TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phần Cuối)

14 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 6319)
TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phần Cuối)
Tôi trở lại Đà Lạt. Xe của Hàng Không Việt Nam chở hành khách từ phi trường Liên Khương về Đà Lạt. Tới thác Prenn, tôi thấy lòng tôi rộn ràng. Xe qua thác Datanla, lòng tôi xao xuyến bồi hồi. Xe vô cửa ngõ Đà Lạt, tôi đứng bật dậy. Những cây đào đầy hoa thấp thoáng trong những biệt thự đã khiến tôi đứng bật dậy. Hoa Đào vẫn nở, mùa xuân vẫn còn. Màu hồng nổi trên màu xanh của cây, màu vàng của những khung tường. Tôi thấy mùa xuân Đà Lạt. Hoa đào và mùa xuân là một. Cũng như ở Huế, Hoa Mai và mùa xuân là một.

Tôi thấy mình đơn côi. Tôi ước ao có Hoa ở bên cạnh. Tôi nhớ Hoa quá chừng. Tôi ngồi xuống. Tôi lấy từ trong túi xách tay chiếc ao len Hoa tặng tôi buổi trưa khi chúng tôi chia tay tại cây Thầu Đâu trong xóm Mười Sáu Gian. Giọng Hoa còn văng vẳng bên tai :
- Đà Lạt lạnh, em đan áo ni cho anh, anh mặc cho ấm.
Buổi học đầu tiên sau những ngày nghỉ tết chấm dứt lúc 11 giờ 30. Tôi rủ Trân, học trên tôi một lớp tại trường Phan Châu Trinh, ra phố ăn cơm tại tiệm ăn Nam Sơn. Trân nói :
- Tao đãi mi ăn món ni. Ăn món ni, tối nay mi bắn máy bay liền.
Trân dẫn tôi về phòng tại giảng đường Khoa Học. Trân tới Viện Đại Học trễ nhưng nhờ có giấy giới thiệu của một vị linh mục nên được cha Lập sắp xếp cho ở tạm một phòng trên lầu hai của giảng đường Khoa Học. Trân và Hưng ở tầng hai, giáo sư phụ khảo Bồ Bạch Mai ở một phòng cạnh phòng thí nghiệm ở tầng một. Trân bảo Hưng, bạn cùng phòng, sinh viên Khoa Học, đang nằm đọc sách trên giường:
- Dậy, có khách quí
Hưng đưa mắt nhìn tôi rồi hỏi Trân :
- Như thường lệ
- Nhận được mật khẩu còn hỏi chi nữa . Cứ thế mà thi hành.
Hưng vùng dậy như một nhân viên cứu hỏa chuyên nghiệp. Không nói cũng không chào hỏi tôi, Hưng lấy nồi, nếp, đậu xanh và mở cửa đi ra. Trân mở cửa sổ, đưa mắt quan sát rồi trèo ra véranda. Bây giờ tôi biết ý định của Trân. Trân làm bẫy chim. Bẫy chim của Trân đơn giản. Bẫy chỉ gồm một thau bằng nhôm lớn hằng ngày dùng để giặt quần áo, một sợi dây dù cột vào một khúc cây và một ít gạo. Làm xong bẫy, Trân trở vô phòng, khép cửa sổ. tay cầm sợi dây, mắt nhìn qua khe cửa sổ. Tôi đứng sau Trân. Năm phút sau, hơn mười con chim bồ câu xà xuống véranda. Chúng tranh nhau mổ những hạt gạo. Trân giật mạnh sợi dây, mở cửa sổ và trèo ra ngoài, nhanh nhẹn không thua gì con mèo. Một tay giữ chậu thau, một tay thò vô chậu bắt ra một con chim bồ câu, Trân đưa con chim bồ câu cho tôi và tiếp tục bắt thêm một con nữa. Trân nhẩy vô phòng và nói :
- Ba thằng chỉ bắt được hai con. Tao làm một mẻ nữa để đủ cho ba thằng
Hưng để nồi lên bếp điện và nói :
- Đãi khách quí kiểu này thì bầy bồ câu của Cha Viện chẳng mấy chốc chẳng còn con nào.
- Khách quí đến nhà không gà thì phải có bồ câu
Trân bóp mũi hai con bồ câu cho đến chết. Trân bỏ hai con chim vô nồi và mở cửa đi ra. Tôi hỏi Hưng :
- Hai đứa mi trộm được bao nhiêu con bồ câu của Cha Viện ?
- Mày là khách quí thứ ba
- Sáu con
- Bảy con. Có lần bẫy được ba con.
Trân vô phòng. Trân bỏ hai con chim bồ câu vô nồi cháo đậu xanh để trên bếp điện. Trân đem chai rượu dâu, một con khô mực lớn để trên bàn và nói:
- Trong khi chờ cháo chín, làm một chút cho ấm bụng.
Trân đổ alcool vô một dĩa lớn. Trân cầm con mực khô và nói :
- Mực cửa Đại, Hội An quê ta, thơm ngon hết xẩy
Ăn xong cháo bồ câu hầm đậu xanh, tôi mời Trân và Hưng đi uống cà phê Tùng. Hai đứa từ chối.

Vô tết tôi nhận thấy một sự thay đổi lớn và rất lạ. Nữ sinh Bùi Thị Xuân như bị các anh chàng sinh viên bỏ rơi. Sinh viên khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên không còn háo hức đón nữ sinh Bùi Thị Xuân như những tháng đầu tiên. Không còn mấy chàng sinh viên đứng trên lề đường Võ Tánh những buổi chiều tan học. Tôi không thấy cô Yến lên đỉnh đồi Lữ Quán . Đôi má ửng hồng của các cô nữ sinh không còn hấp dẫn được các anh chàng sinh viên xa nhà. Buổi chiều chỉ còn một mình tôi ngồi trên đồi Lữ Quán nhìn xuống đường Võ Tánh. Mắt nhìn nhưng hồn tôi vẫn nhớ về xóm ga miền Trung. Tôi nhớ Hoa. Không biết giờ này nàng đang làm gì ? Tôi mong ước có nàng ngồi cạnh để cùng nhau ngắm nhìn bầu trời xanh và những cụm mây trắng, ngắm núi Lâm Viên xanh, hít thở không khí và gió mát ngọt như dòng suối trong … Sau tết, suối màu xanh của những chiếc áo dài, màu hồng của đôi má, đôi môi vẫn chảy, nhưng chảy chậm hơn. Tiếng cười, tiếng nói vẫn vang nhưng nhỏ hơn và kém vui hơn những tháng trước tết. Truyện gì đã xảy ra và tại sao ? Tôi suy nghĩ và tìm được câu giải đáp.

Chúng tôi có hai cuộc bầu cử. Bầu cử Tổng Hội Sinh Viên và bầu cử Ban Đại Diện Trường Chính Trị Kinh Doanh. Sĩ số sinh viên trường chính trị kinh doanh ghi danh là 1075 người. Con số 1075 gấp bốn lần sĩ số sinh viên năm trước của tất cả các phân khoa cộng lại. Nhưng thực sự đi học chỉ khoảng hơn năm trăm sinh viên. Với số năm trăm sinh viên, lớp tôi vẫn chiếm đa số áp đảo những phân khoa khác. Bỡ ngỡ với đời sống mới nên mọi người thờ ơ với việc tham gia và đi bầu Tổng Hội Sinh Viên và Ban Đại Diện Trường Chính Trị Kinh Doanh.

Bầu cử Tổng Hội Sinh Viên có hai liên danh ra tranh cử. Thụ ủy liên danh là hai sinh viên Sư Phạm : Anh Đinh Ngọc Mô và anh Huỳnh Văn Long. Hai anh là sinh viên cũ của Viện. Sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh là sinh viên mới còn e dè nên chỉ đảm nhận tất cả những chức vụ còn lại trong Tổng Hội Sinh Viên. Không có một buổi ra mắt hoặc giới thiệu hai liên danh. Hai thụ ủy liên danh vận động tranh cử bằng cách tham gia hai buổi trại công tác xã hội. Một buổi trại để tu bổ một trường học tại Đơn Dương và một buổi trại tại một làng Thượng gần Đà Lạt. Liên danh Huỳnh Văn Long đắc cử. Thành phần ban chấp hành Tổng Hội gồm :

Huỳnh Văn Long Chủ Tịch
Huỳnh Thoảng Phó Chủ Tịch Nội Vụ
Huỳnh Nhân Khiêm Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ
Lê Đình Thông Tổng Thư Ký
Trần Kim Hạnh Thủ Quỹ

Thoạt nhìn liên danh đắc cử như liên danh gia đình trị họ Huỳnh. Nhưng thực ra không phải. Anh Long người Bắc, anh Thoảng người Trung, anh Khiêm người Nam. Sau khi đắc cử, Tổng Hội Sinh Viên không tổ chức buổi lễ nhậm chức mà chỉ tổ chức một trại công tác xã hội tại Tùng Nghĩa. Trại do anh Nguyễn Tường Cẩm ủy viên xã hội của Tổng Hội Sinh Viên tổ chức và là trại trưởng. Không một anh trong liên danh đắc cử tổng hội kể trên tham dự trại này. Tổng Hội không có văn phòng, không có và cũng không tìm nguồn tài trợ vật chất tài chánh nên Tổng Hội không hoạt động gì ngoài trại công tác xã hội nói trên. 

Bầu cử Ban Đại Diện trường Chính Trị Kinh Doanh sôi nổi hơn. Có tất cả ba liên danh ứng cử : Nguyễn Đình Cường, Hồ Văn Thanh, Lê Thanh Châu. Phạm Chí Thành làm trưởng ban tổ chức bầu cử. Ban vận động bầu cử tổ chức cho ứng cử viên thuyết trình trước sinh viên. Một vài tấm bảng cổ động của các liên danh được treo trước giảng đường Spellman và Thụ Nhân. Ít người tham dự buổi nói chuyện và cũng ít ai chú ý đến các bảng cổ động. Đa số không chú trọng đến bầu cử mà để ý đến vấn đề đời sống, học hành, vui chơi văn nghệ báo chí, pinic. Cử tri đi bầu không đông. Anh Nguyễn Đình Cường đắc cử.

Bầu cử ban đại diện không sôi nổi nhưng ra mắt ban đại diện thì rất đình đám. Buổi ra mắt ban đại diện được tổ chức tại rạp hát Hòa Bình ngay trung tâm thành phố . Nổi bật trong buổi ra mắt không phải là anh Nguyễn Đình Cường chủ tịch ban đại diện mà là ban nhạc Leviathan và ca sĩ chuyên nghiệp Khánh Ly của vũ trường Tulipe Rouge. Ca sĩ Khánh Ly trong chiếc váy đầm đỏ đẹp như một cô tiên đã làm say mê sinh viên với hai bản nhạc Việt : Bên Cầu Biên Giới Và Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy. Sau đó Khánh Ly đồng ca với Lưu Văn Dân và Trần Ngọc Phong một bản nhạc ngoại quốc Ma Vie của Alain Barriere.

Ban nhạc Leviathan diễn màn hài kịch PHI DU HỌC BẤT THÀNH PHU PHỤ do Lưu Văn Dân thủ vai người đầy tớ, Nguyễn Văn Son thủ vai ông chủ và Đặng Thị Kim Ngọc thủ vai cô gái khiến chúng tôi cười muốn bể rạp. Vở kịch này do Lưu Văn Dân phóng tác theo vở kịch Phi Cao Đẳng Bất Thành Phu Phụ của danh hài Tùng Lâm. Dân vừa là người viết kịch bản, đạo diễn và diễn viên. Đây là lần thứ hai anh diễn vở kịch này. Lần đầu tiên anh diễn vở kịch này tại trường Yersin. Anh là nghệ sĩ đa tài . Trong vai anh đầy tớ, anh hát nhạc Tây nhạc Mỹ và ca một câu vọng cổ.

Ban nhạc Leviathan tiếp tục với Trần Ngọc Phong trình diễn bài Cu Cu Ru Pa Lô Ma như một đại danh ca người Ý với tiếng ngân tưởng chừng không dứt. Lưu Văn Dân lại gây sôi nổi hội trường với hai bản nhạc kích động Love Potion number 9 và San Francisco. Tay trống Trần Văn Lưu làm mọi người ngạc nhiên vì anh có biệt danh Lưu Suyển. Thân hình anh gầy còm tưởng như anh không cầm nổi hai chiếc dùi trống . Anh đeo đôi kính cận dầy không biết anh có đánh trúng mặt trống hay không. Vậy mà khi anh ngồi bên giàn trống mới thấy anh linh hoạt và mạnh mẽ, nhất là khi anh sô lô trống thì cả hội trường vỗ tay tưởng chừng không dứt.

Nữ Đại Học Xá đóng góp hai tiết mục. Tiết mục đầu chị Kim Thoàn hát bản Hẹn Hò của Phạm Duy. Chị Kim Thoàn đệ nhất danh ca của phái nữ. Giọng chị điêu luyện so với Thái Thanh, Kim Tước thì không bằng, nhưng so với những ca sĩ Quỳnh Giao, Hà Thanh, Hoàng Oanh thì chị không thua. Chị đã làm không khí hội trường vui tươi mặc dầu bài Hẹn Hò không phải là bài hát vui. Hẹn Hò là bản nhạc tình cảm, âm điệu nhạc đều đều. Mọi người hát theo chị ở hai chữ cuối cùng của mỗi câu khiến không khí hội trường vui nhộn hẳn. 

Màn trình diễn thứ hai của Nữ Đại Học Xá làm tôi ngạc nhiên. Tôi ngạc nhiên không phải vì ban nhạc nữ này mặc đồng phục như một ban nhạc chuyên nghiệp. Tôi cũng không ngạc nhiên ban nhạc này có tay trống Phong Lan và ba đàn điện Thạch Trúc, Huệ An, Lý Thị Trinh và không ca sĩ. Tôi ngạc nhiên vì có chị Thạch Trúc trong ban nhạc. Chị Thạch Trúc là đồng môn với tôi thời trung học Trường Trung Học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Chị học trên tôi hai lớp. Tôi học lớp với Bạch Nga, em gái chị . Chị là hoa khôi của học sinh trung học Đà Nẵng. Chị có nép đẹp sang trọng quí phái, vẻ đẹp bền vững không cần trang điểm nhiều son phấn. Về tuổi già mái tóc chị có bạc trắng, chị vẫn đẹp . Gia đình chị là gia đình thương gia giàu có lâu đời ở Đà Nẵng. Trong thời gian tại trường Phan Châu Trinh, tôi chưa bao giờ thấy chị Thạch Trúc xuất hiện trên sân khấu văn nghệ. Tôi tưởng rằng nếu chị xuất hiện trên sân khấu văn nghệ, chị sẽ xuất hiện bên chiếc đàn dương cầm. Tôi ngạc nhiên chị xuất hiện với cây đàn điện. Ngón đàn chị điêu luyện chẳng kém gì Trần Văn Chung của ban nhạc Leviathan. Một bản tin đề cập đến nhan sắc của chị Thạch Trúc. Một buổi sáng, trên tấm bảng dán tin tức đặt phía trong cổng viện có một tờ giấy viết tay :” Cần tuyển hôn thê có gương mặt Thạch Trúc, đôi môi Thanh Tuyền, bộ ngực Bích Sơn, cái đít Ngọc Nga “ . Bản thông báo này được gỡ đi trong buổi sáng hôm đó nên không tìm ra tác giả bản tin. Nếu để lâu hơn có nhiều người đọc và căn cứ nét chữ thì có thể đoán ra tác giả bản tin . Nếu quả thật anh chàng nào đó muốn kiếm một người vợ như anh ta viết trong bản thông báo, tôi chắc chắn anh sẽ ế vợ vì đòi hỏi quá nhiều và không tưởng. Chờ năm mươi năm sau, bằng phương pháp loại trừ những anh chàng ế vợ của nam sinh viên khóa I Chính Trị Kinh Doanh thì sẽ tìm ra tác giả bản tin. Nhưng tôi chắc chắn đó chỉ là trò nghịch ngợm vui đùa.
634226654447661466_400x214








 







Anh Nguyễn Minh Tuấn có giọng hát ấm không thua ca sĩ Anh Ngọc và Duy Trác. Anh là nam ca sĩ hát nhạc tình cảm Việt Nam số một của viện. Anh ở trong Nam Đại Học Xá. Tiếng hát của anh bay xa nên mới đặt chân đến Đà Lạt, anh đã được anh Lê Văn Lộc tức nhạc sĩ Lê Uyên Phương mời anh vào ban nhạc Mây Cao Nguyên. Mọi người im lặng nghe anh hát bài Nụ Cười Sơn Cước của nhạc sĩ Tô Hải.

Buổi ra mắt ban Đại Diện chứng tỏ sự lớn mạnh của trường Chính Trị Kinh Doanh. Năm học sau chắc chắn sinh viên Chính Trị Kinh Doanh sẽ nắm vai trò lãnh đạo đầu tầu của viện.

Một sự kiện khiến cả nước đau buồn. Trận lụt lớn xẩy ra tại Quảng Ngãi và Quảng Nam gây thiệt hại nặng nề người và của. Đập Đồng Cam bị vỡ. Nước lũ tràn về thị xã Quảng Ngãi trong đêm tối như những con thú dữ hung ác và tàn bạo. Chúng lạnh lùng và cực nhanh đến nỗi người dân Quảng Ngãi không kịp thức dậy, không kịp kêu la, chứ đừng nói đến chạy trốn hay chống lại. Chúng ngoạm, chúng nuốt, chúng cuốn người, nhà cửa, đồ đạc, cây cối và gia súc ra biển khơi. Viện Đại Học phát động phong trào cứu trợ nạn lụt. Buổi sáng chúng tôi tập hợp trước rạp Hòa Bình. Cha viện trưởng phát biểu. Ngài nói về thảm cảnh người dân Quảng Ngãi phải chịu đựng. Ngài kêu gọi sinh viên và đồng bào thị xã Đà Lạt phát động một chiến dịch quyên góp để cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt. Buổi sáng phát động phong trào cứu trợ, buổi chiều chúng tôi bắt tay ngay vào việc vận động quyên góp. Những đoàn thể Hướng Đạo, Sinh Viên Phụng Sự Xã Hội đi vận động quyên góp. Những toán cứu trợ do anh Hoàng Văn Lộc, Nguyễn Tường Cẩm, Trần Văn Chang thành lập. Biểu ngữ, bích chương cổ động cứu trợ nạn lụt được treo ở trung tâm thị xã …

Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Liên Viện là sự kiện lớn nhất trong năm. Đại hội thể thao sinh viên gồm ba viện Huế, Sài Gòn và Đà Lạt không thu hút được đông đảo sinh viên và đồng bào thị xã tham dự. Không có biểu ngữ và bích chương quảng bá Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Liên Viện trong Viện Đại Học cũng như trung tâm thị xã. Những trận đấu có ít người xem nhất là phái nữ. Môn bơi lội được tổ chức tại nhà Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương không thi đấu được vì các vận động viên không chịu xuống nước vì hôm đó trời lạnh và gió. Chung kết giải tennis giữa anh em Trương Thanh Bá. Trương Thanh Bá ở lầu V Nam Đại Học Xá đại diện sinh viên Đà Lạt. Anh ruột Bá đại diện sinh viên Sài Gòn. Trước trận đánh, chúng tôi đã nhắc khéo anh của Bá :
- Anh nên nhường em.
Vậy mà anh của Bá trừng trị thằng em thẳng tay không chút thương xót. Anh thắng cả ba set không cho thằng em gỡ một set danh dự nào.

Tôi không quan tâm đến kết quả vì đoàn Sài Gòn vượt trội hơn hẳn đoàn Huế và Đà Lạt. Điều thú vị là Đại Hội Thể Thao Sinh Viên Liên Viện tạo ra hai mối tình. Ngày khai mạc đại hội đông đủ sinh viên tham dự. Cầm bảng dẫn đầu đoàn lực sĩ Sinh Viên Đà Lạt là một cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh . Được tuyển chọn cầm bảng dẫn đầu phái đoàn lực sĩ chủ nhà thì chắc chắn phải là một mỹ nhân. Nổi bật trên khuôn mặt xinh xắn của cô là đôi mắt. Không phải là đôi mắt chim bồ câu hay đôi mắt to của loài nai mà là đôi mắt huyền. Đôi mắt rực sáng và đen láy. Anh chàng lọt được vào đôi mắt huyền của cô là một anh chàng đồng môn đẹp trai và lịch thiệp. Điều này không ai ngạc nhiên. Giai nhân gập anh tài nẩy sinh tình yêu là việc dĩ nhiên. Lớp tôi có rất nhiều bạn đẹp trai như Nguyễn Kim Hùng, Nhữ Văn Trí, Trần Văn Lược, Trần Văn Chang, Đinh Văn Chính . Lưu Văn Dân, Nhan Kim Hòa, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Huỳnh Tân, Quách Tân, Bửu Chánh …. Khu Võ Tánh chọn Nguyễn Kim Hùng là người đàn ông đẹp nhất nên đặt cho anh biệt danh là Hùng Beau. Tôi cho sự chọn lựa này có tính cách phe nhóm và chủ yếu dựa trên hình thức bề ngoài vì đầu tiên Nguyễn Kim Hùng có tên Hùng Cò vì anh có thân hình cao lớn như Tây, nhưng có đôi chân hơi bé như cẳng cò. Nếu có cuộc tuyển lựa hoa hậu phái nam của lớp tôi được tổ chức nghiêm chỉnh, tôi sẽ bỏ phiếu chọn anh chàng lọt vào đôi mắt huyền là người đẹp trai nhất. Lý do thứ nhất là anh toát ra một vẻ đẹp rất đàn ông. Nhìn anh ta thấy ngay một sự chững chạc, rộng rãi. Lý do thứ hai anh là người lịch thiệp. Anh thấm nhuần văn hóa Pháp, anh là học sinh trường Yessin. Anh chị kín đáo. Ít ai thấy hai anh chị đi chung với nhau đến lớp học.

Mối tình thứ hai rõ ràng hơn. Sau đại hội thể thao, mọi người đều thấy hai anh chị cập kè đến trường với nhau. Anh chàng chẳng xa lạ chi với tôi. Anh sinh hoạt với tôi trong thiếu đoàn Lam Sơn tại Đà Nẵng. Lúc đó, anh là đội trưởng đội Voi, tôi là đội trưởng đội Gấu. Trong các giải thể thao học sinh trung học tỉnh Quảng Nam , có lần anh lọt vô chung kết giải bóng bàn nhưng chưa hề đoạt được chức vô địch. Sở trường của anh là cú đánh rờ ve mạnh và chính xác. Những danh thủ bóng bàn danh tiếng như Lê Văn Tiết, Lê Văn Inh, Nguyễn Văn Ngọc , Trần Văn Đức cũng không có cú rờ ve đẹp, mạnh và chính xác như anh. Tại viện đại học Đà Lạt, anh cũng đứng thứ nhì sau Đặng Minh Phương. Đặng Minh Phương không trắng trẻo đẹp trai bằng anh. Phương ít nói , trầm lặng và ít giao thiệp như lối đánh bóng bàn của anh: Gò banh kỹ và xoáy. Phương nghiện thuốc lá Phillip Moris nên anh em đặt cho Phương biệt danh Phương Phillip. Người vô địch không lọt vô mắt xanh của giai nhân. Người đứng nhì được hưởng diễm phúc. Một buổi sáng tôi thấy anh đi cạnh một cô trên đường đi đến giảng đường Thụ Nhân. Mặt anh đầy hãnh diện. Người tình của anh là một giai nhân có đôi mắt đẹp sâu thẳm và vẻ đẹp sang trọng, nhất là khi cô mặc bộ áo lạnh cổ lông thú trắng tinh. 

Nhiều nhân vật ưu tú nổi lên một cách rõ rệt. Anh Nguyễn Tường Cẩm nổi lên như một chuyên viên tổ chức hoạt động xã hội. Họ tên Nguyễn Tường khiến mọi người tưởng anh là cháu của nhà cách mạnh Nguyễn Tường Tam. Anh Cẩm bà con với giáo sư kinh tế Nguyễn Cao Hách, anh không thuộc giòng họ Nguyễn Tường. Theo anh tuy không có họ hàng với nhà cách mạng Nguyễn Tường Tam, nhưng tình thân giữa anh và gia đình Nguyễn Tường Tam còn hơn ruột thịt. Anh là bạn thân với cô Thoa con gái Nhất Linh. Bà Nguyễn Thị Thế em của Nhất Linh rất quý mến anh. Bà Thế đã nhận anh làm con nuôi.

Anh Cẩm và chị Lan Anh lên Đà Lạt mang theo lời ủy thác của ban lãnh đạo Hội Thanh Niên Thiện Chí Sài Gòn gồm các anh Nguyễn Hy Văn, Trần Văn Ngô, Hà Tường Cát, Dương Mạnh Hùng :” Cẩm và Lan Anh lên Đà Lạt học, cố hoạt động, quy tụ anh em thành lập Hội Thanh Niên Thiện Chí Đà Lạt “. Cẩm đã thực hiện lời ủy thác rất thành công. Tháng đầu tiên anh tổ chức nhiều trại công tác xã hội, những buổi đi pinic, những buổi thảo luận. Anh trở thành nhân vật nổi bật nhất của Viện. Hội Thanh Niên Thiện Chí qui tụ được nhiều sinh viên nam nữ tham gia. Đây là tổ chức làm công tác xã lớn nhất của Viện Đại Học . Hội Thanh Niên Thiện Chí có văn phòng tọa lạc trên đường Võ Tánh . 

Ba anh Nguyễn Tường Cẩm, Lê Đường và Hoàng Văn Lộc thành lập ra ba đoàn thể. Anh Lộc là người có mộng lớn hơn cả. Anh Cẩm chỉ đơn thuần nghĩ đến công tác xã hội. Anh Đường vì cái nghiệp Hướng Đạo anh mang vào người từ năm lên sáu nên anh phải gánh. Anh Lộc tham vọng tham chính để cải tạo xã hội. Mộng của anh ít nhất đạt đến là dân biểu. Tôi thường nghe anh ca tụng hình ảnh một vị dân biểu đang phát biểu về chương trình tranh đấu cho sự giàu mạnh, tự do, dân chủ của đất nước tại diễn đàn Quốc Hội hoặc trước cử tri …

Đoàn viên của hai đoàn Thanh Niên Thiện Chí và Công Tác Xã Hội là sinh viên, không có đoàn viên là thanh niên học sinh. Tráng đoàn Hùng Vương mở rộng ra bên ngoài viện Đại Học. Thay vì chỉ có một toán Thụ Nhân trong những tháng đầu tiên, Tráng đoàn Hùng Vương có thêm toán Bắc Đẩu do anh Chương làm trưởng toán. Anh Chương là giáo viên một trường tiểu học tại trại Hầm. Toán Bắc Đẩu ngoài anh Chương các toán viên phần lớn là thanh niên lao động tại các vườn rau, cây ăn trái tại Trại Hầm. Đây là điểm son của tráng đoàn Hùng Vương mà các tráng đoàn khác không có. Tráng sinh của các tráng đoàn khác phần lớn là sinh viên học sinh và thành phần trí thức. Một điểm son khác của tráng đoàn Hùng Vương là một toán tráng của Giáo Hoàng Chủng Viện xin gia nhập tráng đoàn Hùng Vương. Toán tráng Giáo Hoàng Chủng Viện gồm những tu sinh của Giáo Hoàng Chủng Viện. Tu sinh Tiến Lộc làm Toán Trưởng của toán Giáo Hoàng Chủng Viện. Anh Lê Đường có mộng lớn là làm một cuộc cách mạng trong Hướng Đạo. Anh muốn tráng đoàn Hùng Vương có toán tráng nữ. Toán nữ Mê Linh do cô Thoại Anh làm toán trưởng gia nhập tráng đoàn Hùng Vương. Cô Thoại Anh là em gái của anh Đường. Ý muốn của anh Đường bị các anh Trưởng tại Đà Lạt chống đối kịch liệt vì ước muốn của anh Đưòng trái với đường lối tổ chức của Phong Trào Hướng Đạo thế giới. Hai hội nữ và nam Hướng Đạo là hai hội riêng biệt không sinh hoạt chung với nhau. 

634226657538338895_400x261

Chín mươi chín phần trăm sinh viên Chính Trị Kinh Doanh học toàn thời gian đều biết anh Nguyễn Tường Cẩm, Trần Quang Cảnh. Một anh không được nhiều người biết bằng anh Cảnh và Cẩm, nhưng có công lớn với lớp học và viện là anh Nguyễn Huỳnh Tân. Anh Nguyễn Huỳnh Tân đã thực hiện được mục tiêu của nhà trường đề ra : Gửi sinh viên đi làm tại các công ty, xí nghiệp trong dịp hè để lấy kinh nghiệm. Anh sáng lập ra một tổ chức tên là KAPPA DELTA. Anh Tân giải thích về tên Kappa Delta như sau Kappa là từ K và Delta là từ D trong tiếng Hy Lạp. K là từ đầu của chữ Kinh và D là từ đầu của chư Doanh trong tiếng Việt. Lối đặt tên này rất thông dụng cho các nhóm sinh viên thân hữu trong các trường đại học Mỹ.

Tổ chức Kappa Delta vượt ra phạm vi Viện và vươn tới thủ đô Sài Gòn và những thành phố lớn. Điều này cũng dễ hiểu vì Sài Gòn và các thành phố lớn có nhiều Công Ty, Xí Ngiệp và cơ quan hành chánh . Anh Tân có tài tổ chức và ngoại giao. Anh soạn thảo ra một bản điều lệ nội qui của Kappa Delta. Bản điều lệ nội qui này được anh đặt cho một cái tên rất kêu BẢN HIẾN ƯỚC. Bản Hiến Ước gồm nhiều chương và điều khoản chặt chẽ hơn bản Nội Qui của Hợp Tác Xã Sivida. Những chương và điều khoản quy định tên gọi, nhiệm vụ, phương cách tổ chức và điều hành các hoạt động, qui định nhiệm vụ và trách nhiệm của các chức vụ, qui định việc bầu cử và nhiệm kỳ ..vv … Anh liên lạc và làm một bản giải trình với Tổ chức ASIAN FOUNDATION, một tổ chức vô vụ lợi chuyên giúp đỡ và hổ trợ tài chánh cho những chương trình giáo dục tại quốc gia đang phát triển. Asian Foundation chấp nhận hổ trở tài chánh cho Kappa Delta theo phưong cách sau : Kappa Delta có nhiệm vụ tìm những công ty, xí nghiệp, cơ quan chịu nhận sinh viên đến thực tập trong thời gian hè. Lập hồ sơ những sinh viên đi làm hè và gửi đến Asian Foundation. Công ty nhận sinh viên thực tập trả tiền hay không trả tiền cho sinh viên. Asian Foundation qui định một sinh viên đi làm hè căn bản được trả ba ngàn đồng. Sinh viên nào được trả từ ba ngàn đồng trở lên thì sinh viên được giữ toàn bộ số tiền. Sinh viên nào được công ty trả thấp hơn ba ngàn hay không được trả tiền thì sẽ được Asian Foundation bù cho đủ ba ngàn.

Được sự hỗ trợ của Asian Foundation, anh Tân liên lạc với các công ty xí nghiệp lớn như Esso, Shell, Đường, Thủy Tinh, Đồ Gỗ Đồng Nai, Citroen .v. v. , những ngân hàng Nông Công Thương, Kỹ Thương Ngân Hàng .v.v., các khách sạn lớn như Caravelle, Magictic .v.v., các cơ sở hành chánh như bộ Kinh Tế, Ngoại Giao, Lao Động, Việt Tấn Xã, Khuếch Trương Kỹ Nghệ, USAID .v.v. để vận động những nơi này thâu nhận sinh viên thực tập. Sinh viên tham gia chương trình thực tập hè phải qua một buổi phỏng vấn về trình độ sinh ngữ, khả năng đối đáp .v.v. . Nếu qua được phỏng vấn sinh viên sẽ được đưa tới nơi thực tập. Tổ chức Kappa Delta lập hồ sơ sinh viên thực tập và chuyển đến Asian Foundation. Giai đoạn cuối của Kappa Delta là theo dõi và bá cáo cho Asian Foundation .

Nhiệm kỳ đầu của Kappa Delta gồm những anh chị :

Nguyễn Huỳnh Tân Chủ Tịch
Đinh Văn Chính Phó Chủ Tịch
Thái Văn Lành Tổng Thư Ký
Nguyễn Thị Gấm Thủ Quỹ

Viện nhìn thấy lợi ích thiết thực của Kappa Delta đem lại cho sinh viên nên hai thầy Trần Long và Phó Bá Long đã mời anh Nguyễn Huỳnh Tân thảo luận để kiện toàn và khuếch trương tổ chức Kappa Delta. Hai thầy khen ngợi anh Tân và đề xuất với anh nên mở rộng Kappa Delta đến các viện Đại Học Sài Gòn và Huế. Anh hứa sẽ nghiên cứu đề nghị của hai thầy. Chuyện không may xẩy ra cho anh. Anh bị bệnh kiệt sức do làm việc nhiều và suy nghĩ quá sức nên anh phải đề cử anh Đinh Văn Chính xử lý thường vụ chức chủ tịch một tháng để lấy lại sức khỏe .

Kappa Delta lớn mạnh hơn nhờ sự hỗ trợ của cha viện trưởng. Cha viện trưởng sát nhập Kappa Delta vô văn phòng Sinh Viên Vụ của viện đại học Đà Lạt. Kappa Delta có tên mới là Công Tác Tìm Việc Hè, nhưng sinh viên vẫn quen với tên Kappa Delta. Văn phòng Công Tác Tìm Việc Hè có trụ sở tại lầu hai building Công Trường Lam Sơn tại Sài Gòn. Anh Tân đảm nhận điều hành văn phòng này.

Anh Tân không chỉ thành công trong công việc và học hành, anh thành công cả trong đường tình ái. Mối tình của anh với một cô đồng môn là mối tình đẹp và lạ. Mối tình của anh thành công do tài năng, tài ăn nói của anh và còn do hoàn cảnh lịch sử tạo thành. Năm 1963, anh thi vô trường Y Khoa Sài Gòn. Ngồi cạnh anh là thí sinh Ngô Đình Lệ Thủy. Trong lúc cuộc thi đang diễn tiến, một số sinh viên tranh đấu chống chế độ hô đả đảo Ngô Đình Diệm, xé bài thi và hô hào thí sinh bỏ phòng thi. Thi vào Đại Học Y khoa không thành, anh tạm thời đổi qua học trường Dược. Trong buổi thực tập tại bệnh viện Grall, anh làm quen với với cô gái Bắc Kỳ. Anh đặt tên cho cô này tên : CÔ EM BẮC KỲ BÉ BỎNG.

Viện Đại Học Đà Lại mở một ngành học mới dậy về quản trị , kinh doanh và chính trị, anh lên Đà Lạt trước ngày khai giảng một tháng để tìm một hướng đi trong tương lai. Cô em Bắc Kỳ Bé Bỏng theo anh lên Đà Lạt và cũng trở thành cô sinh viên trường khóa I Chính Trị Kinh Tế và Quản Trị Xí Nghiệp như anh. Không một sinh viên nào trong chúng tôi làm được sự diệu kỳ như anh Tân.

Sôi động, vui vẻ và linh hoạt là lãnh vực báo chí, văn thơ. Khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên là trung tâm văn thơ báo chí văn nghệ của Viện Đại Học Đà Lạt. Văn thi sĩ ở nam đại học xá, nữ đại học xá tham gia sinh hoạt báo chí văn thơ đều đến khu Võ Tánh để thi thố tài năng. Không những chỉ có văn nghệ sĩ sinh viên Đà Lạt mà cả những văn nghệ sĩ thành danh cũng tìm đến khu này. Khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên trở thành khu sinh viên và nghệ sĩ Monmartre Đà Lạt. Vợ chồng Lê Uyên và Phương nhà ở ngay khu Võ Tánh được coi như người nhà của Viện mặc dù anh chị Lê Uyên và Phương không phải là sinh viên. Anh chị Lê Uyên và Phương sinh hoạt mật thiết với nhóm văn thi sĩ Viện Đại Học Đà Lạt. Ban nhạc Mây Cao Nguyên của anh luôn luôn có tiết mục thi nhạc giao duyên. Nguyễn Minh Tuấn hát, Lê Xuân Nho ngâm những bài thơ do anh sáng tác.

Những ngày nghỉ , nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường tới căn gác số 79 Võ Tánh. Căn gác này là phòng trọ của Giáo sư Đỗ Long Vân. Giáo sư Vân tốt nghiệp đại học Sorbone và là giáo sư Văn Khoa viện đại học Đà Lạt. Giáo sư Vân thực hiện được một điều khiến anh em khu 79 Võ Tánh thán phục. Ông bỏ công sức và thời gian học Hán văn để đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung của các báo Hồng Kông thay vì phải chờ các báo Việt ngữ dịch. Tình thân giữa giáo sư Vân và anh em khu 79 Võ Tánh trở nên thân thiết như anh em, bạn bè. Anh em khu 79 Võ Tánh mỗi khi nấu món đặc biệt đều mời giáo sư Đỗ Long Vân và Trịnh Công Sơn ăn chung. Tôi đoán Trịnh Công Sơn sáng tác bản nhạc Lời Buồn Thánh tại Đà Lạt và tại căn gác 79 Võ Tánh hay ít nhất cũng lấy cảm hứng từ những ngày sống tại căn gác 79 Võ Tánh.
 

 Lời Buồn Thánh

 Chiều chủ nhật buồn
 Nằm trong căn gác đìu hiu
 Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
 Trời mưa, trời mưa không dứt
 Ô hay mình vẫn cô liêu
 Chiều chủ nhật buồn
 Nằm trong căn gác đìu hiu
 Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
 Bạn bè dời xa chăn chiếu
 Bơ vơ còn đến bao giờ
 Chiều chủ nhật buồn
 Nằm trong căn gác đìu hiu
 Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
 Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi
 Tôi xin năm ngón tay em đi vào cô đơn
 Chiều chủ nhật buồn lặng nghe gió đi về
 Chiều chủ nhật buồn lặng nghe gió đi về

 Trịnh Công Sơn  

Con chim đầu đàn thơ văn báo chí của khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên là Nguyễn Lập Chí. Chí lập nên nền tảng cho phong trào báo chí văn thơ của khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên với sự hỗ trợ đắc lực của Nguyễn Văn Sơn. Hai anh đã cho ra tờ Tí Tí . Tờ Tí Ti là tờ báo bán nguyệt san. Đây là tờ báo duy nhất của sinh viên loan tin đầy đủ về Khóa Hội thảo Mục tiêu quốc gia 1966 tổ chức tại Viện Đại học Đà Lạt. Để có phương tiện thực hiện và điều hành tờ báo Tí Ti, Chí và Sơn đã vận động với USOM để xin giúp đỡ các phương tiện tối tân nhất lúc đó để thực hiện tờ báo như máy quay roéno Gestetner, máy đánh chữ IBM, stencil, mực, giấy …

Nguyễn Lập Chí là kịch sĩ của đoàn kịch Vũ Đức Duy (nghệ danh là Hoàng Sĩ Tâm, chử trên chử tâm là chử chí), nhà văn, nhà báo và họa sĩ. Chí điều hành và trình bầy tờ báo Tí Ti, Sơn là cây viết chính và thường trực của tờ báo. Sơn là thi sĩ có tài, tính tình cởi mở phóng khoáng nên được nhiều anh em văn thi sĩ hợp tác. Những cây bút hàng đầu của khu Võ Tánh như Phạm Chí Thành, Mai Kim Đỉnh, Hồ Phán, Nguyễn Tường Cẩm, Trương Duy Hào, Phùng Minh Tiến ..v..v.. đã cùng với Chí và Sơn xây dựng nên nền tảng sinh hoạt báo chí cho khu Võ Tánh. Khu văn học Võ Tánh thu hút văn thi sĩ có tài ở nơi khác đến : Minh Hân, Trần Đại, Hoàng Ngọc Nguyên của nam Đại Học Xá, Trần Trọng Thức, Nguyễn Quang Tuyến, Phan Thạnh, Nguyễn Khải của khu 7 Trần Bình Trọng.

Nguyễn Văn Sơn để râu. Râu anh không rậm rạp. Anh để râu để che một vết sẹo rất nhỏ trên môi phía trái. Anh là người may mắn. Nhiều sinh viên để râu nhưng không được bạn bè thêm chữ Râu sau tên của mình. Anh là người được anh em gọi là Sơn Râu, tên này thực ra đã thành danh từ thời trung học. Anh lấy bút hiệu rất thơ Ly Sa. Đây là bút hiệu của anh từ thời anh học trung học Petrus Ký, là tên ghép của hai bạn thơ văn của Sơn. Ly là nữ sinh Gia Long, Sa là nữ sinh Trưng Vương. Sơn làm thơ từ năm đệ ngũ, làm thợ sửa morasse nhà in từ năm đệ tứ, làm báo từ năm đệ tam. Anh luôn phụ trách tờ báo của lớp và có lần của trường. Thơ anh được đăng trên nhiều tờ báo văn nghệ của Sài Gòn. Thường thường các văn thi sĩ tài tử khác chỉ nhận được báo biếu của các tạp chí văn nghệ cho các bài được đăng. Nhưng Sơn thì được các báo trả nhuận bút 30 đến 50 đồng cho mỗi bài thơ, 200 đến 300 đồng cho mỗi truyện ngắn. Đây cũng là nguồn sống của anh trong năm học thứ nhất tại Đà Lạt.

Sau đây là bài thơ của Sơn đăng trên tờ Tí Ti.

 Bài thơ bỏ quên

 Chim quyên bay xuống đất
 Chim quyên bay lên trời
 Anh nhìn theo mút mắt
 Chim bay tít mù khơi

 Chim bay về Châu Đốc
 Líu lo cành sương đêm
 Hai phương trời cách biệt
 Trời Long An buồn tênh
 Noung Sary ơi
 Anh cắn nát môi mềm

 Rồi chim bay, bay mất
 Bay qua hòn Vọng Thê
 Bay ngang rừng núi Cấm
 Gãy cánh giữa trùng khơi

 Anh về qua biên giới
 Trời chiều mưa bụi bay
 Khóc em khô nước mắt
 Nhớ em như cuồng say
 Noung Sary ơi
 Sống đây mà đợi ai.

 1965

Từ nền tảng do Nguyễn Lập Chí và Nguyễn Văn Sơn khởi đầu nhiều nhóm văn chương báo chí thành hình sau này. Nhiều tờ báo in roéno đã ra đời. Nổi bật trong những nhóm văn thơ là bộ ba Minh Hân, Trần Đại và Hoàng Ngọc Nguyên và nhóm Nước Mắt Mẹ.

Bộ ba Hân, Đại và Nguyên không được anh em đặt cho biệt danh như bộ ba Tam Quái. Khác hẳn Tam Quái về thể chất, Hân, Đại, Nguyên nhỏ con như những con chim khuyên. Khác Tam Quái về phong thái, Hân, Đại, Nguyên đến đâu cũng nghe tiếng nói, tiếng cười. Tôi đặt tên cho Hân, Đại, Nguyên là Bộ Hai Rưỡi với những lý do sau :

Thứ nhất Minh Hân, Trần Đại và Hoàng Ngọc Nguyên đều nói giọng Bắc nhưng chỉ có hai là dân Bắc chính cống còn anh thứ ba có tài giả giọng tuyệt vời. Anh thứ ba học trường Chu Văn An, Sài Gòn. Hầu hết học sinh trường Chu Văn An là người Bắc di cư. Anh thứ ba đã thắng một cuộc cá độ tại trường Chu Văn An. Anh nói một câu bằng các giọng Huế, Sài Gòn, Hà Nội và Quảng Nam. Người cá độ với anh nhất định bảo anh là người Bắc. Anh rút thẻ căn cước cho mọi người xem : Hoàng Ngọc Nguyên sinh quán Quảng Trị. Nguyên thắng độ cá.

Lý do thứ hai trong ba anh, Minh Hân và Trần Đại gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Hân và Đại yêu văn nghệ và nhất là rất mê làm báo. Máu của hai anh là máu của những người yêu văn thơ và tinh thần của hai anh là tinh thần phục vụ văn thơ không tính toán. Tâm hồn và đời sống của hai anh rất phóng khoáng, nghệ sĩ. Hoàng Ngọc Nguyên viết báo từ thời trung học. Anh có tài dịch thuật từ Anh ngữ sang tiếng Việt. Anh thích khôi hài và châm chọc nên khác biệt đôi chút với tính tình nghệ sĩ, phóng khoáng, độ lượng của Minh Hân và Trần Đại.

Ba anh Minh Hân, Trần Đại, Hoàng Ngọc Nguyên có tài. Ba anh được mọi người quí mến.

Minh Hân là thi sĩ. Thơ anh có nét giống Bùi Giáng. Bài thơ sau đây của anh nói lên khắc khoải của anh về con người anh và dân tộc

 Tự Hỏi

 Tôi đã làm được gì ?
 Hân ơi đồ ăn hại !
 Sáng Thủy Tạ, Nam Sơn
 Chiều Mê Kông, Đông Hải
 
 Tôi đã làm được gì ?
 Hai mươi mốt năm dương mắt
 Tai ù đặc kinh cầu
 Ly rượu khuya sủi máu …

 Đất nước mình cụt đầu
 Con ơi con nhớ lấy

 
Minh Hân (VĐHĐL 65)

Trần Đại là nhà thơ, nhà văn và nhà báo. Anh là cây viết thường trực của tạp chí Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi. Anh là tác giả của những tập thơ Con Đường, Chiến Tranh và Tình Yêu.

Nhóm Nước Mắt Mẹ có tinh thần dấn thân hơn tất cả các nhóm văn nghệ khác. Mơ ước của nhóm này Mắt Mẹ Việt Nam ráo lệ và miệng Mẹ Việt Nam nở nụ cười tươi. Trụ sở nhóm này tại số 7 Trần Bình Trọng. Nhóm gồm Trần Trọng Thức, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Khải, Phan Thạnh, Đoàn Công Chánh Phú Lộc, Hoàng Kim Châu …

Chưa thi cử nhưng Mai Kim Đỉnh đã được công nhận là sinh viên ưu tú trong việc học hành. Anh có trí nhớ thần sầu. Nguyễn Ngọc Châu kể lại rằng : Một lần anh đến chơi tại phòng Đỉnh tại khu 42 Võ Tánh. Đỉnh đưa cho Châu mấy quyển sách đọc thêm về kinh tế và nói :
- Bạn dở một trang, tôi sẽ đọc cho bạn nghe
Đĩnh đã đọc một đoạn của trang sách cho Châu nghe khiến Châu giật mình thán phục trí nhớ của Mai Kim Đỉnh.

Mai Kim Đỉnh có nếp sống mẫu mực và cần mẫn trong việc học, vui chơi và tình ái. Anh ham đọc sách, không nghiện thuốc cà phê rượu, không đi xi nê. Câu nói nổi tiếng của anh :  “ Xi nê là kiến thức đóng hộp”. Trong vui chơi anh cũng đặt ra qui luật rõ ràng và anh tuân theo nghiêm chỉnh những gì mình đặt ra. Đỉnh, Thái Văn Lành, Lê Hồ Hải, Hồ Bửu Lý thỏa thuận với nhau về việc đánh bài. Chỉ đánh bài vào ngày thứ bẩy từ 12 giờ trưa đến 01 giờ trưa nghĩa là đánh bài 1 giờ mỗi tuần. Không được đặt quá 5 đồng một ván. Bài bạc đối với anh chỉ để giải trí. Nghiêm chỉnh và đạo mạo , nhưng anh nói diễu giỏi và thâm thúy. Anh là một trong những cây viết nòng cốt của khu Võ Tánh. Anh đang hoàn thành một tập truyện ngắn NHỮNG NGÀY BIẾN ĐỘNG. Học giỏi, đẹp trai, mặt mày phúc hậu, tính tình vui vẻ nên anh được nhiều cô để ý. Một cô xinh đẹp của nữ đại học xá tìm đến anh với lý do hỏi bài vở. Cô nằm trong danh sách những mỹ nhân của lớp tôi. Nhiều anh chàng muốn tán tỉnh cô, nhưng thấy cô quan tâm tới anh Đỉnh nên đành dấu niềm thương nhớ trong đáy lòng. Anh Đỉnh thờ ơ. Không ai thấy anh đi chơi với một nữ sinh trung học hoặc nữ sinh viên. Mai Kim Đỉnh có biệt danh : Tư Liệt. Mọi người đều tưởng Tư Liệt là biệt danh bạn bè đặt cho anh. Thật ra Tư Liệt là bút danh của Mai Kim Đỉnh ký dưới một bài phú của anh trong Nội San Mùa Xuân của trường Pétrus Ký, trong đó có câu : "trong khuê phòng, Pétrus Ký bắt chí Gia Long" đã tạo nên một cơn sóng gió nhỏ. Lúc đó Đỉnh mới là cậu học sinh lớp đệ tam. 

Một tấm lòng mở rộng với những người anh em sinh ra cùng một bọc. Anh Nguyễn Thanh Nhàn là người sinh viên độc nhất của trường Chính Trị Kinh Doanh học tiếng Thượng. Tôi thường thấy anh cầm một quyển vở có ghi chép tiếng Thượng nhưng tôi không biết anh học tiếng Thượng của bộ tộc nào và học với ai. Một buổi trưa, Nhàn đang nói gì với một người đàn bà Thượng đang nằm khóc trên đường Võ Tánh trước cổng trường Bồ Đề. Tôi hỏi Nhàn:

- Mi làm chi mà bà ta khóc vậy?
Nhàn phân trần :
- Bà nằm khóc ngoài nắng. Tao không biết nói làm sao cho bà ấy hiểu để bà không nằm ngoài nắng
- Tao với mi khiêng bà ấy vô chỗ mát.
- Đâu được.
Nhàn nói tiếng Thượng với bà ta. Bà ta đứng dậy vô chỗ mát ngồi khóc tiếp. Nhàn hớn hở nói với tôi :
- Tao nói : Mặt trời đang nhìn bà. Bà bốc cháy.

Tôi không biết bà người Thượng thực sự hiểu anh Nhàn nói hay hiểu ngôn ngữ bằng tay của anh Nhàn. Tôi thấy khi anh nói, anh chỉ mặt trời và anh chỉ bà ta. Nhưng dù gì đi nữa tinh thần hiếu học và nhân ái của anh cũng đáng quí.

Một anh bạn dễ thương ở khu Võ Tánh. Anh ta không đẹp trai, cũng không xấu trai, không cao như Tây và cũng không thấp như Nhật Lùn. Anh ta là thi sĩ nhưng không phải là thi sĩ đa tình yêu đương trai gái lãng mạng. Thơ của anh nói về những hoài bão của anh. Những hoài bão chọc trời khuấy nước. Mấy anh chủ báo khu Võ Tánh không đăng thơ anh với lý do thơ anh chọc trời còn thủng, chọc mấy tớ giấy nát bét hết. Anh đáng mến vì anh biểu lộ cá tính một trăm phần trăm của dân miền Tây Nam Bộ. Giọng nói của anh ồm ồm như ễnh ương. Nhìn anh ta cũng thấy được con người miền Tây Nam Bộ không cần phải nghe anh nói. Anh đeo cập cận dầy cộm, trông anh như nhà đại trí thức. Anh nói hơi cà lăm nhưng anh sẵn sàng tranh luận cho lẽ phải đến cùng. Thật thà như đếm, ngay thẳng bộc trực, lưng thẳng không cong đúng cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Anh em thương mến anh nhưng cũng hay chọc ghẹo anh. Chọc ghẹo để anh nói, anh cãi. 

Trái ngược hẳn với anh miền Tây Nam Bộ là một anh tài hoa làm tôi ngạc nhiên. Anh này đúng là Tây. Anh học trường Yersin. Anh là ca sĩ hát nhạc kích động số một của Viện. Anh hát toàn nhạc Tây nhạc Mỹ. Bài anh thường hát là Love Potion Number 9, San Francisco. Anh đẹp trai, da anh trắng hồng. Nếu anh cưỡi ngựa trên đồi cù và có hai nàng đứng dưới cây liễu trong vườn Bích Câu, người ta sẽ tưởng anh đang đóng vai Kim Trọng cưỡi ngựa đi dự lễ Tảo Mộ và hội Đạp Thanh trong bộ phim Kim Vân Kiều. Bạn bè đặt cho anh tên trái ngược hẳn với con người hào hoa phong nhã của anh : Dân Dân Vệ. Anh không giận trái lại anh vui vẻ với cái tên không mấy đẹp này. Học trường Tây, hát nhạc Tây nhưng anh viết văn, viết kịch tiếng Việt. Anh có tài viết văn một vần thành một câu truyện hài hước rất hay. Trong buổi văn nghệ đông người tham dự anh thường hát nhạc kích động. Trong buổi văn nghệ ít khán thính giả tham dự hoặc buổi họp bạn thân mật anh thường kể truyện tiếu lâm, đặc biệt là các truyện một vần do anh sáng tác. Trong anh có hai con người: một con người rất Tây và con người rất Việt Nam. Câu truyện Dân Vệ được anh kể trong lần họp mặt đầu tiên làm mọi người cười hả hê và gắn cho anh biệt danh Dân Dân Vệ. Anh thật may mắn, tên anh đã gắn liền với tác phẩm của anh. Chỉ có những văn sĩ, nhạc sĩ danh tiếng mới có tên gắn liền với tác phẩm.

Anh là dân Bắc Kỳ, anh giả giọng Nam Kỳ rặc để trình diễn bài Dân Vệ gồm ba vần D, G và V thành một vần D

 DÂN VỆ

Giáo viên già vô giáo dục về vườn ve vãn dụ dỗ vợ dân vệ. Giáo viên giả danh giòng dõi danh dá, giỏi dang. Vợ dân vệ diêm dúa, dáng dấp dong dỏng, dáng vẻ dâm dật. Giáo viên dẫn vợ dân vệ vô vườn dâu dạy vũ. Vừa vũ vòng vòng, giáo viên vừa diễu dí dỏm, vừa ví von duyên dáng. Vợ dân vệ vui dữ. Giáo viên giọng dê, dìu vợ dân vệ vô võng, dấm dớ vuốt vai, vuốt vế, vuốt … vú vợ dân vệ. Vợ dân vệ giả dạng dùng dằng, dẫy dụa. Giáo viên giận dỗi, véo vai, véo vế, vò … vò vú vợ dân vệ …
Dần dà, giáo viên và vợ dân vệ du dương dài dài, dồn dập, dai dẳng dẻo dai.
Dân vệ về, dáng vóc dềnh dàng vạm vỡ vì giỏi võ. Dân vệ dòm giáo viên già du dương với vợ. Dân vệ giận dữ. Dân vệ dịu võ, dếnh giáo viên vài vố, dộng vào vai, giáo viên văng vô vách, dội vô giường … văng vô vách, dội vô giường, dập … dạ dầy. Giáo viên vội vã dọt. Dân vệ dáo dác dòm, giọng giận dữ :
- Giáo gì giáo vậy ! Giáo vậy giáo gì ! Giáo dâm giáo gian ! Giáo dê giáo dịch !
- Vợ gì vợ vậy ! Vợ vậy vợ gì ! Vợ dơ vợ dáy ! Vợ gì dễ dụ dỗ vậy!
Dân vệ dọa dẫm giết giáo viên già. Vợ dân vệ vội vàng vuốt giận dân vệ :
- Giận gì giận dữ vậy ?
Dân vệ giọng gầm dằn :
- Diễu dở ! Dĩ vãng dễ gì dấu diếm !
Danh dự, danh giá dân vệ giờ dập vùi vì giáo viên !
Vợ dân vệ vội vã dụ dân vệ vô giường, dựa vô vai dân vệ, vừa diễn giải dài dòng, vừa vuốt ve, vuốt … dỗ dành dân vệ. Dân vệ dại dột … giấu dịu
Dòm vợ dưới giáng vẻ dâm dục. Dục vọng dân vệ dần dần dâng dữ dội. Dân vệ du dương vài vố dã dượi với vợ. Dân vệ và vợ vui vẻ !!
 Lưu Văn Dân

 Có lần anh dùng giọng Bắc đặc sệt để trình diễn câu truyện một vần Xã Xệ. Anh có rất nhiều truyện một vui dí dỏm một vần như Rầu Rĩ Rong Rêu, Đêm Đông, Lính Lệ Lính Làng, Bà Ba Béo Bán Bánh Bò…. Truyện vui một vần Câu Cá sau đây chứng tỏ anh là văn sĩ có tâm hồn hài hước, thông hiểu tâm lý và phong tục Việt, nắm vững từ ngữ tiếng Việt. Anh là nhà văn có tài.

 Câu Cá

Cậu cả Còm con cụ cả Cú cùng cô Cúc câu cá cùng cậu Cẩn cạnh cầu Cống. Cá chỉ cắn câu cậu cả Còm. Cậu Còm cười cười !
Cá chẳng chịu cắn câu cậu Cẩn. Cậu Cẩn cay cú. Cậu Cẩn cau có, cậu cào, cậu cấu. Càng cay cú, càng cau có, cá càng chẳng chịu cắn câu. Cậu cẩn chửi cha con cá, chửi cả cố con cá. Chửi “ Cá cà chớn ! Cá cà chua ! Cá cà chác !“
Có con cua cắn cần câu của cậu Cẩn. Cậu Cẩn co cái cẳng, cong cái cổ, chụp con cua, cắn càng cua cái cụp ! Cuối cùng con cua chẳng cục cựa chi cả. Con cua chết !
Chừng chiều, có cả chục con cá cắn câu cậu Cẩn. Cậu Cẩn cười chúm chím, cậu Cẩn ca cải cách.
Đời sau, có người vịnh câu chuyện trên bằng những vần thơ “con cóc” như thế này

Cành cụt cầu cao cậu Cẩn câu
Con cua cắc cớ cạp cần câu
Cậu Cẩn co chân, cong cái cổ
Cắn con cua chết cứng cạnh cầu
 Lưu Văn Dân


Đọc những truyện một vần của anh, ai nghĩ Lưu Văn Dân học trường Tây từ ngày còn bé. Nếu anh từ bỏ con đường học vấn với ước muốn trở thành một nhà kinh doanh, một quản trị gia, một chính trị gia và bỏ hết thời gian để phục vụ văn nghệ, tôi tin chắc rằng tiếng tăm anh sẽ vượt xa quái kiệt Trần Văn Trạch. Anh sẽ trở thành một ca sĩ hát nhạc kích động, một nghệ sĩ khôi hài. Nhưng vĩ đại nhất là anh sẽ trở thành một nhà văn chuyên viết truyện một vần vĩ đại độc nhất vô nhị của Việt Nam. Tiếc cho anh, tiếc cho dân tộc không được hưởng hết tài năng trời ban cho anh Lưu Văn Dân.

Tôi không biết ở khu Monmartre Paris sinh viên có hay bài bạc không. Khu nam Đại Học Xá, khu Võ Tánh có nhiều sòng bài nhỏ đánh cát tê, xì lác, binh xập xám. Những sòng bài này ăn thua không lớn và không tụ họp thường xuyên, mục đích chỉ để tiêu khiển giải trí, vậy mà cũng làm nhiều anh điêu đứng vì thua bạc. Có anh phải thắt lưng buộc bụng không ăn sáng, tắm nước lạnh không tắm nước nóng , có anh đang ăn cơm tháng tại quán cơm Ba Dế bỗng thấy có mặt tại quán cơm Lữ Quán Thanh Niên với chúng tôi, có anh phải vay mượn … để chờ ngày nhận bưu phiếu của gia đình. Sòng bài lớn nhất là sòng bài số 36 Võ Tánh. Sòng bài 36 Võ Tánh chỉ chơi một loại bài đánh phé. Sòng bài chỉ gồm sinh viên có thành tích đánh phé giỏi và dĩ nhiên có nhiều tiền trong nam đại học xá, khu Võ Tánh. Sòng còn có những người không phải là sinh viên tham gia. Những anh gập vận đỏ thường thấy có mặt tại nhà hàng Shanghai, Nam Sơn, Vũ Trường Tulip Rouge. Những anh vận đen có khi biến mất một hai tháng không thấy đến lớp. Tôi nghe nói một cao thủ phé thường xuyên gập vận đen đã phải từ giã đèn sách. Anh từ giã Đà Lạt trở về Sài Gòn. Anh không trở lại Đà Lạt để tiếp tục đèn sách mà trở thành sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức.

Sinh hoạt vui tươi vừa học vừa chơi là những Toán Học Tập. Những toán học tập được thành lập theo yêu cầu của nhà trường. Toán học tập là một điểm đặc sắc của trường Chính Trị Kinh Doanh. Hai toán đông nhất là nhóm Thiên Địa Nhân do anh Phạm Quang Hiền làm trưởng toán và toán J M Keynes do anh Nguyễn Đức Quang Sơn Tây làm trưởng toán. Hai toán này sĩ số trên hai mươi sinh viên. Những nhóm khác chỉ gồm bẩy, tám sinh viên.

Toán Thiên Địa Nhân thường họp tại quán cơm Lữ Quán Thanh Niên để thảo luận bài vở. Sau đó những buổi họp nhóm thường vào ngày cuối tuần và biến thành những buổi đi pinic vừa học vừa chơi. Toán đi đến các nông trại Nam Sơn , Lạc Dương, cơ sở sản xuất đồ gốm tư nhân ở Trại Mát, cơ sở sản xuất đồ gốm của chính phủ Vĩnh Tường, Tùng Nghĩa, nhà máy điện Đa Nhim . Chuyến đi nào cũng là những buổi học tập đáng nhớ. Đó là những ngày vừa học vừa chơi: Học được cách quản lý khoa học của Công Ty đồ gốm Vĩnh Tường. Học được cách lợi dụng nước suối để tưới của vườn hoa hồng của trại hồng Lạc Dương. Vui là được ngắm những luống hành trắng phau tại nông trại Nam Sơn, vườn hồng đủ màu sắc Lạc Dương, ngắm phong cảnh tuyệt đẹp tại đập Đa Nhim … Thích thú nhất là được ăn uống, vui chơi, đàn hát và tâm tình với bạn bè trong toán. Chẳng mấy chốc các toán viên trở thành thân thiết như anh em và bù đắp được tình cảm xa nhà.

Nhóm J M Keynes gồm toàn những sinh viên gốc Đà Lạt. Toán này thường họp tại nhà trưởng toán Nguyễn Đức Quang Sơn Tây. Bà mẹ của anh Quang Sơn Tây lo nấu nướng phục vụ các Đại Học Sĩ. Có lẽ vì cảm thấy họp mãi một chỗ không vui và ngại làm phiền bà mẹ anh Quang Sơn Tây nên sau này toán tổ chức họp nhóm khi thì Lạc Dương, Đa Nhim, khi thì Hồ Than Thở. Có khi những buổi họp toán trở thành những buổi đi công tác cứu trợ. Buổi họp nào cũng có chương trình phụ diễn văn nghệ lý do anh Quang Sơn Tây là nhạc sĩ phụ trách một chương trình phát thanh Hướng Đạo trên đài phát thanh Đà Lạt. Tại buổi họp tại nhà máy nước hồ Than Thở, Quang Sơn Tây anh hát bài hát anh mới phổ nhạc từ bài thơ Nỗi Buồn Nhược Tiểu của thi sĩ Nguyễn Văn Hoàn.

Sinh viên khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên thường tụ họp vào buổi trưa và buổi chiều tại hai địa điểm Quán Cơm Lữ Quán Thanh Niên và quán cơm Ba Dế.

Quán Cơm Lữ Quán Thanh Niên là quán cơm của chính phủ để giúp đỡ những lữ khách ít tiền và người lao động nghèo. Quán cơm Lữ Quán tọa lạc ở chân đồi Lữ Quán Thanh Niên. Quán ăn là tòa nhà đẹp đẽ, to lớn, rộng rãi và sạch sẽ. Khách hàng phải tự phục vụ. Khách hàng tự đi lấy khay, chén bát đũa, cơm và đi đến quầy để lấy thức ăn do nhân viên nhà hàng phân phát. Ăn xong khách hàng phải đem khay và chén bát đến chỗ do nhà ăn qui định. Chính phủ cung cấp gạo và phương tiện cho nhà thầu. Nhà thầu lấy giá mỗi bữa ăn theo qui định của chính phủ. Giá một bữa cơm ba đồng gồm món canh và một món mặn, cơm ăn tự do. Chiều thứ bẩy và chủ nhật quán ăn đóng cửa. Giá một bữa ăn quá rẻ nên quán cơm luôn luôn đông khách trưa cũng như chiều. Khách hầu hết là nam sinh viên khu Võ Tánh và Lữ Quán Thanh Niên. Nơi đây trở thành nơi tụ tập, hội họp, bàn thảo và đôi khi thách đố nhau của sinh viên. Một cuộc thách đố ăn thi xem ai ăn nhiều. Có ba đại lực sĩ tham dự cuộc thi. Hơn hai mươi cổ động viên vây quanh để cổ vũ và giám sát cuộc thi. Ông quản lý quán cơm Lữ Quán hưởng ứng bằng cách cho ba lực sĩ gấp hai đồ ăn mặn. Kết quả Phùng (không phải là Bùi Đình Phùng và Nguyễn Quang Phùng) ăn được bẩy chén, Hồ Hải ăn được tám chén. Người thắng cuộc thi ăn là Nguyễn Vân Cương. Cương ăn được 12 chén. Giải thưởng trao cho Cương là niềm vui của anh em. Tôi cũng thuộc loại ăn khỏe. Nhịn đói ba ngày, tôi cũng dám dự thi. Một bát canh lỏng bỏng ít rau và váng mỡ và một đĩa đồ mặn gồm bốn năm miếng thịt ba chỉ nhỏ chưa bằng ngón tay út xào với một ít đậu đũa thì tôi không thể nuốt trôi quá chén cơm thứ năm. Với chiến thắng của Cương, tôi tin đại lực sĩ Nguyễn Vân Cương sau này làm gì cũng thành công.

Quán cơm Ba Dế ở gần ngã ba Võ Tánh và chùa Linh Sơn. Ba Duế người xứ Huế, miền Trung. Tên anh là Duế nhưng các anh miền Nam phát âm thành Dế. Sau đó Bắc, Trung, Nam đều gọi quán ăn là Ba Dế. Bữa ăn quán cơm Ba Dế đắt gấp hai lần rưỡi quán Lữ Quán Thanh Niên. Sau tết anh Ba Dế nới rộng, sửa và quét vôi lại quán ăn trông khang trang, sạch sẽ và xinh xắn. Quán cơm Ba Dế bán thêm móm ăn Bún Bò Huế. Mấy anh sinh viên nói đùa rằng : Chỉ sau mấy tháng mở quán nấu cơm tháng cho sinh viên, ba Dế đã trở nên giàu có. Nếu đúng như vậy, thầy Trần Long nên mời anh Ba Dế dậy vài môn về Thương Mại và Quản Trị. Thật ra anh Ba Dế trúng sổ số kiến thiết quốc gia nên có tiền sửa cửa sửa nhà khang trang đẹp đẽ. Vợ chồng anh Ba Dế hiền lành, rộng rãi. Con cái Ba Dế xinh đẹp, lễ phép. Gia đình anh Ba Dế trở thành bạn thân quen của sinh viên khu Võ Tánh - Lữ Quán Thanh Niên . 

Những nhân vật không phải là sinh viên nhưng gần gủi với các tổ chức xã hội của sinh viên : Trung tá Trần Văn Phấn, tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm thị trưởng thị xã Đà Lạt và anh chàng người Mỹ tóc vàng Chris Jenkin.

Trung tá Phấn đã giữ đúng lời hứa ông nói vào buổi tối tại Lữ Quán Thanh Niên. Ông đã cho chúng tôi thuê những phòng tại Lữ Quán với giá rẻ. Ông cung cấp xe hơi để làm phương tiện cho Đoàn Sinh Viên Phụng Sự Xã Hội, Hội Thanh Niên Thiện Chí và đôi khi cả các toán học tập. Mối liên hệ giữa trung tá Phấn và viện đại học rất thân thiện.

Một anh chàng người Mỹ dong dỏng cao, tóc vàng, nói tiếng Việt thành thạo. Anh có tên là Chris Jenkin. Chris là nhân viên của đoàn Thanh Niên Thiện Chí Hòa Bình do tổng thống John Kennedy sáng lập. Chris làm việc mật thiết với Hội Thanh Niên Thiện Chí. Anh là mối giây liên lạc giữa cơ quan USOM và USAID tại Đà Lạt và các hội đoàn xã hội của sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt. 

Những sự kiện xẩy ra tôi vừa kể là câu trả lời tại sao các cô nữ sinh Bùi Thị Xuân không còn làm những chàng sinh viên say mê như những tháng đầu. Lý do đơn giản hằng ngày nam nữ sinh viên gặp nhau trong lớp, sinh hoạt với nhau trong các nhóm học tập, trong các sinh hoạt xã hội, báo chí văn nghệ. Nữ sinh ăn mặc và trang điểm duyên dáng xinh đẹp hơn so với chiếc áo đồng phục màu xanh của nữ sinh trung học. Nam nữ sinh viên phần đông cùng một hoàn cảnh xa nhà, đồng trang lứa, đồng trình độ nên dễ thông cảm thân thiết và đôi khi đi đến mơ mộng yêu đương. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.

Một tháng trước kỳ thi cuối năm, khu Hòa Bình, con đường Duy Tân, Minh Mạng, Phan Đình Phùng vắng bóng sinh viên. Cà phê Tùng, Thủy Tạ, Nam Sơn, Đông Hải, Shanghai không mấy sinh viên lai vãng. Đường vô viện vắng bóng, nhưng các giảng đường Thụ Nhân, Hội Hữu lại đông sinh viên cho đến hai ba giờ sáng. Khu Võ Tánh đìu hiu. Các sòng bài lớn nhỏ đóng cửa. Ngoài đường vắng bóng người. Khu Võ Tánh ban đêm chỉ còn ánh đèn điện lọt qua cửa sổ hầu như suốt đêm. Mùa học thi bắt đầu.

Kỳ thi cuối năm thứ nhất có hai bài thi lạ đối với chúng tôi. Đề thi môn Nhiệm Vụ Học lạ vì nội dung. Đề bài thi môn Nhiệm Vụ Học của Linh Mục Bửu Dưỡng gồm 100 danh từ như sự nghiệp, tiền tài, hạnh phúc, kinh doanh, chính trị, tài chánh, sức khỏe, học vấn, bằng cấp, kiến thức, kiên nhẫn, thật thà, trung tín, khiêm nhượng, niềm tin, liêm khiết… Hãy lập “Biểu Nhất Lãm về Hạnh Phúc”. Danh từ Biểu nhất lãm làm cho nhiều sinh viên bối rối, nhất là đối với những sinh viên không thường xuyên đến dự lớp. Nhiều sinh viên viết tràng giang đại hải bốn năm trang giấy như làm một đề thi triết học. Nhiều sinh viên vẽ sơ đồ về hạnh phúc với một trăm danh từ. Tôi hiểu rằng có nhiều con đường dẫn đến hạnh phúc. Điều quan trọng phải tìm ra một con đường đưa tới hạnh phúc bền vững. Con đường vừa ngắn vừa dễ đi cho mọi người. Tôi chọn những chữ thích hợp để xếp thành hình tháp. Đỉnh của hình tháp là HẠNH PHÚC. Dưới hình tháp tôi chú thích ngắn gọn để giải thích về con đường tôi chọn để có thể dẫn tôi đến hạnh phúc.

Đề thi thứ hai của thầy Trần Long lạ về hình thức. Đây là bài thi trắc nghiệm. Thí sinh nghe câu hỏi từ máy ghi âm. Câu hỏi được máy ghi âm đọc ba lần. Thí sinh có một phút để chọn câu trả lời đúng là a , b, c hay d. Sau một phút, máy đọc sang câu hỏi khác. Chỉ có anh Nguyễn Hữu Dục trả lời đúng tất cả hai mươi lăm câu.

Kết quả kỳ thi cuối năm có ba trăm hai mươi hai sinh viên được lên năm thứ II.

Hè năm thứ nhất tôi không về Huế. Tôi ở lại Đà Lạt vì tôi phải dậy hè cho bốn lớp đệ tứ. Tôi cũng muốn ở lại Đà Lạt để đi thám du quanh vùng và sửa soạn thật kỹ cho chương trình dậy học năm sau. Tôi chỉ mất ba ngày cho việc dậy học. Còn các ngày khác tôi dành cho việc đọc sách và đi thám du quanh vùng.

Mới vô hè được một tuần, một sự kiện xẩy ra làm dân chúng thành phố Đà Lạt cảm thấy bất ổn. Đà Lạt không còn là một thành phố thanh bình trong một đất nước chiến tranh, mặc dù chưa có tiếng súng nhỏ to ban đêm vọng về, chưa có những vệt dài trắng xóa vắt ngang bầu trời xanh theo sau chiếc B 52. Người dân Đà Lạt lo âu, chiến tranh không tha cho họ. Việt Cộng đắp mô tại đèo Chuối. Đà Lạt thiếu gạo. Không quân cho máy bay vận tải chở gạo lên phi trường Liên Khương. Đoàn nữ sinh đến tận phi cơ để choàng những vòng hoa cho những anh hùng phi công. Gạo vẫn không đủ cho dân Đà Lạt. Những hàng người dài chờ mua gạo tại những điểm bán gạo của chính phủ mới lập. Cảnh những người Thượng, những người nghèo vét những hạt gạo rơi vãi tại nơi bán gạo làm tôi xót xa trong lòng. Họ lâm vô tình trạng thiếu ăn. Tôi chưa thấy cũng chưa nghe ai chết đói, kể cả người Thượng. Thiếu gạo ở miền Nam là một điều khó chấp nhận. Một nước nông nghiệp xuất cảng gạo, nay người dân Đà Lạt đang thiếu gạo ăn. Tôi cảm nhận được chiến tranh đang lớn dần. Rừng núi đã mất dần, nông thôn bị uy hiếp, thành thị bị bao vây đúng như sách lược chiến tranh du kích của Mao Trạch Đông : Lấy núi rừng uy hiếp nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị. Tại nơi xa thành phố Đà Lạt sự thiếu thốn gạo còn trầm trọng hơn. Những nơi xa thành phố phần lớn là những buôn của người Thượng.

Tôi tham gia những đoàn cứu trợ để đem gạo, thuốc men đến đến những buôn làng. Tôi theo các đoàn công tác đi đến các trại tị nạn. Bây giờ tôi mới có câu trả lời cho sự ngạc nhiên của tôi trong ngày khai giảng : Trong hơn một ngàn sinh viên ghi danh không có một sinh viên người Thượng. Tôi tới những buôn Thượng nghèo nàn, không trường học, không bệnh xá, nước nôi khan hiếm. Chính quyền đã bỏ rơi người anh em sinh ra cùng một bọc. Bỏ rơi người Thượng tức là bỏ rơi một điểm chiến lược trọng yếu của Đông Dương về mặt quân sự và kinh tế.

Một năm trôi qua, chuyến tầu ngày đầu của anh Lộc không biết đã đến ga nào. Những tháng đầu của năm nhập môn, chúng tôi như những búp hoa, những tháng sau tết chúng tôi như những đáo hoa còn hàm tiếu. Năm sau là năm Khái Luận hoa sẽ nở. Tôi tin sẽ có thêm nhiều bông hoa lạ và đẹp. Điều đó dĩ nhiên vì năm sau trường tôi sẽ đông hơn. Tôi đã thấy những người lạ xuất hiện trên đường vào viện và khu Võ Tánh. Tôi đoán họ là những sinh viên khóa II của trường tôi.

 Quang Già Cơ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29250)
" Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ, Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma. Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất, Đất khách đàn con lặng xót xa."
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6834)
ĐÀ LẠT DU KÝ (Phần 2) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6576)
Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập Giáo Sư Nguyễn Cao Hách gọi Cha là vị lãnh đạo tinh thần cao cả. Đối với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Cha là một nhân vật siêu việt, gia trưởng của đại gia đình Thụ Nhân. Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương tôn vinh Cha là Thừa Thiên Thụ Nhân. Giáo Sư Lê Hữu Mục khẳng định Cha là một người Cha nhân lành, có những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm. Giáo Sư Trần Long cho rằng Cha là hiện thân của lòng nhân.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13158)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 7051)
Linh Mục Nguyễn Văn Lập: Một Vị Lãnh Đạo Tinh Thần Cao Cả Gs Nguyễ n Cao Hách Lúc còn sinh thời, Linh Mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh. Trong mấy chục năm liền, tôi hân hạnh được hợp tác với Viện Đại Học Da lat, m à Linh Mục Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6459)
NHỚ LẠI QUÁ KHỨ Frêre Théo phane NGUYỄN VĂN KẾ, FSC ...ai ai Ngài cũng cư xử với con tim thật tình. Người đối với người: lễ phép kính cẩn mến yêu, trong giọng nói, bình tĩnh, trầm trầm Miền Trung. Ngài để ý đến mọi người. Như vậy đắc nhân tâ m là phần thưởng cho Ngài lúc sống và lúc qua đời.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 8077)
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi Nguyễn Duy Tưởng TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975 Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt.
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6178)
MIẾNG BÁNH ĐA KÊ Tác giả: Người Hànội, CTKD 1 Nghe ba chữ “ Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
07 Tháng Mười Một 2010(Xem: 7876)
ĐÀ LẠT DU KÝ Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít đ ược đề cập đến .
28 Tháng Tám 2010(Xem: 5659)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn II) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468