DÕI BÓNG

26 Tháng Tư 201012:00 SA(Xem: 52455)
DÕI BÓNG
634079170852928653_400x278

 

 

 D õ i b ó n g

 

 

John ném một xấp thư đủ loại trên bàn ăn rồi vặn Ti vi coi tin tức thời sự trong ngày. Quýnh quáng làm sao, chàng đã làm đổ ly cam vắt mới uống được một nửa vào bao thư dầy cộm nằm chênh vênh trên mép bàn. Với tay lau khô bao thư cũ kỹ, tên người gửi lạ hoắc, không ghi địa chỉ. Người nhận thì rõ ràng là chàng : John Nguyễn cùng địa chỉ thật chính xác. Xé toạc bao thư khổ lớn, liếc qua loa, định liệng vào thùngmình rác cho đỡ chật nhà. Sơ ý chàng làm vung vãi hàng chục cánh thư trên sàn nhà, đủ loại giấy khác nhau, vừa cũ kỹ, vừa nhầu nát pha trộn với một vài lá thư giấy trắng tinh. Lật qua lật lại, chàng thấy chúng được ghi những ngày tháng hoàn toàn khác nhau. Có thư thì ghi năm 1970, có cái thì lại ghi năm 2000. Nét chữ trông êm nhẹ, xinh xắn, hầu như của phái nữ. Một số hàng chữ trông có vẻ mờ nhạt, như bị thấm nước. Mặc kệ ai gửi, John vất chúng tung toé trên bàn, rồi nhẩy xổ vào bồn tắm, ngâm trong khối nước ấm áp cho khoẻ khoắn, vơi bớt đi những bực bội chàng đã phải đối phó chiều nay với đám kỹ sư ương ngạnh dưới trướng. Leo lên giường, John thiếp đi lúc nào không hay. Một chiếc hôn nồng ấm và giọng nói ngọt ngào đánh thức chàng dậy:

 -Hello cưng, thức dậy,ăn tối với em chứ .

Janet tươi mát trong bộ đồ ngủ khiêu gợi với mùi nước hoa êm dịu, thơm ngọt.Nàng sà vào giường, vờn đôi tay nuột nà, véo nhẹ đôi má xương xẩu, khắc khổ của chồng. Sau bữa ăn chung với vợ John hầu như quên hẳn xấp thư xa lạ kia. Chàng chúi mũi vào Ti vi, tham gia hăng hái vào trận đấu basket ball giữa đội Lakers và đội Pacers. Vừa hớp ly bia, vừa hò hét , cổ võ đội gà nhà, đôi khi John lại nhả một tràng tiếng chửi thề, khi họ hụt hẫng một trái banh dễ ợt. Janet quá quen thuộc với lời ăn tiếng nói, xem ra thô tục, nhưng đáng yêu kia của chồng. John cũng như bạn bè của chồng, mỗi khi tập họp nhau coi đánh banh, đấu võ, đều đam mê cuồng nhiệt, tuôn ra những lời giận dữ làm chói tai phái đẹp. Hầu hết các đấng phu nhân kia đều đã quen thuộc lời ăn tiếng nói ghê rợn ấy rồi. Tất cả như đồng loã, quen tai, tới mức độ hoà nhập luôn kiểu cách phát ngôn khủng khiếp ấy.

Mặc dù không phải của mình, nhưng các cánh thư lại vương vãi khắp đó đây, Janet tò mò, cầm đại một tờ ghi năm 1970 lên đọc. Kiểu cách viết giống như một hình thức hồi ký.

…Năm 1970.

 John con,bây giờ đã tới tháng tám.Con đã được sáu tháng. Không hiểu giờ này con mập ốm ra sao? Mẹ thật khổ tâm và thương nhớ con. Ngày chủ nhật,mẹ đã theo đuôi một phái đoàn của dòng Chúa Cúu Thế, tới cô nhi viện Gò Vấp -nơi con đang được nuôi dưỡng- để an ủi các em cô nhi,cũng như tham gia hoà nhập các sinh hoạt,hầu xoa dịu phần nào những thiếu thốn tình thương mà chúng đã bị cướp mất,quên lãng... Bảng tên mà mẹ đã cố tình gắn vào áo của con, cũng như đã khắc vào chiếc lắc bạc nơi chân con vẫn còn nguyên vẹn. Hình thức ấy như ngầm nhắc nhở các sơ tên tuổi và ngày sinh rõ ràng của con, mặc dù con đã bị người mẹ khốn kiếp này bỏ rơi, mang con tới trước cổng cô nhi rồi lủi mất như con mụ đàn bà trắc nết. Mẹ đã mượn máy ảnh của phái đoàn và chụp được hình của con. Dù con không mụ mẫm như con cái người khác nhưng trông con thật khoẻ mạnh, luôn cười tươi mỗi khi mẹ dỡn với con. Khi rời viện cô nhi cùng với phái đoàn ,mẹ đã không cầm được nước mắt vì xa và nhớ con.

Chuyện tình của mẹ với chàng lính Mỹ xa nhà như một tì vết đắng cay, dầy xéo lên thân phận người con gái Việt nghèo khổ với bao tủi nhục, phỉ báng của chị em, cha mẹ, bạn bè, thân thuộc…Sống trong một gia đình công chức bình thường,đông đảo anh chị em,mẹ cảm thấy đời sống nhà mình quá đạm bạc. Đời sống xa hoa,phù phiếm bên ngoài như có sức thu hút mãnh liệt, làm loé mắt con tim khờ dại của cô nữ sinh trung học trường công giáo. Vvới chiếc áo dài bạc mầu và chiếc xe đạp cũ kỹ lỗi thời, cô nữ sinh ngây ngô kia đã a dua theo bạn bè, xin vào làm việc cho quân đội Mỹ. Những món hàng quá hời và kiếm tiền quá dễ dàng tung ra từ PX của Mỹ đã làm mờ mắt cô bé nghèo khổ . Nàng đã bắt đầu sắm sửa xe Honda láng bóng, phóng chạy như bay trên đường phố Sài Gòn hoa lệ cùng với áo đầm, áo dài đủ kiểu, đủ loại, làm loé mắt thiên hạ. Với sự giúp đỡ quá tận tình của trung uý Richard, cô gái Việtđã lấy hàng ra khỏi thương xá Mỹ thật êm thấm, trôi chảy. Mối tình Mỹ , Việt cũng rộ nở theo thời gian. Những đam mê chất ngất như làm cho cô gái quay cuồng,quên hết những lễ nghi Nho–Khổng. Những âu yếm,ôn hít công khai ngoài đường phố làm cho thiên hạ xầm xì, khinh chê. Hậu quả của mối tình vội vàng, ân nghĩa là nàng cưu mang giòng máu ngoại tộc. Người con gái bắt Richard làm đám cưới cho danh chính ngôn thuận của gia đình lễ giáo Việt Nam. Nhưng chàng sĩ quan trẻ tuổi chỉ đánh trống lảng. Dần dần,chàng ta lại âm thầm xin cấp trên đổi đi tới một phương trời xa lắc, không ai biết rõ đơn vị ấy bây giờ nơi đâu. Xấu hổ, lẫn thất vọng,nàng đã âm thầm vác chiếc bụng,ngày càng nhô cao về tá túc nơi vùng quê tận Cà Mâu để sinh con và thoát khỏi những con mắt xoi mói, dòm ngó của hàng xóm và bà con thân thuộc.

Con oe oe chào đời thật bụ bẫm dễ thương. Mái tóc quăn quăn, mũi cao, mắt xanh biếc, cùng chiếc bớt đỏ thẫm sau vành tai trái to như đồng tiền là một dấu hiệu kỳ lạ để mẹ rất dễ nhận diện con sau này nếu chẳng may có chuyện gì xẩy ra . Mồm lúc nào cũng chép chép háu đói như chim non chờ mồi. Hình ảnh xinh đẹp, thiên thần của con như an ủi, ấm áp, tràn ngập yêu thương, làm mẹ quên đi cuộc sống thực tế đoạ đầy của mình.

Mang con về với ông bà ngoại vào khoảng mười giờ khuya ,khi mọi người trong hàng xóm đã rục rịch lên giường. Mẹ đã dấu con trong túi xách,lén lút trở về nhà như một kẻ ăn trộm, một tội đồ mới được sự khoan hồng của chính quyền. Tưởng mọi người trong gia đình sẽ thương yêu, đùm bọc, nâng niu con, nhưng tất cả đều ngoảnh mặt làm ngơ. Những tia nhìn lạnh lùng, những lời nguyền rủa độc ác, xóc óc như những chiếc búa tạ giáng xuống đầ làm mẹ thẫn thờ phờ phạc như kẻ tội lỗi tầy đình, phá huỷ gia phong ông bà…Hình ảnh ngoại lai, xa lạ của con như một ung nhọt, một bệnh truyền nhiễm ghê tởm mà mọi người muốn loại bỏ, phá huỷ. Mẹ đã cố gắng năn nỉ gia đình, cho con ở lại một thời gian ngắn, cho thân thể cứng cáp rồi mới tìm cách đưa con đi. Nhưng những tiếng oe oe, khóc rống của con khi thiếu sữa làm mọi người bực mình. Lúc ấy,mẹ chỉ biết bịt chặt lấy chiếc miệng xinh xắn của con như không muốn những âm thanh non dại lọt ra ngoài hàng xóm hay ra ngoài phòng khách khi nhà có người lạ tới chơi.Thật đớn đau và khổ tâm cho mẹ. Thế rồi, một buổi sáng tinh mơ, khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc nồng,mẹ đã âm thầm lén lút mang con tới trước cô nhi viện Gò Vấp, hy vọng sẽ có người ra bồng con vào nơi an toàn. Mẹ đã băng qua đường, đứng chờ trước cửa quán cà phê mở cửa,cách khá xa cổng viện cô nhi nhưng cũng đủ tầm nhìn để theo dõi chiếc chăn bé nhỏ, bao bọc lấy con. Mẹ đã cố ngồi thu mình trong góc tối tăm nhất, với chiếc mũ xùm xụp che hết vầng trán và đôi mắt như không muốn cho bất cứ ai có thể nhìn thấy rõ mình. Mùi cà phê thơm ngon bốc khói, như làm mắt mẹ cay sè, che lấp những giọt lệ tuôn trào, rơi lả chả xuống ly cà phê vô tình bất hạnh . Lòng mẹ xốn xang, ruột gan cồn cào trước những tiếng la hét dẫy dụa của con. Hơn một tiếng đồng hồ,vẫn không thấy ai ra cổng. Tiếng la thất thanh của con như ngày càng lịm dần. Trời ơi, con tôi có sao không? Ôi người mẹ khốn nạn. Tại sao mày lại bỏ rơi con mày? Mày có xứng đáng làm con người hay không? Mẹ khóc nấc lên làm một vài người khách uống cà phê tò mò thắc mắc. Mẹ định phóng chạy ra, ôm chầm lấy con để hai mẹ con mình lạc loài vào một chân trời vô định. Nhưng chân tay mẹ như khô cứng lại, tê dại,không làm sao nhúc nhích được. Thời gian trôi qua chậm chạp. Gần hai tiếng đồng hồ,mới thấy một bà sơ già, đang ngáp ngủ, quơ chiếc chổi cùn, hất qua hất lại trên đám lá khô nằm ngổn ngang trong sân. Bất thình lình con khóc rống lên làm bà sơ già kia giật mình dụi mắt hướng về phía cửa trước. Nhác thấy hài nhi, Sơ liệng chiếc chổi, hối hả ra mở cổng, ôm ấp con vào trong viện. Mẹ thở phào nhẹ nhõm, nước mắt tuôn trào hạnh phúc. Cám ơn Chúa, cám ơn Thượng Đế, cám ơn những người từ tâm đã giúp đỡ con, cưu mang nuôi nấng con. Con ơi, hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ hy vọng một ngày nào đó, sẽ tới viện bồng bế con trở về.

Vắng bóng hình ảnh của con, mất đi tiếng khóc oe oe của trẻ thơ như làm cho không khí gia đình mẹ êm đềm, tươi vui trở lại. Bố mẹ và toàn thể các anh chị em trong nhà đang hớn hở,chào đón mẹ như một người thân thiết, một người làm cách mạng cuộc đời, dám gạt bỏ giọt máu thân thương của mình để trở về với nếp sống bình thường của một người con gái, một nữ sinh trường công giáo thuỳ mị, hiền lành, ngoan ngoãn, đáng yêu dạo nào…Với tuổi đời non dại,mười tám cái xuân xanh, đáng lẽ mẹ đang là nàng nữ sinh tươi vui nhí nhảnh với bao mộng mơ, xây dựng tương lai êm đẹp nơi cánh cửa rộng mở của các đại học. Nhưng giờ đâ ,mẹ đã trở thành thiếu phụ, mất hết tương lai, nghi ngờ cuộc đời, oán hận dĩ vãng khờ dại…Tuy vậy,hình ảnh thân thương của con,như một an ủi, một hạnh phúc dấu kín luôn luôn bao trùm lấy mẹ, khuyến khích mẹ mạnh dạn tiến bước trên đường đời…”

John đã tắt ti vi,mang ly nước lọc kéo ghế ngồi sát bên vợ, tò mò nhìn vào đôi mắt mờ lệ của nàng, ngạc nhiên hỏi :

 -Ủa,có gì đặc biệt trong thư mà làm cục cưng của tôi long lanh thế kia ?

 -Cuộc đời khốn khổ, đau thương của một người đàn bà bất hạnh.

 -Có gì lạ đâu. Ngoài đời thiếu gì cảnh ấy, hơi sức đâu mà thương vay, khóc mướn. Thôi tắt đèn đi ngủ,mai mình còn phải đi cầy chứ cưng.

 -Người đàn bà này liên quan mật thiết tới anh. Người mẹ mà anh đã bao năm nay đang mòn mỏi đi tìm đấy.

Câu nói bất ngờ ấy của vợ làm John sửng sốt. Chàng với tay, lôi xấp thư trước mặt nàng, vô tình làm rơi một vài tấm hình vừa đen trắng vừa hình mầu .Cả hai ngơ ngác cùng nhau nghiên cứu vài tấm hình xa lạ kia. Toàn là hình em bé. Có cái trông như sáu bẩy tháng. Một tấm hình khác lại chụp cậu bé đang tập chạy. Một bức hình mầu chụp cậu bé trông như người tây phương, khá cao lớn, chắc khoảng năm sáu tuổi, mặt mày lem luốc, quần áo nhầu nát dơ bẩn, đang ngồi bên lề đường đánh giầy cho một ông tây to lớn bự con mồm ngậm điếu xì gà đang nhả khói mơ màng.

 Janet đẩy bức thư mầu giấy hẩm hiu qua phía chồng, xô ghế đứng dạy,không quên lời an ủi khuyến khích:

 -Ráng đọc đi anh. Chắc có nhiều điều bí ẩn,tâm sự của người mẹ đáng thương muốn dãi bày cho anh đấy.

“…John ơi hãy tha thứ cho mẹ. Cuộc đời mẹ còn dài. Giờ đây mẹ mới mười chín tuổi đời. Mẹ không còn lòng dạ nào tiếp tục theo đuổi con đường học vấn mà bố mẹ của mẹ vẫn còn mong mỏi,khuyến khích. Mẹ được người quen cho vào làm chức vụ phụ tá giám đốc thuộc bộ thông tin. Lương bổng cũng đủ sống qua ngày. Nhờ sắc đẹp duyên dáng mặn mòi, nhà mẹ đã bắt đầu có nhiều chàng thanh niên vào ra tán tỉnh, ngỏ lời cầu hôn với mẹ. Mẹ không từ chối, cũng chẳng vồ vập. Lòng mẹ ngổn ngang. Người mẹ băng giá. Ngồi tiếp khách lạ mà như học trò lười biếng trả bài. Chị em hùa nhau bôi son trát phấn cho mẹ như thể mẹ sắp lên sân khấu cải lương trình diễn. Họ lại còn tụt quần tụt áo mẹ ra như thể mới lên hai lên ba vứt bỏ những bộ áo quần nhầu nát, và thay thế bằng những bộ đầm căng nứt cụt ngủn, hở vú hở đùi ,khiêu khích, thu hút đám đàn ông khờ dại hiếu sắc. Mỗi lần tiếp xong vài đám khách, mẹ lại ùa vào bồn rửa mặt gội rửa cho hết những lớp mầu lớp phấn bẽ bàng để hiện nguyên hình một thiếu phụ trắc nết xấu xa đã dám vứt bỏ quên lãng dòng máu ruột thịt thân yêu của mình. Thái độ hờ hững lạnh tanh của mẹ làm cả nhà hờn mát,nói năng nặng nhẹ đủ điều. Có kẻ lại sừng sỏ lớn tiếng mắng mỏ dậy đời :

 -Cô tưởng cô là ai? Công chúa của hoàng cung chắc ? Gái chửa hoang mà không biết xấu hổ, lại còn lên mặt ! Cũng may mà còn tí sắc đẹp không thì không thì…có ma nó ngó ngàng tới !

Mẹ đớn đau, âm thầm gạt lệ. John ơi, con có thương mẹ không ? Có hiểu cho mẹ không con ?

..năm 1971.

Cả hơn năm nay,mẹ chưa vào thăm con. Tha thứ cho mẹ nghe con. Trời đất quỷ thần ơi ! Nhìn thấy con, mẹ không nhận ra con đấy. Bốn răng trên,bốn răng dưới trắng trẻo, xinh xắn đều đặn. Chân con bước đi mà vội vàng như muốn chạy. Người nghiêng ngả về phía trái, về phía phải như muốn ngã làm mẹ lo sợ. Thân thể con cao lớn khác thường nếu so sánh với các cháu bé đồng trang lứa. Người lại khoẻ mạnh chắc nịch,làm mẹ hãnh diện an tâm. Con còn biết bập bẹ tiếng chào đón, cám ơn khách khứa, hội đoàn, những người từ tâm bao bọc từ khắp nơi đổ về. Nhận làm người bảo trợ đặc biệt cho con, mẹ đã mang cho con một hang đá bằng nhựa với các đường nét tinh xảo của chúa hài nhi, mẹ Maria, thánh Giuse cùng đoàn chiên lúc nhúc. Con vui mừng, ôm hộp quà vào lòng, miệng líu lo lời cám ơn ngọng nghịu :

 -Con cám ơn pà.

Mẹ ôm con rưng rưng giọt lệ. Con ơi, đáng lẽ mẹ phải ôm con thật chặt, dắt díu con đi phố, mua sắm cho con thật nhiều đồ chơi. Sắm sửa cho con nhiều quần áo mới. Nhưng luật lệ của viện,không cho phép mẹ làm như vậy. Mẹ dành cả tháng lương cuối năm, tặng cho họ. Nhưng số tiền lương ít ỏi của mẹ có thấm thía vào đâu so với số lượng đông đảo các em bất hạnh kia. Nhân dịp này, mẹ cũng chụp bức hình con vừa ôm quà, vừa từ từ tiến bước

..Ngày cuối năm.

 Trước những chỉ trích cay đắng,những quan niệm cổ hủ lỗi thời của gia đình, cùng sự cô đơn, dầy vò ghê gớm tràn ngập, mẹ đã nhắm mắt đưa chân, buông trôi tương lai hạnh phúc xây đắp đầy mộng tưởng của mình để gật đầu lấy đại một người xa lạ tuốt bên trời Chợ Lớn. Sau khi thăm con trước lễ Giáng Sinh một tuần, mẹ thành hôn với một người Việt gốc Hoa. Người này tuổi cũng khá nhiều, gần gấp đôi tuổi mẹ. Lạc vào một khu vực hoàn toàn kỳ quái với ngôn ngữ líu lo, mẹ giống như một quái vật để mọi người tò mò, thắc mắc dòm ngó với ánh mắt ái ngại, nghi ngờ. Mẹ trở nên cô đơn, lạc loài như người bị rớt máy bay, lang thang giữa sa mạc mênh mông hoang vắng. Một điều an ủi duy nhất, người chồng này khá giả, làm chủ nhiều cơ xưởng ở Chợ Lớn, với rất nhiều kẻ ăn người làm trong nhà. Có người chồng giầu, mẹ hy vọng sẽ dư dả tiền bạc,giúp đỡ thật nhiều cho viện cô nhi. Mẹ lại càng có tham vọng thuyết phục được ông chồng sẽ nhận con về làm con nuôi cho bù đắp lại những thiếu thốn vật chất cùng tình thương yêu săn sóc mà con đã mất đi từ bấy lâu nay. Mẹ mơ màng, lệ tuôn trào tràn ngập hạnh phúc khi được ôm con vào lòng ve vuốt chơi đùa với con. Nhưng con ơi giấc mơ đơn giản kia chừng nào mẹ mới thực hiện được? Người chồng già giầu có, vóc dáng khó coi như đang dòm ngó mọi hành động của mẹ làm mẹ ưu tư đắn đo trước mọi cử chỉ lời ăn tiếng nói của mình. Ngay cả công việc cũ của mẹ nơi bộ thông tin cũng lần lần bị ông chồng mới tìm cách gạt bỏ. Hành động ấy như phản ảnh sự ghen tương âm thầm giữa người chồng già ít học với cô vợ trẻ giữa đám thanh niên láu lỉnh đẹp trai nơi công sở của mẹ? Với thức ăn thịt thà dư thừa, các loại rượu thuốc bắc tẩm bổ liên tục đầy ắp,người chồng hùng hục làm tình như không ngơi nghỉ. Mẹ ngất ngư đáp lễ như kẻ nô lệ tình dục. Không đam mê, tình tứ yêu đương, hoà nhập ngút ngàn, mẹ bị vùi dập như con thuyền chòng chành sấp ngửa giữa gềnh thác ào ào đổ dốc…

…1974.

 Sau ba năm làm vợ người chồng già mẹ sinh ra hai đứa con, một trai và một gái. Với hai con nhỏ,mẹ không còn nhiều thời giờ để tới viện chăm sóc và vui đùa với con. Nếu có tới đây thì cũng vội vàng, ngắn ngủi, thập thò như kẻ ăn trộm. Người chồng đa nghi và hay ghen tương kia như tạo ra bức tường vô hình ngăn chặn tình yêu mênh mông giữa hai mẹ con ta. John ơi,hãy thông cảm và tha thứ cho mẹ nghe con. Nhờ hai đứa em của con, mẹ đã kiếm mọi lý do để tới Gò Vấp thăm con. Mẹ luôn luôn phải nói dối với người chồng là ông bà ngoại rất thương nhớ hai cháu nên mẹ phải mang chúng về cho ông bà âu yếm nâng niu chơi đùa với chúng vài ngày để an ủi tuổi già. Mỗi lần như thế, người chồng lại quắc mắt lên, lườm lườm nhìn mẹ như phản đối, nghi ngờ. Nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận, không quên vớt vát vài câu nhắn nhủ đe doạ :

 -Ừ thì đi đi,nhưng nhớ về sớm, đừng lê la kề cà đó đây. Coi chừng tôi !

Một buổi chiều nơi cô nhi viện…

Đứng xa xa,nhìn con cùng với mấy chục em cùng lứa tuổi đang tập hát những bài thánh ca với giọng thánh thót trẻ thơ như ru hồn mẹ vào một cõi xa xăm thoát tục. Những lời ca êm dịu, ngọt lịm như một dư âm mờ nhạt, đến từ một cõi mơ hồ nào đó,tưởng như nghìn dậm xa xôi, mất hút trong tâm tưởng mà từ mấy năm nay mẹ đã quên lãng như một kẻ vô thần. Người mẹ đau khổ, khờ dại,mê man chạy đua theo vật chất xa hoa phù phiếm hầu như đã mất hết niềm tin. Giờ đây, tiếng hát thánh thiện nhẹ nhàng trong vắt của con và đám trẻ vô tội kia như tiếng chuông vang dội, đánh thức, kêu gọi mẹ hồi tỉnh, sống lại với thời xa xưa êm đẹp bình an khó nghèo của niềm tin sắt son nơi đấng từ bi nhân hậu. Khi con cùng bè bạn đượcnghỉ ngơi,mẹ đã chạy ùa lại chỗ con,nước mắt nhạt nhoà. Con ngạc nhiên,an ủi mẹ :

 -Thưa bà, bà có sao không ?

Mẹ lau nhanh giọt lệ long lanh,giả lả cười đùa với con :

 -Cám ơn cháu, tôi không sao. Các cháu hát hay quá làm tôi cảm động đấy thôi. 

 Năm nay cháu được mấy tuổi ?

 -Thưa bà, Sơ nói, con đã được bốn tuổi rồi ạ .

 -Mới bốn tuổi mà trông cháu cao lớn như lên tám. Chúc mừng cháu nghe.

 -Dạ cháu cám ơn bà.

Những đối đáp rõ ràng, dễ thương ngoan ngoãn kia như xuất thân từ những gia đình lễ giáo làm mẹ lại càng cảm động nể phục đường lối giáo dục, săn sóc chu đáo của những vị Sơ suốt đời hy sinh tận tuỵ cho tha nhân, cho đức tin. Trước khi rời khỏi viện,mẹ đã trao cho Sơ một số tiền khá lớn mà mẹ đã bán đi từ những nữ trang quý giá do anh chồng kia đã tặng cho mẹ từ những buổi đầu gặp gỡ tán tỉnh làm quen…

…1975

 Tình hình nước nhà xoay vần. Chế độ xa lạ kỳ quặc phủ ập đến. Người chồng lo lắng, tìm mọi cách để bán tống bán tháo cơ xưởng. Ông ta liên lạc với họ hàng hang hốc từ Đài Loan cho tới Hồng Kông để cố gắng tẩu tán mọi thứ tài sản chìm nổi mà ông ta cùng mấy đời cha ông đã chắt chiu gầy dựng. Sự hồi hộp lo sợ làm tất cả dân miền Nam ngất ngư chết đứng trước cơn hồng thuỷ của một chế độ bạo tàn huỷ diệt mới. Dù mù tịt chẳng biết gì về chính trị, thể chế này, chế độ kia, mẹ cũng bị chết chìm trong cơn lốc ghê rợn ấy. Sau ba tháng hồi hộp trong chế độ mới, mẹ cố gắng lân la tới nơi con trú ngụ. Trời đất ơi ! Một nơi trước kia ồn ào náo nhiệt tiếng chơi đùa của trẻ thơ,giờ đây trở thành cô quạnh, xơ xác như một cổ thành hoang tàn lạnh lẽo. John ơi. Con ơi. Bây giờ con phiêu bạt nơi nào? Chiếc cổng sắt hoang sơ, quàng quanh một chiếc xích sắt han rỉ vô hạnh, nghèo nàn như con rết chết khô tội tình. Không một hình bóng áo đen, áo xanh, cổ trắng nào xuất hiện. Tất cả như ngôi nhà hoang vô chủ. Lá khô tràn ngập bít lối. Mò mẫm tìm tòi hỏi han mấy khu xóm chung quanh mới hay viện cô nhi đã bị chế độ mới hất hủi,chà đạp. Viện ấy còn bị chê bai là tàn tích ô nhục của chế độ đế quốc. Đám con lai khốn kiếp kia bị hất tung ra ngoài đời, tứ cố vô thân, đầu đường xó chợ, không đáng được sự giúp đỡ , bảo trợ của chế độ mới. Người ta muốn vùi dập đoạ đầy, trả thù bêu riếu những lũ con ngoại lai xấu xa như tát thẳng vào mặt những kẻ muốn học đòi theo lối văn minh vật chất mù quáng bám đít đế quốc tư bản…Những bà sơ đáng kính đáng yêu ,bị tống khứ ra khỏi viện, bung ra ngoài đời làm lao động cho cuộc đời vinh quang theo đúng tôn chỉ của chế độ. Mẹ mếu máo thẫn thờ. John ơi! Làm sao mẹ có thể tìm được con? Mà nếu may mắn thấy được bóng dáng con thì người mẹ bất lực này có thể làm được gì ? Chẳng lẽ mẹ dám rước con về chung sống với mấy em con hay sao? Trời ơi con tôi. Tôi phải làm sao đâ ? Chẳng lẽ đứa con yêu dấu kia của tôi đã chết bờ chết bụi hay đang sống vất vưởng nơi đâu? Mẹ trở nên biếng ăn mất ngủ, lo lắng tai hoạ vô tình đang giáng xuống tấm thân vô tội của con. Chẳng lẽ mẹ chịu ngồi yên giam hãm mình trong căn nhà hoang lạnh, mênh mông này hay sao? Mẹ phải ráng sức tìm cách thoát khỏi vòng vây kiềm toả của đám người xa lạ này hầu may ra mới có cơ hội tìm thấy con. Cầu xin ơn trên giúp mẹ can đảm tìm được lối thoát.

 Trước những lo lắng tràn ngập,người chồng của mẹ như không còn để ý tới mấy mẹ con nữa. Suốt ngày ông ta chỉ biết chạy ngược chạy xuôi xuống tuốt mấy tỉnh xa lắc ở miền tây. Hoặc đôi khi ông ta có thể đang âm thầm chuẩn bị cho một cuộc đi xa bí mật mà mẹ chưa bao giờ được ông hé răng thì thầm. Âu đây cũng là dịp may bất ngờ. Mẹ tìm cách đưa hai em con về cư ngụ với ông bà ngoại và họ hàng nhà mẹ mà người chồng chẳng mảy may phản đối, lại còn phủi tay thúc dục cho đi. Thế mới thật là khó hiểu và may mắn. Cơ hội ngàn vàng đã điểm. Mẹ một mình lang thang ngoài đường phố đông đúc người qua lại với hy vọng mỏng manh là có thể tìm thấy con, quan sát được mọi sinh hoạt, ngắm nhìn vóc dáng của con dạo này cao lớn, gầy ốm ra sao. Mẹ lê la tấm thân mệt mỏi nhưng can trường và đầy hy vọng. Ròng rã gần ba tháng trường, mẹ đã nhiều lần gặp gỡ hỏi han được một số em cô nhi đang sống vất vưởng, ngủ bờ,ngủ bụi giữa chợ đời nhưng hình bóng đặc biệt của con thì vẫn biệt vô âm tín. Những cảnh dành dật, đánh nhau khốc liệt,đôi khi thảm khốc tới độ máu đổ giữa đám trẻ vô nhà nhan nhản xẩy ra trước mắt mẹ càng làm cho tim mẹ nhói đau khổ tâm hơn. Làm gì còn ai, tôn giáo hay hội đoàn nào…dám đứng ra quy tụ các đám trẻ vô tội nữa. Cả mấy chục triệu dân miền Nam sung túc xưa kia bây giờ cũng bị bung ra ngoài đời, bon chen, lường gạt, buôn thúng bán bưng, lôi hết đồ đạc, vật dụng quý giá cho tới xoàng xĩnh tầm thường, bầy bán ngoài đường để sống qua ngày như đang sống thụt lùi của thời sơ khai man rợ…Vậy thì toàn dân đâu có khác gì những đám trẻ bất hạnh không nhà! Thật đớn đau và ô nhục cho con người được mệnh danh là sống giữa thời đại văn minh…

 

Ngày tháng trôi qua nhanh. Mới đó mà đã hơn một năm. Bệnh tật, mưa nắng, mệt mỏi giáng xuống thân xác một thiếu phụ còn trẻ măng mới hơn hai mưoi lăm cái xuân xanh nhưng không cản nổi lòng khao khát nhớ thương dòng máu yêu thương đã bị gạt bỏ oán trách không thương xót giữa lòng dạ sắt đá hẹp hòi của một thế hệ chìm đắm trong phong tục lỗi thời, khép kín, ngu muội, ích kỷ. Với ý chí kiên cường, lòng thương nhớ con vô biên mẹ phải vượt qua tất cả gian nan để lại tiếp tục lê lết khắp mọi ngõ ngách của thành phố hoa lệ rộng lớn mênh mông,chỉ với một hy vọng mỏng manh,đơn giản là được nhìn thấy mặt con. Giờ đây,mẹ làm việc một cách khoa học hơn. Mẹ mua bản đồ vùng Saigon cùng ngoại ô. Mẹ chia thành khu vực để lê la tấm thân tàn. Mẹ gạch vào những vùng nào mẹ đã đi qua.Bất cứ trẻ em lai nào, trạc cỡ tuổi con, mẹ đều cố gắng lân la làm quen, hỏi thăm tên tuổi, cùng viện cô nhi đã trú ngụ trước đây…Với bộ bà ba đen bạc mầu, chiếc nón bụi bậm tơi tả tụt chỉ, đôi dép vẹt đế, mẹ ngồi thu mình mệt mỏi trên mấy bực thềm của Lăng Ông Bà Chiểu vùng Gia Định nghỉ chân. Lau vội những vệt mồ hôi lã chã, vừa dùng nón quạt phành phạch như muốn phủi bớt những cơn nắng chói chang phủ ập xuống thân phận con người, thì một bé gái, da đen dòn chạy tới, lắc lắc vai mẹ như đánh thức báo tin :

 -Thưa cô,tụi cháu đã tìm thấy thằng lai rồi. Cô có muốn gặp không ?

Như vừa từ cung trăng trở về, mẹ giật mình líu tíu hỏi cô bé kia :

 -Cháu muốn nói ai,có phải John không ?

 -Cháu không biết tên,chỉ biết nó lai Mỹ trắng, khoảng sáu bẩy tuổi, có vết đỏ sau

 tai trái như cô đã hỏi cháu mấy tuần nay.Thật hên cho cô,nhờ bạn cháu đánh

 giầy chung với tụi nó trên Saigòn,nên cháu mới biết đấy.Đám ấy,hình như tụ tập

 nhau ngủ gần công viên trường đại học văn khoa Sài Gòn và làm ăn quanh quẩn

 gần đó.Cô thử lên vùng Sài Gòn xem sao.

John ơi, mẹ sung sướng quá. Nước mắt mẹ tràn ngập hy vọng. Mẹ nắm chặt tay cô bé , như muốn làm em nhăn mặt nhíu mày đớn đau. Mẹ buông tay cô bé tốt bụng kia không quên dúi vào tay em ít tiền với lời cám ơn lẫn xin lỗi. Thật vội vàng, mẹ thuê taxi phóng thẳng lên khu bùng binh ngã sáu Sái Gòn, hy vọng tìm được con sớm. Mẹ đi lang thang hết khu chợ Bến Thành, qua đường Gia Long, lết tới khu toà đô chánh. Tới khoảng đầu đường Tự Do,mẹ bắt gặp mấy đám đánh giầy đang níu kéo một vài người khách ngoại quốc. Mẹ sà tới hỏi thăm tên con,thì chúng biết ngay và chỉ cho mẹ thấy một cậu bé đang ngồi bệt xuống đường, tay kéo tấm vải cũ kỹ,chùi qua,chùi lại trên chiếc giầy mầu đen ngoại khổ của một người tây phương to lớn đẫy đà. Ông ta ngồi che kín hết chiếc ghế nhỏ xíu, mồm ngậm điếu xì gà to tướng, mắt mơ màng, pập pập nhả khói,như đang thưởng thức khói thuốc thơm lừng. Mẹ đi vòng ra phía sau lưng ông tây to lớn để ngắm nhìn con. Thân thể con vẫn cao lớn như xưa nhưng gầy gò, đen đủi, lam lũ với chiếc mũ cói rộng vành rách tua tủa. Chiếc áo sơ mi ca rô mẹ dặn Sơ tặng con, giờ đây trông thật vừa vặn ,nhầu nát với nhiều vết đen, nâu nơi gấu áo. Chờ lúc con sơ ý, mẹ đi vòng ra gần bên hông hai người, dơ máy ảnh lên chụp. Hình ảnh thân thương của con nhập vào máy, trôi tuột vào trái tim đau thương khốn khổ của mẹ. Không kiềm chế nổi thổn thức mẹ quay mặt ra phía sau lưng ông tây to lớn, vội vàng lau những giọt lệ thân thương, sung sướng mà hơn năm trời nay mẹ mới cảm nhận được. Sừng sững trước mặt con, mẹ ngây dại chết đứng,không biết phải đối phó cách nào.Thật thảm thương và đớn đau cho mẹ. Trời ơi có người mẹ nào tìm mãi mới thấy con mình lại chết đứng như trời trồng, không dám ùa lại, an ủi, ôm con vào lòng. Thật bất hạnh cho người mẹ khốn khổ ! John ơi, con ơi,có hiểu thấu,có thông cảm cho người mẹ này không con ? Chờ cho con hoàn tất công việc, mẹ lân la tới trước mặt con làm quen :

 -Chào cháu,cháu còn nhớ tôi khi còn ở cô nhi viện không ?

 -À…à,cháu không nhớ rõ lắm.Cháu..cháu nhớ ra rồi. Bà là người đã xem chúng

 cháu hát và…khóc phải không? Cháu cám ơn bà,chiếc áo cháu đang mặc đây, Sơ

 nói là của bà Tư tặng cho cháu đấy. Bà là bà Tư hả? Áo mặc thật vừa vặn, xinh

 xinh,nhưng bây giờ dơ bẩn quá bà nhìn không ra, phải không bà ?

 -Không sao, John. Chiếc áo vẫn còn xinh, vừa vặn lắm. Xin lỗi cháu nghe. Trước

 đây tôi là người bảo trợ đặc biệt cho cháu, nhưng vì luật lệ của viện không được

 thiên vị ai nên tôi chỉ âm thầm giúp đỡ cháu mà thôi. Bây giờ viện đã không còn

 nữa tôi sẽ cố gắng giúp đỡ cháu thật nhiều, thật nhiều…

 -Thật mừng cho cháu. Cả đám nhóc tì dành dật nhau để sống, bữa no bữa

 đói. Được bà giúp đỡ,thì chúng cháu sung sướng quá rồi. Nơi chỗ chúng cháu cư

 ngụ là mấy dẫy hành lang của đại học văn khoa nằm trên đường Gia Long và

 chúng cháu hành nghề quanh quẩn mấy khu phố này.

 -Bây giờ cũng đã tối ,gần bẩy giờ rồi đó. Tôi mời cháu cùng mấy người bạn đi ăn

 tối với tôi. Nào cháu thích gì cứ cho tôi biết, đừng e ngại.

 -Cháu thích ăn phở, bò bía, cà rem. Còn nhiều thứ nữa,thứ nữa…,nhưng ăn một lúc

 làm sao hết nhỉ !

 -Thật tội nghiệp các cháu. Các cháu cứ ăn thả dàn đừng ngại.

Cả đám bạn bè của John cũng tới bẩy đứa. Cô cậu nào cũng ăn uống mải mê, húp phở, hủ tíu xùm xụp, nhai đồ ăn ngấu nghiến, giống như chưa bao giờ được ăn một bữa no nê thoải mái như vậy. Để bù đắp lại những tội lỗi của mình mẹ đâu có muốn ăn gì, chỉ tìm cách gắp những món mà con thích thú. John ơi, mẹ nhìn con ăn mà lòng mẹ vừa hạnh phúc vừa xót xa đớn đau. Hình ảnh chiếc môi nhỏ nhắn xinh xắn chép chép, háu đói của con xưa kia làm sao mẹ có thể quên được .Bây giờ chiếc môi ấy mở rộng, nhăn nheo khô héo như chưa bao giờ được uống thoả thuê một ly sữa, mút mút chiếc kem thơm tho đầy hương vị ngọt ngào của tình thương yêu đầm ấm gia đình. Không biết đến bao giờ,mẹ mới có thể ôm ấp,chào đón con trở về bên mẹ. Chẳng lẽ mẹ cứ để con lang thang đói khổ như thế này mãi sao? Hai đứa em của con đầy ắp kẻ hầu người hạ, thức ăn thừa mứa thì lại chê ỏng chê eo. Khuyên nhủ, năn nỉ, doạ nạt mãi mới chịu hé răng nhưng mồm ngậm chặt lấy đồ ăn, cũng chẳng muốn nhai, như kẻ có lỗi đang bị thọ phạt. Những hình ảnh trái ngược kia của các em con và con như những kim nhọn đâm thâu qua trái tim mẹ.

Sau cuộc gặp gỡ,chơi đùa với con,người mẹ như được hồi sinh. Mẹ cố gắng hàng tháng tìm đủ mọi cách để được gặp con, nói chuyện, thăm hỏi, dắt díu con đi chơi, đi ăn uống, mua sắm thật nhiều quần áo và những thứ cần thiết cho con. Tình mẹ con thắm thiết triển nở, tươi vui như ánh sáng ban mai rực rỡ. Mẹ ước mong, mẹ con ta cứ rong chơi với nhau như vậy mãi.

...Năm 2000.

John ơi, mẹ con mình mới gặp nhau được hơn một năm thì chúng ta lại bị chia cắt. Theo sự sắp xếp của họ hàng nhà chồng, mẹ cùng họ xuống Hà Tiên vào đầu năm 1978 để tổ chức vượt biên bằng đường biển. Nhưng vừa mới xuống tầu thì mọi người đã bị bọn cán bộ địa phương bắt trọn ổ. Trẻ già lớn bé bị chế độ bỏ tù năm năm,với tội danh là dám đứng ra tổ chức vượt biên,chối bỏ thiên đường chủ nghĩa. Cuối cùng thì với tiền bạc đút lót, cả gia đình nhà mẹ cũng ra khỏi tù. Chờ cho cán bộ địa phương bớt dòm ngó canh chừng mẹ lại lê la ra ngoài vùng Sài Gòn để tìm con. Nhưng dò hỏi mãi cũng không thấy con đâu. Tuy thế, mẹ cũng không bỏ cuộc.Một hôm,khi đang dắt hai em con đứng lớ ngớ trước chợ Bến Thành thì có một cháu trai mà mẹ đã cùng con và cháu ấy đi chơi trước đây, chạy lại báo tin là em có biết tin tức về John. Em báo cho mẹ biết rằng con đã được một gia đình nhận về làm con nuôi và họ cùng con đã được qua Mỹ theo diện con lai cách đây hơn một năm. Mẹ thật buồn vì không được gặp con. Nhưng mẹ cũng vui vì con đã được một gia đình nào đó nuôi nấng chăm sóc. Rồi con lại được qua một xứ thực sự văn minh như Mỹ. Mẹ hy vọng một chân trời mới đang rộng mở chào đón và con sẽ được cắp sách đến trườn ,với tương lai đầy hứa hẹn. John ơi,dù không làm gì được,mẹ cũng cố gắng cầu xin ơn trên phù trì, giúp đỡ, dìu dắt con nơi xứ sở xa lạ mới mẻ.

John con, thấm thoát mà đã hơn hai chục năm. Biết bao lần vượt biên thất bại cuối cùng mẹ cũng đã tới Mỹ sau bốn năm sống vất vưởng bên trại tị nạn ở Phi Luật Tân. Nhưng đau đớn thay tất cả người thân của mẹ đều bỏ mình ngoài biển khơi. Nhiều lúc mẹ muốn quyên sinh nhưng hình bóng thân yêu của con như bủa vây an ủi,che chở,khuyến khích mẹ. Cư ngụ tại vùng Garden Grove, tiểu bang California, nơi tập trung đông đảo người Việt, mẹ lợi dụng những ngày cuối tuần và ngày lễ, lê lết khắp các siêu thị và một số nhà hàng Việt Nam,với hy vọng mong manh là có thể tìm được con. Gặp bất cứ chàng thanh niên cao lớn, tóc gợn sóng, mũi cao, trắng trẻo, là mẹ sà tới,nhìn vào vành tai trái của họ giống như con mụ điên soi mói vào đời tư kẻ khác. Dù giờ đây,mẹ không hiểu con cao lớn cỡ nào, nhưng mẹ cũng thầm đoán là thân thể con cao lớn khác thường so với những thanh niên Việt khác. Gần hai năm mòn mỏi,mẹ vẫn cứ kiên trì, cố gắng lê lết tới khắp các nơi có người Việt qua lại. Một hôm,chắc khoảng mười một giờ sáng thứ bẩy, mẹ thấy người con trai cao lớn đi chung với người con gái xinh xắn, tay trong tay, líu lo tiếng Mỹ, bước vào một siêu thị Việt Nam. Mẹ phóng lại gần , nhón gót lên,để nhìn cho rõ vành tai trái người con trai kia . Trời ơi! vết bớt đỏ chói to như đồng tiền sáng lấp lánh đập vào mắt mẹ. Mẹ sung sướng,như muốn xỉu. Những âm thanh nhõng nhẽo, âu yếm của người con gái đi bên cạnh, với những chữ John vang lên càng làm mẹ tin chắc là con trai yêu quý của mẹ rồi. Thật may mắn, chiếc xe cũ kỹ cọc cạch của mẹ đậu gần sát chiếc xe hơi hai cửa hiệu BMW còn mới của con. Sau khi ngắm nghía, quan sát các con, mẹ ra xe ngồi, nước mắt đầm đìa hạnh phúc. Mẹ ngồi ghi lại số xe của con, đồng thời chờ các con ra về, mẹ sẽ lái xe theo đuôi, tìm xem các con cư ngụ nơi nào. Thật bở hơi tai cho mẹ, các con phóng xe quá mau làm mẹ theo đuôi muốn hụt hơi. Cuối cùng mẹ đã biết con cư ngụ tại vùng Huntington Beach rồi. Mẹ thật yên tâm sung sướng như chưa bao giờ lại được vui mừng như vậy. Mẹ thật cám ơn thượng đế đã cho mẹ gặp lại con và vợ của con. Một gia đình hạnh phúc tuyệt vời của con như phần thưởng vô giá mà đấng tối cao đã ban ơn cho mẹ. Mẹ như ngất đi, nước mắt nhạt nhoà trong niềm vui bất tận mà mấy chục năm nay mẹ mới tìm lại được. John ơi, John ơi con của mẹ… “

 

Đọc một lèo những dòng chữ thân thương của người mẹ, John lau vội dòng lệ tuôn trào từ lúc nào không hay. Leo lên giường ngủ, cũng đã gần hai giờ sáng, chàng vẫn còn thổn thức. John định cuối tuần sẽ đăng báo Việt ngữ, đài phát thanh, tìm kiếm mẹ mình. Hình bóng mờ nhạt của bà Tư xưa kia chập chờn,lởn vởn trong ký ức non dại của thời ấu thơ làm John thiếp đi trong giấc ngủ êm đẹp như có bàn tay êm dịu, trìu mến của người mẹ hiền ôm ấp nâng niu…


 Bùi Đình Phùng-CTKD 1 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Ba 2023(Xem: 13321)
"Món cơm nguội rẻ tiền, lúc trước chỉ dành cho người bình dân, lao động, nay rất được ưa thích, nổi tiếng ở Cồn Hến, và đã trở thành món ăn đặc sản của xứ Huế, mà chính người bổn xứ ai cũng ngất ngư vì cay xé lưỡi. Hít hà trong nước mắt khi ăn thì mới đúng điệu."
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2893)
"KhônKhông ai đã ở trên đất Mỹ mà không biết ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day mang ý nghĩa mừng được mùa thu hoạch và cảm tạ Chúa ban cho cuộc sống no đủ, đồng thời cũng để cám ơn những người dân bản địa đã giúp cho những di dân. "
15 Tháng Tám 2022(Xem: 3697)
"Bà nội, thầy mẹ tôi nằm xuống, tới bẩy anh em tôi mươi năm nữa cũng nằm xuống cả, đã có bầy măng non tới bốn chục đứa, mong rằng chúng còn có thể vươn cao hơn và mạnh hơn cả ông bà cha mẹ chúng."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3666)
"Mình cũng già. Khi bé Nhiên lớn lên mình đâu còn sống với con; gia đình không còn ai, con bé lại bơ vơ lần nữa. Thôi thì cứ để anh em làm quen với nhau. Chờ khi nó lớn lên, ăn học tới nơi tới chốn rồi hẳn cho hay. Còn giờ, thỉnh thoảng dẫn nó xuống làng cho anh em chúng gặp nhau kẻo tội."
13 Tháng Năm 2022(Xem: 4011)
"Tôi phải chờ đến sau ngày 9 tháng 5 mới ngồi gõ “Phiếm Loạn” số 4. Sao thế? Vì tôi nghe lời ông tổng thống nước Nga để xem cuộc duyệt binh mừng đại thắng. Một là đại thắng phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Hai là đại thắng do “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với nước láng giềng “phát xít” Ukraine."
10 Tháng Ba 2022(Xem: 3798)
"Xin cầu nguyện cho dân Ukraina “không được” giải phóng bởi Nga."
04 Tháng Ba 2022(Xem: 3650)
“Chúng ta như hai dòng sông gặp nhau để rồi cùng chẩy ra biển, hay gặp nhau để rồi lại xa nhau, làm sao biết được anh nhỉ?...Nhưng tại sao anh lại là anh Chương Đà Lạt độ nào!”
23 Tháng Giêng 2022(Xem: 16379)
"tôi vẫn hãnh diện tôi là người Hà Nội. Hà Nội vẫn luôn ở trong trái tim tôi : Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ. "
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3994)
"Mùa NOEL năm ấy 1975 đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi chẳng thể nào quên : “Đêm Thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”."
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3908)
"Cuối đời ôn theo Phật lấy câu : tâm bình thường là đạo nên tụi chị sống an nhàn là đúng rồi. Biết chừng nhờ mả ôn phát mà tụi chị được vậy chứ không thì “ đi ăn mày Tàu” rồi!"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468