Trích Việt Báo: TT Obama Có Ưu Thế? (Giang Nguyễn)

03 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 26953)
Trích Việt Báo: TT Obama Có Ưu Thế? (Giang Nguyễn)

TT Obama Có Ưu Thế? (Trích Việt Báo)

Tuesday, October 2, 2012

From: Giang Nguyễn

-----------------------------------------------

 

TT Obama Có Ưu Thế?

 

(10/02/2012)

Tác giả : Vũ Linh

 

...cải tổ y tế là yếu điểm lớn của TT Obama, TĐ Romney vẫn khó khai thác được...

Chỉ còn chưa tới 40 ngày nữa là đến ngày bầu cử, mà tình trạng tranh cử vẫn như ... sương mù Đà Lạt. Cả hai bên đã có đại hội, có dịp trình bày tất cả những gì cần trình bày để thuyết phục cử tri, bôi bác đối thủ và vỗ ngực tự ca tụng. Nhưng hàng chục hãng thăm dò dư luận dù bỏ bạc triệu để bắt mạch cử tri gần như mỗi ngày, vẫn thấy kết quả tung lên rớt xuống như bóng rổ.


Đây là vài kết quả mới nhất. Gallup: Obama +6%; Rasmussen: Obama +1%; AP: Obama +1%; CBS: Obama +3%; ABC: Obama +1%; CNN: Obama +6%. Nói chung, TT Obama có ưu thế ngay sau đại hội được coi như khá thành công tại Charlotte. Nhưng phần lớn nằm trong sai biệt xác xuất thống kê 4%, tức là đều không có gì chính xác. Đến lúc quý độc giả đọc bài này thì các con số trên chắc cũng đã thay đổi rồi.


Một điểm quan trọng cần lưu ý khi đọc thăm dò. Trên căn bản, các cơ quan lớn không cố tình đưa ra những con số thiên lệch vì uy tín của họ. Nhưng vẫn không tránh được chuyện không chính xác. Ví dụ CNN thăm dò dư luận trong khối thính giả của họ, mà vì CNN thiên vị công khai với TT Obama, nên phần lớn thính giả của họ có khuynh hướng ủng hộ TT Obama, do đó thăm dò của CNN có khuynh hướng có lợi cho TT Obama hơn. Trong các cơ quan, có lẽ Rasmussen chính xác nhất vì tập trung vào những người có nhiều triển vọng đi bầu (likely voters).


Dù sao thì trên thực tế, những thăm dò tổng quát không có ý nghiã gì. Quan trọng là kết quả của chừng một chục tiểu bang gọi là “xôi đậu” thôi.


Điểm bất lợi lớn nhất cho TT Obama dĩ nhiên là tình hình kinh tế. Ông nhậm chức, lãnh gia tài khủng hoảng kinh tế mà ông gọi là lớn nhất thế kỷ, nhưng dõng dạc khẳng định ông sẽ phục hồi kinh tế trong vòng ba năm, nếu không làm được, sẽ chấp nhận làm tổng thống một nhiệm kỳ.


Thực tế, sau gần bốn năm, chưa ai thấy được ánh sáng cuối đường hầm, bất kể chi tiêu cả ngàn tỷ để kích động, đưa thâm thủng ngân sách và công nợ đến những kỷ lục chưa từng thấy. Trong quý hai vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vẫn chỉ là 1,5%, loại tỷ lệ của Phi Châu, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn vất vưởng trên 8%, loại tỷ lệ của Âu Châu.


Ngay cả những “thành công” đối ngoại, được tung hô trong đại hội, cũng đã bị những biến cố mấy ngày qua tại Trung Đông xóa mất hết rồi. TNS John Kerry đã từng tuyên bố trước đại hội đảng tại Charlotte “Vâng, chúng ta khá hơn bốn năm trước, hỏi Bin Laden đi”.Kẻ viết này thắc mắc thế bây giờ có nên hỏi ông cố Đại Sứ Mỹ tại Libya không?


So với thất bại khổng lồ đó thì TT Obama có nhiều lợi điểm không nhỏ chút nào.


Dân Mỹ thường khá kiên nhẫn và chấp nhận cho tổng thống thời gian để làm việc.Nhất là khi TT Obama cũng đã khá hữu hiệu trong việc thuyết phục cử tri là ông đã đạt được nhiều tiến bộ trước những khó khăn cực lớn, tuy chưa hoàn tất nhưng đã rất cố gắng và đang đi đúng hướng.


Sự hữu hiệu đó là kết quả của tài vận động tranh cử rất đặc biệt của TT Obama.Ông là người có phép nói năng, hứa hẹn khiến thiên hạ tin tưởng vào ông, bất chấp sự thật hiển hiện trước mắt.Năm 2007-08, với quá khứ như tờ giấy trắng mà ông đã thuyết phục được dân Mỹ trao cho ông trách nhiệm khó khăn nhất thế giới.Bây giờ, sẽ không là chuyện lạ nếu ông thuyết phục được thiên hạ tiếp tục tin ông bất chấp 4 năm thành quả èo uột của ông.


Trong tình trạng kinh tế bết bát hiện nay, thiên hạ không ăn được bánh thật thì phải mơ bánh vẽ của TT Obama thôi. Cựu thống đốc Tim Pawlenty mô tả TT Obama như “toàn bọt mà không thấy bia, nhưng vẫn không ít người thích uống”.


TT Obama cũng có vẻ như ôn hòa, vị tha, dễ có cảm tình, gần với họ hơn là ông triệu phú Romney. Hình ảnh không phản ánh sự thật và không ăn khớp với một chính khách xuất thân từ Chicago, một thứ ổ mafia chính trị Mỹ, mà chỉ là kết quả của chiến dịch quảng bá tô vẽ rất tốn kém nhưng rất hữu hiệu của ê-kíp Obama qua các phương tiện tiếp thị tân tiến internet, facebook, twitter, …, và nhất là qua sự toa rập của truyền thông dòng chính.


Và đây là điểm bất lợi lớn nhất của TĐ Romney: ông phải chạy đua cùng một đương kim tổng thống được sự tiếp sức công khai và mạnh mẽ của cả khối truyền thông dòng chính, với những tờ báo lớn nhất Mỹ và các đài truyền hình chính. Có thể nói trong các hệ thống truyền hình, chỉ có Fox là tương đối không nhắm mắt tâng bốc TT Obama, trong khi với các báo có tầm vóc quốc gia, thì chỉ có Wall Street Journal là tương đối không thiên vị. Không ai có thể chối cãi ảnh hưởng rất lớn của truyền thông dòng chính cho dù ai cũng biết họ công khai thiên vị.


Ở đây, phải nói ngay sự thiên vị nằm cách phổ biến tin tức kiểu thổi phồng những tin có lợi, ém nhẹm những tin bất lợi.Chưa kể những bài bình luận chủ quan hầu hết ủng hộ TT Obama. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng họ cũng đăng bài bất lợi cho TT Obama, như bài của Niall Ferguson trên Newsweek mà kẻ viết này có bàn qua, hay bài gần đây của bà Maureen Dowd trên New York Times, chỉ trích TT Obama đổ thừa tứ phiá, nhưng đó chỉ là những trường hợp đặc miễn để vớt vát uy tín.


Tiêu biểu cho thái độ thiên vị là cách truyền thông đăng tin về chuyến du hành qua Trung Đông và Âu Châu mới đây của TĐ Romney. Trong khi ứng viên Obama năm 2008 đi du hành được truyền thông thổi lên tận mây xanh như tổng thống thế giới kinh lý thăm dân, thì chuyến du hành của TĐ Romney năm nay lại được truyền thông mô tả như chuyến đi học nghề ngoại giao của một anh sinh viên chưa thuộc bài, với các sơ sót –thật hay giả- thổi phồng tối đa và thành công dấu kín. Một trường đại học lớn nghiên cứu và cho biết 90% các bài báo và bản tin truyền hình về chuyến du hành của TĐ Romney hoàn toàn bất lợi cho ông.


Theo các cơ quan thăm dò Gallup và Rasmussen, thì hai ứng viên vẫn huề hay hơn thua nhau 1%-2%. Nhưng các báo cấp tiến lại đưa ra hình ảnh khác, qua các tít lớn:


- Washington Post: Tại sao TT Obama đang thắng?


- The New Republic: Không quá sớm để khẳng định cuộc tranh cử của Romney đã chết.


- The NewYorker: Màn kết của Romney.


- New York Times: Khó tưởng tượng được Romney sẽ thắng.


Chỉ có những quan sát viên cận thị nặng nhất mới không nhìn thấy truyền thông dòng chính Mỹ đang vận động cho ai.


Tuần vừa rồi, hơn 20 học giả bảo thủ trong khối Media Research Center (Trung Tâm Nghiên Cứu Truyền Thông) đã phổ biến một bức thư ngỏ vạch rõ chưa bao giờ truyền thông có thái độ công khai thiên tả và trắng trợn muốn quyết định cuộc bầu cử chính trị quan trọng như hiện nay. Bức thư nêu đích danh các đài truyền hình CBS, NBC, ABC, và CNN, cũng đưa ra hàng loạt ví dụ về cách thông tin méo mó của truyền thông dòng chính, thổi phồng những tin bất lợi cho TĐ Romney trong khi ém nhẹm những tin xấu cho TT Obama. Cụ thể là câu tuyên bố của TĐ Romney về 47% cử tri không đóng thuế được bàn nhiều gấp 13 lần câu tuyên bố của TT Obama xác nhận ông chủ trương tái phân phối tài sản thiên hạ (theo chủ trương xã hội chủ nghiã).


Điểm nữa phải nói ra là cách TT Obama khai thác những yếu điểm của TĐ Romney, với sự phụ họa của truyền thông phe ta.


Ông Romney là một chính khách điềm đạm, không hứa trăng hứa cuội, có thành tích về chính trị và nhất là kinh tế rõ ràng, ai cũng có thể kiểm chứng được. Trước những khó khăn kinh tế dai dẳng mà TT Obama đã hoàn toàn không giải quyết được, những người có đầu óc thực tiễn và không có thành kiến phe đảng sẵn sàng nhìn vào TĐ Romney một cách kỹ lưỡng hơn, chấp nhận đổi ngựa để thử “bác sĩ” Romney, hơn là tiếp tục ôm cứng chính sách đã thất bại của TT Obama, để hy vọng thêm bốn năm nữa.


Lợi điểm đó của TĐ Romney rất lớn, nhưng phe Obama đã quyết tâm phá hình ảnh đó, xoá bỏ những thành công và thay vào đó bằng những hình ảnh tiêu cực, đại ý mô tả TĐ Romney như một tài phiệt vô cảm làm giàu trên lưng dân lao động, và phương thức giải quyết khủng hoảng kinh tế của ông là giảm thuế nhà giàu, tăng thuế người nghèo, cắt trợ cấp người già, và sa thải nhân công. Lập luận vô lý nhưng nhai mãi cũng sẽ có không ít người tin.


Các điểm tiêu cực của Bain Capital như khuyến cáo các công ty sa thải nhân công, lập cơ sở ở nước ngoài, ... không cần biết bao nhiêu phần bóp méo, bao nhiêu phần phóng đại, đã được khai thác tối đa, đặc biệt là trong giới lao động tại các tiểu bang vùng ven Đại Hồ, Ohio, Pennsylvania, Michigan và Wisconsin, là khối cử tri có tiếng nói quyết định trong cuộc bầu cử.


Một lợi điểm cho TT Obama có thể nói là trớ trêu nhất: đó là sự thành công gần đây của chính sách kinh tế của đảng Cộng Hoà tại một số tiểu bang.


Năm 2010, một số lớn tiểu bang bất mãn với chính sách của TT Obama, đã bầu hàng loạt cho các thống đốc Cộng Hòa.Các thống đốc này trong hai năm qua đã thành công lớn về mặt kinh tế. Một mẩu tin của The Drudge Report rất đáng chú ý: trong khi tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước vẫn không thay đổi ở mức trên 8%, thì tỷ lệ thất nghiệp đều giảm toàn diện tại 17 tiểu bang đã bầu Cộng Hòa làm thống đốc năm 2010, với mức giảm từ 0,6% (Pennsylvania và Main) đến 2,4% (Michigan và Florida). Trong số 17 tiểu bang này đã có 8 được coi như xôi đậu, có thể định đoạt kết quả bầu cử tổng thống.


Sự thành công của các thống đốc Cộng Hòa qua việc giảm thất nghiệp này mâu thuẫn thay, giúp TT Obama có dịp quảng bá thành quả kinh tế, dù là “nhận vơ”, hóa giải hình ảnh thất bại kinh tế của mình, khiến cử tri bớt chống đối ông hơn. Chỉ cần ba tiểu bang Florida, Ohio, và Pennsylvania bầu cho TT Obama thì hy vọng của TĐ Romney thành mây khói ngay.


Nói đến thành tích của TT Obama thì không thể bỏ qua Cải Tổ Y Tế. Đa số nói chung vẫn chống lại cải tổ này, đến độ TT Obama trong bài diễn văn tại đại hội đảng tại Charlotte đã hoàn toàn không đả động gì đến thành quả này. Nhưng dù cải tổ y tế là yếu điểm lớn của TT Obama, TĐ Romney vẫn khó khai thác được, chỉ vì há miệng mắc quai.TĐ Romney dù sao cũng vẫn là cha đẻ ra luật cải tổ y tế mẫu mực cho cải tổ của TT Obama.


Cộng Hoà cũng là đảng công khai nói lên quan điểm cần phải cải tổ chế độ an sinh xã hội, từ Medicare cho người già, đến Medicaid cho người nghèo, và quỹ hưu trí Social Security.


Không ai không biết các chương trình này bị đe dọa phá sản trong vài thập niên, và muốn các chương trình này trường tồn, bắt buộc phải sửa đổi. Đảng Cộng Hòa, nhất là qua ứng viên PTT Paul Ryan, chủ trương phải có can đảm sửa đổi càng sớm càng tốt để bảo đảm con cháu chúng ta còn được hưởng những trợ cấp này. Đảng Dân Chủ lợi dụng điểm này để khai thác mối lo sợ của những người già và người nghèo, sợ bị mất quyền lợi.Đây là một vấn đề cực kỳ phức tạp khó giải thích, nhưng lại cực kỳ nhạy cảm dễ khai thác để dọa thiên hạ.


Một hiện tượng rõ ràng nữa là ngày nay, có 15 triệu người thất nghiệp và hơn 45 triệu người lãnh phiếu thực phẩm foodstamps. Những con số kỷ lục này, ngược ngạo thay, dưới một khiá cạnh, lại có lợi cho TT Obama. Một số không nhỏ những người này rất thoải mái lãnh tiền thất nghiệp và phiếu thực phẩm, nên không muốn thay đổi gì hết.


Hậu thuẫn của TT Obama cũng có được nhờ những “mánh mung” lấy phiếu cử tri.Truyền thông mới đây đã phổ biến một phỏng vấn, hỏi một bà Mỹ đen và được bà trả lời bà bỏ phiếu cho TT Obama vì ông này đã cho bà điện thoại di động miễn phí. Thật ra, chương trình cấp điện thoại miễn phí cho dân nghèo là do TT Reagan khai sáng năm 1984. Qua năm 2008, chương trình này được TT Bush nới rộng ra điện thoại di động.Khi TT Obama nắm quyền thì chương trình này được đổi tên là “The Obama Cell Phone”, quảng bá qua mạng “Obamaphone.net”. Khiến phần lớn thiên hạ nhận được điện thoại di động miễn phí cho đây là sáng kiến giúp dân nghèo của TT Obama. Một tiểu xảo tiêu biểu cho chính quyền đương thời, đã lừa được không ít cử tri.


Chương trình này bành trướng mau lẹ dưới thời TT Obama.Năm 2008, Nhà Nước chi 700 triệu cho chương trình này. Năm 2011, chi phí vọt lên 1.600 triệu, tăng gấp hai lần rưỡi. Một ví dụ nhỏ của chính sách phóng tay tiêu xài tiền thuế của dân chúng để lấy phiếu cho TT Obama.


Vấn đề màu da cũng đáng nói. Không kể chuyện dân da đen sẽ nhắm mắt ủng hộ “gà nhà” hoàn toàn vô điều kiện, nhiều người da trắng không dám nghĩ đến chuyện cho ông tổng thống da đen đầu tiên về vườn quá sớm, vì sẽ khơi lại thành kiến kỳ thị của Mỹ trắng. Phe cấp tiến không bao giờ bỏ lỡ cơ hội la hoảng “kỳ thị!” mỗi khi TT Obama bị chỉ trích, khiến dân da trắng “chột dạ” không dám chỉ trích TT Obama và không dám bỏ phiếu cho TĐ Romney.


Yếu tố cuối cùng nhưng không nhẹ ký chút nào là yếu tố tâm lý đối với những người lần trước đã bầu cho ứng viên Obama: bây giờ mà không bầu cho TT Obama nữa thì mạc nhiên coi như họ đã có quyết định sai lầm lần trước rồi. Không dễ gì thiên hạ sẵn sàng nhận mình sai lầm hết, do đó, họ cần phải bầu lại cho TT Obama, cho dù chỉ là để xác nhận với chính mình là mình đã không sai lầm.


Ngoại trừ yếu tố bất ngờ giờ chót, hầu hết thiên hạ đã biết mình muốn bầu cho ai rồi, số người lưỡng lự chưa quyết định cũng không còn bao nhiêu, và hai bên cũng đều cạn ý, không còn lập luận mới lạ có thể thu hút thêm cử tri nữa. Vấn đề bây giờ là vận động gà nhà đi bầu cho đông để hạ đối phương.


Tóm lại, theo các thăm dò, TT Obama đang có ưu thế hơn TĐ Romney, nhưng nếu TĐ Romney vận động được khối bảo thủ, ông vẫn có cơ hội thắng, như TT Bush đã thắng hai lần liền. Tại Ohio, cử tri ghi tên đi bầu đã giảm gần 500.000 người so với 2008, phần lớn trong những địa bàn Dân Chủ. Tình hình tại phần lớn các tiểu bang khác cũng tương tự. Hiển nhiên, cử tri Dân Chủ đã mất sự hồ hởi của 4 năm trước. Đó là lý do giải thích thăm dò của Rasmussen cho thấy TT Obama chỉ ngang hàng hay hơn TĐ Romney có đúng 1%. Nhìn dưới khiá cạnh này thì ưu thế của TT Obama biến mất và hy vọng của TĐ Romney tăng lên mạnh. (30-9-12)


Vũ Linh


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28626)
Đến một lúc, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi lòng mình rộng mở và tim mình thắp sáng lên niềm tin yêu vào cuộc sống.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28683)
Biển Đông vẫn còn đầy rẫy những mối căng thẳng tiềm tàng có nguy cơ leo thang thành xung đột trên quy mô toàn diện nếu không cố gắng tự kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28648)
Ký kết các thỏa thuận song phương với Philippines, tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản… tuần này Việt Nam tiếp tục mở rộng chính sách ngoại giao với khu vực.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 27261)
G20 tại Pháp đã kết thúc với những tuyên bố chung chung.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28044)
Khoảng một trăm người, được mô tả là « quần chúng tự phát », với sự yểm trợ của công an, dân phòng, đã xông vào nhà thờ Thái Hà, hành hung, uy hiếp các tu sĩ, linh mục và giáo dân của giáo xứ này.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 27885)
Một tòa án chống khủng bố ở Pakistan đã truy tố hai viên chức cảnh sát cao cấp trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto năm 2007.
31 Tháng Mười 2011(Xem: 27936)
Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nỗ lực của Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, hỗ trợ tăng trưởng, củng cố an ninh, ổn định và phát triển tại châu Á.
31 Tháng Mười 2011(Xem: 27026)
Thủ tướng Noda kêu gọi các nước láng giềng châu Á tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau để thuyết phục quân đội Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế .
31 Tháng Mười 2011(Xem: 26899)
Theo bản thông cáo chung , Việt Nam « bày tỏ nguyện vọng mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản cung cấp công nghệ hạt nhân » .
31 Tháng Mười 2011(Xem: 27298)
Khu vực có dầu khí thuộc một lô ngoài khơi Đà Nẵng , mà phía Việt Nam đã trao cho Exxon quyền thăm dò và khai thác .
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468