Thế giới Ả rập và những tính toán của Washington

17 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 25040)
Thế giới Ả rập và những tính toán của Washington

Thế giới Ả rập và những tính toán của Washington

 634359975524600292_344x257







Thái tử Ả rập Xê út ( phải) và quốc vương Bahrain.

Reuters

Thụy My, rfi

Theo tờ New York Times, thì chính quyền Obama đã phải nhận ra một sự thật phũ phàng : các vị vua có nhiều cơ hội để sống sót trước làn sóng cách mạng, còn các ông tổng thống thì rơi rụng.

Tình thế khó khăn của đương kim Tổng thống Pháp, các cuộc cách mạng tại thế giới Ả rập, vấn đề an toàn thực phẩm là những chủ đề chính của các tuần báo Pháp kỳ này.

Le Courrier International trích dịch bài báo trên tờ The New York Times mang tựa đề « Thế giới Ả rập và những tính toán của Washington ». Bài viết nhận xét, từ khi có những cuộc nổi dậy ở các nước Ả rập, đã có hai tổng thống bị lật đổ. Còn các chế độ quân chủ trong khu vực có vẻ khó truất ngôi hơn, và Washington đang trông cậy vào họ.

Theo tác giả bài báo, thì chính quyền Obama đã phải nhận ra một sự thật phũ phàng : các vị vua có nhiều cơ hội để sống sót trước làn sóng cách mạng, còn các ông tổng thống thì rơi rụng. Trong khu vực đang dậy sóng trải dài từ Maroc cho đến Iran, hai tổng thống đã bị lật đổ. Đó là Zine El-Abidine Ben Ali ở Tunisia, và Hosni Mubarak ở Ai Cập.

Các viên chức cao cấp của Mỹ cho rằng tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh đang trong tình trạng ngày càng nguy ngập hơn. Ngược lại, quốc vương của Bahrain, Hamad Ben Issa Al-Khalifa, cho đến nay vẫn chống chọi lại được với làn sóng phản kháng và có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, cho dù lực lượng an ninh Bahrain cũng sử dụng bạo lực để đối phó với người biểu tình. Hoa Kỳ nghĩ rằng quốc vương Abdallah của Ả rập Xê út khó thể bị mất ngôi, và các Tiểu vương khác ở vùng Vịnh Perxique cũng thế. Tại Jordanie, cho dù có nhiều cuộc biểu tình lớn, quốc vương Abdallah II vẫn xử sự khôn khéo để có thể tại vị.

Hiện tượng này khiến cho chính phủ Mỹ gởi những nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm đến để cam kết ủng hộ và tư vấn cho các hoàng gia trong khu vực, kể cả những nước chủ trương cứng rắn ; nhưng lại giữ một khoảng cách trước các tổng thống độc tài, đang phải đấu tranh để duy trì được quyền lực. Nhìn chung, mục tiêu vẫn là lợi ích của nước Mỹ.

Một chuyên gia giải thích, các hoàng gia, bằng cách nào đó có thể tồn tại được trước các biến động, chính quyền có thể bị giải tán nhưng vương triều thì không tan rã, tuy nhiều quốc vương đã lãnh đạo các chính phủ cũng trấn áp người dân không thua các vị tổng thống.

Các tổng thống Ả rập thường khoe là mình đã được người dân lựa chọn một cách dân chủ, cho dù đa số cuộc bầu cử là gian dối. Nước sơn hợp pháp này đã đã bị tróc đi khi những sự bất bình trong xã hội bùng vỡ. Đa số các tổng thống trong khu vực điều hành các nước đông dân nhất, không có được nguồn lợi dầu hỏa của các vương quốc vùng Vịnh, giúp cho họ có thể xoa dịu nhân dân bằng cách giảm thuế, tăng lương như vua Ả rập Xê út và Jordanie đã làm.

Người Mỹ nhìn nhận rằng họ không có chọn lựa nào khác, ngoài việc ủng hộ các nước như Ả rập Xê út, và tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Ví dụ cụ thể là Libya, nơi đại tá Kadhafi – không phải vua mà cũng chẳng phải tổng thống - đã nhanh chóng bị đẩy đến bờ vực.

Ngược với cuộc khủng hoảng Ai Cập, lúc đó Tổng thống Obama đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với ông Mubarak, thì lần này không có một nhân vật cao cấp nào của Mỹ nói chuyện với ông Kadhafi cả. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì Ngoại trưởng Hillary Clinton không liên lạc được với người đồng nhiệm Libya do « trục trặc kỹ thuật ». New York Times nhận định, các sự cố này đã không diễn ra với các quốc vương Ả rập, vì ông Obama và bà Clinton vẫn trao đổi thường xuyên với họ.

Chính phủ Mỹ cho rằng hoàng gia Ả rập Xê út sẽ tồn tại qua mọi cuộc cách mạng. Quốc vương Abdallah đã loan báo tăng thêm 10 tỉ đô la trợ cấp để giúp đỡ các thanh niên trong việc kết hôn, mua nhà và lập doanh nghiệp. Hoa Kỳ đã khẩn khoản yêu cầu Riyad không cản trở các nỗ lực của vua Hamad để cải cách Bahrain, một đảo quốc nối với Ả rập Xê út bằng một cây cầu và lệ thuộc nhiều vào nước này. Nỗi lo của Ả rập Xê út là thế lực của phe chi-it sẽ tăng lên so với những người lãnh đạo theo hệ phái sun-nit.

Phía Mỹ nhấn mạnh đến các nhượng bộ của Bahrain – nơi Đệ ngũ Hạm đội của Hoa Kỳ trú đóng – khẳng định rằng quốc vương và thái tử nước này đang đi đúng hướng khi chấp nhận thương thảo với phe biểu tình. Còn quốc vương Abdallah của Jordanie tỏ dấu hiệu sẵn sàng nhường lại một phần quyền lực cho một chính phủ được bầu lên, hoặc cho quốc hội. Theo các viên chức Mỹ cũng như các chuyên gia độc lập, thì điều này giúp họ có thể tại vị. Hoa Kỳ cũng hy vọng là các vương quốc này cuối cùng sẽ trở thành các chính thể quân chủ lập hiến.

Trung Á chưa phải lo ngại nhiều trước làn sóng cách mạng

« Trà đen nhiều hơn là hoa lài », đó là tựa đề bài báo của The Economist, nhận định rằng những người lãnh đạo ở các nước Trung Á không phải lo ngại nhiều trước những gì đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi.

Bài báo dẫn ra rất nhiều điểm tương đồng, từ sự hiện diện của các nhà độc tài trị vì lâu năm bị lên án là tham nhũng và gia đình trị, với lực lượng an ninh tàn bạo, trấn áp các tiếng nói đối lập nhân danh cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, cho đến các nỗi lo về vật giá và nạn thất nghiệp, thế hệ trẻ nổi loạn…Tuy nhiên các chế độ Trung Á cảm thấy vẫn có khoảng cách an toàn, với đa số dân chúng nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, và có nhiều người gốc Nga cũng như các sắc tộc thiểu số khác. Hơn nữa, internet vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng tại Ai Cập, lại không được phổ biến trong khu vực, ít người dân Trung Á có máy tính. Tại Uzbekstan, truy cập internet rất khó khăn và đắt tiền, khó vào được các mạng xã hội như Facebook hay Twitter, và các trang web nào mà chính quyền không ưa như BBC đều bị chặn.

Các cuộc trấn áp trong những năm gần đây cũng khiến cho những người chống đối phải e ngại, như vụ nổi dậy ở Andijan tại Uzbekistan năm 2005 đã bị dập tắt bằng cách tàn sát không nương tay. Còn tại Tajikistan, sau 5 năm nội chiến, người ta cũng lo ngại tình trạng hỗn loạn tái diễn. Ngay cả ở Kyrgyzstan, sau thành công của cuộc lật đổ ông Bakiev là sự lộn xộn ở miền nam. Thậm chí với việc dầu hỏa lên giá trong hai tháng nay, một số chính phủ Trung Á còn cảm thấy mạnh mẽ hơn để chống lại áp lực của Washington về cải cách chính trị.

Tuy vậy theo The Economist, vẫn còn một ít hy vọng thay đổi, như trường hợp Tổng thống Nazarbayev của Kazakhstan chấp nhận bầu cử trước thời hạn thay vì tổ chức trưng cầu dân ý để ngồi lại đến năm 2020. Bên cạnh áp lực chính trị của phương Tây và phe đối lập, còn có lý do kinh tế của khu vực này đang đi xuống. Các nhà lãnh đạo của Kazakhstan, Tajikestan và Uzbekistan đang đối mặt với vấn đề tương tự như ở Ai Cập, Libya và Tunisia, đó là làm thế nào đóng được vai trò người đảm bảo, chứ không phải là kẻ đe dọa cho sự ổn định.

Philippines : Những năm tháng Marcos vẫn đang đè nặng

Còn tại châu Á, một bài viết trên tờ Philippine Daily Inquiter được Le Courrier International trích dịch đã nhận xét, « Những năm tháng cai trị của nhà cựu độc tài Marcos vẫn đè nặng lên Philippines ».

Sau một phần tư thế kỷ giành lại nền dân chủ, người dân Philippines vẫn hiểu rằng nạn tham nhũng từ thời nhà cựu độc tài vẫn chưa bao giờ được chế ngự. Quân đội Philippines trong thời kỳ trước đây có khi lên đến 250.000 người, do ông Marcos lấy cớ là để đấu tranh chống lại các cuộc nổi dậy của phe Hồi giáo và du kích quân cộng sản, nhưng thật ra là để giúp ông ta giữ vững địa vị. Để đổi lại, ông Marcos cho các tướng lãnh thêm nhiều quyền hành cũng như quyền lợi vật chất.

Cho đến nay, quân đội Philippines vẫn giữ thói quen trấn áp, chụp mũ những người đối lập, còn các lãnh đạo quân đội thì quen ăn trên ngồi trước. Không ai ngạc nhiên khi biết những vị tướng cấp cao nhất vẫn nhận được những món tiền mặt có thể lên đến 5 triệu peso, tương đương 83.000 euro mỗi tháng.

Ngoài ra còn là câu hỏi, cuộc sống của 100 triệu người Philippines đã có thay đổi gì, 25 năm sau khi chế độ Marcos sụp đổ ? Bài báo cho biết, những người thân cận với ông ta vẫn nắm giữ được các chức vụ quan trọng, một số bạn bè của Marcos đã quay lại – vẫn giàu sụ và chưa hề ở tù ngày nào, vấn đề nhân quyền vẫn nhức nhối, còn quân đội thì không hề tỏ ra hiệu quả.

« Kênh đào trên cạn » ở Colombia : Trung Quốc thủ lợi nhiều nhất

Liên quan đến Trung Quốc, Le Courrier International trích dịch bài báo của tờ Semana ở Colombia mang tựa đề « Một đoàn tàu Trung Quốc giữa vùng rừng nguyên sinh ».

Bắc Kinh đề nghị với chính quyền Colombia đầu tư vào một dự án đầy tham vọng, đó là xây dựng tuyến đường sắt nối liền bờ biển Đại Tây Dương với phía Thái Bình Dương. Đây là một ý tưởng đã được đưa ra từ 50 năm trước, nhưng gây nên khá nhiều lo ngại.

Theo một số tính toán, thì chi phí vận chuyển một container qua kênh đào Panama tốn kém khoảng 100 đô la, trong khi « kênh đào trên cạn » này tốn đến 500 đô la. Và để thay thế một chuyến tàu biển chở 12.000 container, phải cần đến 30 chuyến tàu hỏa. Một vấn đề khác là cần có một lượng hàng đủ lớn từ châu Á trung chuyển sang Colombia để dự án có hiệu quả. Trong khi từ nhiều năm qua, Panama đã là trung tâm điều vận của châu Mỹ la tinh đối với hàng hóa từ châu Á, và việc mở rộng kênh đào Panama từ năm 2014 sẽ giúp đưa năng lực vận chuyển của kênh này lên 600 triệu tấn/năm, trong khi tuyến đường Colombia chỉ đạt có 40 triệu tấn/năm.

Không chỉ trên phương diện kinh tế, mà người ta còn quan ngại về mặt sinh thái, khi tuyến đường này chạy qua các khu rừng nguyên sinh. Tuy nhiên dự án này hết sức có lợi cho Bắc Kinh, vốn rất cần vận chuyển nguyên liệu từ bên kia bờ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, đặc biệt là dầu hỏa của Venezuela và than đá của Colombia. Bên cạnh đó, với việc phát triển hỏa xa như vũ bão, Bắc Kinh rất cần tiếp tục đà tiến.

Nhưng nếu người Trung Quốc sở hữu được một tuyến đường giúp họ đến gần với Đại Tây Dương và mở ra các thị trường mới, thì « kênh đào trên cạn » này sẽ trở thànhh một đề tài nhức đầu cho Hoa Kỳ và châu Âu, cho đến nay vẫn giữ vai trò thống trị về thương mại ở Đại Tây Dương.

Thực phẩm lành mạnh : Không đơn giản

Vấn đề an toàn thực phẩm là chủ đề lớn của hai tờ báo L’Express và Le Nouvel Observateur tuần này.

Với dòng chữ đen trong khung vuông, giống như cảnh báo trên các bao thuốc lá « Cảnh giác với những gì có trong thực phẩm của bạn », ảnh bìa của Le Nouvel Observateur cho thấy một dĩa thức ăn, trên đó khúc cá hồi ngon lành có nguy cơ nhiễm các chất độc như thạch tín, DDT và các loại thuốc trừ sâu, còn chùm nho cũng thế. L’Express nhấn mạnh « Những hiểm nguy trong thức ăn », khi trích đăng một cuốn sách mới của nhà báo tự do Marie-Monique Robin mang tựa đề « Thuốc độc hàng ngày của chúng ta », kết quả của một cuộc điều tra công phu kéo dài hai năm tại 5 nước. Các thí nghiệm cho thấy các dư lượng các hóa chất từ phương pháp canh tác chú trọng năng suất đã gây tai hại lên sức khỏe con người nhiều hơn người ta nghĩ, nhưng các cơ quan chức năng vẫn làm ngơ hoặc phản ứng khá chậm chạp về vấn đề này.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29331)
Ghi danh & đóng DEPOSIT cho Đêm Gala ngày 2 tháng 6, 2012 ĐHTNTG Paris.
14 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28625)
Đến một lúc, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi lòng mình rộng mở và tim mình thắp sáng lên niềm tin yêu vào cuộc sống.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28683)
Biển Đông vẫn còn đầy rẫy những mối căng thẳng tiềm tàng có nguy cơ leo thang thành xung đột trên quy mô toàn diện nếu không cố gắng tự kiềm chế và tôn trọng luật pháp quốc tế.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28648)
Ký kết các thỏa thuận song phương với Philippines, tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản… tuần này Việt Nam tiếp tục mở rộng chính sách ngoại giao với khu vực.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 27260)
G20 tại Pháp đã kết thúc với những tuyên bố chung chung.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 28043)
Khoảng một trăm người, được mô tả là « quần chúng tự phát », với sự yểm trợ của công an, dân phòng, đã xông vào nhà thờ Thái Hà, hành hung, uy hiếp các tu sĩ, linh mục và giáo dân của giáo xứ này.
05 Tháng Mười Một 2011(Xem: 27885)
Một tòa án chống khủng bố ở Pakistan đã truy tố hai viên chức cảnh sát cao cấp trong vụ ám sát cựu Thủ tướng Benazir Bhutto năm 2007.
31 Tháng Mười 2011(Xem: 27934)
Thứ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các nỗ lực của Hoa Kỳ và Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, hỗ trợ tăng trưởng, củng cố an ninh, ổn định và phát triển tại châu Á.
31 Tháng Mười 2011(Xem: 27026)
Thủ tướng Noda kêu gọi các nước láng giềng châu Á tăng cường hợp tác chặt chẽ với nhau để thuyết phục quân đội Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế .
31 Tháng Mười 2011(Xem: 26899)
Theo bản thông cáo chung , Việt Nam « bày tỏ nguyện vọng mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản cung cấp công nghệ hạt nhân » .
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468