Bài Học Không Chỉ Cho Một Thời, Cho Một Người (Hoàng Ngọc Nguyên)

05 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 24738)
Bài Học Không Chỉ Cho Một Thời, Cho Một Người (Hoàng Ngọc Nguyên)

BÀI HỌC KHÔNG CHỈ CHO MỘT THỜI,

CHO MỘT NGƯỜI


Hoàng Ngọc Nguyên

 

Ba con giáp - 36 năm đã trôi qua từ ngày ấy, tưởng như tất cả đã trở thành quá khứ và một chương sử đã khép lại, nhưng không ít người vẫn còn trăn trở, ngậm ngùi trong những nỗi đau và câu hỏi ám ảnh: “Tại sao? Tại sao? Tại sao?”. Trước sự mất mát to lớn của dân tộc, không mất mát của cá nhân nào là quá lớn, mặc dù thật ra người nào cũng có thề thấy mất mát của mình lớn như cả cuộc đời, khi trong rất nhiều trường hợp, cuộc sống của họ trên dương thế có thể kéo dài thêm 30 năm, 40 năm nữa từ ngày 30-4 năm đó, nhưng cuộc đời thực của họ như đã lạc vào cõi âm, chẳng còn gì kề từ ngày định mệnh đó. Họ đã vĩnh viễn mất cuộc sống chung quanh vốn thân thuộc, an toàn, và vẫn chất chứa những hứa hẹn, hy vọng cho dù quang cảnh mịt mù, ảm đạm khắp nơi. 

 Có thể không nên so sánh sự mất mát của những người đã chung số phận mất mát, thế nhưng ở một số người có những mất mát quả thật to lớn vô cùng, không chỉ vì sự cưỡng đoạt của định mệnh mà con người chẳng thể qua được số trời, mà trong mất mát của con người đó, chúng ta có thể thấy như cả sự thiệt thòi của xã hội, của đất nước. Nguyễn Ngọc Linh là một trong số rất ít những người có thể kể đến trong thành phần này. Ở Saigon thời trước, chẳng phải ai cũng biết ông. Nhưng số ngưòi biết ông cũng chẳng phải là ít, và những người biết ông để đồng ý điều này có thể rất khác nhau, trong cả một thời gian dài ít nhất là 15 năm – 15 năm cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa.

Vào thời người ta bắt đầu chuyển qua học tiếng Anh và có khuynh hướng cho tiếng Pháp đi vào tro tàn lịch sử, chẳng mấy ai không biết trường Anh Văn Nguyễn Ngọc Linh ở đường Bà Huyện Thanh Quan và Trần Quí Cáp. Lớp phóng viên báo chí và truyền thanh quốc gia được đào tạo và trưởng thành vào nửa sau của thập niên 60 vẫn xem Nguyễn Ngọc Linh, tổng giám đốc Việt Tấn Xã, là một “ông thầy” mặc dù ông thích được gọi là “Anh Cả” hơn. Giới ngoại giao và chính trị ở Saigon không thể không lui tới Hiệp hội Bang giao Quốc tế (Viet Nam Council on Foreign Relations) ở khách sạn Majestic mà Nguyễn Ngọc Linh là một trong những người sáng lập và là tổng thư ký – ông còn là chủ nhiệm của bán nguyệt san Vietnam Report của định chế này. Từ sau năm 1970, vào thời người ta bắt đầu nghĩ rằng có cơ hội phát triền kinh tế thời hậu chiến ở miền nam để đẩy lùi những đe dọa chiến tranh mở rộng, từ tầng lầu thứ bảy ở số 3 Công trường Mê Linh, nhìn qua tòa nhà Hạ Nghị Viện, đã xuất hiện bảng hiệu của Tổ hợp Mekong với Nguyễn Ngọc Linh là chủ tịch, một tập đoàn kinh doanh được xem là khá mạnh ngay từ những ngày đầu tiên của giới “tư bản dân tộc”, mặc dù chẳng có người Hoa nào đứng đàng sau. Ngay cả sau khi Hiệp định Hoà bình Paris được ký kết vào tháng giêng năm 1973, kết trên bầu trời miền nam nhiều tầng mây mù chĩu nặng, Đại học Cửu Long (Mekong University) nhằm vào nhu cầu phát triền kinh doanh cùng mở mang ngành truyền thông “một mai khi hòa bình thực sự trở lại”. Mặc dù vào thời đó đã có một số đại học tư nhân trong ngành kinh doanh và truyền thông, cái tên Nguyễn Ngọc Linh đủ sức hấp dẫn tuồi trẻ đến với trường đại học mới mở này.

 Và đó chỉ là một phần “biểu kiến” của Nguyễn Ngọc Linh mà người ta có thể nhận ra trong tầm mắt của mình. Còn những Nguyễn Ngọc Linh khác nữa mà chỉ theo dõi cuộc đời của ông, người ta mới thấy hết, và mới hiểu cái đau đớn khôn nguôi của ông, cùng với cái mất mát về mặt xã hội mà những nhà kinh tế chuyên về phân tích lợi ích phí tổn xã hội (SCBA) vẫn gọi là opportunity cost. Và lý do vì sao sau cả 35 năm chiêm nghiệm tất cả đau thương mất mát mà ông đưa ra một nhận định ngắn gọn nhưng súc tích, vào ngày này năm ngoái, dưới tựa đề ngắn gọn: “Lessons Learned”.

Con người của một thời 

Ông Nguyễn Ngọc Linh xuất thân từ một gia đình quan lại của triều đình nhà Nguyễn; cha ông, từng là bạn đồng trào với ông Ngô Đình Diệm, là tồng đốc của tỉnh Bắc Ninh và về sau là tuần phủ ở Vĩnh Yên. Tuy thế, sớm nhận thức “cái học nhà nho đã hỏng rối”, cho nên anh em nhà ông đều theo con đường tây học (một trong những người em của ông là nhà báo nổi tiếng Nguyễn Ngọc Phách, một trong những người Việt Nam đầu tiên làm cho BBC, sau đó đại diện cho tờ Daily Telegraph của Anh tại Saigon, và là tùy viên báo chí của Đại tướng Cao Văn Viên; một người khác là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích, một khuôn mặt nổi bật trong cộng đồng ngưòi Việt tại Mỹ). Vào thời “Cách mạng tháng tám”, năm 1945, ông mới 15-16 tuổi, đang học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, và đang lo bệnh tình cho cha, nhưng bị Việt Minh bắt và bị nhốt chung chỗ với nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến, cùng tội “phản động” (với nền tư pháp Cộng Sản, họ chẳng có chữ “nghi can”) may mà thoát được sau đó. Vài năm sau, vào năm 1949, ông tình cờ và may mắn xin được học bổng của Mỹ, theo học khoa chính trị Bowdoin College thuộc tiểu bang Maine, và sau khi tốt nghiệp làm việc tập sự trong ngành truyền thông, điện ảnh, báo chí, trong đó có tờ New York Times, đó là thời gian ông tiếp nhân đươc nhiều kiến thức và kinh nghiệm quí báu về báo chí của Mỹ. Đây cũng là lúc ông được quen biết với ông Ngô Đình Diệm, và khi ông Diệm về nước chấp chánh, ông được gọi về, và năm 1955 trở về nước theo tiếng gọi non sông “Tổ quốc cần anh”, nhưng lại bị đứng ngoài rìa vì những hàng rào bao quanh ông Diệm quá kỹ, về tôn giáo, về địa phương… Mặc dù không có duyên với chế độ Ngô Đình Diệm, ông Linh vẫn xem việc lật đổ ông Diệm, “một con người tử tế”, được dân bầu thể hiện tính “công chính” của chế độ, là lỗi lầm tai hại nhất của nguòi Mỹ. Trò chuyện trước đây với một nhà báo, ông Linh nói: “Điều mà tôi kính trọng ông Diệm là tinh thần Việt Nam, muốn Việt Nam tự đứng dậy và nhát dịnh không nhượng bộ ngoại bang, nhất là Mỹ. Ít người để ý là ông Diệm không ưa Mỹ. Nhưng ông Diệm quá chủ quan, thủ cựu, đòi hỏi sự phục tùng tuyệt đối, thích nghe những gì thuận tai, quá tin nghe theo ý của anh em trong gia đình, nhất là ông Nhu. Không muốn đương đầu với những ngỗ nghịch của bà Nhu, quá chiều chuộng những đòi hỏi của Đức Cha Ngô Đinh Thục…” Tuy là một người tin tưởng vào “cách làm báo của người Mỹ”, ông Linh vẫn lên án sự dẫn dắt sai lạc của một số nhà báo quốc tế vào thời đó đã góp phần vào sự sụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa.

 Trong cái không may lại có cái hay! Ông đi làm “sở Mỹ” (cơ quan USOM), nhưng bắt đầu thăm dò cơ hội trong hai lĩnh vực gần gũi với tâm cảm của ông nhất: báo chí và giáo dục. Ngưòi dân Saigon cũ thuộc thế hệ baby boom (sinh sau năm 1945) có thể nhớ Nguyễn Ngọc Linh về nhiều chuyện, nhưng trong những năm 50 đó, thời ông Diệm, có hai điều chắc chắn vẫn còn in rõ nét trong ký ức: tờ Điện Ảnh tươi mát với nội dung giải trí lành mạnh, và trường Anh văn Nguyễn Ngọc Linh. Tờ Điện Ảnh được người đọc háo hức tìm đến hàng tuần để biết những chuyện thú vị trong làng điện ảnh nước người. Trường Anh văn Nguyễn Ngọc Linh ra đời, và tuy nó không phải là trường dạy tiếng Anh đầu tiên, thậm chí đang đứng trước sự canh tranh lấn lướt của Hội Việt Mỹ trên đường Mạc Đĩnh Chi, trường này đã có sức sống nhờ có khảo hướng riêng của nó, là làm cho người đi học nắm đưọc tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ nhì (ESL!). Đó là thời không những tiếng Anh bắt đấu lấn át tiếng Pháp ở các trường trung học, mà ai cũng có cảm tưởng muốn kiếm việc làm trong khu vực tư nhân đều “nên” biết tiếng Anh. Sau này thì chữ “nên” đã trở thành chữ “phải”. 

Năm 1959, Nguyễn Ngọc Linh đã ngót nghét ba chục, bị động viên nhập ngũ, theo học Khóa 12 trường Thủ Đức, mặc dù ông có thể được hoãn dịch. Ông nói “đi lính thời chiến chưa chắc đã sợ, huống chi thời bình”. Ông tốt nghiệp thủ khoa, và đó là dịp ông được gặp lại cố nhân, ông Diệm, là người gắn lon chuẩn úy cho ông. Ra trường, ông chịu bao nhiêu năm luân lạc “không thua gì nàng Kiều”, lúc ở Cân Thơ vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc lên tận miền cao nguyên Pleiku “má đỏ môi hồng” - chỉ vì bị ông bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng “chiếu cố hơi kỹ”. Nhờ vụ đảo chánh năm 1963, Trung úy Nguyễn Ngọc Linh mới trở lại được Saigon.

Mặc dù là một người phê phán những chính quyền quân nhân nối tiếp nhau kể từ sau vụ đảo chánh 1-11-1963 làm cho “quốc phá gia vong”, chính từ thời này ông lại được mở đường để thực hiện những hoài bão của mình. Từ đầu năm 1965, ông lần lượt được bổ nhiệm làm tồng giám đốc Vô tuyến Truyền thanh Quốc gia và sau đó là tổng giám đốc Việt Tấn Xã trong một thời điểm lịch sử cực kỳ tế nhị và phức tạp. Sự lựa chọn ông trong những trách vụ này hầu như là chuyện đương nhiên. Năng lực và ý chí muốn canh tân ngành truyền thông là điều hiển nhiên. Nhưng phải chăng còn có yếu tố địa phương của những năm người miền bắc cảm thấy tạm thời không còn bị bỏ lơ như trong quá khứ. Những năm ông Linh nắm ngành truyền thông của chính phủ được nổi bật với ý hướng canh tân khá triệt đề của ông, từ bộ máy đến con người, từ triết lý truyền thông đại chúng đến nội dung thể hiện, từ phương thức đào tạo đến thực hành công tác. Chắc chắn những người đã qua quá trình đào tạo, huấn luyện và thực tập như ông Linh, đứng trước bộ máy tuyên truyền của quốc gia cũ kỹ từ con người đến cách làm việc, nguòi ta không thể không canh tân. Và trong công việc này, sự trợ thủ đắc lực và hữu hiệu của em ông, Nguyễn Ngọc Phách, từ Luân Đôn trở về, là điều không thể thiếu. Những người quen biết họ cho rằng, không chỉ giữa ông Linh với ông Phách, mà ông Linh với cả các ông Nhạ, Bích, … “họ chẳng ngại khi phải làm việc chung với nhau, chặt chẽ và hỗ trợ nhau như là việc chung, việc nhà”. Những người từng làm việc ở Việt Tấn Xã vá Đài Phát thanh Quốc gia trong những năm đó vẫn còn nhớ tới Nguyễn Ngọc Linh chỉ trong một thời gian ngắn đã làm cho hai cơ quan của họ “never the same again”.

Kinh nghiệm cuối cùng của ông Nguyễn Ngọc Linh với chính quyền là sự tham gia của ông vào phái đoàn Việt Nam tại hòa đàm Paris mà ông có trách nhiệm về việc tồ chức truyền thông để giúp người Việt sống tại Pháp có một cái nhìn đúng đắn về hiện tình đất nước và về cuộc chiến mà rất nhiều kiều bào thường chỉ hiểu một chiều. Đây là những chuỗi ngày vui ít buồn nhiều, “Học thuyết Nixon” và chính sách “Việt Nam hóa” của ông ta làm cho ông Linh lo ngại, sự ngoan cố của phía Cộng Sản Miền Bắc là lời cảnh báo nghiêm trọng là hòa đàm sẽ chẳng đi đến đâu, và sự ngây thơ và hàng ngũ quốc gia bị xâm nhập, tan nát, phân hóa vì tôn giáo, địa phương, và những người lãnh đạo mê sảng quyền lực đến độ chẳng nhận thức được sự cần thiết phải giành lại thế chủ động trước khi quá trễ là điều cho những người thấy được cận ảnh phải đứng ngồi không yên.

Một thời của con người

Ông Linh kề rằng khi phái đoàn “giám sát” hòa đàm Paris của ông Kỳ bị ông Thiệu làm cho rã đám, và ông Linh cũng rời Việt Tấn Xã mà người thay thế ông là Đại tá Trần Văn Lâm nổi tiếng về những chuyện “Ngườì dân không muốn biết”, ông nghĩ đã đến lúc ông tìm đường trở lại khu vực tư hào hứng hơn và thách đố hơn.

Dưới áp lực của Tổng thống Lyndon Johnson, rồi sau đó của Richard Nixon, người ông Thiệu vẫn nghĩ là phải “mang ơn” ông về cái ghế trong Nhà Trắng, Việt Nam Cộng Hòa phải tham dự hòa đàm “hai phe bốn bên “ tại La Celle St Cloud từ đầu năm 1969. Mặc dù chiến tranh còn khốc liệt hơn trong những năm đó, mỗi năm có một chuyện (1969: chiến trường Ashau; 1970: cuộc hành quân qua biên giới Campuchia; 1971: chiến dịch Hạ Lào Lam Sơn 719; 1972: Mùa hè đỏ lửa) nhưng dư luận đang chuyền sự quan tâm một phần qua cuộc hòa đàm Paris cũng như tiến trình rút quân “kinh hoàng” của Nixon, chỉ trong 18 tháng , từ giữa năm 1969 đến cuối năm 1970, đã rút cả 220.000 lính.

Chính phủ Saigon đã thấy không thể điểm nhiên khoanh tay trên mặt trận ngoại giao, khi cuộc chiến tranh đã được Việt Nam hóa. Hiệp hội Việt Nam Bang giao Quốc tế đã ra đời trong bối cảnh đó. Nguyễn Ngọc Linh là một trong những người thành lập hiệp hội này, và có một vai trò “tích cực và chủ động” trong tổ chức và hoạt động của hiệp hội. Một trong những thí nghiệm của tổ chức ngoại giao phi chính quyền này là thành lập một văn phòng ở Stockholm, Thụy Điển, mà người chịu trách nhiệm là ông Trần Nhã, chủ bút tờ Saigon Post. Hiệp hội này qui tụ rộng rãi các nhà chính trị từ Hạ Viện, Thượng Viện, cùng những nguòi bên ngoài, các thành viên gồm đủ sắc màu, địa phương, thân chính quyền hay đối lập, trong đó có thể kể đến những tên như Trẩn Văn Lắm, Vương Văn Bắc, Trần Chánh Thành, Trần Duy Tài, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Xuân Oánh, Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lại Bảo (!). Và thành viên của hiệp hội cũng bao gồm những ông đại sứ, các tùy viên và bí thư ở các tòa đại sứ đang đóng ở Saigon. Ngoài những sinh hoạt như những cuộc nói chuyện, hoạt động thông tin là nét nổi bật của nơi này, với những tập sách nhỏ phát hành đều đặn cho ngưòi đọc có những hiểu biết về chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, đồng thời với sự ra đời của Vietnam Report, một tạp chí xuất bản hai tuần một tháng mà nguòi phụ trách chính là Nguyễn Ngọc Phách và những cộng tác viên như Xuân Mỹ, Thượng Đức, Nam Phong. Khi nhìn lại những năm đó, ông Linh cho rằng Miền Nam đã “đầu tư” không đủ và đầu tư sai lầm trong lĩnh vực vận động truyền thông ở nước ngoài, và tiếc rằng “lẽ ra tôi phải làm mạnh hơn nữa – nếu có điều kiện”.

 Dù sao thì một chương sử mới đã mở, giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh đã bắt đầu, và khi người ta cứ nghĩ “không lẽ Mỹ bỏ Miền Nam”, thì nhiều ngưòi có cảm tưởng ở khúc quanh phía trước là thời phát triền hậu chiến, một vận hội chưa từng có với đầu tư của Mỹ và của Nhật cùng với việc khai thác dầu hỏa ở ngoài khơi. Với ông Thiệu đã quyết tâm độc diễn đề kiếm thêm ít nhất bốn năm nữa (chưa kể đầu năm 1974 ông viết lại hiến pháp để ra tranh cử một nhiệm kỳ ba vào năm 1975 – quên đi lời hứa với ông Trần Thiện Khiêm) sau nhiệm kỳ đầu tiên 1967-71, ông Linh đã cảm thấy “resigned” (chấp nhận) trước chuyện rút khỏi chính quyền và đi vào khu vực tư nhân. Con nguòi hoạt động không cho ông ngơi nghỉ. Con người năng động thúc ông đi khai phá những lĩnh vực mới. Tổ hợp Mekong được thành lập năm 1971 với sự ra đời của công ty Mekong Ford. Trường Đại học Cửu Long ra đời vào năm 1974.

Theo lời ông kể lại, “Mekong Ford thành lập năm 1971, đại diện độc quyền xe hơi Ford-Lincoln-Mercury ở Việt Nam, thay thế, đá văng công ty của con cháu Chú Hoả đại diện Ford từ hơn ba thập niên. Công ty này là công ty đầu tiên của siêu công ty Mekong (Mekong Group of Companies) dần dần thành một tổ hợp 10 công ty gồm có Mekong Insurance Co, Mekong Oil Co (lọc dầu thải), Mekong Glass Co (làm kính), Mekong Travel, Mekong Import Export đại diện nhiều hãng ngoại quốc lớn như Cartier v. v.” . Trong công cuộc đột phá này, người ta có thể thấy nhiều tham vọng chồng chất: một ý chí vươn lên của tư bản dân tộc như kiểu Bạch Thái Bưởi, một sự thử nghiệm một mô hình kinh doanh tổ hợp, một sự tấn công vào những cơ hội đang mở ra trong thời Việt Nam hóa mà nền kinh tế Miền Nam đang bi thử thách triệt đề trước việc cắt giảm nghiêm trọng mọi hình thức viện trợ của Mỹ đến độ Saigon phải đi vào “kinh tế mủa thu” của Vũ Quốc Thúc, thời “kiệm ước” của Phạm Kim Ngọc, thời “sống trong phương tiện quốc gia” của Nguyễn Văn Hảo… Tiến sĩ kinh tế độc nhất là Giáo sư Phạm Văn Thuyết, Chủ tịch Mekong Import Export. Nhưng hình như bao giờ ông Linh cũng có chung quanh những “người anh em”, như Tiến sĩ Mai Văn Lễ, Nguyễn Như Cương, Tăng Thị Thành Trai, Tạ Văn Tài… Ông muốn nhóm của ông phải là một đầu cầu cho nhà đầu tư nước ngoài đi vào Việt Nam sau khi luật đầu tư ra đời năm 1971. Và với những người như thế, ông nhìn qua một lĩnh vực khác nữa. 

Đại học Cửu Long (Mekong University) được thành lập vào năm 1974, viện trưởng là Tiến sĩ Trần Quí Thân, bộ trưởng tài chánh thời Nguyễn Khánh, trong khi Saigon đã có Đại Học Minh Đức của linh mục Bửu Dưỡng, Đại học Vạn Hạnh của Thương tọa Thích Minh Châu. Thậm chí ngành kinh doanh hay báo chí chẳng còn là mới lắm với môi trường giáo dục thời đó. Nhưng Nguyễn Ngoc Linh nhìn thấy một cơ hội lớn nơi nhu cầu phát triền đất nước và xã hội sau này. Và tự tin nơi khả năng “hơn người” (exceptionalism như người Mỹ) để vượt lên, vươn lên trong mọi môi trường cạnh tranh.

Ở ông Linh nguòi ta có thể kết luận đôi ba điều vế con người “enterprising” của ông. Thứ nhất là khả năng nhận diện những lĩnh vực ông phải tham dự, không chỉ từ năng lực bản thân (là phần “supply” trong bài toán “thị trường”) mà còn từ nhu cầu phát triển của đất nưóc (phần “demand”) : phát triển giáo dục, hiện đại hóa truyền thông, xây dựng một môi trường kinh doanh tạo tiến theo tư tưởng của Joseph Schumpeter, Thứ hai là nhận thức đúng đắn thời cơ để hành động kịp thời trước khi đề cho cơ hội vượt qua. Thứ ba là tinh thần tập thể đề “vay mượn sức mạnh” từ người khác theo kiểu “Hấp tinh đại pháp” của Đoàn Dự mà lối quản lý, điều hành kinh doanh có tính “phong kiến Á Đông” thường thiếu sót.

Như thế mà ông vẫn thất bại - thậm chí thất bại nặng nề và nghiêm trọng như Napoleon ở trận Waterloo. Ông mất hết, có nghĩa là cả một lâu đài bị sụp đổ tan hoang. Hay cả một cuộc đời đến đó. Ông thú nhận “Hoài bão của anh hồi đó là trở thành tổ hợp các công ty lớn nhất nước cho nên thấy cơ hội nào là chộp ngay, quên bẵng vụ mất nước. Bé cái lầm!”.

Trong 35 năm sau ngày Saigon sụp đổ, ông rút ra nhiều bài học về sự sụp đổ của chế độ Saigon, mà ông tóm gọn ở chữ “cultural gap” - khoảng cách văn hóa là yếu tố quyết định. Vì khoảng cách này mà Mỹ cứ dành quyền điều khiến cuộc chiến, và phía Miến Nam nhận viện trợ thấy thế thì cứ “ngậm miệng ăn tiền”, để mặc cho Mỹ phạm nhiều sai lầm về chiến tranh, về chính trị. Đến khi thấm đòn, mệt mỏi quá, muốn buông tay, Mỹ chuyển qua chính sách Việt Nam hóa, một chương trình quá trễ (thay vì phải là từ đầu cuộc chiến tranh) và quá sớm (khi Miến Nam chưa đủ sẵn sàng) chính là dọn đường rút lui, nhưng cũng chẳng để cho miền Nam hiểu rằng chúng ta phải tự quyết. Nhưng trách nhiệm, hay bài học lớn nhất, chính là sự thất bại của chúng ta. Thất bại từ sự lệ thuộc vào Mỹ đến độ như mất chính nghĩa, từ sự tranh chấp giữa các tướng tá và sự phá hoại của những nguòi mang danh nghia tôn giáo khiến cho cả đất nước thành phần vô trách nhiệm, vô lương tâm lại lèo lái quốc gia theo một nghĩa nào đó, và từ sự buông lỏng măt trận vận động dư luận ở những nước như Mỹ, Pháp, Nhật… Năm ngoái, ông Linh đã viết “Từ 1965 đến 1972, trong cương vị người đúng đầu cơ quan Truyền Thanh Quốc Gia, Tổng giám đốc Việ Nam Thông Tấn Xã, và là Phát Ngôn Viên của Thủ Tướng, sau đó là Tổng Giám Đốc Thông Tin và Tuyên Truyền đồng thời là Thành Viên Nội Các, và Ủy Viên Báo Chí trong Phái Đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris, cá nhân tôi phải nhận lãnh một phần trách nhiệm vì đã không làm hết sức mình để thuyết phục Tổng Thống Thiệu và chính phủ đề cử những nhân vật giầu khả năng nhất sang Hoa Kỳ để đương đầu với nhóm phản chiến và phổ biến những điều tốt về nỗ lực của miền Nam Việt Nam nhằm ngăn chặn bước tiến của cộng sản xuống các quốc gia Đông Nam Á”.

 Ba mươi sáu năm đã trôi qua từ ngày ấy. Tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, có nhiều công ty của người Việt, nhiều trường đại học công cũng như tư đi vào ngành kinh doanh và báo chí, và có không ít nhật báo, tạp chí với đông đảo ký giả, phóng viên, nhà báo. Thế nhưng người ta vẫn thấy 36 năm với bao nhiêu cái mới hỗn độn tự phát của nến kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là chưa đủ đề cho nguòi ta có thề quên được Saigon thời xưa, quên được Mekong Group, quên được Đại học Cửu Long, quên được lớp phóng viên Việt Tấn Xã.

Nước Mỹ 150 năm sau Nội Chiến kéo dài chưa đến năm năm, người miền bắc và người miền nam vẫn còn nhớ rất rõ những chuyện gì đã xảy ra 150 năm trước và còn thấy giữa họ có một khoàng cách ghê gớm về nhận thức lịch sử, chính trị và xã hội. Chúng ta sau 36 năm cuộc chiến tranh hay xung đột có thể xem như kéo dài cả 30 năm (1945-75), nhiều người dường như đã quên hết, ngay cả những người lẽ ra không được quên như ông Nguyễn Cao Kỳ hay nhạc sĩ Phạm Duy. Và chẳng bên Việt Nam nào trong cuộc chiến này thực sự quan tâm viết lại cuộc chiến tranh đó cho mình, cho những thế hệ người Việt sau này, và cho những nhà viết sử quốc tế đề họ có thể điêu chỉnh những sai lầm do nhìn chỉ một phía. Người Mỹ nay còn phải sợ “đức tính” thực dụng của người Việt Nam!

 Nguyễn Ngọc Linh nói: “Tôi ước gì có thể làm được phần nào công việc này trong những ngày còn lại của đời mình”.

 (25-4-2011).

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 2909)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3058)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 3698)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 3589)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 3426)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 3245)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 3006)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2918)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 3152)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3170)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468