Người mới (Bùi Đình Phùng)

26 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 17243)
Người mới (Bùi Đình Phùng)

  

 Người mới

 Bùi đình phùng


  Trần cùng vợ đẩy chiếc va li kềnh càng ra lề đường bên ngoài phòng đợi phi trường Bush thành phố Houston, vì ông bạn đang mở cửa xe, vẫy tay rối rít. Bạn ta thở phì phò, than phiền:

 -Chen chúc mãi mới tìm được chỗ đậu xe, đón ông bà. Chả bù cho phi trường John Wayne của bạn, đậu xe thênh thang, thoải mái.

 Đóng cửa xe vội vàng, Trần an ủi ông bạn già:

 -Làm sao có thể so sánh giữa hai phi trường ấy được! Một đàng là phi trường quốc tế, rộng mênh mông; còn đàng kia là phi trường nội địa, bé tí teo.

 Tham dự cuộc họp của hội cựu quân nhân các quân trường Đà Lạt, lần đầu tiên được tổ chức tại Houston, Trần thật bồi hồi xúc cảm. Đại hội được tổ chức tại hội trường vĩ đại của trường đại học nổi tiếng thành phố. Rừng cờ quốc gia bay phất phới quanh sân trường như reo vui, hy vọng, phủ ập hào khí cho con dân Việt. Bài quốc ca hùng tráng, như thúc dục đoàn quân hăng hái ra xa trường, làm nức lòng các cựu chiến sĩ hiện diện. Tiếng kèn bi ai của phút mặc niệm, khơi dậy bao buồn tủi, đớn đau của kiếp người lưu vong. Hình ảnh các bạn chiến sĩ Quách Dược Thanh, Kha Tư Giáo, thầy Trần văn Tuyên… oai phong, dõng dạc chống đối bọn chỉ huy Cộng Sản tại các trại giam, như ẩn hiện trước mặt, làm nước mắt Trần tuôn đầm đìa, không sao kìm hãm lại được. Bà xã đứng bên cạnh, nắm chặt tay chồng, đưa chàng chiếc khăn lau, an ủi:

 -Anh, anh…can đảm lên!

 Tuy Trần phục vụ tại trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị, nhưng chàng quen rất nhiều sĩ quan trường Võ Bị và Chỉ Huy Tham Mưu. Thân nhất là trung úy Quân, sĩ quan văn hóa vụ trường Võ Bị. Trước đây, chưa nhập ngũ, hai người nằm trong xóm nhà lá, phá phách tưng bừng trong đại giảng đường mới xây của năm MPC (toán,lý hóa), trường đại học khoa học Sài Gòn năm nào. Năm 1973, Quân lập gia đình cùng My, cô nữ sinh viên văn khoa xinh đẹp đại học Đà Lạt. Tới ngày tan hàng năm 1975, vợ chồng Quân ẵm bồng cháu gái mới sáu tháng, hớt hải chạy giặc theo quân trường về Sài Gòn lánh nạn.

 Gần mấy trăm người tham dự đại hội, Trần cố gắng tìm ông bạn vàng năm xưa. Đi vòng vèo, thăm hỏi biết bao bàn, chàng chẳng thấy tăm hơi ông bạn cũ đâu. Sĩ quan võ bị, khá đông đảo, lên tới bốn năm chục người. Nhưng tin tức về Quân chàng nghe được rất mơ hồ. Có người nói, họ ở cùng một trại tù Long Giao với Quân. Khi bị di chuyển ra Bắc, mỗi người mỗi trại, nên họ không biết gì. Có người lại nghe phong phanh, Quân đã bỏ mình vì bệnh tật trên trại giam, sát biên giới Tầu Việt. Trở lại bàn tiệc, Trần buồn rầu, than thở với vợ:

 -Dò hỏi mãi, chẳng biết bạn ta ở đâu. Hy vọng gia đình Quân vẫn bình an.

 Thật bất ngờ, gần tới giờ chia tay mọi người, hai người đàn bà, một đứng tuổi, một trẻ măng, tiến sát lại gần vợ chồng Trần, ôm chầm lấy họ, òa lên khóc, không biết vì quá vui hay buồn:

 -Phải chăng đây là anh chị Trần hả? Thấy anh lăng xăng hết bàn này tới bàn kia, mà em nhận không ra. Trời ơi, em mừng quá. Trông anh dạo này ốm hơn, còn chị thì vẫn đẹp, nhưng đâu còn mái tóc dài liêu trai như xưa nữa. Em là My, còn đây là cháu Thụy. Anh chị đã từng ôm ấp cháu khi nó còn bé tí teo. Nhà em mất rồi. Thư sinh như chồng em, chịu sao nổi kiếp tù đầy đọa của bọn Cộng Sản.

 Vợ chồng Trần cũng mừng mừng tủi tủi, hỏi han họ tới tấp:

 -Bây giờ hai mẹ con sinh sống ra sao? Ở Houston, hay ở đâu?

 -Cháu Thụy vẫn cắp sách tới trường. Cháu còn đang tiếp tục ban cao học tại Houston. Còn em làm y tá cho một nhà thương địa phương, tại một thị trấn nhỏ xíu, gần Dallas. Vài năm nữa, em sẽ về hưu rồi. Sống cho qua ngày ấy mà!

 Vợ Trần ôm ngang vai người bạn cũ, nhỏ nhẹ thì thầm cùng My:

 -Từ ngày Quân mất, chắc cũng đã hơn ba chục năm rồi, chẳng lẽ My vẫn ở vậy nuôi con?

 -Chuyện riêng của em dài dòng lắm. Đại hội lại sắp tan hàng rồi. Hay là em mời anh chị tới nhà trọ của cháu Thụy chơi ít bữa. Lúc đó, em sẽ trình bầy cuộc đời khốn khổ của mẹ con em cho anh chị hiểu.

 -Được rồi, chúng ta cùng về nhà trọ của cháu Thụy nghỉ ngơi chút xíu. Bữa tối, chúng tôi mời hai mẹ con đi ăn nhà hàng để ôn lại những ngày hai gia đình chúng ta cùng nhau dung dăng dung dẻ tại các hàng quán Đalạt năm xưa, dù thiếu bóng dáng ông bạn Quân, tiếu lâm của tôi.

 Sau khi dùng món tráng miệng tại nhà hàng Norms, My như mơ màng, mắt đỏ hoe, nhắc lại thời gian khốn khó tại quê nhà, lúc đất nước đổi chủ, cùng những khắc khoải, chơi vơi nơi hải ngoại:

 “Chờ đợi hơn ba tháng trời, không thấy Quân trở về, em gửi con cho ông bà ngoại cháu, rủ rê thêm mấy bà hàng xóm cùng có chồng bị đi học tập, tìm mọi cách tới đựơc trại giam Long Giao để thăm chồng. Đường đi gian nan vất vả. Từ con lộ chính có xe cộ qua lại, em cùng các chị phải băng ruộng sình lầy, xa hàng chục cây số, đầy dẫy những con vắt đói meo, thèm hút máu con người, bám đầy chân của đám đàn bà khốn khổ, mới tới được nơi giam giữ chồng mình. Không kinh nghiệm băng rừng sình lầy, tụi em ngã lên ngã xuống. Những túi xách thức ăn nuôi chồng, không cánh mà rơi lã chã xuống đám sình lầy vô tâm. Chân tay tụi em xước máu, quần áo dơ bẩn, rách nát như đám ăn mày nghèo đói, tả tơi. Bao nhiêu thứ em mang theo, rơi rụng, hư hỏng hết. May mắn cuối cùng, em chỉ còn lại ký ruốc, đựng trong lon Guigoz vẫn thơm tho nguyên vẹn. Mới có mấy tháng mà trông Quân gầy guộc hẳn, da vàng ủng như bị sốt rét ngã nước. Hỏi xem chàng có được chữa trị, cấp thuốc hay không. Chàng chỉ cười gằn, lắc đầu:

 -Tụi nó muốn mình chết đói, chết khát, gục ngã vì bệnh tật. Dại gì chúng cung cấp thuốc men chữa trị cho đám tù cải tạo như bọn anh.

 Được thăm nuôi, gặp nhau chừng nửa giờ, em lân la tới bệnh xá, cách xa trại tù khoảng nửa cây số để năn nỉ, xin thuốc sốt rét cho Quân. Nhưng bọn lính canh xua đuổi, mắng nhiếc:

 -Bệnh xá này dùng để bồi dưỡng, chữa trị cho cán bộ, bộ đội, chứ không chữa bệnh cho đám tù ngụy. Cút xéo đi, kẻo ông bắn bỏ mẹ!

 Dù bị đám bộ đội xua đuổi, em vẫn cố năn nỉ chúng, bằng cách đưa cho họ mấy chỉ vàng, hy vọng đổi lấy mấy chục viên thuốc kí ninh, chữa bệnh sốt rét. Còn đang dùng dằng với nhóm bội đội gác cổng, chợt có ông thượng úy, trông khá văn minh, học thức, dừng xe trước cổng. Lợi dụng dịp may, em ùa tới, bên cạnh xe díp, năn nỉ ông ta mua ít thuốc sốt rét chữa bệnh cho Quân. Ông ta quan sát em một lúc, rồi ra lệnh cho anh bộ đội giúp em mười viên thuốc kí ninh, trị bệnh sốt rét cho chồng, mà không lấy đồng nào. Sau khi nhận được thuốc, em cám ơn ông ta rối rít. Ông thượng úy này khá trẻ, giống như người từ một quốc gia nào khác, chứ không phải là toán cán bộ Bắc kỳ vô học, nạt nộ dân chúng nhát nhúa, hiền lành. Ông ta ăn nói nhỏ nhẹ, văn minh lạ lùng:

 -Tôi không ngờ con gái miền Nam xinh xắn, yêu kiều, lại dám hy sinh, yêu chồng đến thế! Chả bù, chả bù…

 Câu nói không hết nghĩa sau cùng, được ông ta ngưng nửa chừng, như sợ đàn em, cán bộ khác nghe được, sẽ bất lợi cho ông ta chăng?

 Trở lại trại giam, em đút lót đám quản giáo, mới trao thuốc được cho Quân dùng đỡ ít ngày. Về tới Sài gòn, em cố mua thuốc cùng chuẩn bị thức ăn kỹ lưỡng để vài hôm sau sẽ thăm Quân ngay. Nhưng, xui xẻo thay, em ngả bệnh, sốt cảm liên miên cả tuần lễ. Mới tỉnh táo được một ngày, em vội vàng lên trại tù thăm Quân. Vào được khu thăm nuôi, còn đang chờ đợi tới phiên, mới hay, Quân đã bị di chuyển đi nơi khác. Lại mua chuộc tiếp, mới biết rõ chồng mình đã bị đưa xuống tầu, đẩy ra tận miền Bắc xa xôi, vô tận. Em vò đầu, bứt tai, lăn lộn khóc lóc, tự oán trách mình, vì đã tới trại tù quá trễ. Phải chi, không cảm cúm, bệnh tật, em đã gặp được chồng, và Quân sẽ có sẵn bao thuốc men chữa trị rồi. Lê lết trở về nhà, tâm trạng em thật chán nản. Bố mẹ đã khá lớn tuổi, tiền bạc dành dụm chẳng là bao. May mắn, toàn gia đình còn căn nhà, nằm sâu tút lút bên trong hẻm đường Trần quốc Toản. Đó cũng là nơi nương tựa của hai mẹ con em. Thương con, thương cháu, ông bà cũng thở dài thườn thượt. Đào đâu ra tiền bạc để em lo lót giấy tờ, cùng mọi chi phí khác nữa khi phải lặn lội ra Bắc thăm chồng. Thời buổi đổi đời, công, tư sở đóng cửa, muốn tồn tại, sống còn, ai ai cũng lôi đồ đạc, mới hay cũ của nhà mình ra vỉa hè, buôn đi bán lại, sống lây lất qua ngày. Nhờ hồi ở trường Võ Bị, em tình nguyện làm phụ y tá trong bệnh xá giúp đỡ sinh viên, nhân viên cơ hữu, nên vốn liếng thuốc men, em vẫn còn nhớ mong manh. Sau hơn nửa năm xoay xở, buôn thuốc men lậu, cộng thêm nghề làm y tá bất đắt dĩ, em đã kiếm được số tiền kha khá, đủ để rong ruổi trên tầu hỏa xuôi Bắc. Rủ rê được mấy chị em cùng hoàn cảnh, em quyết chí đi tìm bạn đời tù đầy. Leo đồi, lội suối tới tận nơi rừng sâu núi thẩm, vùng giá lạnh Việt Trì, em chỉ nhận được tin chồng đã chết khi đi lao động. Tuyệt nhiên, không cơ quan, trại trưởng nào cho biết thân xác, mồ chôn chồng nơi đâu. Nghe tin sét đánh ấy, em như chết đứng. Em gào thét, oán trách mình. Phải chi, em dư dả tiền bạc, thăm chồng sớm hơn, Quân đã không chết. Thuốc men đầy đủ, cơn bệnh hiểm nghèo đâu còn đủ sức tàn phá thân thể chồng mình. Quân ơi, Quân, tha thứ cho em. Trời ơi, tôi đã bỏ rơi chồng mình rồi sao?

 Về lại miền Nam, em như mê sảng, điên loạn. Mấy tháng liền, em không buôn bán, làm ăn gì được. Tối ngày, em chỉ biết ôm ấp cháu Thụy khóc lóc thảm thiết. Bố mẹ em cũng âu sầu, rướm lệ, thương hại hai mẹ con góa bụa. Cuối cùng, ai cũng phải nuốt lệ để sống. Thảm kịch chế độ độc tài oan nghiệt đang đổ ập xuống đầu hàng triệu con dân Việt, chứ đâu chỉ phải một mình gia đình em. Do đó, em đã gạt bỏ tất cả khổ đau cá nhân, vung mình đứng dạy. Hơn nữa, thời buổi khó khăn, gánh nặng gia đình chĩu nặng trên đôi vai gầy ốm của người chị cả gồm bố mẹ già, hai em còn nhỏ, cộng thêm bé Thụy ấu thơ. Em lại lăn xả ra đời, buôn bán thuốc tây, hành nghề y tá, rất chuyên nghiệp, mát tay, nên đời sống gia đình cũng khá thoải mái. Vào những năm 1978, 1979 trở đi, phong trào vượt biển nở rộ, người ta rất cần thuốc say sóng, cùng những loại thuốc cầm máu, băng cứu thương…Em đã tìm được mối lái, tuôn thuốc ra từ các bệnh viện, các hợp tác xã của nhà nước…Cuộc chiến năm 1979 giữa đàn anh Trung Cộng và đàn em Cộng sản Việt tại biên giới hai nước, làm bọn cầm quyền họ Hồ run sợ. Họ cố tìm mọi cách đẩy người Hoa ra ngoại quốc, nên những loại thuốc trên bán ra đắt như tôm tươi, với giá cả đắt gấp mười giá vốn. Số vàng em thu vào từ những giao dịch ấy khá nhiều.

 Nhưng đi đêm lắm, cũng có ngày gặp ma. Một hôm, đang chờ người trung gian đưa thuốc tại cửa sau một quán bia ôm quen thuộc, thì bị bọn công an, không biết ẩn nấp từ đâu, ập tới, bắt em, người trung gian cùng tiền bạc và thuốc men. Vố đau ấy, em mất hơn hai chục lượng vàng. Ngoài ra, em còn bị giam trên quận cả tuần lễ nữa. Họ còn dọa sẽ đưa em ra tòa và kết án thật nặng nề. Bọn công an tới lục lọi thuốc men tại nhà em hai ba lần, nhưng làm sao họ kiếm ra được, vì em đã bán gần hết. Hơn nữa, tiền bạc và một số thuốc còn lại, em đã tẩu tán tại một số nhà bà con rồi. Hành nghề buôn lậu như em, ai dại gì để chình ình mọi thứ nơi nhà mình nhỉ!

 Ngày thứ sáu, em bị công an quận bắt lên “làm việc” với xếp lớn. Họ đẩy cho em một đống giấy tờ, bắt em điền vào tên họ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ …

 Khi xếp lớn ùa vào, anh công an đứng bật dậy báo cáo:

 -Thưa đồng chí thượng úy, phạm nhân Nguyễn-lan-My đã được dẫn tới.

 Báo cáo xong, anh ta chào cái cộp, rồi cắp nón quay gót rời phòng. Ông thượng úy ngồi vào chiếc ghế bành bằng da to lớn, tay lật qua lật lại xấp hồ sơ dầy cộm trên bàn, vừa nói với em:

 -Cô My, có biết tội cô không? Buôn lậu là tội rất nặng. Là tội phá hoại nhà nước. Cô nằm trong tổ chức nào? Đồng bọn cô là ai? Ở đâu? Thú thật đi, hợp tác với nhà nước, chúng tôi sẽ giảm tội cho cô.

 -Dạ thưa ông, tôi chỉ mới lần đầu tập tành mua thuốc kiếm lời, nuôi con dại, cha mẹ già. Chứ chúng tôi có nằm trong tổ chức nào đâu. Nếu ông không tin, ông cứ cho người tới nhà tôi lục lọi, kiểm soát, sẽ hiểu ngay thôi.

 Từ lúc bước vào phòng tới giờ, xếp lớn chưa có dịp quan sát em. Ông chỉ lo đọc hồ sơ phạm nhân, cùng dọa nạt em mấy câu. Bây giờ nhìn kỹ, ông ta đã nhận ra em. Giờ đây em đã rủng rỉnh tiền bạc, nên ăn mặc khá xinh xắn, cùng mái tóc dài liêu trai gần tới mông, hòa hợp với bộ mặt xinh đẹp thiên thần tự nhiên, chứ không dơ dáy như ngày nào ông gặp trên trại tù Long Giao. Ông có vẻ xúc động trước đôi mắt nai tơ của thiếu phụ hai mươi lăm xuân xanh. Ông nở một nụ cười tình tứ, đắm đuối nhìn em mở lời:

 - Cô My còn nhớ tôi không?

 Em chột dạ, ấp úng trả lời:

 - Dạ, dạ, ông nói gì ạ?

 - Mấy viên thuốc sốt rét dạo nào ấy mà. Cô quên rồi sao?

 - Dạ, dạ, em nhớ thượng úy rồi. Không ngờ thượng úy lại đổi về Sài Gòn.

 - Chồng cô có khỏe không? Học tập tốt không?

 Có người nhắc tới chồng mình, nước mắt em tự nhiên ứa ra. Em thổn thức:

 - Dạ, chồng em bỏ xác ngoài Bắc rồi ạ!

 - Thật tội nghiệp cô. Không ngờ chồng cô lại chết yểu.

 Được ông thượng úy an ủi, em cố năn nỉ ông ta:

 - Xin thượng úy tha cho em. Mình em phải ra đời buôn bán vớ vẩn nuôi con thơ, cùng bố mẹ già và hai đứa em còn non nớt.

 - Được rồi, tôi sẽ tha cho cô. Tội của cô rất nặng, nhưng tôi sẽ tìm cách làm giảm tội cô đi, coi như nhẹ dạ, lỡ lầm lẫn lần đầu mà thôi. Lần sau nhớ thật cẩn thận, đừng để cấp dưới của tôi bắt được. Việc ấy sẽ đẩy tôi vào thế thật khó xử, cô có biết không? Hy vọng một ngày rất gần, tôi sẽ tới thăm cô. Chắc cô không phản đối chứ?

 -Em rất cám ơn thượng úy. Khi nào rảnh, thượng úy cứ ghé tệ xá của em.

 Trong cái rủi, lại có cái may. Không ngờ ông thượng úy ấy đã để ý tới em, ngay từ khi gặp nhau nơi trại tù năm nào. Đã gần năm sáu năm nay rồi, mà ông ta vẫn còn nhớ tới em, kỳ lạ thật. Chả biết ông ta âm mưu gì. Hay ông ta làm bộ thả mình ra, rồi âm thầm theo dõi chăng? Mặc kệ, mình làm gì cứ đề phòng cẩn thận là được. Tuy thế, em cũng hãnh diện về sắc đẹp trời cho của mình. Góa phụ một con, vẫn còn đầy sức hấp dẫn với phái nam. Nhất là gái miền Nam, xinh xắn, làm mê lòng nhiều anh cán bộ ngờ nghệch đất Bắc.

 Một chiều chủ nhật, khí hậu thật oi ả, em dẫn bé Thụy ra bờ sông Bạch Đằng hóng mát, tiện thể cũng lựa cho cháu một số búp bê, đồ chơi, mà người ta bày bán tràn lan nơi ấy. Bé Thụy thích nhất một con búp bê Nhật Bản, đường nét tinh xảo, quần áo nhiều mầu xinh xắn. Em còn đang trả giá, đột nhiên sau lưng, có tiếng nói đàn ông xa lạ:

 - Búp bê xinh quá, cô mua cho cháu đi.

 Giật mình quay phắt lại, em thấy ông thượng úy, ăn mặc đơn giản, với áo thung trắng, quần short, xăng đan da gọn gàng, thật thời trang, rất hiếm thấy nơi các cán bộ xứ Bắc. Em thầm nghĩ, ông cán bộ này chắc đã từng đi du học ngoại quốc như Đông Đức, Liên Sô…nên mới biết ăn mặc khéo léo, đơn giản như thế.

 - Em kính chào thượng úy.

 - Nơi đông người, cô cứ gọi tôi là ông, là anh, hoặc tên tôi là Đông cũng được rồi. Cô chẳng nên thưa bẩm kiểu cách, hoặc nêu danh phận tôi giữa chốn đông người. Tôi không muốn dân chúng e dè, xa lánh chúng tôi.

 - Vậy, nếu ông cho phép, tôi sẽ gọi ông là anh Đông cho đúng ý ông nghe.

 - Cô cứ xưng hô như vậy. Tôi rất hài lòng.

 Sau khi mua cho cháu búp bê, Đông rủ em dạo phố xá Sài Gòn, rồi ăn tối với ông ta. Qua lần gặp gỡ riêng tư đầu tiên ấy, em cảm thấy Đông để ý tới em, hiểu rõ phần nào đời sống dân chúng miền Nam. Nhìn đôi mắt trìu mến và đầy cảm tình của Đông, em nghĩ là ông ta muốn giúp đỡ em. Một vài lần sau, Đông hẹn hò nơi quán ăn, gián tiếp giúp đỡ em mua thuốc men từ một vài cơ quan nhà nước. Có hàng để chạy mối, đời sống nhà em dễ thở hơn. Công an khu vực chắc đánh hơi được sự quen biết lớn ấy, nên cũng nhắm mắt làm ngơ cho em. Càng gặp gỡ Đông, em càng hiểu rõ tâm tình của Đông hơn. Chàng đã dám tâm sự những ý tưởng thầm kín của mình về chế độ độc tài đảng trị, mà một đảng viên, con cháu gốc gác cách mạng như chàng, không thể thố lộ cho người ngoài biết, nhất là với vợ con Mỹ ngụy. Cái tâm trạng đớn đau nhất, ngay từ hồi con du học bên Liên Sô, khi nghe tin bố mình bị bọn đầu não Bắc bộ phủ thanh toán, vì có gốc gác tiểu tư sản vô lý của thân phụ mình. Các đồng chí thân cận nhất của cha như già Hồ, tổng bí thư Lê Duẩn, đều giả bộ như câm điếc, không can thiệp gì, để mặc kệ bọn tay sai thanh toán cha mình. Muốn yên thân, Đông phải câm lặng hoàn toàn. Ngược lại, như bao thanh niên khác, chàng cũng phải hoan hô, ủng hộ đồng chí Trường Chinh đã dám thí mạng cha ông ta, trong phong trào đấu tố địa chủ để làm gương cho mọi người tuân theo. 

 Dần dần, Đông bầy tỏ tình yêu của chàng cho em biết. Em không từ chối, cũng chẳng vồ vập. Một vài lần em gián tiếp ngỏ lời cho Đông hiểu về việc nhiều người vượt biển, bỏ nước ra đi. Đông thẳng thắn trình bầy quan điểm của mình:

 - Nếu người ta dám đánh đổi mạng sống mình cho biển khơi mênh mông, sóng dữ rình rập, để được tự do, là điều anh rất đáng khâm phục. Nhìn qua lịch sử muôn đời, có người dân nào sung sướng, thích sống trong chế độ độc tài, dù là độc tài quân phiệt, đảng trị hay quân chủ chuyên chế đâu. Anh đây, sống trong chế độ này, ráng đóng cho đúng vai trò của mình để tồn tại, em có hiểu cho anh không My?

 Dù được Đông giúp đỡ nhiệt tình trong kế sinh nhai và tỏ tình với mình, em vẫn còn thù ghét thậm tệ chế độ cộng sản. Chính chế độ ấy đã vất bỏ, đẩy chồng mình vào cõi chết. Lá cờ máu đã nhuộm đỏ bao sinh linh vô tội, đã xô đẩy hàng triệu người liều chết đi tìm tự do, dù biết biển cả mênh mông dập vùi. Sau mấy năm trời sống dưới sự sợ hãi, kiềm kẹp của chế độ, ai ai cũng ghê tởm cái xã hội chủ nghĩa lừa bịp, giả dối ấy. Nên, sâu tận đáy lòng, em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện yêu Đông, nói chi tới việc kết nghĩa trăm năm với chàng. Vì vậy, em không bao giờ dám để Đông tìm tới nhà mình. Điều ấy sẽ làm hàng xóm khinh bỉ, nhạo báng, cười chê, dù bề ngoài người ta khép nép sợ sệt.

 Để đáp lại tình yêu chân thành của Đông, em đưa ra điều kiện khắt khe, đôi khi đến vô lý, hầu mong Đông không chấp nhận:

 - Nếu anh thật tình yêu tôi, hãy bỏ chế độ này, cùng theo tôi, tìm mọi cách vượt biên đi tìm tự do. Tới được quốc gia khác, lúc đó, tôi mới đáp lại tình yêu của anh. Anh có chịu không?

 - Em hãy cho anh một thời gian. Anh phải sắp xếp mọi thứ thật an toàn, hoàn hảo, mới ra tay hành động được. Vì với địa vị hiện thời của anh, nếu thất bại, chỉ có đường chết mà thôi. Anh hiểu rất rõ chế độ ghê gớm này mà. Em về nhà, cứ âm thầm sắp xếp mọi thứ, nhưng luôn luôn kín đáo tuyệt đối. Hớ hênh một tí là chết cả đám!

 Khi hứa hẹn với em, không phải Đông bị tình yêu của em áp lực, mà chàng cũng đang đi tìm lối thoát cho chính mình. Cái ý tưởng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của lũ quỉ đỏ đã manh nha ngay từ ngày bố chàng bị hãm hại. Nó càng bùng phát mãnh liệt hơn, khi chàng xâm nhập miền Nam. Tất cả những khoe khoang, tuyên truyền, giáo điều của cộng sản…đều lộ nguyên hình: vô luân, xảo quyệt, lừa bịp khối óc non dại, ngây thơ, cùng lợi dụng lòng yêu nước của dân chúng.

 Thời gian Đông bắt em chờ đợi cũng không quá lâu, chỉ vài tháng thôi. Em cũng không biết, làm cách nào, bây giờ Đông lại phụ trách việc kiểm soát đường thủy, thanh tra mọi việc di chuyển trên sông Sài Gòn, ra mãi tận Vũng Tàu. Toàn thể gia đình em, từng người một, đã leo lên tầu tuần của Đông, vượt biển được tới Phi Luật Tân thật dễ dàng.

 Sau mấy năm ăn chực nằm chờ tại Phi, cuối cùng, năm 1985, Đông và toàn gia đình em đã được định cư tại Mỹ. Đông trở thành người chồng thứ nhì của em. Em lựa chọn một thành phố nhỏ xíu, thị xã Tyler, cách Dallas khoảng tám mươi dặm, làm chỗ nương tựa cuối đời. Một vài thành phố lớn, hơi xa chỗ em ở như Dallas, Houston, với số người tỵ nạn Việt Nam đông đảo, gia đình em ít khi dám xuất hiện. Em chỉ sợ, nếu chẳng may, có người nào, cùng bạn với Quân, thuộc trường Võ Bị gặp mặt, em sẽ rất xấu hổ. Do đó, em luôn luôn né tránh khối người tỵ nạn đông đảo đáng yêu kia. Khi cháu Thụy tới tuổi lái xe, em nhờ cháu chở ông bà ngoại tới hai nơi đông đảo ấy, để mua đồ ăn Việt Nam, với hy vọng ông bà có thể gặp được bạn bè cũ, tìm lại hơi ấm của dĩ vãng. Vài năm sau, người Việt tỵ nạn có đài phát thanh, phát hình riêng, nên em cũng nghe, xem các đài ấy thật chăm chỉ, nhiệt tình. Hình lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới bay ngạo nghễ, trong các dịp lễ tưởng niệm, làm lòng em xót xa, nước mắt tuôn trào. Hình ảnh quân trường Võ Bị, lại phủ ngập tâm tư, làm em đớn đau, nhớ thương anh Quân đầu đời của mình. Em như mê loạn: Quân, Quân ơi, tha thứ cho em…

 Đông đã mất cách đây gần ba năm, vì bệnh viêm gan. Năm ngoái, em lôi tất cả quần áo mới cũ của Đông ra giặt giũ, trước khi gói lại, gửi tặng Hồng-thập-tự. Thật quá bất ngờ, một lá cờ vàng ba sọc đỏ, còn khá mới, được Đông cất dấu từ hồi nào, bung ra, làm em ngỡ ngàng. Thì ra, Đông cũng biết trân quý lá cờ quốc gia, nhưng lại thật cô đơn, âm thầm, không biểu lộ cho ai hay, dù đó là em, vợ chàng. Phải chăng, Đông đã gột rửa được gốc gác Cộng sản vô luân của mình, sau khi đã hội nhập, hiểu rõ, hưởng thụ chế độ tự do, dân chủ thật sự? Bởi, nếu chàng có nói ra sự đổi mới con người mình, hầu dễ có ai dám tin? Hôm sau, em ra mộ Đông, thắp nhang khấn vái, đồng thời cũng cắm trên mộ chàng lá cờ quốc gia bay phất phới. Cái mặc cảm tự ti, khi kết nghĩa trăm năm với anh cán bộ như một màn đen ghê tởm bao phủ gia đình em từ bao năm nay, giờ đây được hất tung ra, làm em sảng khoái, tung tăng như bước vào cuộc đời mới. Sự sung sướng, an ủi dâng cao, khi em thì thầm trước di ảnh của Quân: Quân ơi! Không phải em đã cưới kẻ thù, nhưng em đã đổi mới con người anh ta, biến thành bạn bè, chiến hữu của chúng ta. Anh đừng trách móc em nữa nghe, anh Quân! Cám ơn, cám ơn anh thật nhều, thật nhiều nghe anh! “

 Mặc cảm đã được hóa giải, con người mới của My hiên ngang hòa nhập vào khối người Việt tỵ nạn đông đảo ở Houston, trong nhiều sinh hoạt chống Cộng, mà không hổ thẹn với lương tâm. Và cũng may mắn thay, lần này, nàng đã gặp gỡ được bạn bè cũ, sau hơn ba chục năm xa cách. 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Tư 2011(Xem: 20420)
Hồ ly rùng mình một cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma mà chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người.
19 Tháng Ba 2011(Xem: 16329)
QUÊ HƯƠNG MÊNH MÔNG Nguyễn Đ ức Quang Gìa Cơ "Nào ai chỉ giùm tôi, tình nào mãi thắm tươi chiều mưa cùng bằng hữu cứ reo cười chờ nắng soi đường xa bước ngắn dài, đường bâng khuâng cuối trời nào ai chỉ giùm tôi một đường tới." (Ca khúc Nào Ai của Nguyễn Đức Quang)
19 Tháng Ba 2011(Xem: 17055)
… Ừ nhỉ, hạnh phúc thực sự thì có cần gì to lớn lắm đâu. Đâu có thể nhân danh những gì quá to lớn, quá trừu tượng mà lấy đi những hạnh phúc thắm đượm của từng người? Ta đâu có thể nhân danh chân lý muôn năm mà nhắm mắt để quan lại dẳm nát tương lai của muôn dân? - Nguyễn Quang Tuyến
18 Tháng Ba 2011(Xem: 17704)
Cái mề-đai vàng một lần nữa nằm lại trong tay của Cecile, thành quả của một cuộc hành trình phi thường xuyên lịch sử và lục địa - và bí ẩn của cái mề-đai đã được một chồng thư đã thất lạc từ lâu giải mã.
18 Tháng Ba 2011(Xem: 16558)
Vậy mà với phép lạ nhiệm mầu của tình yêu, họ đã đạp đổ tất cả chướng ngại, thênh thang bước vào lâu đài hạnh phúc, với sự chúc lành của họ hàng, bạn bè trong một lễ cưới trang nghiêm, cảm động. - bùi đình phùng
14 Tháng Ba 2011(Xem: 17113)
Marilyn, nh ật ký cuối cùng Tuấn Thảo, RFI Kiếp đàn bà oan nghiệt đến mức, bao lần Marilyn thầm khóc cho tuổi thơ bất hạnh, thở than cho thân phận con người. Trong huyền thoại Marilyn, dường như không có chiếc áo giáp nào đủ dày, để chống đỡ mũi tên của định mệnh.
17 Tháng Hai 2011(Xem: 16201)
Nỗi Sợ Vẫn Vơ Nguyễn Hữu Chi Tiến Sĩ Tâm Lý Chính Trị Học Đời này ai dại, ai khôn? Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành. Ca dao
17 Tháng Hai 2011(Xem: 17471)
Thử thách Bùi Đình Phùng Bố Trâm ùa tới. Hai người bạn ôm chầm lấy nhau sau một thời gian dài xa cách. -Thạc à, cậu thật bậy. Cậu làm con bé Trâm nhà tôi khóc lóc, điêu đứng. Tôi phải thay cậu, khuyên nhủ, an ủi nó mãi, mới yên đấy. –Bố Trâm trách móc Thạc- -Xin lỗi anh.Vì quá yêu Trâm, tôi không muốn em nó khổ, mặc cảm với mọi người. Thời gian xa nhau khá dài, như một thử thách, đủ để em nó cân nhắc giữa sự đam mê nhất thời và tình yêu chân thật.
14 Tháng Hai 2011(Xem: 17828)
Khai Bú t Đầu Năm Tân Mão Trần Văn Lương Sầu dai nhai trệu trạo, Lảo đảo ngỡ mình say!
27 Tháng Giêng 2011(Xem: 20432)
GÀ Ố NG TRE Nguyễn Quang Tuyến Vậy mà con người phải mất khá nhiều thời gian để tìm về cái đơn giản và lại tự hào là đã tìm ra cái mới lạ!
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468