Lão Trê (Nguyễn Quang Tuyến)

26 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 17844)
Lão Trê (Nguyễn Quang Tuyến)


TRUYỆN NGẮN :

LÃO TRÊ

NguyenquangTuyen


"...Bà Cóc à, bà hãy chịu đựng nổi khổ trước mắt, hãy ẩn-nhẫn trước cảnh trái tai,
gai mắt, nhẫn nhục nhìn những gì thân thương nhất của mình quẩn quanh bên kẻ
ngang ngược. Bà hãy để cho thời gian làm tròn sứ mệnh tất- định của nó. Chẳng
ai có thể ngu ngốc vì nóng lòng mà đập vở trứng gà lộn để lôi con gà con rớm máu
ra nuôi nấng, hãy cho chú gà con có thời gian... Rồi bầy nòng nọc sẽ lú chân ra, cái
đuôi quá khứ tự rụng, chúng nhảy lên bờ. Bấy giờ nó là cóc, là con của bà cóc, nó bỏ
lại sau lưng hàng triệu lời lừa bịp của lão Trê...bỏ mặc nơi có lão Trê làm vương làm
tướng...bỏ sau lưng tất cả thứ quá khứ trật qui luật để bước vào cuộc đời mới đúng
bản chất tồn tại của mình ."

-
 I -


 Già Thoảng ngồi bên bờ cát, cái rựa quắm nằm rúc đầu trong đám rau muống biển bò ngang dọc, lác đác vài cánh bông màu tím tụm đầu lại phập phò trong nắng quái. Hàng dứa gai ép sát vào nhau, lá răng cưa quay quắt đung đưa chải lớp cỏ gà xương xẩu khô úa trong cái nắng hè oi nồng mùi nước đái trâu bò. Già Thoảng khụt khịt cái mũi, chút vị mằn mặn, làm trái khế cổ họng đỏ như mồng gà đá, thụt lên xuống theo chiều cặp mắt ti hí nhướng lên xuống của ông. Mắt ông nhìn mông ra mấy miếng ruộng nằm sát đường đi. Dòng cát này như chiếc lưỡi thè ra từ mấy lùm cây chạy dài đến mép ao nước. Già Thoảng cầm chiếc rựa trên tay băm vằm xuống đất cát vu vơ, mũi khìn khịt – lão lầm bầm một mình trở thành thói quen từ ngày bị ngọng. Lão cứ lan man nhớ đến cảnh tay bồng, tay dắt con chạy thục mạng về phía biển, vợ lão đèo đôi gánh trên lưng hấp tấp chạy mặc cho xoong nồi, áo quần lỏng chỏng kêu vang. Lão cứ hét toáng lên:


- Cứ chạy lên phía trước, cứ thoát xa dãy núi tê tề… Cái mà lão muốn cùng vợ con rê tới, ráng mà lê lếch tới là thoát khỏi nỗi ám ảnh chết chóc trên dãy Trường sơn ùn ùn chạy thốc, đuổi đến tận chân trời.
Lão lẩm bẩm: “Chạy đi đâu chứ! Ùn ùn chạy như ma đuổi rồi cuối cùng gập người lại, vứt khẩu carbine bên lề đường, rồi hoàn cốt cuốc đất dẫn vợ con thui thủi trở về; cuộn chiếc áo tre-di bạc phết dấu trong bồ lúa, rầu rĩ ngồi sau lùm tre chờ đợi…
Lão cùng mấy chiến hữu địa phương quân trong làng vứt hết vũ khí dưới đường lộ, áo quần, giày bố thì tiếc của, gói chặt lại tìm chỗ dấu kín. Đã mấy ngày, cả bọn xúm tụm lắng nghe, bên kia cánh đồng lúa con gái hây hây xanh mượt, là từng đoàn, từng lớp xe cộ, người ngợm vừa đi vừa chạy hốt hoảng , xác xơ. Ai đó vậy? Ta hay nó, chẳng biết ai là ai, cứ chạy ào vào trong, cứ chạy nhào ra bờ biển…
Rồi đêm đến, có mấy loạt pháo ầm ầm từ triền-khu bắn vào làng, hay ngoài biển, hay trong rừng bắn ra! Lão cũng chẳng biết nữa, lão mang máng nhớ một chòng sáng lòe lên và mọi sự lặng câm, lặng câm …
Trong làng có mấy người chết, lão bị hất tung ra xa và mê man, đầu óc, gan phổi như bị dần mền nhừ ra.
Lão vẫn còn sống, vẫn lành lặn, nhưng cũng từ đó chấn thương làm lão như thụt lưỡi vào, ý nghĩ thì chảy trôi mà cứ cà cà không nói ra lời – lão càng muốn nói, càng ngọng nghịu thảm hại. Lão càng xúc động thì đôi mắt nhướng lên rờn rợn tia máu đỏ mà không nói được một lời. Sáng hôm tỉnh dậy, vợ con lão đỡ lão ra hiên cửa, ngồi bên ảng nước mưa, lão nghe tiếng loa oang oang : “Đất nước ta đã hoàn toàn giải phóng! Nhân dân ta … và sau đó là nhạc hùng ca ầm ầm phủ xuống. Lão nhướng mắt nhìn lên dòng cát, nơi đình làng, lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay; tim óc lão nhộn nhạo:


- Mẹ … mẹ nó! Cà … rồi … rồi ph…ải … không? Vợ lão, ngồi lượm thóc bên hiên, lầm bầm.
- Xong rồi. Ông sao vậy?
- Cà … cà … k.h..ô…g n..ói đư…ợc!
Lão há miệng, nước dãi chảy thành dòng bên mép. Lão đưa tay chỉ vào miệng mình, nước mắt rơm rớm chực trào ra:
- K..h..ô..g n..ó..i .. đư..ợ..c ..!
Lão rặn từng từ, mỗi âm chạy ra lôi theo dãi nhớt và cặp môi bằm bập run …
Mụ vợ nhìn lão ái ngại:
- Xong mọi sự rồi; thôi khỏi nói gì mà khỏe đó ông à.
Lão đăm đăm nhìn cánh đồng chiều bạc nắng hoai hoai; sao mà những lúc lắng đọng đổi thịt thay da nó lại giống như không khí chiều ba mươi tết : thời gian như sững sờ, bịn rịn, nắng hoai hoai trên cánh đồng pha với khói chiều bàng bạc …

 Lão cầm cáng rựa phầm phập băm xuống cát, mấy dãy rau muống biển bò dọc ngang với vài cánh hoa màu tím chạy lũi vào bụi dứa gai. Lão lại lầm bầm theo thói quen :


- Vậy đã hơn 25 năm qua đi! Cái con bé Ngát mình bồng trên tay ngày chạy loạn, giờ này đã có hai con. Tội nghiệp con tui, nó cực quá. Cái thằng chồng be bét! Nó làm tư-pháp xã! – Nó mà biết gì! Chỉ biết rượu. Chúng xúm tụm nhau lại, suốt ngày chỉ quẩn quanh một đề tài chỗ nào đám giỗ, đám cưới, nhà mới, khai trương, … nói chuyện lễ lạc nhưng chỉ bày trò uống rượu! – Nó nói gì với ông già vợ nó kìa? Cha biết gì! Cha có vấn đề! – Tổ cha nó, vấn đề là vấn đề gì! – Nói toạt ra đi nào? Tội nghiệp con gái tôi! – Mỗi lần chồng nó lè nhè say về gây với mình, mình giận ứa gan, càng muốn mắng, muốn chửi, muốn dạy nó thì lưỡi nó cứ tuột vào, cuống họng cứ thụt lên xuống như ống thổi lò rèn mà vẫn không rặn ra được một lời. Tổ cha nó! Vấn đề là vấn đề gì? Nói toạt ra đi, tao là hạ-sĩ ngụy quân! Tao là lính địa phương-quân gác cây cầu ở đầu làng. Tao đó! Mày nói nữa đi, cho cả làng nghe đi.
Cái đầu gân máu như tím tái, chằng chịt trên mặt lão; con gái lão nhìn cha già như muốn bật khóc, tay nó níu kéo thằng chồng nó van xin về nhà:


- Anh ơi, anh muốn chọc cho cha đứt gân máu chết, anh mới hả lòng hả! – Cứ đi đám nào về là y như rằng …
Thằng chồng nó cứ đứng khựng giữa sân, nhìn ông già vợ trợn ngược mắt long lên, miệng há ra cứ cà. cà .. rặn … “Cái … cái … cái … đồ … cà … cà …”
- Tui đã nói cha có vấn đề! Cái đầu cha có vấn đề! - Nó làm một cử chỉ vu vơ quơ tay chỉ vào đầu nó – Cha nghĩ gì trong cái đầu này!, sao cha cứ mặc cái áo lính tre-di cũ mòn, ngồi ngoài đống cát lầm bầm … lầm bầm. Vấn đề là lầm bầm. Có giỏi thì nói ra coi nà! – Cứ lầm bầm …
- Đã nói anh về ngủ đi mà! – hãy để cho cha yên.
Con Ngát, vợ nó kéo thằng chồng say đi khuất hàng rào dâm bụt. Lão bấu mười ngón tay sần sùi trên thanh tre chiếc giường như muốn xé rách. Cổ họng lão vẫn thụt thà thụt thịt lên xuống, nước dãi rễu ra bên khóe. Không biết từ lúc nào, nước mắt chảy khang trên mấy nết nhăn chân chim, nước mũi khụt khịt chực trào ra – lão đưa bàn tay khô rám lên quẹt ngay chút nước nhơm nhớp, lòng như dịu đi.
Hai mươi mấy năm tắt nghẹn, ngọng ngang; qua bao cảnh giận điên người, buồn nẩu ruột; bao ý tưởng ngổn ngang mà lão chỉ biết nhướng mắt cà … cà … không ra lời. Vậy mà hay! Cứ chiều đến, khi gió nồm mát rười rượi thổi về là lúc lão cầm rựa lên doi cát, chỗ ngồi quen thuộc của lão, lầm bầm độc-thoại.
Lão có một thế ngồi riêng của mình chỗ doi đất này, chỗ rau muống biển lớp lớp đan chen với hàng vạn cánh hoa màu tím. Lão thích ngồi ở đây, chỗ êm ấm của lão, để lão lẩm bẩm nói cho mình nghe rành rọt biết bao điều mà nơi khác lão ngọng, lão không thể nói ra thành lời. Cứ từ từ, theo thời gian, dần dần lão quen với độc-thoại, quen với lẩm bẩm, khi ấy đôi mắt lão cứ giật giật, mũi lão nhún nhún như mũi thỏ khi tìm mồi. Lão không còn thấy khó khăn, khổ sở vì không nói được, mà ngược lại lão tự lấy làm sướng vì mình “ùng ục” trong họng biết bao câu hợp lý và cay độc mà có ai biết đâu. Làm sao ai trách cứ, hơn thua, bắt bẻ được khi cặp mắt lão long lên và cáo cổ họng có trái khế “ùng ục” cái gì trong ấy. Lão lại sinh ra cái tật miết, chà, bấu mấy ngón tay cấu bẩn vào cái gì nằm trong tầm tay lão khi mà “cả ngàn điều muốn nói”. Kêu ùng ục bao nhiêu thì mấy ngón tay như rút lại thành mười ngón vuốt của con ó khi vồ mồi. Lão khoái trá nhất, là chiều chiều cầm rựa ra ngồi bên gò rau muống biển lầm bầm, ùng ục cả ngàn điều. Chiếc rựa trên tay cứ thư thả băm vằm cái mảnh đất mềm trước mặt thành trăm ngàn nhát – Lão thích thú hin hin lỗ mũi, mà khoái hoạt cười.

 Cách mươi sãi, từ mõm đất lão ngồi là chầm nước hơn sào ruộng được vay quanh hàng dứa gai mà mỗi đợt gió lùa là tiếng rào rạo lá gai khứa vào nhau sắc cạnh. Đã hơn năm mươi năm rồi, lão đã ngồi đây nhìn chầm nước loang loáng bóng mây chiều trôi qua. Đã ngồi đây nghe tiếng gió nồm vi vu trên hàng dương xen lẫn hò rì gọi nghé của mấy thằng bé chăn trâu – Nắng chiều vàng rơi rớt chầm chậm chạy trên đồng lúa, đâu đó tiếng oàm oạp của con ểnh ương dưới gốc dứa bên bờ chầm.
Cũng chỗ này, đã có thời lão co ro ngồi đây nhóm lửa nướng mấy con châu chấu mở béo ngậy, mùi vỏ cua đồng cháy xém “vừa phủi, vừa thổi, vừa ăn” sao mà nó lợn cợn thô ráp trong kỷ niệm đầy ắp của tuổi thơ. Cái đầu húi cua của lão tóc vàng cháy nồng mùi nắng, như bà chị lão nói, nó có mùi hăng hắc như nước đái trâu. Lão mĩm cười vu vơ, lòng trào dâng nỗi nhớ thiết tha quá khứ.
Ba miếng ruộng gần hai công đất nằm như vành trăng khuyết ôm lấy chằm nước – lão như thấy bóng cha già lõm bõm vãi phân tro trên tầm lúa con gái, như thấy cha ngồi bên bờ chầm bập bập điếu thuốc rê vấn lá chuối non ước đẫm nước miếng. Thấy con vện khụt khịt ngửi dọc bờ dứa gai như đánh mùi lũ chuột đồng.

 Đã bao năm qua rồi; chằm nước và mấy miếng ruộng hương hỏa, cả tiếng kêu oàm oạp của lũ ễnh ương hình như cũng chẳng có gì đổi thay? – Chỉ có lão, cái đầu húi cua cháy nắng ngai ngái mùi trâu nay đã bạc muối tiêu, cái dáng nhanh như sóc ngày nào thì là đôi tay sần sùi lùng bùng trong cái áo tre-di phờ phạc – lão băm băm chiếc rựa trên tay, cổ họng như tiếng nấc lùng bùng. Lão tự lẩm bẩm suôn sẻ từng câu trong lòng lão :


- Ruộng của tui là ruộng của tui! – Từ thời ông cố, ông sơ đến bay giờ. Đừng có hòng mà lấy của tui, có chết thì chết! Đâu có dễ!
Lưỡi rựa khoắm cắm sâu xuống đất cát khi lão dằn giọng. Một vốc cát bung lên đám rau muống biển màu xanh mướt, ánh trong nắng chiều hoe hoe.
Căn nhà nhỏ xưa ông nội và cha lợp tranh, nay đã xây bằng tôn và xây vách. Căn nhà vẫn như chiếc hia cong vòng của mẹ ông núp dưới mấy gốc mít cổ thụ. Cửa nhà khép hờ như đôi mắt mệt mỏi nhìn ra chỗ ông đang ngồi, nhìn ra chằm nước và mấy miếng ruộng ngầy ngật ngủ trong gió chiều hiu hiu trong nắng quái.
Lão miên man suy nghĩ, lo âu và cứ lẩm bẩm một mình những câu kéo lão định sắp xếp sáng mai nói nới ủy-ban hòa giải tranh chấp ruộng đất của xã. Tại sao phải nói? Cả làng biết mấy miếng ruộng đó là của ông cố, ông sơ lão để lại mà … Khỏi cần nói! Khỏi cần nói! Của lão là của lão – cổ họng lão lại giật lên liên hồi, nước mắt chực trào trên khóe chân chim cùng với dòng dãi chảy lòng thòng bên mép! Lão buông cán rựa, lấy tay quẹt chút nước nhơn nhớt ấy và dụi vào chiếc áo tre-di bạc màu.
- Sáng mai, lão nghĩ, lại phải ra xã nghe mà không thể nói được gì. Chỉ luôn luôn phải nghe những điều không đúng; còn những điều đáng phải nói ra thì cứ khục khặc trong cổ họng!!

Chằm nước, trong ánh chiều tà, như bát nước chè xanh sóng sánh, có chút mây trắng gờn gợn băng qua. Đâu đó, bên kia đầm hói nước có tiếng hú, tiếng gọi ơi ới của đám thợ cấy, có tiếng nghé ngọ của chú bê nhớ hơi vú mẹ.
Lão thẫn thờ quay về nhà với đôi mắt khép hờ rụt rè nhìn lão.

 

------- 000 --------

- II-

 

 - Về lý mà nói, khi hợp tác xã thành lập thì ông Thoảng đã ký giao nộp đất cho hợp tác xã. Ông là xã viên như tất cả xã viên ở xóm Đông này. Dì Bảy thuộc diện gia đình chính sách cũng là xã viên của hợp tác xã phải không nào?
Ông trưởng-ban hòa giải xã hoa tay múa chân nói, lão Thoảng còn lạ gì tay này. Nó là cháu kêu bà Bảy là mợ, nó là bạn bè rượu với thằng rể của lão. Quân ăn hại! – Nó nói gì kệ nó, lão chỉ khư khư một ý nghĩ, mấy miếng ruộng bên chằm là của gia đình lão.
- Mọi người trong đều gom góp đất vào hợp tác xã. Đành rằng dì Bảy chỉ có miếng đất thổ để góp vào, nhưng dì là gia đình chính sách, dì là … (nó muốn nói là bà con dòng nội của ông Chủ tịch huyện, nhưng hắn nhướng mắt đưa tay lên, rồi im lặng) – Dì phải được ưu tiên hơn mọi người.
Cả bảy tám người trong xóm ngồi xoay quanh nhà họp của thôn, nơi đội dân phòng trú ngụ, ngồi đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa mặc cho ông phó chủ nhiệm hợp tác xã (nay đã giải thể) cứ huyên thuyên nói. Mùi thuốc rê nồng nặc, khói đậm và nặng quến lan sà sà quanh mấy chiếc ghế đòn.
- Rồ…i … r…ồi, sa…o … s..a..o n..à…!
Lão bụng ra mấy từ rời rạc, như nắp chai bia bật xì hơi khí nén. Nhìn lão tội nghiệp co ro, như cố thu nhỏ lại vì sợ hãi sự dư thừa nhỏ nhất.
- Dĩ nhiên tôi nói rõ cho ông biết đất ông đã hiến cho tập thể, mà đất đai là sở hữu của toàn dân. Ông biết không, của toàn dân chứ không phải của ông.
Hắn lừ mắt nhìn quanh, mười mấy khuôn tượng gỗ khắc trơ lạnh nhìn lung ra ngoài khung cửa.
- Đất đai của toàn dân nên quyền phân phối cái quyền sử dụng đất đó là thuộc quyền nhà nước, quyền tập thể. Hợp tác xã giải thể, đất đai phân bổ lại cho các hộ cá thể lãnh đất mà sản xuất, nghĩa là dân chỉ có quyền sử dụng, nên có sang nhượng, bán đi thì cũng chỉ bán cái quyền sử dụng chứ không phải là bán miếng đất đâu. Đất phải là của toàn dân chứ không phải của một người dân nào. Thấy rõ chưa nào! Một người dân cụ thể nào cũng không là toàn dân, cái toàn dân nó lớn lắm bà con à.
Lão khục khặc trong cổ họng, mắt lão nhướng lên, cái đống ngôn từ lão định tuôn ra, nó cứ lộn nhộn lạo nhạo dưới trái khế kêu ùng ục trong họng. Lão đưa tay, miệng há hóc :
- Cà … cà … t…ui … t…ui…
Mặt đỏ tía chuyển màu trên đôi môi giật giật, giá như mọi người nghe được điều lão muốn nói, hay là may thay mọi người chẳng ai nghe được điều lão muốn nói :
“Tui chẳng cần mả cha thằng nào cho tui cái quyền sử dụng hay quyền toàn dân trên mảnh đất của ông cha tui để lại. Nó là máu là thịt của tui từ hồi còn nhỏ chạy te te theo bầy trẻ đá banh lá chuối kìa … Các ông hồi đó chưa sinh ra, bà Bảy hồi đó còn đi ở đợ ngoài thị xã … biết mốc xì gì cái quyền sử dụng, cái quyền toàn dân … tui cóc biết, đất của tui là của tui …”
Lão cà cà, lão khụt khịt, nước dãi văng tư bề chỉ ra được mấy chữ tui … tui và một loạt cà … cà … cà …
Bà Bảy e dè nói nhỏ :
- Anh Tư coi, đất của anh thì anh vẫn cày, vẫn cấy. Trên ủy-ban họ phân cho tui sổ đỏ là gia đình chính sách làm chủ trên giấy thôi – cũng như anh là chủ mấy công đất trên trảng ở bìa rừng. Tui có lấy cơm, lấy gạo gì của anh Tư đâu?
- Tui … tu…i … cà … cà…
Lão tức anh ách, dậm chân đứng dậy ra hiên ngồi chồm hổm vấn điếu thuốc con sâu kèn bập bập, phun khói sà sà bay trong nắng cháy.
Anh Trường ban hoà giải xã, ngao ngán xếp hồ sơ vào cặp; mấy ông bà tham dự ngồi tụm lại bàn về đậu phọng đã trổ ba lá nên sớm xới chân bỏ tro vôi cho khỏi bị dế, kiến, mối cắn ngọn. Họ là các xã viên của hợp tác xã rã đám, họ cũng không buồn chèo kéo giấy tờ và quyền sử dụng như lão Thoảng, bởi họ “không có vấn đề” như lão hạ-sĩ gác cầu tranh chấp “của tao, của mày” với người bà con ông Chủ tịch huyện.
- Bà con cũng biết tôi ngấy cái chuyện này đến cổ họng. Ở trên thì nhất quyết giấy tờ chủ quyền đã làm thì không thay đổi, sổ đỏ đứng tên của chị Bảy là của chị Bảy … Còn ông Tư Thoảng thì cứ cà … cà cả chục năm nữa cũng vậy. Tôi về báo cáo, xin ý kiến, rồi sẽ thông báo cho bà con sau.
Hắn xách cặp xăm xăm bước ra khỏi căn phòng họp thôn; bước chân háp tấp đạp trên đống lá mít khô nghe xoàn xoạt trong cái im ắng của buổi sáng vùng quê.
Bà con lục tục kéo nhau ra về, vẫn khề khà về mùa đậu này mà nửa tháng nữa có cơn mưa giông tháng ba thì như gái mười sáu nghe tiếng trống hội làng. Lão Thoảng vẫn ngồi chồm hổm bên hiên bập điếu thuốc rê sâu kèn đã tắm ngúm. Lão tức ứa gan khi bà con nhìn lão như kẻ có lòng tham, vì dù dẫu gì thì ba miếng ruộng cạnh chằm nước lão vẫn cày cấy, chứ có mất mát gì cho cam. Lão lầm bầm :
“… Tụi nó đâu có thấy cái đau của con mình mà người khác đứng tên khai sinh! Cái đau từ tờ trích-lục cũ vàng ố có tên ông nội, rồi ông cha nay nhảy qua chị Bảy phi-dê. Chị có bao giờ biết đến lúa, đến đậu; có bao giờ biết cày lật, cày bừa … ếch tháng ba, gà tháng mười … Chị chỉ là gia đình chính sách, là bà con ông Chủ tịch; còn mình hạ-sĩ giữ cầu “có vấn đề”.”
Lão cúi đầu nhổ toẹt trên nền đất, phun luôn cái tàn điếu thuốc ướt nhèm nhẹp trên môi. Mũi lão khụt khịt, một chút dãi chực chảy ra, một chút nước mắt chực trào ra trên mấy vết chân chim, lão đưa bàn tay sù sì chụi ngang và chùi vào chiếc áo tre-di bạc màu – Lão đâu có khóc! – Tay lính già thấy mình bị chèn ép và bị tước đoạt.
Lão nặng nề lửng thửng về nhà và tự nhủ chiều nay sẽ ra gần bờ chằm mà nghĩ cách lấy lại công bằng.

 

 *
* *

 - III -

 

 Chiều quê, mùa gió nồm xuống thư thả trong cảnh vật đìu hiu, có chút uể oải, như tiếng kọt kẹt của mấy cây tre già cà cạ vào nhau theo chiều gió rún rẩy. Lão Thoảng ngồi trườn xuống gần mép chằm nước, ngồi bẹp trên lùm rau muống biển xanh um, mát lạnh. Mấy miếng ruộng lúa con gái gờn gợn uốn mình trong gió nhẹ, lão lầm bầm :
“ … Sau bão năm Thìn ác liệt, cả làng rừng lá cây cháy úa, không nơi nào còn chút màu xanh … đêm đêm nghe chó tru rờn rợn. Xóm dưới có nhà, cả mẹ con ăn lá rừng đỡ đói, trúng độc sùi bọt mép, chết cả nhà. Mọi người xúm tụm người lớn nói nhỏ to, rồi lấy ba chiếc chiếu rách quấn tròn người mẹ và hai đứa con, đặt trên phản gỗ tạp. Mình chỉ là thằng nhóc, đứng nhón chân bên cửa liếp tre nhìn vào – và mấy đêm sau, khóc vì sợ khi nghe tiếng chó tru da diết trong đêm đen.
Lúa tháng ba năm sau được mùa, từng lọn lúa óng vàng cúi xuống bên bờ cỏ. Chiều nào mình cũng cùng cha già đi rảo quanh, lấy gậy gập dọc bờ dứa gai đuổi chuột đồng để đêm tối không ra phá lúa. Chuột sao mà nhiều đến vậy, sáng nào ra thăm mấy miếng ruộng cũng thấy cả vùng rộng như chiếc nong bị cắn phá nát.
- Út à, sáng nay cha nhờ người đuổi chuột.
- Ai vậy cha?
- Con không được nói với ai hết! Chuột nó linh lắm con à, chiều tối nay có trăng, chỉ có cha con mình với người ta thôi.
- Ai vậy cha?
- Bà thầy đuổi vía chuột.

 
Trời vừa nhá nhem, cha xách một túi vải có mươi khúc mía lau, ra dấu bảo mình theo ông. Cũng chổ ngồi này đây, kia là chằm nước long lanh sáng vì trên bầu trời thưa sao có mặt trăng vành vạch sáng. Trăng mùa hạ, gió nồm và cây dương liễu quả là một kết hợp hài hòa – mát rười rượi trong ánh sáng trăng như chảy tràn ra đầy ân sủng.
Cha con mình ngồi im, nghe như có tiếng sột soạt chạy của lũ chuột trong hàng dứa gai. Chợt có tiếng ai đi ì-ạch sau lưng, tôi quay lại thấy dì Mười ở xóm dưới, cái bụng dì thè lè căn tròn dưới mảnh áo vá. Dì nói nho nhỏ :
- Có sẵn chưa? Đi ngõ nào trước anh?
- Có đây cô, cô cầm lóng mía đi trước, tui với thằng Út đi sau. Chừ bắt đầu bìa ruộng này cô nè.
Gió hiu hiu trong vùng sáng mờ ảo, hương lúa mới chín hòa trong gió thơm ngọt ngào. Tôi chẳng biết dì Mười và cha làm gì để bắt chuột, tôi định lên tiếng hỏi thì cha tôi đã kéo tôi lại :
- Út nè, không được nói gì, lặng im để cô Mười trị chuột.
Ba người âm thầm đi từ đầu bờ ruộng lúa, cô Mười tay cầm đốt mía, tay xoa bụng, đứng lại và cất tiếng rao.
- Ơ! Ơ! Ơi …. nè, ta nay có chửa con so!
Ơ! Ơ! Ơi …. nè, ta nay có chửa con so!
Ta thời nè … Ta thời thèm thịt chuột ăn cho đã thèm!
Ơ! Ơ! Ơi ….nè … ta thèm thịt chuột ăn cho đã thèm!

 
Sau câu hát rao, cô Mười lại xướt một miếng mía nhai rau ráu, rõ to, và vứt xác mía xuống bờ ruộng lúa. Động tác như đe rằng cô nhai chuột rau ráu như nhai mía.
Ơ! Ơ! Ơi …. nè, ta nay có chửa con so! Ta thèm thịt chuột nè … Ta thèm thịt chuột … Tự dưng trong gió lạnh mát, mình thấy tóc gáy như muốn dựng lên.
Từng bước chầm chậm, cha tôi kính cẩn đi sau lưng tôi, tôi lại đưa tiếp cho cô Mười một đốt mía nữa. Trăng bàn bạc êm ả trải tấm thảm vàng nhàn nhạt trêm đồng lúa mới chớm vàng – Tất cả đều im ắng ngoài tiếng cắn mía xoèn xoẹt, tiếng tru, tiếng hú trong câu rao đe dọa : “…Ta thèm thịt chuột ăn cho đã thèm! Xoèn xoẹt … xoẹt …” theo sau là tiếng rít trong kẻ răng cô Mười cùng với tiếng nuốt ừng ực của dòng nước mía mát lạnh. Tôi chợt như nghe có muôn ngàn tiếng rào rào chạy dưới đám lá dứa gai khô, như có tiếng run cầm cập của các chú cống nhìn mụ phù thủy đang nhe nanh vuốt cắn xoàn xoạt đồng loại, và nhả xác trắng hều trên lối mụ đi.
Qua ba vòng bờ ruộng lúa, cô mười mỏi mệt ngồi xuống cạnh chằm nước, trên doi đất cao, cô cắn nốt chỗ mía còn trên tay :
- Út ơi, còn hai lóng mía cháu ăn đi, nước mía tức anh ách trong bụng nè
- Cảm ơn cô, chắc nhờ vầy mà cha con tui giữ được mấy sào lúa này đến ngày gặt. Út ăn mía ngồi chờ cha nghe, cha đưa cô Mười ra đầu hẽm.
Tôi ngồi một mình nhìn xuống ba miếng ruộng lúa nhún nhảy uốn lượn dưới ánh trăng vàng nhàn nhạt. Mía lau mềm và ngọt lịm, tôi vừa nhai vừa nhớ đến cô Mười rao như cái cách một người đang nghiến răng kìn kịt đe nhai xác cả dòng họ nhà chuột : “Ta thèm thịt chuột, ăn cho đã thèm!”. Gió riu riu mát mơn man, tôi nằm co quắc thiu thiu chìm trong giấc ngủ lúc nào.
Nữa khuya, lành lạnh sống lưng, tôi giật mình khi trăng chếch bóng, trước mắt tôi bên bờ ruộng cha già đang quì xuống, khấn vái lập bập như tiếng nấc khan :
- Cả nhà con sống nhờ mấy đám lúa vàng, đất trời linh thiêng, ông Tí buông tha, bà con cô bác, trên đất trên cát, anh linh phù hộ cho gia chủ … Tiếng cha nhỏ dần, nhỏ dần nghe như tiếng thút thít …
Suốt đời tôi, không bao giờ quên cái đêm trăng cầu đảo, làm phép bên ba miếng ruộng lúa gia đình. Cũng lạ thật, suốt nữa tháng sau đó, bên mấy xác mía màu trắng rãi rác trên bờ ruộng lúa, tuyệt nhiên không có chút dấu vết chuột ra cắn phá như mấy đêm trước đó. Bởi chuột sợ lời đe của cô Mười : “Ta đang có chửa con so, ta thèm thịt chuột ăn cho đã thèm!”, hay ông bà phù hộ tiếng khóc thút thít của cha trước cảnh đói kém mà cả nhà chỉ còn trông đợi vào ba đám ruộng này!!”.

- Tr…ời! Tr…ời! V…ậy … v…ậy! Làm sao tui giao mấy miếng ruộng là tim là linh hồn của tui cho bà Bảy được trời! – Trời ơi, không phải là quyền sử dụng hay quyền sở hữu gì gì tất!! Tôi đếch cần ba thứ đó, tui chỉ biết nó là da thịt, là tim óc, là nước mắt của gia đình tui mấy đời rồi! – Của tui là của tui, tui chẳng ký ký gì hết!!


---- ** ----

- IV -


Ngồi bên bờ chằm, nghe tiếng ểnh ương kêu oàm oạp bên hàng dứa rậm nơi bông nước ri rỉ chảy, lão Thoảng chợt nhớ đến ông thầy Việt-văn năm lớp sáu. Chỉ học hết năm lớp sáu là lão nghỉ học, nhưng vốn gốc nông dân chân đất, lão rất thích giờ văn, thầy dạy thơ trinh-thử, trê cóc …
Cũnh như lão với bà Bảy, với mấy ông trong ban hòa giải của hợp tác xã, cóc khổ tâm biết bao khi nhìn thấy con mình bị trê kia cướp đoạt …
Lão lẩm bẩm : “Nhưng có sao đâu! Của cóc vẫn là của cóc!” Cóc có nghiến răng, trợn dọc đôi mắt muốn mổ tròng vì không tranh luận lại với trê … Cóc ngọng à!!


- V -

 Mụ cóc chồm đầu ra bên rìa ao, trố mắt nhìn đàn con đỏ hỏn nhởn nhơ bơi quanh lão trê đang vểnh râu, mắt lim dim. Ao nước lớn hơn nền nhà, có đám vả nghiêng người soi bóng, làm khung cảnh thật êm đềm – Mắt mụ cóc mọng nước mắt, răng mụ nghiến lại, cổ họng như khô khốc, co thắt. Mụ quay về hang, hai chân sau đập bành bạch xuống đất, cáu gắt.
- Lão trê khốn nạn! Con của ta mà nó dám dành. Ôi lũ con bé bỏng của ta, nó ngây ngô bơi ngời ngời quanh cái hàm răng lởm chởm của lão! Ôi, bầy nòng nọc bé bỏng của ta.
Mụ đưa hai bàn tay trước tí tẹo lên chùi liên hồi trên đôi mắt lồi long lanh nước. Mụ khóc. Mụ nghiến răng kìn kịt, hai chân sau đạp mạnh, cái bụng phì phò phình ra trong tiếng òng ọc, khùng khục. Mụ giận. Cái thằng chồng vô tích sự, cứ lim dim đôi mắt, đùn mấy lá dứa khô che thân, chống đỡ sự phẫn nộ của mụ vợ.
- Ông đi với tôi đến gặp bác ễnh ương hỏi cho ra lẽ – Mụ tru tréo.
- Phải thôi! Phải thôi! Con của mình phải là của mình, con có đẻ có đau của có mất có tiếc! – Phải thôi, phải thôi. Chú nhái bén láu lỉnh, xanh lè, ngồi trên tàu lá dứa nói chen vào. Vợ chồng anh chị phải đến gặp bác ễnh ương thôi.
- Bày chuyện, vô ích! – Con kiến mà kiện củ khoai, lão trê vẫy vùng trong ao như ao nhà của lão, ai làm gì được lão! Vô ích.Anh chàng hêu, mốc xì màu lá úa, nằm bẹp dí trên cành khô ầm ừ những suy nghĩ cẩn trọng.
Vợ chồng cóc cùng nhái bén đến nhà ễnh ương. Lão bệ vệ phình to bụng oàm oạp một tiếng như đánh trống khai tòa phân xử. Mụ cóc vừa khóc, vừa nghiến răng tức tưởi.
- Ông coi, con tôi mà lão trê dưới chằm nước nó nói là con nó!
- Thật bậy! Lão trê honã xượt, đi với ta!
Lão ễnh ương cầm lá môn che dù, ì à ì ạch nê cái bụng tròn trùng trục khệnh khạng bước xuống bờ ao. Ễnh ương hít một hơi dài, gầm ba tiếng oàm oạp lấy uy – lấy hai bàn tay trước ngắn củn cỡn đập bành bạch xuống hò :
- Bớ lão trê!, Bớ lão trê! Trả con cho mụ cóc.
Lão trê bơi sát bờ ao, làn da đen nhớt ánh lên sau cú vẫy đuơi uốn vòng ngoạn mục.
- Con mụ cóc ở đâu, ta đâu có biết!
Mụ cóc chồm đầu tới thiếu điều rơi tỏm vào cái mồm hoát rộng, xừng ria mép của lão trê :
- Đồ gian xảo! Đồ lừa lọc, bầy nòng nọc non dại của tao quanh quẩn sau lưng mày kia kìa! Ôi, các con ơi! – Tiếng nghiến răng trèo trẹo, tiếng khòn khọt trong cổ họng, tiềng phì phò của tay chồng cóc nhút nhát núp sau lưng ễnh ương.
- Này, lão trê, theo lý thì nòng nọc là con của cóc!
- Lý lẽ cái khỉ khô! Cá con bơi trong ao ông là con ông, cóc bốn chân sống trên bờ làm gì có con dưới nước – Nằm trong ao, quyền cho sống cho chết là của ông vì nó là con ông! – Giỏi thì xuống đây đòi con. Ông cho một cú táp là cắt đứt một giò!
Lão trê nhảy cao lên, thả thân đánh bùng xuống mặt nước, lão diện võ dương oai.!
- Nhưng nó là nòng nọc, là con của tui, tôi đẻ, tôi đau, tôi biết! – Mụ cóc nhì nhằn.
Lão ễnh ương lờ đờ, trừng mắt nhìn bên nguyên, bên bị cáo rồi khục khặc trong cổ ra điều đang động não, suy tư trong cái đầu trống rỗng :
- Trê có lý của trê, cóc có lý của cóc. Nếu là con của cóc sao không sống trên bờ chồm hổm mà nhảy như họ nhà cóc mà lạl uốn éo bơi lượn quanh trê! Nếu là con của trê sao lại có lúc nòng nọc đứt đuôi lên bờ làm cóc! Oằm oặp, thật là phức tạp! – Cần nghiên cứu! Cần nghiên cứu!
- Dẹp! Không nghiên cứu gì sấc! – Trong ao ta là của ta, là con ta. – Ta có quyền lực sinh sát là ta có quyền cho nó khai sinh! – Mụ cóc coi thử này : Lão trê v6ẽnh râu, há ngoát mồm ra bơi một vòng quanh bầy nòng nọc bé tí, cả bầy nòng nọc con bị lão trê hớp vào đầy cái hàm đỏ hỏn răng xỉa lởm chởm của lão. Lão khép miệng lại rít lên :
- Sao mụ cóc! Mụ muốn ta nuốt chửng cả bầy con này hay thả nó ra! – Kẻ có quyền giết chết, tàn sát sạch mà chẳng sợ ai, là kẻ sẽ làm ra luật; ta nói tụi này là con ta, có được không? Nói nghe coi?
Mụ cóc đưa hai bàn tay nhỏ xíu bê bết nhớt lên đắp kín đôi mắt lồi, run lẩy bẩy:
- Dạ phải, dạ phải, xin ông tha, nó là con ông – Đúng rồi, đúng rồi, nó là con ông trê!!
- Giỏi! Giỏi! Nhớ đấy, có ông ễnh ương và cô nhái bén làm chứng; từ nay đừng có dở trò.
Lão trê hoát mồm, nhổ toẹt bầy nòng nọc bơi ra khỏi cái bang đỏ hỏm mồm lão. Lão vễnh râu cười :
- Thấy chưa! Chỉ có con của trê, chỉ có vinh quanh của họ nhà trê mới thong dong lội dọc lội ngang trong hồ nước mát mẻ này. Bầy nòng nọc trẻ thơ tự nhiên nhởn nhơ bơi lội mặc cho mụ cóc lả chả nước mắt và tiếng nghiến răng trèo trẹo.
- Tòa đã xử đúng như sự! Đúng như lý! – Con trê là của trê. Oằm oặp, lão ễnh ương cõng cái bụng ỏng ì ạch quay về hang. Vợ chồng cóc nhảy lên gò cao nhìn bầy con vui đùa, ca hát quanh lão trê mà buồn nẫu nuật.
- Ông thấy chưa? – Mụ cóc chì chiết – Đã bảo không đưa trứng xuống ao lão trê mà cứ bảo : “Có sao đâu, cóc con rồi cuối cùng là của con cóc, ở đâu cũng vậy.” Rõ là vô tích sự, đất rộng sông dài, sao cứ phải ở riết cái góc chằm này? Phải sinh con đẻ cái trong cái góc ao này? – Ông sáng mắt ra chưa nào?
Tay cóc chồng chúi đầu tìm một cái lá khô che mặt, im thin thít, làn da sần sùi có mấy vết đỏ gạch cho thấy nó giận xung thiên. Nó quay đầu, xoải chân nhảy về hang. Cô nhái bén nhỏ nhẹ :
- Chị à, trước mắt, bây giờ tụi con chị là con ông trê. Trong hoàn cảnh của chị tui mừng vui hơn là tức giận.
- Nó cướp con tui sao tui lại vui? – Mụ cóc hỏi.
- Nếu lão trê chẳng thèm nói một câu, rỉ rả xơi tái con chị thì chị làm gì lão? – Đằng này lão có niềm vui bầy đàn, lão vui vì quay quần bên lão đông đúc lớp con, lớp cháu vây quanh hoan hô cổ vũ. Lão muốn giết con nào mà không được, ai cản lão, chị nghiến răng chửi rủa thì làm được gì lão! Lão rạo rực sung sướng của kẻ nắm quyền lực tối thượng trong cái ao này. Con chị vẫn thoải mái vùng vẫy trong nước và vẫn mau ăn chóng lớn. Sao chị không vui?
- Sống trong ao của trê, kề cận ngày đêm bên trê, do lão dạy cho bơi, cho hả mồm táp trái, táp phải … Ôi, nó còn gì tập tính của loài cóc. Chúng nó sẽ biến thành trê hết cô nhái bén ơi.
Mụ lại khụt khẹt khóc – Nhái bén hết lời khuyên nhủ và kéo chị cóc về, vì trời đã về chiều bóng tối lên cao dần và dưới ao chỉ còn vọng lên tiếng lập bập của lão trê táp trong nước.
- Chị cóc ơi, trời tối rồi, về hỏi bác chàng hêu xem có cách gì không.
Mụ cóc nặng nề nhảy về hang cùng chị nháy bén. Chàng hêu, được tiếng là “cập thời vũ”, lim dim mắt nằm dán mình trên một nhánh cây mua bông tím. Tay chân dài lèo khèo, chàng hêu vòng tay lại gối đầu lên, chậm rãi nói bâng quơ.
- Trước khi chị cóc đi tôi đã bảo, kiện thì có ích gì, chỉ vỗ mập cái lũ thầy cãi, quan tòa … Chậc, có gì thay đổi đâu?
- Tức lắm bác à! Cả bầy con của tôi cứ nhởn nhơ bơi lượn quanh lão, quanh cái mồm đầy răng sắc nhọn, quanh hàng ria đen óng của lão trê. Tức lắm! Mụ gầm lên, răng nghiến trèo trẹo … làm trời đất như căng cứng mây đen và các lằn chớp … trời cũng muốn mưa!
- Thế chị cóc mất cái gì? Chàng hêu chậm rãi hỏi.
- Thì bác biết, em mất cả bầy con, mất chỗ rìa nước em ấp cho con nở … Coi như em trắng tay!
- Vậy lão trê được gì nào?
- Lão chiếm cả ao nước, lảo chiếm cả bầy con trẻ của gia đình em, lão cướp hết … khổ thân em.
- Lão còn đòi nhai nháo nhào cả bầy nòng nọc đỏ hỏn của chị cóc – Chị nhái bén xen vào.
Trời như lác đác có vài hạt mưa mát rượi lộp bộp trên mấy tàn lá bứa gai. Đám lá rún rẩy lên xuống như lũ trẻ đùa nghịch trần truồng tắm mưa bên hiên nhà – Bác chàng hêu nhỏ nhẹ :
- Thật ra thì chị cóc tức vì quyền lực của lão trê vùng vẫy trong ao nhà hay giận bị cướp mất con. Lịch sử đời nhà cóc đã bao năm tháng, theo tự nhiên, thì đẻ khô nở nước, đứt đuôi con nòng nọc thì thành cóc con, có gì lạ đâu mà tranh kiện hử? – Kẻ đáng thương là lão trê chứ không phải là nhà họ cóc!
- Tui bị cướp con, cướp nhà mà bác lại bênh bác trê. Mụ cóc bù lu bù loa rướn cổ lên gầm.
- Chị mất cái gì nào?
- Bầy con nhỏ của tui. Bầy nòng nọc của tui.
- Lão trê đáng thương ở chỗ : lão thật mau quên, lịch sử có bao nhiêu bài học mà lão không còn nhớ, đây đâu phải là lần đầu lão ôm một bày nòng nọc đỏ hỏm xum xue, vui sướng, nhảy cỡn lên mà la lối đây là con của lão. Rồi chúng sẽ lú hai chân đỏ hồng như hai hạt gạo dưới đuôi của bầy con lạc dòng này, lão giận đời, lão mắng chửi cái lũ phản bội, cái lũ vong ân bội nghĩa, “ tại sao con lão lại có chân?” - Lão càng chửi, chân bầy con lại càng dài thêm ra, lại thêm hai tay trước … rồi một ngày, chúng lặng lẽ đứt đuôi, chúng nhảy tót lên bờ … lão cặm cụi ghi vào biên niên sử đời lão: “…Chúng nó, bọn vong quốc đã đào thoát …” – Rồi lão lại quên tất cả, lão lại sẳn sàng tay đôi với mụ cóc, đấu tranh đến cùng để giành quyền làm cha một bầy nòng nọc mới…
Lão cứ thích đi ngược lại qui luật của đất trời, lão cứ tự vạch ra qui luật của mình và buộc tất cả phải phục tùng lão. Lão muốn mọi người phải nhớ lịch sử của lão, còn lão thì muốn quên bén mọi sự thật, lịch sử trở nên như là đã từng có những bầy con của lão mọc chân nhảy lên bờ.

 Trời chiều tháng ba, sau mùa gặt sớm, đồng quê ngan ngát hương lúa chín còn đọng lại nơi hốc cây ngọn cỏ, chỉ chờ cơn gió dìu dịu lùa qua là lượn lờ thơm mượt mà cả lối nhỏ vào xóm. Cơn mưa giông chưa tới, một lớp váng mây chì ôm sát dãy Trường Sơn, một sợi mây hồng mong manh ôm sát viền đen sậm, thảng hoặc chợt lóe lên những tia chớp ngoằn ngoèo đi sau là tiếng ì ầm như tiếng rên nặng nề của các tảng đá dựng trên lũng cao. Lũ cóc, ễnh ương, nhái bén bên chằm nước thi nhau nghiến răng trèo trẹo, thi nhau oàm oạp như phẩn nộ ghìm cho sự bất công mà mụ cóc gánh chịu, hay đánh trống thúc trận cho lớp mây chì và tiếng thần công ầm ì của hùng binh nơi xa xa hãy gấp rút lùa mưa về tắm gội nắng hạ tháng ba.
Đầu này, đầu kia chằm nước và mấy thửa ruộng trơ gốc rạ, đám sinh vật đủ loại, trong hốc trong hang, trong bờ cỏ cho đến con niềng niểng ôm sát gốc bèo ở đáy chằm cũng trồi đầu lên quơ quơ đôi càng răng cưa mà kêu như rên âm thanh :”Kít kít … kít kít” để hòa trong dàn đại đồng ca chờ mưa giông mùa nắng hạ.
Rồi tiếng giông ầm ì chạy lùa cùng đám mây đen dần đến gần, nghe như trên bầu trời có nhiều cái trống chầu lăn từ núi xuống bể, vừa lăn vừa thúc trận ầm ầm kèm theo chớp và tiếng sấm sét đâu đâu. Sau đoàn quân tiếng trời hùng hổ, là vẻ ẻo lả dịu mát của cơn gió lùa đến trong khi cả trời đất như khựng lại, căng tròn, chỉ chực chờ nổ tan … Chút gió mát mơn man vuốt ve cơn giận dữ căng cứng của đất trời – hòa nhịp với gió là ngàn vạn tiếng rối rít của muôn loài, vỡ òa ra … rồi khắp nơi nơi mưa đổ sầm xuống, mưa ôm chầm lấy mặt đất, mưa không còn là hạt nước mỏng manh nữa, mà như là tấm vải nước trắng xóa phủ xuống ôm kín sự hoan lạc tột độ của đất trời.
Như một tiếng thở dài khinh khoái tuôn chảy từ đỉnh cao của núi đến tận chân trời biển đông; vẫn còn những tiếng gầm ầm ừ từ tận đỉnh phía tây nhưng là tiếng ầm ầm mãn nguyện của núi xanh vì đã hoàn tất việc xua mây đen phủ trắng xóa đất trời.
Mụ cóc ước đẫm nước chen lẫn nước mưa và nước mắt, trước mắt mụ chằm nước sáng lên trong các lằn chớp sau đó là hàng vạn bong bóng nước phập phò trong cơn mưa giông. Mụ mãi tắt lưỡi xót xa nghĩ đến đám con sợ hãi quây quần quanh lão trê vỉ lạ lẫm trước cơn mưa đầu đời. Ông chàng hêu, liên tục đưa đôi tay vuốt đôi mắt long lanh nước :
- Bà cóc à, thôi đừng khóc nữa. Có ích gì?
- Ông đâu có mất con, ông đâu có xót! Mụ cóc cằn nhằn.
- Người ta cứ mãi khổ vì cứ luôn thấy rằng mất một cái gì. Đây là chuyển tiếp chứ không phải là mất. Hoa rụng có phải là mất đi không? – Đâu có mất, trái cây là đích đến của cánh hoa. Lịch sử là vậy, cái này đang thay thế để hình thành một cái khác tốt đẹp hơn : Ta thấy cứ hiện tại thối rửa là ta mừng vì nó đã khởi đầu cho một mầm xanh mới : ha ha, nếu hạt thóc không thối đi thì có chỗ đâu cho một đồng lúa xanh!
- Mụ cóc đập bành bạch chân trước xuống đám lá khô ủng nước; cổ họng mụ giật liên hồi :
- Tôi không cần biết mai sau nó thế nào! Tôi đang than khóc cho bầy con nòng nọc đỏ hỏn của tôi! – Trời ơi, bầy con tui.
- Thật là đàn bà! – Vậy khi bầy con mụ nó rụng đuôi nhảy lên bờ thì mụ nghĩ lảo trê sẽ ra sao? Lão đang huyênh hoang ôm sự tàn lụi, sự thay đổi từ bản chất vì những gì lão làm là sai với qui luật tự nhiên. Lão đang có quyền lực ngang dọc trên chằm nước nên có ảo tưởng là những gì lão muốn là trời muốn. Đó là định luật của lão trê!
- Vậy bao giờ con tui là con tui?
- Bà hãy chịu đựng nỗi khổ trước mắt, hãy vui lòng trước cảnh trái tai gai mắt, nhìn những gì thân thương nhất của mình quẩn quanh bên kẻ ngang ngược. Bà hãy để cho thời gian nó làm tròn cái sứ mệnh tất định của nó là đưa mọi sự tồn tại đúng với qui luật của thiên nhiên. Chẳng ai có thể ngu ngốc nóng lòng đập vỡ quả trứng gà lộn để lôi gà con nuôi nấng, hãy cho chú gà con có thời gian, hãy để thời gian hoàn tất sứ mệnh của nó : chú gà sẽ tự xé toạt vỏ trứng và bước vào đời, bầy nòng nọc sẽ lú chân trước sau, cắt đứt cái đuôi quá khứ mà nhảy lên bờ. Lúc bấy giờ nó là cóc, nó có cuộc đời của cóc, nó bỏ lại sau lưng hàng triệu điều lừa mị của trê, bỏ lại sau lưng cái môi trường sống óc ách của nước, nơi đó có lão trê làm vương làm tướng, nó sẽ bỏ lãi sau lưng hàng ngàn bài học bơi kiểu này kiểu nọ của ông bố trê ghè đầu dạy dỗ. Bỏ lại sau lưng tất cả thứ quá khứ trật qui luật đó để bước vào một cuộc đời mới đúng bản chất tồn tại của mình.
Bà cóc nghĩ sao? – Lúc ấy bà có nhảy ra nhận họ hàng, nhận mẹ con với chúng được không? – Bà sẽ là cứ thút thít cảnh mang nặng đẻ đau, mà mách bảo cho lũ cóc con cách sống sao cho giống bà, cho phải đạo đất trời không? – Không đâu bà cóc, nó bung ra như các tia pháo hoa, cả bầy cóc con sẽ nhảy tung khắp nơi và tìm cách sống, tìm thấy cái đúng, cái hay, cái cách kiếm sống theo bà mẹ thiên nhiên vĩ đại đã đánh dấu trong mã di truyền của chúng. Dưới ánh sáng mặt trời, cái quý nhất của mỗi sinh vật là quyền tự do sống, quyền được làm chủ định mệnh của mình. Bầy con bà sẽ như vậy, bà và lão trê sẽ không có thể nào cản trở được bầy con của đất trời được.
Mụ cóc lặng im khi bóng đêm tràn về, mụ suy ngẫm những điều ông chàng hêu giảng giải với mụ. Nhái bén hổn hển xen vào.
- Ông ơi, vậy phải thản nhiên chờ đợi sao ông?
- Không phải thản nhiên chờ đợi, mà thản nhiên sống như đang sống, không thể mỏi mòn chờ hay hấp tấp hối thúc cho bầy nòng nọc sớm đứt đuôi được! – Mọi biến chuyển, mọi đổi thay, tự trong bản chất sự vật đã có tiếng nói nhỏ nhẹ của thời gian. Hãy thản nhiên sống như đang sống, vui với những gì đang có trong cuộc sống, và mọi vật thể hiển hình trong quy trình biến tồn tại của mình mà chẳng có dấu vết thời gian : Trong đứa bé đã có một ông già, và trong bầy nòng nọc dưới nước đã có một bầy cóc trên bờ.
Vậy đấy, bỏ đi tham luyến và sân hận thì sẽ thấy mọi sự đẹp biết bao.
Mụ cóc chậm rãi nói như tiếng thở dài :
- Phải đó bác chàng hêu ạ, tui cũng phải biết lắng nghe tiếng thời gian trở mình trong chằm nước; từng khắc từng ngày đêm … bầy con tôi đang trở mình, đang biến chuyển. Chỉ có lão trê …
Ông chàng hêu hạ giọng trầm trầm :
- Lão trê tự cho mình là tất cả, lão không lý đến sự trở mình và biến chuyển chung quanh lão, lão đã tự hạ huyệt cho mình giữa cuộc sống, trong chằm nước lạnh.

---- *** ----

- VI -

 

 Có một vì sao băng kéo một vệt dài ngang trời, ông Thoảng thấy lòng mình nhẹ nhàng khi mình lẩm bẩm cuộc trò chuyện của bài học trê cóc ngày xưa. Lão lẩm bẩm :
- Ờ, rồi cha mình, rồi cô Mười với tiếng xướt mía trong đêm trăng; rồi mình thập thò đốt rơm nướng châu chấu nở ăn trong ngày thơ ấu … Cũng vẫn mấy đám thổ này, cũng chằm nước này, có gì đâu … mọi việc rồi nó cũng vậy đó thôi mà.
Có tiếng ễnh ương oàm oạp, tiếng dế than chen lẫn tiếng chành chạch của con chẩn chàng. Lão Thoảng cầm rữa đứng lên trở về trong xóm chờ đến mai đi họp với ban hoà giải lần cuối cùng.

*
***

 Sáng nay, vẫn phòng họp thôn – vốn trước kia là phòng điền hành của Hợp tác xã nông nghiệp xóm Đông – vẫn những khuôn mặt cũ, ngồi thẫn thờ nói bâng quơ về trận mưa giông chiều qua, về đám dưa gang ra bông sớm sẽ bị thúi chột hết. Mọi người ngồi chờ ông Thoảng, hôm nay ông đến muộn.
Suốt đêm qua, sau cơn mưa trời mát rười rượi, ông Thoảng nằm trên chỏng tre đánh giấc ngon lành. Lão không còn trằn trọc, chặt lưỡi rồi ngồi dậy lập bập điếu thuốc rê vấn kèn như mấy hôm trước. Lão tỉnh giấc khi nghe con gà trống đậu trên róng chuồng bò đập cánh lạch bạch, lạch bạch và cổ nó cứ cà khọt, cà khọt mà không cất tiếng gáy nổi. Ông buồn cười, ngồi dậy nhìn buổi tinh sương ánh sáng nhờ nhờ quanh quẩn bên hàng dậu chè tàu. Cuối cùng, sau mấy tiếng đập cánh lạch bạch, chú gà trống cũng cất tiếng ó o gáy vang. Ông Thoảng như thấy cổ họng mình cũng thoát ra được cái vướn “cà … cà” ở cuống họng.
- Ch…cha mày! Rồi cũng gáy được!
Ngồi trên chỏng tre, tay mần mò vê điếu thuốc, lão thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản lạ kỳ. Lão nghĩ có lẽ tại chiều qua nhớ lại bài học trê cóc, hay là tại ba đám ruộng trơ rạ vàng do đường hái cắt gọn sực nức hương lúa chín … hay gẫm cho cùng ra rồi, có gì khác lạ đâu?
Tiếng lộp bộp của sương mai đậu trên lá mít cạnh hiên nhà rơi xuống đám lá khô, tiếng cu cườm thong thả gáy sớm gọi bầy, tiếng con chim bắt muỗi thả từ âm vực cao xuống thấp, đến lặng câm : “Chát, chấc, chấc, chậc, chậc … ch..ậc”, nghe sao mà nó khoang thai, cao ngạo lạ kỳ.
Ông Thoảng như thả vào phòng họp thôn, nhìn dì Bảy đăm đăm ngồi đó, ông quay đầu gật và ngồi xuống bìa ghế hàng sau.
- Tui nói thiệt. Đã có chỉ đạo trên huyện trên tỉnh rồi, nếu hôm nay mà hòa giải không ổn, thì tụi tui chuyển lên, chuyển lên trên … Anh cán bộ xã vừa lấy giấy tờ từ túi rết ra, vừa cúi đầu lật lật, đọc đọc tránh ánh mắt dọ hỏi của bảy tám người ngồi dưới.
- Tui xin làm biên bản buổi hòa giải thứ năm, buổi cuối cùng. Có đầy đủ bà con cô bác trong hợp tác xã cũ, có cả dì Bảy và ông Thoảng. Cái vấn đề là … Anh cán bộ đã bước vào, mạch chảy của thói quen tuôn ra về chính sách ruộng đất, về chủ trương đối với nông dân lao động, về khoản một khoản hai; về tình hình đã qua; thực tế trước mắt … lãnh đạo đang nắm vững! Chủ trương luôn sáng suốt, luôn cận nhân tình, luôn bảo vệ quyền lợi người lao động … nhờ đó mà người người, nhà nhà …
Anh ngước nhìn bên máy cày đòn tay bằng tre, nhìn mái tranh có mấy lưới nhện giăng ngang … Cứ nhìn lên trời mà nói như thuộc lòng, nói như máy thu không rè, không lạc giọng. Mấy cái đầu bị hói, mấy điếu thuốc rê lập bập khói mù mờ cùng nhìn ra khoản sân trước có nắng mai nhảy nhót trên vũng nước mưa chiều qua còn đọng lại. Lão Thoảng nghe tiếng quốc quốc của con chim cuốc ở bờ khe cạnh chằm nước vọng đến, sao nó rời rả và buồn quạnh quẻ.
- Đất nước đã thống nhất mấy mươi năm rồi! Dưới sự lãnh đạo sáng suốt coi như bà con ngày nay đã có cơm ăn, áo mặc, con cái học hành, giao thông, điện nước đến tận nơi làng xã … Bởi vậy, chúng ta không thể không quân cái gia đình chính sách, không thể không ưu tiên cho các gia đình chính sách.
Anh cán bộ lại dài dòng dẫn giải, lại đưa qua bên trái lái qua bên phải, sao cho dễ dàng nhập đề :
- Chung lại, tóm lại, ông Thoảng phải xác nhận quyền sử dụng đất ba miếng ruộng gần chằm nước trong thôn là của dì Bảy. Ông Thoảng phải ký vào biên bản không khiếu nại nữa.
Anh cán bộ quay xuống nhìn ông Thoảng lơ đảng nhìn ra ngoài lắng nghe tiếng quốc … quốc bên khe nước, tiếng kêu sao mà thảm thiết quá.
- Tôi biết chú Thoảng khó khăn lắm để đồng ý việc này, anh cán bộ tiếp lời, tuy nhiên chú phải biết chú là …
- Thôi … thô…i mà! Ông Thoảng không muốn ai nói gì đến ông, không muốn nhắc đến chuyện “ông có vấn đề” vì là hạ-sĩ dân-vệ đứng gác cầu ngày trước. Ông muốn để ông yên, ông muốn nghe tiếng cu gáy, tiếng chim quốc quốc ru buổi mai êm đềm trong thôn xóm.
- Dì nói thiệt với cháu là dì chẳng muốn lấy đất của chú Thoảng làm gì. Chủ quyền sử dụng cho cái danh, chứ dì cũng để cho chú ấy cày cấy mà. Dẫu sao thì cũng là đất của cha ông người ta mấy đời rồi! – Bà Bảy nói với anh cán bộ hòa giải.
- Vấn đề không phải là dì Bảy muốn lấy hay không, đây là chủ trương ở trên về đất đai; về chính sách với các gia đình có công; Đây là chỉ đạo của các chú trên huyện … nói chung phải ký vào biên bản hòa giải, không khác được. Còn tôi nhắc lại cho ông Thoảng nghe, tôi sẽ không nhắc đến chuyện ông có vấn đề, nhưng tôi yêu cầu ông bãi nại.
- Ơ! Ơ! … Tui … tu…i chẳng … sợ cái … vấn … đề! Ký … bãi … n..ại, thì tui … ký chứ có … gì đâu cà! Ruộng … đó …, ba miếng đó … của chị … Bảy cũng cũng … cũng … được, chớ có sao đâu nà!!
Mọi người trố mắt ngạc nhiên nhìn ông Thoảng. Bởi đâu mấy tháng qua lão kiện tời kiện lui, lão cà cà – rướn gân cổ lên cãi đến muốn đứt gân xanh nổi chằn chịt trên trán. Lão cãi, lão vung tay, lão sùi bọt mép, lão chảy dãi ròng ròng … lão cà … cà rặn không ra lời. Vậy mà, nay không một lời tranh cãi, không có chút sợ hãi hay giận dữ, ông Thoảng nhẹ nhàng nói gần như không vấp váp câu trên. Cả anh cán bộ, cả chị Bảy và mấy nông dân xóm giềng đều quay lại nhìn :
- Đâu … đâu … có gì … lạ nà, cán bộ đưa biên bản tui … ký … ký … cho nà.
Gương mặt ông Thoảng nhẹ nhàng, nụ cười lọt thảm trong chiếc miệng món sọm với mấy sợi râu lưa thưa. Anh cán bộ hấp tấp, ghi vội mấy điều vào tờ biên bản rồi đưa cho ông Thoảng ký bãi nại.
- Trời ơi, hôm nay sao lạ vậy trời, tui mừng quá. Anh cán bộ trẻ hấp tấp cho giấy tờ vào túi rết, vội vã rời phòng họp thôn.
Tất cả lục tục ra về, dì Bảy quay lại ông Thoảng nói như phân bua :
- Anh đừng buồn tôi nghe anh. Ruộng của anh vẫn là của anh mà, có gì khác đâu.
Ông Thoảng vê điều thuốc, ngồi lại một mình trong phòng họp nhìn mông ra vườn cây, tiếng cu gáy xa xa giọt từng giọt êm đềm. Lão lẩm bẩm :
- Có gì đâu, thời gian nó đưa mọi sự về đúng vị trí của nó thôi mà.
Giọng điệu ông Thoảng nói sao như lời của ông chàng hêu khuyên mụ cóc.

 

 Nguyễn Quang Tuyến
(Tháng 07/2010)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2011(Xem: 17078)
Tôi kêu thêm một ly rượu, ngồi yên nhìn dòng nước đỏ quánh như máu chảy tràn ra, miệng lầm bầm: -Tưởng rằng đã quên …
26 Tháng Năm 2011(Xem: 17506)
Nếu em nghe không rõ tiếng người mà chỉ thoáng phì phò tiếng gió thì biết đó là lúc anh đã cất cánh. Hẹn gặp em một ngày rất gần.
26 Tháng Năm 2011(Xem: 18228)
Chẳng bằng người Việt mình, nhiều người bề ngoài trắng trẻo lịch sự nhưng lòng của họ chẳng những đen mà còn bạc nữa ...
26 Tháng Năm 2011(Xem: 17243)
Mặc cảm đã được hóa giải, con người mới của My hiên ngang hòa nhập vào khối người Việt tỵ nạn đông đảo ở Houston ...
26 Tháng Năm 2011(Xem: 19517)
... ông chẳng thấy có cách gì sống vô tận tốt hơn là nhớ lại lần đưa Elizanne về nhà đó hoài hoài...
26 Tháng Năm 2011(Xem: 19950)
Ba chúng tôi ôm choàng lấy nhau, nước mắt chan hòa. Thằng P. ôm tôi và nói: Con là P. của mẹ đây, mẹ L. ơi.
26 Tháng Năm 2011(Xem: 18783)
Trong đời người bất ngờ một hôm thấy mình đang ngồi bên Những chiếc ghế bỏ trống…
19 Tháng Tư 2011(Xem: 21538)
Xin thông báo đến đại gia đình Thụ Nhân và thân hữu Đà Lạt các Tiết Mục trong sách "Đà Lạt Ngày Tháng Cũ" của Luật sư Ngô Tằng Giao (cựu Giáo sư Viện Đại Học Dalat).
19 Tháng Tư 2011(Xem: 17842)
Số kiếp lận đận, dang dở, cột chặt gót hồng lao đao, đeo đuổi nàng dai dẳng như một định mệnh khắt khe, không lối thoát…
19 Tháng Tư 2011(Xem: 19746)
... và quanh anh vẫn thoang thoảng hương bông dủ dẻ ngày xưa ….
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468