vụ và trách
nhiệm của mình hay trong cách hành xử như
một con người
có lương tâm sẽ được
ghi nhớ.
2/ Một phần bài này viết
về tôi trong một số giai đoạn
của cuộc đời, và tôi muốn được chia xẻ với các bạn, và cũng mong
ước các bạn cho tôi
cơ hội được đọc
những bài viết về bạn như vậy. Mặc dù ai cũng
hứng thú khi bài viết
của mình được ưa thích, vấn đề không phải là các
bạn thích hay không thích bài
viết, mà trọng tâm là sự chia xẻ để
hiểu biết nhau và cũng
để học hỏi lẫn nhau. Một đôi khi có
thể bị phê bình là có
những cường
điệu, nhưng
điều căn bản là sự
đúng đắn và thành thật trong tất cả những gì tôi viết
Xin cám ơn
và chúc các
bạn Mùa Lễ Tạ Ơn vui vẻ
dưới mái ấm gia đình.
Nguyễn Duy Tưởng
___________________
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi
Nguyễn Duy Tưởng
TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975
Tôi lục tìm bản chính giấy Khai sinh và chứng nhận Nhập tịch của tôi theo đòi hỏi của cơ quan Medicare để hoàn tất hồ sơ. Tôi vẫn còn đi làm và còn bảo hiểm sức khoẻ của cơ quan nhưng đến hạn nộp hồ sơ xin Medicare thì nộp cho đúng quy luật.
Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt. Nét chữ viết tay đó là của anh, nội dung bức thư là xác nhận tôi có làm việc tại cơ quan đó cho đến ngày 30 tháng 4, 1975 và là một nhân viên tốt. Lá thư anh gửi cho cơ quan di trú Mỹ qua địa chỉ của tôi lúc bấy giờ vào một ngày trong tháng 9, 1983 để bổ túc hồ sơ của gia đình tôi ở trại tị nạn Galang, Indonesia xin tị nạn tại Mỹ
Về Anh........và các gà nòi
Tài xế đậu xe trước cửa lối vào cơ quan. Lúc bấy giờ là những tháng cuối năm 1968, biến cố Mậu thân đã qua được ít lâu, và đến giai đoạn gọi nhập ngũ, hầu hết mọi thành phần kể cả những chức vụ được đặc miễn trước đây. Danh sách được gọi bao gồm hầu hết chuyên viên của Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ, và nếu không có gì thay đổi thì một là Trung Tâm phải đóng cửa hai là chỉ còn cái tên, hoạt động cầm chừng cho có lệ.
Anh đã tất tả cả mấy tháng nay tranh đấu cho các chuyên viên Trung Tâm được tạm hoãn dịch để lo công việc của cơ quan. "Nấu cà ri gà thì dùng gà thịt chứ đừng nấu gà Nòi", anh thường biện luận như vậy. Ngày ấy, lối ra vào Trung tâm cùng chung với cao ốc số 38 đường Nguyễn Huệ và Trung tâm chiếm toàn thể lầu một. Chúng tôi một vài nhân viên Trung tâm đang ở lối đi, gật đầu chào anh. Anh gật đầu chào lại nhưng không nói lời nào, nét mặt không được vui. Tôi nhìn theo anh, vẫn dáng đi tất bật, và bỗng có cảm tình hơn với anh. Tôi mới vào làm Trung Tâm được ít tháng, chưa gần anh nhiều. Anh có thể nhận ra tôi nhưng tôi không biết anh biết về tôi đến mức nào. Tôi có cảm tình hơn với anh vì trong cái nhìn của tôi, anh hành xử đúng với cương vị của một người lãnh đạo cơ quan, tranh đấu cho nhân viên hết mình, nhưng nét mặt mệt mỏi của anh và qua dáng đi của anh tôi biết anh chưa thành công. Chúng tôi nhìn nhau lặng lẽ, tất cả đều nằm trong lứa tuổi sẽ được gọi tuy chưa ai có gia đình.
Sự tranh đấu kiên trì của anh cuối cùng cũng đạt kết quả tốt cho cơ quan nói chung và cho riêng từng cá nhân chúng tôi vì đến khoảng đầu năm 1969, Bộ Kinh Tế (cơ quan chủ quản của TTKTKN) nhận được một sự vụ lệnh hay sắc lệnh gì đó cho phép .... (lâu ngày tôi cũng quên con số bao nhiêu người) chuyên viên của Bộ lên đường tham dự huấn luyện quân sự 9 tuần qua các khóa 3, 4 và 5/69 và sau khi tốt nghiệp được trở về phục vụ tại nhiệm sở cũ vì là chuyên viên tối cần thiết cho nền kinh tế quốc gia. Tôi nhớ mãi cụm từ "chuyên viên tối cần thiết cho nền kinh tế quốc gia". Một nhân viên còn rất non trẻ thấy tên mình được ké trong cụm từ ấy thấy thật đáng thích và cụm từ dễ thương làm sao.
Đám gà nòi của anh lần lượt lên đường thụ huấn quân sự rồi cùng lục tục trở về lại cơ quan tiếp tục công việc phát triển nền kỹ nghệ nước nhà. Thời gian trôi qua, vui có buồn có nhưng dáng đi tất bật của anh, nét mặt đăm chiêu sau những lần họp tại Nha Động viên trở về đã là những gì tôi khó có thể quên.
Sau này khi gần gũi với anh hơn, anh kể lại là trong lần họp với Bộ Quốc Phòng và xếp của Nha Động viên là Thiếu tướng Bùi Đình Đạm, anh nhìn thẳng TT Đạm và nói "Ở Việt Nam không ai cấm nấu cà ri gà, nhưng nếu có nấu thì dùng gà thịt chứ đừng bắt gà Nòi cho vào nồi. Tôi xin giải thích là ở quốc gia đang phát triển như chúng ta, số học sinh tốt nghiệp Tú tài hai vẫn còn rất ít. Tôi so sánh họ như gà Nòi tốt có thể nuôi dưỡng thành gà đá độ. Phú Thọ sẽ rèn luyện họ thêm 4 năm nữa thành Kỹ sư, thành gà Nòi có thể đá độ được. Số này lại càng ít hơn. Chúng ta không nên bắt gà Nòi nấu cà ri uổng lắm. Phải để những gà Nòi này lo việc phát triển kinh tế quốc gia"
Về tôi...........
Tôi đang làm việc (thực tập thì đúng hơn) tại Bureau of Census and Statistics ở thủ đô Canberra của Úc Đại Lợi thì được điện thoại của Toà Đại Sứ VNCH tại đây cho biết có 2 vị từ Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp tại Việt Nam ghé qua Canberra và muốn gặp tôi. Hai vị đó là phụ tá của ông Nguyễn Văn Hảo, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng này. Họ muốn tôi về giúp họ vì Ngân hàng Phát Triển Nông Nghiệp đang mở hệ thống Ngân Hàng Nông thôn, cần thêm nhiều nhân viên. Tôi đồng ý nhưng không hỏi chức vụ là gì, lương bao nhiêu hoặc những điều kiện khác ra sao, và thu xếp hồi hương ít tuần sau đó, trình diện ngay với ông Hảo. Ông tiếp tôi tại văn phòng, chào hỏi nhưng không niềm nở và vui mừng như tôi hình dung sự việc phải là như vậy. Ông cám ơn tôi đã trở về và bàn ngay vấn đề quân dịch của tôi, một điều hoàn toàn bất ngờ, tôi chưa hề nghĩ tới và hai vị phụ tá của ông cũng không đề cập khi nói chuyện với tôi ở Canberra. Trong khi tôi bâng khuâng chưa biết xử trí ra sao, ông bốc điện thoại gọi cho Đại tá Tùng, Chánh Văn phòng của tướng Đạm hỏi về trường hợp những người như tôi. Cuộc điện đàm kéo dài không quá 3 phút, và sau đó ông nói với tôi là nếu tôi muốn làm ở NHPTNN thì chỉ một thời gian ngắn tôi sẽ bị gọi nhập ngũ và ngân hàng của ông không can thiệp được. Tôi cám ơn ông, nói sẽ cho biết quyết định của tôi sớm. Đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi đến với NHPTNN. Tôi không trả lời quyết định của tôi cho họ biết, vì chẳng có gì cần phải trả lời cả. Vấn đề chính không phải nhập ngũ hay không nhập ngũ nhưng là vì thái độ tiếp đón tôi cho thấy họ chẳng quan tâm đến mình. Hơn nữa, cảm tưởng đầu tiên của tôi là cơ quan này sao dễ bị bắt nạt quá vậy. Cả hai điều cộng lại không cho tôi có đủ sự tin cậy vào họ, chữ Tín nào đó đã bị rơi rụng, và câu nói "đem con bỏ chợ" thấm thía làm sao.
Ông bác tôi làm ở Bộ Kinh tế nói Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ thuộc bộ này đang tuyển dụng nhân viên. Tôi đưa cho ông hồ sơ của tôi và 2 tuần sau trở thành nhân viên của Trung Tâm, không hề thắc mắc về tình trạng quân dịch của mình, đến đâu hay tới đó vì lần này tôi đến với họ chứ không phải họ đến tìm tôi.
Nếu 2 vị phụ tá của ông Hảo không sang Canberra mời tôi về giúp việc thì tôi còn ở Úc, và sự thể sẽ hoàn toàn khác biệt. Nếu ông Đại tá Tùng đừng trả lời huỵch toẹt cho Ông Hảo hoặc nếu Ông Hảo có thể nói với tôi với một giọng điệu khác ngoại giao hơn/ấm áp hơn đại khái như trường hợp của tôi sẽ bị gọi nhập ngũ nhưng ngân hàng ông sẽ cố gắng tranh đấu xin hoãn dịch dù cơ hội thành công không lớn lắm thì tôi có thể đã làm việc với ngân hàng này. Sự việc tôi làm ở TTKTKN và sau đổi tên thành Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ Việt Nam như một định mạng. Trong những hoạch định về công việc làm, tôi không hề nghĩ đến tên nó, nhưng nó đã tới bất ngờ và trong suốt thời gian của chế độ VN Cộng hoà nó là cơ quan duy nhất tôi phục vụ.
Tôi nằm trong danh sách khóa 3/69 là nhóm chuyên viên đầu tiên của Bộ Kinh Tế lên Trại Nhập Ngũ Số Ba rồi sau đó chuyển sang Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung "Tiểu đoàn Nguyễn Huệ sống mạnh sống hùng 1, 2, 1, 2.. Tiểu đoàn Nguyễn Huệ sống hùng sống mạnh ắc ê, ắc ê..." như vậy trong 9 tuần. Cũng vào giai đoạn này, những ngày nằm dài chờ đợi hoàn tất thủ tục giấy tờ tại Trại Nhập Ngũ Số Ba, tôi làm quen với Kim Dung, với Tiếu Ngạo Giang Hồ và với hai nhân vật điển hình của cuốn truyện là Lệnh Hồ Sung và Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần, hai nhân vật sẽ sống mãi, phi không gian và phi thời gian. Tôi thích lối sống của Lệnh Hồ Sung, phóng khoáng, không câu nệ, không thành kiến, không giáo điều. Mãi tới quãng thời gian lăn lộn tại quê hương thứ hai này, tôi mới khám phá ra là quan niệm và lối sống của tôi thuộc về nhóm người rất thiểu số, quan niệm sống của nhân vật Lệnh Hồ Sung.
Tôi hoàn tất chương trình Huấn luyện quân sự 9 tuần, được mang danh Khóa sinh Dự bị Sĩ quan như các bạn khác và trở về nhiệm sở cũ cũng đang bận rộn chuyển hướng hoạt động với cái tên mới là Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ Việt Nam. Tôi vẫn nhớ về anh, với dáng đi tất bật, cặp mắt mệt mỏi sau những lần họp ở Nha Động viên với tướng Đạm hay với những vị phụ tá cao cấp của Nha Động Viên. Rất nhiều lần như vậy trong suốt nhiều tháng trường để cơ quan vẫn còn giữ được đám gà của anh nay tất cả đều đã là những gà nòi đá độ có nhiều chất lượng, đầy hăng say và sẵn sàng đóng góp khả năng vào việc phát triển nền kỹ nghệ nước nhà. Có những yếu tố khác đưa đến quyết định tạm hoãn dịch cho các chuyên viên chúng tôi, nhưng chắc chắn lời phát biểu của anh "Nấu cà ri gà thì dùng gà thịt chứ đừng nấu gà Nòi" là một yếu tố quan trọng.
Về Anh....và đám gà đông lạnh.
Một lần và nhiều lần sau anh nói với tôi "Anh là Chánh sở Nghiên Cứu Kinh Tế của Ngân hàng, có gì đúng hay sai anh phải nói cho biết chứ". Tôi dạ dạ vâng vâng nghĩ đến trách nhiệm của mình, vì lời anh nửa có vẻ như nhắc nhở, nhưng nửa còn lại như một mệnh lệnh.
Trong suốt hơn 40 năm qua, ngay cả quãng thời gian gần suốt một năm trường nằm trong khám lớn Vĩnh Long nhìn qua khung cửa sổ nhỏ hẹp thèm muốn được ra ngoài phòng giam thở chút không khí trong lành, mỗi khi nhớ về chương trình thuyết trình hàng tuần tại Ngân hàng, tôi cảm giác lấy lại được niềm tin hơn, một chút tự hào rơi rớt đâu đó chợt quay trở lại vì chương trình này chính là môi trường đào tạo chuyên viên của Ngân hàng hữu hiệu nhất, và trong những năm cuối cùng của nền Đệ nhị Cộng Hoà nó là một phần trong việc đào tạo nhiều chuyên viên bổ xung vào từng lớp lãnh đạo quốc gia.
Hàng tuần vào mỗi sáng Thứ Ba, bắt đầu ngay từ 7:30 giờ sáng, anh đã có mặt tại phòng họp Ngân hàng và vì xếp đến đúng giờ nên nhân viên không cần phải nhắc nhở đều đã tụ họp đông đủ tại phòng họp để nghe một vị thuyết trình về đề tài liên quan đến công việc của họ tại ngân hàng. Sau đó là phần thảo luận, rút ưu khuyết điểm và tổng kết. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều qua chương trình, và rồi đến lượt tôi vào một buổi sáng thứ Ba đã được chọn. Đề tài hợp với thời gian và cả không gian "Nhận định về Chương Trình Cải Cách Kinh Tế Mùa Thu của chính phủ VNCH". Trong bài thuyết trình, tôi chỉ nhận định riêng về phần có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển nền kỹ nghệ nước nhà là chính sách cho nhập cảng thả dàn sản phẩm tiêu thụ. Dĩ nhiên là phê bình chương trình không tốt, chính sách không hợp thời tuy lời lẽ rất nhẹ nhàng so với những ngôn từ chỉ trích bốc lửa của báo chí thời bấy giờ. Không hợp thời vì VN là quốc gia đang phát triển, nền kỹ nghệ còn trong giai đoạn phôi thai và hơn hết VN đang trong thời chiến, nhập cảng thả dàn sẽ ảnh hưởng tai hại đến sự phát triển kỹ nghệ. Phần trình bày ngắn nhưng buổi thuyết trình hôm đó còn ngắn hơn nhiều so với những lần khác vì phần câu hỏi và thảo luận hầu như không có. Tan hàng sớm, tôi được gọi lên gặp anh. Anh chỉ ghế cho tôi ngồi trong khi tôi ở tư thế giữ yên lặng và bình tĩnh sẵn sàng nghe những lời trách mắng của anh. Điều làm tôi ngạc nhiên là anh cũng giữ yên lặng khá lâu và sau đó chỉ nói vỏn vẹn một câu ngắn, giọng rất nhỏ so với cường độ âm vang, ào ào thông thường của anh "Anh phê bình như vậy làm sao tôi ăn nói với anh Tổng N...". Hình như anh có vẻ nói với anh thì hơn. Chỉ có vậy và cho tôi trở về.
Không biết anh có phải là người đầu tiên xử dụng từ "gà đông lạnh" (frozen chicken) hay không để ám chỉ đám chuyên viên USAID đến giúp Ngân hàng chúng tôi nhưng chắc chắn anh là người làm cho từ này trở nên thông dụng. Không chỉ riêng anh mà nhiều chuyên viên ngân hàng cũng than phiền là USAID gửi cho chúng tôi những người khả năng rất thấp nhưng lãnh lương rất cao. Anh tuyên bố thẳng thừng "Nếu những người này làm việc ở New York như tôi được biết thì đã bị đuổi rồi. Tôi gọi những người này là gà đông lạnh (frozen chicken)". Chủ ý của anh là so sánh khả năng những chuyên viên USAID gửi đến như phẩm chất của thịt gà đông lạnh được nhập cảng ồ ạt vào Saigon thời điểm bấy giờ. Cựu Đại sứ Bùi Diễm lúc đó đang là chủ tờ báo Saigon Post chắc cũng đã ngấm ngầm bực tức về chuyện này lắm, nắm ngay lấy lời tuyên bố của anh cho đăng lên trang bìa tờ Saigon Post " Mr. Dieu said that USaid engineers helping him are frozen chicken". Chắc nhờ nhận định/chỉ trích của anh đăng trên tờ Saigon Post, anh được mời sang Washington DC phỏng vấn những chuyên viên dự định gửi sang ngân hàng chúng tôi giúp việc. Đoạn kết tốt cho một lời tuyên bố can đảm là những chuyên viên USAID gửi đến ngân hàng chúng tôi sau này không còn tồi tệ như trước, một vài người rất khá.
"Anh phê bình như vậy làm sao tôi ăn nói với anh Tổng N...". Không phải những gì anh nói nhưng là sự yên lặng khá lâu và giọng nói rất nhỏ của anh cho tôi ấn tượng sâu xa thứ hai về anh sau lần anh tranh đấu để đám gà của anh được hoãn dịch. Tôi cảm thông sự yên lặng của anh và hình dung như anh muốn nói với tôi "Anh phê bình đúng nhưng biết sao bây giờ, ông Tổng N... cũng không phải muốn đặt ra những đường lối này nhưng ông cũng chẳng có quyền gì, phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của các gà đông lạnh thôi...". Tuy là Ngân hàng nhưng chúng tôi không phải là ngân hàng Thương mại mà là ngân hàng Phát triển trực thuộc Bộ Kinh tế và hiện giờ bộ này do ông Tổng N.. đảm trách. Có một cái gì đó đè nén trong tôi, tôi muốn hỏi anh "Anh là một trong những chuyên gia hàng đầu về phát triển nền kỹ nghệ quốc gia, đã từng là Phụ tá Công Kỹ Nghệ rồi Phụ tá Thương mại, Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ Việt Nam, Chủ tịch Hội Quản Trị Xí Nghiệp Việt Nam. Và điều quan trọng hơn nữa là dưới trướng của anh còn bao gà nòi cứng cựa đã thực sự va chạm với thực tế Việt Nam qua công việc hàng ngày. Họ có tham khảo ý kiến anh khi đưa ra những biện pháp "vô địch" này không?" Tôi do dự, câu hỏi không hợp với tình hình và có hỏi hay không thì cũng biết câu trả lời rồi. Anh thường triệu tập đám gà nòi của mình tham khảo ý kiến khi có vấn đề gì quan trọng. Tôi đã không thấy, không nghe gì cả.
Tôi hiểu sự yên lặng và giọng nói nhỏ hơi khác thường của anh, tôi chào anh đi ra với một suy tính trong đầu
Trở lại về tôi.....
Tiếu Ngạo Giang Hồ không phải là cuốn sách duy nhất tôi say mê, loại sách gối đầu giường, nhưng là một trong ba cuốn sách có ảnh hưởng đến lối sống cũng như phương cách hành xử của tôi nhất. Cuốn đầu tiên là 'The Godfather', cuốn thứ hai 'Tiếu Ngạo Giang Hồ' và sau cùng là 'The Best and The Brightest' theo thứ tự thời gian tôi đọc. Tôi đọc nghiến ngấu cuốn The Best and The Brightest vì muốn tìm hiểu về nước Mỹ, về hệ thống đào tạo cấp lãnh đạo của quốc gia đứng đầu thế giới, và để biết thêm về những nhân vật khoa bảng chót vót, thông thái như McNamara, Dean Rusk, Walt Rostow..... được cố Tổng thống Kennedy mời giúp hoạch định chiến tranh VN ra sao. Ôi những người tài giỏi và thông thái làm sao, theo học toàn những trường danh tiếng từ tiểu học, trung học rồi đến đại học. Ra trường thành công lớn trong bất kỳ lãnh vực nào có sự hiện diện của họ. Với những siêu sao như vậy họ sẽ bách chiến bách thắng, làm gì cũng phải thành công. Sự kính phục những nhân vật này từ từ mờ phai sau thất bại của Hoa Kỳ tại VN, và hoàn toàn biến mất sau những tiết lộ của cựu Bộ Trưởng Quốc phòng McNamara về sự hiểu biết của nhóm này về các quốc gia Đông Nam Á, về văn hoá Đông Nam Á, đặc biệt về VN và chiến tranh VN. Những người ở chóp bu còn như vậy thì những cố vấn đàn em họ gửi sang VN ở mọi cấp cũng chỉ hành xử theo sách vở, còn kinh nghiệm cá nhân của họ về người dân VN, về văn hoá VN và nhất là về phía địch bên kia hầu như còn xa lạ với họ. Nhưng những nhân vật này lại thật sự hoạch định đường lối quân sự, chính sách kinh tế và những lãnh vực phát triển khác cho VNCH trong thời chiến. Còn những chuyên viên VN bản thân đã lăn lóc hàng chục năm trong nghề ngay tại quê hương họ, hiểu rõ những ưu, khuyết điểm, những trở ngại trong việc sản suất, những khó khăn tìm được đủ nhân công có tay nghề tốt trong khi phần đông lực lượng lao động trong lứa tuổi năng suất cao nhất lại ở trong quân ngũ, và nhất là trong giai đoạn chiến tranh, làm sao có thể đưa sản phẩm đến tay người tiêu thụ mà không phải nạp thuế cho cả bên này lẫn bên kia làm giá thành sản phẩm tăng cao vòi vọi. Nhập cảng thả dàn và tự do cạnh tranh theo mô thức của một free enterprise? Trong những cuộc đá gà, người ta đưa một con gà đá với một con gà khác, không ai đưa một con gà đấu với một con chó lại là loại chó săn
Tôi hiểu sự yên lặng đầy chịu đựng và giọng nói nhỏ hơi khác thường của anh, tôi chào anh đi ra với một suy tính trong đầu. Tôi không có ý định này trước nhưng sau khi gặp anh, những gì cần phải làm tôi sẽ làm. Bài thuyết trình của tôi được đăng trên nhật báo Chính Luận sau đó ít lâu, chỉ có tên người viết thôi, không có chức vụ và nơi làm việc. Tôi biết những nhận định của tôi trong bài viết đó cũng chẳng có gì mới mẻ vì đã có hàng chục bài khác có quan điểm tương tự xuất hiện khá nhiều trên báo chí hàng ngày. Tôi cũng biết ông Tổng N... cũng chẳng có thời giờ hay quan tâm thêm đến những bài viết như vậy vì ông đã và đang bị tấn công tơi bời. Mục đích của tôi khi cho bài này đăng báo vì tôi biết hầu hết những gì xuất hiện trên báo chí Việt ngữ trong thời điểm đó, đặc biệt là trên tờ Chính Luận đều được dịch sang Anh ngữ. Dù tôi không để chức vụ và cơ quan làm việc để minh định những gì trong bài viết là ý kiến cá nhân nhưng họ có dư phương tiện truy cứu để biết người viết bài là ai, ở đâu. Tôi muốn chuyển thông tin cho các gà đông lạnh biết là thái độ khinh thường của họ đối với những nhân viên trong chính quyền VNCH là không có sáng kiến gì, chỉ biết răng rắc tuân lệnh không thể được tổng quát hoá. Có thể đúng với một số nhỏ họ chung đụng hàng ngày, nhưng VNCH cũng không thiếu gì những chuyên viên tay nghề cao. Tổng quát hoá những nhận định như vậy là một quan niệm rất sai lầm, có hại cho cả đôi bên. Chỉ có vậy thôi
Viết thêm từ Anh đến tôi.......
Trong lá thư đề ngày 17 tháng 9, 1983 của anh gửi để bổ túc hồ sơ định cư của gia đình tôi tại Mỹ, anh ghi địa chỉ của tôi như sau "Boat No. HG5381H, INS 824/10, Barrack 78, Zone 4, Galang Site 1". Tôi cám ơn anh đã đưa đến cho tôi cái địa chỉ quí giá này và những dữ kiện khác tôi đã làm thất lạc. Hành trình tị nạn của gia đình tôi cũng tương tự như phần đông hành trình tị nạn của bao đồng hương khác, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, trăm đắng ngàn cay nhưng vì là kinh nghiệm của chính mình, những ghi lại sẽ là một kỷ niệm không thể quên và để cho con cháu biết được nguồn gốc của chúng và tại sao chúng trở thành công dân Mỹ. Đã hơn một lần tôi dự định cầm viết bắt đầu với những chứng kiến tận mắt và nhận định cá nhân về ngày 30 tháng 4, 1975, về 8 năm chẵn sống dưới chế độ Cộng Sản, về các chuyến vượt biên của tôi/của gia đình tôi, về những ngày tháng nằm trong khám lớn Vĩnh Long và thời gian lao động khổ sai tại Bến Giá nơi gai chà là dài cả gang tay và muỗi rừng đúng là từng đàn từng đàn, về thời gian gia đình tôi ở trại định cư Galang, Indonesia và chắc chắn không thể thiếu những ngày tháng với cuộc sống mới tại đất nước mới, nhưng chưa thực hiện được vì một là chưa có rộng thời giờ và hai là một số dữ kiện đáng ghi nhớ nhất cho mình như tên gọi và số chiếc tầu vượt biên đã đưa gia đình tôi đến Indonesia, tên gọi của từng nơi cư ngụ trong trại tị nạn lại không nhớ. Với những dữ kiện vừa tìm được trong lá thư của anh, tôi càng có thêm lý do là sẽ phải hoàn tất công tác này trước khi tôi còn có đủ sức khoẻ và còn giữ được trí nhớ của những gì đã xảy ra trong cuộc đời tôi.
Tháng tư 1975 hằn ghi một kỷ niệm lớn chung cho tất cả những người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc và riêng với tôi còn thêm một vài kỷ niệm khác. Về công việc, lên chức, một sự thăng tiến đáng lý phải thật vui nhưng chẳng ai còn quan tâm đến vào thời điểm đó, nhưng một sự lên chức khác đáng nhớ hơn nhiều là được chính thức lên chức ông xã, chỉ một ngày trước khi vị nguyên thủ của VNCH tuyên bố từ chức. Tôi và bà xã đều thích khiêu vũ nên kế hoạch là đám cưới không thể thiếu phần này. Chúng tôi dự định tổ chức tại Câu Lạc Bộ Sóng Thần nhưng rồi những biến cố dồn dập nên đành phải chuyển đám cưới từ dự định buổi tối sang buổi trưa cho chắc ăn, từ một Câu Lạc Bộ bên Thị Nghè sang nhà hàng Kim Đô tại Trung Tâm thành phố vì lý do an ninh, nén lòng loại bỏ phần khiêu vũ nhưng vẫn còn những phần khác như trong bất kỳ một đám cưới nào khác. Anh bạn tôi làm cùng cơ quan, tự tin hơn tổ chức đám cưới của anh một ngày sau, lại vào ban đêm tại khách sạn Majestic. Đám cưới của anh bắt đầu khá trễ và quan khách mới đụng đũa cho món ăn thứ hai thì được tin lệnh giới nghiêm và vị nguyên thủ quốc gia sẽ đọc bản tin rất quan trọng trên hệ thống truyền thanh và truyền hình. Đám cưới tan hàng nhanh chóng khi nghe tin này. Cặp vợ chồng son mới chính thức được một ngày trở về cư xá Ngân hàng PTKNVN theo dõi truyền hình bản tin quan trọng. Vị nguyên thủ tuyên bố từ chức nhường ngôi lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương. Sự từ chức của ông chắc sẽ bị quên lãng mau chóng nếu không có câu nói bất hủ của ông, đại khái Mỹ viện trợ 100 triệu Mỹ kim, ta đánh Cộng sản theo 100 triệu Mỹ kim, Mỹ viện trợ ta 300 triệu Mỹ kim ta đánh theo 300 triệu Mỹ kim. 9 ngày sau đó, chế độ Cộng hoà sụp đổ. Với lãnh đạo như vậy và với sự cố vấn khống chế của các gà đông lạnh, chuyện gì tới sẽ phải tới, chỉ khác là không ai nghĩ nó tới nhanh như vậy.
Tháng tư 1975 đặc biệt ghi lại những chia ly trong lo âu, hoảng hốt. Người đi cũng chưa biết đi đâu, người quyết định ở lại (trong số đó có tôi) không biết số phận mình rồi sẽ ra sao. Nhưng hệ lụy của những biến cố trong tháng này ảnh hưởng đến tôi và công việc của tôi sau này khá đậm. Trên phương diện địa dư, từ Đông Nam Á chỉ chung hơn 10 quốc gia, nhưng về phương diện dân tị nạn tại Mỹ, từ này ám chỉ những người tị nạn đến từ ba quốc gia Việt Mên Lào, hậu quả của cuộc chiến Việt Nam. Tôi là người làm trong một cơ quan vô vị lợi trợ giúp người tị nạn Đông Nam Á và trong công việc hàng ngày thuờng phải trình bày với những người không phải Việt Nam (kể cả các sắc tộc Miên và Lào) về cộng đồng Đông Nam Á là gì, lý do họ có mặt tại quốc gia này và hiện trạng/tương lai của cộng đồng này ra sao. Trong nhiều cuộc thảo luận, khó tránh được những câu hỏi, đặc biệt trong giới trẻ và các sinh viên muốn tìm hiểu về Đông Nam Á, về vai trò của những người lãnh đạo của hai quốc gia Việt và Miên trong thời điểm đó. Một bên là Phó Thủ tuớng Miên Sirik Matak không chịu rời bỏ đất nước mặc dầu tên của ông đã được ghi trong bảng phong thần "7 tên phản động" phải xử tử của Khmer Đỏ, và mặc dầu ông đã được Đại Sứ Mỹ tại Miên John Gunther Dean bảo đảm cho tị nạn tại Mỹ. Miên rơi vào tay Khmer Đỏ ngày 17 tháng 4. Ông Sirik Matak bị Khmer Đỏ xử tử 4 ngày sau, đúng vào ngày vị lãnh đạo của VNCH tuyên bố từ chức trong cay đắng và trút hết trách nhiệm cho Mỹ, hứa sẽ cùng đồng bào chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để rồi chỉ đúng 3 ngày sau cùng với nguyên Thủ tướng TTK ra đi chung với nhau không kèn trống. Ít ra thì hai vị nguyên thủ của VNCH (Tổng thống và Thủ tướng) cũng biết đoàn kết trong giai đoạn chót khi vui cùng hưởng và khi cần ta cùng chạy. Lời tuyên bố của vị nguyên thủ VN trong buổi từ chức và bức thư trả lời của ông Sirik Matak cho đại sứ John Dean lý do tại sao ông không muốn từ bỏ đất Miên là một sự tương phản bẽ bàng cho quốc gia lớn hơn, luôn luôn coi mình như đàn anh. Cũng bẽ bàng cho tôi khi không thể bào chữa một sự thật vì sự thật này ai cũng đã biết, nhưng chấp nhận nó cảm thấy thật tủi. Cũng may danh dự của quốc gia đàn anh còn được cứu vãn phần nào qua cái chết hào hùng của 5 vị tướng. Họ đã hành xử rất đúng trong vai trò họ đảm nhiệm vào thời buổi đó, đã gỡ lại được danh dự cho quân đội VNCH và một phần nào đó cho người công dân trong chính thể VNCH nói chung. Di ảnh của 5 vị tướng với những cái chết vinh quang được đặt trên bàn thờ tại một hội đoàn Ái hữu Cựu Tù Nhân Chính trị vùng Đông Vịnh San Francisco và mỗi khi ghé qua, tôi không quên kính cẩn thắp một nén nhang.
Những năm cuối ở NHPTKNVN, tôi gần gũi với anh nhiều hơn, đặc biệt là ở Hội Quản Trị Xí Nghiệp Việt Nam khi anh là Chủ tịch Hội và tôi là Ủy Viên Thông Tin. Ngoài trách nhiệm lo về thông tin, tôi còn đặc trách tổ chức các buổi thăm viếng xí nghiệp Việt Nam mà phần đông là ở khu kỹ nghệ Biên Hoà cho các phái đoàn trong cũng như ngoài nước. Trách nhiệm này lại bổ xung cho công việc về phát trìển đầu tư của tôi tại NHPTKNVN, nên tôi rất thoải mái và thích thú trong công việc. Dù là nhận định tại thời điểm đó hay là nhận định của 40 năm sau nhìn trở lại, tôi vẫn nghĩ Hội Quản Trị Xí Nghiệp Việt Nam là môi trường đưa tôi lại gần anh nhất và có lẽ cũng đưa anh lại gần tôi hơn. Anh được mời thuyết trình tại nhiều nơi và mời làm giáo sư thỉnh giảng cũng không ít chỗ. Anh đi đâu mỗi khi thuyết trình thường có tôi theo sau. Cố giáo sư Phó Bá Long của trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt mời anh thỉnh giảng nhưng anh không có thời giờ đảm nhận và rồi tôi không nhớ rõ diễn biến ra sao, từ anh đến thẳng tôi hay từ anh qua trung gian khác, tôi điền vào chỗ trống này cho anh trong suốt giai đoạn 1969-1975. Ban Cao học Quốc Gia Hành Chánh mời anh thỉnh giảng về Phát Triển Kỹ Nghệ Việt Nam, anh đi và tôi cũng được lệnh tháp tùng. Tôi chỉ tháp tùng anh có một lần vì kể từ lần thứ hai cho đến suốt hơn 3 tháng sau, tôi đi một mình và không có ai theo sau cả. Lý thú hơn là tại trường Cao Đẳng Quốc Phòng, anh cũng đến thuyết trình cho các ông tá và vài ông tướng về Phát Triển Kỹ Nghệ và tôi theo sau anh. Cũng may tôi chỉ thay anh thêm một lần duy nhất tại trường này. Anh là dân sự thuần túy còn tôi là Khoá sinh Dự bị Sĩ quan thì các ông tá và tướng là xếp cao quá, nói năng gì chăng nữa cũng không thấy thoải mái. Sự nghiệp giảng huấn tay trái của tôi vô hình chung là do anh dẫn dắt, và còn dài dài vì ngoài những cơ duyên do anh đưa dắt, tôi còn cộng tác (vì không thể từ chối được) với Đại học Vạn Hạnh, Đại Học Minh Đức, và nếu không có biến cố 30 tháng 4, sẽ còn lao đao thêm với Đại học Cần Thơ và những nơi khác. Tính tôi là như vậy, khi một người bạn nói cần tôi giúp, tôi rất khó khăn nói được câu trả lời Không.
Về tôi/gia đình tôi....và quê hương mới
Chiếc phi cơ khởi hành từ Singapore hạ cánh ở phi trường Los Angeles vào một ngày ghi nhớ cho gia đình tôi 11 tháng 4, 1984. Chúng tôi làm những thủ tục định cư/nhập cảnh tại đây, sau đó lên xe của cơ quan bảo trợ World Relief về phi trường tại Orange County. Tiếp đón gia đình tôi là bốn người: Cô em vợ, người em cột chèo, một anh Mỹ trắng dáng người cao gầy và một người Mỹ gốc Á châu (nhưng không phải Việt Nam) đeo hai hay ba máy chụp hình. Người cao gầy bắt tay tôi tự giới thiệu là Jeffry Brody, phóng viên của tờ Orange County Register và giới thiệu người kia là thợ chụp hình của báo. Những giây phút đầu tiên tại đất nước mới và gặp lại họ hàng xa cách sau gần 10 năm khiến tôi không nghĩ nhiều đến hai người của báo Register. Họ chụp vài bức hình về gia đình tôi, sau đó chúng tôi lên xe trở về nhà cô em vợ là nơi gia đình tôi sẽ cư ngụ trong những ngày đầu. Khi về tới nhà thì anh chàng phóng viên và người thợ chụp hình cũng đã có mặt ở đó. Họ lái xe riêng, đi nhanh hơn và về trước chúng tôi. Lại thêm màn chụp hình nữa rồi cả hai nói lời từ giã.
Sáng hôm sau, cô em vợ đưa chúng tôi đến những nơi cần thiết làm thủ tục định cư kể cả khám sức khỏe. Jeff và người thợ chụp hình theo gia đình chúng tôi như bóng với hình, rồi những hôm kế tiếp cũng hầu như vậy suốt tuần. Cuối tuần, Jeff và người thợ chụp hình dẫn gia đình tôi đi Dysneyland chi phí do tờ báo đài thọ.
Những ngày/tuần lễ đầu tiên tôi không quan tâm lắm đến Jeff và người thợ chụp hình. Đối với tôi chuyện không có gì quan trọng. Một tờ báo muốn làm một phóng sự về một gia đình tị nạn, đời sống của họ ra sao trong giai đoạn đầu đặt chân đến vùng đất mới. Rồi họ sẽ đăng báo. Rồi một thời gian sau tất cả sẽ đi vào quên lãng. Có lẽ tôi sẽ cắt một vài hình ảnh trên báo đó để vào một hồ sơ nào đó rồi sau này có muốn tìm lại chưa chắc đã tìm thấy vì không nhớ để ở hồ sơ nào. Tôi không thích treo những hình ảnh về mình trên tường ngoài một hai bức hình gia đình tôi theo ý muốn của những người thân.
Ngày định cư tại quốc gia mới này, gia đình tôi gồm 5 người, hai vợ chồng và 3 trẻ nhỏ. Hai con trai tôi, một 2 tuổi, một 6 tuổi và đứa em trai của vợ tôi 10 tuổi. Gia đình đủ tiêu chuẩn hưởng trợ cấp xã hội lâu dài. Chúng tôi nhận được trợ cấp xã hội nhưng chưa đầy ba tháng vì cả tôi và vợ tôi đều đã có công ăn việc làm, đủ sức tự túc theo tiêu chuẩn của những người có lợi tức thấp, và nếu có so sánh thì mức sống kinh tế thấp hơn so với trợ cấp xã hội. Trợ cấp xã hội ba tháng đầu cho gia đình tôi cũng không phải đến từ Bộ Y Tế và An Sinh mà là từ Bộ Ngoại Giao qua chương trình Matching Fund. Một cách nôm na, cơ quan trợ cấp xã hội với dụng ý gì đó sẽ đưa ra những dẫn chứng về trường hợp của một gia đình tị nạn có nhiều con nhỏ định cư tại đây và đã có thể tự túc sau một thời gian rất ngắn, với sự cố gắng của họ. Truờng hợp điển hình là... như vậy, như vậy. Tôi không biết dụng ý này vì không được cho biết gia đình tôi đang là một thí nghiệm, mà biết tin một cách gián tiếp từ chính Jeff. Qua Jeff tôi được biết là hai người của tờ Register sẽ tháp tùng/theo dõi sự hội nhập của gia đình tôi vào đời sống mới ở Mỹ trong suốt 6 tháng đầu rồi sau đó sẽ đánh trống thổi kèn đưa lên các hệ thống truyền thông quảng bá. Mục tiêu tối hậu có thể là những biện pháp giảm thiểu thời gian hưởng trợ cấp xã hội của người tị nạn.
Tôi không phải suy nghĩ nhiều về quyết định mình phải làm gì khi hiểu được lý do của việc dùng gia đình tôi như một trường hợp điển hình cho một dụng ý. Orange County là đế đô của khuynh hướng bảo thủ và là nơi có đông người tị nạn Việt nhất. Khuynh hướng bảo thủ muốn giảm thiểu sự nhúng tay của chính phủ vào các hoạt động kể cả vấn đề trợ cấp xã hội. Khó khăn nhất của tôi về quyết định cho việc này là cá nhân anh Jeffrey Brody vì sau ít tháng quen nhau, anh và tôi trở nên thân thiết hơn nhiều. Tuy là phóng viên của tờ báo cũng có khuynh hướng bảo thủ tại đế đô của khuynh hướng bảo thủ là Orange County nhưng con người của anh phóng khoáng, có khuynh hướng cấp tiến. Anh hiểu nhiều về cộng đồng Việt Nam tại Orange County vì thường xuyên tiếp xúc và viết về cộng đồng này. Anh biết rõ về hoàn cảnh của những người người tị nạn, đặc biệt là người tị nạn Đông Nam Á (Việt, Mên, Lào). Anh biết sự khác biệt giữa người di dân (immigrants) và người tị nạn (refugees). Quyết định của tôi sẽ ảnh hưởng đến công việc của Jeff vì anh sẽ phải giải thích cho hợp lý với cấp chỉ huy của anh khi cho họ biết gia đình tôi không muốn, khẳng định là không muốn lên mặt báo sau khi Jeff đã đi được 2/3 đoạn đường. Anh nói với tôi là bài phóng sự về gia đình tôi sẽ từ 4 trang đến 8 trang nguyên khổ với nhiều hình ảnh, phụ trang đặc biệt cuối tuần, dự trù sẽ hoàn tất trong vòng 6 tháng, khoảng tháng 10/11, 1984 rồi được đưa lên báo vào mùa Lễ (Holiday Season) như một hình thức chúc mừng gia đình tôi vui hưởng mùa Lễ đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Tôi không nhớ đã bắt đầu câu chuyện với anh thế nào nhưng đại khái tôi nói với anh những người lựa chọn gia đình tôi đã có một quyết định vừa rất đúng vừa rất không đúng. Đúng nhưng không công bằng cho người tị nạn Việt Nam (và cả những người tị nạn từ những nơi khác) vì họ đã chọn đúng người có thể đạt được những dụng ý họ mong muốn, nhưng không công bằng vì tình trạng của người được chọn không điển hình cho phần đông những người tị nạn khác đặc biệt về hai phương diện chính là ngôn ngữ và sự quen thuộc với nền văn hoá tại quốc gia định cư. Hơn nữa sức khoẻ của tất cả thành viên trong gia đình tôi khá tốt, không có trở ngại lớn nào trong sinh hoạt thường ngày.
Người tị nạn điển hình đến định cư tại Mỹ hay môt quốc gia nào khác kể từ những năm 1978/79 trở về sau đã trải qua những cuộc hành trình khốc liệt qua biển Đông hay bằng đường bộ. Trình độ văn hóa nói chung của phần đông lại thấp cộng thêm với sự xa lạ về phong tục tập quán của quốc gia họ định cư đã được nhiều chuyên gia định cư ví họ như những người vừa mù vừa điếc lại vừa câm trong xã hội mới ở quốc gia tạm dung. Chỉ tiêu là họ có thể vươn lên và tự túc được trong vòng 3 tháng đến 6 tháng là một chỉ tiêu không thực tế nếu không muốn nói là tàn nhẫn và đầy bất công. Họ cần được một sự giúp đỡ lâu hơn để trước hết vượt qua được những ám ảnh và hệ lụy hậu quả của cuộc hành trình đi tìm tự do, phục hồi được sức khoẻ, và sau đó là thời gian học Anh ngữ, học nghề. Qua gian đoạn này, người tị nạn sẽ có thể vươn lên tốt đẹp vì không ai cần cù chịu khó bằng họ. Tôi không phải là người có thể chấp nhận sự đổi lấy một danh tiếng hão bằng sự đau khổ, và thiệt thòi của những người đồng hương chung số phận với mình. Họ đã chọn đúng người và họ cũng đã chọn sai người để làm việc này. Một điều nữa cũng quan trọng không kém đối với tôi là tôi không hề được thông báo về chương trình Matching Fund của Bộ Ngoại Giao, và không chấp nhận việc mình làm con vụ cho họ tự ý xoay tròn.
Tôi hình dung Jeff sẽ thuyết phục tôi tiếp tục chương trình, nhưng không phải như vậy. Anh trầm ngâm và không bàn thêm gì. Tôi nghĩ một là Jeff nhận thấy thái độ rất cương quyết của tôi không thể xoay chuyển được hoặc, tôi không muốn nghĩ xa hơn, có thể một người như Jeff chắc cũng phải thấy sự không hợp lý, bất công của nó. Điều tôi e ngại nhất hình như không xảy ra vì Jeff vẫn còn tiếp tục cộng tác với tờ báo Orange County Register và anh thường xuyên thăm viếng nơi tôi làm việc. Anh hỏi cảm tưởng của tôi về vụ nổ phi thuyền Challenger của Mỹ và sự tử vong của toàn thể 7 phi hành gia kể cả hai nữ phi hành gia là Christa McAuliffe và Judith Resnik. Tôi nói có theo dõi truyền hình, và cảm giác xúc động, mất mát tương tự như khi nghe tin cái chết của tổng thống Kennedy qua truyền thanh vào buổi sáng một ngày cuối tuần tháng 11, 1963 khi tôi đang trong xe buýt trên đường đi dự buổi Picnic ở bãi biển Bondi tại Sydney. Tôi có cảm giác như Jeff gần gũi với tôi hơn sau khi gia đình tôi từ chối xuất hiện trên tờ báo Register.
Jeffrey Brody hiểu rất rộng về cộng đồng Việt Nam tại Orange County, và có lẽ anh bất ngờ về phản ứng của một người tị nạn Việt Nam khá khác biệt so với những người anh đã gặp và phỏng vấn. Không biết có phải để bù vào việc này không vì sau đó Jeff đưa chân dung (profile) của tôi hai lần lên báo Orange County Register, một lần như một người hoạt động xã hội khi tôi còn làm ở Hội Cộng Đồng Người Việt tại Orange County, và một lần như một người tích cực trợ giúp cộng đồng Việt Nam phát triển tiểu thương khi tôi làm ở Phòng Thương Mại Việt Mỹ tại Nam California. Hai biến cố liên quan đến truyền thông/báo chí đã xảy ra cho tôi, một ở thời điểm gần cuối của nền Đệ Nhị Cộng Hòa, khi không có lợi gì cho tôi để bài viết "Nhận định về Chương Trình Cải Cách Kinh Tế Mùa Thu của chính phủ VNCH" xuất hiện trên nhật báo Chính Luận nhưng tôi đã làm điều đó, và hai ở thời điểm hơn một thập niên sau, bài phóng sự về gia đình tôi của Jeff trên tờ Orange County Register đương nhiên là chỉ có tốt chứ không có hại gì cho gia đình tôi nhưng tôi lại cương quyết bác bỏ điều này. Có một mẫu số chung cho hai thời kỳ và hai quyết định khác nhau. Phản ứng của tôi rất tự nhiên khi thấy đó không phù hợp với lương tâm hay trách nhiệm của mình. Trường hợp một là sự khinh thường của đám gà đông lạnh đối với tập thể chuyên viên VNCH và trường hợp hai là sự dùng một gia đình tị nạn Việt Nam cho những dụng ý không tốt cho những người tị nạn Việt Nam khác.
Một vài chi tiết thêm về Jeffrey Brody: Anh không còn cộng tác với tờ Orange County Register nữa mà từ nhiều năm nay đã trở thành giáo sư về môn truyền thông tại đại học Cal State Fullerton. Tôi cám ơn anh vì đã hơn một lần anh giúp tôi, và một trong những sự giúp đỡ này là vào khoảng năm 1993, khi Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của một cơ quan bất vụ lợi bề thế ở Orange County điện thoại mời tôi về cộng tác với cơ quan của ông, và cũng đúng vào thời điểm đó, Jeff gặp tôi. Tôi nói với Jeff là cơ quan đó mời tôi cộng tác nhưng tôi muốn tìm hiểu rõ thêm một vài dữ kiện để có một quyết định đúng. Jeff bảo tôi khoan gặp họ vì cơ quan đó đang có vấn đề. Anh sẽ cho tôi biết vấn đề quan trọng đến mức nào nội trong 48 giờ. Ngay hôm sau, Jeff điện thoại cho tôi nói tình thế của cơ quan đó bi đát lắm rồi, không phương cứu chữa. Thì ra Jeff đang làm một bài phóng sự về cơ quan tôi đề cập vì cơ quan đang bị điều tra về tình trạng tài chánh. Không đầy một tháng sau cơ quan này đóng cửa, vĩnh viễn một đi không trở lại.
Khi gia đình tôi di chuyển lên San Francisco, tôi ít có cơ hội gặp lại Jeff nhưng anh là người Mỹ da trắng tôi có nhiều kỷ niệm nhất. Nếu gặp lại Jeff, tôi nghĩ anh sẽ thích thú nếu biết công việc tôi đang làm cùng bản chất với công việc đầu tiên của tôi 26 năm về trước khi anh muốn viết về gia đình tôi. Tôi mường tượng anh sẽ thốt lên "Con người đó vẫn là như vậy dù ở bất cứ đâu hay thời điểm nào. Chúc mừng anh nhé vì tôi biết anh vẫn còn làm việc trong môi trường anh rất ưa thích"
Phần cuối của một bài viết về Anh và về tôi
Khoảng hơn 40 người gồm các cựu nhân viên Trung Tâm Khuếch Trương Kỹ Nghệ và Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ Việt Nam, có người từ Việt Nam đến, từ Canada xuống, từ các tiểu bang ở miền Đông và Trung Hoa Kỳ, và một số bạn của anh chị, tụ họp tại nhà anh ở San Francisco vào một ngày Thứ Bảy cuối tháng 10, 2010 để mừng Sinh Nhật thứ 80 của anh và cũng để chung vui cùng anh chị nhân dịp Kỷ Niệm Vàng ngày cưới của hai người. Kỷ niệm Vàng (50 năm) cũng là một thời gian kỷ lục, chỉ sau có Kỷ Niệm Kim Cương (60 năm) nhiều người hằng mong ước đạt được.
Tiên đoán thời tiết báo hiệu có thể mưa nhưng đến giữa trưa khi mọi người đã đầy đủ mưa vẫn chỉ ngấp nghé phía bắc cầu Golden Gate, dành sự khô ráo cho toàn thể khách tham dự. Tôi di chuyển chung quanh căn phòng lầu một, máy hình trong tay, chăm chú theo dõi anh chị chờ đúng lúc có thể bắt được những tấm hình có hồn và tiêu biểu nhất. Chiếc máy hình khá hiện đại, nhưng người chụp hình chưa đủ trình độ đứng ngang với nó nên cách hay nhất là tôi bấm lia lịa, thế nào cũng có một hay nhiều hơn những tấm hình vừa ý, và trong tư thế này tôi có cơ hội quan sát anh kỹ hơn. Bản tính sống động của anh không khác chi trên 35 năm trước. Anh cười thoải mái, tiếng cười dòn tan và âm thanh đủ cho người cách xa anh 10 thước hay ở tầng lầu dưới nghe được những gì anh nói. Tôi nhớ về những buổi họp mặt trên sân thượng tư gia của anh tại đường Kỳ Đồng, Saigon trước ngày 30 tháng 4, 1975. Không khí ồn ào không khác biệt bao nhiêu, giọng nói của anh, tiếng cười của anh, và những người xung quanh bị lôi cuốn theo bầu không khí ấy. Bí quyết nào để anh còn giữ được sức khoẻ và tình trạng tinh thần minh mẫn này? Rõ ràng là anh có một lối sống thích hợp, một chương trình hoạt động và cách ăn uống theo một qui cách có bài bản.
Anh chị đã ở San Francisco trên 32 năm trong cùng một căn hộ xinh xắn, cách bờ Thái Bình Dương không đầy một dặm Anh, nơi sương mù lãng đãng, gió biển quấn quít, và khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đây cũng là một yếu tố tốt cho sức khoẻ. Còn những yếu tố khác: Tinh thần sảng khoái? Không quá khích? không câu nệ? Không quên nhưng có thể tha thứ cho quá khứ? Sinh hoạt và ăn uống điều độ? Có lẽ anh có tất cả những yếu tố này qua tiếng cười, qua giọng nói. Tôi cầu mong cho anh luôn được như vậy, và triển vọng sinh nhật thứ 90 của anh, kỷ niệm Kim cương ngày cưới của anh chị là những ước mơ trong tầm tay. Tôi hình dung một ngày không xa trong cùng căn nhà này cũng sẽ có những tiếng cười và giọng hát mừng sinh nhật và chúc mừng kỷ niệm Kim cương ngày cưới.
Tôi kém anh hơn một con giáp, và trên nhiều khía cạnh anh và tôi khá khác biệt. Anh đã cư ngụ tại thành phố này trên 32 năm nhưng vẫn còn giữ được bản chất của một người bảo thủ ôn hoà, lối sống tuân theo một số quy luật đã định. Trái lại tôi chỉ mới cư ngụ tại đây chưa bằng một nửa thời gian của anh nhưng bản chất lại hợp với khuynh hướng đặc thù của vùng San Francisco-Oakland-Berkeley là cấp tiến tuy cũng là cấp tiến ôn hoà, và lối sống phóng khoáng, không câu nệ vướng mắc với bất cứ giáo điều nào. Trong các câu chuyện mỗi khi gặp gỡ cũng như trong tranh luận về một chủ điểm nào đó, anh và tôi không có bất hoà và cũng ít có bất đồng vì anh thì uyển chuyển và tôi biết tôn trọng người trên. Tôi thích và có thể gần gụi anh qua tính uyển chuyển của anh, dễ dàng né sang đề tài khác khi thấy đề tài đang thảo luận không đi đến một mẫu số chung thay vì áp đặt bắt người khác phải theo quan điểm của mình, một hiện tượng chiếm tuyệt đại đa số những người trong cùng cộng đồng ở lứa tuổi của tôi, và ngay cả trẻ hơn tôi nữa chứ chưa nói đến những người lớn hơn tôi vào lớp tuổi của anh. Tôi nhớ về thời gian anh và tôi ở Hội Quản Trị Xí Nghiệp Việt Nam, đứa con đẻ của anh, thời gian tôi cảm thấy gần gụi với anh nhất. Anh cũng như tôi chịu ảnh hưởng nhiều đường lối quản trị Mỹ nhưng ở anh có pha thêm những kinh nghiệm quản trị của người Việt gốc Hoa, giới độc chiếm thương trường Việt Nam. Chỉ có những người có kinh nghiệm về VN, hiểu được nền tảng của kinh tế Việt Nam mới thấy phải hiểu hình thức quản trị cũa người Việt gốc Hoa nếu muốn thành công về bất cứ lãnh vực kinh tế nào ở quê nhà. Tôi học được từ anh bài bản này, cộng thêm với ít nhiều phương cách quản trị của người Nhật khi cơ quan gửi tôi sang tu nghiệp gần 6 tháng về "Cố Vấn Quản Trị Xí Nghiệp nhỏ" tại xứ của con cháu Thái Dương Thần Nữ. Đặc điểm về phương cách quản trị của Nhật Bản lòng là trung thành với cơ quan, việc làm suốt đời, sự khiêm tốn, tự trọng cũng như lễ phép với người lớn tuổi và biết lắng nghe. Có lẽ tôi đang có giấc mơ ban ngày khi hình dung nếu không có biến cố 30 tháng 4, 1975.
Buổi họp mặt mừng sinh nhật 80 của anh và kỷ niệm ngày cưới Vàng của anh chị chấm dứt khoảng 4 giờ chiều. Trời bắt đầu mưa tuy chỉ lất phất khi chúng tôi ra về. Tôi có lòng tin và hay phát biểu là trời mưa thường mang điềm may tới. Anh Dương Việt Quốc (John Duong) khi còn làm Giám Đốc Điều hành của Ủy Ban Cố vấn cho Tổng Thống (Bush) về các vấn đề Á Châu và Thái Bình Dương, đã dẫn chứng một cách vui đùa niềm tin của tôi khi anh khai mạc trong lúc trời đang mưa một khóa họp của Ủy ban này để lấy ý kiến các hội đoàn bất vụ lợi ở Washington, DC. Chiếc gạt nước xe qua lại mau hơn vì mưa bắt đầu nặng hạt. Trong ngày vui của anh chị thì mưa lớn hơn sẽ mang những may mắn tới anh chị nhiều hơn. Tôi tin như vậy và tôi cũng vững tin tương lai của cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tươi sáng qua giới trẻ với những người như Dương Việt Quốc, đầy khả năng, xông xáo, hiểu được dòng chính và hòa mình vào dòng chính nhưng vẫn giữ được nét đặc thù của người Việt là lễ phép với người lớn tuổi, khiêm tốn, cánh tay sẵn sàng đưa ra trước và nụ cười luôn nở trên môi.
Nghĩ đến anh, tôi không thể quên dáng đi tất bật, cặp mắt mệt mỏi sau mỗi lần anh tham dự các phiên họp tranh đấu cho đám gà của anh ở Nha Động viên trở về, không thể quên câu nói của anh với tướng Bùi Đình Đạm "Nếu có nấu cà ri, thì xin dùng gà thịt chứ đừng bắt gà Nòi cho vào nồi". Nhớ về anh, tôi nhớ đến sự yên lặng chịu đựng của anh khi anh nói với tôi "Anh phê bình như vậy làm sao tôi ăn nói với anh Tổng N...", và nhớ đến từ gà đông lạnh anh thường dùng. Nhìn lá thư viết tay của anh, tôi cảm động về sự mau mắn của anh khi giới thiệu tôi với cơ quan INS. Tiếng cười dòn tan và giọng nói ào ào của anh là những gì tôi khó quên được. Nếu ai hỏi tại sao đề bài là viết về anh và về tôi mà phần về tôi lại dài hơn thì câu trả lời của tôi là những gì tôi viết về tôi chính là về anh. Không ít thì nhiều anh đã hướng dẫn tôi trở thành mẫu người như vậy qua những năm làm việc với anh, qua những buổi thuyết trình ở Ngân hàng Phát Triển Kỹ Nghệ Việt Nam, qua Hội Quản Trị Xí Nghiệp VN với chương trình huấn luyện quản trị xí nghiệp cho các công thương kỹ nghệ gia, và qua những lần tháp tùng anh đến với một buổi giảng huấn hay thuyết trình ở một số nơi. Tôi nghĩ sự hiểu biết tôi có được của ngày hôm nay một phần lớn là nhờ ở sự dẫn dắt của anh đưa tôi vào con đường giảng huấn, nghề tay trái tôi ưa thích. Một khi đã chấp nhận giảng dạy hay thuyết trình về một đề tài nào đó tôi để ra rất nhiều thời giờ tham khảo về đề tài này, và trọng tâm là việc dự đoán tất cả những câu hỏi có thể đặt ra cho tôi và nghiên cứu tài liệu để tìm ra giải đáp thoả đáng cho những câu hỏi đó.
Tất cả đối với tôi đều là những kỷ niệm đáng nhớ, và càng lớn tuổi người ta càng sống nhiều hơn với những kỷ niệm.