Chủ nghĩa dân tộc TQ ngăn chặn giải pháp Biển Đông

10 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 24304)
Chủ nghĩa dân tộc TQ ngăn chặn giải pháp Biển Đông


Chuyên gia Pháp : Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc

ngăn chặn giải pháp cho Biển Đông

 image001_105

 

 









Hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc được hạ thủy vào tháng 08/2011 nhằm mục tiêu phô trương uy lực.

(REUTERS/Guang Niu/Pool)

Trọng Nghĩa

Nhật báo Pháp Le Monde ngày 18/08/2011 đã phân tích thêm về tình hình căng thẳng hiện nay ở Biển Đông. Theo tờ báo uy tín nhất tại Pháp, căn nguyên làm cho vùng biển này dậy sóng chính là đòi hỏi chủ quyền quá lố của Trung Quốc. Tình hình đặc biệt căng thẳng sau sự cố tàu Trung Quốc làm hư hại một tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam ngày 26/05.

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, bà Valérie Niquet, chuyên gia phụ trách mảng châu Á tại trung tâm nghiên cứu chiến lược Fondation pour la recherche stratégique ở Paris đã giải mã thái độ của Bắc Kinh. Theo bà Niquet, trong cách xử lý hồ sơ Biển Đông cho đến nay, Trung Quốc đang bị giằng co giữa hai đường hướng tự kềm chế và khẳng định uy lực.

Vấn đề là trong giai đoạn trước mắt, với Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 sẽ mở ra vào năm 2012 để cử ra giàn lãnh đạo mới, các phe phái tranh giành quyền lực ở Bắc Kinh sẽ phải cố gắng khẳng định vị thế của mình. Để làm điều đó, không gì tốt hơn là phô trương tinh thần dân tộc chủ nghĩa, thông qua việc thể hiện thái độ cứng rắn trong các tranh chấp chủ quyền. Bối cảnh đó, theo bà Niquet sẽ cản trở việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền tại vùng Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Trong bài viết công bố trên trang web của tờ Le Monde ngày 18/08 mang tựa đề « Biển Đông : Thế đối đầu trong vùng nước đục », nhà báo Aymeric Janier đã điểm lại một số sự cố gần đây đã làm cho vùng Biển Đông dậy sóng :

"Trong thực tế, căng thẳng trong khu vực đã tăng cường độ kể từ mùa xuân vừa qua. Ngày 26/05, tại vùng cách bờ biển Việt Nam khoảng một trăm cây số, một sự cố đã đối lập một tàu quân sự Trung Quốc và một tàu nghiên cứu Việt Nam đang thực hiện khảo sát địa chấn. Kết quả là chiếc tàu Việt Nam bị hư hại nặng nghiêm trọng.

Vụ đối đầu này thể hiện một cơn sốt mà nhiều người đánh giá là đáng ngại nhất trong vòng hai chục năm nay, và đã không phải là không có hậu quả. Ba tuần lễ sau khi vụ việc nổ ra, chính quyền Hà Nội, dưới áp lực của dư luận cực kỳ phẫn nộ, và chán ngán trước cảnh lúc nào cũng bị láng giềng hùng mạnh nhục mạ, đã cho tập trận hải quân, với mục tiêu rõ rệt là nhằm kềm bớt các hành động hung hăng của Bắc Kinh. Trong cùng một thời điểm, Philippines cũng tranh thủ cơ hội lao vào đả kích các đòi hỏi chủ quyền không cân xứng của chính quyền Trung Quốc ».

Đối với báo Le Monde, phản ứng bực bội của Việt Nam hay Philippines xuất phát từ tuyên bố chủ quyền quá bao quát của Trung Quốc tại vùng Biển Đông :

« Quả thật là Trung Quốc không đòi hỏi gì ít hơn là toàn bộ vùng Biển Đông, khiến cho tất cả các nước chung quanh phải nghiến răng, chứ không riêng gì Việt Nam. Ngoài Hà Nội, mà đòi hỏi chủ quyền bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc và Trường Sa ở phía nam - hai quần đảo không có người ở, nhưng vùng biển có tài nguyên thủy sản và dầu khí với số lượng lớn – nhiều quốc gia khác cũng đòi chia sẻ chiến lợi phẩm tại Trường Sa. Đó là trường hợp của Philippines, Malaysia và Brunei. Những tuyên bố chủ quyền của Indonesia thì nhắm vào đảo Natuna, ở xa hơn về phía nam ».

Theo Le Monde, cho dù trong quá khứ đã xẩy ra những vụ xung đột đẩy khu vực đến gần kề chiến tranh, như vào năm 1988, khi một trận hải chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam tại vùng Trường Sa đã khiến cho 70 thủy binh Việt Nam thiệt mạng, Trung Quốc vẫn kiên quyết đi theo chiều hướng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa và không chịu từ bỏ các yêu sách mà họ tự cho là « chính đáng ». Thậm chí Trung Quốc còn leo thang, bắn tin cảnh cáo Hoa Kỳ vào tháng 3 năm 2010, rằng họ đã nâng Biển Đông lên hàng lợi ích quốc gia, tương tự như Đài Loan hay Tây Tạng. Theo báo Le Monde, có thể có ba nguyên do giải thích thái độ của Bắc Kinh :

« Đầu tiên hết là lịch sử : Trung Quốc cho rằng họ là nước đầu tiên khám phá những hòn đảo nằm ở Biển Đông từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, dưới thời nhà Hán, và ngư dân của họ đã khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng này từ nhiều thế kỷ nay. Thứ hai là kinh tế : Ngày nay, không ít hơn 80% hàng nhập khẩu vào Trung Quốc đi qua vùng biển này. Thứ ba là chiến lược : Biển Đông là một loại "lá chắn tự nhiên" bảo vệ chống lại Hoa Kỳ, một tác nhân chủ chốt khác tại vùng Thái Bình Dương... Quả thực là Trung Quốc lo ngại trước việc đối thủ lớn của họ đến tranh giành điều mà Bắc Kinh cho là uy quyền tối thượng của họ ».

Tình hình căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc tại Biển Đông, theo Le Monde đã thúc đẩy Việt Nam áp dụng chiến lược quốc tế hóa tranh chấp, kể cả khi cần phải xích lại gần kẻ cựu thù là Hoa Kỳ. Trả lời phỏng vấn của Le Monde, chuyên gia Valérie Niquet phân tích :

« Các nước vùng biển quanh Trung Quốc muốn tìm mọi cách để tránh phải đơn độc đối đầu với một cường quốc Trung Hoa, vốn không còn nguồn lực giúp họ phồn thịnh về mặt kinh tế, mà đã trở thành một mối quan ngại thực thụ về mặt chiến lược ».

Ngược lại thì Bắc Kinh cũng nhận thức được rằng họ sẽ gặp khó khăn khi phải đối phó với một phong trào đối kháng đoàn kết và có tổ chức. Vì vậy, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy một phương cách tiếp cận song phương, đàm phán trực tiếp với từng nước, và tốt nhất là một cách kín đáo trong hậu trường.

Thế nhưng Le Monde cũng tự hỏi là liệu tranh chấp có triển vọng được giải quyết hay không ? Tờ báo ghi nhận thái độ nước đôi của Trung Quốc. Một mặt Bắc Kinh tăng cường các cử chỉ hòa dịu bề ngoài, như bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào về một « Châu Á hài hòa », hay thoả thuận đạt được ngày 20 tháng 7 tại Bali (Indonesia) với ASEAN nhằm thúc đẩy một công cuộc "hợp tác thực tế" ở Biển Đông.

Mặt khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự, tăng đều đặn ngân sách quốc phòng – lên đến 119 tỷ đô la trong năm 2010, lớn thứ hai thế giới sau Mỹ (698 tỷ đô la) - và cho hạ thủy chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên ngày 10/08.

Đối với Le Monde, đó là những dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc sẽ không sớm từ bỏ tham vọng lãnh thổ của mình, bất chấp nguy cơ làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ trang tai hại trong khu vực.

Bài phỏng vấn chuyên gia Valérie Niquet dành cho báo Le Monde

Đòi hỏi chủ quyền cụ thể của Trung Quốc là gì ? Phải chăng chỉ giới hạn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thôi ?

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Nam Hải (tức Biển Đông). Điều này như vậy vượt xa phạm vi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong thực tế, đường ranh đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh – vốn là một đường không chính thức, nhưng lại xuất hiện trên nhiều tấm bản đồ mà họ công bố [đường ranh đó xuất phát trực tiếp từ làn ranh do một người Trung Hoa vô danh thuộc Quốc Dân Đảng vẽ nên vào năm 1947 trong một tập bản đồ, bao gồm gần như toàn bộ Biển Đông] – chạy dài đến tận biên giới của Indonesia. Trong thực tế, Indonesia cũng phải đối phó với những tham vọng của Trung Quốc, tương tự như là Brunei.

Ngoài vấn đề thuần túy địa lý, cần nên hiểu rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc gắn bó một cách chặt chẽ và ngày càng mạnh mẽ hơn song song với đà phát triển năng lực của họ. Trước đây, Bắc Kinh thực ra không có khả năng để hiện diện ở vùng Biển Đông, do đó các đòi hỏi của họ chỉ thể hiện trên mặt lý thuyết mà thôi. Ngược lại, ngày nay, họ đã có phương tiện hải quân (để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền).

Trong nhiều năm dài, lập luận được đưa ra để giải thích sự gắn bó của Trung Quốc với khu vực rộng lớn này thường là kinh tế : vùng biển này có nhiều nguồn tài nguyên, đặc biệt là dầu hỏa, được coi là rất hữu ích cho Trung Quốc. Bây giờ thì Bắc Kinh đang quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm an toàn cho các tuyến thông thương của họ.

Thật vậy, Biển Đông đóng một vai trò chiến lược hết sức quan trọng, không chỉ đối với Trung Quốc - mà còn cả đối với Nhật Bản và Hàn Quốc – vì đây là một tuyến qua lại với các nước vùng Vịnh, Châu Phi và Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, ngoài điểm vừa kể, theo tôi, còn có một yếu tố quan trọng hơn rất nhiều : đó là việc khẳng định lợi ích dân tộc để phục vụ cho tính chính đáng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, và ta có thể thấy rõ trong những tháng gần đây, là các luận điểm mang tính chất dân tộc chủ nghĩa của chế độ Bắc Kinh đã được tăng cường đáng kể, vừa đối với các láng giềng, vừa đối với Hoa Kỳ. Chính thứ chủ nghĩa dân tộc được kích động lên cực điểm đó đã chặn đứng và nghiêm cấm mọi giải pháp cho các tranh chấp hiện nay.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã làm cho người ta có cảm tưởng là họ vừa đấm vừa xoa (trên vấn đề Biển Đông), một mặt thì càng lúc càng tỏ quyết tâm khẳng định sức mạnh của mình, nhưng một mặt khác thì có những cử chỉ hòa hoãn, cụ thể là thỏa thuận với ASEAN mới đây. Bà có chia sẻ nhận định này hay không ?

Tôi không chắc là có một sự chia rẽ thực thụ giữa các giới chức quân sự và dân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi xét về các mục tiêu của Bắc Kinh tại Biển Đông. Theo tôi, vì muốn củng cố tính chính đáng về mặt ý thức hệ, quyết tâm chung của giới lãnh đạo Bắc Kinh là khẳng định quyền lực của Trung Quốc, kể cả bằng các phương tiện quân sự.

Có điều là các nhà lãnh đạo Trung Quốc ý thức rất rõ về những giới hạn còn tồn tại đối với năng lực của nước họ, và đối với việc khẳng định quyền lực này, đặc biệt ở châu Á. Khả năng của Trung Quốc, trên thực tế, vẫn còn khiêm tốn, mặc dù họ đã cho hạ thủy hôm 10/08 vừa qua một chiếc tàu sân bay, vốn chưa được trang bị bằng máy bay.

Bắc Kinh hiện có một thái độ nước đôi. Một mặt, họ áp dụng một chiến lược gây căng thẳng, nhằm mục đích đe dọa các nước láng giềng của họ, và nếu được, thì gây lo ngại nơi những người ở Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một chính sách hòa hoãn với Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh cũng tìm cách bảo toàn các mối lợi, đặc biệt là thương mại với Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN.

Họ đặc biệt muốn tránh việc tái diễn một kịch bản của năm 2010, khi các nước khác trong khu vực đã tranh thủ sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội, để lên tiếng đồng thanh ủng hộ một nghị quyết của Mỹ về việc bảo tồn của các tuyến thông thương hàng hải ở vùng Biển Đông.

Tựu chung, chính quyền Trung Quốc đang cố gắng không để đi quá đà, ngay cả khi ta thấy rằng họ vẫn bị xu hướng dùng sức mạnh cám dỗ. Trong vấn đề này, nên nhớ rằng Trung Quốc đang gần kề một cuộc họp lớn [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được tổ chức vào mùa thu năm 2012, đánh dấu sự đổi mới của tầng lớp lãnh đạo đất nước]. Tất cả các phe phái sẽ muốn củng cố vị thế của mình, chuẩn bị cho sự kiện đó, và có rất nhiều khả năng là các luận điểm dân tộc chủ nghĩa sẽ phát triển như diều gặp gió.

Từ các láng giềng trong vùng Biển Đông cho đến Hoa Kỳ, Trung Quốc e ngại nước nào nhất ?

Hiện nay, các nước trong khu vực đang có xu hướng tái võ trang, đi đầu là Việt Nam, đã mua tàu ngầm của Nga và nuôi dưỡng nhiều kế hoạch lớn nhằm xích lại gần Washington. Thế nhưng điều đó không làm Trung Quốc quan ngại, bởi vì trên bình diện quân sự, hiện nay họ thừa khả năng đối phó với các nước láng giềng.

Trong thực tế, nỗi lo ngại chính của Bắc Kinh là Hoa Kỳ. Cho đến một thời gian rất gần đây - và tôi nghĩ rằng điều này có thể cũng phần nào lý giải những căng thẳng hiện tại - Trung Quốc đã nuôi dưỡng ảo tưởng là vì bị sa lầy ở Iraq và Afghanistan, Hoa Kỳ không còn có đủ khả năng để can thiệp vào khu vực. Tuy nhiên, phán đoán chiến lược sai lầm đó hiện đang quật ngược lại Trung Quốc vì Bắc Kinh đang phải bực bội nhận thấy rằng không những nước Mỹ vẫn có khả năng hiện diện trong khu vực, mà họ lại còn không bỏ lỡ một cơ hội nào để nhấn mạnh quyết tâm quay trở lại châu Á.

Bà nhận định thế nào về chuyển biến trong khu vực trong những năm tháng sắp tới đây ?

Theo ý tôi, trong những năm tới, mọi thứ sẽ tùy thuộc vào sự chuyển biến trong nội bộ Trung Quốc, và cách thức chế độ này cải tổ hay không cải tổ. Do đó, có thể nghĩ rằng một nước Trung Quốc dân chủ hơn sẽ ít có khuynh hướng dựa vào một đường hướng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa như chế độ hiện nay.

Cho đến nay, Trung Quốc đã có thể trông cậy vào thái độ chừng mực, hợp lý của các đối thủ tiềm tàng, vì chưa hề thấy một phản ứng mạnh mẽ nào, cả từ phía người Mỹ cũng như từ người Nhật ở phía bắc. Tuy nhiên, với Việt Nam, tình hình không chắc là sẽ tiếp tục ổn thỏa như vậy, vì cả hai chế độ có nhiều điểm giống nhau. Trong thực tế, nếu Trung Quốc cứ tiếp tục tấn công tàu đánh cá Việt Nam khi này, khi khác, thì người ta không thể loại trừ nguy cơ một sự cố leo thang thành xung đột, ít ra là nghiêm trọng hơn những gì đã xẩy ra trong quá khứ.

(Nguồn: RFI)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
31 Tháng Giêng 2011(Xem: 22765)
Các điểm cần biết về biến động Tháng 1/2011 tại Ai Cập Phạm Văn Bân Dưới đây l à những vấn đề then chốt trong mối tương quan Mỹ-Ai Cập, được rút ra từ các báo cá o được công bố tuần này bởi Jeremy Sharp, chuyên viên của Sở Dịch Vụ Nghiên Cứu Quốc Hội, và bởi Jon Alterman, Giám Đốc chương trình Trung Đông thuộc Trung Tâm Chiến Lược và Nghiên Cứu Quốc Tế tại Washington.
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 26790)
MỘT TẤN BI KỊCH CÓ HẬU Hoàng Ngọc Nguyên Những con ngư ời lý tưởng đang mong đợi nhờ một bi kịch này mà ngôi nhà nước Mỹ sẽ là một thay vì phân hóa, rã rời. Người ta cũng dè dặt vừa kêu gọi vừa tin tưởng trước nỗi đau buồn củ a đất nước, con người sẽ có ý thức hơn về nhu cầu phải có lý lẽ (common sense) v à lễ độ trong cuộc sống xã hội để có thể gần nhau hơn và lâu dài hơn – không chỉ trong những lúc đau buồn, tang khó.
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 26202)
MỘT NĂM TRÔI QUA, MỘT THẬP NIÊN CHẤM DỨT, NHỮNG GÌ CÒN ĐỌNG LẠI Hoàng Ngọc Nguyên Có thể xem đó là thông lệ nhìn lại năm qua và thập niên qua đã trôi theo dòng đời như một giấc mơ. Tuy nhiên, cũng có lẽ ít có một khoảng thời gian nào trong đời lại có những tác động mạnh mẽ trong tâm tư và cuộc sống của chúng ta đến như 10 năm đã qua.
01 Tháng Giêng 2011(Xem: 26727)
LỜI NG ƯỜI RA ĐI Hoàng Ngọc Nguyên Hôm nay là ngày cuối của Arnold Schwarzennegger ở Sacramento. Ngày mai đây, ông sẽ trở lại làm thường dân – như chúng ta. Nhìn lại đoạn đường bảy năm vừa qua, ông nói rằng ông vẫn xứng đáng để được nguời ta gọi là “Terminator” - Người Sát Thủ - vai trò quen thuộc của ông trong điện ảnh trước khi ông bước vào đời thực với trách nhiệm thống đốc ...
01 Tháng Giêng 2011(Xem: 25640)
CALIFORNIA 2010 TRONG TRÍ NHỚ Hoàng Ngọc Nguyên Mỗi cộng đồng có một cách riêng nhìn lại địa phương của mình. Người Việt chúng ta ở California chẳng hạn, sẽ không nhìn 10 sự kiện lớn nhất trong năm hoàn toàn giống như người Mễ, ngưới da đen, người da trắng… Nhưng cũng dĩ nhiên sẽ có sự trùng hợp.
01 Tháng Giêng 2011(Xem: 24230)
CUỐI NĂ M BÌNH LUẬN CHUYỆN SANG NĂM Hoàng Ngọ c Nguyên Một ngườ i bình luận dè dặt hẳn phải nói: tình hình bây giờ khá hơn trước và hy vọng không bằng tình hình trong tương lai. Có lẽ đó là điếu ít nhất một người dè dặt có thể nói và ghi phát biều của mình vào sử sách.
26 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 27156)
Loạt bài đặc biệt 7 tỷ người Robert Kun zig Dịch và cước chú: Phạm Văn Bân, 12-21-2010 Cuộc tranh luận xuất hiện trong sự phát sinh của chủ trương báo động dân số, ở ngay chính cá nhân Giáo Sĩ Thomas Malthus. Vào cuối cuốn sách, trong đó ông lập khuôn khổ cho một luật cứng rắn rằng sự gia tăng dân số không được kiểm soát sẽ dẫn đến nạn đói...
26 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 25433)
THẤT NGH IỆP - TRỢ CẤP- GIẢM THUẾ Hoàng Ngọc Nguyên Đối với ngưòi dân, một hai tuần qua là một thời gian chẳng lành, tuy là người ta đã qua mùa Lễ Tạ Ơn, môt phần vì những tin không hay từ thị trường lao động bay tới, một phần vì sự leo thang trong chiến dịch khủng bố người dân. Hiện nay ai cũng lo lắng, ưu tư về vấn đề công ăn việc làm, ngay cả những ngưòi hiện không bị thất nghiệp.
25 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 26274)
XÔN XAO MỘT MÙA GIÁNG SINH Hoàng Ngọc Nguyên Nếu ta hỏi những người một thời đã từng lớn lên ở quê nhà trước năm 1975 Mùa Giáng Sinh nào trong đời lắng đọng nhất trong ký ức của họ, chúng ta chắc chắn sẽ ghi nhận được rất nhiều câu trả lời khác nhau tùy hoàn cảnh riêng của mỗi người. Nhưng có lẽ hai câu trả lời thường gặp nhất phải là Nô-en năm 1972 và Nô-en năm 1975.
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 21175)
Về mối quan hệ giữa Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường Mai Thái Lĩnh Trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ tập trung vào một số chi tiết có liên quan đến cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh - nhất là mối quan hệ giữa nhà dân chủ yêu nước này với nhà yêu nước Phan Văn Trường nhằm giúp cho độc giả có được cái nhìn khách quan, đúng đắn hơn về một trào lưu đã có ảnh hưởng nhất định đến lịch sử của nước ta trong thế kỷ 20, nhưng những di sản để lại vẫn còn có ảnh hưởng kéo dài qua thế kỷ 21.
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468