Chiếc Mercedes đắt giá

29 Tháng Tám 201012:00 SA(Xem: 14002)
Chiếc Mercedes đắt giá

 Chiếc Mercedes đắt giá


 Bùi đình Phùng CTKD1


 Tuân bồn chồn, lo ngại. Không hiểu dạo này cơ thể ra sao mà chàng thấy có rất nhiều triệu chứng bất thường. Đứng trước gương đánh răng, rửa mặt, chải qua loa mái tóc bồng bềnh, chàng nhận thấy da dẻ có vẻ xạm nắng, giống như người chơi tennis miệt mài, đam mê. Cắm đầu, cắm cổ đi làm từ tám giờ sáng tới năm giờ chiều mới về, đôi khi ở lại coi đám thợ làm overtime vài tiếng nữa, còn giờ đâu mà chàng có thể chạy nhảy ngoài sân quần vợt, thảnh thơi rong chơi như những ngày tháng trước đây. Cả hơn bốn tháng nay, hàng họ của hãng đắt như tôm tươi, chàng phải hiện diện tại hãng cả thứ bẩy lẫn chủ nhật. Trách nhiệm của một ông supervisor đè nặng trên vai, chĩu nặng như một bà già kẽo kẹt quang gánh những buồng mít thơm lừng đắt khách, làm chàng như quên đi những đổi thay ghê gớm đang từ từ xuất hiện khắp nơi trên cơ thể mình.

 Trưa nay, đang ngồi ăn trưa tán dóc, đùa cợt với một số bạn đồng nghiệp trong hãng, chàng ngạc nhiên thấy mọi người nhìn mình với vẻ khác lạ. Có kẻ im lìm, không nói năng gì, chỉ e dè ngắm chàng, ngạc nhiên. Có người thân tình hơn, dám nói thẳng những gì họ nhìn thấy, cảm nhận được. Một số thật thà, nhận xét:

 - Ê Tuân, trông cậu dạo này mặt mày đầy đặn khác thường. Chắc được bà xã bồi đắp, tẩm bổ dữ lắm hả? Da dẻ lại trông có vẻ đậm đà kỳ lạ đấy!

 - Ủa thật hả? Mình vẫn ăn uống như thường mà. Vợ chồng có ăn chung với nhau bao giờ đâu. Mỗi người làm một ca, khác giờ giấc mà. Làm gì có tẩm bổ, tẩm béo. Tụi bay chắc chỉ đoán mò.

 Những chuyện tán gẫu nơi hãng xưởng thường chỉ là những câu chuyện vui, chọc cười, vô thưởng, vô phạt, vì chẳng ai hơi sức đâu mà xen vào đời tư kẻ khác. Chuyện thiên hạ tọc mạch, phê bình vóc dáng của chàng, xem ra có vẻ khác thường. Bởi vậy, dù bù đầu vào công việc, chàng cũng không khỏi suy tư, thầm hỏi xem sức khỏe của mình dạo này có gì đặc biệt? Vài hôm nữa, chắc Tuân phải đi khám tổng quát, thử máu…Nhưng trời không chiều lòng người. Ngay chiều hôm ấy, gần tới giờ tan sở, chàng cảm thấy bụng quặn đau. Về tới nhà, chàng lại cảm thấy chiếc bụng như báng lên. Chàng nhủ thầm:”chắc lại trúng độc chứ gì. Uống hai viên Alka seltzer vào là hết ngay chứ sao. Ai còn lạ gì nữa. Thức ăn gì mà độc địa quá xá vậy”. Mọi khi, bụng hơi khó chịu, chàng chỉ cần hai viên thuốc trên pha với ly nước đầy, là bụng dạ thoải mái ngay. Nhưng tối nay, mấy viên thuốc kia như kẻ xa lạ, chẳng hóa giải gì được cho chiếc bụng khó chịu, ọc ạch, trương phình lên như bà bầu ba bốn tháng. Quá kỳ lạ, Tuân ngắm nghía toàn thể thân hình mình trong gương. Trời đất quỷ thần ơi! Chả trách các bạn bè trong hãng hôm nay đã nhìn mình một cách khác lạ. Người ngợm gì mà chân tay sưng vù lên một cách ghê gớm. Đôi mắt không còn vẻ long lanh, tươi sáng mà hầu như chuyển sang mầu vàng khè. Da dẻ lại nhuốm một mầu sắc ảm đạm, xám xịt thế kia, thì có chết con không cơ chứ. Chàng âu sầu, ủ rũ, không còn muốn bước vô phòng tắm, xả nước, cho tinh thần tỉnh táo như mọi ngày, hầu làm trôi đi những mệt mỏi, những bôn ba chật vật trên đường đời. Sáng sớm hôm sau, chàng phải gọi ngay vào hãng, xin nghỉ vài tiếng đồng hồ để đi khám bác sĩ xem sao. Tuân cũng đánh thức vợ dạy sớm để báo cho nàng biết tình hình nguy ngập của cơ thể mình. Vợ càu nhàu, ngáp ngủ, chỉ trả lời cho qua chuyện, chả quan tâm tới ai:

 - Ừ thì khám bác sĩ đi, chắc chẳng có gì đâu.

 Gặp bác sĩ nội thương quen thuộc, một nữ bác sĩ trẻ, tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, cô ta bắt thử máu, nước tiểu. Hôm sau phải gửi phân tới, cùng đi chụp một số bộ phận trong người. Phải ba bốn hôm nữa, kết quả mọi thứ mới gửi về phòng mạch. Tuy vậy, căn cứ vào những biến chứng trên cơ thể, cô ta nghi ngờ là mình có thể bị bệnh gan. Nhưng trầm trọng tới cỡ nào, thì phải mấy bữa nữa mới biết chắc được. Cô ta trấn an rằng mình cứ yên tâm ra về, nhưng cũng khuyến cáo là không nên dùng nhiều gia vị như tiêu, ớt, hoạc những đồ uống có chứa hơi men, như bia, rượu chẳng hạn. Vì những thứ ấy sẽ gây hại cho lá gan. Và nếu có hút thuốc, thì cũng nên bỏ đi, chỉ tổ phá hủy thêm những bộ phận khác của cơ thể.

 Bốn hôm sau, còn đang bù đầu với công việc của hãng, thì có điện thoại khẩn cấp của phòng mạch bác sĩ gọi tới, thông báo là họ đã có kết quả mọi thứ. Bác sĩ chẩn đoán là chàng bị bệnh viêm gan B khá nặng, cần phải chữa trị sớm, mới mong cứu được mạng sống.

 Rời khỏi phòng mạch, lòng Tuân rối bời, chán nản. Tuổi đời còn quá trẻ, chưa tới bốn mươi, với bao mộng ước xây đắp tương lai cho gia đình và con cái, tự nhiên bị căn bệnh quái ác đổ ập tới, xé nát mọi ước tính, chao đảo cuộc sống yên ấm, hiền hòa của một gia đình hạnh phúc. Người vợ non trẻ, với công việc bấp bênh, chỉ đi làm cho vơi bớt đi thời gian rảnh rỗi, làm sao có thể thay thế chàng gánh vác tất cả những khó khăn chồng chất của đời sống vật chất, đè nặng trên gia đình mình. Tuân giận dỗi, trách móc Trời, Phật. Tại sao các đấng từ bi, nhân ái, lại nhè gia đình chàng, giáng xuống những cơn tai ương khủng khiếp như vậy? Con đâu có làm nên tội tình gì. Có thù gét, làm hại ai bao giờ. Trong công việc, con vẫn công bình, đề nghị thăng thưởng cho mọi người, chứ có thiên vị ai đâu. Chàng rên siết, vật vã mình mẩy, oán trách tạo hóa oái oăm, oan nghiệp. Tuân phải từ bỏ công việc mà chàng đã bao năm dầy công vun xới mới có địa vị, lương bổng khá vững vàng như bây giờ. Cả gia đình, gồm hai vợ chồng, hai đứa bé còn non dại, đang ở lứa tuổi tiểu học, chẳng lẽ chỉ trông vào lương bệnh của chàng để tồn tại, thì thử hỏi bốn miệng ăn kia còn lê lết được bao ngày? Căn nhà đang ở, mới ăn tân gia được một năm, đào đâu ra tiền để trả nhà băng đây? Chẳng lẽ cả gia đình dồn vào một phòng, ba phòng còn lại ráng kiếm người se phòng, biến thành căn apartment cho vui cửa vui nhà! Chốn riêng tư xưa kia, giờ trở thành nơi thị tứ, ồn ào náo nhiệt, lâu lâu vểnh tai, nghe người ta chửi nhau, la mắng con cái? Ôi, còn gì đớn đau, mỉa mai hơn! Lại nữa, chiếc xe hơi, kiểu SUV, hiệu Honda, mới sắm chưa được sáu tháng, tiền nợ còn kéo dài cả ba năm rưỡi nữa, thì biết tính sao đây? Chẳng lẽ trả lại hãng, dùng xe buýt làm phương tiện di chuyển sao? Ôi, cuộc đời mình sao thê thảm, tệ hại như vậy? Cái may mắn cuối cùng là chỉ còn một chiếc xe Toyota cũ kỹ, cọc cạch, đã hơn mười hai cái xuân xanh. Hy vọng nó vẫn còn ì ạch, kéo lê tấm thân mệt mỏi, giúp đỡ toàn thể gia đình chàng di chuyển đó đây. Càng nghĩ ngợi, chàng càng rầu rĩ thối cả ruột. Gần mười lăm năm xông xáo, lăn xả ra ngoài đời, với bao tranh đấu, thi đua với cuộc sống vội vã, Tuân mới có địa vị như ngày hôm nay. Giờ đây, hầu như chàng sắp trở thành trắng tay, giống như năm nào, bố mẹ chàng mới chân ướt, chân ráo đặt chân tới xứ Hoa Kỳ xa lạ, ngôn ngữ vỡ lòng, tiền bạc rỗng tuyếch.

 Với sự an ủi, phân biệt hơn thiệt của bác sĩ, Tuân dần dần phải thay đổi thái độ. Sự giận hờn, oán hận trời đất, chẳng giúp đỡ được gì. Chàng phải đối diện với sự thật, nhìn thẳng vào nó để tìm cách ứng phó. Con người, ai cũng có số phận của mình. Gia đình, vợ con còn đó, chàng không thể phủi tay, bỏ mặc thân xác mình. Chàng phải tự tìm lấy niềm vui, hăng hái trở lại, mới mong đủ sức phấn đấu với căn bệnh quái ác, hầu hy vọng chữa trị được nó, tới đâu hay tới đó. Chiếc gan xấu số của chàng đã không còn làm việc hữu hiệu nữa. Chiếc máy lọc tinh vi ấy của cơ thể đã trở nên kiệt quệ, nhiễu loạn, làm các bộ phận khác không còn nhận được những thứ cần thiết để phát triển cơ thể điều hòa, bình thường. Bác sĩ đưa đề nghị chàng nên chích một loại thuốc tốt nhất, nhưng giá rất là mắc mỏ, đồng thời phản ứng của nó cũng thật khốc liệt. Hơn nữa, loại thuốc chích này, muốn có kết quả tốt, phải kéo dài cũng tới cả một năm trường. Có người, chỉ chích thuốc được một vài tuần, dăm ba tháng, đã phải đầu hàng. Bởi vì, sức thuốc hành hạ dữ dội. Phản ứng của cơ thể mỗi người, mỗi khác, không ai giống ai. Có người bị nóng sốt liên miên, ói mửa, miệng đắng nghét, không tha thiết gì tới ăn uống, nên cơ thể trông ốm yếu, hao mòn. Có người lại bị mất ngủ, người mơ màng, vật vờ như con ma dại. Nhưng sau một năm chích thuốc, bác sĩ cũng không bảo đảm là sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Có người thì sau thời gian ấy, cơ thể cũng đã khôi phục dần dần. Chiếc gan như bị thấm đòn bởi sự áp đảo cuồng say của thuốc men khốc liệt, ròng rã suốt năm trường, nên đã tạm thời hoạt động khá hơn. Có kẻ, thì khôi phục được vài năm, rồi bộ phận kia lại dần dần bướng bỉnh, quen thói cũ, quay trở lại vật vã, hành hạ thân chủ mình. Bởi vậy, giới y khoa ngày nay, người ta mệnh danh bệnh viêm gan B là kẻ giết người thầm lặng. Chúng âm thầm, thảnh thơi rong chơi như thầy tu tích phước, giang rộng cánh tay giúp đỡ kẻ khác, làm cho người bệnh tưởng lầm là mình đã khỏe khoắn, ngon lành như người bình thường. Ngay cả bác sĩ, khi khám nghiệm, thử đủ loại cũng không tìm ra vi trùng kia lẩn trốn nơi đâu . Họ cứ tưởng là chúng đã bị hủy diệt, hồ hởi rũ bỏ con bệnh, trốn biệt vào một chân trời vô định nào rồi, nên bàn tay phù thủy của thầy thuốc cũng buông lơi, không còn bắt bệnh nhân uống thuốc, ngừa phòng cẩn thận như trước nữa. Nhưng bất thình lình, những con vi trùng ghê gớm, ẩn thân từ một xó tối nào, đột nhiên rủ nhau ào ào kéo tới, hành hạ chiếc gan hiền lành, tội tình, phá hủy thân xác con người cho tới ngã quỵ mới thỏa lòng.

 Được sự khuyến khích, xoa dịu của vợ con, Tuân cũng đành liều thử chích loại thuốc đắt đỏ kia. Mỗi tuần chích một lần, với số tiền lên tới mấy trăm dollar một mũi. Với tiền bệnh lãnh từ chính phủ, chàng được chỉ dẫn là chàng được quyền xin phép chính phủ bảo trợ để có tiền mua loại thuốc ấy. Nhưng sự chờ đợi được chấp thuận cũng phải hàng tháng. Cuối cùng thì thuốc cũng đã tới tay chàng. Mũi thuốc đầu tiên, chàng được văn phòng bác sĩ chích. Nhưng những lần sau, chàng phải tự mình lụi mũi kim nhọn hoắt vào mông mình. Mới đầu, chàng cũng cảm thấy ghê ghê, rờn rợn. Nhưng dần dần quen tay, chàng cũng lụi chúng vào mông mình thật ngon ơ, như bất cứ một y tá chuyên nghiệp nào. Một vài tuần đầu, chàng chưa cảm thấy thuốc men hành hạ như lời báo trước của bác sĩ. Nhưng tới tháng thứ nhì, chàng thấy cơ thể mình có vài biến chứng khác thường. Hàng ngày, cứ tới buổi chiều, là người chàng như lên cơn sốt, mắt mờ dần không còn trông thấy ai nữa. Những bịch đá lạnh dồn dập đắp lên thân thể nóng hổi, cũng chẳng thấm thía vào đâu. Bốn năm tiếng đồng hồ sau, tự động cơn sốt hạ thấp dần dần, mắt nhìn cảnh vật chung quanh cũng từ từ hiện rõ. Có những bữa, cơn sốt không kéo tới bao vây, nhưng người buồn nôn, trông thấy hay ngửi thấy bất cứ đồ ăn gì, cũng như muốn ói mửa, giống như thiếu phụ có triệu chứng mang bầu. Lúc bình thường, chàng cũng không tha thiết gì tới ăn uống nữa. Miệng đắng nghét, chàng nhìn đồ ăn như ngắm nhìn người tình xa lạ, không còn đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn như trước. Bởi vậy, mới khoảng bốn tháng dùng thuốc, người chàng đã thật khiêm nhường, trông mảnh khảnh, dễ thương như người mẫu! Quần áo trước đây dùng cỡ lớn, trông nở nang, đít căng, ngực nở, thật sexy, hấp dẫn ngút ngàn. Giờ đây, dùng loại nhỏ, cũng lỏng lẻo, xô lệch, cụt ngủn, trông thật ngộ nghĩnh, nực cười như chàng hề Charlot. Ngoài ra, mái tóc dầy cộm bồng bềnh, đầy vẻ phong trần nghệ sĩ cũng dần dần lưa thưa, lởm chởm như bụi tre bị đốn gốc, trông xào xạc như buổi chợ chiều thời loạn ly. Tuân đành ra tiệm hớt tóc, nhờ bàn tay điệu nghệ của ông thợ cạo, uốn lượn chiếc tông đơ ngọt xớt, xởn hết đám tóc gập ghềnh, rời rạc để trở thành tài tử đầu trọc nổi danh Yul Brynner trong phim khét tiếng King And I cho oai phong, lẫm liệt! Có những hôm, bị thuốc chích hành hạ quá đáng, Tuân vẫn cắn răng chịu đựng. Chàng luôn luôn thầm nhủ với mình rằng: “Ráng, ráng đi con, mọi người thân yêu đang trông chờ, hy vọng ở con đó!”. Thằng Tom, con bé Mona mặt mày méo xệch, nước mắt tuôn trào, ôm chầm lấy bố, như an ủi khuyến khích cổ võ cho bố đủ kiên nhẫn, can đảm, chống chọi với những cơn đau dữ dội đang thẳng tay hành hạ trên thân xác mệt mỏi, yếu đuối. Đôi khi, chúng lại thì thầm cầu xin đấng tối cao ban phép lạ cho bố chúng sớm lành bệnh, hầu cha con có thể cùng nhau dung dăng, dung dẻ,đánh banh, thi đua chơi game, cỡi ngựa nhong nhong, cười đùa nắc nẻ như xưa…

 Trâm Anh, người vợ son trẻ trước đây rong chơi, bây giờ phải thay thế chàng, tìm công việc toàn thời gian, trông nom, săn sóc mọi thứ trong gia đình, kể cả chàng nữa. Thân cò mảnh mai, yếu liễu đã trở nên kiên cường. Đôi vai gầy guộc, gánh nặng người chồng bệnh hoạn cùng hai con thơ dại. Thân gái bung ra ngoài, va chạm với mọi thực tế đọa đầy của cuộc đời, làm nét nhí nhảnh, tươi vui dạo nào như khô cứng, tính toán, chai đá, gan lì.Văn bằng AA(Associate of Art) mà nàng đã tốt nghiệp cách đây khá lâu, cùng trường college với chồng, để mốc để meo, bây giờ mới có dịp dùng lại, làm cần câu cơm, nuôi bốn miệng ăn. May mắn thay, công việc kế toán mà nàng đã làm bán thời gian cho một vài văn phòng người nhà vùng Tiểu Sài gòn mấy năm gần đây, lại như một kinh nghiệm quí giá, giúp nàng ghi vào résumé và phủ đầy tờ đơn của một số hãng xưởng. Những tờ résumé, giống bao cánh bướm rực rỡ đầy hương sắc, được tung ra bay ngợp trời nam California, như báo hiệu mùa xuân tươi thắm sắp trở về. Nhưng chờ đợi mãi, hoa anh đào đã rụng hết cánh, để lại thân cây tróc vỏ, mốc thếch, cành lá khô cằn trơ trọi, mà cũng chẳng thấy ma nào gọi đi phỏng vấn, hỏi han tới. Sự hồi âm nếu có, chẳng qua chỉ là những cánh thư vuốt đuôi, cám ơn chiếu lệ, lịch sự hão, không quên kèm theo những lời chúc may mắn trơn tru, dẻo kẹo, máy móc như loài vẹt thối tha, đáng ghét!

 Thời gian vụt bay như tên bắn. Vốn liếng để dành khô cạn dần. Tiền bệnh của chồng chỉ đủ để mua đồ ăn, các loại bill thông thường như điện, nước, rác, gas, xăng nhớt, điện thoại…Cố gắng tằn tiện tối đa thì cũng chỉ trả được ba trăm đồng cho chếc xe SUV mà thôi. Nếu tình trạng này kéo dài thêm ba tháng nữa, quả thật không biết đào đâu ra một ngàn năm trăm đồng để trả cho Wells Fargo mortgage-nơi cho vay tiền mua nhà-. Hai vợ chồng và con cái đành thu gọn vào căn master cho tình chồng vợ, con cái ấm áp, đoàn tụ, như thủa nào mấy nhóc tì còn đang được ẵm bồng. Một chiếc giường tầng đôi được đặt thêm vào phòng lớn đó để hai cô cậu tha hồ trèo leo, nghịch ngợm chóng lớn. Ba phòng còn lại ráng sơn phết mới mẻ, kiếm người se phòng cho vui cửa vui nhà, vào ra tấp nập, không còn sợ cô đơn, lạc lõng giữa chợ đời nữa. Garage hai xe cũng được chắp vá lại, khoét cửa ra vào rộng rãi, biến thành một phòng master thứ nhì, cho thuê, cũng kiếm được khối tiền. Tính sơ sơ, giá bình dân thôi, tổng cộng cũng lên tới gần hai ngàn đồng. Túng phải tính chứ biết làm sao hơn. Ráng bỏ ra mấy chục đồng đăng quảng cáo trên báo Người Việt, khoảng hai tuần lễ sau sẽ có kết quả liền. Cũng may mắn, căn nhà của Tuân-Anh nằm trong thị xã Westminster, cách con đường huyết mạch Bolsa hai trăm feet, nên thanh niên thiếu nữ, ông già bà cả không cần xe hơi, chỉ cần đôi chân còn lê lết được, là đủ sức phơi phới, thong thả rong chơi khu Tiểu Sài Gòn ăn uống thỏa thích, tìm đồng hương tâm tình, tán dóc thoải mái, cho vui đời tị nạn, khỏa lấp nỗi nhớ người thân, quê hương ngàn trùng xa cách. Chả cần chờ lâu, mới hai ba ngày lên mặt báo, tiếng phôn dòn dã luôn luôn réo gọi suốt ngày, làm Trâm Anh khờ người. Cuối cùng, sau gần mười ngày tính toán, lựa lọc những nhân vật xin tá túc, căn nhà của hai vợ chồng đã đầy ắp kẻ lạ mặt, vào ra tấp nập như trẩy hội. Ôi, vui thật là vui. Cười ra nước mắt. Có gì đâu mà phải than thở lo lắng nữa! Cứ chờ cuối tháng, mang thúng ra hứng tiền thiên hạ bá tánh, để chặt nhà băng, dư tiền chi phí, còn gì bằng!

 Hơn chín tháng mòn mỏi chờ đợi, Trâm Anh đã được vài hãng vùng Irvine và Los Angeles phỏng vấn. Dù được hai hãng chấp nhận, nàng đã lựa hãng vùng Irvine cho gần nhà, tiện việc đi lại, săn sóc chồng con, dù lương thấp hơn hai đồng một giờ, so với hãng kia. Lương bổng chưa nhiều vì nàng đang nằm trong ngạch trật của một nhân viên mới đi làm, mà người ta thường gọi là Entry Level. Công việc nhàn hạ. Số lượng nhân viên trong hãng cũng lên tới hàng trăm người. Phần hành kế toán, chỉ duy nhất có hai người: một xếp thâm niên lão thành và lính mới tò te Trâm Anh. Chẳng sợ kẻ thứ ba rình rập, tranh dành chỗ ngồi hiếm hoi kia.

 Thấy vợ đã có công ăn việc làm chắc chắn, Tuân vui vẻ hơn, cố gắng chịu đựng mọi đớn đau trong việc trị bệnh, không còn thở dài, phiền não như trước nữa. Tuy vậy, chàng cũng cảm thấy thương vợ, lo lắng cho người tình trăm năm. Hàng ngày dạy sớm, săn sóc cho con cái trước khi chúng đi học, Trâm Anh hối hả, phóng xe đi làm, tới gần sáu giờ tối mới về. Chưa kịp thay quần áo, nàng lại phải chui vào bếp, nấu nướng đủ lọai món ăn cho cả nhà. Tắm rửa cho con cái, dọn dẹp đồ ăn, nhà cửa, thăm hỏi sức khỏe của chồng. Đôi khi, thấy Tuân kiệt quệ quá, người ngợm co quắp, mồ hôi nhễ nhãi, thân hình giật giật liên hồi, nàng lại phải chườm đá, an ủi chàng. Có nhiều đêm, Trâm Anh phải thức tới hai ba giờ sáng để canh chừng chồng, sợ chàng có mệnh hệ nào không? Nhiều khi mệt mỏi và cơn buồn ngủ kéo ập tới, nàng đã thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, đã thấy mình nằm gọn gàng trong chăn ấm áp. Còn Tuân thì đã tỉnh táo, ngồi bên cạnh ngắm nhìn nàng cười mỉm. Lúc ấy, hai vợ chồng ôm chầm lấy nhau, như thông cảm, chia sẻ những khổ cực, bất hạnh của cuộc đời, nhưng lại ngập tràn yêu thương hạnh phúc. Khi vợ đã đi làm và con cái vắng nhà, Tuân suy tư, nghĩ ngợi miên man. Nhiều lúc chàng trách mình vô dụng, mồm lải nhải, thì thầm tạ lỗi, ăn năn. Cô nữ sinh O.C.C (Orange coast college) đáng yêu của anh ơi! hãy tha thứ cho anh. Những gì anh đã hứa hẹn với em khi mình mới quen nhau, giờ đây đã mất hút vào hư không. Thân thể cường tráng, năng động, tham gia mọi công tác xã hội, văn nghệ của tuổi học trò, giờ đây đang từ từ biến thành một phế nhân, một con tầm gửi của người vợ yếu đuối, quen sống trong nhung lụa, chiều chuộng nơi một gia đình khá giả, vang bóng một thời. Em ơi, gia đình này, hai con thơ dại của mình đây, hoàn toàn trông chờ vào em đó. Ráng dạy dỗ, giáo dục chúng nên người. Anh chồng đầu gối tay ấp, giờ đây khi tỉnh khi mê, không biết còn thoi thóp tới giờ phút nào nữa.

 Thời gian, vậy mà cũng trôi đi quá mau. Mới đó, mà Tuân đã chích thuốc được đúng một năm tròn, với bao phấn đấu kiên cường, khổ sở. Nghỉ thuốc đúng hai tuần, chàng được bác sĩ khám nghiệm lại, xem kết quả thuốc men đã hoàn thành nhiệm vụ tới đâu. Sau cả tuần nghiên cứu kỹ lưỡng, từ chụp hình MRI, cho tới các kết quả thử máu, nước tiểu…, bác sĩ hầu như ngần ngừ, không muốn tỏ bầy cho chàng biết, sợ chàng thất vọng, chán nản. Nhưng cuối cùng bác sĩ cũng đành thú nhận rằng, việc chích thuốc kéo dài cả năm trường cũng không chữa được căn bệnh quái ác của chàng. Loại thuốc đắt khủng khiếp kia có hiệu quả tốt với một số bệnh nhân, nhưng với chàng, thì loại thuốc ấy trở thành vô nghĩa, vì bộ phận tinh vi kia đã tới thời kỳ nguy kịch, không còn thuốc men nào chữa trị nổi. Chiếc gan chai cứng này không thể giữ lại trên cơ thể được nữa, mà phải xin bộ phận ấy của một người tốt bụng nào đó, mới mong giữ lại mạng sống của chàng. Trước những phán đoán của bác sĩ quen thuộc, cả gia đình chàng hầu như muốn ngất xỉu. Bao nhiêu kỳ vọng, trông chờ loại thuốc tiên trở thành ảo vọng. Sự chán nản, buông xuôi, muốn đẩy chàng vào sự tuyệt vọng cùng cực. Cả họ hàng, bà con,bạn bè, xúm lại khuyên lơn, an ủi chàng. Thua keo này, ta bày keo khác, có sao đâu. Trên đời này có rất nhiều điều, ta không thể tưởng tượng được, vậy mà nó cũng xảy ra. Phép lạ thật hiếm hoi, nhưng biết đâu lại chẳng vương vãi xuống đầu mình!

 Tuân được cô thầy thuốc của mình giới thiệu cho nữ bác sĩ Trần thị Trâm, hiện đang làm giám đốc trung tâm thay gan của nhà thương nổi tiếng Cedars-Sinai tại Los Angeles. Chàng cố gắng lê lết hơi tàn tới nhà thương lừng danh, xa lạ để bà bác sĩ ấy cùng các phụ tá của họ khám xét, thử nghiệm đủ thứ. Nhưng danh sách chờ đợi, thay thế bộ máy lọc tinh vi dài thòng như tờ sớ táo quân đêm ba mươi tết. Trông thật chán mớ đời, hết hy vọng. Chàng ngao ngán, không hiểu tới năm tháng nào, kiếp nào mới tới phiên chàng đây. Chắc chẳng còn hy vọng nào nữa đâu! Thôi đành chờ tử thần từ từ, lặng lẽ tới xách cổ chàng đi, chứ còn mong đợi gì nữa. Tấm thân kiệt quệ, hao mòn này, với gần bốn mươi cái xuân xanh, đành trở về với cát bụi, bạn bè với dun dế, biết làm sao hơn!

 Thật không ngờ, nằm trong danh sách thay gan mới được sáu tháng, đấng cứu tinh đã tới, Tuân cũng không bao giờ dám tin là mình lại tới phiên sớm như vậy. Bác sĩ cho biết rằng, chàng được ưu tiên hơn một số bệnh nhân khác, vì tuổi đời còn trẻ và chiếc gan đã quá sức trầm trọng, không thể chờ lâu hơn nữa, có thể làm hại tới tính mạng. Sự may mắn nữa lại đến, vì bộ phận quan trọng là lá gan của một thanh niên da trắng trẻ măng, đã chết trong một tai nạn xe hơi, cứu vớt chàng. Trước khi lên bàn mổ, cả nhà túm lại an ủi, khuyến khích. Bà xã cùng hai cháu đã tới nhà nguyện nhỏ nhắn, nằm sâu thẳm trong một hành lang dài hun hút, để quì xuống thì thầm cầu xin đấng tối cao-dù khác tôn giáo- dang rộng tay che chở, cứu vớt chồng họ qua khỏi tai ương. Những dòng nước mắt thành khẩn, mặn nồng, trong suốt, thánh thiện, tuôn trào nơi hai cháu nhỏ, như đang van xin, năn nỉ, cũng làm mủi lòng các đấng tối cao, dang rộng cánh tay, mở lòng, giúp đỡ bao kẻ tội lỗi, bệnh tật…

 Khi chàng được đẩy vào phòng mổ, cũng đã bốn giờ chiều. Cô y tá tuyên bố cho mọi người thân của Tuân biết rằng ca mổ này sẽ kéo dài sáu, bẩy tiếng đồng hồ, hoạc có thể lâu hơn, không ai biết trước được. Cô ta khuyên mọi người hãy về nhà nghỉ ngơi, ngày mai, sau mười giờ sáng hãy tới phòng hồi sinh chờ đợi kết quả. Trâm Anh dắt díu hai con ra về, lòng vương vấn trăm mối tơ vò. Nàng lo sợ, băn khoăn. Không hiểu việc thay thế chiếc gan ngoại lai kia, có giúp chồng mình khỏe khoắn hơn, hay một bộ phận xa lạ, được định cư một nơi mới mẻ, lại phản đối cuồng nộ, hành hạ, đọa đầy thân xác chồng mình? Đôi khi, nàng lại còn rối trí, nghĩ quẩn, không biết Tuân có qua khỏi ca mổ kéo dài ghê gớm này không? Biết đâu, chiều nay gặp chồng chẳng là lần chót? Mình đã phải ký nhiều thứ giấy tờ của nhà thương, chấp nhận tất cả mọi rủi ro của ca mổ, mà không được quyền thưa kiện gì, nếu chẳng may xảy ra cho chồng nàng. Biết làm sao hơn. Phải thử một phen, mới may ra cứu gỡ cho chồng nàng được chứ. Nếu cứ đắn đo, lo sợ, cũng không kéo dài được sự sống cho chồng. Cả đêm, Trâm Anh bồn chồn lo lắng, không tài nào chợp mắt được. Nàng chong mắt chờ sáng. Mới hơn sáu giờ, trời còn tối mờ mờ, sương còn đọng long lanh trên nhành lá ngoài hàng hiên, nàng đã xuống bếp, pha ly cà phê nhạt hoét, mà Tuân thường chê bai:”cà phê gì mà lỏng lét, nhạt nhẽo như nước đái bò!”. Tự nhiên, nàng phì cười, nghĩ lại câu nói vô duyên của chồng. Chẳng lẽ Tuân đã thử qua thứ nước ấy, mà biết được mùi vị của nó ra sao? Thật vớ vẩn cho anh chồng đáng yêu, hay pha trò kia. Gần tám giờ sáng, nàng đánh thức hai cô cậu dậy. Lỉnh kỉnh mọi thứ xong xuôi, cũng tới chín giờ. Vừa đủ thời gian để cho ba mẹ con tới kịp khu hồi sinh thăm Tuân. Chờ đợi cả hơn tiếng đồng hồ, vẫn không thấy y tá cho phép ba mẹ con vào. Trâm Anh sốt ruột, ngồi đứng không yên. Không hiểu có chuyện gì xảy ra cho chàng chăng? Mãi hơn mười hai giờ trưa, ba mẹ con mới được lục tục vào căn phòng lạnh toát. Những ống nước biển vẫn còn cắm chằng chịt trên người Tuân. Phần quanh bụng được quấn băng to lớn, dày cộm như để che chở vết mổ vĩ đại, còn loang lổ nhiều vết máu thâm đỏ. Trông da dẻ mặt mày chàng nhợt nhạt, mắt nhắm nghiền, chưa nói năng gì được. Ba mẹ con ngồi im thin thít, sợ tạo ra tiếng động lớn sẽ làm chàng giật mình. Trâm Anh ngồi lặng thinh, nước mắt mờ nhạt hạnh phúc. Cám ơn đấng tối cao, con vẫn còn được nhìn thấy người thương yêu của con. Phép lạ đang ùa tràn tới gia đình nàng. Hai cháu nhỏ không hiểu gì, ngước mắt nhìn mẹ, lo âu, ngạc nhiên, thắc mắc. Trâm Anh như hiểu ý chúng. Nàng ôm chầm lấy hai con, vỗ về, trấn an:

 - Mẹ không sao đâu. Đây chính là những giọt lệ hạnh phúc, sung sướng đang tràn ngập nhà mình đó. Mình đã nhìn thấy bố rồi kìa. Chỉ hai ba hôm nữa, bố sẽ hồi tỉnh hoàn toàn. Bố đã trở lại với các con rồi đó. Các con có biết không?

 Tới chiều tối, mắt Tuân từ từ hé mở, nụ cười khẽ nhếch trên môi. Trâm Anh bế bé Mona lên, cho con ôm lấy đầu bố, hôn nhẹ trên má chàng. Còn Tom thì nhón người lên, má kề má với bố, mặt tươi vui, rạng rỡ, đề nghị:

 - Bố con mình sắp được chơi banh rồi nhỉ?

 Tuân mỉm cười, gật đầu đồng ý với con. Trong khi hai con ôm ấp, thì thầm với bố, thì nàng cũng cầm lấy tay chàng, như truyền hơi ấm thân thương của tình chồng vợ ngọt ngào, như giúp chồng hồi phục mau lẹ hơn. Hình ảnh đáng yêu, âu yếm của cả gia đình Tuân bên chiếc giường bệnh nhấp nhô, tạo cho người ta cảm giác ấm áp của một gia đình đoàn tụ, ngập tràn thương yêu, hạnh phúc, tương lai rạng rỡ đang bừng sáng bao trùm như những cánh hoa anh đào rộ nở, đua hương sắc dưới ánh nắng lung linh, mát dịu…Tuy các con cứ quanh quẩn, ríu rít quanh Tuân, nàng cũng phải dặn dò chúng phải cẩn thận, không được tới gần phần bụng, có cuốn băng dầy cộm, vì sẽ đụng vào vết mổ to lớn, kềnh càng, nguy hiểm cho tính mạng của bố. Ít nhất cũng phải hai ba tháng trời, vết thương mới lành lặn hẳn. Lúc đó, các con có quyền ôm ấp, chơi đùa như mọi khi, không lo sợ, kiêng cử gì nữa.

 Phải mất hơn hai tháng nằm điều trị tại nhà thương, Tuân mới được về nhà. Tuy vậy, để xem xét chiếc gan mới mẻ đang làm quen với với cơ thể mình như thế nào, hàng tuần, chàng vẫn phải tới nhà thương để cho các bác sĩ chẩn đoán mọi phản ứng của nó trên vùng định cư mới mẻ, xem anh ta có chịu hòa nhập với ông da vàng, mũi tẹt này không. Đồng thời, các bác sĩ cũng cảnh giác với Tuân rằng, việc thay gan mới mẻ, khỏe mạnh cũng chưa hẳn đã tạo tuổi thọ cho chàng thêm vài chục năm nữa, như chàng và mọi người thân hằng mong ước. Thôi thì, kéo dài được ngày nào, hay ngày đó. Các bác sĩ tuyên bố rằng, có người sống thêm được một, hai năm, có kẻ lại dăm ba năm. Cơ thể mỗi người mỗi khác, không ai biết trước được. Mình phải chuẩn bị tinh thần để đối diện với nó. Vì lần thay gan này cũng là dip may cuối cùng của cuộc đời đó! Hãy bình tâm, vui sướng, lãnh nhận lấy nó như phần thưởng sau cùng mà thượng đế đã ban cho con người.

 Mới mổ hôm nào, mà nay cũng đã hơn ba tháng rồi. Vết thương đã lành lặn hoàn toàn. Chàng đã được quyền dùng những thức ăn nhẹ, dễ tiêu, rất ít gia vị. Ban đầu, những thức ăn nhẹ nhàng kia rất xa lạ với khẩu vị quen thuộc của Tuân làm chàng nhạt miệng. Nhưng, vì bắt buộc, chàng cũng làm quen được với chúng. Cơ thể lâu nay chỉ toàn dùng những chiếc khăn ấm, lau sơ sài trên khắp mình mảy và chừa khoảng cách an toàn cho vết mổ to lớn, nằm chình ình, đáng yêu trên khoang bụng dẹp lép của chàng, chứ chưa được thoải mái đứng dưới vòi sen, tỏa nước cho toàn thân mát dịu. Bây giờ được dịp, Tuân vừa huýt sáo, vừa hứng trọn những dòng nước ấm áp như tình yêu thương gia đình, vợ con, đang ngập tràn trên tấm thân hy vọng, yêu đời của chàng. Chả bù với hai năm trước đây, khi bắt đầu bị căn bệnh quái ác đọa đầy, chàng đã nhiều lần như muốn buông xuôi, phó mặc định mệnh, mặc tình cho đám vi trùng khốn kiếp, muốn đục khoét, xé tan tành tấm thân xấu xa ra sao cũng mặc kệ. Cuối cùng, thì cũng chỉ có nước chết mà thôi, còn lo sợ gì nữa… Vậy mà giờ này, Tuân đang nhìn đời với một mầu hồng thắm tươi. Toàn thân hình như khởi sắc, mọi thứ trở lại mơn mởn giống tuổi đôi mươi. Mái tóc mọc lên tua tủa, óng ả, long lanh đen nhánh, như làn mây huyền thoại của các thiếu nữ miền Bắc đáng yêu, đang xõa tóc bên bờ ao, chờ đợi người tình. Da dẻ hết còn mầu chì hắc ám, mà thành nõn nà như gái tơ, hơ hớ tới tuổi trăng tròn, đầy gợi cảm, hong tình. Mầu vàng đục ngầu của đôi mắt biến mất, nhường lại cho sự trong sáng, tinh anh, nghịch ngợm, láu lỉnh, mang đầy vẻ thông minh của một chàng thanh niên đầy tự tin, yêu đời. Ôi, còn hạnh phúc nào, vật gì đáng giá hơn sức khỏe hứng khởi của Tuân bây giờ! Chàng như đang hồi sinh, hóa kiếp thành một con người mới hoàn toàn cả về thể xác lẫn tinh thần.


 Sau khi phụ giúp vợ dọn dẹp chén đĩa và cùng hai con ngồi xem phim Cartoon, Tuân nửa đùa, nửa thật, ôm lấy Trâm Anh và xoa đầu hai con:

 - Từ ngày rời nhà thương về nhà, bố đã mang một món quà thật đặc biệt để tặng mình và hai con đó. Mọi người có biết không?

 Trâm Anh , nửa ngờ, nửa tin, liếc xéo chàng dò hỏi, không quên an ủi các con:

 - Bố dỡn chơi một tí cho vui đấy các con. Chắc chẳng có gì đâu.

 Cả hai đứa con đều nhìn bố lắc đầu. Tuân lại khơi mào thêm:

 - Món quà này đắt giá lắm. May ra, chỉ có triệu phú mới mua được. Mình và các con không tin sao?

 Cả nhà bỉu môi, chu mỏ, lắc đầu lia lịa, đầy vẻ đa nghi. Chàng lại phang thêm nhiều chi tiết hấp dẫn, kỳ lạ, kiêm cả đe dọa nữa:

 - Món quà bố đã mang về nhà cả tháng nay rồi mà. Tom và Mona đi kiếm xem. Chắc các con để quên đâu đó chứ gì? Món quà đắt khủng khiếp, các con ráng tìm xem. Mất thì chết đòn đấy nghe không hai cục cưng!

 Dù nghi ngờ, hai đứa bé cũng chạy tung tăng khắp nhà, lục lọi mọi chỗ. Cuối cùng, chúng cũng chạy lại, ôm chầm lấy bố, thở hổn hển, phản đối:

 - Chúng con đâu có thấy. Bố xạo thấy mồ.

 Không để ba mẹ con đợi lâu, Tuân huyênh hoang tuyên bố:

 - Ồ, xin lỗi các con, bố tìm thấy rồi. Ngay đây này…

 Mọi người trố mắt nhìn chàng. Tuân từ từ tiến ra giữa nhà, gần chỗ đèn sáng choang, vén chiếc áo thung trắng, để lộ khoang bụng trắng phau, với vết mổ to lớn, nổi bật. Chàng chỉ vào vết mổ , to hơn tám inch, tuyên bố:

 - Đây là chiếc Mercedes đắt nhất thế giới, mà bố đã mang về thân tặng mình và hai con đấy! Giá trị của nó lên tới một triệu hai trăm ngàn dollar. Đắt khủng khiếp chưa? Trên đời này, ít ai có chiếc xe đắt giá ấy. Sao hai nhóc tì của tôi tin chưa? Các con và mình thử nhìn và sờ vào vết mổ xem có phải giống logo chiếc Mercedes không?

 Cả ba mẹ con ùa lại chỗ bố, nắn nót dấu hiệu chiếc Mercedes đắt giá, như phần thưởng quí giá nhất, mà xã hội thân thương và thượng đế đã ban tặng cho gia đình họ. Những nụ cười rạng rỡ của mọi người vỡ òa ra lanh lảnh, vang vọng khắp căn nhà như những tia pháo bông rực sáng choáng ngợp một gia đình hồi sinh, hy vọng…

 Bùi Đình Phùng
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Ba 2023(Xem: 12843)
"Món cơm nguội rẻ tiền, lúc trước chỉ dành cho người bình dân, lao động, nay rất được ưa thích, nổi tiếng ở Cồn Hến, và đã trở thành món ăn đặc sản của xứ Huế, mà chính người bổn xứ ai cũng ngất ngư vì cay xé lưỡi. Hít hà trong nước mắt khi ăn thì mới đúng điệu."
23 Tháng Mười Một 2022(Xem: 2751)
"KhônKhông ai đã ở trên đất Mỹ mà không biết ngày Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day mang ý nghĩa mừng được mùa thu hoạch và cảm tạ Chúa ban cho cuộc sống no đủ, đồng thời cũng để cám ơn những người dân bản địa đã giúp cho những di dân. "
15 Tháng Tám 2022(Xem: 3569)
"Bà nội, thầy mẹ tôi nằm xuống, tới bẩy anh em tôi mươi năm nữa cũng nằm xuống cả, đã có bầy măng non tới bốn chục đứa, mong rằng chúng còn có thể vươn cao hơn và mạnh hơn cả ông bà cha mẹ chúng."
07 Tháng Bảy 2022(Xem: 3558)
"Mình cũng già. Khi bé Nhiên lớn lên mình đâu còn sống với con; gia đình không còn ai, con bé lại bơ vơ lần nữa. Thôi thì cứ để anh em làm quen với nhau. Chờ khi nó lớn lên, ăn học tới nơi tới chốn rồi hẳn cho hay. Còn giờ, thỉnh thoảng dẫn nó xuống làng cho anh em chúng gặp nhau kẻo tội."
13 Tháng Năm 2022(Xem: 3904)
"Tôi phải chờ đến sau ngày 9 tháng 5 mới ngồi gõ “Phiếm Loạn” số 4. Sao thế? Vì tôi nghe lời ông tổng thống nước Nga để xem cuộc duyệt binh mừng đại thắng. Một là đại thắng phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến. Hai là đại thắng do “chiến dịch quân sự đặc biệt” đối với nước láng giềng “phát xít” Ukraine."
10 Tháng Ba 2022(Xem: 3719)
"Xin cầu nguyện cho dân Ukraina “không được” giải phóng bởi Nga."
04 Tháng Ba 2022(Xem: 3577)
“Chúng ta như hai dòng sông gặp nhau để rồi cùng chẩy ra biển, hay gặp nhau để rồi lại xa nhau, làm sao biết được anh nhỉ?...Nhưng tại sao anh lại là anh Chương Đà Lạt độ nào!”
23 Tháng Giêng 2022(Xem: 16287)
"tôi vẫn hãnh diện tôi là người Hà Nội. Hà Nội vẫn luôn ở trong trái tim tôi : Hà Nội Quê Hương Trong Trí Nhớ. "
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3927)
"Mùa NOEL năm ấy 1975 đã để lại dấu ấn trong cuộc đời tôi chẳng thể nào quên : “Đêm Thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi”."
23 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 3841)
"Cuối đời ôn theo Phật lấy câu : tâm bình thường là đạo nên tụi chị sống an nhàn là đúng rồi. Biết chừng nhờ mả ôn phát mà tụi chị được vậy chứ không thì “ đi ăn mày Tàu” rồi!"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468