Ngày Xưa Thân Ái : Một Thời Võ Lâm Ngủ Bá (Sơn Râu)

05 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 33701)
Ngày Xưa Thân Ái : Một Thời Võ Lâm Ngủ Bá (Sơn Râu)

MỘT THỜI VÕ LÂM NGỦ BÁ

 

Năm 1964, truyện chưởng VÕ LÂM NGỦ BÁ theo báo Hong Kong tràn sang Việt Nam bằng máy bay, nhờ dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phụng chuyển sang tiếng Việt, in hằng ngày (feuilleton) trên báo, tạo ra một cao trào đọc truyện kiếm hiệp. Người ta chờ báo Hong Kong sang như trẻ con chờ mẹ đi chợ về. Hôm nào báo chậm sang thì công chức ủ ê, lao động mệt mỏi, học sinh biếng nhác như thiếu xì ke.

Ở các quán cà phê, nhiều người đành kể lại đoạn truyện ngày hôm qua, và các hôm trước nữa, như để chuẩn bị cho đoạn truyện ngày mai được … hấp dẫn hơn. Phong trào đặt tên nhóm bạn theo nhân vật Võ Lâm Ngũ Bá cũng ra đời, thường là nhóm bạn có máu “giang hồ vặt”, những nhóm bạn có những “kỳ … kỳ tích” với nhau. Cũng là Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế và Trung Thần Thông, nhưng là 5 nhân vật sống, nhiều khi chẳng có võ nghệ gì, nhưng thân thiết với nhau.

Tại trường Chính trị Kinh doanh, viện Đại học Đà Lạt, năm Dự bị, niên khóa 1964-1965, cũng có Võ Lâm Ngũ Bá.

Chuyện khởi đầu khi Sơn râu chuyển “nhà” từ 75 Bùi thị Xuân về 42 Võ Tánh, ở giữa phòng của Thuận nhõng và Phương ù, cách nhà 36A Võ Tánh – nơi ở của Long ròm và Diệp đạo dừa – chưa đầy 50 thước. Ở gần nhau, chỉ cần “hú” một tiếng là có mặt. Kể cả ngay khi đang ngồi ở giảng đường Thụ Nhân mà thấy chán quá thì “Ai kêu tui đó, có tui đây”. Năm tên quần thảo với nhau suốt ngày đêm – 24/24 , đôi khi 48/48 – trong những ván bài cắc-tê, với trình độ điêu luyện ngày càng cao, không thua gì trong một kỳ luận kiếm Hoa Sơn của ngủ bá, và do đó chúng tự xưng là Đông Tà Lê Bá Diệp, Tây Độc Nguyễn Văn Sơn, Bắc Cái Hoàng Long, Nam Đế Trần Đình Phương và Trung Thần Thông Nguyễn Văn Thuận.

Việc gọi tên một đứa bắt đầu do Hoàng Long xướng suất, sau đó được đổi qua đổi lại theo nhận xét và công nhận của cả nhóm tùy theo khả năng “độc đáo” của mỗi đứa khi ra chiêu. Như Đông Tà còm nhom như que củi, người không rời chiếc áo manteau màu cà phê sữa, đầu đội mũ dạ màu chocolat như đạo sĩ (nên cũng có biệt danh là Đạo Dừa), mỗi khi xòe 6 lá bài như phe phẩy Lạc Anh chưởng pháp. Như Tây Độc tóc dài. râu lún phún, da đen nhẽm, mỗi khi vật lá bài xuống chiếu, tiếng kêu đôm đốp như Hàm Mô Công. Như Bắc Cái, gầy khẳng gầy kheo do thiếu ăn, mất ngủ, vẫn ung dung giơ cao lá bài cho nổi gió mỗi khi quyết định hạ thủ, như đang Phi Long tại thiên. Như Nam Đế người mập ù, trắng trẻo như còn bự sữa (nên cũng có biệt danh là Babilac), tài kém nhất nhóm, nhưng được cái dễ thương, lâu lâu ra chiêu “móc họng” anh em như Nhất Dương chỉ. Riêng tên Trung Thần Thông đều được cả nhóm thống nhất là cao cường hơn một thành công lực nhờ đức tính điềm tỉnh, uy lực mãnh liệt như Cửu Dương công. Chung hơn hết là khả năng nhớ quận bài của cả 5 tên vào hàng thượng thừa đến mức nếu sau 3 ván mà không đổi bộ bài mới thì một tên có thể bỏ lá ách cơ, dùng lá 3 rô để bắt lá 2 rô đáy của địch thủ. Siêu phàm như truyện chưởng vậy! Đến mức mà nhiều nhân vật ở nhà 42 như Vĩnh Singsing, Sinh ếch-bà, Thành công tử … hay nhà lân cận như Châu hột vịt, Xuân thau … cũng muốn tham gia, nhưng liên tiếp vài kỳ bị “rửa đít” sạch sẽ, đành lẳng lặng rút lui, chuyển sang luận kiếm khác. Đến mức nhà giáo Nguyễn Thanh Liêm, năm đó học năm cuối khoa Đại học Sư phạm “mê man tàng tịch” bỏ cả học để ngày đêm xin “rửa hận”, thức suốt đêm, sáng rửa mặt rồi đi thi, rớt, thi lại kỳ 2 cũng trong tình cảnh như thế. May mắn cho Liêm là năm đó khoa Sư phạm đóng cửa, không thi cũng đậu!

 

Qua đầu năm I, Nam Đế về Sài gòn theo học Quốc gia Hành chánh, tứ bá còn lại tìm người bổ sung để tổ chức cuộc luận kiếm lần 2. Nhân vật thay thế là giáo sư Huỳnh Huynh, người tự hào là đã dùng xác xuất để thắng trận ở Las Vegas khi người du học. Nhưng hởi ơi, sau 2 tuần quần thảo, giáo sư gác kiếm xin “giải nghệ”, vì xác xuất không thắng nổi tuyệt chiêu của tứ bá Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Trung Thần Thông.

Và từ đó, Võ Lâm Ngủ Bá tan rã, như một định mệnh trong truyện chưỡng của Kim Dung. Tây Độc và Trung Thần Thông dọn về 14 Bùi Thị Xuân ở với Nhung khờ, Bắc Cái và Đông Tà gia nhập làng xập xám, xì phé với Phàn phé, Tủy ruồi … ở 36A Võ Tánh. Tuy tách ra, nhưng khả năng nhớ quân bài của từng tên vẫn tiếp tục tạo ra những kỳ tích trong chốn võ lâm khác, như từng “rửa đít” sạch sẽ Xập xám chi bảo Nguyễn Quốc Vọng – Đại học xá, Monaco Xì dách Trần Tài Xuân – 78 Võ Tánh, Người ruồi gieo máu lửa Xì phé Trịnh Văn Tủy hoặc Phàn phé Nguyễn Thanh Phàn – 36A Bùi Thị Xuân …

Ôi, một thời vang bóng!

 

SR

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 40358)
Ca khúc được sáng tác ngay vào ngày 25 tháng 12 năm 1818, tại Nhà thờ Thánh Nicholas (Nicola-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo.
20 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 45091)
THỜI GIAN NHƯ TÊN BẮN TÓC XANH XƯA - BẠC MẦU CÂY THỤ NHÂN CÒN GỐC LẼ NÀO KHÔNG GẶP NHAU?!
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468