Thử thách

17 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 17467)
Thử  thách

 Thử thách

 Bùi Đình Phùng 
 
Thùy Trâm còn đang tìm chiếc áo len mà mẹ mới mua hôm qua để cùng lũ bạn đi bát phố Hoà Bình, bỗng nghe như có tiếng ai đang xí xố trước cổng nhà. Ngạc nhiên, lẫn tò mò, Trâm đẩy cánh cửa sổ trên lầu, ngoái cổ, ráng căng mắt tìm tòi những kẻ lạ mặt, vì trời hôm nay sương mù vẫn còn dăng mắc dầy đặc khắp đó đây, dù đã hơn mười giờ sáng rồi. Có đến hơn năm phút, nàng mới nghe tiếng bố réo gọi thằng Nam, đứa em trai, ra mở cổng ngõ cho khách khứa của bố tới chơi. Trong ba người khách này, nàng nhận thấy chỉ có một người mới tới nhà chơi lần đầu. Dù người khách ấy xa lạ đối với gia đình, nhưng với Trâm, nàng đã quen thuộc quá rồi. Vì người ấy chính là thầy Thạc, thầy giáo dậy môn toán cho trường trung học công lập Bùi thị Xuân, một nơi mà nàng đã mài đũng quần từ gần sáu năm nay. Khi bố giới thiệu chú Thạc và nói nàng chào các bác, chú trước khi ra khỏi nhà, nàng đã vâng lời ngay. Trâm khoanh tay, cúi gập đầu chào các vị khách:
 -Hai bác và thầy ngồi chơi, con đi bát phố ạ.
 Trâm ôm lấy cổ, dụi má vào chiếc cằm đã được cạo tỉa gọn gàng, nhưng vẫn còn ram ráp của bố, nhỏ nhẹ :
 -Chú Thạc là thầy của con đấy. Con đi chơi nghe bố. Hôm nay con còn dư tiền ăn phở và ăn kem, bố khỏi cho tiền con nữa.
 Trâm vừa cười nói, vừa vỗ vỗ vào chiếc bóp nhỏ xíu mà nàng đang đeo chéo qua cổ.
 Thầy Thạc lên tiếng nhận xét:
 -Sắp làm cô tú mà vẫn còn nhõng nhẽo bố quá nhỉ!
 Làm bộ như không nghe tiếng đùa cợt của thầy Thạc, Trâm tung tăng nhảy nhót xuống mấy bực thềm và phóng chạy ra khỏi nhà như con thỏ xinh xắn, dễ thương đang tung mình ngoài đồng cỏ hoang.
 Tới trước rạp hát, Trâm đã thấy bốn người bạn gái ngồi bệt trên nền xi măng cao ngất nghểu của khu thương xá Hoà Bình, chân thả xuống mấy bậc thềm dẫn tới con đường Hàm Nghi chạy vòng vèo,quanh khu thương xá ấy. Họ đang líu lo tán dóc, đôi khi cười nói oang oang, cãi nhau chí choé, ầm ĩ cả một góc phố. Rủ nhau đi ăn trưa cũng phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ gân cổ bàn luận, mới tìm được tiệm ăn tương đối thoả mãn cho cả đám ương ngạnh. Ăn xong,cả bọn lại kéo tới quán kem Lê Lai, kế bên lò bánh mì Vĩnh Chấn quen thuộc, nằm trên đường Minh Mạng, vừa mút kem, vừa xuýt xoa, vừa tán dóc, vừa ngắm nhìn thiên hạ. Dập dìu giai nhân, tài tử, sĩ quan các binh chủng, đủ loại cấp bậc cùng bao chàng sinh viên sĩ quan của mấy quân trường, sinh viên đại học Đà Lạt , đang lũ lượt dạo phố dưới ánh nắng long lanh, dịu mát của mùa xuân êm ả nơi xứ hoa anh đào rực rỡ,tình tứ muôn thủa. Đủ mọi khuôn mặt, chập chờn bao hình ảnh đẹp mắt lẫn sỗ sàng phơi bày, lượn lờ trước những cặp mắt khờ dại, ngỡ ngàng của các nữ sinh tỉnh nhỏ chỉ biết thu mình trong sách vở, bao bọc dưới lớp dù êm ả của gia đình lễ giáo, hạnh phúc. Hoa và Cúc đột nhiên cùng chỉ tay về hướng gốc cây anh đào, đối diện tiệm chạp phô của anh chàng Ấn Độ, miệng bô bô như chỗ không người:
 -Ê, tụi bay coi, anh chàng võ bị đang làm gì cô bé nhà quê kìa.
 Trâm nhớn nhác ngó quanh, ngó quẩn. Tới đúng chỗ gốc cây anh đào, nàng chỉ thấy một cô gái miền Nam, mặc bà ba trắng, khoác chiếc áo len xám đậm, quay mặt về hướng đối nghịch với anh chàng sinh viên sĩ quan, khóc thút thít, như đang dự đám ma.
 Con Lan phang ngay một lời nhận xét chết người:
 -Chắc lại mang bầu tâm sự chứ gì?
 Hoa phản công ngay:
 -Ê Lan, mày nói bậy. Con người ta còn non choẹt, mặt mày sáng sủa, eo ót bé tí thế kia mà bầu bì cái gì. Chắc lại sắp tới ngày chia ly, anh đi tiền tuyến, em vẫn ở lại vùng quê với mẹ già chứ gì?
 Cúc xen vô giảng hoà :
 -Mặc xác người ta. Tụi bay còn lạ gì những mối tình của biết bao chàng sinh viên sĩ quan võ bị hào hoa với các cô gái tại thành phố mờ sương này. Tan vỡ nhiều, mà thành đôi thì ít.
 Đột nhiên, Trâm đổi đề tài :
 -Đố tụi bay biết, sáng nay nhà tao có khách lạ nào tới thăm bố tao? Người khách ấy, tụi bay đều quen biết đấy. Ráng suy nghĩ xem, mấy bà cố nội!
 -Bạn của bố mày làm sao tụi tao biết được. Chẳng lẽ ba tao tới thăm bố mày? Ba tao và bố mày chỉ mới biết nhau lần đầu vào hè năm ngoái, khi mày và tao cùng nhận
phần thưởng danh dự của trường mình mà. -Con Hoa trả lời ngay, không suy nghĩ -
 Cả bọn túm lại bàn ra, tán vào, tuôn ra những nhận xét chẳng giống con giáp nào. Cuối cùng, mọi người đều chịu thua. Trâm liền phán ngay:
 -Thầy Thạc chứ ai.
 Bốn đứa cùng rú lên :
 -Ừ nhỉ, thầy ấy cùng làm một chỗ với bố mày mà.Vậy mà tụi tao quên béng mất rồi.
 Ngồi im ru, cười mỉm, không nhúc nhích đôi môi, bây giờ Huệ mới lên tiếng:
 -Tại sao thầy Thạc lại tới nhà mày? Biết đâu ông ấy đang cố tình dòm ngó cô hoa khôi trường mình đó sao, phải không tụi bay? Nghe nói, ngoài việc dậy học tại võ bị và trường mình, ông ấy còn vác ghi-ta (guitare) ngồi hát nghêu ngao chung quanh hồ Xuân Hương, trên thềm khu thương xá Hoà Bình mà tụi mình mới ngồi tán dóc sáng nay, giống như kẻ ăn xin, hát dạo ngoài đường phố. Không biết ông ấy nghệ sĩ tính hay mát giây, tụi bay nhỉ? Lần sau đi chơi, đứa nào cũng ráng nhớ xách nón đi theo, để giúp thầy mình xin tiền, phụ hoạ thêm “lậy ông đi qua, lậy bà đi lại, cho tôi xin chút …ái tình, à quên, xin chút tiền còm “.
 Con Lan cong cớn, đốp chát với Huệ:
 -Ê, con nhỏ này nghĩ bậy. Mày có thấy ông thầy Thạc khác biệt hẳn với mấy thầy cô giáo trường mình không? Tao thấy ông ấy ăn mặc rất đơn giản: chỉ quần ca ki và chiếc sơ mi nhàu nát, không lẳng lơ quần là áo lượt, xếp li thẳng băng như bao thầy giáo khác. Đôi khi ông ta mặc đồ nhà binh, cũng chẳng thấy lon lá gì, trông như chú binh nhì vô học. Nhưng môn toán hình học lớp mười một ông ấy dậy, quả thật dễ hiểu và đơn giản, không làm học trò rối mù như bao thầy cô giáo khác. Riêng tao, tao rất sợ môn ấy. Nhưng bây giờ, nhờ thầy Thạc, tao đã thênh thang học môn ấy ngon ơ, đâu có gì mà phải ớn lạnh nữa. Nếu nói ông ấy khờ khờ dại dại, làm gì còn đủ sáng suốt, phân tích, làm cho môn học khô khan kia thành môn giải trí thoải mái, thu hút đám học sinh lười biếng như tao. Tao thấy, giờ ông ấy dậy, còn có nhiều đứa ở lớp khác xin vào học ké đấy.
 Trâm ngồi yên, không đóng góp ý kiến gì. Nàng nhận thấy, từ gần hai năm nay, trường con gái công lập duy nhất tại Đà Lạt này đã thấy xuất hiện một số thầy giáo, khác hẳn với những năm trước đây, toàn là nữ giáo sư. Điểm kỳ lạ hơn nữa là trong số những nam giáo sư ấy lại có một số còn rất trẻ, khi mặc đồ dân sự, lúc đóng bộ đồ lính chiến, trông oai phong, đẹp trai đầy vẻ sương gió làm náo nức bao con tim khờ dại của các nữ sinh tới tuổi mộng mơ. Riêng thầy Thạc, thứ sáu tuần trước, lúc gần hết giờ, thầy ấy và mấy chục học sinh cùng lớp Trâm vừa vỗ tay vừa đồng ca bản nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn :” Một ngàn năm đô hộ giặc tầu, một trăm năm đô hộ giặc tây. Hai mươi năm nội chiến từng ngày…” làm náo động cả một góc trường, tạo không khí nhộn nhịp, vui tươi của buổi học cuối ngày.
 Con Hoa bỗng nhiên góp ý kiến, làm sôi động hẳn lên không khí vừa mới lắng dịu được vài phút :
 -Tụi bay đoán xem ông ta mấy tuổi.Trông ông ấy còn trẻ lắm mà.
 -Tao nghĩ ông ấy dưới ba mươi cái xuân xanh -Cúc đoán già đoán non –
 -Nhưng mà ông ấy còn độc thân hay đã có vợ ? –Lan hỏi dồn-
 Huệ chộp ngay lấy cơ hội, tấn công Lan :
 -Chắc con bé Lan này mê ông thầy Thạc rồi. Tiếng sét ái tình hở cưng? Hèn chi điều tra kỹ lưỡng đời tư của người ta và còn bênh ông ấy chằm chặp. Kể ra, mày với
ông ấy cũng xứng đôi đấy chứ.
 Lan cũng chẳng phải tay vừa. Nàng trả đũa ngay tức thì :
 -Con ranh Huệ này cũng ghê gớm thiệt. Muốn ăn gắp bỏ cho người.Thôi đừng ném đá dấu tay nữa nghe bồ. Ai mà không biết!
 Màn cãi nhau còn đang gay cấn, ngay lúc ấy, con Cúc tự nhiên mặt mày biến sắc, miệng ngậm chặt lại, tay trỏ đưa lên môi, đầu hất hất ra phía cửa tiệm, như ngầm ý nói cả bọn đừng nói chuyện nữa, sắp có chuyện lạ, nguy hiểm xẩy ra. Mọi người chưa hiểu chuyện gì, chỉ thấy miệng nàng ú ớ, tay chỉ ngay ra phía cửa đàng trước tiệm kem. Một người đàn ông, tay cầm tờ báo, còn tay kia đang ôm một ổ bánh mì Vĩnh Chấn nóng hổi , như đang muốn bước vào. Cả đám nhận ra liền người đàn ông ấy. Con Cúc phán ngay một câu :
 -Đang nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã tới ngay, linh nghiệm thật.
 Không biết bốn đứa có nghe Cúc nói gì không, chỉ thấy bọn họ đồng loạt đứng dậy : 
 -Chào thầy ạ. Mời thầy ngồi chung với tụi em, ăn kem cho vui
 Thầy Thạc kéo ghế, ngồi nhập chung với bọn học trò ngỗ nghịch, lém lỉnh. Biết học trò không ai hơn thầy. Thạc đùa dai :
 -Ai còn kem dư cho thầy một muỗng.
 Thật lẹ làng, Lan chộp lấy ly kem dâu của Trâm, còn một nửa đẩy qua phía Thạc, miệng phán một câu thật là gay cấn :
 -Mời thầy nếm chung với học trò cưng của thầy cho thêm phần tình tứ.
 Mặt đỏ tía tai, Trâm dẫy nảy phản đối :
 -Thầy để tụi em kêu cho thầy một ly khác. Ăn chung mất vệ sinh, kỳ lắm thầy ơi.
 Thạc tỉnh bơ, lấy muỗng xúc một muỗng kem cho vào miệng. Nhưng Hoa tinh ý, vì nàng chỉ thấy Thạc cho muỗng không vào miệng, chứ đâu có kem gì. Nàng phản đối :
 -Thầy ăn gian, hay để em múc kem cho thầy.
 Thấy Trâm xịu mặt, Thạc đành đưa đề nghị mới :
 -Trưa nay, thầy được bố mẹ Trâm cho ăn món bún bò Huế ngon tuyệt vời. Bây giờ, thầy muốn mời tụi em thưởng thức một chầu kem mới, hoạc món gì các em thích cũng được. Các em nghĩ thế nào?
 Cả bọn reo lên hồ hởi :
 -Dạ, tụi em sẽ ăn trả thù cho thầy sập tiệm.À quên, cho thầy cháy túi.
 Thạc cũng không vừa. Chàng về hùa với họ như chỗ không người :
 -Cháy túi quần, thì thầy còn quần xà lỏn, đâu có sao.
 -Eo ơi, thầy nói gì ghê rợn thế -Mấy đứa la toáng lên ra vẻ sợ hãi-
 Con Huệ đột nhiên tung ra một câu, làm cả bọn giật mình e ngại :
 -Thầy ơi, nãy giờ, tụi nó đang bàn về đời tư của thầy đấy.
 -Đời tư của tôi ư! Có gì đặc biệt đâu?
 Không nói không rằng, Huệ dơ ngón tay chỉ thẳng vào Lan. Nàng véo ngay vào tay Huệ một cái đau điếng, miệng nguyền rủa :
 -Đồ quỷ cái, ăn nói bậy bạ.
 Đang vui nhộn, không khí trở thành trầm trọng. Giọng thầy đang tiếu lâm trở thành nhẹ nhàng,tâm sự:
 -Thầy không còn trẻ lắm đâu, xấp xỉ gần ba mươi cái xuân xanh rồi. Hiện thời, thầy đang độc thân tại chỗ. Tuy vậy, thầy vẫn còn có những ràng buộc về pháp lý, về tôn giáo và ngay cả về tinh thần nữa.
 Trâm ngần ngừ mở miệng định nói điều gì, nhưng nàng lại nín thinh. Thạc khám phá ngay đôi môi mấp máy của nàng. Chàng khơi mào:
 -Trâm định hỏi gì thầy? Dù khó nói nhất, thầy cũng cho các em biết, đừng e ngại.
 Thấy Trâm lờ đi, êm ru, Lan đặt câu hỏi :
 -Thầy nói độc thân tại chỗ là sao, em không hiểu .
 -Xin lỗi các em, lời tâm sự vừa rồi của thầy quả thật hơi mơ hồ, chưa rõ chi tiết.Thầy tưởng nói ít các em hiểu nhiều, đâu ngờ các học trò cưng của tôi cũng chậm tiêu gớm.
 Nói tới đây, Thạc như mê sảng. Đôi mắt lim dim mơ màng, lôi chàng bước lùi về dĩ vãng :
 Độc thân tại chỗ có nghĩa là hiện thời thầy đang sống một mình tại Đà Lạt, không có cô sống kề bên, nhưng vợ thầy vẫn sống tại Sài gòn. Cái quan trọng ở đây là dù không sống cùng một thành phố, người ta vẫn tạo cơ hội để gặp gỡ nhau, một tháng, vài ba tháng hay ít nhất một năm cũng có dăm ba lần sống chung hạnh phúc với nhau. Điều đó mới định nghĩa được tình yêu chồng vợ, dù đang sống trong một đất nước chiến tranh.Thầy và cô ngang tuổi nhau. Quen nhau trong thời kỳ học ở đại học khoa học Sài Gòn, ngay từ những năm đầu tiên. Cô học ngành y khoa, nhưng vẫn phải học năm dự bị y khoa, gọi tắt là APM tại đại học khoa học. Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân toán, thầy và cô lấy nhau. Thầy dậy học tại một số trường trung học tại Sài Gòn, cô vẫn còn là sinh viên y khoa năm thứ tư. Hạnh phúc của hai vợ chồng vẫn êm đềm, tình tứ và phẳng lặng như bao gia đình trẻ trung khác. Ba năm sau, cô tốt nghiệp bác sĩ y khoa và làm việc tại nhà thương Chợ Rẫy. Ở địa vị mới, bạn bè mới, thầy đã bị gò ép trong hoàn cảnh xa lạ, không còn phù hợp với lối sống phóng khoáng, nghệ sĩ tính của thầy nữa. Thầy bị gò ép trong cách chưng diện. Đi đâu, thầy cũng phải cứng ngắc trong bộ đồ giặt ủi thẳng nếp. Tóc tai lúc nào cũng phải cắt tỉa gọn gàng, phơi bầy rõ ràng vầng trán cao, cặp kính trắng hếch lên -dù thầy chẳng cận thị, viễn thị gì hết-cho ra dáng ta đây là kẻ học thức, gộp hết bốn bồ chữ của thiên hạ. Đi đâu cũng phải giữ gìn ý tứ, từ cách ăn nói cho tới những hàng quán mà mình thường lui tới trước đây cũng phải lựa lọc cho hợp với địa vị , tầng lớp thượng lưu mới. Ngay cả thói quen thường lệ, như những cuộc hẹn hò với bạn bè tại các quán cóc, quán bình dân để uống cà phê, phì phèo khói thuốc, tán dóc, nghêu ngao hát hỏng dăm ba bài vui nhộn, cũng bị khuyến cáo phải loại bỏ. Mấy tháng đầu, để làm hài lòng bà xã, thầy đã phải cụp đuôi, làm răm rắp theo lệnh của vợ. Nhưng mấy tháng sau, thầy thực sự cảm thấy bực bội vì bị bạn bè xa lánh. Người ta dè môi, dìu mỏ, nói mình làm phách, khi dể họ là hạng bình dân. Tự nhiên thầy bị tách rời xa bạn bè, một số người thân, trở thành kẻ cô độc, sống trong tháp ngà lạnh lẽo, vô lý của mình.Thầy ấm ức, khắc khoải, như bị giam cầm trong nhà tù, xa lánh hẳn xã hội bên ngoài. Hạnh phúc gia đình dần dần bị rạn nứt. Để lấy lại bản lãnh và sở thích của mình trước đây, thầy cũng đã bắt đầu từ chối một số cuộc họp mặt của cô với bạn bè, mà thầy cảm thấy chỉ là dịp để họ khoe của, biểu diễn những loại nữ trang đắt tiền, trưng bầy những kiểu xe xa hoa, lộng lẫy, không phù hợp chút nào với tình trạng khốn cùng, chiến tranh triền miên tàn khốc của đất nước. Nếu cô có rủ thầy đi đâu, thầy cũng ăn mặc theo sở thích của mình. Nhưng lối chưng diện ấy làm cô bối rối, mắc cỡ với bạn bè, vì ai cũng com-lê thẳng tắp, cà-vạt đắt tiền. Nên những lần hò hẹn,họp mặt khác,cô đành vờ đi không dám rủ thầy đi chung, lái xe thênh thang một mình.Từ những rạn nứt ngấm ngầm kia, hai vợ chồng thầy dù sống trong một ngôi nhà khang trang, kẻ ăn người làm đầy đủ, cũng trở thành hai kẻ xa lạ, hai người câm điếc. Cá nhân thầy cũng đã được sống lại với bản chất bình dân, nghệ sĩ tính của mình. Thầy đã phải cố gắng đi tìm lại tất cả bạn hữu, năn nỉ xin họ tha thứ cho những lỗi lầm, những hành xử quá quắt trước đây và đã được sống hả hê thoải mái theo bản tính bụi đời của mình. Dĩ nhiên những đổ vỡ ngấm ngầm kia dần dần vỡ oà, bùng nổ dữ dội không làm sao hàn gắn lại được. Tuy thế, cả thầy lẫn cô, không ai đủ can đảm, tự mình đưa ra những giải pháp quyết liệt để giải quyết cơn khủng hoảng ấy. Cả hai hầu như bị trói buộc bởi sợi dây vô hình oan nghiệt của tôn giáo, của danh dự dòng họ, vào tiếng tăm lẫy lừng đã có từ bao thế hệ cha ông trước đây. Người đời đã nhìn vào hình ảnh của thầy cô như đại diện cho sự kính trọng, nể phục không thể xoá nhoà, đổ vỡ được. Những dằng co, khắc khoải ấy cứ bám chặt, bao vây lấy hai người, không làm sao thoát ra được. Bỗng một biến cố xẩy ra, hầu như vô tình giúp đỡ hai kẻ yếu đuối kia tạm thời tìm ra một giái pháp ổn thoả nhất, dù không toàn vẹn, hợp lý, nhưng lại như một thử thách để đôi bên cần cân nhắc, biết cách nhìn lại, tìm ra ưu khuyết điểm của chính mình,hòng sau này sẽ có một quyết định tối hậu…Biến cố ấy chính là lệnh gọi động viên, gia nhập quân đội, dấn thân vào nghiệp lính và cũng là cơ hội để hai người xa nhau. Chín tháng quân trường Thủ Đức đã biến đổi con người thư sinh của thầy, trở thành người dạn dầy gió sương, không còn cảm cúm, đau ốm lặt vặt như trước nữa. Đơn vị được chọn lựa khi ra trường là trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, xa Sài Gòn hàng mấy trăm cây số. Xa thủ đô, xa cô cả gần hai năm nay, thầy cảm thấy tinh thần mình bình thản lạ thường. Phải chăng tình yêu chồng vợ của mình đã không còn nữa? Không biết vì tự ái hay có một sự thay đổi, một quyết định tối hậu nào rồi, cô đã không còn liên lạc với thầy nữa. Nếu quả thật cô đã nhất quyết chia tay với thầy, đó cũng là điều tất nhiên.Tuổi đời của con người cũng có giới hạn. Dằng co mãi, luẩn quẩn không lối thoát, chỉ gây đau khổ cho nhau suốt cuộc đời mà thôi.Tuy vậy, thầy không muốn mình là kẻ khởi xướng, là người đầu tiên khơi mào việc ly dị. Nhưng thầy sẽ ký bất cứ giấy tờ nào mà cô và pháp luật đòi hỏi, không yêu sách bất cứ điều kiện gì.Thầy muốn, nếu hai người có chia lìa, thì cả hai đều thanh thản, không ràng buộc, hối hận hay phàn nàn về bất cứ điều gì. Nếu sau này, có tình cờ gặp lại nhau, cũng là hai người bạn thân thiết, chúc phúc cho nhau. Bây giờ, ngay lúc này, thầy sẵn sàng chờ đợi những gì cô mong muốn…
 Vì là sĩ quan thuộc khối văn hoá vụ và có bằng cử nhân toán, nên thầy chỉ dậy cho sinh viên sĩ quan các môn về khoa học mà thôi. Do đó thầy có nhiều thời giờ rảnh rỗi để qua bên trường các em dạy môn toán theo lời đề nghị của bà hiệu trưởng Phương Thu. Thầy có nghe phong phanh, một số người đồn ầm lên về việc thầy lang thang đờn hát ngay tại khu thị tứ của thị xã Đà Lạt. Một số người cho đó là hành động kỳ quái của một kẻ điên dại, hay thất chí, thất tình…
 Đột nhiên Thạc ngừng lại, hầu như xem phản ứng của học trò mình đang suy nghĩ gì, phản ứng ra sao. Chàng quay qua nhìn Huệ, nhìn Lan, phán ngay một câu bất ngờ :
 -Có phải tụi em cũng nghĩ những hành động quỉ quái kia của thầy là điên rồ, là của kẻ mát dây chăng?
 Huệ và Lan giật mình cái thót, như thể thầy biết rõ những gì họ đã bàn luận với nhau về mình.Huệ giả lả như bào chữa:
 -Dạ, tại tui em chưa hiểu nhiều, biết nhiều về thầy. Xin thầy tha lỗi cho chúng em.
 Trâm, với vẻ mếu máo, nước mắt mờ nhạt nơi khoé mắt, nhỏ nhẹ an ủi thầy :
 -Tụi em thấy thương thầy quá. Hạnh phúc quả thật quá khó khăn và mong manh.
 Sau khi tâm sự với đám học trò, Thạc như trút bớt gánh nặng, đã bị tràn ngập, chìm sâu trong tâm tư mình. Chàng quay qua đám học trò đang mặt mày ủ rũ, nghĩ ngợi xa xôi, phá tan làn không khí buồn thảm, trĩu nặng mà chàng đã đổ ập xuống đầu óc non dại, ngây thơ của chúng, bằng cách dơ cao ly kem của mình đụng leng keng vào những ly kem khác la liệt trên bàn :
 -Nào, thầy trò mình cụng ly. Chúc các em trẻ đẹp. Sắp có kép đẹp trai, học giỏi, cho thầy ăn cỗ sớm.
 Cả đám trở nên nhốn nháo, vui đùa trở lại. Hầu như chúng cũng quên luôn câu chuyện tình buồn của ông thầy chịu chơi, đầy nghệ sĩ tính.
 
 Trong đám năm cô nữ sinh trường Bùi Thị Xuân, vừa được nghe tâm sự của Thạc, Trâm là kẻ hay nghĩ ngợi xa xôi, giầu tình cảm và dễ dàng rướm lệ nhất. Ngay bữa cơm tối hôm ấy, Trâm đã diễn tả lại mối xúc cảm cũng như toàn diện câu chuyện thương tâm của Thạc cho mọi người trong gia đình hiểu. Vì nàng biết rằng thầy Thạc là bạn cùng trường võ bị với bố mình. Mẹ ngồi im ru, không phản ứng gì. Chỉ có bố là rên rỉ:
 -Không ngờ chuẩn uý Thạc, một giáo sư xuất sắc, một tay văn nghệ ngất trời, lại chịu những hệ luỵ, đớn đau như vậy. Mà cái ông này, chơi thân với ông ấy cả hơn năm nay, suốt ngày chỉ biết nói chuyện tiếu lâm, đờn ca vang trời, thế mà lại ẩn dấu cả một khối u sầu chất ngất, kể cũng lạ thật. Bố nói cho Trâm biết, ba của Thạc hiện đang làm khoa trưởng đại học văn khoa Sài Gòn, một giáo sư nổi tiếng, lẫy lừng về môn triết đông của nước ta đấy .
 Sau bữa ăn kem với lũ bạn và thầy Thạc, Trâm hầu như chú ý tới thầy mình nhiều hơn. Mọi khi gặp thầy, nàng chỉ chào qua loa cho có chuyện, cho đúng vẻ kính trọng của đệ tử và sư phụ. Giờ đây, ngoài việc chăm chú nghe Thạc giảng bài, hiểu bài và làm bài, nàng còn để ý ngay cả đến sắc thái thầy mình dạo này ra sao. Nét mặt thầy có vui vẻ hay sầu thảm héo hon…Trâm nhận thấy, bề ngoài, thầy Thạc rất vui vẻ, cười nói rất tự nhiên. Thầy hay dỡn chơi với học trò và đôi khi còn hát hỏng hay đờn guitar cho học trò thưởng thức vào những giờ trống mà thầy không dạy học. Cả đám học trò quây quần trên sườn đồi, vây quanh lấy thầy, mê mẩn theo dõi những ngón tay cong vào, duỗi ra, chạy lên, chạy xuống như con rắn lượn trên phím đàn không ngơi nghỉ. Tiếng đàn quyện xoắn vào nhau như những dòng nước chảy. Đôi khi những âm thanh ấy lại rộn ràng, ầm ầm như dòng thác đổ, làm rung động, kích thích những trái tim bốc cháy của tuổi trẻ. Hình ảnh lạ mắt của thầy như dấu ấn, thấm sâu vào tâm khảm đám nữ sinh, mà từ trước tới giờ chúng chưa bao giờ tìm thấy. Họ nhìn thầy như hình ảnh của một người anh, đôi khi lại như người bạn, đồng trang lứa để chơi đùa, hội nhập với chúng. Trâm cũng là một trong những đám nữ sinh quây quần bên Thạc để hát hỏng, đùa nghịch, đồng dao những bản dân ca, nắm tay nhau nhẩy nhót, vui đùa như đang sống trong thời thanh bình, hạnh phúc của tuổi trẻ mà quên đi chiến tranh tàn khốc đang dầy xéo đất nước đoạ đầy. Trâm ít khi thấy thầy mình nhăn nhó, khó khăn, hay gắt gỏng với học trò mỗi khi chúng hỏi han, làm phiền. Chỉ thỉnh thoảng nàng mới nhận thấy những cái nhìn xa xôi, nhưng ngắn ngủi của thầy mình trong lúc cho học trò làm bài. Phải chăng Thạc khéo che đậy những nỗi u uẩn, những dằng co nội tâm hay chàng đã quên đi thật sự nỗi đắng cay ẩn dấu trong một mối tình trưởng giả của lớp người học thức cao, đại diện cho lớp trí thức đương thời?
 Hình ảnh của Thạc hầu như thấm sâu trong con tim đa sầu, mơ mộng của Trâm. Nó như dính chặt vào mọi hành động, lời nói của nàng từ ngày này qua ngày khác. Ngay cả trong giấc ngủ hay những cơn mộng mị, nàng cũng thấy hình ảnh của Thạc chập chờn, bủa vây lấy nàng, không làm sao dứt ra được. Phải chăng nàng đã yêu thầm trộm nhớ Thạc? Mối tình một chiều kia có phải đã đang hình thành hay Thạc cũng để ý tới cô học trò xinh xắn, nổi tiếng hoa khôi của trường. Hoạc chàng cố chôn dấu, khéo che đậy để khỏi mang tiếng là một ông thầy có máu xấu, lợi dụng để dễ làm quen, tán tỉnh, bôi nhọ hình ảnh thiêng liêng của tình thầy trò mà mọi người vẫn còn tôn trọng, nể phục?

 Tiếng tắt máy xe hơi Simca cũ kỹ, vang lên những âm thanh khọt khẹt như người lên cơn xuyễn bên hông nhà chưa dứt, đã nghe thấy tiếng nói của bố oang oang như lệnh vỡ:
 -Trâm ơi, tối nay con khoẻ rồi, khỏi phải làm bếp, thổi cơm, tối tăm mặt mày. Mẹ đâu rồi con? Gia đình mình chuẩn bị, bẩy giờ chiều đi nhà hàng ăn tối, chú Thạc đãi một chầu rửa lon.
 Trâm nhẩy cỡn lên reo vui:
 -Cám ơn bố, cám ơn chú Thạc. Khỏi phải ngửi khói, mùi dầu mỡ, kể cũng đã thiệt . Rửa lon là gì hả bố?
 -À, chú Thạc mới lên lon thiếu uý. Rửa lon là thói quen của mấy ông nhà binh ấy mà.
 -Tại sao chú ấy không mời bạn bè trong trường mà chỉ mời gia đình nhà mình không thôi hở bố?
 -Bạn bè võ bị, chú ấy đã khao cả rồi. Chú ấy nói lâu lắm mới có dịp mời anh chị và các cháu đi tiệm. Chẳng lẽ cứ tới nhà bắt chị và cháu nấu ăn hoài sao? Phải kiếm lý do để mời cả nhà anh chị đi tiệm cho vui chứ!
 Khi thắc mắc hỏi bố như vậy, trong lòng Trâm cũng cảm thấy nao nao, vì ít ra Thạc cũng âm thầm để ý tới nàng, chứ chàng đâu có vô tình, không nhìn thấy những dấu hiệu gián tiếp tỏ tình của nàng bấy lâu nay. Thầy yêu trò cũng là chuyện bình thường, chứ đâu có gì gọi là loạn luân, đạp đổ khuôn khổ Nho Khổng.
 Sau khi rời nhà hàng Ý-Uyên, Thạc còn ghé nhà Trâm uống trà mạn sen, tán dóc, cười đùa với bố. Trâm đưa đề nghị với thầy mình:
 -Thầy Thạc, em nghe nói, ngoài tài đờn guitar ra, cô Nhung – cô giáo dậy âm nhac của tụi em - còn nói thầy đờn piano lả lướt lắm. Tiện thể nhà em cũng có chiếc piano hiệu Yamaha, tuy không tốt lắm, nhưng hy vọng cũng tạm đủ, để thầy cho gia đình em thưởng thức ngón đờn điệu nghệ, tuyệt vời của thầy nhé!
 Dù không từ chối đòi hỏi của Trâm, Thạc cũng khiêm nhường, không dám nhận những khen thưởng đồn đại của một số thầy cô trong trường. Chàng từ từ bước tới cây đàn, vừa xuề xoà cười nói:
 -Trâm nè, chớ có nghe người ta đồn bậy mà vỡ mộng đấy.
 -Dạ, em rất tin tưởng và… mến mộ thầy.
 Nàng muốn nói câu yêu thầy, nhưng nàng đã kịp ngăn chặn được ý muốn của con tim nóng hổi, đam mê và khờ dại của mình. Bởi vì, nàng cũng muốn Thạc hiểu và tỏ tình với mình, chứ không phải làm mặt thản nhiên, cười đùa vô tội vạ như đang dỡn cợt với bao học trò khác. Nhưng vì có bố mẹ và em mình hiện diện, nên nàng không dám tâm sự nhiều, cũng như lộ liễu quá đáng sẽ làm mọi người nghi ngờ.
 Mắt mờ nhạt, âu yếm nhìn Trâm, trong khi mười ngón tay thon dài như con gái của Thạc ôm lấy phím đàn, đập lên đập xuống rầm rầm như tiếng trống trận. Có lúc lại vuốt chạy trên phím đàn như những đàn thiên nga đang đua nhau rượt bắt trên không gian nơi những bản nhạc bất hủ, vượt thời gian của Batch, Beethoven làm người nghe như đang ru hồn vào một cõi mơ hồ, thiên thai, tình tứ bất tận. Thạc đã hứng chí, chơi luôn mấy bản nhạc cổ điển nổi tiếng tây phương. Không biết có phải đó là động lực tình yêu, hoạc muốn dùng âm nhạc để ngấm ngầm tỏ tình, hay muốn biểu lộ tài chơi đàn lẫy lừng của mình? Khi chàng ngừng lại, không khí gian phòng hầu như lắng đọng. Mọi người vẫn còn chìm đắm trong giấc mơ kỳ thú của âm thanh, hồn vía như vẫn bay bổng vào một thế giới mơ hồ nào. Họ chỉ tỉnh dạy khi Thạc đóng nắp chiếc đàn piano lại, tạo ra một âm thanh vang dội, làm mọi người ngơ ngác như mới trở về từ một cơn mộng du…
 -Ngón đờn thật là tuyệt vời. Quả đúng như lới đồn .-Mẹ Trâm tỏ lời khen ngợi Thạc-
 -Cám ơn chị quá khen.
 Trâm tiếp lời mẹ:
 -Dạ, em cũng mê mẩn theo dõi ngón tay chơi đàn tuyệt diệu của thầy đấy. Em đã học đàn cả mấy năm nay, nhưng tiếng đàn nghe chói tai, khập khễnh làm sao ấy. Chắc thầy phải dậy em, sửa đổi dùm em chứ!
 Bố Trâm cũng lên tiếng phụ hoạ với con gái mình:
 -Thạc à, hay là lúc nào rảnh rỗi, anh tới dạy đàn cho cháu Trâm ít giờ. Trước đây, tôi nghe cháu Trâm đàn, tưởng cháu đàn hay lắm, ai dè bây giờ nghe cậu đàn tôi mới biết tiếng đàn của cháu còn non dại, vấp váp nhiều chỗ lắm. Không biết đề nghị của tôi có phiền lòng cậu không?
 -Anh chị và cháu khỏi lo. Bây giờ tôi chỉ có một mình, không gia đình, không nhà cửa. Tôi coi gia đình anh chị cũng như người thân của tôi. Khi nào không có giờ dạy tại Võ Bị và Bùi thị Xuân, tôi sẽ tới đây giúp cháu. Cái thân tình mà anh chị đã dành cho tôi cũng là một liều thuốc tiên giúp tôi cố vượt qua mọi chông gai của cuộc đời. Mối chân tình ấy đáng giá gấp trăm ngàn lần những vật quý giá nhất trên cõi đời này, làm sao tôi có thể tìm ra được.
 Giọng nói nhỏ nhẹ, thân tình của Thạc tạo cho Trâm mối cảm xúc ngập tràn. Nước mắt nàng như muốn tuôn trào. Bất kể sự hiện diện của mọi người thân trong nhà, nàng đã chạy lại ôm chầm lấy Thạc như cám ơn, an ủi thầy. Nhưng lại như một cách bầy tỏ tình yêu thầm kín mà nàng đã cố gắng nhốt kín mãi, chôn sâu tận đáy lòng từ bấy lâu nay. Bố mẹ nàng, coi hành động âu yếm ấy của con như một mối cảm xúc tuyệt vời của tình chú cháu.Vì họ biết rằng cô con gái rượu kia rất dễ xúc động trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, nhất là Trâm lại hiểu rõ hoàn cảnh bi ai của Thạc hơn cả họ nữa.
 Những giờ dạy đàn của Thạc như những giây phút thần tiên giúp Trâm thân cận và yêu chàng thắm thiết hơn. Mỗi lần Thạc đứng sau lưng, ngoái cổ và cầm tay nàng sửa đổi lại cách thức để bàn tay đúng chỗ trên phím đàn, hơi thở Thạc như phà vào mặt nàng. Lồng ngực của Thạc cũng như đang áp hơi nóng vào mái tóc óng ả, dài quá mông, tạo cho nàng cái cảm giác rạo rực, nóng hổi. Gò bồng đảo của nàng nhấp nhô lên xuống, căng mọng như nàng trinh nữ hong tình.Cứ mỗi lần Thạc sắp tới giờ dạy đàn, Trâm cố tắm rửa sạch sẽ, xức một ít nước hoa êm nhẹ lên mái tóc, gò cổ, cặp má. Nàng lại cố tình mặc những bộ đồ thật mát mẻ, như cố tình khoe khoang bộ ngực kênh kiệu hớ hênh của mình, như một thách thức, một sức hút mãnh liệt của một cô bé đang yêu. Kể từ khi có Thạc xuất hiện thường xuyên tại nhà, Trâm đã bỏ thói quen đi bát phố ngày chủ nhật. Nàng chỉ mải mê với chiếc đàn, làm cả nhà ngạc nhiên và phục lăn cô bé chăm học. Chắc họ phỏng đoán rằng cô con gái cưng kia đang ra sức tập luyện để trổ tài và làm loé mắt họ chăng? Họ chắc chỉ đúng có một phần. Cái điều quan trọng hơn chính là chiếc đàn piano này, những bài nhạc cổ điển kia như đang tràn ngập những hương tình chập
 Cả gần bốn, năm tháng giúp đỡ cháu Trâm tập đàn, Thạc đã nhận ra những cử chỉ, những âu yếm, nhõng nhẽo, làm nũng của nàng. Có lần khi cầm tay nàng, sửa đổi lại vị trí cho đúng trên phím đàn, Trâm đã nắm chặt lấy tay chàng, hôn nhẹ và áp vào bộ ngực nóng hổi đang thổn thức, dồn dập, làm chàng ngất ngây. Đôi khi, Trâm lại ôm chầm lấy chàng, môi nàng mọng đỏ, rưng rưng chờ đợi làn môi khô rang của chàng ập xuống. Không thể cản nổi những khát vọng, bầu máu nóng đang sôi sục cho con tim tan nát của mình, hầu như đã khô cứng bấy lâu nay, chàng đã ôm chặt lấy cô bé đang hớ hênh bộ ngực nóng hổi, tạo những nụ hôn chất ngất như không muốn rời xa. Có một lần, sau khi tập đàn cho Trâm xong, chàng đã rủ nàng ra vườn sau nhà để vừa tán gẫu, vừa trình bầy hoàn cảnh của mình cho nàng hiểu thật rõ ràng, dù chàng cũng đã âm thầm yêu từ lâu. Thạc cầm lấy bàn tay run rẩy, cảm động của nàng thì thầm, tâm sự :
 -Trâm ơi, thầy cũng đã yêu em từ lâu. Nhưng vì hoàn cảnh rắc rối, nhiêu khê của mình, nên đã không dám thố lộ cho em biết. Đừng trách thầy vô tình nghe. Câu chuyện tình của thầy, như em và một số bạn đã biết, còn trong tình trạng chờ đợi. Sự trông ngóng kia, ngoài chuyện pháp lý là việc ký giấy tờ ly dị, thầy còn phải gửi đơn từ qua bên toà thánh La Mã để xin giấy tiêu hôn. Giấy tờ ấy lắm lúc cũng phải mòn mỏi chờ đợi cả mấy năm trường. Đôi khi, chuyện ấy lại bị dìm đi, không được duyệt xét, nếu có bất cứ người nào xen vào, can thệp. Còn đối với những sự dị nghị, danh dự dòng họ, thầy bỏ ngoài tai. Vì như em biết, lối sống của thầy rất bình dị, không cầu kỳ, rắc rối, kiểu cách lôi thôi. Thầy chỉ biết sống cho chính mình, hoạc nếu lấy em làm vợ, chúng ta chỉ sống thênh thang, thoải mái cho riêng đôi ta mà thôi, không màng tới lối sống, đua tranh của thiên hạ…Không biết Trâm có đủ can đảm chờ đợi việc thành hôn chính thức của mình chăng ? Thầy nghĩ, em có nên chờ đợi vô vọng như vậy hay không?
 -Đối với em, đó không phải là vô vọng. Sự tỏ tình của thầy đã làm em sung sướng, hạnh phúc tuyệt vời rồi. Tình trạng chờ đợi kéo dài, càng làm tình yêu của em với thầy trở nên thắm thiết, đậm đà hơn. Em không bao giờ hối tiếc. Trái tim của em đã dâng cho thầy từ ngày em nghe thầy tâm sự. Em đã rưng rưng, mắt mờ lệ ngay từ ngày ấy, vì quá thương cho hoàn cảnh của thầy. Nói thật với thầy, hôm ở tiệm kem, nếu không có lũ bạn quỷ quái kia, em đã ôm chầm lấy thầy, khóc sướt mướt vì yêu thầy rồi.Thầy có biết không?
 -Có phải vì bản tính đa sầu, đa cảm, Trâm đã thương hại thầy? Em hãy nhìn kỹ lại chính mình xem, sự thương xót do bản năng thiên phú khác hẳn với tình yêu trai gái, Trâm có biết không?
 -Dĩ nhiên, em biết rõ sự thương yêu đồng loại, yêu tha nhân, chia sẻ những đớn đau của con người khác biệt hẳn với tình yêu trai gái, tình yêu chồng vợ. Em nói, thầy đừng có ghẹo em. Nhiều lúc, ngay trong giấc ngủ, hay trong những cơn mê, em luôn bị hình bóng thầy bủa vây lấy em. Những ngón tay thon dài, như con gái của thầy luồn lách trong mớ tóc dài thườn thượt của em, như con rắn lượn, làm em mê man, chìm trong giấc ngủ tình tứ, chết lịm trên bờ vai, mái tóc sương gió, bồng bềnh của thầy.Thầy nghĩ xem, chẳng lẽ đó không phải là biểu hiện tình yêu của đôi nam nữ hay sao?
 -Cám ơn Trâm đã mang nguồn vui, mạch sống, tình yêu đam mê cuồng nhiệt đến cho thầy. Thầy hy vọng, một ngày rất gần, sau khi đã có đủ giấy tờ cần thiết, thầy sẽ thưa
chuyện trăm năm của mình cho bố mẹ em biết.
 Hôm đó, Trâm đã nắm chặt đôi tay của Thạc, gục đầu vào ngực chàng thổn thức những giọt lệ tình nóng hổi cho hạnh phúc tràn trề mà nàng đã mong đợi bấy lâu nay.
 
 Thấm thoát, mà đã gần hai năm cho mối tình thắm thiết, đam mê chất ngất của đôi tình nhân Thạc-Trâm. Nàng vừa mới đậu xong tú tài và đã ghi danh ban cử nhân văn khoa tại viện đại học Đà Lạt. Thạc vẫn là sĩ quan khối văn hoá vụ tại trường Võ bị quốc gia Đà Lạt và cũng là giáo sư toán cừ khôi cho trường Bùi thị Xuân. Giấy tờ chính thức từ toà án Sài Gòn và từ toà thánh La Mã cũng đã tới tay chàng.Tuy nhiên, Thạc lại phải bay về Saigòn một ít ngày để hoàn tất thủ tục chia tài sản với người vợ cũ. Sự xa vắng Thạc một thời gian ngắn cũng làm Trâm bồn chồn. Không phải nàng nghi ngờ gì người yêu. Nhưng sự gắn bó, hình bóng quyện chặt lấy nhau của hai người từ bấy lâu nay, như một chất keo sơn, không làm sao dứt ra được. Trâm hầu như ngồi đứng không yên. Nàng ngồi đếm từng giờ, từng phút, ngóng trông hình bóng cao lêu khêu, tóc tai bồng bềnh, đáng yêu của Thạc.Quả thật, trời không phụ lòng người. Chàng đã trở về với nàng sớm hơn ba ngày. Tài sản mà chàng giữ lại được là căn nhà hai tầng lầu, ba phòng ngủ xinh xắn, có sân trước, sân sau với nhiều cây ăn trái, toạ lạc tại Tân Định. Chàng để lại cho người bà con trông coi và trả cho họ một ít tiền săn sóc, bảo trì. Sau này, khi có dịp trở về thủ đô chơi, chàng sẽ dùng nơi trú ngụ ấy cho Trâm tha hồ tung tăng chạy nhảy, hái đủ loại trái cây thơm ngon, ăn uống thả dàn…
 Trước khi Thạc thưa chuyện gắn bó trăm năm của hai người với bố mẹ, Trâm cũng đã tâm sự tình yêu bền chặt của họ cho mẹ mình biết. Mẹ nàng hơi ngạc nhiên, vì bà tưởng rằng cách cư xử thân mật giữa Trâm và Thạc, chẳng qua chỉ là mối thân tình bình thường giữa hai chú cháu mà thôi.Tuy thế, bà cũng nhắc khéo một vài dị biệt giũa hai người :
 -Sự cách biệt tuổi tác giữa con và Thạc cũng khá nhiều. Gần một con giáp đấy nghe cô. Cô không sợ người ta bảo là đi cạnh ông lão hay sao? Hỡi cục cưng của tôi!
 -Dạ thưa mẹ, con biết rõ chuyện này rồi. Chẳng có gì cách biệt lắm đâu. Sau này sanh đẻ dăm ba đứa con, mình lại xồ xề, già hơn chồng cũng không biết chừng. Mẹ thường nhắc con về chuyện ấy cơ mà.
 -Thôi cô ơi, tiếng sét ái tình làm cô u mê, bênh vực người ta quá chừng. Chắc sớm muộn gì, cũng quên luôn bà mẹ già, lẩm cẩm này rồi. À, mà mẹ chưa hỏi con. Chuyện xưa cũ của Thạc đã tới đâu rồi? Biết đâu, một ngày nào đó, có kẻ lạ mặt, vác con cái tới, dành chồng với con, thật là bẽ mặt, ê càng đấy cô ơi. Lúc đó, đừng tìm tới mẹ bắt đền nghe cô hai.
 -Mẹ khỏi lo, chuyện cũ của anh ấy đã xong xuôi hết rồi. Từ pháp lý cho tới tôn giáo hoàn toàn có đầy đủ giấy tờ. Thạc đã đưa cho con xem xét. Liệu mẹ có muốn chứng nghiệm mấy thứ giấy tờ ấy không? Con sẽ nói anh ấy trình cho bố mẹ xem.
 -Không cần. Mẹ chỉ nhắc nhở con gái của mẹ mà thôi.Tất cả mọi thứ phải biết phòng xa, đừng để nước tới chân mới nhẩy, không kịp đâu con. Hơn nữa, khi bố đã tin tưởng, coi Thạc như người nhà, chắc bố đã hiểu rất rõ con người của anh ấy rồi, mẹ đâu phải lo lắng gì.
 Tình yêu gắn bó, bền chặt của cô nữ sinh viên đại học Đà Lạt với chàng sĩ quan lè phè, tóc tai bồng bềnh đầy nghệ sĩ tính và bất cần đời kia, đang thăng hoa, rộ nở, tràn ngập hạnh phúc. Chỉ còn một tháng nữa, lễ cưới chính thức sẽ được cử hành tại nhà thờ chánh toà duy nhất tại Đà Lạt. Đó là nhà thờ Con Gà, nằm kế cận khu hành chánh thị xã và gần mấy trường tư thục Trí Đức, Yersin và Adran . Nhân dịp này, Trâm cũng sẽ được diện kiến bố mẹ chồng và một số bạn bè của họ, mà lâu nay nàng chỉ nghe danh chứ chưa biết mặt. Kể ra, nàng cũng rất hãnh diện về tài học lẫy lừng của gia đình nhà chồng. Nhưng đôi khi lại mang tâm trạng hoang mang, lo sợ, dù nàng biết rằng bố mẹ chồng đều là những người tốt nghiệp đại học từ bên trời tây.
 Mới đó mà đã sắp tới ngày cưới. Chỉ còn ba ngày nữa, Trâm sẽ chính thức bước lên xe hoa. Mọi thứ đều đã sẵn sàng. Từ nhà hàng cho tiệc cưới, tới khách sạn cho khách thập phương từ xa về tham dự đều được đặt phòng. Căn phòng khá lớn xinh xắn tại nhà cũng đã được sơn phết lại để đón tiếp bố mẹ Thạc, vì họ thích sự thân mật, gần gũi cô con dâu, nổi tiếng là hoa khôi của ngôi trường trung học dạo nào, cũng đang là người đẹp của trường đại học nhỏ bé xinh xắn Đà Lạt. 
 Tối nay nghe nói có tình trạng cấm trại, bố Trâm và Thạc đều ở lại trong quân trường. Riêng Thạc, chàng phải trực phòng hành quân từ mười hai giờ đêm tới hai giờ sáng. Nếu không, sau khi điểm danh, chàng đã phóng xe về nhà rồi. Mười giờ sáng hôm sau, bố phóng xe Simca về nhà, mặt mày thiểu não, biến sắc. Chưa kịp tắt máy xe, bố đã phóng chạy vào nhà, vấp ngã trên thềm, mồm rỉ máu. Bố mếu máo, thều thào không ra tiếng:
 -Thạc…Thạc bị nạn, đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Lành ít, dữ nhiều. Khuya hôm qua, địch đã tấn công Đà Lạt và đánh đặc công vào một số quân trường, trong đó có trường võ bị quốc gia. Chúng chui dưới lạch nước với hàng rào dầy đặc bên trên và phóng chạy giữa sân trường trống trải cả hơn mấy trăm thước mới tới bộ chỉ huy, nơi Thạc đang trực, ném lựu đạn và bắn xối xả vào đó, trước khi chúng rút lui.
 Nghe bố thiểu não báo hung tin, Nam đã lôi chị dạy.Vì từ khuya hôm qua, ai cũng bồn chồn thức giấc trước những tiếng nổ đì đùng dấy lên khắp thị xã. Mới nghe xong, nàng đã khuỵ xuống, ngất xỉu. Cả nhà túm lại, dìu nàng ngồi dậy, định gọi xe cứu thương, nhưng Trâm đã tỉnh lại, khóc lóc thảm thiết. Mẹ ôm chầm lấy con an ủi, khuyên lơn, nước mắt cũng tự nhiên ứa ra, như chia sẻ nỗi đớn đau ghê gớm, mất mát của con mình.
 Sự lo lắng của gia đình Trâm, cũng như của mọi người thân được giải toả, khi nhận được điện tín của Thạc từ nhà thương Nha Trang gửi về báo tin là tính mạng của chàng không sao. Nhưng, vì thương tích khá trầm trọng, chàng phải nằm lại nhà thương điều trị một thời gian dài. Người ta đang cố gắng moi hết mọi mảnh lựu đạn lớn nhỏ, đang ghìm sâu, khắp mọi nơi trên cơ thể chàng. Tuy vậy, ống chân trái sát bàn chân bị đạn xuyên thủng nặng nề. Nếu phương pháp bó bột thất bại, ống chân ấy sẽ phải cắt bỏ đi để cứu mạng sống của Thạc. Viễn ảnh một chàng thương phế binh lởn vởn trong mắt mọi người. Hai tuần sau, Trâm đáp xe đò đi Nha Trang thăm Thạc. Dù còn bị băng bó nhiều nơi trên cơ thể, trông sắc thái Thạc rất hồng hào và yêu đời. Chân còn bó bột cứng ngắc, treo lủng lẳng trên cột giường, mà hai tay vẫn còn ôm đờn guitar mượn được của một người nhà thương bệnh binh, hát hỏng, giúp vui cho cả phòng bệnh, làm tinh thần mọi người phấn chấn, cười đùa nắc nẻ, như quên đi những nỗi đớn đau của thân xác. Nhìn thấy hoạt cảnh kia của Thạc, Trâm bất động, khâm phục cho cách hoà nhập của chàng trước mọi nghịch cảnh. Khi nàng ùa đến, Thạc vừa khoác vai, vừa thúc dục nàng cùng hát với chàng :“Em hỏi anh ,em hỏi anh bao giờ trở lại. Xin trả lời, xin trả lời, mai mốt anh về. Anh trở về trên đôi nạng gỗ. Anh trở về đại tướng cụt chân…bên người yêu tật nguyền chai đá. Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại…” 
 -Trâm nè, một mai anh trở về với đôi nạng gỗ, em có cảm giác gì?
 -Em rất hãnh diện, không mặc cảm khi sóng đôi với anh.
 Cả phòng hầu như nghe hết những lời âu yếm, tâm tình của Trâm, Thạc. Tất cả đồng loạt vỗ tay, hoan hô cặp nhân tình muôn thủa kia. 
 Thạc đã xuất viện. Phần dưới chân trái của mình đã không còn nữa. Chàng phải dùng chân giả, tập đi tập đứng thật khó khăn. Sau khi nhận được giấy giải ngũ, Thạc đã không trở lại Đà Lạt, mà bay thẳng ra Đà Nẵng, một tỉnh miền Trung xa lắc, để làm giáo sư dạy học tại địa phương ấy. Kinh nghiệm đắng cay, tan vỡ của cuộc tình đầu đời đã thúc dục chàng phải đưa tới quyết định khó khăn và đau khổ nhất là rời xa Trâm. Chàng không muốn, một kẻ cụt chân, lại làm khổ, day dứt cả đời một cô học trò xinh đẹp một hoa khôi nổi tiếng xứ hoa anh đào, mộng mơ kia. Thời gian sẽ giúp Trâm quên dần mối tình đam mê, cuồng nhiệt của hai thầy trò.

 Năm năm sau.
 Rời khỏi phòng thi tú tài, Thạc chậm rãi đi theo một vài người bạn giám thị để ra ngoài biển Nha Trang hóng mát, chơi đùa với sóng biển nhấp nhô. Thạc cởi giầy, kéo tuột bàn chân giả, để nhúng bàn chân thật và cẳng chân cụt ngủn kia xuống vùng nước biển mặn cho tinh thần, cơ thể thoải mái. Nằm ngửa, mắt lim dim dưới bóng mát của hàng thông già, Thạc như thiếp đi trong giấc ngủ bình yên. Một tiếng động khác lạ, một bàn tay êm ấm thơm mát, bịt mắt chàng. Những giọt nước mắt mặn nồng, tiếng khóc nức nở vang động vào tai, làm chàng tỉnh giấc. Trâm đã xuất hiện thật bất ngờ, trông ốm yếu gầy gò hơn xưa, nhưng có vẻ chững chạc, ra vẻ người lớn, chứ không còn bé bỏng như nàng nữ sinh dạo nào. Thạc thật ngỡ ngàng, kinh ngạc, cầm tay nàng thắc mắc:
 -Ủa, tại sao em lại ở đây?
 -Em đã thấy tên anh trên danh sách coi thi tại Nha Trang cả tháng nay rồi. Em bây giờ là giáo sư trường Bùi Thị Xuân, cùng làm giám thị một trường với anh đấy. Em không ngờ, anh đối xử quá tệ với em như vậy.
 -Xin lỗi em. Anh thật khổ tâm khi rời xa em. Vì yêu em, anh không muốn người yêu của mình sống trong mặc cảm, khi cặp kè với một kẻ tật nguyền.
 -Thú thật, anh đánh giá quá thấp tình yêu chân thành mà em đã dành cho anh. Khi anh bất ngờ bỏ đi, em như kẻ chết đứng, sống vật vờ như kẻ không hồn. Nhưng bố đã khuyên nhủ, an ủi, bảo đảm với em là giữa anh và em chẳng có chuyện gì đâu. Bố nói: “ Khi Thạc cố tình trốn tránh con, là có lý do chính đáng, chứ không phải Thạc đã hết thương con. Ngược lại, vì quá yêu con, nên hắn tự hy sinh, chôn sâu mối tình ngây ngất, nhốt kín con người mình, sống lê lết như một kẻ độc hành, lãng tử…“ Bố khuyên em là ráng học xong đại học, rồi bố sẽ tự đi tìm anh về cho em. Nhưng anh biết không, em không thể nào ngồi yên được. Đã mấy lần, em về Sài Gòn, tìm tới căn nhà ở Tân Định, cũng như tới đại học văn khoa tìm kiếm bố anh để hỏi tin tức. Nhưng tuyệt nhiên, không ai hay biết. Em hiểu rõ là anh cố tình dấu diếm, làm bộ biệt tông, biệt tích với tất cả mọi người, để em không dò la được.
 Trâm cúi xuống, ôm lấy đầu Thạc, gửi chàng một nụ hôn nồng ấm, cùng với giọng hờn dỗi, nhõng nhẽo:
 -Sao cưng, có đúng không? Trò chơi trẻ con ấy qua mặt em sao được. Bây giờ thì hết trốn nhé. Bạn của anh, bố em đó, cũng tới Nha Trang gặp anh, sắp ra tới nơi rồi đấy.
 Bố Trâm ùa tới. Hai người bạn ôm chầm lấy nhau sau một thời gian dài xa cách.
 -Thạc à, cậu thật bậy. Cậu làm con bé Trâm nhà tôi khóc lóc, điêu đứng. Tôi phải thay cậu, khuyên nhủ, an ủi nó mãi, mới yên đấy. –Bố Trâm trách móc Thạc-
 -Xin lỗi anh.Vì quá yêu Trâm, tôi không muốn em nó khổ, mặc cảm với mọi người. Thời gian xa nhau khá dài, như một thử thách, đủ để em nó cân nhắc giữa sự đam mê nhất thời và tình yêu chân thật.

 Hai người đàn ông, một cô thiếu nữ tóc dài tung bay trước gió, quàng vai nhau, tung tăng chạy nhảy, cười đùa reo vang trên nền cát vàng óng ánh, như cùng nhau tận hưởng không khí ngọt lịm, mát dịu của vùng biển mênh mông bát ngát, trong niềm hạnh phúc tuyệt vời, bất tận…
 
 
 


 
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 18979)
CHUYỆN TÌNH BUỒN TRONG PHÒNG ICU Thi Phương Trong xã hộ i, Gabrielle Giffords là một nữ anh hùng của thời đại – và cũng là nạn nhân của một thời đại thiếu lý lẽ, dư côn đồ. Trong đời tư của bà, người ta đã từng viết nhiều điều đẹp đẽ về bà – và cuối cùng với một phụ nữ có ý nghĩa nhất vẫn là chuyện tình như mộng với người hiện nay là chồng bà, nhà phi hành vũ trụ Mark Kelly.
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 16855)
Tình yêu vĩnh cửu Bùi đình phùng Buổi tối thứ bẩy, sau thánh lễ tiếng Việt tại nhà thờ Thánh Linh thuộc thị xã Fountain Valley , người ta vẫn còn thấy một bà sơ, quỳ bên cạnh một người đàn ông đứng tuổi. Hai người ấy còn quỳ lậy bên bàn thánh, cầu nguyện rất lâu. Bộ mặt hai người rất nghiêm trang, thánh thiện. Họ đang cầu xin thượng đế giúp đỡ họ giữ mãi được tình yêu vĩnh cửu, tình yêu tuyệt đối nơi đức tin và tha nhân… “
17 Tháng Giêng 2011(Xem: 21055)
BỘ Đ ỒNG PHỤC HƯỚNG ĐẠO Nh ữ Văn Trí, CTKD 1 Tôi gia nhập phong trào hướng đạo năm 1960. Sau 3 tháng tân sinh, tôi được tuyên lời hứa . Trong ngày tuyên lời hứa tôi còn nhớ rõ lời dặn dò nhắn nhủ của anh Thiếu trưởng : Cái nón hướng đạo dùng để che mưa che nắng khi đi họp. Cái khăn quàng dùng để cứu thương. Bộ đồng phục với các phù hiệu để phân biệt người hướng đạo với người không hướng đạo.
26 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 16604)
Miếng B ánh Đa Kê (phần 2) Người Hà Nội, CTKD 1 Tôi thấy một nỗi buồn mênh mông khi nghĩ đến bản thân và hoàn cảnh của mình! Hơn hai mươi năm trời mới gặp lại đứa con trai đầu lòng. Ngót năm mươi sáu năm trời mới về nơi chôn nhau cắt rốn.
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 16346)
Cao thượng Bùi Đình Phùng "Giờ đây mới hay, tấm chân tình anh dành cho em vẫn không thay đổi. Anh Đoàn ơi, anh Đoàn, em đã đầy đọa, trói buộc trái tim anh suốt cả cuộc đời. Hãy tha thứ cho em nghe anh. Anh, a nh ơi, em chết mất…”.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 16651)
LŨ CHU Ộ T Nguyễn Quang Tuyến - Các con ơi, rồi sẽ có một lúc, một nơi không có lũ chuột gớm ghiết, không có lòng đố kỵ, hận thù, sẽ có lúc bình minh đến. Đêm càng đen tối, bình minh càng rực rỡ.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 17954)
Áo Dài VN Tóc ngan g vai, em tôi người con gái Nắng vàng rơi ngần ngại vạt áo bay Thướt tha em đẹp quá dáng trang đài Ôm ấp em cả vòm trời non nước Nguyễn Hùng Sơn
21 Tháng Mười Một 2010(Xem: 15462)
Vũng lầy gia đình Nếu dư âm còn lắng đọng, sẽ gỡ bỏ những hiểu lầm, những rạn nứt trầm trọng đôi ta từ bấy lâu nay. Bằng không, thì đó chỉ là những vang vọng lạc lõng vào một sa mạc mênh mông, hoang vắng, dần dần biến mất vào cõi hư vô. Ngọc Yến
08 Tháng Mười Một 2010(Xem: 17118)
CHUYỆN PHIẾM CHỮ NGHĨA (Phần 2) Trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều tiếng (để nói) và nhiều chữ (để viết) là c h ữ kép, tức hai chữ đi liền nhau mà chúng ta nghe đã quá quen dù là danh từ , động từ hoặc tĩnh từ. HKC, VK (Texas)
07 Tháng Mười Một 2010(Xem: 17157)
ngây dại Bùi Đình Phùng Tối hôm ấy về nhà, Lực và Hà đều ngủ mê mệt. Sáng sớm hôm sau, họ đều quên thức dậy để đi sang nhà ông Chính “ruộm vải “ –như Lực thường nói- đến nỗi bà Chính phải sang nhà đập cửa thình thịch ,lôi cổ họ dậy. Cả hai tỉnh dậy trong vẻ mặt bẽ bàng như những kẻ phạm trọng tội, nhưng lại đầy ắp hân hoan, ngập tràn hạnh phúc nơi khoé mắt, nụ cười, nhất là vẻ e lệ, má rám ửng hồng của người con gái.
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468