Chông gai (Bùi Đình Phùng)

18 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 16556)
Chông gai (Bùi Đình Phùng)
Chông gai
  bùi đình phùng
 
634360786669864994_194x259
 
 Lớn lên trong thành phố hiền hòa, đầy ngập hoa muôn sắc, muôn mầu như pensée, mimosa, anh đào…, Hiền ngất ngây trong cái lạnh se sắt khi cùng bạn bè tung tăng cuốc bộ tới trường. Hàng trăm nữ sinh với tà áo dài xanh biếc, khoác bên ngoài áo len đen, như những con rắn lượn khúc duới dốc trường Bồ Đề, từ các con đường Hàm Nghi, Phan đình Phùng, trườn mình leo dốc, đổ dồn
về đường Võ Tánh. Những tiếng chí chóe, cười đùa ầm ĩ của các nữ sinh Bùi thị Xuân tạo khung cảnh vui tươi, ồn ào náo nhiệt của tuổi học trò ngây dại. Cả hơn tuần nay, trường nàng nhộn nhịp hẳn lên, vì trường đang tập dượt một đêm văn nghệ, để lấy quỹ góp thêm vào cây mùa xuân chiến sĩ mà thị xã Đà Lạt đang ráo riết vận động.

 Hiền cũng tham gia vào chương trình văn nghệ ấy với mười một nữ sinh khác trong màn vũ dân tộc. Chương trình tập dượt tuy mệt mỏi, nhưng sự hăng say đóng góp của tuổi trẻ, đã thể hiện lòng yêu nước và biết ơn của hậu phương với các chiến sĩ can trường nơi chiến tuyến. Điều khác lạ và đặc biệt lần này là ban nhạc, gồm các tay trống, tay đờn lại được mượn từ trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, với các sinh viên sĩ quan tóc tai cắt thật ngắn, da xạm nắng, chứ không phải làn da trắng bạch, tóc tai dài thườn thượt của các ban nhạc ngoài thị xã, mà trước đây Hiền vẫn thấy. Nghe đâu bà hiệu trưởng Phương Thu đang dạy anh văn tại trường ấy và đã mượn luôn ban nhạc của họ cho đỡ tốn ngân quỹ.

 Chỉ còn hai ngày nữa để tập dượt và thứ bẩy là ngày tổng tập dượt cho các ban ngành và hôm sau, chúa nhật là buổi trình diễn chính thức. Trong lúc hối hả, vơ vét quần áo, nhẩy tưng tưng trên mấy nấc cầu thang để ra về, Hiền suýt ngã vì đạp phải vật gì cứng cứng trơn trơn. Cúi xuống lượm và định quăng nó vào thùng rác cho bõ ghét, nàng thấy đó là bảng tên một sinh viên sĩ quan nào đó đánh rơi mà hàng ngày nàng vẫn thấy trên ngực áo của họ. Thôi thì đành giữ lại, rồi nàng sẽ trao trả cho chủ của nó vào buổi tập dượt chót ngày mai. Sinh viên Nguyễn quang Cơ đã nhận được bảng tên của mình và cám ơn nàng rối rít. Chàng còn khen nàng xinh đẹp, vũ múa rất dịu dàng và đáng yêu nữa. Dù biết rằng đó là những lời tán tỉnh vu vơ, nịnh hót, nhưng Hiền cũng cảm thấy thích thú, má gợn hồng e lệ.

 Vào đêm văn nghệ, trong khi chờ tới phiên mình trình diễn, nàng đã đứng trên bục sân khấu, nấp đàng sau màn nhung, liếc nhìn chàng sinh viên mới quen. Chàng đang bấm những phím đàn, tay lướt nhẹ trên dây, mắt mơ màng, như đang thả hồn vào những điệu nhạc bất tận. Khi chàng ngừng chơi, mắt liếc lên sân khấu, đã gặp ngay ánh mắt của nàng. Bốn mắt gặp nhau như giao hưởng, sâu đậm ân tình. Má nàng tự nhiên rực đỏ, e thẹn cho cái nhìn trộm ngây ngô, đáng ghét của mình. Tự nhiên nàng thấy Cơ đắm đưối nhìn mình, chân tay khờ dại, buông thõng, không chơi đàn nữa. Nàng cũng thấy người chơi đàn kế bên nhăn mặt, đá mạnh chân vào Cơ, thúc dục chàng tỉnh trí, chơi đàn trở lại. Lúc ấy Hiền mới khép màn nhung, nhưng người sững sờ, ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Trong suốt màn trình diễn vũ điệu dân tộc, tâm hồn nàng thẫn thờ giống kẻ mộng du. Những cử động tay chân quay cuồng theo điệu nhạc, diễn ra như cái máy, của một người nào đó chứ không phải chính nàng. Sau màn vũ, nàng hú hồn, không hiểu mình có làm sai điều gì chăng. May mắn thay, mọi sự đều diễn tiến trôi chảy, xuông xẻ. Nói chung, buổi trình diễn văn ngệ của trường thật thành công. Số người tham dự chật ních cả rạp Hòa Bình. Người sung sướng và hãnh diện nhất là bà hiệu trưởng của trường.

 Cùng với lũ bạn đang trên dốc Minh Mạng đổ xuống đường Duy Tân để trở về nhà, Hiền nghe đâu đây có tiếng giầy nhà binh côm cốp của ai đang hối hả tiến về phía bọn họ. Quay phắt lại, thấy Cơ đang phóng tới phía nàng, giọng hổn hển:
 -May quá, tìm mãi mới thấy Hiền.

 Như đồng lõa, mấy đứa bạn đi cùng, tự mhiên tách rời và kéo nhau mất hút vào một ngõ nào đó, vang vọng những tiếng cười rúc rích. Còn lại chỉ có Hiền và Cơ song hành trên con đường tới nhà nàng. Chàng tự kê khai lý lịch, lại còn khoe tên mình là Nguyễn quang Cơ-dù nàng đã biết rồi-nghe cũng hay hay, ngồ ngộ. Chàng đã vào quân trường được mấy tháng nay, thuộc khóa bốn trường Chiến tranh chính trị. Gia đình chàng ở Long Khánh, gần Sài Gòn. Chàng đã rời bỏ trường luật, thích tung hoành nghiệp lính cho thỏa chí tang bồng. Khi gần tới nhà, sợ người quen bắt gặp, Hiền vội vàng chào từ giã. Cơ ngần ngừ như tiếc nuối cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi. Chàng đi sát nàng, nói nhỏ như sợ người nào nghe được:

 -Tuần sau, cho anh gặp em nhé.

 Chẳng hiểu Hiền có nghe rõ không. Chỉ thấy nàng vội vã, phóng chạy về nhà như bị ma đuổi.

 Sống trong một gia đình gồm bốn chị em, Hiền là chị cả. Bố nàng là sĩ quan cấp tá, làm việc lâu năm tại Đà Lạt và quen hầu hết chỉ huy trưởng các quân trường trong thị xã. Ông bố rất nghiêm khắc và khó tính. Xuất thân là con bà vợ thứ quan tuần phủ tỉnh Bắc Ninh, thuộc Bắc phần Việt Nam, ông rất tôn trọng thứ bậc trong gia đình, xã hội. Hồi ấy đi đâu, cậu công tử con quan cũng có bọn lính lệ hầu cận. Cậu thích làm quen, thân thiết với những đứa trẻ đồng lứa, xuất thân từ con các quan tuần, quan phủ, quan tổng đốc…, chứ còn những đứa, xuất thân từ giai cấp nông dân, nghèo khổ, không địa vị trong xã hội, cậu chê bai, khinh rẻ. Tới năm 1954, theo gia đình di cư vào Nam, giai cấp quan liêu thuộc thế hệ cha ông của cậu đã sụp đổ cùng với sự tan vỡ chế độ thực dân Pháp. Nhưng tinh thần quan liêu ấy vẫn cứ bám chặt vào đầu óc, cho dù ông đã lớn lên và trưởng thành trong một xã hội tự do, dân chủ. Bởi vậy, việc giáo huấn con cái, vẫn rập theo khuôn khổ cổ hủ mà cha ông đã truyền dậy từ bao thế hệ trước. Bất cứ hành động nào của con cái đều phải được xin phép. Khi nhà có khách khứa, Hiền và các em là những kẻ hầu hạ như những kẻ tôi đòi. Ngồi trong bàn ăn, phải nhất nhất tuân theo thứ bậc lớn nhỏ, vai vế trong gia đình và họ hàng. Cứ mỗi lần gắp đồ ăn, Hiền và các em phải mời mọc từng người trong gia đình, trước khi bỏ món ăn đó vào bát hay cho vào miệng. Không khí ngộp thở ấy bủa vây lấy bốn chị em Hiền. Hầu như ai cũng mong mau tới tuổi trưởng thành, cố chọc thủng màng lưới bao vây vô hình của bố dăng ra để thoát thân.

 Từ ngày gặp Cơ, bao nhiêu bài học, giáo huấn của bố bỗng mờ nhạt, tan biến, mà trước đây vẫn ăn sâu mãi trong đầu óc ngây thơ, non dại của Hiền. Nàng nữ sinh lớp đệ nhị, như đang sầu muộn, mơ mộng trong mối tình đầu đời. Những ánh mắt man dại của người con trai giống thỏi nam châm, hút hết tâm hồn, ru nàng vào một cõi bồng bềnh. Nàng chơi vơi, bay bổng trong cơn mê tình ái khờ dại, không làm sao kiềm chế và hiểu được. Hình ảnh Cơ chập chờn trong giấc ngủ. Bàn tay chàng lướt nhẹ trên phím đàn, như đang vuốt ve mơn trớn trên tấm thân trinh nguyên, căng đầy sức sống, khiến nàng rùng mình, dẫy dụa của kẻ lên cơn sốt. Nàng mang tâm trạng thẫn thờ, biếng ăn. Nét vui tươi, hồn nhiên của tuổi học trò dạo nào tự nhiên biến mất…

 Sau tuần lễ văn nghệ, một chiều thứ sáu rời trường, Hiền thấy Cơ xuất hiện tại quán cóc Ba Duế, nằm đối diện cổng trường Bồ Đề, xấn xổ tiến ra, dúi vào tay nàng một miếng giấy nhỏ, rồi hối hả, đi thật mau về quân trường mình. Không dám mở ra ngay lúc ấy, nàng chỉ biết nhét nó vào túi áo len, sợ đám bạn bè quái ác dòm ngó, đồn ầm lên, thì nguy to. Bữa cơm tối qua đi, Hiền vội vàng leo lên giường, mở mảnh giấy học trò ra đọc. Miếng giấy nhăn nheo, cắt làm tư, không viết nhiều, chỉ vỏn vẹn, có vài hàng chữ hẹn hò:”Cho anh gặp em sáng mai tại nhà hàng Thủy Tạ lúc 11 giờ. Nhớ em quá mất thôi. Cơ”. Nét chữ chàng nguyệch ngoạc, kiểu viết vội vàng, không chau chuốt của kẻ viết thư tình. Đêm hôm ấy, Hiền trằn trọc khó ngủ. Mảnh giấy vô hồn kia được ôm ấp, mơn trớn trên lồng ngực nhấp nhô của nàng. Nàng như thì thầm nói với chàng:”Cơ ơi, em cũng yêu anh. Cám ơn anh đã tỏ tình cho em biết. Thực ra, em chỉ làm bộ lạnh nhạt với anh ngoài đường phố, như để qua mặt đám bạn bè quái ác mà thôi.” Cuộc hò hẹn đầu tiên, Hiền đã để cho chàng nhà binh chờ gần ba mươi phút. Không hiểu, đây có phải là kiểu làm dáng kiêu sa của người con gái, hay đó chỉ là cách thử lòng kiên nhẫn đối tượng của phái đẹp? Hôm ấy, nàng không mặc áo dài học trò, mà là quần tây dài mầu beige nhạt, ôm gọn đôi mông căng cứng, cùng chiếc áo thung trắng cụt ngủn với ba chiếc nút áo trên cùng cài hờ hững. Nàng khoác trên vai chiếc áo len mỏng, nhẹ, mầu phấn hồng, bằng hàng cashmere thanh tao. Cặp kiếng Cartier thời trang màu lợt, càng làm nổi bật khuôn mặt thanh tú, đầy vẻ trí thức của nàng. Tới trước mặt Cơ từ lúc nào, chàng cũng không hay. Chàng há hốc mồm kinh ngạc, pha lẫn xúc động. Chàng buột miệng khen:

 -Em đẹp quá, như một thiếu nữ tây phương, anh nhận không ra đó.

 -Cám ơn, anh quá khen.

 Ngay ngày hôm ấy, Cơ đã tỏ tình. Hiền không phản đối, cũng chẳng chấp nhận. Tuy vậy, những hẹn hò lần sau, Hiền đều đi chơi với chàng. Khi thì họ dung dăng dung dẻ trên đồi Cù. Có lúc họ lại ngồi bệt trên những bệ đá quanh bờ hồ Xuân Hương, hứng chịu những cơn gió lạnh buốt thổi thốc vào mặt. Nhiều khi, họ cùng nhau nhâm nhi những ly cà phê đắng ngắt trong một góc tối om nào đó của tiệm cà phê Tùng hay nhà hàng Thủy Tạ, thả hồn theo những bài ca trữ tình, phản chiến của Trịnh Công Sơn. Cơ chưa dám tấn công vũ bão mà chỉ dám cầm tay nàng vuốt ve, hôn nhẹ. Chàng nâng niu và trân quý tình yêu ấy như một điều thiêng liêng, thánh thiện.

 Buổi sáng thứ bẩy, như thường lệ, hai người dung dăng, dung dẻ ngoài chợ Đà lạt để mua sắm một số vật dụng linh tinh, sau khi đã cùng đuổi nhau, leo dốc vào nhà thờ Con Gà cầu nguyện. Tới hai giờ chiều, họ chia tay. Nhưng cũng tối hôm ấy, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra cho Hiền, gây bao chuyện dở khóc dở cười cho cuộc tình êm đềm. Sau khi ăn tối cùng với ba em, Hiền lên phòng riêng của mình, mở toang cửa sổ, bật đèn sáng choang để sắp xếp lại một số búp bê, sách vở bừa bãi trên bàn. Nhưng lạ thay, nàng nghe thấy tiếng rơi lộp bộp của một vật gì đó trên sàn gỗ bóng loáng. Vừa ngạc nhiên, vừa lo sợ, lẫn tò mò, nàng nhoài đầu ra ngoài cửa sổ, liếc xuống hông nhà. Trời đất ơi, nàng há hốc mồm kinh ngạc như muốn la lên, vì có bóng người đàn ông, đang đứng bên dưới vẫy tay cho nàng. Dụi mắt nhìn kỹ, nàng mới hay đó là Cơ. Không biết phải đối phó ra sao, chàng đã thoăn thoắt trèo lên cửa sổ, như định phóng vào phòng nàng. Vừa tắt bớt đèn, nàng vừa dơ tay cho chàng nắm lấy để có thể kéo chàng vào phòng mình một cách dễ dàng. Vào trong phòng, chưa kịp nói gì, Cơ đã rút ra một bông hồng còn tươi đặt trên bàn để tặng nàng. Đồng thời, chàng cũng ôm chầm lấy nàng, vít cổ xuống hôn hít túi bụi, làm chiếc áo ngủ mỏng manh xô lệch, hở hang thêm, hầu như muốn tụt xuống. Có đến mười phút, Hiền mới chợt tỉnh cơn mê, đẩy chàng ra, mắng yêu:

 -Sao anh bạo thế, không sợ em la lên sao?

 Cơ chưa kịp phân trần điều gì, đã nghe thấy tiếng dép lạch bạch của ai ngay trước cửa ra vào phòng nàng. Cả hai đều im phăng phắc, không dám lên tiếng. Sự sợ hãi dần dần xâm lấn nàng. Mặt nàng trở nên xám ngoét. Nàng lắp bắp nói không thành tiếng:

 -Anh …anh…hãy xuống ngay. Bố mẹ em sắp về.

 Cơ đành leo qua cửa sổ, tụt xuống đất, với bộ mặt ngẩn ngơ, tiếc nuối. Chàng đứng ngây người, ngước lên nhìn bàn tay ngọc ngà của người yêu đang vội vàng đóng cửa sổ lại. Cơ lủi thủi bước đi và biến mất trong màn đêm lạnh cóng. Trên đường về, Cơ thật vui sướng, huýt sáo một bản tình ca, như ban thưởng cho hành động táo bạo, ngoạn mục và đầy thành công trong việc chinh phục người đẹp. Bạn bè cùng khóa, đã đồng lõa, giúp chàng qua mặt sĩ quan cán bộ trong việc đi sớm về khuya của chàng. Đêm ấy, chàng leo lên giường nhà binh, đánh một giấc ngủ êm đẹp của một con người hạnh phúc.

 Khoảng mười giờ tối, sau khi Cơ ra về, Hiền đang loay hoay, kiếm cách đặt bông hồng vào chiếc bình pha lê nhỏ nhắn, thì thấy cánh cửa ra vào phòng mình chợt mở tung. Bố nàng bất ngờ ùa vào, vặn đèn thật sáng, cúi xuống sàn nhà chăm chú quan sát điều gì, nàng cũng không hiểu. Nàng định lên tiếng hỏi xem bố mình kiếm gì, thì ông chợt hỏi một câu thật bất ngờ:

 -Ai đã vào phòng con?

 Mặt nàng tự nhiên tái mét, đôi môi run run mấp máy trả lời:

 -Dạ…dạ…không.

 Lúc ấy ông bố đã chỉ ngay vào dấu giầy nhà binh to lớn ngoại khổ, đầy cát đất, nằm chình ình trên sàn nhà bằng gỗ bóng loáng. Ông hạch hỏi thêm:

 -Chẳng lẽ đây là dấu giầy của con và ba đứa em con?

 Hiền chưa kịp chống chế ra sao, ông bố đã tiến tới sát bên, dang tay tát nàng một cái thật mạnh, làm nàng chúi ngã xuống sàn. Ông bố nổi giận lôi đình, mặt biến thành mầu đỏ, gào lên:

 -Đồ con gái mất dậy, hư đốn!

 Ngay lúc ấy, mẹ nàng ùa vào, ôm chặt lấy ông ngăn cản, van xin:

 -Con nó còn nhỏ dại, chưa biết gì. Xin ông tha cho nó.

 Bị ôm chặt lấy người, bố nàng gầm lên, hạch hỏi:

 -Ai? Đứa nào dám mò vào đây?

 Hiền đành phải thú nhận, ấp úng trả lời:

 -Dạ, bạn của con. Anh ấy tới đây tặng hoa cho con. Anh ta muốn tạo cho con một sự bất ngờ.

 -Nhưng thằng ấy là ai? Ở đâu?

 -Anh ấy tên Nguyễn quang Cơ, sinh viên sĩ quan trường Chiến Tranh Chính Trị.

 Ông bố tự nhiên rời bỏ hai mẹ con nàng, hầm hầm đi về phòng riêng, gọi điện thoại cho người nào đó, với giọng to tiếng và hầu như đang trách móc họ điều gì. Khi bố đã rời phòng Hiền, hai đứa em gái ùa vào, an ủi nàng. Loan, mười lăm tuổi, đứa em gái kế nàng, tò mò:

 -Chị có bị oan không? Cho em biết đi, em sẽ phân trần với bố. Nhất định em sẽ bênh vực cho chị.

 Hiền đành thú nhận bằng cách lắc đầu. Loan trợn tròn đôi mắt, tỏ vẻ ngạc nhiên, phục lăn hành động táo bạo của bà chị, vẫn thường được các em tin tưởng, gương mẫu cho chúng từ bao lâu nay. Cô em phán một câu, hầu như tán thưởng, pha lẫn trách móc:

 -Em không ngờ, chị gan cùng mình như vậy.

 Hai đứa em gái khác cũng ùa vào phòng, ôm lấy Hiền, mặt mày ngơ ngác, nước mắt vòng quanh, lo sợ cho chị mình. Hiền định dãi bầy cho các em hiểu rõ nội tình, vì chuyện ấy hoàn toàn do Cơ gây ra. Nàng chỉ là kẻ thụ động, gánh lấy mọi hậu quả mà thôi. Nhưng nàng nín thinh, mặc cho chúng muốn nghĩ sao cũng được. Một điều nàng thắc mắc: mọi khi bố mẹ đi ăn tiệc về, bố hay lăn đùng ra ngủ, mà tối nay sao bố lại sang phòng nàng? Thường, chỉ có mẹ tới từng phòng các con để hỏi han hoạc kéo mền đắp lại cho ngay ngắn, vì mẹ sợ chúng hay đạp mền rơi xuống sàn, nguy hiểm cho sức khỏe. Tiếng dép lạch bạch ngay trước cửa phòng nàng, rồi im bặt như nghe ngóng, chắc là của Lân, một cậu em trai mười một tuổi, thường hay phá phách đám chị gái trong nhà. Chắc cậu ta đã mách bố về sự xuất hiện của người lạ mặt, nên mới xẩy ra nông nỗi. Hơn nữa, bất cứ chuyện lớn nhỏ gì xẩy ra trong nhà, đều có sự xuất hiện của cậu ta ngay từ phút đầu. Chẳng lẽ, chuyện xẩy ra ầm ĩ như vậy, mà cậu ta vẫn nằm ngủ, im thin thít hay sao? Thôi, mặc kệ, mình đã yêu, hãy ráng gánh lấy mọi hậu quả. Trách móc ai có ăn thua gì.

 Khi các em đã về phòng riêng của chúng, để lại hai mẹ con, người đã ôm lấy Hiền, vỗ về an ủi. Trên đời này, người mẹ lúc nào cũng là kẻ gánh mũi chịu sào, bao bọc con cái mình nhất. Bao nhiêu tâm sự riêng tư của con cái, chỉ có mẹ mới hiểu, mới biết chia sẻ. Để hiểu rõ hơn về sự liên hệ giữa người con trai và con gái mình, bà mẹ nhỏ to với nàng:

 -Con và Cơ đã quen nhau lâu chưa?

 -Dạ khoảng một tháng nay, trong dịp văn nghệ của trường.

 -Mức độ thắm thiết tới đâu rồi?

 -Dạ chúng con mới chỉ là bạn.

 -Con đã hứa hẹn, yêu thương gì người ta chưa? Hay tụi con mới chỉ có cảm tình?

 -Dạ, mới có cảm tình thôi.

 -Gia thế nhà anh ta ra sao?

 -Con không rõ lắm. Chỉ nghe anh ấy nói là con trưởng trong một gia đình có sáu anh chị em. Hình như bố mẹ anh ấy di chuyển từ miền trung vô nam, phá rẫy trồng trọt ở Long Khánh.

 -Con mời người ta vào phòng hay vì lý do gì?

 -Con không mời anh ta đến. Anh ta muốn tạo ngạc nhiên cho con bằng cách tặng con một bông hoa hồng. Khi gặp anh ta, con sợ quá, nên đã đuổi anh ta về. Câu chuyện chỉ đơn giản như vậy.

 Một chi tiết khá hấp dẫn, là những nụ hôn tha thiết, nồng ấm làm mê muội tâm hồn người con gái, nàng đã dấu biệt. Chẳng lẽ lại khoe mẹ chuyện kỳ cục như vậy hay sao?

 Sau khi biết rõ nội tình, mẹ đã trình bầy cho chồng mình hiểu. Nhưng với bản tính nghiêm khắc và ảnh hưởng bởi lối kỷ luật sắt nhà binh, ông đã áp dụng một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với Hiền. Nàng đi học hay bất cứ đi đâu, đều có chú lính thân cận của bố đi kèm. Cửa sổ phòng nàng được đóng một lớp gỗ dầy kín mít bên ngoài, giống như nàng đang bị tù giam.

 Riêng phần Cơ, đang lim dim, ngất ngây trong giấc ngủ đầy mộng đẹp, thì có tiếng còi tu huýt tập họp đại đội khẩn cấp. Mọi sinh viên phải thức dậy, với quân trang, súng ống đạn dược để thi hành lệnh phạt. Vì nghe đâu, một số sinh viên đã về trễ cả mấy tiếng đồng hồ, cùng gây ra bao điều tai tiếng ngoài thị xã, làm mất uy danh nhà trường. Lệnh phạt ấy là dơ súng lên trời, chạy vòng quanh doanh trại hai mươi vòng. Sau khi thi hành lệnh phạt chung với mọi sinh viên, Cơ bị nêu đích danh về khuya, nên chàng lại phải thọ phạt một mình. Trước tiên, chàng bị vác cây đại liên M-60, nặng nề, kềnh càng, đứng trong thế chào hơn hai mươi phút. Thân thể trở nên rã rời, tay chân mỏi nhừ. Chưa kịp nghỉ, chàng lại phải đeo ba lô, mang súng garant, trườn bò thật nhanh trên nền tráng nhựa gồ ghề cho kịp với cán bộ đang chạy phía trước. Chân tay rướm máu, chàng vẫn hăng hái thọ phạt. Đâu đây như có tiếng người yêu thì thầm bên tai, làm chàng ngây ngất, mắt mơ màng trong hơi thở ấm áp của nàng. Chân tay chàng thoăn thoắt như một cái máy, không đớn đau, nhăn nhó. Sau đó chàng lại phải dơ súng lên trời, vừa chạy vừa ca bản hành khúc. Với chàng, những lời hát ấy, là cả một bản hùng tráng về tình yêu, chứ không còn là ca khúc thúc đẩy chiến sĩ ra xa trường. Thọ phạt xong, cũng gần hai giờ sáng, cơ thể Cơ mới rã rời, đầu gối, khuỷu tay rướm máu. Vừa xịt thuốc, băng bó những vết thương, Cơ vừa húyt sáo bài ca tình tứ:”yêu ai, yêu cả một đời, lòng vẫn nhớ mỗi khi gần em…”.

 Bốn tuần lễ kế tiếp, Cơ không được phép xuất trại, nên lòng chàng nóng như lửa đốt. Chàng thẫn thờ, từ bên đồi 4648 (KBC của trường Chiến tranh chính trị) ngắm nhìn các nữ sinh Bùi thị Xuân tấp nập ra vào trường họ. Chàng mong mỏi, hình bóng mờ nhạt xa xa, bên kia thung lũng và đường Võ Tánh, sẽ bắt gặp hình ảnh yêu thương của Hiền. Chàng cũng hy vọng, biết đâu nàng sẽ tới thăm để được dẫn nàng vào phạm xá sinh viên sĩ quan tâm sự cho đỡ nhớ thương. Nhưng những hy vọng ấy hầu như tan biến. Hình bóng người yêu vẫn biền biệt…

 Sang tới tuần thứ năm, Cơ lại được đi phép như bao sinh viên ngoan ngoãn khác. Chàng phăng phăng đi xuống dốc Minh Mạng, ngoẹo vào đường Duy Tân để tới trước cửa nhà nàng. Đứng bên ngoài hàng rào, hơi xeo xéo hông nhà, Cơ ngước lên nhìn cửa sổ phòng Hiền, không thấy cửa sổ ấy đâu. Chàng chỉ thấy một lớp gỗ dầy, như muốn bịt kín cửa ấy lại. Cố tình nghe ngóng, nhưng Cơ thấy không khí u tịch, im lìm bao vây căn nhà, ngay cả tiếng chó sủa cũng im phăng phắc. Cuốc bộ trở lại khu Hòa Bình, lòng chàng nặng trĩu. Đi vòng vòng chung quanh khu ấy cả chục lần, chàng thấy thiên hạ, trai thanh gái lịch tấp nập, nhởn nhơ, như đang tận hưởng cái nắng ban trưa rực rỡ, không bỏng da, nhưng vờn nhẹ hơi ấm cho con người. Cơ cũng ưỡn ngực, hít thở không khí tươi mát, trong lành của Đà Lạt đáng yêu muôn thủa cho tỉnh táo con người. Xuống vài bậc thang, băng qua cây cầu vào chợ Đà lạt mấy tầng, tình cờ Cơ bắt gặp Hiền đang đi với một người đàn ông lạ mặt. Người ấy trông khá lớn tuổi, vóc dáng bình thường, đang khệ nệ ôm đồ cho nàng. Không dám tới gần, Cơ đứng xa xa khoảng hơn mười mét, ngắm nhìn người đẹp đang thoăn thoắt sắm áo quần. Chợt Hiền ngước lên, hướng về phía Cơ, mặt lộ vẻ hớn hở, la to:

 -Anh Cơ, anh Cơ, lại đây với em.

 Vẫn ngờ ngợ trước sự hiện diện của người lạ, Cơ đứng bất động. Nhưng Hiền đã cười xòa, giải thích:

 -Đây là chú Tư, chú tài xế của bố em.

 Không biết nàng nói gì với chú Tư, chỉ nghe tiếng ông ta dặn dò nàng trước khi ra đi:

 -Nhớ đúng năm giờ, tôi đón cô tại tầng dưới cùng chợ Đà lạt nhé. Tới đúng giờ, đừng để ông cụ rầy la tôi.

 Khi chú Tư đã đi khuất, hai kẻ tình nhân quấn quít bên nhau, leo lên xe lam, phóng thẳng về hướng trại Hầm để lựa mận ngon theo lời dặn của mẹ, tránh xa con mắt của ông bố khắc nghiệt. Mua mận xong, hai kẻ tình nhân chui vào khu rừng thông rậm rạp để tâm sự, cho vơi bớt nhớ nhung của mấy tuần xa cách. Cả hai đều không ngờ đôi bên đều bị nạn. Một người bị rầy la, cấm cản, bị áp dụng kỷ luật sắt như một kẻ tội đồ. Còn kẻ kia bị hành xác, cấm xuất trại bốn tuần lễ liên tục. Một điều chua chát, nhưng thật thú vị là ngay những kẻ bố tin cậy nhất-như chú Tư-cũng bị nàng mua chuộc và giúp đỡ đôi trẻ được trùng phùng bên nhau. Điều quan trọng nhất, Hiền dặn dò chàng, không bao giờ tới kiếm nàng tại nhà dù bất cứ trường hợp nào. Điều ấy sẽ bất lơi cho chàng, cho Hiền và cả chú Tư nữa.

 Dù biết bố dùng những từ ngữ không đẹp, đôi khi quá thiên vị, ích kỷ của lớp người bị ảnh hưởng sâu xa nền nếp phong kiến xưa kia để đả phá Cơ, nàng cũng không muốn cãi lời bố. Trong con người của cô bé dậy thì, mới lớn của tuổi đôi tám, như trổi dậy những phản kháng mãnh liệt dù cố âm thầm chịu đựng, nhưng sẽ bùng nổ khủng khiếp nếu bị ép vào con đường cùng. Nàng cố gắng công khai mong muốn người bạn đời của mình sẽ được cả nhà chấp nhận. Trong tương lai, chàng sẽ là một sĩ quan hiện dịch đàng hoàng. Với thời gian, cấp bậc sẽ được thăng tiến. Biết đâu sẽ còn cao hơn cả bố bây giờ. Môn đăng hộ đối để làm gì. Chuyện làm nô dịch cho bọn thực dân Pháp, để được chức tước bổng lộc nào có vẻ vang gì mà khoe khoang. Chẳng lẽ, bố cứ muốn đất nước này mãi mãi là thuộc địa của Pháp hay sao? Liếm gót giầy của lũ thực dân chẳng lẽ lại oai phong, vênh váo hơn sĩ quan cao cấp của một xứ sở tự do sao? Có người còn muốn dấu biệt tông tích chuyện bợ đỡ thực dân Pháp xưa kia, để chứng tỏ ta đây yêu nước, chứ ai dại gì khoe ra thành tích xấu hổ ấy. Nàng không hiểu tại sao bố mình lại mê muội như vậy. Hay cái máu say mê thực dân đã ăn sâu vào não tủy của người từ hồi ấu thơ, không làm sao gột sạch đươc?

 Không được phép công khai yêu thương, Hiền lén lút gặp Cơ. Tình yêu Hiền dành cho chàng ngày càng khắng khít. Những ôm ấp chất ngất, đam mê của thể xác đôi lứa như quyện chặt lấy nhau. Họ thề sẽ sống bên nhau suốt đời, cho dù bất cứ chông gai, chướng ngại gì. Có lần, hai người hẹn nhau tại một villa người quen trên đường Trần bình Trọng. Nhưng không biết Hiền đã hớ hênh thế nào, mẹ nàng theo dõi bén gót, mà không hay. Hai người vừa mới gặp, chưa nói với nhau được câu nào, xe díp đã dừng ngay trước cổng. Mẹ nàng xồng xộc leo lên đồi, ùa vào cửa trước. Hai đứa phóng chạy ra cửa sau, chia làm hai ngả, làm bà mẹ chưng hửng, không vớ được ai. Cuộc tình đầy chông gai, vất vả càng là động lực kích thích cho đôi lứa hăm hở vượt qua. Với bao chống đối, ngăn cản, tình yêu đôi lứa cũng kéo dài cả hơn năm trời.

 Tình hình chiến sự ngày càng trở nên khốc liệt, với sự tấn công và chiếm đóng tỉnh Ban Mê Thuột của địch, đe dọa sự an toàn thị xã Đà Lạt. Gia đình Hiền di tản về Sài gòn rất sớm. Đầu tháng tư năm 1975, thị xã Đà lạt di tản. Các quân trường, kể cả trường Chiến tranh chính trị chạy đường bộ về hướng Nha Trang để về Sài Gòn. Về tới thủ đô, Cơ tìm cách liên lạc với Hiền. Trong tình trạng hỗn loạn, sự sống chết của miền Nam như sợi chỉ treo mành, mà gia đình Hiền vẫn tìm mọi cách ngăn cản đôi lứa. Bất chấp sự chống đối ấy, Hiền vẫn cứ tiến tới, bắng cách ở luôn với Cơ. Tức tối quá độ, mẹ nàng đã dùng cả một toán lính, tới tận nơi Cơ trú ngụ, đòi áp giải nàng về. Nhưng Hiền quyết chí không rời Cơ, bằng cách dí dao vào cổ mình đòi tự tử. Nàng chỉ chịu về nhà nếu chấp nhận cho Cơ cùng đi di tản chung với gia đình nàng. Cuối cùng, mẹ nàng chịu thua và đồng ý theo giải pháp của Hiền. Đám lính đi theo ngạc nhiên thích thú trước hành động can đảm phi thường của người con gái yếu đuối, dám đả phá mọi thành quách kiên cố của thành kiến. Đứng trước mọi cam go, thách đố, học trò Bùi thị Xuân cũng phải oai dũng, khí phách như nữ tướng họ Bùi chứ.

 Được định cư tại miền Nam California, gia đình Hiền sinh sống tại thành phố Westminster. Dù đã sống tại một nước tự do dân chủ, ông bố Hiền vẫn chưa gột bỏ được óc kỳ thị, thành kiến. Nên mối tình Hiền và Cơ chưa hoàn toàn xuông xẻ. Ông ta chỉ bằng lòng cho hai đứa lấy nhau nếu Cơ tốt nghệp đại học. Phi cử nhân bất thành phu phụ.

 Với sự khuyến khích của người yêu, Cơ miệt mài trong sách vở. Chỉ ba năm, chàng đã lấy được mảnh bằng Bachelor degree về software. Năm sau chàng lại lấy luôn bằng Master nữa, làm ông bố vợ tương lai trợn tròn đôi mắt thán phục, xóa nhòa hẳn thành kiến cổ hủ, lỗi thời, ăn sâu mãi trong khối óc già nua, lẩm cẩm, cằn cỗi của ông. Hơn nữa, vừa mới đậu cao học xong, một số hãng nổi tiếng như RockWell, Hughes…lại mời chàng hợp tác, với lương bổng khá hậu hĩnh.

 Cuộc tình đầy chông gai của cặp Cơ-Hiền đã kéo dài gần sáu năm trời, với bao nước mắt, xỉ nhục, đớn đau, tưởng như không sao vượt qua nổi. Vậy mà với phép lạ nhiệm mầu của tình yêu, họ đã đạp đổ tất cả chướng ngại, thênh thang bước vào lâu đài hạnh phúc, với sự chúc lành của họ hàng, bạn bè trong một lễ cưới trang nghiêm, cảm động.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tám 2018(Xem: 16219)
Một nhà văn nữ gốc Việt lọt vào danh sách bốn ứng viên chung kết trong số 47 ứng viên trên thế giới được đề cử cho giải thưởng thay thế Nobel Văn Chương 2018: Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương.
08 Tháng Tám 2018(Xem: 9067)
"Jack ơi! Chúng ta đã từng là chiến sĩ, cùng chung một chiến tuyến, cùng chung một ước mơ; nhưng ước mơ của chúng ta đã không thành. Vì lẽ, sau 43 năm ngưng tiếng súng trên quê hương tôi, dải đất và vùng trời kia vẫn còn đó. Nhưng tiếc thay! Vẫn chưa thật sự có lại thanh bình."
19 Tháng Tư 2018(Xem: 16120)
"Anh yêu Huế bởi Huế hòa trong em. Anh yêu ánh mắt nồng nàn của em như dòng sông thăm thẳm, sông chảy vào lòng, nên sông rất sâu. Ánh nhìn của các cô gái Huế thâm trầm, thật sâu lắng khó hiểu, mà khi hiểu được thì lại khó quên! "
13 Tháng Giêng 2018(Xem: 15135)
"Thưa Thiên Chúa kính mến yêu quý của con, Ngài đã làm cho giấc mơ thầm kín - mà đã bao lần làm tim con thổn thức, tan chảy – nay đã thành sự thật. Con cám ơn Ngài."
18 Tháng Mười 2017(Xem: 8808)
"Chị bạn mạ là một bài học lớn trong cuộc sống đối với chúng tôi. Cái gì chúng ta cho đi, chẳng bao giờ mất cả, nó sẽ trở lại và phong phú hơn nhiều."
09 Tháng Chín 2017(Xem: 14312)
"Em yêu! Anh ấm lòng vì biết chắc có em đợi chờ anh, dù em đang ở thật xa anh! Khoảng cách sẽ không là gì, nếu chúng ta yêu nhau thật lòng, em nhé!"
21 Tháng Năm 2017(Xem: 10890)
"Có lẽ cuộc sống đơn giản, sống với cái tâm và cái tình, cái nghĩa, không chú trọng vật chất nhiều nên chỉ những điều đơn giản nhất cũng mang lại những nụ cười sáng rực rỡ lung linh đến tận bây giờ."
19 Tháng Tư 2017(Xem: 18372)
"Giọt nước mắt vui mừng lăn dài trên má, nàng thì thầm: Anh yêu! Đôi lúc nước mắt trở nên đáng quý hơn cả 1 nụ cười. Nụ Cười có thể tặng cho bất cứ ai. Nhưng Nước Mắt thì chỉ để dành cho người mà mình không muốn mất…"
26 Tháng Giêng 2017(Xem: 10129)
"Một buổi tối, tôi ngồi ngắm Lan Chi đang ngủ. Tâm hồn tôi rúng động. Tôi bỗng nhận ra rằng Lan Chi là cô bé gái Việt Nam. Tôi tự hỏi : Thế thì trước đây mình không biết nó là đứa bé Việt Nam hay sao ? Tôi không trả lời được câu hỏi này."
12 Tháng Giêng 2017(Xem: 9439)
Nâng niu lời trao gởi Chút tình cảm nhạt nhòa Cuộc đời là hư vọng Tình người… ôi thiết tha!
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468