MỘT TẤN BI KỊCH CÓ HẬU

17 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 26786)
MỘT TẤN BI KỊCH CÓ HẬU

634308796911584519_400x184 

MỘT TẤN BI KỊCH CÓ HẬU

Hoàng Ngọc Nguyên

Chẳng bao giờ chúng ta có thể nói xem là chuyện “tiền hung hậu kiết” để kết luận vụ nổ súng vào sáng thứ bảy ngày 8-1 trong bãi đậu xe phía trước siêu thị Safeway của thành phố Tucson, Arizona, với 19 nạn nhân, sáu người thiệt mạng, trong đó có Thẩm phán liên bang John Roll, và 13 người bị thương, trong đó trong tình trạng nguy kịch kéo dài cho đến cả tuần sau vì bị một viên đạn bắn ngay đầu là bà Dân biều Gabrielle Giffords, chính là mục tiêu thực sự của hung thủ, một sinh viên 22 tuổi đã bị đuổi học ba tháng trước đây vì bị nhà trường xem là một phần tử nguy hiểm! Một biến cố có lẽ kéo dài chỉ năm phút, từ khi Jared Lee Loughner nổ súng cho đến khi anh ta bị đè nằm xuống đất và bị tước vũ khí, nhưng cho đến một tuần sau nỗi xúc động vẫn tràn ngập trong lòng nhiều người, khi họ theo dõi buổi lễ truy điệu ngày thứ tư 12-8 với sự có mặt của Tổng thống Barack Obama và bà Obama, hay tang lễ của em bé chín tuổi Christina Green với hàng ngàn ngưòi nhỏ lệ tham dự, và những tin tức đầy thương cảm về cuộc chiến đấu quyết liệt từng giây từng phút cho sinh mệnh của bà dân biểu, con người nay đang ở tận cùng con tim của mỗi chúng ta. Và bao lâu nữa chúng ta mới có thể thực sự càm thấy nỗi đau thương nguôi ngoai, sự bình an tìm lại được, và có thể để quá khứ lại đàng sau?

Thế nhưng ngay trong cả những tấn kịch bi đát nhất của cuộc đời, con người cũng có thể khéo tìm, với ít nhiều may mắn của cơ trời, một đoạn kết có hậu. Nay thì tiêu bang Arizona xa xôi bỗng nhiên đang trong tầm cận ảnh của cả nước; thành phố Tucson không ai còn nhớ chênh vênh bên cầu biên giới mà nằm trong tim của người dân. Những con người lý tưởng đang mong đợi nhờ một bi kịch này mà ngôi nhà nước Mỹ sẽ là một thay vì phân hóa, rã rời. Người ta cũng dè dặt vừa kêu gọi vừa tin tưởng trước nỗi đau buồn của đất nước, con người sẽ có ý thức hơn về nhu cầu phải có lý lẽ (common sense) và lễ độ trong cuộc sống xã hội để có thể gần nhau hơn và lâu dài hơn – không chỉ trong những lúc đau buồn, tang khó. Cũng vì biến cố đau thương này, chúng ta phải nhìn lại thêm một lần nữa để đặt câu hỏi về sự bất khả xâm phạm của quyền có vũ khí. Và chúng ta cũng phải nhìn đến hiệu quả của cơ chế luật pháp của nước Mỹ trong việc bảo vệ người dân trước những đe dọa khắp mọi nơi từ những phần tử nguy hiểm trong xã hội. Và trách nhiệm về an ninh xã hội của ngay cả những định chế không có trách nhiệm trực tiếp về an ninh nhưng cũng chẳng thể vô trách nhiệm giao những thành phẩn nguy hiểm trong học đường cho xã hội mà không cảnh báo –như trường hợp đuổi học Loughner.

634308798069418553_400x241 

Những phát đạn oan nghiệt

Trong mỗi câu chuyện ngoài xã hội, luôn luôn có những nhân vật anh hùng. Khi Loughner đi mua cây súng bán tự động với khả năng sát hại chính xác và mạnh mẽ, đương nhiên anh ta muốn làm anh hùng. Chẳng ai không nghĩ mình là anh hùng khi có súng trong tay. Và nay đứng sau chấn song sắt, chính suy nghĩ mình đúng là anh hùng khi đã làm cho cả nước chấn động, kinh hoàng đã làm cho anh ta có thể tự hào vô cùng vì những gì mình đã hoàn thành. Thế nhưng đối với không chỉ ngưòi dân Arizona mà cả những người ở trên khắp 50 tiểu bang, người anh hùng trong biến cố này không ai khác hơn vị anh thư Gabrielle Giffords. Bà đã là một anh hùng trong cuộc sống xã hội. Bà cũng là một anh hùng can trường trên diễn đàn Quốc Hội. Bà lại càng là một anh hùng vô song ngay cả trong những giây phút người ta tưởng bà mê man và đã buông xuôi cho số mệnh. Theo những bác sĩ túc trực bên bà trong suốt sáu ngày bà nhắm mắt chìm trong cơn mê vừa vì thuốc vừa vì đau đớn, họ chưa hề chứng kiến có một bệnh nhân nào trong những giờ phút nguy kịch, thập tử nhất sinh, lại chiến đấu quyết liệt đến thế để giành lại mạng sống của mình, không để tạo hóa vô tâm,vô cảm cướp đi.

Dứt khoát trong sự sống sót của bà Giffords phải có phép lạ. Lúc đầu, bác sĩ cho rằng viện đạn bắn từ sau ót và đi xuyên qua đầu và ra phía trước. Hôm thứ ba, bác sĩ nói viên đạn có thể bắn vào phía trước và chạy xuyên qua đầu đi ra phía sau. Dù thế nào đi nữa, một viên đạn bắn chính xác, xuyên qua não nạn nhân, song như bác sĩ xác nhận, bà Giffords có một hy vọng to lớn hồi phục được, thì đó đúng là một phép lạ cho bà, một hạnh phúc mênh mông cho tất cả chúng ta, và là một hành vi cứu chuộc cho một sự vụng tính song may thay chưa an bài của Tạo Hóa. Theo những người đang theo dõi từng giờ từng phút những biến chuyển trong tình trạng não bộ của bà tại Khu Chăm sóc Triệt để (ICU) của Trung tâm Y tế Đại học Tucson, thì nếu viên đạn chỉ chệch chừng nửa xăng-ti-mét, lạc vào vùng nối giữa hai bán cầu của não, thì chúng ta không còn ngồi đây mà cầu nguyện cho bà được bình phục. Đến ngày thứ năm 13-1, bà đã mở mắt được một bên. Bà đã cử động chút ít tay chân và biết có người đến thăm viếng mình. Bà đã ngáp được và lấy tay chụi mắt. Các bác sĩ không ngần ngại nói đến từ phép lạ để mô tả những diễn tiến này.

Thế nhưng chúng ta phải nói thế nào, nghĩ thế nào về trường hợp của sáu ngưòi đã thiệt mạng oan uổng trong vụ tàn sát này – ngoài họ ra còn có 14 người bị thương (thương nặng và thương nhẹ) và may thay chỉ có 19 người là nạn nhân trong vụ này. May mà anh ta kẹt đạn mặc dù đã lắp băng thứ hai 30 viên, sự kẹt đạn kỳ diệu vì nó cho một phụ nữ tuy đã bị thương cũng có cơ hội lao kịp vào người anh ta để giành lấy cây súng. Trong sáu người thiệt mạng là một em nhỏ chín tuổi. Em hân hoan được cha mẹ đưa đến đây để có được một bài học thực tế về “positive politics” (chính trị tích cực). Để cho em hiểu rằng có những người trong xã hội được gọi là “dân biểu”, được những ngưởi như cha mẹ, láng giềng, bà con của em…bầu ra để vửa đại diện họ làm “việc nước”, vừa bảo vệ quyền lợi của những người như cha mẹ, bà con, láng giềng… Để làm việc đó, những người dân biểu này phải tiếp xúc thường xuyên với những người đã bầu mình để cho người ta biết được mình đã làm gì cho dân cho nước, nhân danh ngưòi dân, đồng thời tìm hiểu quyền lợi của nguòi dân là gì,là ở đâu- để bảo vệ. Cái bài học đẹp đẽ, sống động đó của tuổi trẻ bỗng trở thành một bản án chính trị cho thời đại, một điều sẽ day dứt, dằn vặt lương tâm của chúng ta mãi không thôi, khi cháu gái Christina Green nay đã nằm xuống.

Trong sáu nạn nhân đó, có ba người tuổi từ 73 đến 79. Đó là cái tuổi người ta chẳng thích ra đường, bất đắc dĩ lắm mới ra đường, con cháu nài ép lắm mới bước ra khỏi nhà. Nhưng những nguòi già này đã rũ nhau một ngày đẹp trời sáng thứ bảy cho dù thời tiết lúc này heo may, trở lạnh và gió nhiều ngay cả vùng nổi tiếng sa mạc nắng cháy này để gặp người dân biểu của mình. Để chỉ nói một điều: Chúng tôi sợ, chúng tôi chưa bao giờ thấy cuộc sống mất an toàn như hiện nay. Mà tuổi già thì làm gì được? Trong sự bất an của tuổi già, hàng chục ngừơi đã tìm đến nơi này. Khi ra về, đương nhiên họ càng thấy bất an, và phẩn nộ hơn nữa, nay họ đã để lại vĩnh viễn nơi đó ba ngưòi trong đoàn của mình.

Viên ngọc quí ở vùng sa mạc

Trong cõi chính trường ô trọc này, Gabrielle Giffords là một viên ngọc quí. Chẳng có cách mô tả nào khác hơn thế. Trong mùa bầu cử vưa qua, người ta có khuynh hướng nhớ tên những nhân vật “nhi nữ thường tình” nhiều hơn. Ở California có các bà Barbara Boxer, Carla Fiorina, Meg Whitman, Nancy Pelosi. Ở South Carolina có Nikki Haley. Ở Nevada có Sharron Angle. Ở Delaware là Christine O’Donnell. Ở Arizona là Jan Brewer. Ở Alaska là bà Lisa Murkowski. Ở Arkansas là Blanche Lincoln. Và ở khắp mọi nơi: Sarah Palin. Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Gabrielle Giffords, người không được biết đến nhiều hay ít được biết, nay lại đi sâu vào lòng của chúng ta mạnh mẽ nhất. Bởi vì bà là môt con người hiếm hoi trong một chính trường tràn ngập những phần tử cơ hội chủ nghĩa mà rất ít những người có một niềm tin một chí hướng một ý chí theo đuổi sự nghiệp to lớn của đời mình.

Bà là một nhà chính trị có một quá trình phát triển vững chắc, trưởng thành từng bước và có khả năng phi thường trong việc lên cao, đi sâu, và vươn ra bên ngoài. Ngay từ bước đầu lựa chọn ngành học là xã hội học, quan hệ giữa Mỹ và châu Mỹ La-tinh tại Đại học California và qui hoạch phát triển vùng tại Đại học Cornell. Và bước vào đời với hai năm nghiên cứu quan hệ giữa Mỹ và Mexico với tư cách một nghiên cứu sinh trong chương trình Fulbright tại Đại học Chihuahua ở Mexico. Và thêm hai năm nghiên cứu tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bà cũng qua hai năm kinh nghiệm kinh doanh điều hành một doanh nghiệp làm vỏ xe, trước khi bước vào đời sống chính trị vào năm 2000, khi bà được 30 tuổi, phục vụ hai năm ở Hạ Viện tiều bang (2001-2003), hai năm tại Thượng Viện tiểu bang (2003-2005), và năm 2006, một ứng cử viên Dân Chủ đắc cử dân biểu liên bang ở một địa phương đảng Cộng Hòa vẫn có truyền thống hùng cứ. Năm 2008 và 2010 bà đều tái đắc cử, cho dù năm ngoái là một năm cực kỳ căng thẳng cho đảng Dân Chủ nói chung, và cho riêng bà khi phải đối đầu với một ứng cử viên của đảng Cộng Hòa được Tea Party ủng hộ.

Ngoài hai câu chuyện đơn lẻ, một là bà Palin, một người Cộng Hòa cực hữu, thề tiêu diệt bà trong kỳ bầu cử giữa mùa vì bà ủng hộ luật cải tổ y tế, và một là chuyện nhóm Dân Chủ cực tả (“liberal”) cũng đòi tẩy chay bà vì tội đã không ủng hộ bà Nancy Pelosi tiếp tục làm chủ tịch của người Dân Chủ tại Hạ Viện, ngưòi ta nói bà Giffords không có kẻ thù mặc dù bà là người không ngại khác biệt ý kiến với nguòi khác. Không ngại là người độc lập. Không nhận mình là người liberal mặc dù bà có một số quan điểm liberal. Từ chối nhãn hiệu bảo thủ mặc dù bà cũng chia sẻ một số quan điểm bảo thủ. Bởi thế mà bà Bộ trưởng An ninh Nội địa theo đảng Dân Chủ Janet Napolitano làm việc chặt chẽ với bà, mà ông thẩm phán liên bang John Roll, người Cộng Hòa, do Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm, cũng như những cựu đối thủ cũa bà trong hai bầu cử gần đây đều xem bà là người “bạn bè gần gũi”. Ông John Roll, 63 tuổi, đến bãi đậu xe trước Safeway để nói lên sự ủng hộ đối với bà. Ông là một trong sáu người đã thiệt mạng hôm đó!

Bà Giffords có sự hăng hái, nhiệt tình, đam mê, dũng cảm, trong cuộc sống, trong chính trị của tuổi trẻ, và có sự chín chắn, trưởng thành trong suy nghĩ, trong quan điểm của người già. Bà là người thể hiện quan điểm rõ ràng nhất của giáo sư Amy Chua của trường Yale Law School tác giả của Day of Empire: Lịch sử đã cho thấy tất cả những siêu cường trong quá khứ sở dĩ giữ được vị thế bá chủ thế giới là nhờ họ duy trì được tinh thần dung chấp chính trị và xã hội. Ngày nào người ta không còn ý thức đó, sự suy tàn tất phải tới. Bà là người đơn lẻ dám chống luật di dân ở Arizona, nhưng cũng là người đầu tiên chào đón những đội quân liên bang được ông Obama gởi đến năm ngoái để tăng cường an ninh biên giới và ngăn chận di dân lậu và tội ác từ bên Mexico tràn qua. Là người ở Tucson sát biên giới nước Mễ, quen với văn hóa bạo lực và súng ống, bà cũng ủng hộ quyền có súng, giữ súng để phòng thân, nhưng cũng có chủ trương về quyền sống với thiên nhiên, chạy xe mô tô không mang mũ an toàn! Bà nổi tiếng với những quan điểm phê phán sự phân hóa giữa hai đảng làm cho nhiều vấn đề quốc gia bị mai một. Tuy nhiên, những vấn đề bà quan tâm đặc biệt khiến cho bà trở thành một tiếng nói nổi bật, mạnh mẽ, chính là ở những lĩnh vực giáo dục, di dân và y tế. Bà là người tích cực ủng hộ luật cải tổ y tế và chủ trương phải giúp những người không có bảo hiểm – không chỉ là một cách bày tỏ sự nhân đạo với những người yếu kém mà còn giải quyết một gánh nặng ngân sách. Bà chủ trương phải cải tổ chính sách “Chằng để cho trẻ nào tụt hậu” (No Child Left Behind) bởi vì bà cho rằng đã kéo thấp trình độ giáo dục của Mỹ. Và ở Arizona, bà tiếp cận nhiều với vấn đề di dân và không đồng tình với chủ trương “khủng bố trắng” đối với những người có tên và mặt mũi có vẻ giống Mễ.

Tâm thần không có nghĩa vô trách nhiệm

Trong xã hội, không thiếu gì người bị tâm thẩn hay giả bị tâm thần để tự do phạm tội. Nhưng trong kiểu tâm thần rất tỉnh trí của thời đại ngày nay, kẻ tâm thần phạm tội (như tên Brian David Mitchell ở Utah nhân danh chúa mà đi bắt cóc cô gái 14 tuổi Elizabeth Smart hiếp đêm ngày trong sáu tháng), nhất là kẻ tâm thần giết người, còn nguy hiểm thập bội so với kẻ giết người không tâm thần. Một kẻ tâm thần bình thường âm mưu giết người có thể thay đổi ý kiền. Một kẻ đã tâm thần hoang tưởng, khi anh ta quyết giết người như một ám ảnh, thì thứ nhất, đó là một quyết tâm “không thể lay chuyển được”, và thứ hai, sự toan tính cẩn thận, chu đáo, chi tiết… như các vị quân sư của các tiều thuyết lịch sử của tàu.

Jared Lee Loughner đã tính toán, âm mưu rất kỹ để giết bà. Từ tháng mười, anh ta đã mua súng để dành. Khi leo lên tắc-xi rời nhà ra đến “hiện trường” anh ta còn để lại phong thư với những lời hướng dẫn “My assassination”, “You’re The Bitch”, và “Gabrielle Giffords”… Thế nhưng anh ta quyết giết bà không phải vì anh ta là người Cộng Hòa, hay Tea Party, hay “independent”hay “liberal” như cách nhiều người đang lẫn lộn nhìn anh ta. Anh ta mang một số quan điểm của Tea Party, của Cộng Hòa về chính phủ, về hiến pháp,về “ngôn ngữ” và văn phạm… Nhưng một số quan điểm của anh ta cũng có vẻ “hư vô” và “liberal” và chống đối chính quyển Bush Cộng Hòa. Dùng ma túy từ thời trung học, anh ta ngày càng sống trong thế giới loạn tưởng của mình, cả đời đi học từ trung học lên đến cao đẳng chỉ toàn là chuyện bỏ học, đuổi học và làm cho thầy cô, bạn bè kinh dị. Anh ta đắm chìm trong thế giới Facebook,Twitter, các blog trên mạng để gây sự chú ý, mặc dù những gì anh ta viết chẳng mấy ai hiểu, và người ta không hiểu làm sao có ai đọc.

Nhưng đối với bà Giffords, Loughner có một ám ảnh căm hận có tính bệnh hoạn, tích lũy và thôi thúc không ngừng trong nội tâm khiến anh ta phải ra tay. Một trường hợp “libido” không có tinh tình dục nhưng đầy máu me. Năm 2007, bà Giffords tiếp xúc với một nhóm cử tri nói tiếng Tây Ban Nha. Loughner trà trộn vào đám người này và hỏi bà bằng tiếng Mỹ: How do you know words mean anything? Làm sao ta biết được ngôn từ chữ mang ý nghĩa gì?. Bà Giffords khựng lại trong giây lát, vì cuộc gặp gỡ này là nói về những vấn đề giáo dục, xã hội và y tề của người Hispanic, Latino, và chuyện trao đổi bằng tiếng Tây Ban Nha. Cho nên, trước cử tọa nói tiếng Tây Ban Nha, bà trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha, câu hỏi “irrelevante” (chẳng có liên quan gì cả), và bà trả lời người khác. Loughner cho rằng bà “kỳ thị người da trắng, và từ đó mang một nỗi ấm ức, ẩn ức, ấm ức cho đến ngày phục hận là 8-12 vửa qua.

Anh ta không có động cơ chính trị, và thực ra không phải là ngưòi có hướng đi chính trị. Nhưng trong hành động của anh ta mà bỗng dưng chúng ta thấy bao nhiêu vấn đề chính trị, xã hội, giáo dục đang bộn bề trên đất nước này. Đâu đâu chúng ta cũng có thể thấy những trường hợp điên loạn và giả vờ điên loạn, nhân danh quyền tự do cá nhân – đúng là một đe dọa rất lớn cho an ninh xã hội, an toàn cá nhân. Sự điên loạn này làm cho nguòi ta bất kể đến lý lẽ và lễ độ trong cuộc sống như những giá trị đích thực phải phát huy trong văn minh thời đại ngày nay (với người Việt là 2 chữ L – lý lẽ và lễ độ - và người Mỹ là hai chữ C – common-sense và civility). Người ta thấy đang có những vấn đề phải đặt ra trong hệ thống giáo dục của Mỹ: dạy cho người như thế nào về lịch sử, về chính trị, về văn hóa để có thể tôn vinh những giá trị cần thiết để tiến bộ. Hơn bao giờ hết, nếu chúng ta muốn vươn tới trước, vươn lên cao, phải có sự vận động vế tư tưởng dung chấp (tolerance) - về chủng tộc, vế tôn giáo, về giai cấp – tránh thái độ miệt thị, ganh tị, chế diễu, độc ác.

Nhưng cuộc vận động rõ hơn cả trong tầm mắt của chúng ta tiếc thay là vận đồng quyền mang súng. Đặt câu hỏi đó, người ta nhìn lại quyền có súng được Hiến Pháp bảo vệ. Bất kể hiện tình của xã hội, của đất nước người ta đang điên loạn, đang hung dữ, đang bị kẻ ác từ bên ngoài xâm nhập, trà trộn, cứ cái gì được Hiến pháp Mỹ bảo vệ là không thể thay đổi. Tối cao Pháp viện do đảng Cộng Hòa giữ đa số vẫn chủ trương bảo vệ quyền có súng, mang súng. Và trước vụ nổ súng ở Arizona, tiều bang này đang muốn đặt lại vấn đề quyền có súng mang súng, nhưng mấy ông dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa lại nhấn mạnh quyền có súng để tự vệ là cần thiết. Từ rày, cần thủ một cây súng trong người. Từ lý luận kiểu đó, xã hội sẽ như thế nào nếu người ta nói “bắn chậm thì chết”, hay “tiên hạ thủ vi cường”, và người ta ra đường trông ai cũng nghênh ngang giống như cao bồi thời xưa?

Trước mắt chúng ta, hy vọng thì có, lạc quan thì không. Nhiều người đã bình luận rồi chẳng có gì thay đổi, cho dù ông John Boehner chủ tịch Hạ Viện của Cộng Hòa đã tức tưởi hứa rằng “chúng ta ở đây chỉ là người Mỹ, chẳng có ai Dân Chủ chẳng có ai Cộng Hòa”. Ước gì thật sự rồi đâu cũng sẽ vào đấy, mọi chuyện trở lại như cũ, có nghĩa là bà Giffords rổi đây sẽ lành mạnh trở lại, đi đứng bình thường trở lại, hoạt động trở lại, đấu tranh càng mạnh mẽ hơn cho lý tưởng dân chủ, dân sinh, dân quyền. Có ai không cảm thấy có gì mất mát, sụp đổ trong lòng khi nghe một bác sĩ bên cạnh bà ngập ngừng nói “Chẳng thể nào nói trước được. Cuộc chiến đấu để hồi phục này, trong trường hợp này, nhiều khi người ta mất cả một đời người!”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Giêng 2023(Xem: 2907)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình".
03 Tháng Mười Một 2022(Xem: 3055)
"Bắt đầu từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, báo đài ở Mỹ bắt đầu sử dụng hai màu xanh và đỏ để phân biệt ảnh hưởng của hai đảng tại các tiểu bang."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 3696)
"Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York"
12 Tháng Mười 2022(Xem: 3587)
"Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam."
10 Tháng Mười 2022(Xem: 3423)
"Một cuốn sách của hai tác giả Phương Tây nêu ra ba lý do khiến nền tảng quyền lực của Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN ở Việt Nam rất bền vững."
17 Tháng Chín 2022(Xem: 3245)
"Giờ đây, tuy vẫn làm chủ cuộc chơi, nhưng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với nhiều đợt sóng ngầm trong nội bộ. “Bộ Tam” về tổng thể, tuy không còn cố kết với nhau như cách đây mấy tháng. Các chân ghế của “Bộ Tam” cũng đang lần lượt bị rung lắc dữ dội."
13 Tháng Chín 2022(Xem: 3006)
"Nhiều sự kiện thời sự khiến tiểu nhân chợt nhớ Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) và “Người ngựa, ngựa người” - truyện ngắn khoảng 3.000 chữ, viết đầu thập niên 1930, lúc Việt Nam còn thuộc Pháp, kể lại đêm giao thừa của một người phu kéo xe - của cụ (1)..."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2917)
"Năm 1904, Halford John Mackinder – nhà địa lý học người Anh – từng nói: « Ai thống trị được "Heartland" thì chỉ huy cả thế giới »... Hơn một thế kỷ sau, cuộc chiến giành « Heartland » giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra gay gắt hơn bao giờ hết."
12 Tháng Tám 2022(Xem: 3152)
“Không có ai được quyền đứng trên luật pháp ở đất nước này”, ông Merrick Garland, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã nói như thế vào ngày 20/7, khi được các phóng viên hỏi."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3170)
"Nhan đề trang bìa nhiều báo tập trung vào các hiểm họa hàng đầu với thế giới đương đại. Courrier International nói về nạn đói đe dọa các quốc gia nghèo nhất với việc Nga sử dụng "vũ khí lúa mì". L’Express ám ảnh bởi nỗi lo sợ "bội chi ngân sách công" không sớm thì muộn dẫn đến thảm họa."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468