Trung Quốc sa vào bẫy của phong trào nổi dậy Ả Rập

16 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 28441)
Trung Quốc sa vào bẫy của phong trào nổi dậy Ả Rập


Trung Quốc sa vào bẫy của các phong trào nổi dậy Ả Rập

 

image001_188











Một thanh niên bi công an bắt giữ trước rạp hát Hòa Bình tại Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là một điểm tập hợp của những người được kêu gọi biểu tình ngày 20/02/2011 để ủng hộ cuộc Cách mạng Hoa nhài.

REUTERS/Aly Song

Thụy My

Liên quan đến châu Á, Le Monde có bài viết mang tựa đề « Trung Quốc bị sa vào bẫy của các phong trào nổi dậy Ả Rập ». Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh nhấn mạnh : từ khi có cuộc nổi dậy ở Tunisia, các lời kêu gọi biểu tình đã liên tiếp được đưa ra tại Trung Quốc.

Bài báo nêu ra trường hợp bình luận viên nổi tiếng của kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV về các vấn đề quân sự quốc tế, Đô đốc dự bị Trương Chiêu Trọng đã bị hố to. Ông này không ngừng tuyên bố trên đài là Kadhafi không thể nào bị lật đổ, và nay thì ông đã bị đả kích kịch liệt trên internet về các dự báo quá sai lệch. Ông biện hộ là đã bị người Libya lừa gạt : « Họ toàn là các kịch sĩ. Tự đáy lòng thì họ ghét Kadhafi, nhưng khi đứng trước ống kính thì lại nói sẽ ủng hộ ông ta cho đến chết ».

Nhưng giải thích của ông Trương Chiêu Trọng không ngăn được những lời chế giễu. Ngược lại, một số blogger quan sát thấy rằng các kết luận của bình luận viên này chỉ dựa trên các hình ảnh được CCTV đưa, mà đài truyền hình nhà nước thì chỉ đưa những gì có lợi cho quân chính phủ Libya lúc đó.

Trong số các cuộc nổi dậy « Mùa xuân Ả Rập », Libya là trường hợp điển hình để giải thích tình trạng tiến thoái lưỡng nan và sự lúng túng của Bắc Kinh, do sự sụp đổ của chế độ Kadhafi. Tác động của việc lật đổ một chính quyền độc tài lại càng nặng nề hơn đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, vì ê-kíp lãnh đạo sẽ được thay đổi vào năm 2012. Bên cạnh đó, là làn sóng bất mãn đang lan tràn trong xã hội. Một nhà chính trị học thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận xét : « Cuộc khủng hoảng nội tại không ngừng dâng lên trầm trọng, do không hề có cải cách từ mười năm qua ».

Theo Le Monde, tấm gương méo mó và tiếng vọng từ những vụ sụp đổ của các chế độ Ả Rập là một « chiếc bẫy » mà Bắc Kinh luôn lo sợ sẽ bị lôi cuốn theo. Những lời kêu gọi biểu tình theo kiểu « Cách mạng Hoa Lài » ở Tunisia, được đưa ra tại các thành phố lớn hồi tháng 2 và tháng 3, đã bị dập vùi bởi một làn sóng trấn áp dữ dội nhất trong những năm gần đây : hơn một trăm người bị bắt, trong đó có cả nghệ sĩ nổi tiếng Ngải Vị Vị.

Bà Valérie Niquet, giám đốc phụ trách châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Paris giải thích : « Bắc Kinh tuyên truyền là các cuộc nổi dậy tại thế giới Ả Rập là do Mỹ xúi giục, như đã xúi giục các cuộc « cách mạng màu » hồi đầu những năm 2000. Thế nhưng bối cảnh bây giờ không phải như hồi đó. Chế độ ngày càng khó kiểm soát được thông tin. Xã hội công dân hiện diện song song với quyền lực, và phải sống chung với nó, chưa kể việc ngay trong nội bộ những người cầm quyền cũng chia rẽ ».

Người Trung Quốc đặc biệt chú ý đến Libya do hồi tháng Giêng, 35.000 lao động xuất khẩu đã phải bỏ chạy sang các nước lân cận. Bắc Kinh vắng mặt tại Hội đồng Bảo an trong cuộc bỏ phiếu nghị quyết cho phép không kích Libya, nhưng không ngớt chỉ trích phương Tây và « hội chứng Kosovo », tức sự can thiệp của NATO.


Libya, Syria và Trung Quốc : Những điểm tương đồng


Khi tình hình Tripoli thay đổi hồi mùa hè, ngay trước khi Trung Quốc công nhận CNT ngày 12/10 – một cách trễ tràng và gần như lén lút, vì đây là ngày nghỉ - các tờ báo cấp tiến nhất đã tranh thủ để nói về các khuyết điểm của chính chế độ Bắc Kinh. Qua phóng sự về Tripoli giải phóng, tuần báo Nam Phương Chu Mạt đưa lời kể của các thanh niên Libya về việc phải học thuộc lòng luận thuyết của Kadhafi, khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến thực tế Trung Quốc. Các nhà báo Trung Quốc nhận định, người Libya có tiền, thế mà họ lại nổi dậy chống đại tá Kadhafi, chống lại kiểm duyệt, tham nhũng, sùng bái cá nhân.

Cũng chuyên gia Valérie Niquet nhận định : « Giữa Trung Quốc và một số nước « Mùa xuân Ả Rập » có nhiều điểm giống nhau hơn người ta tưởng. Chẳng hạn như Tunisia, kinh tế đã tăng trưởng rất nhanh nhờ xuất khẩu và hiện đại hóa…Bắc Kinh cho rằng một mô hình cai trị độc đoán có thể vẫn thu hút vì đem lại sự phát triển, nhưng những diễn biến ở Zambia hay Miến Điện là cả một sự trái khoáy đối với những gì Bắc Kinh hy vọng ».

Trường hợp Syria tuy ít được đưa tin hơn, cũng làm cho Trung Nam Hải bị ám ảnh. Những người biểu tình bị cảnh sát giết chết, các thành phố bị xe tăng bao vây và những lời dối trá thô bỉ của chế độ, đã gợi lại các sự kiện ở Thiên An Môn. Tuy bị cấm nhắc đến, nhưng vụ thảm sát này vẫn đè nặng trong tiềm thức.

Le Monde trích nhận xét của một nhà chính trị học : Về đối ngoại, Bắc Kinh khoe rằng các quyết định của mình không mang tính chính trị nhưng trên thực tế thì ngược lại. Trung Quốc luôn bênh vực các chế độ độc đoán, thế nhưng đứng về phía các nhà độc tài không phải lúc nào cũng có lợi về mặt kinh tế, thậm chí còn bị phiền phức như với Bắc Triều Tiên. Chuyên gia này nói : « Đảng Cộng sản Trung Quốc đang độc quyền điều hành đất nước, cho rằng mối đe dọa lớn nhất về ý thức hệ là từ các chế độ dân chủ tự do phương Tây. Bắc Kinh luôn đề cao cảnh giác trước một phương Tây dân chủ, trong lúc vẫn lợi dụng hệ thống kinh tế quốc tế ».

Le Monde kết luận, Trung Quốc đang đứng giữa mở cửa kinh tế và đóng cửa chính trị. Các thành thị Trung Quốc giống như ở phương Tây nhưng nông thôn thì không khác các nước thế giới thứ ba, và tất cả đều có nguy cơ khủng hoảng. Ngọn lửa tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng, rồi lại xuất hiện một làn sóng phản kháng toàn cầu hóa, khó thể nói rằng đại đa số người Trung Quốc không đồng cảm với « Những người nổi giận » phương Tây.


Văn hóa Trung Quốc : Những nghịch lý


Cũng liên quan đến Trung Quốc, Les Echos có bài viết mang tựa đề « Văn hóa : Nghịch lý Trung Quốc ».

Hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc đã quyết định sẽ ưu tiên cho phát triển văn hóa. Tân Hoa Xã trích diễn văn bế mạc : « Giữ gìn an ninh và mở rộng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ». Tác giả bài báo cho rằng cách nói mập mờ này chứa đựng hai cụm từ biểu thị cả tình thế tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh hiện nay.

Trước hết là từ « ảnh hưởng ». Nếu Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt các mặt hàng công nghiệp, thì sản phẩm văn chương hay nghệ thuật – mà tờ Nhân dân Nhật báo cho rằng mức độ sáng tạo bằng 0 – thì không có may mắn này, ngoại trừ phim ảnh Hồng Kông. Các tiểu thuyết được dịch ở nước ngoài hầu hết được sáng tác trước thế kỷ 19.

Nhưng còn cụm từ « giữ gìn an ninh », thì theo Les Echos, rõ ràng là với mục đích tăng cường kiểm soát báo chí, các mạng xã hội và việc sáng tạo văn chương, trong một đất nước có đến trên 500 triệu người sử dụng internet và 200 triệu người viết blog.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài có phù hợp với chính sách an ninh nội địa, và các tác phẩm « đúng đắn » về chính trị có xuất khẩu nổi hay không ?


Thượng đỉnh châu Âu : Cơ hội cuối cùng


Không hẹn mà nên, tựa chính của tất cả các báo Paris hôm nay đều dành cho cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa « Khủng hoảng euro : Merkel và Sarkozy có bước tiến », với nhận xét, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã đạt được một số tiến triển hôm qua tại Bruxelles. Tương tự, tựa trang nhất của nhật báo công giáo La Croix là « Châu Âu tiến về phía một thỏa thuận ». Tờ báo nhắc lại rằng trong suốt những ngày cuối tuần, các nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục thương lượng ngõ hầu thứ Tư tới có thể đạt đến một thỏa thuận có thể cứu vãn được khu vực đồng euro. Nhật báo Les Echos băn khoăn « Khủng hoảng euro : Các ngân hàng phải tìm cho được 100 tỉ ». Đề cập đến hai chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh châu Âu lần này là việc tái cấp vốn cho các ngân hàng và giải quyết nợ công Hy Lạp, tờ báo kinh tế cũng nhắc đến áp lực tối đa đang đè nặng lên Ý để buộc nước này tiếp tục các biện pháp khắc khổ.

Còn theo cách nhìn của nhật báo cánh tả Libération thì « Ông Sarkozy đã bị mất tín nhiệm » trong hồ sơ này. Theo thăm dò của Libération, thì hai phần ba người Pháp không còn tin Tổng thống Sarkozy sẽ giải quyết được tình trạng đình đốn hiện nay. Nhật báo cộng sản L’Humanité chạy tựa trang nhất « Sarkozy – Merkel lúng túng trước cuộc khủng hoảng ». Theo tờ báo, thì hai nhà lãnh đạo châu Âu tiếp tục chủ trương thắt lưng buộc bụng, và hướng về một hiệp ước phản dân chủ. Nhật báo Le Monde thì dành hẳn ba trang báo khổ lớn để trả lời câu hỏi « Vì sao Pháp và Đức chia rẽ trong vấn đề euro ? »

Les Echos cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần này là « Cơ hội cuối cùng của châu Âu ».

Tờ báo nhắc lại, trong những ngày gần đây các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, IMF đều bày tỏ sự quan ngại về khả năng tìm được một lối thoát. Nếu Paris và Berlin không đạt được đồng thuận, thì hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới sẽ trở thành phiên tòa đối với khu vực đồng euro.

Từ 18 tháng qua, những lời hứa hẹn về « một giải pháp toàn bộ và bền vững » đã không còn được tin tưởng nữa. Trong hậu trường, các bất đồng giữa Berlin và Paris rất khó vượt qua. Cho đến nay, chỉ mới thỏa thuận được về việc tái cấp vốn các ngân hàng, xóa một phần nợ cho Hy Lạp, và mới nhất là cùng gây áp lực lên Roma.

Les Echos kết luận, tối thứ Tư tới đây châu Âu sẽ phải trả lời trước thế giới là có khả năng giải quyết được khủng hoảng hay không. Đây sẽ là thử thách to lớn, sau các công cuộc hòa giải Pháp – Đức, xây dựng thị trường chung, đồng euro và mở rộng Liên hiệp châu Âu.


Pháp : Cưới hỏi ít hơn, nhưng trang trọng hơn


Trên lãnh vực xã hội, Libération đề cập đến hiện tượng người Pháp cưới nhau ít hơn, nhưng tổ chức lễ cưới trang trọng hơn.

Trong năm qua, đã có 249.000 đám cưới được tổ chức, so với con số 297.000 của năm 2000. Hơn phân nửa số trẻ em sinh ra có cha mẹ vẫn chưa chính thức cưới nhau. Theo Libération, tuy người Pháp ít làm đám cưới hơn, nhưng các đám cưới theo thủ tục hành chính tại địa phương đang có xu hướng quy mô hơn và mang dấu ấn cá nhân. Thậm chí có đám cưới mời đến 500 khách, đây là điều ít thấy ở Pháp. Một bằng chứng là chỉ trong vòng giữa tháng 10 đến đầu tháng 11, đã có đến ba hội chợ chuyên đề về cưới hỏi được tổ chức tại Paris, mỗi hội chợ thu hút hàng trăm đơn vị tham gia triển lãm.

Khuynh hướng này được Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề gia đình, bà Claude Greff ủng hộ. Theo một cuộc thăm dò, thì có đến 89% người Pháp từ 25 đến 34 tuổi muốn bước lên xe hoa chỉ một lần trong đời, và sống chung với một người duy nhất mà thôi. Bà Greff cho rằng : « Cần tổ chức đám cưới hành chính một cách trang trọng, để không cảm thấy đó là một sự cam kết được quyết định trong vòng năm phút, và hủy bỏ cũng chỉ trong vòng năm phút đồng hồ ».


( Nguồn: RFI )

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 2917)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3060)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 3706)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 3594)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 3430)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 3246)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 3008)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2919)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 3154)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3180)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468