Con Chó Con (Nguyễn Quang Tuyến)

13 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 18232)
Con Chó Con (Nguyễn Quang Tuyến)

Truyện ngắn:

 

CON CHÓ CON

 

Nguyễn Quang Tuyến

 

Gió thốc vào mũi mùi tanh nồng của cá, mùi mặn của biển, tôi vẫn tìm được nét đặc biệt của Phan Rang ngày nào. Những ngày tháng qua, Phan Rang thêm lạ lẫm với bụi và khói, thêm màu da của lính ngoại quốc; cỏ xanh lề đường dọc cánh đồng bây giờ xe lính tắm cho đầy bụi đất đỏ. Thành phố ban ngày un khói dầu cặn và ban đêm vang tiếng hát nghêu ngao của mấy chú lính ngoại quốc, bên tay một chai rượu bên tay một cô bé Việt Nam mười bảy. Lời dân ca xứ sở họ nơi xa kia nồng đượm hương cỏ miền viễn tây hay cuộc sống giang hồ của những chàng trai tìm đất mới, giờ đây rã rời chếnh choáng hơi men bên người kỹ nữ xa xứ. Người ta thấy hắn khắp phố phường, hắn mặt đỏ gay môi mềm rượu; hắn mặt buồn ngồi thộn ra trong quán rượu hai tay lông lá luồn qua chiếc áo hở hang; hắn giữa công viên; hắn bên ổ nhện. Hắn có mặt khắp mọi nơi và mọi người bắt đầu quờ quạng tìm hắn, tìm hôn những đôi môi, bàn tay đô la. Phan Rang hôm nay mọi người như rướn cao hơn, cao hơn nữa dù chỉ mới được quá phân nửa chiều cao.

 Mấy hôm nay nắng gay, mùi vị cố hữu của bến xe đò này vẫn thốc lên nồng nặc. Tôi trăn trở trên chiếc ghế bố, mồ hôi nhơn nhớt, nhột nhạt làm tôi buồn lợm. Thoảng đâu đây như mùi rong hôi tấp trên bãi cát miền Trung sau trận lụt, ơn ớn như mùi cá ươn kho yếu lửa. Anh tài xế xe Thuận Đức đập tay đánh hét vào đùi:

- Mẹ nó rác bao nhiêu cũng trút vào cái lỗ này!!

- Cái mùi nó lợm như cóc chết, sư nó cái gì mà nồng thế? - Chiếc giường tre bên quán trẹo răng rắc, mụ Ba bán phở ưỡn mông lên the thé.

- Cóc mốc gì đâu, ba cái đồ hộp của Mẽo, khi ăn thì thơm thiệt đến hồi ăn dở chừng vứt nó bỏ ra chua vữa – chẳng khác gì cóc chết. Sư nó, ba con nỡm bây giờ bắt đầu ăn đồ hộp rồi, nó có thèm ăn thịt heo thịt gà của mình đâu.

- Thơm cái khỉ gì, chị Ba chịu mùi đó chớ tui nuốt hỏng vô được. Thằng Sáu hôm trước nó mở hộp thịt gà ra, tôi thấy nó nồng như mùi mồ hôi muối.

- Chị này kỳ thiệt cà, hơi đâu mà nói xỏ! sao chị nói tôi chịu mùi Mỹ. Tôi đâu có bán Salem với kẹo chụt chụt, tôi có nồi phở rồi mà!!

Hai mụ đàn bà bắt đầu phân bua về cái mùi Mỹ, mùi nồng như mồ hôi muối. Chị bán thuốc lá và kẹo cúi xuống gãi sồn sột nơi gót chân nhổ đánh toẹt bãi nước trầu xuống đất, nói tiếp:

- Chị em mình đừng nói vậy mà mất lòng nhau, tui nghèo không có vốn mới bán thuốc lá, kẹo cho bạn hàng xe, chứ nói thiệt ai chịu cái mùi tụi nó được, thịt gà thịt heo hộp cái mùi nồng vậy nói chi thịt tụi nó. Con Hương làm bar Phụng Hoàng, cháu thằng lơ Sáu Lễ, hôm trước nó nói với tui thiệt phải nhắm mắt mà ngủ với tụi nó. Mồ hôi nó cay nồng mùi tỏi, nồng chẳng muốn hun.

- Mẹ nó, chứ tối nào nó chẳng ôm một khối thịt hôi nồng mùi tỏi ấy. Hồi chiều ni nó còn ôm cái ra-dô phê phê đi ngoài bến. Tôi thà đói mà sống với thằng người mình còn hơn. Phải không cậu?

Tôi đang lơ mơ nhìn mấy cụm cây im ngủ, xa xa mấy trái hoả châu thắp rực một góc trời. Tôi nghĩ đến hộp thịt, hộp trái cây méo mó lăn lông lốc dọc những đụn cát hoi nắng miền Trung, những bà già, trẻ con hốc hác sắp từng dãy, tay cầm cuốc chĩa đào bới những đống rác của quân đội ngoại quốc để tìm thức sống tại ngoại ô Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh. Người ta thầu từng đống rác, người ta đào bới những hộp thịt vữa, quá thời hạn đem bán về thành phố. Hình ảnh hai thằng bé ngực trần, đen đủi, bận mỗi chiếc quần cụt, mặt mày nhem nhuốc, vật lộn nơi bãi cát nóng vùng Hòa Vang, chúng dành nhau đống rác mới đổ, làm tôi xốn xang. Mặt nhem nhuốc mồ hôi, chúng lăn lộn bên đống rác như hai con chó bên mấy miếng xương thừa. Nắng miền Trung gay gắt chói chang trên bãi cát nóng bỏng, dọc theo quốc lộ từ Huế vào gần Đà Nẵng, hơn một cây số người ta đổ rác, biết bao nhiêu người nối đuôi nhau cào xới, tranh nhau từng hộp đồ, từng bao ni lông, gói giấy. Những vật dụng thừa moi móc trong từng đống rác rưởi kia lại đổ về thành phố, chất nghễu nghện dọc lề đường. Từ Sài Gòn cho đến các tỉnh nhỏ, những thứ này bán tự do. Với số tiền còm cõi, với thời giá bây giờ người ta khó mua được miếng thịt tươi, thế là người ta lại tìm mua những đồ hộp thừa thải bên lề đường. Tôi không hiểu những người lính ngoại quốc khi đi ngang qua những đống rác kia với những người nhem nhuốc tranh giành nhau, qua những hộp thịt méo mó chất giữa phố, họ nghĩ gì? Khốn khổ này biến chúng ta trở thành những đứa trẻ con chen nhau lượm bánh kẹo trên mặt đất mà họ ném vãi trên đường hay sao?

- Thực tôi chẳng hiểu gì.

Đâu đây tiếng rúc rích của chuột lẫn tiếng cười đú đởn của mấy con nhỏ bán nước mía ở góc phố. Tiếng hỏi của mụ đàn bà như chìm trong mệt mỏi, tôi ầm ừ cho qua chuyện.

- Dạ phải.

- Ai chẳng biết vậy mà mấy con nhỏ ngủ đêm này qua đêm khác, nghĩ cũng phục thiệt.

- Sức mấy, tụi nó làm ăn riêng chứ bộ, loay hoay tụi nó cũng tìm mấy thằng Việt Nam ôm ấp như con Hường đó, chị coi ban đêm đi với Mỹ, ban ngày về với thằng nhỏ dưới ngỏ ba. Thằng nhỏ khỏi đi làm gì cả, ở nhà cả ngày mập tròn. Nằm nhà có người nuôi mà khỏi lo bị bắt lính.

Tiếng nói hai mụ đàn bà nhỏ dần, thầm thì ra chiều quan trọng về việc mấy chàng trai trốn lính có tình nhân bán thân cho lính Mỹ lấy tiền về nuôi. Mùi hôi lợm của rác vẫn thốc lên mũi, anh tài xế xe Thuận Đức trùm chiếc khăn lông màu cháo lòng quanh đầu ngáy o o. Tiếng đại bác ở vùng Khánh Sơn rền ầm ì như tiếng rên từ lòng đất, day dứt không yên. Tôi ngồi đó đốt thuốc lá, nhìn bến xe về khuya nặng nề ngột ngạt, những câu chuyện rã rời như đứt đoạn, nối khúc trong đầu óc. Tôi nghĩ đến những cánh hoa xương rồng màu đỏ chói như chảy nhỉ những giọt máu rỉ trên thân cây trơ trọi, gai góc dọc đường xe lửa qua miền Tháp Chàm. Cách đây mấy năm, chuyến xe lửa chạy ngang qua vùng ấy vào buổi chiều, tôi còn thấy mấy người Chàm bận đồ xanh, thờ thẫn nhìn theo con tàu ì ạch chạy; những nhà lụp xụp vươn khói, bầy trâu gặm cỏ trơ trong khoảng rừng thưa nồng đất sỏi. Hình ảnh xưa nơi miền đất cằn cỗi này ngày nay như mất mát tất cả, vẻ đẹp bi tráng của cánh hoa xương rồng đỏ như máu rỉ được thắp sáng bằng hỏa châu, rên xiết bằng đại bác, đoàn tàu lửa nghiến trẹo trẹo dò dẫm đi trong đêm.

Từ góc phố, công viên vắng người nhuộm màu đèn ủ dột, mấy người lính Mỹ vừa đi vừa cười hô hố bên mấy cô gái Việt bận mini-jupe, đưa đôi chân trắng muốt lóng cóng trên đôi giày cao gót. Bóng người đi lần vào bóng cây, đêm đen hun hút.

- Tổ cha mày, con ơi, tổ cha mày …

Tiếng chửi hực lên như tiếng nấc rồi tắt nghẹn tấm tức trong bóng tối dưới hiên mái tôn. Chiếc giường tre của mụ bán phở rên lên ken két, mụ quạt phành phạch:

- Ông có chửi nó cũng không về mà. Ông tính coi gần nửa tháng rồi, tối mô ông cũng đến tìm mà nó có chịu về đâu. Cái nghề đời mà, nữ sinh ngoại tộc ông mặc xác nó đi. Tội nghiệp!

Tôi nhìn vào khoảng tối lờ mờ, bóng lão già lom khom đứng dậy, nặng nhọc bước ra ngoài. Mái tóc bạc phơ, mặt hom hem rúm lại làm chòm râu thưa dưới cằm thừa thãi. Chiếc áo đen cộc vá lỗ chỗ, chiếc quần bà ba cáu bẩn nhăn nhúm, thân hình còm cõi của lão nằm lỏng lẻo trong cặp đồ ấy. Lão quờ tay vịn chiếc giường tre của chị Ba đứng lên :

- Chị Ba à, đằng mô nó cũng là con tui mà chị.

- Tính răng chớ tui thấy nó làm khổ ông nhiều quá. Tội nghiệp. Chừ ông định lại đằng đó nữa à? Sư cha nó, con với cái!!

- Tội nghiệp nó thương tui lắm chị ơi.

- Thương mà để ông khổ thế ni. Thằng Hữu không biết nó đi đâu rồi, để tui biểu nó đưa ông lại đó. Tội nghiệp!


Lão già ngơ ngác nhìn các lối đi, đèn điện vàng úa ngủ thiếp trên đường nhựa. Tôi quay lại hỏi chị Ba :

- Ông ấy đi đâu đó chị? Tôi đưa ông đi được không?

- À phải đó cậu, làm phước đưa ổng đi. Tội nghiệp! Sư cha con với cái! Nó làm khổ ổng quá. Cậu tính xem, ổng kiếm con gái ổng, nó làm cái bar ở đầu kia, ổng kêu mãi mà con nhỏ có chịu về đâu. Cậu làm ơn đưa ổng lại cái bar có vòng đèn đỏ gần khách sạn Phước Thuận đó. Đi ngã ni nè. Tội nghiệp!

Lão quay lại nhìn tôi như van lơn, tôi đứng dậy châm một điếu thuốc rồi đi với lão về bên kia đường. Chiếc nón kẹp sát vào người, lão bước hấp tấp, luộm thuộm, chiếc lưng khòm xuống, đôi chân đen khẳng khiu, mấy ngón chân trần bám sát vào đôi dép nhựa. Nhìn đôi mắt hom hem ấy lòng tôi se lại, tôi nhớ một buổi chiều Quảng Ngãi, một lão già ôm đứa cháu trai bị cụt một chân vì đại bác, lão ngồi bên hè bệnh viện tỉnh. Cũng đôi mắt ấy hom hem mệt mỏi, ngơ ngác như mắt người điên bị đưa lên máy chém: những ánh mắt cầu khẩn, vô hồn …

- Cụ ở đâu đến đây tìm con?

Lão đứng khựng lại nhìn tôi. Tôi nhắc lại câu hỏi. Lão cười như mếu máo chìa mấy chiếc răng đen rời rạc trên nướu:

- Tui ở Vạn Giả, thầy biết Vạn Giả chớ?

- Dạ biết, Vạn Giả có bánh chuối, có bánh ướt chấm mắm cái…

Lão chớp mắt nhanh, ánh đèn vàng trên cột điện tạt xuống cho tôi thoáng thấy rõ chút vui mừng như quê hương sống lại trên khuôn mặt ấy.

- Ừ đó đó, nhưng cỡ xưa kìa chớ bây giờ thì hết trọi rồi thầy à. Hết trọi rồi. Ăn bánh chuối Vạn giả mà uống bát nước chè vối nóng.

- Lát chuối thơm xắt mỏng mật ươm ra trong lá chuối khô, thơm ngon lắm. Cháu có ghé lại Vạn giả mấy ngày. Cụ ở làng nào?

- Bên kia đàng xe lửa đó thầy. Còn chi mô, hết trọi rồi!!

Tôi chờ đợi lão nói nữa, nhưng lão im lặng ngẩn ngơ nhìn ánh đèn màu ở quán bên đường. Những từ “ còn chi mô, hết trọi rồi” mà lão không nói lên lời đó tôi đã hiểu rõ, đã nhìn tận mắt. Nhưng tôi muốn lão nói ra để đỡ khổ, quê hương đã một lần tan nát đừng để nó tan nát lần thứ hai trong lòng mình.

Tôi đã qua những làng miền Trung không bóng người, cánh đồng không bóng trâu phơi nắng. Những bãi cát phẳng phiu trơ vơ mấy vệt cháy xám, vài cuộn dây thép gai quằn quại. Những làng miền Nam vắng vẻ: thân dừa toe toét mảnh đạn ca-nông tạc đạn. Nhưng giờ đây tất cả đau thương đó đang cài lên từng vết trên khuôn mặt lão. Mái nhà nơi Vạn Giả có bánh chuối ươm mật giờ đây lờ mờ hiện giữa thành phố đèn mờ, lão trở nên trơ trọi giữa quê hương .

- Thế sao cụ lại bỏ vào đây?

Lão hít nước mũi sụt sịt, cúi gầm đầu.

- Hai vợ chồng tui có đứa con gái thôi thầy à, tội nghiệp bả bị lạc đạn chết. Hai cha con đi tản cư nhưng sống chật vật quá, con Chó con nó đi bán quán rồi nó nghe lời rủ rê đi vô Nha Trang, rồi vô đây. Tui đi theo tìm nó về.

- Con chó con nào?

- Tên đứa con gái tui, đó là tên xấu háy, tên trong khai sinh nó là Nguyễn Thị Hồng, mười sáu tuổi.

Đến dưới cột đèn khách sạn, lão dừng lại, mắt hom hem nhìn qua bên kia đường; lão đang muốn tìm thấy quê hương thất lạc đâu đây, đang vướng víu đâu đây. Lão cúi xuống hỉ mũi, quay lên nhìn tôi, chút rãi mũi còn dính trên môi, trên mấy sợi râu lưa thưa.

- Thầy coi, phải chỗ đó không thầy?

- Dạ đúng rồi, để cháu đưa bác vào.

Lão tần ngần nhìn màu đỏ chói hắt trên mặt đường. Tôi nhìn hàng chữ đèn nê-ông “Bar Texas”, một vòng tròn đỏ rực khép kín hàng chữ màu xanh. Từ bên trong tiếng nhạc nhói lên hòa với tiếng cười rời rạc đượm hơi men. Từ hơn một năm nay khắp các thành phố và vùng quê, nơi nào có vết chân quân đội ngoại quốc, nơi đó bar mọc đầy rẫy từ những bar có bề ngoài sang trọng, tiếp khách, bán hoa được che đậy bằng nụ cười dễ dãi, bằng mấy tiếng Anh bập bẹ; đến những bar làm bằng hai miếng tôn che nắng, mấy chai la de hình thức, một màn vải giăng ngang một chiếc giường tre. Từ miền đất đỏ Pleiku cho đến vùng cát nóng Chu Lai, người ta thấy bar xuất hiện dưới nhiều hình thức. Đó là cách sống bây giờ. Người ta thừa biết anh lính Mỹ làm gì với cô gái Việt sau nụ cười nhả nhớt ở quán sang trọng; sau miếng vải dưới mái tôn vùng cát nóng, và sau đó nữa … Có ai dám nói thật một điều gì.

Bar Texas kín như một hộp quẹt, ngoài cửa giăng lưới sắt, một chú bé mặc đồ trắng đứng nơi cửa ra vào. Lão già lượm thượm bước lại để nón lá ngoài hiên, lão nhìn tôi hỏi han, bàn tay nắm lại lom khom lễ mễ, lo sợ.

- Lại cái ông mắc dịch này! Đi chỗ khác! Thằng bé trợn tròn mắt quát tháo lão già.

Lão miệng mím lại, tay gãi ót.

- Tội nhiệp tôi mà cậu!!

- Ông vô hoài mà đâu có thấy. Cái tướng thập thò như V C làm khách họ khiếp!

Ông lão quay lại nắm lấy tay áo tôi, bàn tay xương gầy cố bám một hy vọng sắp mất, một mong ước hắt hiu, thảm đạm. Tôi mở cửa bước vào, tay dắt ông lão, thằng bé gác cửa trố mắt nhìn không nói. Dưới ánh đèn đỏ đục như bóng ráng chiều, hơn mười cô gái cúi gục đầu vào những anh lính Mỹ. Những anh lính Mỹ to con đưa chiếc lưng tấm phản, đang ôm ấp một tiếng cười nhỏ bé, rời rạc tựa như lời nấc khan. Nhạc Jazz rú lên, tiếng kèn đồng ai nức nở đó, lão già nhướng mắt lục lọi trong những vòng tay, sau các thân hình đồ sộ kia hình bóng đứa con gái bé bỏng thân yêu của lão. Chai La-de sùi bột, ly Whisky đầy vơi nơi đây chỉ là cái cớ; đây là nơi cho những bàn tay tò mò, đôi môi khao khát, nơi chọn lựa của món hàng một đêm.

Lão hít nước mũi kéo tay tôi chỉ về phía góc phòng:

- Đó, đó thầy, nó đó.

Con bé đang nằm gọn trong tay anh lính Mỹ da đen, nó cười ngây dại rúc đầu vào cánh ngực nở nang. Một tay cầm ly rượu một tay quàng vai cô gái, người lính cười hiền lành; con bé bận mini-jupe đưa đôi chân trắng muốt, con bé như đứa bé con nằm trong lòng mẹ, lọt thỏm trong hai cánh ngực áo rằn ri.

 

Lão già bấu chặt tay áo tôi, lão rớm người lên như muốn chạy lại, tôi nghe tiếng nấc ừng ực trong cổ lão. Khi người lính cúi sát hôn vào cổ con bé, con bé cười nắc nẻ, lão già hít mũi sìn sịt như tiếng nấc khan.

- Kìa, Chó Con! Thầy coi chi mà ác rứa, Thầy ơi, chết con gái tôi!

Một phút im lặng trôi qua, lão nhướng đầu như quyết định điều gì, đôi môi lão mấp máy, lão hít nước mũi.

- Kìa, Chó Con!

Tiếng gọi thất nhanh, người lão rúm lại, tiếng gọi như tiếng của lão trong buổi chiều ở vùng quê gọi con gái dẫn trâu về; như sau buổi cày trở về gọi con rót bát nước chè vối nóng hổi. Tiếng kêu quê mùa và thảng thốt đó xoáy lên, chập chững đọng lại khô khan. Con bé tự nhiên thoát khỏi vòng tay tên lính đứng dậy:

- Dạ!

Chó con nhướng mắt đứng choàng dậy, tiếng kêu của quá khứ đánh thức nó dậy, đôi mắt mở to, ngơ ngác, trong khoảnh khắc nó như tìm về những ngày sống cũ, nó như tìm thấy bóng cha già, ruộng lúa và bầy trâu; như tiếng dạ của em ở bờ nương rẫy nghe vọng tiếng gọi của Cha già khi hoàng hôn tê tái phủ xuống nương chiều. Phản ứng vô thức mở choàng ra đã vội tắt lịm dưới ánh đèn đỏ chói, dưới tiếng nhạc jazz dậm dực đổ hồi, con bé ngơ ngác nhìn về phía cửa, lão già lắc đầu, lẩm bẩm trong miệng:

- Chó Con! Chó Con! Con ơi!

Người lính da đen nhìn con bé cười ồ ồ, nhại lại tiếng dạ của nó. Cả sức sống quê hương của làng mạc tắc nghẹn trong tiếng bom và đại bác! Giờ đây hình ảnh quê hương le lói trong tâm hồn Chó con lại lịm chết trong tiếng nhạc, tiếng cười của gã lính da đen. Con bé nháy mắt rùng mình bỏ dở giấc mơ, nó lắc đầu cười và quàng tay ôm cánh ngực đồng đen.

- Cô đó là Tuyết Hồng, trong khai sanh là Nguyễn Thị Hồng, mười sáu tuổi.

Thằng bé kéo lão ra ngoài, lão ngoái đầu nhìn lại, miệng lão méo, mũi sụt sịt. Tôi nhìn Chó con một lần cuối, mắt nó dại đi dưới làn khói thuốc. Quá khứ như chồm dậy, rồi rã rời, gục ngã trong vòng tay lông lá đó. Tôi bước ra khỏi quán với lão già.

 

Lão già ngồi chồm hổm bên vỉa hè, mặt lão choét lại, lão khóc rưng rức, đôi vai run lên. Hai bàn tay nắm chặt chống trên má, lão như một bộ xương khốn khổ được kéo ra khỏi quan tài. Lão khóc khô, không một giọt nước mắt, tiếng hậm hực trong cổ kéo dài lạnh buốt :

- Sao dại vậy con ơi! Chó con của cha ơi!!..

Gió lạnh về khuya thổi luồn qua đường vắng, vài chiếc lá khô xoáy tròn trên đường nhựa.

Tôi kéo tay lão lại bến xe đò. Bàn chân lão nặng nề khó nhọc, gió lạnh ớn làm hồn tôi buồn dại. Lão nhúm môi nhìn tôi:

- Thầy hè, thầy coi phải con Chó Con đó không thầy?

- Dạ phải, chính con của bác đó.

Tôi muốn nói với lão như lão mô tả về quê hương “hết trọi rồi” tất cả như một bóng mờ, một đứt quãng. Tuyết Hồng đã thay cho Chó Con, Chó Con đã chết trong bom đạn và trong lòng quê hương tàn lụi. Lão làm sao tìm thấy được những gì đã mất mát, có chăng chỉ có trong đài phát thanh hay trên những bài diễn thuyết. Khắp vùng chiến hàng vạn Chó con đã thay tên, đổi nghề, đã gởi đồng ruộng, con trâu ,mái tranh cho bom đạn; và giờ đây những Chó con đáng thương ấy ẩn náu trong những nơi như thế đấy…

Tôi và lão đã trở về đến bến xe đò, mụ Ba bán phở vẫn còn ngồi nói chuyện ba hoa với chị Bảy về mùa gặt ngoài quê mụ. Mụ say sưa kể đến cái thú ăn gạo mới, cái vui những đêm lùa trâu đập lúa. Thấy lão già về, mụ quay sang hỏi:

- Răng, ông có thấy nó không mà thút thít đó.

Lão im lặng không trả lời, lủi vào góc tối ngồi. Chị Ba nhìn lão ái ngại:

- Thôi ông buồn chi, làm tui rầu thúi ruột. Sinh con ai dễ sinh lòng.

Tôi nằm trên ghế bố nhìn bầu trời sao, gió lay mấy cành cây cao. Tiếng đại bác vẫn rền vang phía Ma Lâm, Khánh Sơn. Mụ Ba vừa lấy quạt đuổi muỗi vừa ca bài ca về quê mụ. Lão già vẫn sụt sịt trong góc tối. Lời ca của mụ mệt mỏi như bước lê lếch của dĩ vãng xa xôi.

Ai đưa con sáo tình bạn sang sông.

Ôi mần răng! Ôi mần răng!

Chao ơi, chao ơi! Em đau bụng quá.

Lấy gừng cho em!

Tiếng thút thít của lão già chậm dần, giọng hát mụ Ba vời vợi trong đêm vắng. Trong bóng tối lờ mờ tôi nghĩ có lẽ lão già đang ngầy ngật sống trong lời ca và ở nơi đó, Chó Con đã về với lão.

 ( 1967 )

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Mười Một 2019(Xem: 6376)
"Chân từng bước nhỏ Miệng nở nụ cười Tâm vang tiếng hát Đời ơi … quá yêu…"
22 Tháng Chín 2019(Xem: 12424)
"- …đời còn quá nhiều điều em cần phải biết ơn … Tình yêu em dành cho anh vô bờ bến, nhưng không bao giờ đủ với sự hy sinh của anh và đồng đội dành cho tổ quốc…
31 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 14300)
"Tóc em dài em cài hoa Lý Miệng em cười tình ý anh thương…"
09 Tháng Chín 2018(Xem: 10481)
"Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau Xin đi từ thơ ấu đi vui và bên nhau Trong tim thì sôi máu, khóe mắt có trăng sao Bông hoa cài trên áo, trên môi một nguyện cầu"
10 Tháng Tám 2018(Xem: 15286)
"Em là Huế, hay Huế trong em Sương mờ trắng xoá phủ dòng Hương giang Cầu dài xa tắp mình chia đôi ngả Em qua không kịp tội lắm anh ơi…"
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468