Tâm trạng thời hậu chiến của người Việt Nam

20 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 23463)
Tâm trạng thời hậu chiến của người Việt Nam

 Tâm trạng thời hậu chiến của người Việt Nam

Phạm Văn Bân

 634283991910368307_400x268

 Ngọn đồi chiến lược Rockpile - Phạm Văn Bân chụp ngày 19-5-2010

Tại một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề và dai dẳng như Việt Nam thì có thể nói rằng từ ải Nam quan đến mũi Cà Mau, đâu đâu cũng là di tích lịch sử cả! Vấn đề là kỷ niệm và lưu giữ như thế nào: có nên khai thác những di tích lịch sử trong mục tiêu kinh tế (du lịch), nên nuôi dưỡng hận thù hay nên để dấu vết đẫm máu tàn phai vào dĩ vãng?

Tháng 5-2010, tôi có dịp viếng miền "địa đầu giới tuyến" qua một tour du lịch trọn một ngày, gọi là DMZ tour (DMZ viết tắt của demilitarized zone: vùng phi quân sự). Buổi sáng xe du lịch chở đi trên đường số 9, qua dãy đồi Rockpile, dừng lại cho du khách viếng cầu Dakrong, một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh, làng dân tộc thiểu số Bru và Vân Kiều, căn cứ Khe Sanh (phi trường Tà Cơn của quân đội Mỹ trước 1975), rồi trở về thị trấn Đông Hà ăn trưa. Buổi chiều, xe chạy qua quốc lộ 1, băng qua một đoạn đường khoảng 2 km dẫn từ sông Mỹ Chánh ra cầu Hiền Lương, Quảng Trị nổi tiếng với tên gọi "Đại Lộ Kinh Hoàng," nơi hàng chục ngàn thường dân và binh lính thiệt mạng trong trận tấn công và pháo kích "Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972", chạy băng qua sông Bến Hải, dừng lại cho du khách viếng địa đạo và bảo tàng Vịnh Mốc.

Trong chiến tranh Việt Nam, vùng đất nằm về hướng Bắc cách thành phố Huế khoảng 100 km, tại vĩ tuyến 17 - nơi con sông Bến Hải chảy qua - mỗi bên Bắc và Nam lui về khoảng 1.6 km là vùng phi quân sự (DMZ). Như tên gọi khẳng định, vùng DMZ không cho phép xảy ra bất cứ hoạt động quân sự nào của cả hai bên Bắc và Nam, nhưng trong thực tế, miền Bắc vẫn có thể chuyển quân và tiếp liệu vào miền Nam qua các ngã Lào, Cambodge, đường mòn Hồ Chí Minh, và bằng cách đào địa đạo Vịnh Mốc từ ngoài biển chui sâu vào trong đất liền. 

 634283995385827092_400x356

Tại DMZ, chệch qua hướng Tây Nam là một căn cứ quân sự chặn ngay yết hầu các lối xâm nhập của quân Bắc Việt tại huyện Cam Lộ, Quảng Trị: đó là một khối đá lớn như một ngọn đồi, cao 230 mét, có tên là Rockpile, hình dáng thẳng đứng nên không thể nào bị tấn công từ phía dưới chân đồi cũng như mọi xuất nhập ở đỉnh đồi đều phải dùng phi cơ trực thăng. Rockpile là một tháp canh hữu hiệu do Thủy Quân Lục Chiến Mỹ thiết trí để kiểm soát toàn vùng DMZ thuộc hướng Tây Nam, từ năm 1966 đến 1968.

Chung quanh địa khu Rockpile là một dãy đồi hình răng cưa, lồi lõm không đều, có nhiều hang động do quân Nhật Bản đào vào thời đệ nhị thế chiến và sau đó, quân Bắc Việt dùng làm nơi lẩn trốn. "Gần đỉnh đồi Razorback, về đêm, lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ thấy một cảnh kỳ quái: có những ngọn đèn di chuyển lung linh tới lui trên đỉnh đồi bên kia họ. Một lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ chế nhạo rằng, “Quân Bắc Việt sợ rắn. Đó là lý do họ mang theo đèn.” Dù với mục đích nào thì ánh đèn đã tạo ra những điểm nhắm tuyệt hảo cho pháo binh pháo kích và phi cơ oanh tạc." [1] Vào năm 1966, nơi đây là bãi chiến trường giữa sáu tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và hai sư đoàn quân Bắc Việt khi họ nhắm tiến chiếm tỉnh Quảng Trị, trong đó trận chiến ba ngày tại đồi Hill 400 hãy còn khiếp đảm trong tâm tư của mọi người liên quan đến. Cũng vào năm 1966, lần đầu tiên quân số Mỹ tham gia chiến trường Việt Nam lên 317,500 người - vượt hẳn quân số tham chiến của quân Nam Việt. 

Khi ghé vào làng dân tộc thiểu số Bru và Vân Kiều, du khách sẽ thấy kiểu nhà sàn và cư dân tại đây vẫn mặc trang phục truyền thống nhưng có lẽ chỉ là hình thức bên ngoài. Văng vẳng đâu đây là tiếng hát vài bản nhạc thời trang từ radio, nhìn vào trong nhà thấy có TV, tủ lạnh, và theo lời người hướng dẫn du lịch, "tất cả dân làng đều mang họ Hồ để tỏ lòng tri ân Chủ Tịch Hồ Chí Minh." Một người ngoại quốc trong đoàn du lịch hỏi tôi, "Ông nghĩ thế nào về việc này?" Tôi trả lời đó là một quan điểm chính trị quá đáng và ảo tưởng. Các thay đổi nhằm biến họ thành dân Kinh (người Việt Nam) là một sự hủy hoại thô bạo đối với sắc dân thiểu số này, và không có cơ may thành công. Tốt nhất nên để họ sống trung thực với bản chất cố hữu của một sắc dân bộ lạc: vui sống trong cảnh đồi núi thiên nhiên, và bất cần những gì mà chúng ta gọi là tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như những quy ước xã hội về tổ chức chính quyền, phong tục, tập quán văn minh, v.v. 

Từ năm 1966-1972, chiến trường tại huyện Vĩnh Linh, thuộc tỉnh Quảng Trị, trở nên hết sức ác liệt. Để tránh một khối lượng bom khổng lồ, có khoảng 60 địa đạo như: Tân Mỹ, Mụ Giai, Tân Lý, Vịnh Mốc, tất cả được đào bằng tay nhờ đất tại đây thuộc loại đất đá vôi (limestone) hay đất sét khiến các vách hầm hết sức kiên cố, không cần đến xi-măng hay gạch đá - riêng hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được đào từ năm 1965 và hoàn tất vào năm 1967, có chiều dài gần 2,000 mét, sáu ngõ vào ở trên đồi và bảy ngõ khác từ hướng biển, ba tầng: tầng 1 nằm sâu 13 mét dưới lòng đất, tầng 2 sâu 15 mét, và tầng 3 sâu 23 mét, chiều cao từ 1.5 mét - 4.1 mét, chiều rộng khoảng 1 mét. Ước tính có đến 6,000 mét khối đất được đào và tống ra cửa biển thay vì vất lên trên mặt đất để tránh bị khám phá. Đúng ra, địa đạo Vịnh Mốc là căn cứ tiếp liệu lương thực và vũ khí cho chiến trường miền Nam và đảo Cồn Cỏ cách đó 28 km. Đó là lý do mà Mỹ đã thả trên 9,000 tấn bom. Tính trung bình, mỗi người dân Vịnh Mốc phải lãnh 7 tấn bom nhưng nhờ hệ thống địa đạo vững chắc nên cư dân trong hầm vẫn an toàn, không có ai bị chết vì bom. 

Bom đạn cày nát miền Bắc và một phần lớn miền Nam. Thương vong nặng nề. Đẫm máu, tang tóc mãi đến ngày 30-4-1975, cuộc chiến tranh Việt Nam (1945-1975) chính thức chấm dứt: miền Bắc gọi đó là "chiến thắng chống xâm lược của đế quốc Mỹ, và giải phóng miền Nam từ chính quyền Ngụy" và miền Nam gọi là "ngày mất nước" nhưng đại đa số dân chúng của cả hai miền Nam, Bắc đều phấn khởi bởi đơn giản là thanh niên cả hai bên không còn bị cưỡng bách đi lính, không còn chiến tranh đẫm máu, đổ vỡ, phân tán, chết chóc, và nhất là thân phận con người của cả hai miền Bắc và Nam không còn bị đày đọa một cách hết sức tàn bạo so với đời sống bình thường của mọi người trên thế giới. Và có lẽ ai cũng nghĩ rằng từ nay, họ sẽ có thể xây dựng một nếp sống hòa bình, mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình. Tâm trạng này hợp lý sau một cuộc chiến chấn động toàn thế giới qua chiều dài thời gian cùng mức thiệt hại kinh hoàng về vật chất và nhân mạng - ước tính tổng số người Việt Nam thiệt mạng từ ba đến năm triệu người, chưa kể hàng triệu người khác bị thương. Tuy nhiên, thực tế thời hậu chiến không tốt đẹp như được mong đợi! 

Sau tháng 4-1975 chính quyền miền Bắc tuần tự giải thể Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam để thống nhất nước Việt Nam, xin gia nhập Liên Hiệp Quốc và củng cố guồng máy chính quyền về mọi mặt: kinh tế, xã hội, văn hóa, v.v.

Tháng 5-1975, tất cả sĩ quan miền Nam đều phải trình diện để vào các trại tập trung cải tạo - một hình thức nhà tù - và tùy theo cấp bậc, hoặc nhiệm vụ đã đảm đang, hoặc thái độ mà các sĩ quan này sẽ bị "cải tạo" từ một năm đến 10, 15 năm trong điều kiện sinh sống tối thiểu, bị bạc đãi, nếu không muốn nói là chỉ vừa đủ để khỏi chết vì đói. Thực ra, thân phận của các cán binh Bắc Việt làm "cai tù" cũng không khá hơn tù nhân là bao: chung một số phận như thế! Nếu các sĩ quan bị "cải tạo" là tù nhân, ăn đói, bệnh không thuốc uống thì những người "cai tù" có nước da xanh mướt - một số lớn bị bệnh sốt rét kinh niên do sinh sống trong rừng sâu, nước độc - cũng ăn uống thiếu thốn (thậm chí, đôi khi họ còn sống nhờ vào "quà thăm nuôi" của sĩ quan bị cải tạo), suy dinh dưỡng, bệnh thì tự kiếm thuốc Nam, thuốc Bắc cứu chữa qua loa. Nói cho đến cùng thì đó là bi hài kịch của một đất nước bị kiệt quệ tận cùng vì chiến tranh.

 

Trên phương diện cầm quyền, chính quyền mới bắt buộc phải gom các sĩ quan thuộc chế độ cũ lại để ngăn ngừa các cuộc bạo loạn, lật đổ có thể xảy ra trong khi guồng máy chính quyền mới hãy còn phôi thai. Điều này có thể hiểu được bởi sĩ quan là những người có khả năng tập hợp dân chúng, và tất nhiên là thành phần chiến đấu hữu hiệu nhất. Điều sai lầm là đã giam giữ họ quá lâu, bạc đãi tàn tệ nên đã tạo ra mối căm hờn không thể nào gột rửa được trong tâm tư của họ và gia đình. Làn sóng vượt biển hoặc đi đường bộ qua ngã Lào và Cambodge của hàng triệu người Việt Nam sau năm 1975 là một trong những hệ quả tất yếu của chính sách cải tạo khiến trong thực tế, cuộc chiến giữa hai miền Nam - Bắc hay Quốc - Cộng vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay nhưng dưới các hình thức khác, trong đó thuyền nhân (boat people) ở hải ngoại là thành phần then chốt.

Từ năm 1975 đến 1980, chính sách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa [2] vấp phải quá nhiều sai lầm nghiêm trọng khi muốn biến kinh tế miền Nam giống như miền Bắc bằng các biện pháp như: ngăn sông, cấm chợ (thí dụ, vào thời kỳ này, mang một ký cà-phê từ Đà Lạt về Sài Gòn là phạm tội "buôn lậu"), hợp tác xã hóa nông nghiệp, quốc doanh hóa mọi ngành nghề, v.v. Điều này dẫn đến khủng hoảng kinh tế, thiếu gạo, ăn bo bo, khoai lang thay cơm, và tạo ra làn sóng di dân vĩ đại. Tuy nhiên, sau 1980, với chính sách cởi mở về kinh tế, tình trạng nghèo đói đã cải thiện dần nhưng đồng thời, một trong các tai họa là tệ nạn tham nhũng xảy ra ở mọi tầng lớp đã khiến tốc độ phát triển kinh tế trở nên quá chậm. Tăng trưởng kinh tế là một hiện tượng tất yếu nhưng vấn đề đặt ra là tăng trưởng như thế nào: có tăng như đáng lẽ phải tăng không? Giống như nuôi một đứa bé: đến năm 18 tuổi, lẽ ra nó phải cao 1.7 mét nhưng nếu chỉ cao .5 mét thì đúng là một thất bại đáng buồn. Nhật Bản, sau khi tan nát vì hai quả bom nguyên tử vào năm 1945, với một dân số tương đương nhưng tài nguyên kém xa Việt Nam - nếu không muốn nói là họ hầu như chẳng có một tài nguyên thiên nhiên nào cả - nhưng đến năm 1980, tức chỉ trong vòng 35 năm, Nhật Bản đã vươn lên một cường quốc kinh tế hàng thứ nhì trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ mà thôi.

Dường như Việt Nam là một quốc gia đã được định mệnh an bày cho bất ổn và chiến tranh hầu như liên tục - hoặc công khai hoặc ngấm ngầm. Cuối năm 1978, Việt Nam bắt buộc phải tấn công vào Cambodge, tiêu diệt chế độ Khmer Rouge của Pol Pot và đóng quân tại đây trong hơn 10 năm. Với một biên giới đường bộ Tây Nam quá dài, Việt Nam không thể nào phòng thủ các cuộc tấn công man rợ của quân Khmer Rouge nên không còn lựa chọn nào khác là phải chiếm đóng Cambodge. Bài học xâm nhập miền Nam trước năm 1975 khiến chính quyền Việt Nam hiểu rất rõ rằng họ phải có thể chi phối Lào và Cambodge, biến hai nước này thành trái độn để bảo vệ lãnh thổ. Về phía Trung quốc, sự kiện xâm chiếm Cambodge và chống Trung quốc được xem là một phản bội đối với những viện trợ to lớn về nhân sự và vũ khí trong thời chiến tranh trước năm 1975, vì vậy, Đặng Tiểu Bình xua quân "dạy cho Việt Nam một bài học."[3] Đó là trận chiến với Trung quốc tại biên giới phía Bắc - nhanh chóng kết thúc nhưng thiệt hại về nhân mạng cho cả Trung quốc và Việt Nam rất tàn khốc.

Trong chiến tranh, người dân miền Bắc trải qua tất cả những gì nhọc nhằn và đau khổ nhất! Ngoài nỗi lo sợ phải đi B [4], họ đã sống thiếu thốn và bị kiểm soát mọi mặt. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi hỏi một người bạn miền Bắc, đã từng du học tại Chicago và tốt nghiệp MBA, rằng "Em nghĩ thế nào về đời sống của người dân miền Bắc ngày nay, và nếu xảy ra một trận chiến tương tự như trước năm 1975 thì người dân phản ứng ra sao?" Câu trả lời là, "Đời sống miền Bắc đã tiến xa một trời, một vực so với năm 1975! Cứ lấy một thí dụ phổ biến là hồi đó, nhà nào khá giả lắm mới có được một chiếc xe đạp. Khi nào đi đâu về là treo ngay lên, không dám dựng vách tường vì sợ bị trộm mất và cũng để giữ gìn. Ngày trước, muốn ăn một con gà, gia đình phải giấu giếm, không cho láng giềng biết. Ngày nay, như anh thấy, dân chúng tự do ăn nhậu khắp nơi, xe máy đầy dẫy ở khắp hang cùng, ngõ hẻm. Chúng em sẽ không bao giờ dám nghĩ đến một cuộc cách mạng hay chiến tranh như trước năm 1975. Những ngày tháng sơ tán, chạy núp bom dưới hầm đã quá hãi hùng trong tâm não nhưng giả sử nếu có biến động, em nghĩ chắc chắn toàn dân miền Bắc sẽ đứng lên để bảo vệ chế độ, bảo vệ hạnh phúc cho gia đình. Đối với người dân miền Bắc, đời sống và sinh hoạt ngày nay là thiên đàng. Tuy nhiên, điểm mà anh cần lưu ý là dân miền Bắc chỉ nói những gì có lợi cho họ mà thôi, không có lợi thì không nói." Nghe vậy, tôi tự nhủ tôi rằng khó tìm được tính hồn nhiên, thành thực ở dân miền Bắc. Điều này cũng thấy ở dân miền Nam sau năm 1975, và tôi lại nghĩ rằng con người thay đổi vì khung cảnh sinh sống bon chen, gắt gao.

Trong hơn năm năm vừa qua, mỗi năm mỗi về Việt Nam thăm gia đình, tôi luôn luôn ở khách sạn, ăn "cơm hàng, cháo chợ" và di chuyển bằng taxi, qua đó, tôi có nhiều dịp quan sát. Từ Huế trở vào mũi Cà Mau, đâu đâu cũng thấy rất đông người miền Bắc sinh cư, lập nghiệp. Có thể nói đấy là một làn sóng di dân, tương tự như làn sóng di dân của người Minh Hương vào Việt Nam khi Mãn Thanh lật đổ nhà Minh, hoặc làn sóng vượt biên sau năm 1975. Tôi biết có nhiều người miền Bắc vào Nam mà không có thân nhân, chỗ ở: họ cứ bắt xe vào, sống lang bạt kỳ hồ bởi vì như một cô 25 tuổi làm công nhân lau chùi sàn nhà khách sạn nói với tôi, "Cháu cứ đi bởi vì khó sống ngoài Bắc lắm, người đông của khó, dành giật, thà vào Nam cháu còn có chút hy vọng kiếm miếng ăn, manh áo." Một anh tài xế taxi cũng nói cho tôi biết rằng, "Cháu thoải mái vô cùng khi vào Nam. Người ta xởi lởi, thành thực. Ở đây, muốn kiếm việc làm lao động như cháu thì dễ lắm, không như miền Bắc: từ chân lao công đến văn phòng, muốn vào thì ngoài khả năng ra, còn phải biết đi 'cửa trước, cửa sau' mới mong có việc." Nói chung, đại đa số người Bắc vào Nam sau năm 1975 đều thành công ở vị thế của họ bởi lẽ đơn giản: họ chí thú làm ăn và tiết kiệm. Người miền Nam không như vậy.

Ngày nay, đại đa số những người miền Nam ở trong nước chỉ lo kiếm sống trong khung cảnh riêng của họ, ít có người quan tâm đến lãnh vực chính trị. Các biểu ngữ tuyên truyền vốn được căng đầy phố phường trong khoảng 1975-1980 nay trở nên hiếm thấy. Vả lại, họ làm được gì khi bó đũa đã tự tách ra từng thanh? Quá hãi hùng vì chiến tranh, lo sợ bị tù đày nên không mấy ai dám chống đối chính quyền - rất khác với các chủng tộc khác - và trong cảnh sống gắt gao, không còn "chiều chiều chỉ cần ra sông rạch để xúc cá lên ăn một cách dễ dàng" được nữa nên dân miền Nam đã bắt đầu biết đắn đo, lọc lừa. Họ đã mất bản chất hồn nhiên, vô tư lự ngày nào.

Còn những người miền Nam bỏ nước ra đi trong khoảng 1975-1980 thường là vì quan điểm chính trị. Họ là những viên chức trong chế độ cũ, cảm thấy không sao tồn tại được với chế độ mới khi bất cứ sinh hoạt nào cũng đều bị tham khảo đến lý lịch - chưa kể đến phong trào bắt buộc đi kinh tế mới, gợi nhớ lại hình thức khẩn hoang, lập ấp của triều Nguyễn khi xâm chiếm miền Nam (tức là vùng đất Thủy Chân Lạp của Cambodge), trong đó chủ yếu là các thành phần vô gia cư, vô nghề nghiệp, bất hảo, quan chức bị biếm, v.v. Ngày nay, ở ngoại quốc, họ khó quên các khó khăn và đày đọa đó. Những người miền Nam vượt biên sau năm 1980 thường vì mưu cầu một nếp sống tốt đẹp hơn về kinh tế và nhân phẩm. Họ không chịu nổi những bất công tất yếu xảy ra trong một xã hội còn non trẻ, đang xây dựng lại từ con số không to lớn. Ngoài ra, một thành phần đáng lưu ý khác là các sĩ quan của chế độ cũ, các nhân viên cho các cơ quan Mỹ trước năm 1975, và nhóm con lai Mỹ được chính thức cho đi định cư ở ngoại quốc theo chương trình Humanitarian Operation (gọi tắt là H.O., chấm dứt vào năm 1994) của Mỹ. Như tên gọi H.O., chương trình này nhằm mục tiêu nhân đạo, nghĩa là các thành phần vừa nêu được Mỹ nghĩ là bị bạc đãi, phân biệt đối xử, xã hội bỏ rơi. Ở hải ngoại, đại đa số những người cựu sĩ quan được định cư theo H.O. là những người chống Cộng tích cực nhất do các "vết sẹo bị cải tạo" hằn sâu vào tâm não đến nổi họ chỉ đơn giản không chấp nhận chính quyền Cộng Sản, bất chấp lý luận: Scars still there, 35 years later

 *

* *

 Ngày nay, người Việt Nam trong nước lẫn hải ngoại vẫn còn sống trong hậu quả của trận chiến tranh tàn khốc 1945-1975. Bản chất tàn bạo của chiến tranh vẫn còn âm ỉ hận thù. Người dân miền Bắc và miền Nam nào cũng có thân nhân bị thiệt mạng, thương tật như nhau - miền Bắc nhiều hơn. Điều bất hạnh là "vết sẹo chiến tranh" đậm quá, và vì thế, người Việt Nam cứ tiếp tục bất ổn. Tuy nhiên, điều bất hạnh cố hữu và nguy hiểm nhất từ ngàn xưa đến nay là hiểm họa của một nước Trung quốc khổng lồ, đầy gian xảo và thâm độc ở sát biên giới. 

Xét trên quan điểm địa lý chính trị [5] (Geopolitics), Việt Nam giáp Trung quốc ở phía Bắc, Lào và Cambodge ở phía Tây, và biển Đông ở phía Đông. Hiện nay, có thể xem là Việt Nam đã và đang kiểm soát được Lào và Cambodge, đang tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung quốc và các lân bang nhưng ngay chính nội địa ở phía Nam, liệu Việt Nam có thoát khỏi nanh vuốt của Trung quốc không? Câu hỏi này giống như một phương trình có ít nhất là ba ẩn số lớn: Trung quốc, Mỹ và nội bộ chính quyền Việt Nam.

Trung quốc giáp ranh với quá nhiều nước nên từ xưa mãi cho đến trận chiến tranh Trung-Nhật, Trung quốc thường xuyên bị quấy nhiễu và xâm lăng. Do đó, chủ trương thiết lập các trái độn chung quanh lục địa là một đề phòng tối quan trọng đã được Trung quốc củng cố và thực thi - xuất phát từ quan điểm Trung quốc là trung tâm của vũ trụ (Trung Hoa) và các nước lân bang chỉ là phiên thuộc [6]. Điều chắc chắn nhất là Trung quốc sẽ không bao giờ để vuột tay các trái độn chung quanh: Nội Mông Cổ ở phía Bắc, Tân Cương ở phía Tây Bắc, Tây Tạng ở phía Tây Nam, Pakistan ở phía Tây, Đài Loan và nhóm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông, và Việt Nam ở phía Nam. Ngày nay, Trung quốc sẽ không dại dột chiếm lãnh thổ Việt Nam bởi vì họ không đủ sức để "cưu mang" thêm khoảng 85 triệu dân, thay vào đó, họ sẽ chiếm những hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - các đảo còn lại thì không quan tâm bởi lẽ tác dụng của chúng chỉ là nơi để hốt phân chim làm phosphor mà thôi. Ngoài ra, Trung quốc cũng chỉ nhắm chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên, quặng mỏ của Việt Nam, và trên hết, chừng nào Việt Nam chịu "thần phục" thì chừng đó, Trung quốc sẽ để yên. Khả năng xua quân tấn công thẳng vào thủ đô Hà Nội quá dễ dàng so với khả năng Mỹ tấn công vào Iraq và lật đổ chính quyền Saddam Hussein vào năm 2003. Đó là những "ẩn số" về phía Trung quốc.

"Ẩn số" về phía Mỹ khó tiên đoán. Trong mối tương quan quốc tế, người Việt Nam thường hay suy nghĩ lệch lạc về tình bạn, đồng minh, hữu nghị, v.v. Bản chất của bang giao quốc tế chỉ gồm trong hai chữ quyền lợi, vì vậy, không có vấn đề phản bội hay hai nước anh em gì cả. Định luật là cứ bốn năm/lần, vào dịp bầu cử Tổng Thống tại Mỹ thì chính sách của Mỹ sẽ phải thay đổi dựa hoàn toàn vào quyền lợi của Mỹ lúc đó.

Trong chiến tranh Việt Nam, cả hai phe Bắc và Nam Việt Nam đều phải nhận tiếp liệu vũ khí từ Liên Xô, Trung quốc và Mỹ để chiến đấu. Một khi nguồn tiếp liệu chấm dứt, chiến tranh phải chấm dứt. Mỹ thường bị kết tội phản bội đồng minh do các chính sách đoản kỳ và thực dụng. Với chính sách ngoại giao bóng bàn và đi đêm của Ngoại trưởng Henry Kissinger vào khoảng năm 1970-1872, rõ ràng số phận chiến tranh Việt Nam được quyết định trên bàn thương thảo giữa Trung quốc và Mỹ mà kết quả là Hiệp định Paris được bốn bên: miền Bắc, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng miền Nam, Mỹ, và miền Nam ký kết ngày 27-1-1973. 

Không phải chỉ có các tướng lãnh Nam Việt Nam oán trách Mỹ bỏ rơi, [7] mà tại Á châu, Mỹ cũng hoàn toàn rút khỏi căn cứ Subic vào ngày 24-11-1992. [8] Mỹ cũng "bỏ rơi" chính quyền Trần Thủy Biển của Đài Loan nhưng hiện nay, có lẽ muốn tranh lại ảnh hưởng tại Thái Bình Dương và kìm hãm thế lực Trung quốc, Mỹ bắt đầu trở lại, trong đó, Việt Nam được chọn làm bàn đạp. Không ai biết đích xác ẩn số quyền lợi của Mỹ tại vùng Đông Nam Á hiện nay nhưng các dấu hiệu gần đây như: tập trận với Nam Hàn, bang giao quân sự với Việt Nam, cùng với chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington (CVN 73) đóng tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản để thường xuyên tuần tiễu biển Đông là những dấu hiệu đáng lưu ý.

"Ẩn số" về phía Việt Nam càng khó tiên đoán. Tuy là một quốc gia thường xuyên có chiến tranh nhưng Việt Nam chỉ có sức người mà thôi, phần trang thiết bị vũ khí là do nhập cảng hoặc viện trợ một cách vá víu. Trong nước, không có cơ xưởng chế tạo vũ khí. Với hình thức chiến tranh cổ điển, sức người giữ vai trò quan trọng nhưng ngày nay, với hỏa tiễn được bắn theo cách định vị (Global Positioning System GPS), máy bay không người lái bay vo ve tận chín tầng mây,[9] tàu ngầm chạy bằng nguyên tử năng, bom nguyên tử, v.v. thì sức người trong chiến tranh chỉ là những con thiêu thân - không hơn, không kém. Để đối phó một Trung quốc hung hãn, Việt Nam cần phải "đi đêm" với Mỹ trong ý thức đoản kỳ và không vững chắc; và đây là cái thế rất khó khăn cho Việt Nam.

Cơ quan quyền lực tối cao của Việt Nam là Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, có số thành viên từ khoảng 12 đến 20 người - hiện nay có 15 người. Thành viên Bộ Chính Trị chia ra để giữ các chức vụ then chốt như: Tổng Bí Thư, Thủ Tướng, Chủ Tịch Quốc Hội, v.v. Nói cách khác, Bộ Chính Trị là cơ quan quyết định vận mệnh đất nước Việt Nam, và hiện nay, không ai biết rõ họ nghĩ gì và chính sách như thế nào. Phương trình "Giải pháp cho Việt Nam" hãy còn quá nhiều ẩn số, do đó, khó mà tiên liệu được những giải pháp cho Việt Nam hiện nay. 

Tâm trạng thời hậu chiến của người Việt Nam rất đa dạng, chủ yếu là vì họ chưa bao giờ tự làm chủ vận mệnh đất nước của mình mà bị các thế lực siêu cường quốc làm chủ. Hậu quả là các phe phái Việt Nam biến thành "kẻ nội thù" lẫn nhau. Nhiều nước cũng trải qua chiến tranh như Việt Nam nhưng không quá lâu và điểm then chốt là chiến tranh giữa hai nước - không phải giữa dân trong cùng một nước - do đó, tâm trạng của người dân các nước rất khác với người Việt Nam.

Tại Á châu, khi Nhật Bản xâm lăng Trung quốc, khởi sự bằng vụ tấn công Lô Câu kiều sự biến [10] vào ngày 13-9-1931 qua ngã phía Bắc (Mãn châu), rồi từ đó làm bàn đạp để tấn công sâu vào nội địa Trung quốc qua trận chiến tranh Trung-Nhật [11] vào ngày 7-7-1937, trong đó vụ thảm sát Nam Kinh [12] (với số thường dân thiệt mạng được ước tính là 300,000 người) bộc lộ rõ nét bản chất tàn bạo của quân phiệt Nhật Bản [13], và ngày nay Trung quốc vẫn còn âm ỉ hận thù và cảnh giác nhưng hiếm khi thấy bộc lộ rõ ràng. 

Trong đệ nhị thế chiến, Mỹ đánh với Nhật Bản rất ác liệt với kết cuộc là một quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 và ba ngày sau, một quả bom nguyên tử khác thả xuống Nagasaki. Ngày nay, người Nhật cảm thấy thế nào về người Mỹ do hậu quả chiến tranh? John Condon ghi lại như sau:

"Khó mà có một câu trả lời rõ ràng với sự tự tin, bởi vì người ta cảm thấy thế nào và người ta hành động thế nào có thể rất khác nhau. Cũng có các cảm nhận rất khác nhau tùy vào tuổi tác - như trong trường hợp của bất cứ quốc gia nào khi hồi tưởng các năm chiến tranh. Tuy nhiên, điều lạ lùng lại là mối quan tâm của hầu hết mỗi người Mỹ đến thăm Nhật, và hầu như không bao giờ trở nên một khó khăn trong các tương quan giữa cá nhân với nhau. (Người Mễ có thể phẫn nộ hơn về việc Mỹ đã chiếm nhiều đất của họ trong thế kỷ vừa qua, nhưng hiếm khi người Mỹ lo lắng về điều đó khi họ đến thăm Mexico.)

 

Nếu được hỏi, vài người Nhật sẽ nói với bạn rằng quá khứ là quá khứ, rằng chiến tranh và các thảm họa - đã bị gánh chịu và hành hạ - đã được giải quyết, và rằng bây giờ là một thời đại khác. Hầu hết tất cả người Nhật đều chống đối mạnh mẽ việc Nhật tham gia vào bất cứ cuộc chiến tranh nào và, lẽ dĩ nhiên, cảm giác chống bom nguyên tử đặc biệt rất mạnh trong một vùng đất duy nhất đã gánh chịu - hai lần - trong vị thế của một nạn nhân bom nguyên tử. Nhưng ngay cả ở đây, xúc cảm được hướng về việc chống chiến tranh và vũ khí nguyên tử thay vì về quốc gia sử dụng vũ khí này.

 

Có các tưởng niệm chiến tranh khác vẫn còn quan trọng ở Nhật, mặc dù hầu hết người ngoại quốc rất ít xuất hiện đối với họ. Vài người không thích vài loại thực phẩm bởi vì chúng có đầy dãy trong giai đoạn chiếm đóng. Các bài hát quân sự đôi khi được hát trong quán rượu vào cuối đêm bởi các người già còn nuối tiếc. Cảm nghĩ của người Nhật về Mỹ do vấn đề chiến tranh không đến nỗi phẫn nộ như người Mỹ thường tưởng tượng. Ít ra, trong một cách công khai, đệ nhị thế chiến ở trong tâm não người Mỹ nhiều hơn là người Nhật." [14]

Tâm trạng các cựu chiến binh Mỹ và xã hội Mỹ sau đệ nhị thế chiến được cựu Đệ Nhất Phu Nhân Laura Bush mô tả như sau:

"Khắp Hoa Kỳ vào năm 1946, có hàng ngàn thị trấn giống như Midland và hàng trăm ngàn người giống như cha tôi. Midland trở thành một thị trấn phồn vinh nhờ vào dầu hỏa, nhưng cũng có nhiều thị trấn khác trên toàn quốc - thị trấn xe hơi tại Michigan, thị trấn sắt thép tại Pennnsylvania hoặc Ohio, thị trấn dệt vải tại hai tiểu bang Bắc và Nam Carolina, các thị trấn kỹ nghệ khác tại các tiểu bang khác - nơi mà cựu chiến binh trở về và định cư sinh sống và chọn làm quê hương. Họ quyết định lãng quên chiến tranh, đi làm việc, và xây dựng kinh tế. Bọn trẻ em chúng tôi biết một ít câu chuyện của họ. Chúng tôi nghe người lớn nói một cách kín đáo về những bà láng giềng có chồng chết trong chiến tranh và bây giờ, ai lấy chồng khác. Vài người bạn của tôi có cha bị sát hại ở hải ngoại, không còn cha nữa nhưng có người nào đó do mẹ họ lấy tiếp theo. Đó là người đàn ông nuôi nấng họ, và hầu hết trẻ em gọi người đó là "Cha." Người cha từ thời chiến tranh đã mất rồi. Nhiều bạn thân của cha mẹ tôi có vài mẩu chuyện về chiến tranh. Johnny Hackney, chủ tiệm Johnny's Bar-B-Q, đã từng chiến đấu ở Thái Bình dương. Charlie White, người lập nghiệp bằng cách cho thuê nhà sau Cha Mẹ tôi, đã bị nhiễm bệnh lao phổi tại một trại huấn luyện trong thời gian chiến tranh. Thay vì đi chiến đấu ở hải ngoại, ông được gửi đến một dưỡng đường và người vợ đầu tiên bỏ ông. Ông gặp người vợ thứ hai, Mary, khi ông đến Midland làm kế toán viên cho hãng xăng dầu Shell.

Có những gia đình giống như gia đình Hackneys hay Whites tại hầu hết mỗi ngã đường, nhưng hầu hết mọi người hiếm khi đề cập đến chiến tranh. Midland có các trạm báo của Hội Quân Đội Viễn Chinh Hoa Kỳ (American Legion) và Cựu Chiến Binh Hải Ngoại (Veterans of Foreign Wars), nhưng họ pha lẫn vào đó bằng các hội thiện nguyện Kiwanis [15] và Elks. [16] Tôi biết có những người lớn không ngồi lê la để trao đổi những câu chuyện về chiến tranh, về bạn hữu bị bắn, những bạn hữu không bao giờ trở về quê hương, về những người bị nổ tan xác ở ven đường, về những đêm sợ hãi khi đi ngủ bởi vì họ có thể bị đóng băng mà chết trong tuyết và giá lạnh, hoặc về những người Do Thái hốc hác trong trại tập trung, nhiều người trốn lẫn với xác chết trong bộ đồ vải sọc thô sơ, và tràn ngập mùi hôi thối của thây người. Về sau tôi mới biết đó là những chuyện mà rất nhiều người trong nhóm họ đã từng thấy. 

Thay vào đó, họ quyết định quên đi những năm chiến tranh và hy vọng ở tương lai. Tôi cũng nghĩ rằng cha tôi ít khi nói về những năm đó bởi vì ông muốn che chở cho tôi. Ông không muốn tôi biết đến, và không muốn tự thú thực rằng con người có thể trở nên đáng sợ biết bao. Ông đã có thể điều tiết được những nỗi khủng khiếp nếu ông không xem xét chúng, không miên man nghĩ về chúng, nếu ông không mở nắp hộp thuốc xì-gà [17]quá nhiều lần để nhớ lại trong đó chứa cái gì. Tại Midland, nơi bầu trời uốn cong trên đầu chúng tôi như một mái vòm xanh rậm rì và nơi mà người ta quyết tâm nhập cảng hàng mẫu hạt giống cây sên và cây sầu đông [18] để tạo thành những dải bóng mát màu xanh lá cây nằm dọc theo đường phố ven rìa sa mạc, nói đúng hơn, chúng tôi là một đại dương và gần như là một đại lục riêng biệt. Tuy vậy, qua những năm đó, Cha tôi giấu riêng các tấm hình đó. Có thể ông không muốn nhớ đến, nhưng ông cũng không bao giờ tự cho phép mình quên đi.

Vào tháng 11 năm 2002, tôi ăn trưa tại thủ đô Prague, Tiệp Khắc trong dịp hội nghị thượng đỉnh Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương [19] , và ngồi kế một người Tiệp Khắc còn sống sót qua vụ Holocaust.[20] Bên các đĩa ăn Trung Hoa và tiếng kêu leng keng pha-lê, với những người bồi mặc áo khoác lảng vảng giữa buổi ăn, chúng tôi bắt đầu chuyện trò, và tôi kể với ông ấy rằng cha tôi đã giúp đỡ giải phóng một trong các trại tập trung nhưng không bao giờ thực sự kể về việc đó. Và người đàn ông này, Arno Lustig, ngập ngừng và nhìn tôi và nói, "Vâng, tôi là người đã ở tại một trong các trại tập trung đó, và tôi cũng không bao giờ nói về vụ đó cho các con tôi nghe. Tôi không bao giờ nói về vụ đó với các con." Giống như cha tôi, ông nói thêm, ông muốn che chở các con ông khỏi những gì mà ông đã thấy và khỏi những gì mà ông đã biết." [21]

Người ta thường hay chủ quan khi chỉ thích nghe những gì mà thâm tâm họ mong đợi và được người khác tán thành và rồi như một hệ quả, người ta chỉ thích nói về chính mình thay vì lắng nghe những gì người khác muốn nói. Trong sách đã dẫn, “Gửi đến người Nhật Bản với lòng tôn kính” trang 49-50, John Condon viết:

“Cách nay khá lâu, nhà ngữ nghĩa học Wendell Johnson viết một cuốn sách vui có tựa là Thính giả hào hứng nhất của bạn (Your Most Enchanted Listener). Điều Johnson muốn nói đến là một khi nói chuyện, chúng ta là người nghe hấp dẫn nhất của chính chúng ta. Tựa đề này nảy ra trong trí Johnson khi đến thăm một người bạn Nhật Bản, đã theo học tại Mỹ và sống nhiều năm ở Honolulu. Cô nói, "Có một thói quen của người Mỹ mà tôi vẫn không quen được, và điều này làm phiền tôi nhất khi từ Nhật Bản trở lại đây. Sự khác biệt rất hiển nhiên: người Nhật Bản trao đổi với nhau còn người Mỹ chỉ thích nói về chính họ." [22]


California, August 19, 2010

Phạm Văn Bân

Fan Wen Bin

范文彬



[1] http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,842866,00.html#ixzz0upfr6qDV, South Viet Nam: The Rockpile, Friday, Oct. 07, 1966:

“ Near the Razorback, Marines were treated to an eerie spectacle at night: dim lanterns moving back and forth on the ridge across from them. "The North Vietnamese are afraid of snakes," sneered one Marine. "That's why they carry them flashlights." Whatever their purpose, the lights provided excellent targets for artillery and air strikes.”

[2] đây là một rập khuôn từ chính sách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Đặng Tiểu Bình: 具有中國特色的社會主義市場經濟 cụ hữu Trung Quốc đặc sắc đích xã hội chủ nghĩa thị trường kinh tế: kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa có đặc điểm, phẩm chất của Trung quốc

[3] Tháng 12-1978, khi đi thăm các nước Đông Nam Á, Đặng Tiểu Bình tuyên bố trên TV rằng, "Việt Nam là tên lưu manh, chúng tôi phải dạy chúng một bài học." (Vietnam is a hooligan, we must teach them a lesson).

Khi nói chuyện với Tổng Thống Jimmy Carter trong chuyến đi thăm Mỹ, Đặng Tiểu Bình báo trước rằng Trung quốc đã sẵn sàng gây chiến với Việt Nam qua câu tuyên bố, "Người bạn nhỏ ngỗ nghịch (không biết vâng lời), đáng phết vào đít cho sáng mắt ra ( 小朋友不聽話, 該打打屁股瞭 Tiểu bằng hữu bất thính thoại, cai đả đả thí cổ liệu). Tháng 2-1979 chiến tranh biên giới Trung-Việt bùng nổ. 

Một câu tuyên bố nổi tiếng khác của Đặng Tiểu Bình: Bất kể mèo đen, mèo trắng, miễn bắt được chuột thì chính là con mèo giỏi (不管黑貓白貓, 能捉老鼠就是好貓Bất quản hắc miêu bạch miêu, năng tróc lão thử tựu thị hảo miêu)

[4] đi B: tức là đi vào miền Nam chiến đấu

[5] Trung quốc gọi là địa duyên chính trị học 地緣政治學

[6] phiên thuộc (藩屬): nghĩa là phên dậu, hàng rào che chở và thần phục Trung Hoa

[7] Một cuốn sách tiêu biểu: Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh, 2005

 

[8] Căn cứ hải quân Mỹ tại Vịnh Subic, Philippines là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương, giữ vai trò rất quan trọng trong chiến tranh Việt Nam, kể cả các cuộc chiến tranh trước đó như: thế chiến I và II, chiến tranh Đại Hàn. Mỹ thuê căn cứ Subic dựa theo Thỏa Ước năm 1947, hết hạn năm 1991, và Thượng Viện Philippines không đồng ý cho thuê nữa.

[9] máy bay không người lái: dịch chữ unmanned aerial vehicle - UAV - còn gọi là drone

[10] Nhật Bản gọi là Lô Câu kiều sự biến (盧溝橋事變, trong khi Trung quốc gọi là Thất thất sự biến hay Thất thất Lô Cầu sự biến七七事變, 七七盧溝橋事變). Sự biến cầu Lô Câu xảy ra vào ngày 7-7-1937 do quân Nhật yêu cầu được vào trong thị trấn Uyển Bình để tìm kiếm một binh sĩ bị mất tích trong một cuộc tập trận. Phía Trung quốc không chịu nên quân Nhật tấn công, và dẫn đến cuộc chiến Trung-Nhật (1937-1945)

[11] Trung quốc gọi là Trung quốc kháng Nhật chiến tranh (中國抗日戰爭) từ 1937-1945

[12] Trung quốc gọi là Nam Kinh đại đồ sát (南京大屠殺) xảy ra vào tháng 12-1937 đến 2-1938

[13] Tên gọi đúng là Nhật Bản quân quốc chủ nghĩa (日本軍國主義) thành hình vào thời Minh Trị Duy Tân (1868-1910) với mục đích canh tân Nhật Bản, đưa vào chủ nghĩa tư bản, phát triển sức mạnh quân đội để đi viễn chinh các nước khác. Chủ nghĩa này kết thúc với sự đầu hàng của Nhật Bản vào năm 1945.

[14] John Condon, With Respect to the Japanese, Intercultural Press Inc., 1984, Phạm Văn Bân dịch, Gửi đến người Nhật với lòng tôn kính, nhà sách Tự Lực phát hành, pp 91-92

[15] Kiwanis xuất phát từ tiếng của người da đỏ Hoa Kỳ, có nghĩa là "gào lên, hay tụ tập lại." Tên gọi đầy đủ của hội thiện nguyện Kiwanis là Kiwanis International Foundation, với mục tiêu cứu giúp trẻ em trên toàn thế giới khỏi cảnh đói, bị bạc đãi, bị lãng quên, thiếu chăm sóc y tế thỏa đáng (we envision a world where no child suffers from hunger, abuse, neglect, need or inadequate medical care.) Châm ngôn:

"Kiwanis là một tổ chức thiện nguyện thế giới, được cống hiến cho việc thay đổi thế giới, thực hiện lần lượt cho từng trẻ em và từng cộng đồng."("Kiwanis is a global organization of volunteers dedicated to changing the world, one child and one community at a time.")

 

[16] Tên gọi đầy đủ của hôi thiện nguyện huynh đệ Elks là Benevolent and Protective Order of Elks (B.P.O.E.), hoạt động trong mục tiêu cấp phát học bổng cho thanh thiếu niên và thân hữu cựu chiến binh Hoa Kỳ.

[17] hộp thuốc xì-gà: đây là cái hộp dùng để chứa tám tấm hình nhỏ do Cha của bà Laura Bush mang về sau trận chiến tranh thế giới lần thứ hai, chụp các cảnh chết chóc tại Nordhausen, Đức quốc, tức là một địa khu của trại tập trung Mittelbau-Dora. Spoken from the Heart, Laura Bush, trang 13:

 

"He finally arrived home in January of 1946. Along with his meager gear, he carried with him eight tiny two-by-three photos from Nordhausen, Germany, the site of the Mittelbau-Dora concentration camp. Mother kept them along with some letters in an old latch-top cigar box."

[18] cây sầu đông: dịch chữ chinaberry trees, còn gọi là cây thầu đâu, cây xoan, nở hoa tím, có trái vàng không ăn được, thường trồng chỉ để lấy bóng mát.

[19] Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương: dịch chữ North Atlantic Treaty Organization (NATO).

[20] Holocaust: vụ tàn sát khoảng sáu triệu người Do Thái cùng một ít chủng tộc khác của Đức Quốc Xã dưới hình thức thiêu sống hoàn toàn, xảy ra từ năm 1939 đến năm 1945.

 [21] Laura Bush, Spoken from the Heart, Simon & Schuster, Inc., May 2010, pp 15-16:

Across the United States in 1946, there were thousands of towns like Midland and hundreds of thousands of men like my father. Midland became a boomtown because of the oil, but there are towns all over the country - auto towns in Michigan, steel towns in Pennnsylvania or Ohio, textile towns in the Carolinas, other industry towns in other states - where veterans came back and settled to live their lives and make their homes. They put the war behind them, went to work, and built the economy. As kids, we knew small parts of their stories. We heard the adults talk in hushed sentences about neighborhood women whose first husbands had died in the war and who were now married to someone else. I had a couple of friends whose dads had been killed overseas, so they no longer had their dad, they had whomever their mother married next. That was the man who raised them, and most kids called him "Dad." Their dads from the war were gone. Many of my parents' best friends had war stories. Johnny Hackney, who owned Johnny's Bar-B-Q, had fought in the Pacific. Charlie White, who started out renting the house behind Mother and Daddy's, had contracted tuberculosis in a training camp during the war. Instead of going overseas, he was shipped to a sanitarium and his first wife left him. He met his second wife, Mary, when he came to Midland to work as an accountant for the Shell Oil Company.

There were families like the Hackneys or the Whites on almost every block, yet most people rarely mentioned the war. Midland had American Legion posts and Veterans of Foreign Wars posts, but they blended in with the Kiwanis clubs and the Elks. The adults I knew did not sit around trading stories of the war, of buddies who had been shot, friends who never came home, of men blown to bits by the side of the road, of the nights they were afraid to go to sleep because they might freeze to death in the bitter snows and cold, or of the emaciated Jews in the camps, many hiding among corpses in their rough, striped clothes, and the overwhelning stench of human dead. Only later would I learn that those were the things so many of them had seen.

Instead, they put the war years behind them and looked forward. I think too that my father seldom spoke of those years because he wanted to shield me. He didn't want me to know, and didn't want to admit to himself, how horrible man could be. He could manage the horrors if he did not examine them, did not dwell on them, if he did not lift the lid of that cigar box too many times to recall what lay within. In Midland, where the sky arced over us in one enormous dome of blistering blue and where people doggedly imported acres of elm seedlings and chinaberry trees to plant the green ribbons of shade that lined their streets at the edge of the desert, we were quite literally an ocean and almost a continent removed. All those years, though, Daddy kept those photos tucked away. He might not wish to remember, but neither would he ever allow himself to forget.

In November of 2002, I went to a luncheon in Prague during one of the NATO summits, and I was seated next to a Czech Holocaust survivor. Over the china plates and clinking crystal, with jacketed waiters hovering near our half-eaten meals, we started talking, and I told him that my father had helped to liberate one of the camps but that he had never actually talked about it. And this man, Arno Lustig, paused and looked at me and said, "Well, I was in one of the camps, and I never talked about it to my kids either. I never told them about it." Like my father, he added, he had wanted to shelter his own children from what he had seen and from all that he knew.

[22] John Condon, With Respect to the Japanese, Intercultural Press Inc., 1984, Phạm Văn Bân dịch, Tự Lực phát hành, p. 57:

"Years ago the semanticist Wendell Johnson wrote a delightful book called Your Most Enchanted Listener. What Johnson had in mind was that we are our most enchanted listeners when we talk. The title came to mind when visiting with a Japanese friend who studied in the States and who has been living for a number of years in Honolulu. "There is one habit of Americans I still have not gotten used to," she said, "and it bothers me most when I come back here for being in Japan. The difference is so obvious: Japanese talk about each other, and Americans love to talk about themselves."

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 2916)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3060)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 3705)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 3594)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 3430)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 3246)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 3008)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2919)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 3154)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3173)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468