NHỮNG ĐIỀU KHÔNG CÓ TRONG TÂM TƯ ÔNG THIỆU

01 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 33373)
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG CÓ TRONG TÂM TƯ ÔNG THIỆU

Hoàng Ngọc Nguyên



634110117726780543_393x300




Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng chuyên về khoa kinh tế học, nhưng có lẽ vì hai khoa kinh tế và kinh doanh có liên quan, cho nên xem chừng ông cũng rành về kinh doanh, nhất là kinh doanh thực hành. Thực ra, ông đáng được xem là một thiên tài kinh doanh. Ông hẳn hiểu trong thời nay ở đâu cũng là kinh tế thị trường cả, và nói về kinh tế thị trường là nói đến sản phẩm, người tiêu thụ cho sản phẩm đó và kích thước của số cầu. Cho nên mặc dù ông là một giáo sư tiến sĩ kinh tế học, người ta chẳng biết ai là học trò của ông, hay những tác phẩm kinh tế của ông, người ta cũng không biết chắc được ông dạy môn gì, ở trình độ nào… Và thậm chí ông chẳng viết gì về nền kinh tế của miền nam trong một giai đoan cực kỳ thử thách từ sau khi chế độ Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm bị Mỹ ép một số tướng tá lật đổ, từ thời lạm phát phi mã của ông Âu Trường Thanh đến kinh tế kiệm ước của ông Phạm Kim Ngọc và thời “Sống trong phương tiện quốc gia” của ông Nguyễn Văn Hảo… Sách của ông Nguyễn Hữu Hanh, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, còn cho người ta biết nhiều điều về kinh tế, xã hội thời đó. Tuy nhiên, khi ông Nguyễn Tiến Hưng cho ra mắt cuốn sách thứ ba của ông viết về Tổng thống Nguyên Văn Thiệu, có tựa là “Tâm tư Tổng thống Thiệu”, vào đầu tháng năm, trong thời gian cộng đồng người Việt tại nước Mỹ đang bùi ngùi tưởng nhớ lại 35 năm trước ngày chế độ Saigon sụp đổ và cuộc đổi đời của hàng chục triệu người Việt bắt đầu, người ta phải nói đó là một quyết định hoàn hảo: một sản phẩm đúng, vào đúng lúc, đúng chỗ (doing the right thing in the right place at the right time!).

Cái hay ở ông là đây không phải là sản phẩm mới, công trình nghiên cứu mới, nói những chuyện gì mới, nêu ra những luận điểm mới, nhưng ông biết làm mới cái cũ. Nhiều tác giả đã viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, và họ cố nghiên cứu, đào sâu, thăm dò nhiều khía cạnh, nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc chiến này. Và là nhà nghiên cứu, sau khi viết về một đề tài này, họ chuyển qua đề tài khác, hay sau khi đã thăm dò hướng này, người ta chuyển qua hướng khác, không bận tâm xào nấu những gì đã có hay làm một loại sản phẩm mì ăn liền. Người ta hiểu sống trong thời kinh tế thị trường, người tiêu thụ khó tính, sự cạnh tranh quyết liệt. Càng ngày người ta càng thấy có ít sách của các tác giả Mỹ viết về cuộc chiến tranh Việt Nam, vì cuộc chiến nhìn từ góc cạnh của người Mỹ đã được khai thác hầu như đã hết, ít có viên gạch nào chưa được đào bới, nhất là khía cạnh liên quan đến cách kết thúc cuộc chiến tranh này. Tổng thống Richard Nixon vừa vì muốn chắc ăn một nhiệm kỳ nữa vừa vì hiểu rằng nước Mỹ chẳng muốn làm gì thêm cho miền nam, cho nên mới bàn bạc với cố vấn an ninh quốc gia và bộ trưởng ngoại giao của mình là Henry Kissinger để cho ông này đạo diễn cho một giải pháp “chẳng có hòa bình mà cũng chẳng có danh dự - ngược với điều Nixon nói là “peace with honor”.

 


634110124422363508_400x270


Lối thoát “hòa bình trong danh dự” của Richard Nixon. Hình ảnh

này có ám ảnh “Tâm tư Tổng thống Thiệu” hay không?

 

Nhưng tác giả Nguyễn Tiến Hưng vẫn viết theo khảo hướng đó, một phần là vì ông có sẵn hai cuốn đã viết theo hướng đó, một phần là vì cộng đồng người Việt này vẫn thiếu sách tiếng Việt để đọc. Nhưng cái hay của ông, không chỉ là ở chương trình quảng cáo rầm rộ, mà ở cả chỗ cho sản phẩm của mình mang một cái vỏ mới rất “bắt mắt”, vì sách mang một cái tựa rất bắt khách là “Tâm tư Tổng thống Thiệu”. Bởi vì có đến cả 2 triệu người Việt đang sống ở nước ngoài, trong đó có ít nhất là 100.000 người trên 60 tuổi, trong số người cao niên này ai chẳng tò mò muốn biết “Tâm tư Tổng thống Thiệu”? Ai chẳng muốn biết xem thực sự ông Thiệu có tâm tư gì không hay chẳng có tâm tư gì cả như nhiều người vẫn nghĩ, đến độ ông Nguyễn Tiến Hưng phải nói ra? Và tâm tư đó nếu có là tâm tư gì? Có dính líu gì đến hang chục triệu đồng bào, đến hàng trăm ngàn chiến hữu, những người đã từng ở trong bộ máy quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 và gia đình của họ? Đến những đảng phái chính trị quốc gia đã từng hợp tác với ông và sau năm 1975 bị bức hại và đều tiêu vong dưới chế độ Cộng Sản – trong đó có cả cái đảng Dân Chủ tuy hữu danh vô thực của ông nhưng đã làm cho bao nhiêu người vô tình hay bị buộc phải dính đến nó cho nên phải viết cả mấy chục bản tự kiểm trong những trại tù trong khi ông chủ tịch đảng ngồi an toàn ở bên Anh và trong lòng chỉ có một nỗi oán hận Mỹ mà quên đi chuyện xót thương và dằn vặt trước bao nhiêu triệu đồng bào oán hận mình?

 Tổng thống Thiệu đã ngồi ở Dinh Độc Lập từ năm 1967 đến năm 1975 – có nghĩa là cả tám năm. Tuy nhiên, trước đó, từ 1965-1967, ông đã là chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia trong khi ông Nguyện Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương để chờ thời cơ đương nhiên phải đến. Và trước đó nữa là con đường đi lên từ binh nghiệp đến chính trị của ông, có bao nhiêu điều đáng nói, đáng viết hay phải làm sáng tỏ - chẳng hạn như chuyện người ta nói ông làm Lưu Bị trong cuộc họp của các tướng lãnh để giành phần ra tranh cử tổng thống của ông Kỳ năm 1967. Ví dụ như người ta muốn biết sự chọn lựa thái độ đích thực của ông trong cuộc binh biến ngày 1-11-1963. Hay trong thời chính trị nhiễu nhương của Nguyễn Khánh, người ta muốn biết làm sao mà ông qua mặt được cả ba người thuộc “tam đầu chế” là Dương Văn Minh-Nguyễn Khánh-Trần Thiện Khiêm để cho tất cả đều phải lưu vong mà ông lại vươn lên được. Hay làm sao mà ông đã kỳ diệu qua mặt được ông Nguyễn Cao Kỳ giành được sự ủng hộ của Hội đồng Quân lực gồm toàn là người của ông Kỳ trong cuộc bầu cử tồng thống năm 1967 - hội đồng này về sau cũng bị ông Thiệu cho bay cả trong vụ Mậu Thân. Và còn biết bao nhiêu chuyện nữa, người ta muốn nghe ông Thiệu nói lên, ví dụ như vụ độc diễn năm 1971, hay việc ông vận dộng sửa đổi hiến pháp để có thể ra thêm một nhiệm kỳ nữa, mặc dù người ta nói có cam kết giữa ông Thiệu và ông Khiêm là sau phiên anh đến phiên tôi……

Thực ra có bao nhiêu điều mà người Việt ấm ức muốn biết rõ tâm tư của ông Thiệu, xem ông nghĩ gì. Nhưng người ta cứ nghĩ rằng thực khó mà biết tâm tư của ông Thiệu. Một mặt, ông nổi tiếng đa nghi như Tào Tháo. Ông chẳng tin ai, và ai rốt cuộc ông cũng bỏ, cũng quay lưng lại. Ông lại chủ trương giữ im lăng để tránh bị chất vấn. Ông đơn độc va cô độc - từ trước cũng như về sau. Ông là người từng ở trong quân ngũ, nhưng đã có ai trong quân đội nói lên được tâm tư của ông, ngay cả những người “về mặt lý thuyết” phải rất gần gũi ông, như các tướng Trần Thiện Khiêm, người vẫn được xem là một người từng bào trợ ông đến độ ông phải kéo từ Washington về làm thủ tướng, Đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, người mà ông đã cho ngồi chơi xơi nước, tướng Đặng Văn Quang, người đã mang tiếng nhiều vì ông và cũng làm ông mang tiếng nhiều… Bao nhiêu ông tướng đã viết hồi ký hay phát biểu, nhưng có ai nói lên được tâm tư ông Thiệu. Ông Thiệu cũng đương nhiên có nhiều người gần gũi ông trong cuộc sống gia đình, cuộc sống chính trị trong Dinh Độc Lập, bao nhiêu phụ tá, cố vấn thân cận, như ông Nguyễn Văn Hướng hay Nguyễn Văn Ngân chẳng hạn. Nhưng cũng chẳng có ai nói lên được tâm tư của ông Thiệu một cách tương đối toàn diện, có lẽ bởi vì ông chẳng nói cho ai cả. Bởi thế mà khi ông Nguyễn Tiến Hưng xuất bản cuốn “TTTTT”, một câu hỏi đương nhiên phải nổi lên, người ta muốn biết ông Nguyễn Tiến Hưng là ai mà nắm được tâm tư Tổng thống Thiệu, và tâm tư đó là tâm tư gì?

Điều duy nhất người ta có thể phỏng đoán là ông Thiệu hẳn phải tin ông Nguyễn Tiến Hưng lắm, và ông Hưng phải biết hơn mọi người vì sao. Ông Thiệu phải coi ông Hưng là người tâm phúc lắm cho nên đã giao hết “Hồ sơ mật” của Dinh Độc Lập cho ông Hưng và nhờ ông Hưng chạy giùm. Nguyên cả một bộ máy ngoại giao của chế đô Saigon với những người tài giỏi, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm như Trần Văn Đỗ, Vương Văn Bắc, Bùi Diễm, Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Phú Đức… đều bị ông Thiệu dẹp qua một bên, hay chỉ tin có một ông Hưng dù ông là người chỉ làm công tác hoạch định kinh tế trong bộ máy chính phủ… Đó cũng là điều người ta tò mò và muốn tìm hiểu có thể biết được gì về chuyện này qua sách của ông Hưng. Ngược lại, qua cuốn sách này, ông Hưng cũng chứng tỏ ông đáng được tin cậy như thế, ông chẳng ngại mang tiếng “ăn cơm chúa múa tối ngày”, cho nên một cuốn chua đủ, hai cuốn cũng vẫn chưa tỏ hết bụng dạ, ông phài có một cuốn thứ ba, cho dù như nhận định cũa nhà báo Vũ Ánh trên tờ Viet Herald, cuốn sách này phơi bày những nhược điểm rất chết người của ông Hưng, một “nhà nghiên cứu kinh điển”. Bài phê bình của ông Vũ Ánh có thể xứng đáng với cái tựa “Tâm tư về Tổng thống Thiệu” của người dân miền Nam. Nhưng hơn thế nữa, nó nêu ra những thái độ “thiếu cẩn trọng” chết người của ông Nguyễn Tiến Hưng, khiến ông có thể mất uy tín và mang tiếng suốt đời, ví dụ như đưa ra tài liệu “ma” để minh chứng những chuyện dưới âm phủ, bàn về những vấn đề quân sự mà ông không nắm vững được, và có lối lý luận và kết luận đơn giản: sự thất bại của ông Thiệu về mặt bên ngoài là do Mỹ, bên trong là do Minh (Dương Văn).

Sự im lặng của ông Thiệu sau năm 1975 vẫn được xem là đồng nghĩa với sự vô tình, vô tâm và cả vô trách nhiệm. Ông an toàn thoát đi ngày 25-4-1975, để lại cả một miền Nam nguy khốn trong những giây phút hấp hối của chế độ trước những đe dọa của một cuộc tắm máu. Khi đã ra nước ngoài, ông dư sức biết, dư sức hiều sự hiểm nghèo của hàng trăm ngàn người đi tìm con đường vượt biên trong những chiếc thuyền, chiếc tàu mong manh, thiếu an toàn tồi thiểu, phiêu lưu giữa biển cả mênh mông. Ông cũng biết cả mấy trăm ngàn người từng ở trong bộ máy “ngụy quân ngụy quyền” đang rơi vào vòng kềm kẹp của chế độ cộng sản ở những trại tập trung từ trong nam đến ngoài bắc không có ngày về. Ông cũng hiểu cuộc sống cùng khổ khủng hoảng của bao nhiêu triệu gia đình miền nam dưới chế độ Cộng Sản. Ngay cả ông Võ Văn Kiệt lúc cuối đời còn nhìn nhận sự thất bại của chế độ Cộng Sản khi đề ra một tình trạng có triệu người vui nhưng cũng cả triệu người buồn. Lẽ nào ông Thiệu không thấy được mấy triệu “người buồn” đó, có bao giờ ông để lộ “tâm tư” dằn vặt của một người có trách nhiệm chính trong sự sụp đổ của miền nam? Có bao giờ ông cảm thấy xót thương, muốn làm một điều gì đó cụ thể cho những người bất hạnh? Hay tâm tư của ông chẳng bao giờ hướng đến người dân mà chỉ nhìn lại sự thất thời lỡ vận của mình và trút oán hận lên Nixon, lên Mỹ.

Có một điều cần phải minh định rõ nhưng ông Nguyễn Tiến Hưng đã không làm - trước đây khi còn làm cố vấn cho ông Thiệu và bây giờ khi là tác giả viết sách nghiên cứu: Cuộc chiến chống ngoại xâm bao giờ, vào thời nào, cũng là một cuộc chiến của dân tộc, của đất nước. Chẳng có ai làm hộ ta chuyện đó. Bởi thế mới có Hội Nghị Diên Hồng để cho toàn dân thấy được tình hình, hiểu được mức độ phải hy sinh. Nó không phải là một cuộc chiến của Mỹ. Nó cũng không phải là cuộc chiến của riêng ông Thiệu. Do dó ông Thiệu không thể xem đó là cuộc chiến của riêng ông. Lẽ ra từ đầu năm 1972 ông phải nói với quốc dân, qua Quốc Hội, là sơn hà nguy biến, ông phải hỏi ý kiến người dân muốn tiếp tục chiến tranh, chúng ta phải làm thế nào. Khi ông xem cuộc chiến này là chuyện riêng tư giữa ông và Nixon, thậm chí không phải là giữa nhân dân Mỹ và nhân dân Việt vì chẳng ai biết gì cả, đó là vì ông quá tin ở Mỹ, đó là vì ông nghĩ quá nhiều đến quyền lợi của ông – và chỉ nghĩ đến ông. Ông không nói nếu Mỹ bỏ chúng ta vẫn phải chiến đấu. Ông nói nếu Mỹ không bỏ, chúng ta sẽ chiến đấu, sẽ rút về vùng đồng bằng sông Cửu Long để kháng chiến – một chiến lược của người nằm mơ. Nhưng bởi vì Mỹ bỏ, chúng ta phải tìm cách bỏ chạy mà thôi! Đó là lý do có ngày 25-4 của ông Thiệu

Ông Nguyễn Tiến Hưng là sĩ phu, lại ở vị trí cố vấn, nhưng ông đã thất bại khi không có được một lời khuyên phải cho ông Thiệu, ông chỉ biết tuân lệnh chạy tất tả đi xin viện trợ bất kể nhục nhã và có thể thừa hiểu tình thế đã tuyệt vọng. Ông thất bại một lần nữa khi cho thấy cho đến nay ông chưa hiều gì cả chuyện hơn 35 năm về trước. Và do đó ông đã vô tình không để yên cho người đã qua đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Mười 2012(Xem: 23115)
S ức mạnh quân sự của Trung Quốc càng gia tăng thì nguy cơ xung đột giữa các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN càng lớn và do đó, việc tìm kiếm giải pháp trong khối này càng thêm khó khăn.
03 Tháng Mười 2012(Xem: 23335)
Chủ quyền quốc gia không thể nhân nhượng khi nhân danh thứ tình hữu nghị vừa giả dối lại mơ hồ giữa hai nước tự nhận là anh em nhưng khi giao tiếp lại phải cần phiên dịch.  Những phát biểu cốt mua sự an toàn cho bản thân, cho chế độ hay đảng phái không thể qua mắt nhân dân.
31 Tháng Bảy 2012(Xem: 22835)
" Đây là điều nhắc nhở ta rằng Không thể bịt miệng một dân tộc Mà người ta không thể khuất phục Bằng lưỡi kiếm của đao phủ.”  (Luis Aragon)
08 Tháng Sáu 2012(Xem: 28143)
Ukraina đã bị việt vị… TT Đức đã hủy bỏ chuyến viếng thăm Ukraina hồi tháng 5, và sự việc nghiêm trọng nhất là 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đe dọa xét lại thỏa ước về tự do mậu dịch vừa ký với Ukraina hồi tháng 3.
02 Tháng Sáu 2012(Xem: 26660)
…như vậy là tổ tiên chúng ta đã vốn sẵn tự chủ, không để nỗi nhục dìm mình xuống đất đen, mà biết biến cái nhục thành niềm vinh quang cho dân tộc được trường tồn một cách xứng đáng.
25 Tháng Năm 2012(Xem: 26659)
Bỏ qua một bên chính khách xôi thịt, giới sĩ phu nước Mỹ, ai có thể ngồi yên trước cảnh tuy không đến nổi “nước mất nhà tan” nhưng đúng như cố Tổng thống Abraham Lincoln đã nói, “a divided house” như hiện nay.
24 Tháng Năm 2012(Xem: 25517)
Chữ Thái bình chỉ có ý nghĩa duy nhất là “hòa bình”. Vậy hai nước lớn nhất trên bờ biển này là Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý ở một chữ “thái bình” chăng?
24 Tháng Năm 2012(Xem: 23382)
Tôi chỉ nêu ra những nhận xét dưới đây, tất cả đều nhằm vào những gì mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa cùng các bài diểm sách đã không thấy đề cập tới.
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468