CHÚC MỪNG TRUNG QUỐC

29 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 26082)
CHÚC MỪNG TRUNG QUỐC
CHÚC MỪNG TRUNG QUỐC

Hoàng Ngọc Nguyên



Cách đây chưa đến nửa thế kỷ, nhà báo nổi tiếng của Pháp Jean-Jacques Servan-Schreiber đã tạo xúc động cho dư luận ở châu Âu với tác phẩm Le Défi Américain (1967), nêu lên sự lạc hậu trong cách thức quản lý của châu Âu khi người ta nhìn đến sự năng động của những nhà quản lý Mỹ trong việc khai thác thị trường. Đó là thời điểm không ai có thể tranh cãi được chuyện nước Mỹ là Number One của thế giới, vừa về kích thước khổng lồ của nền kinh tế, vừa về mức sống của người dân, đo lường qua mức lợi tức tính trên đầu người. Tuy nhiên, đến năm 1970, nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ Herman Kahn đã cảnh báo cả thế giới về sự xuất hiện của một siêu cường kinh tế mới với tác phẩm “The Emerging Japanese Superstate”. Chỉ hai thập niên sau kết thúc thảm hại trong Đệ nhị Thế chiến, Nhật Bản đang trên đường tiến đến đỉnh cao trên vũ đài kinh tế thề giới - đến độ chín năm sau đó, Erza Vogel đã viết cuốn “Japan As Number One” như nhìn nhận một sự đã rồi. Japan chưa bao giờ là số 1 cả, vì dân số của Nhật chỉ bằng 40% dân số của Mỹ, và diện tích nước Nhật chỉ bằng 0.4% của nước Mỹ. Nhật Bản chỉ rộng hơn tiểu bang Arizona một tí và nhỏ hơn New Mexico một tí. Sống chen chúc quá đáng như thế, lại nằm ngoài biển chẳng nhúc nhích gì được, đó cũng là một cưỡng chế trong phát triển đối với Nhật Bản – như chúng ta đã thấy nơi sự lúng túng của họ trong 20 năm qua. Thế nhưng Nhật Bản đã qua mặt không kèn không trống các nước Anh, Pháp, Đức, Ý… để đứng hạng nhì trên thế giới - 30 năm sau khi Nhật Bản hứng chịu bi kịch Hiroshima.
Trong suốt hai thập niên cuối cùng, người ta cũng có dịp chứng kiến sự thành công khá độc đáo của bốn nền kinh tế Đông Á là Nam Triều Tiên, Hong Kong, Đài Loan và Singapore. Tuy được gọi là con rồng, hay con cọp, nhưng sự trổi dậy của bốn nền kinh tế này không được những nhà quan sát xem là thần kỳ, có lẽ bởi vì thần kỳ là chữ chỉ dành cho những trường hợp chỉ có một, mà nay có đến bốn thì khó xem là hiếm hoi lắm. Muốn tái dụng chữ đó, người ta phải đợi, nhưng chẳng phải chờ lâu, bởi vì ngưòi ta có cảm tưởng chữ đó nay sắp có chỗ dùng.
Đầu tuần này, có nhiều tin đáng được xem là chấn động, chẳng hạn như vụ nước lũ cuốn trôi hàng ngàn thị xã ở Pakistan, đến cả một phần tám dân số sống trong cảnh ngập lụt tan hoang; hay một cặp trai gái ở Afghanistan bị Taliban ném đá đến chết vì tội ngoại hôn trong khi Mỹ và chính phủ Kabul đang nói đến giải pháp liên hiệp để “hòa giải, hòa hợp dân tộc”; chuyện chiếc máy bay Boeing chở 131 người bị nứt đôi ở phi trường Colombia nhưng may thay chỉ có một ngưòi bị chết, đến độ nhiều người vô thần cũng phải tin là có ông trời; hay chuyện tên sát nhân Craiglist ở Boston đã tự tử ở trong khám sau khi dùng máu của mình viết lên tường tên người hôn thê cũ mặc dù hai người nay đã đường ai nấy đi. Nhưng đối với những người quan tâm chuyện đại sự, thì cái tin nền kinh tế của Trung Quốc nay đã vươn lên đứng hàng thứ nhì toàn cầu, chỉ thua Mỹ, sau khi đã qua mặt Nhật Bản, làm cho người ta cảm thấy hơi thở hừng hực của 1.3 tỷ người sống trên lục địa, và cả 100-200 triệu người “đồng hương”, những “Hoa kiều yêu nước” sống khắp nơi trên thế giới, đang tỏa ra trên cổ, trên gáy của mình.
Theo những số liệu được đưa ra vào ngày thứ hai, thì giá trị Tổng sản lượng Quốc nội (GDP) của Nhật Bản là 1.29 ngàn tỷ đô la trong thời gian ba tháng chấm dứt vào tháng sáu vửa qua, trong khi đó con số chính thức của Trung Quốc trong thời gian tương tự là 1.34 ngàn tỷ. Vấn đề không chỉ là Trung Quốc đã sản xuất một số lượng hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn Nhật Bản trong quí hai năm nay. Vấn đề là cho cả năm 2010, thì tổng sản lượng của Trung Quốc, theo uớc tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sẽ đạt đến mức 5.4 ngàn tỳ, trong khi đó GDP của Nhật Bản sẽ chỉ đạt được 5.3 ngàn tỷ. Có nghĩa là cuối năm nay, nguòi ta có thề chính thức tuyên bố kinh tế của Trung Quốc đã qua mặt kinh tế của Nhật Bản, để giữ vị trí thứ nhì trên toán cầu. Đáng để ý hơn nữa, ngưòi ta cũng dự phóng rằng trong 20 năm nữa, tức là vào năm 2030, Trung Quốc sẽ soán vị của Mỹ ở vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới, mặc dù hiện nay nền kinh tế Mỹ lớn gấp 2.7 lần kinh tế Trung Quốc (GDP của Mỹ 14.8 ngàn tỷ). Vào lúc đó, Trung Quốc đương nhiên có dân số số 1 thế giới, và một nền kinh tế lớn nhất thế giới, với tổng số người Hoa ở nước ngoài cũng đông nhất thế giới. Thế giới này trở thành một hành tinh của nguòi Hoa mà tất cả những người khác đều là sắc tộc thiều số! Bởi thế mà nhiều người đang rắp ranh viết những cuốn sách có tựa là “China As Number One”, “The China Challenge”, “The Miraculous Emergence of the Chinese Superstate”…
Để hiểu những chuyện đã xảy ra hay sẽ có thể xảy ra, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nói như kể chuyện cổ tích rằng “once upon a time”, thời xửa, thời xưa, nền kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nến kinh tế lạc hậu, dân thì đông, dân trí thì thấp, đời sống thì chậm tiến, lãnh đạo thì kém và không có “tư duy về phát triển”. May thay ông Mao Trạch Đông đã chết đi từ năm 1976 tuy không kịp thời nhưng chẳng chậm lắm, nhờ thế cách mạng văn hóa chấm dứt, nhân dân đỡ khổ, và người lãnh đạo mới là Đặng Tiểu Bình đã mở ra một thời đại phát triển cho nước này, mà công lớn nhất của ông là hun đúc ý chí phát triển kinh tế nơi người lãnh đạo. Có chí thì nên, hay nói theo kiểu Mỹ là “there’s a will, there’s a way”, con đường tìm ra chẳng mấy hồi, trong một cách nào đó cũng là con đường của “tiền nhân”, tức là những nước đã đi trước, đã có kinh nghiệm phát triển với mô hình nói tóm gọn là kỹ nghệ hóa bằng sự dẫn đạo của xuất cảng (export-led industrialization), tức là huy động đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đi vào những lãnh vực kỹ nghệ thâm dụng nhân công (labor intensive) nhờ vào giá nhân công rất thấp ở lục địa (cheap labor) làm hàng hóa xuất cảng. Trong đường lối phát triển này, Trung Quốc có hai lợi thế đặc biệt chẳng ai có: một mặt là với dân số hơn một tỷ người, chẳng bao giờ người đầu tư sợ tình trang khan hiếm lao động; mặt khác, thị trường thế giới là mênh mông, nhất là với sự hỗ trợ vừa về mặt tiếp thị vừa về mặt tiêu thụ của người Hoa tại nước ngoài. Với nhịp độ phát triển chóng mặt trong 20-30 năm qua, bình thường là 8-10%, Trung Quốc đã nhanh chóng tiến đến giai đoạn đa dạng hóa hàng xuất, không chỉ là giày dép, áo quần, mì gói,… mà danh mục hàng xuất của họ còn bao gồm máy truyền hình, tủ lạnh, xe hơi… Vào năm 1980, nền kinh tế của Trung Hoa ước giá 450 tỷ, đứng thứ 16 trên thế giới, trong khi Mỹ dĩ nhiên hạng đầu với 10 ngàn tỷ (tức hơn Trung Quốc đến 20 lần). Khoảng cách giữa Trung Quốc và hai nước dẫn đầu trong 30 năm qua đã thu ngắn vừa vì sự không lồ của nền kinh tế Trung quốc (hơn tỷ dân) vừa vì nhịp độ phát triển thần kỳ, trong khi hai nền kinh tế Hoa Kỷ và Nhật Bản cứ loay hoay trong những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, quốc tế của một nền kinh tế đã sung mãn, hay “bão hòa”.
Trung Quốc đã bắt kịp Nhật và sẽ bắt kịp Hoa Kỳ với lý do đơn giản, trong khi Mỹ và Nhật trầy trật với nhịp độ tăng trưởng 1-2% một năm thì Trung Quốc cứ đều đều 8-10% một năm. Trong năm 2009, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ghi nhận Hoa Kỳ là nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo nghĩa giá trị của tất cả những hàng hóa và dịch vụ mà người Hoa Kỳ sản xuất trong nước, được ước tính là 14.26 ngàn tỷ, theo sau là Nhật Bản với 5.07 ngàn tỷ và Trung Quốc được 4.91 ngàn tỷ. Nhưng để hiểu vì sao Trung Quốc đang cấp kỳ bắt kịp hai đại cường kinh tế của thế giới, chúng ta cứ nhìn vào những con số mua bán xe hơi ở những thị trường này. Vào đầu thập niên hiện nay, số xe hơi bán được ở Mỹ một năm vào khoảng 16 triệu chiếc. Hiện nay, chưa đến 11 triệu. Trong khi đó số xe Trung quốc bán được năm nay tăng 20% và tổng số có thể bán ra lên đến 25.6 triệu - gấn bằng con số cao nhất của Mỹ thời cực thịnh của kinh tế chú Sam.
 Và với cái đà này, 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ bỏ xa Nhật và 20 năm nữa sẽ bắt kịp Mỹ. Đúng là chuyện thần kỳ, bởi vì cho đến đầu thập niên 70, thế giới đã trải qua hai “thập kỷ phát triển” của Liên Hiệp Quốc, và càng ngày các kinh tế gia càng bi quan về tương lai của những nước “đang phát triển” vì đặc tính “chậm tiến”, từ dân số đến dân trí đến những động thái tiêu dùng và tiết kiệm, tất cả đều chỉ đến sự vận động mà người ta mô tả một cách hoa mỹ: “vòng lẩn quần nghèo đói” (vicious circle of poverty). Những nhà kinh tế thường tin rằng trong thực tế, chẳng có nước nào có thể duy trì được một nhịp độ tăng trưởng hàng năm 7-7% trong một thời gian lâu hơn một thập niên để đi đến tình trạng “phát triền tự duy” (self-sustained growth), tức là cứ thế mà tiến, chẳng cần đẩy ở đàng sau nữa.
Điều thần kỳ của Trung Quốc càng nổi bật trong thời cuộc suy thoái toàn cầu hiện nay. Nếu ta có thể tin được những số liệu đến từ những nước như Trung Quốc, thì đúng là điều kỳ diệu khi cả thế giới khốn đốn trong thời gian vừa qua, nhưng kinh tế Trung Quốc trong quí hai năm nay lại tăng trưởng được ở mức 10.3%. Trong khi đó, trong ba tháng kết thúc vào tháng sáu, tăng trưởng của Nhật Bản được ghi nhận chỉ ở mức 0.4%. Kinh tế Mỹ trong thời kỳ này tăng được 2.4%. Riêng trong tháng bảy thặng dư mậu dịch của nước này đã lên mức kỷ lục là 28.7 tỷ đô la cao nhất trong 18 tháng nay.
Cả bao nhiêu năm nay, Mỹ nói riêng và thế giới phương Tây cứ cằn nhằn điều mà người ta gọi là chính sách của Bắc Kinh cố tình phá giá đồng tiền nhân dân tệ bằng cách để đồng tiền của họ “bám” vào đồng đô la ở một tỷ suất “giả tạo” để tạo và tăng ưu thế xuất cảng. Ngược lại, Bắc Kinh cũng chẳng vừa gì, tố ngược rằng đồng tiền đô la suy yếu khiến cho những giấy nợ Trung Quốc có được từ Mỹ do Mỹ mua hàng mà không có tiền trả nay giống như giấy lộn, và họ đòi thế giới phải tìm ra một đồng tiến giao dịch mới. Nhưng cho dù cãi qua cãi lại như thế nào, điều nguòi ta vẫn nghĩ nay cuối cùng đã tới, đó là sự xuất hiện của Trung Quốc như một thế lực kinh tế hàng đầu trên quốc tế.
Chẳng mấy ai ngạc nhiên, nhưng nhiều người băn khoăn, lo ngại. Ở Đông Á và Đông Nam Á, và chắc chắn có cả Mỹ, đang nhuốm trong một nỗi bất an bất định vì khả năng bành trướng của Trung Quốc. Trước nhận định mới mẻ này về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, có lẽ người ta chẳng ngạc nhiên, nhưng cũng giật mình, để suy nghĩ đã đến lúc cần có một cách nhìn mới về mối họa da vàng này. Tuy nhiên, cũng cần có cách nhìn tích cực về bước phát triển mới này. Hiện nay, mức lợi tức tính trên đầu người của Trung Quốc chỉ mới khoảng 3.000 đô la về mặt “danh nghĩa” (nominal), hay khoảng 7.000 đô la nếu tính theo phương pháp so sánh mãi lực (purchasing power parity). Điều này có nghĩa là con đường đi tới cho đời sống người dân Trung Quốc ngang bằng với những nước tiên tiến còn xa lắm, chẳng phải là 20 năm, chẳng phải là 50 năm. Bởi vậy, một bước đi tới của Trung Quốc phải là một bưóc thận trọng hơn là phiêu lưu - đề giữ gìn những gì đã đạt được, và để tiến tới được nhanh như trước, bởi vì càng lúc, người ta càng khó giữ nhịp độ cũ. Ta có thề tin rằng Trung Quốc càng ngày phải tỏ ra có trách nhiệm hơn trong đời sống quốc tế và khu vực – for their own sake. Điều thứ hai, Trung Quốc có đến 1.3 tỷ dân hiện nay, rồi sẽ 1.5 tỷ, và 2 tỷ có thề đến năm 2050. Dân Trung quốc thường nằm trong danh sách nghèo đói của thế giới khiến cho người ta hay nói đến ¾ dân số thế giới đang sống cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, nhà không có mà ở. Nay Trung Quốc đã lo được cho họ, cũng như Ấn Độ rồi sẽ lo được cho hơn một tỷ dân của mình. Cái viễn ảnh đó làm cho loài người nhìn xa xa thấy nhẹ nhàng lương tâm hơn rất nhiều. Có lẽ rốt cuộc chỉ lo cho châu Phi và nam Á của Hổi giáo là chính. Và cuối cùng, chúng ta có thề nghĩ về lâu về dài, chẳng có lý do gì để sợ khủng bố quốc tế từ Hồi giáo. Mohammed có thể không sợ Đức Phật, không sợ Chúa Giê su, nhưng nếu Khổng Tử và ông Ấn Độ giáo hợp lại, không lẽ nói mà ông Mohammed cũng không nghe.
Bởi thế, trong dịp này, chúng ta nên nói với người bạn Hoa rằng : “Congratulation, xính xáng”, thay vì xuống đường đả đảo!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 2911)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3058)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 3701)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 3590)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 3427)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 3246)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 3007)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2918)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 3153)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3170)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468