Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy và Tập thơ ‘Hồn Việt’

27 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 28750)
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy và Tập thơ ‘Hồn Việt’


Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy




Tập thơ chính khí ‘Hồn Việt’


VIÊN LINH


Họ là những anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

image001_89
Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990)

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước

Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu

Và làm cho những đất cát hoang vu

Biến thành một dải san hà gấm vóc.

 

Họ là kẻ không nề đường hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn

Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn

Cuộc Nam Tiến mở giang sơn rộng lớn rộng.

 

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động

Dưới gót giầy của những kẻ xâm lăng,

Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân

Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc,

Trong chiến đấu không nề muôn khó nhọc,

Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,

Người thất cơ đành thịt nát xương tan

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà

Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.

 

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,

Tuy mồ hoang phiêu dạt dưới trời quên

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,

 

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.

Và anh hồn chung với tấm tình trung

Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

(Đằng Phương, Anh hùng vô danh)

(Sao y chính bản trong thi phẩm Hồn Việt, nhà xuất bản Đuốc Việt Sài Gòn, 1950, Thanh Phương Thư Quán, Paris, tái bản 1984 và San Jose 1985. Sau này in lại có thêm vài bài thơ mới làm trong năm 1976.)

Bài thơ trên, đề “Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc” hầu như không một học sinh trung học nào, trong khoảng các thập niên '50, 60, không được học qua. Bài thơ làm theo thể tám chữ, tương tự bài “Nhớ Rừng” của Thế Lữ: Lời con hổ ở vườn Bách Thú. Người ta biết rằng Thế Lữ còn có một tuyên ngôn về thơ của mình: “Tôi chỉ là một khách tình si / Ham vẻ đẹp có muôn hình muôn thể / Mượn lấy bút nàng Ly Tao, tôi vẽ / Và mượn cây đàn ngàn phiếm, tôi ca...” (Cây đàn muôn điệu). Đằng Phương, tác giả “Anh hùng vô danh,” rất khác Thế Lữ, không nổi danh bằng Thế Lữ, mặc dù số người biết đến bài thơ “Anh hùng vô danh,” thuộc làu nhiều đoạn của bài này, có lẽ nhiều không kém những người biết và thuộc dăm ba câu của bài Nhớ Rừng của Thế Lữ: “Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt / Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua...” Sự khác biệt không ở tài năng: sự khác biệt giữa Đằng Phương và Thế Lữ là ở chí hướng.

Đằng Phương cũng có một tuyên ngôn khi làm thơ: “Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ / Mở rộng lòng đón gió lạ nghìn phương.../ Tôi chỉ là một người dân đất Việt / Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương / Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương / Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc...” Sau tuyên ngôn ấy, ông đã sống và tranh đấu cho đến những tháng ngày chót trong cuộc đời mình. Đằng Phương chính là Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, hoạt động chính trị, cách mạng từ 1945 như đảng viên một đảng quốc gia, và suốt cuộc đời ông tranh đấu trong nhiều cương vị để phục vụ lý tưởng xây dựng đất nước, đưa Việt Nam tới độc lập và tự cường, trong nước cũng như trên trường quốc tế, tại các giảng đường đại học cũng như khi phiêu dạt, lưu vong, cho đến khi từ trần vào 9 giờ 30 tối giờ Paris, ngày 28 tháng 7, 1990. Bài báo này xuất hiện vào đúng ngày giỗ ông, 28 tháng 7, 2011, tức là đúng 21 năm sau ngày ông từ trần.

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy sinh ngày 2 tháng 11,1924 tại Chợ Lớn, tổ quán ở Tân Uyên, Biên Hòa, Nam Việt, làm thơ ký bút hiệu Đằng Phương, hoạt động cách mạng lấy bí danh Hùng Nguyên. Ông học Trung học Petrus Ký, Sài Gòn; qua Pháp học ở Đại học Paris, tốt nghiệp cử nhân Luật và Khoa học Kinh tế tại Đại học này; năm 1960 ông hoàn tất Cao học Chính trị và năm 1963 đậu Tiến sĩ Chính trị học Đại học Luật khoa và Khoa học Kinh tế cùng viện Đại học Paris. Ông dạy hầu khắp các trường đại học tại Việt Nam, kể cả các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu cao cấp, và Đại học Chiến tranh Chính trị; Khoa trưởng Luật khoa và Khoa học Xã hội Cần Thơ. Giáo sư chuyên về Luật Hiến Pháp, Bang giao Quốc tế, thông thạo Pháp Anh và Hán văn. Những năm cuối cùng tại Việt Nam, ông là Tổng thư ký Phong trào Quốc gia Cấp tiến và Đồng Chủ tịch Liên minh Quốc gia Dân chủ Xã hội gồm 6 chính đảng đối lập. Ông là Phụ khảo tại Đại học Luật khoa Harvard những năm lưu vong sau 1976.

Thi tập “Hồn Việt” của Đằng Phương xuất bản lần đầu năm 1950 tại Paris, cách đây 61 năm, dày 116 trang, gồm bài Thay lời tựa, cũng bằng thơ, dài 4 trang, chương “Trước khi thấy con đường sống,” đề “Gửi Nguyễn Du,” làm năm 1945, dài tới 5 trang, và sau đó là 6 bài mỗi bài đều có một đề tài gửi gấm cụ thể: Nhớ bạn, Chiến sĩ Triều Trần, Giây phút chán đời, Bản hành quân của Trương Phụ, Tâm sự Tố Như và Dòng nước Sông Hồng.

Chương thứ hai và là chương chính có nhan đề “Sau khi được đưa vào nẻo sống” gồm 24 bài, và trong một lần tái bản sau này, ông cho vào tập thơ hai bài chót làm năm 1976: “Nhân lễ giáng sinh 1976” và “Giã bạn lên đường.” Bài sau chót này ông tâm sự với các thế hệ đàn em, gửi “Tặng các bạn lên đường tranh đấu cho lý tưởng:” “Thề lấy non sông thế cửa nhà.”

image002_31 

Thi phẩm Hồn Việt, tập thơ in lần đầu năm 1950.

Một cách tổng quát, tập thơ Hồn Việt của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy là một thi tập chính khí ca. Hiếm có một thi tập như thế, từ bài đầu tới bài chót, tổng cộng 34 bài, không bài nào không nói tới non sông đất nước, anh hùng nghĩa sĩ, các thanh niên với bầu máu nóng lên đường tranh đấu cho độc lập của tổ quốc, (Độc lập hay là chết, trang 80) “Phải Độc lập nếu không thì tuyệt diệt.” Người ta có thể đọc thấy các trận đánh quân xâm lược Tàu ở trong suốt tập thơ:

 

Bến Chương Dương, Quang Khải giết quân thù,

Cửa Hàm Tử, Chiêu Văn Vương phá địch.

Trận Tây Kiết, Toa Đô tìm cái chết,

Lục Thủy Đầu, Văn Hổ khiếp uy danh,

Bạch Đằng Giang vang day khúc quân hành...

(Chiến sĩ Triều Trần, trang 16)

 

Ngày vua Ngô dũng mãnh chém Hoàng Thao,

Ngày Hưng Đạo đánh tan quân Thát Đát.

Ta đã thấy dưới trời xuân man mác

Binh Quang Trung ồ ạt phá quân Thanh

Gò Đống Đa xương thịt chất lên thành

Nước ta nghẹn cuốn thây loài tàn bạo...

 

(Dòng nước sông Hồng, trang 28)

 

Đằng Phương cũng không thiếu những bài thơ dành cho các anh hùng chống Pháp, “Suốt thế kỷ giang san lầm cát bụi.” Ông làm những câu thơ thật sống thật linh hoạt:


Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài

Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:

“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng.

“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.

Và Tử thần kính cẩn đứng ghi tên

Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.

(Ngày tang Yên Bái, trang 42)

 

Và khi đất nước lọt vào tay cộng sản? Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, người chiến sĩ bền gan ấy đã không bỏ qua:

 

Khói lửa ngày nay đã lặng rồi

Nhưng niềm đau khổ vẫn chưa nguôi:

Oán hờn ngùn ngụt đầy sông núi

Đè nặng tâm tư của mọi người.

Tất cả miền Nam đã vỡ tan,

Bao nhiêu cơ nghiệp đã suy tàn,

Bao nhiêu gia quyến nay phân tán

Bao kẻ tù đày hoặc chết oan?

Mới biết hòa bình gay khổ đau

Cũng như chinh chiến kém gì đâu!

(Nhân lễ Giáng sinh 1976, trang 112)

 

Dường như Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy có viễn kiến về một cuộc xung đột tất phải xảy ra:

Khói lửa rồi đây bốc ngụt trời

Gió tên mưa đạn dậy đôi nơi.

Hai câu này hơi khác thường so với một chiến sĩ tư tưởng, một nhà khoa bảng suốt đời tranh đấu cho lý tưởng trên các diễn đàn chính trị, trong các hội nghị và bằng ngòi bút. Nhưng có thể lắm chứ. Hai câu thơ ấy được in trong bài chót của tập thơ, và tập chính khí ca này kết thúc bằng hai câu dưới đây:

Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng

Tiếng khải hoàn ca dậy phố phường!

(Hồn Việt, trang 116)

Westminster, 27 tháng 7, 2011.


(Nguồn: nguoi-viet.com)


DIỄN ĐÀN THỤ NHÂN :

Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy cũng là một trong những Giáo Sư từ ngày đầu của Trường Chánh Trị Kinh Doanh, Viện Đại Học Đà Lạt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Tư 2023(Xem: 2553)
"Trong khi thuyết trình, GS Trần Gia Phụng đã chiếu lên màn hình một phần bản tin nhan đề “China admits 320,000 troops fought in Vietnam” (Trung Quốc thú nhận đã đưa 320,000 lính qua chiến đấu tại Việt Nam). Và kế tiếp, chiếu lên màn hình bản đồ cho thấy các vị trí đóng quân của 320,000 lính Trung Quốc tại miền Bắc. "
29 Tháng Ba 2023(Xem: 2672)
"Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng."
15 Tháng Ba 2023(Xem: 2595)
"Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm gọi sự kiện Gạc Ma ngày 14/03/1988 là cuộc thảm sát do Hải quân Trung Quốc thực hiện."
30 Tháng Giêng 2023(Xem: 3030)
"Có hai cái Tết trước đây lẽ ra đã có thể giúp chúng ta thời đó rút ra những bài học sống còn – nếu chúng ta chịu học. "
25 Tháng Giêng 2023(Xem: 2810)
"Nhắc lại chuyện xưa để biết chuyện nay. Nhắc lại những chuyện trong năm đã qua để cố hình dung những gì có thể xảy ra trong năm mới là một thông lệ trí thức không thể thiếu được của người gõ máy, nhất là khi người ta đang sống trong một thời trí nhớ đang bị thử thách nghiêm trọng trên mọi mặt. "
09 Tháng Giêng 2023(Xem: 2455)
"Một đất nước được gọi là tăng trưởng mạnh, có đảm bảo cho tất cả người dân, đảm bảo cho mọi đứa trẻ mọi miền đất nước được cải thiện những phúc lợi tối thiểu? Hay sự giàu lên, hạ tầng đồ sộ tiên tiến hơn, chỉ dồn vào một số chỗ trũng, một bộ phận dân cư, chỉ chảy vào một số nhóm người riêng?"
27 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 2592)
"Cuộc sống bị đảo lộn khi các con đập do Trung Quốc xây dựng ở thượng nguồn lấy đi lượng phù sa quý giá của đồng bằng sông Cửu Long. Đứng bên bờ sông Mekong, ông Trần Văn Cung có thể nhìn thấy ruộng lúa của mình bị cuốn trôi ngay trước mắt. Rìa lúa đang vỡ vụn hòa vào châu thổ."
28 Tháng Mười 2022(Xem: 4030)
"Buổi hội ngộ kỷ niệm 58 năm của nhóm CTKD1-2 tại Nam California đã được tổ chức với những gương mặt tươi vui, rạng rỡ, đầy tiếng nói cười trong tình Thụ Nhân ấm áp sau biến cố COVID-19. "
28 Tháng Mười 2022(Xem: 3612)
"Các bị can trong vụ án “chuyến bay giải cứu” bị cho là đã thu lợi hàng nghìn tỉ đồng, theo thông tin mà một đại diện của Bộ Công an Việt Nam đưa ra với báo giới mới đây. Điều này lại làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận Việt Nam."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 2719)
"Ông Putin có vẻ như đang tuyệt vọng, phải dùng đến những vốn liếng cuối cùng của mình; nghề bài bạc gọi là “đánh cạn láng.”
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468