ĐÀ LẠT DU KÝ

07 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 7877)
ĐÀ LẠT DU KÝ
ĐÀ LẠT DU KÝ

Trước năm 1960, có nhiều tư liệu viết về Đà Lạt phần lớn là của người Pháp, có nhiều đề tài viết về Đà Lạt không gây nhàm chán vì không bị rơi vào cảnh biết rồi nói mãi khổ lắm. Những bài khảo cứu, thơ văn nhạc về Đà Lạt của người Việt Nam chưa nhiều. Có lẽ tác phẩm xưa nhất của người Việt viết về Đà Lạt là quyển Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký của quan Thượng Thư Đoàn Đình Duyệt. Tác phẩm này viết vào năm 1917 bằng chữ Hán. Ngày nay có hàng trăm ngàn bài khảo cứu, thơ, văn, nhạc mô tả nhiều khía cạnh của Đà Lạt, do vậy, chọn một đề tài viết về Đà Lạt không dễ. Tôi nhớ, anh bạn Cao Hoàng đề nghị tôi nói về Đà Lạt trong mười phút tại một buổi họp văn nghệ. Anh chị em tham dự buổi họp hôm đó không ai là đã không đến Đà Lạt vài lần. Có người sinh ra tại Đà Lạt, có năm cựu sĩ quan xuất thân từ trường Võ Bị Đà Lạt, nhiều anh chị có thơ văn nhạc viết về Đà Lạt. Tôi từ chối vì không biết nói gì để tránh cảnh múa rìu qua mắt thợ. Nhưng vì anh Cao Hoàng giới thiệu tôi đến ba lần nên không thể chối từ . Hôm đó, tôi đã nói về Phở Đà Lạt, đề tài ít được ai nhắc tới . Mọi người chăm chú nghe và sau đó đã có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi.

Tháng bẩy năm hai ngàn mười, tôi trở lại Đà Lạt mục đích chính là để thăm anh bạn cùng phòng trong thời gian chúng tôi học tại Viện Đại Học Đà Lạt và thăm lại trường xưa Viện Đại Học Đà Lạt, quê hương tinh thần của tôi . Ở lại Đà Lạt ba đêm bốn ngày chỉ đủ để hai chúng tôi tâm tình và đi thăm một vài nơi. Tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm của chuyến đi . Viết về những hoài niệm xưa, thuở chúng tôi sống tại thành phố Đà Lạt thì bạn bè tôi đã viết rất nhiều . Bạn bè gặp nhau nói về kỷ niệm thì không hết và không chán. Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.

Bát cơm nguội ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của tôi về chuyến đi Đà Lạt ngắn ngủi đã để lên mâm. Xin mời các bạn xơi. 


Đà Lạt Thành Phố Không Đèn Xanh Đèn Đỏ

Tôi đến Đà Lạt khoảng năm giờ chiều. Đà Lạt có nhiều biệt thự mới to, những con đường lớn, những bồn hoa, nhiều biểu ngữ và cờ treo dọc theo những con đường. Tôi không nhận ra Đà Lạt ngày xưa. Tôi khen Đà Lạt sạch, đẹp và trật tự hơn thành phố Sài Gòn. Tôi thêm:

- Đà Lạt sạch đẹp hơn nhờ mỗi năm có Festival Hoa cũng như Huế mỗi năm khá hơn nhờ mỗi hai năm có Festival Huế …

Anh bạn tôi nói:
- Đang đại hội đảng và thành phố có hội nghị Năng Lượng Quốc Tế nên thành phố sạch chứ bình thường thành phố cũng bẩn.

Ngày hôm sau, tôi được anh bạn cho đi thăm một vòng quanh thành phố. Thành phố đông đúc xe gắn máy và nhiều xe khách của công ty Thành Bưởi, Phương Trang và những công ty du lịch khác. Đà Lạt là thành phố có hạng ở Việt Nam về dân số và số lượng xe. Tôi không thấy đèn xanh đèn đỏ trên các ngã ba, ngã tư, ngã năm tại thành phố Đà Lạt . Ngay cả khu vực trung tâm thành phố đông đúc xe cộ cũng không có đèn xanh đèn đỏ. Những thành phố to nhỏ tôi đi qua như Huế, Đà Nẵng, Đồng Hới, Sông Bé … đều có đèn xanh đèn đỏ . Đà Lạt nghèo nên không có kinh phí để xây dựng những cột đèn xanh đèn đỏ chăng? Chắc chắn là không. Nhìn bảng hiệu to lớn quảng bá những công trình xây dựng cho thành phố du lịch Đà Lạt tương lai, chứng tỏ Đà Lạt là thành phố giàu. Hay vì Đà Lạt là thành phố cao nguyên nhiều đồi dốc nên không cần đèn xanh đèn đỏ. Điều này cũng không đúng. Thành phố Seattle của tôi nhiều đồi dốc dài và cao hơn Đà Lạt vẫn cần đèn xanh đèn đỏ. Tôi nêu thắc mắc này với anh bạn tôi. Anh bạn tôi trả lời:

- Đà Lạt có ba cái không: Thành phố không đèn xanh đèn đỏ, không xe xích lô và không máy lạnh. Không đèn xanh đèn đỏ là đặc trưng của Đà Lạt. Người Đà Lạt hiền lành, lịch sự thì cần gì phải có đèn xanh đèn đỏ . Đất lành sinh trái ngọt. Ở đây không khí trong lành, khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp hiền hòa, con người ăn mặc đẹp. Đến Đà Lạt tự nhiên thấy tâm hồn thanh thản, mọi buồn phiền tạm lắng, con người trở nên thánh thiện hơn. Như vậy cần đèn xanh đèn đỏ làm chi. Có đèn xanh đèn đỏ mà con người không biết tôn trọng luật giao thông cũng như không.

Tôi đồng ý với anh bạn nặng tinh thần địa phương. Tôi đồng ý với bạn tôi vì tôi cũng mang nặng tinh thần địa phương như bạn tôi. Đà Lạt có viện đại học Đà Lạt quê hương tinh thần của tôi không cần đèn xanh đèn đỏ vì con người Đà Lạt hiền lành lịch sự.

 

Đỉnh Lâm Viên

Ngày xưa tôi có mơ ước : Cắm cờ Hướng Đạo trên đỉnh núi Lâm Viên. Bạn tôi biết mơ ước của tôi nên đưa tôi tới khu du lịch Lang Biang. Trước khi đi anh ta nói với tôi:

- Lên đỉnh Lâm Viên bây giờ khỏe lắm. Có xe đưa lên tận đỉnh …
- Tao muốn trèo lên đỉnh Lâm Viên. Đi xe thì còn có ý nghĩa gì nữa.
- Thân lừa ưa nặng. Bây giờ đâu có còn phải trèo leo gì nữa. Đường trải nhựa lên tận đỉnh núi. Đường dài sáu cây số mi có đi bộ nổi không? Mi đi bộ thì mi đi một mình. Tao đưa mi tới, rồi tao về nhà. Khi nào mi xuống gần đến chân núi thì phone cho tao ra đón.

Tôi bỏ ý định trèo lên đỉnh Lâm Viên.

Khi lên đường, bạn tôi nói:
- Mi có bị đau tim không ?
- Không. Nguy hiểm lắm sao?
- Cháu gái tao nói :”Lên đỉnh Lâm Viên không sợ không ăn tiền.” Sau chuyến đi, mấy bà sợ xanh máu mặt. Mi đi, mi sẽ biết .

634247467636974117_400x300
Chúng tôi đến khu du lịch Lang Biang. Đám đông đang tranh nhau mua vé. Một anh nhân viên nói với chúng tôi :

- Mua vé bây giờ cũng phải chờ khoảng một tiếng rưỡi đến hai tiếng mới có xe.

May mắn, bạn tôi có anh học trò là nhân viên của khu Du Lịch Lang Biang. Anh học trò nói với chúng tôi :

- Thầy muốn đi thì em giúp. Thầy trả tiền xăng cho tài xế.
- Tổng cộng phải trả bao nhiêu ?
- Thưa, một trăm hai mươi ngàn.

Chuyến xe chỉ chở hai chúng tôi thay vì sáu người. Có nghĩa là chúng tôi phải trả tiền cho cả chuyến xe. Đúng là nhất thân nhì thế. Chúng tôi được lên núi ngay trong khi nhiều người mua vé trước chúng tôi phải chờ. Tôi tự an ủi thế mới là cõi trần, nếu công bằng thì làm gì có câu đầu lưỡi thời xưa sinh viên chúng tôi thường nói C’est La Vie.

Chiếc xe Jeep chở chúng tôi chạy trên con đường nhựa chỉ đủ cho hai xe du lịch chạy ngược chiều tránh nhau. Đường dốc quanh co, xe lên, xe xuống chạy với tốc độ nhanh. Đúng như cô cháu bạn tôi nói: Không Sợ Không Ăn Tiền. Tài xế lái xe quá giỏi, thật đáng khâm phục. Bạn tôi cho biết chưa hề có tai nạn xẩy ra từ ngày khai trương.

Khoảng mười phút chúng tôi đã đến đỉnh núi. Chúng tôi có bốn mươi lăm phút trên đỉnh núi. Đỉnh núi đã được san bằng chỗ thấp chỗ cao để xây những công trình như bãi đậu xe, nhà hàng ăn uống, nhà bán đồ lưu niệm, những kiến trúc cho du khách chụp ảnh. Chúng tôi đi quanh khu du lịch để ngắm cảnh và chụp ảnh . Bạn tôi nói trong bài Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký, cụ Đoàn Đình Duyệt có viết : Đứng trên đỉnh núi nhìn về phía tây thì thấy Kon Tum, phía đông thì thấy biển. Chúng tôi đi ra phía tây chỉ thấy núi và rừng thông đến tận chân trời. Đi ra phía đông cũng chỉ thấy núi và thông không thấy biển. Về nhà, tôi mở computer để tìm đọc bài Lâm Viên Hành Trình Nhật Ký. Nguyên văn bài dịch của Phạm Phú Thành như sau: 
Lại nghe nói gần Lâm Viên có một ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất Trung Kỳ. Đã mở một con đường nhỏ để tiện lên núi ngắm cảnh. Nếu đứng trên đỉnh núi này nhìn qua kính viễn vọng thì phía Tây thấy được nhà cửa của cư dân tỉnh Côn Tung (Kon Tum), phía Đông thấy tới biển. Đây cũng do quý Khâm Sứ đại thần cho biết.
Tôi nói với bạn tôi : Mấy ông quan Tây nói dối để dọa quan Ta.

634248451583550378_400x300
Những ngày ở Huế, tôi đến thăm ông cậu vợ. Cậu vợ tôi là cựu huynh trưởng Hướng Đạo. Tôi khoe với cậu vợ tôi về chuyến đi lên đỉnh Lâm Viên. Ông cậu vợ nói với tôi:

- Đỉnh mà xe đưa cháu lên là đỉnh thấp không phải là đỉnh cao nhất của rặng Lâm Viên. Từ ngọn núi thấp đi qua một cánh rừng nguyên sinh mới tới núi đỉnh cao nhất. Trước 1975, sinh viên sĩ quan Đà Lạt phải leo lên đỉnh núi này mới được gắn Alpha.

Nghe ông cậu vợ nói, tôi sững sờ vì mình đổ tội oan cho mấy ông quan Tây. Tôi nói: “Cháu mừng hụt tưởng mình đã đặt chân lên đỉnh Lâm Viên, nhưng thật ra mới chỉ được xe đưa lên ngọn thấp của dẫy núi Lâm Viên. Thôi thì hẹn lần khác hay hẹn kiếp sau, ta sẽ cắm cờ Hướng Đạo trên đỉnh Lâm Viên.”

Viện Đại Học Công Giáo Đà Lạt Không Còn

Viện Đại Học Công Giáo Đà Lạt may mắn hơn Viện Đại Học Phật Giáo Vạn Hạnh và Viện Đại Học Hào Hảo. Viện Đại Học Đà Lạt chỉ đổi tên thành Trường Đại Học Đà Lạt và vẫn là một cơ sở giáo dục cấp đại học với đầy đủ các phân khoa. Viện Đại Học Vạn Hạnh trở thành cơ sở 2 của trường Đại Học Sư Phạm. Viện Đại Học Hòa Hảo một cơ sở biến thành Trường Đảng, một cơ sở biến thành Sở Thông Tin.

634248454135090859_400x300

Từ một viện đại học Công Giáo biến thành trường đại học của nhà nước Cộng Sản nên những di tích về tôn giáo cũng dần dần biến mất. Trước hết là cây thánh giá của Nhà Nguyện được thay bằng ngôi sao đỏ trong năm 1976 để kịp ngày khai giảng khóa đầu tiên của Trường Đại Học Đà Lạt. Trong email gửi lên diễn đàn Thụ Nhân ngày 16 tháng 7 năm 2008 anh B, CTKD 7 viết : “Cuối năm 2005, khi làm Đặc San khóa 7, 35 năm sau nhìn lại. Giáo sư Phó Bá Long trao cho tôi bài viết bằng tay Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh mà tác giả là bác Hương Bình, người trông coi sửa chữa các phòng ốc trong VĐH Đà Lạt trước 1975. Sau đó, tôi đánh máy bài viết này và in trong ĐS K7, trang 196 – 197.
Đây là một tài liệu xác thực về cây thánh giá trên nóc Năng Tĩnh , do chính người làm “ngôi sao” để phủ cây thánh giá tường thuật lại các chi tiết. Xin hạ tải bài đính kèm.”


Cuối bài Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh, tác giả Hương Bình viết : “Ngày nay đã 30 năm trôi qua, cây thánh giá vẫn đứng vững trong lòng ngôi sao và dang hai cánh đỡ ngôi sao đứng sừng sững giữa khung trời đại học”. Nghĩa là cây thánh giá vẫn còn cho đến ngày nay. Xin đọc nguyên văn bài Cây Thánh Giá Trên Tháp Năng Tĩnh trong phần chú thích.

634248457711095141_400x300

634248458916041257_300x400
Những năm sau, tôi không biết vào năm nào, tượng Đức Mẹ Maria bằng thạch cao trên bức tường trong Nhà Nguyện bị xóa bỏ.

634248460010071179_400x300

634248460805672576_300x400

Và tượng Mẹ Maria trước giảng đường Spellman không còn thấy nữa.

634248461916082526_400x300

634248462986556407_400x300

Nay Viện Đại Học Công Giáo chỉ còn lại một ít di tích trong khuôn viên Trường Đại Học Đà Lạt. Thứ nhất là những bức ảnh của những vị linh mục cựu viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt được trưng bầy vào năm 2008 trong Thư Viện mới cùng với những bức ảnh của các vị hiệu trưởng Trường Đại Học Đà Lạt. Thứ hai phòng vi tính Frere Nguyễn Văn Kế, Phó Viện Trưởng kiêm Giám Đốc Đại Học Xá Viện Đại Học Đà Lạt, được xây dựng năm 2008 do tiền của một cựu sinh viên trường CTKD, Viện Đại Học Đà Lạt tặng. Thứ ba là những phần học bổng của cựu sinh viên Viện Đại Học Đà Lạt tặng cho sinh viên Trường Đại Học Đà Lạt. 
Ngày nay Trường Đại Học Đà Lạt có những giảng đường và một thư viện mới to lớn đồ sộ. Những giảng đường, những khu đại học xá cũ kỹ nhỏ bé như Thụ Nhân, Spellman, Hội Hữu, Lầu I, II, III, IV, V đã được thay tên và chiếc cầu gỗ nhỏ mầu đỏ xinh xắn gần giảng đường Spellman rồi trong tương lai có lẽ sẽ được thay thế bằng những tòa nhà to hơn, tân tiến hơn để đáp ứng với nhu cầu sinh viên gia tăng từ ba ngàn sinh viên trước năm 1975 lên tới hai mươi hai ngàn sinh viên hiện nay.
Cũng cần ghi nhận điều lạ là năm 2008, nhà trường làm lễ kỷ niệm 50 thành lập Trường Đại Học Đà Lạt. Có nghĩa là người Cộng Sản công nhận trường Đại Học Đà Lạt và Viện Đại Học Đà Lạt là một. Trường Đại Học Đà Lạt là trường tiếp nối của Viện Đại Học Đà Lạt. 
Viện Đại Học Đà Lạt đã đổi thay, nhưng có hai điều chắc chắn không thay đổi. Một là tình yêu của tôi với Viện Đại Học Đà Lạt vẫn còn mãi, Viện Đại Học Đà Lạt vẫn là quê hương tinh thần cho tôi nương tựa. Thứ hai là khi tôi bước thong thả trên con đường dốc ngắn ngủi từ cổng viện đến ngã năm viện đại học. Tôi còn nhớ tiếng nổ dòn của những chiếc xe Lambretta ba bánh đang đổ sinh viên trước cửa viện, tôi còn nhớ những hình bóng của những bạn ở khu Võ Tánh đang thả bộ trên đường đến cổng viện. Hôm nay tôi không thấy xe Lambretta ba bánh, nhưng tôi thấy những xe gắn máy hai bánh chạy trên đoạn dốc này và vào cổng trường. Tôi thấy những sinh viên đang đi về phía cổng trường. Điều không thay đổi trong hai hình ảnh này đó là tinh thần hiếu học. Hiếu học là truyền thống của dân tộc ta. Truyền thống hiếu học đã vượt lên mọi tranh chấp và đã giúp đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn. Con đường lên dốc Viện Đại Học đối với sinh viên chúng tôi lúc nào cũng giống như La Rue Vers L’or của dân Mỹ hướng về tương lai tự do và giàu có.

Khu Mả Thánh sắp trở thành Trung Tâm Thể Dục Thể Thao

 Ngày xưa ra vô khu B vào những lúc chạng vạng tối đôi khi cũng thấy lạnh xương sống, nổi da gà. Đi trên con đường nhỏ tối tăm. Một bên là mả thánh, một bên là những ngôi nhà xoay lưng vào mả thánh. Con đường có nhiều truyện ma nghe kể ban đêm không dám tung chăn bước xuống giường chứ đừng nói đi ra khỏi phòng để đi tiểu. Hôm nay, đi trên con đường này, tôi nhớ đến hai người bạn đã quá vãng. Trần Phước Tuyển, CTKD 2, theo học nghề bói toán với ông thầy bói Chiêm. Thầy Chiêm dẫn Tuyển lên mả Thánh để dậy cho Tuyển nói chuyện với ma. Đêm đầu Tuyển nằm một mình trong mả Thánh. Đêm thứ hai Tuyển trốn không tới gập thầy Chiêm. Đáng tiếc cho Tuyển, thầy bói Chiêm là một nhà chiêm tinh đã tạo nhiều huyền thoại cho cá nhân ông và Đà Lạt trước 1975 và sau 1975.
Trước 1975, nhiều vị tướng và quan chức Vùng II Chiến Thuật là thân chủ của thầy Chiêm. Anh D, bạn học, kể một huyền thoại về thầy Chiêm trước năm 1975. Cô Pauline Phụng, nữ sinh trường Yersin, cháu nội của tướng Cao Đài Năm Lửa, là người yêu của Sơn Beattle. Sơn Beattle là tay anh chị giang hồ trấn giữ vùng Đà Lạt. Cô Pauline Phụng không có tin tức của Sơn Beattle một thời gian nên cô cùng bạn của Sơn Beattle tìm đến thầy Chiêm để hỏi. Cả bọn đến nhà thầy Chiêm thì gặp thầy Chiêm đang đi ra khỏi nhà. Thầy Chiêm dừng lại hỏi :” Tụi mi muốn biết tin thằng Sơn phải không? Thằng Sơn chết rồi.” Cả bọn lạnh xương sống. Cô Pauline Phụng khóc sướt mướt. Đó là một trong những huyền thoại đưa thầy Chiêm lên tuyệt đỉnh nghề tướng số. Đến năm 2008, D gập lại Sơn Beattle tại Atlanta, Hoa Kỳ. D nói với tôi : “Thầy Chiêm đoán đúng 75%. Thằng Sơn Beattle vẫn còn sống. Sơn Beattle không chết chỉ bị mất tích. Nó như chết đi sống lại. Năm 1966 Sơn đầu quân lôi hổ tại Đà Nẵng. Trận ra quân đầu tiên, Sơn bị bắt làm tù binh và bị đưa ra giam tại những trại tù ngoài Bắc. Sơn được qua Mỹ theo diện HO. Hiện nay Sơn Beattle đang làm báo tại Atlanta.
Anh C, bạn học, kể : Sau 1975, thầy Chiêm bị bắt vô trại tù cải tạo vì bị nghi làm việc cho CIA . Trong trại cải tạo, ông vẫn được mọi người gọi bằng thầy. Một số trại viên hỏi ông :” Thầy cho biết số phận chúng tôi ra sao “ Bằng giọng Huế, ông trả lời :” Đ. M. tụi mi, số phận tao, tao còn chưa biết, làm răng tao biết số phận tụi mi “. Một thời gian sau ông được thả vì vô tội. Ông tiếp tục nghề coi bói và tướng số. Lần này ông bị bắt về tội buôn thần bán thánh. Trên xe chở thầy Chiêm đến trại cải tạo, anh thượng sĩ công an người miền Bắc nói với thầy Chiêm :” Anh là thầy bói. Nếu anh đoán đúng thì tôi nói với cấp trên của tôi tha anh, anh nói trật anh ở trại cải tạo lâu dài”. Thầy Chiêm đồng ý. Thầy Chiêm nói về quá khứ, hiện tại và tương lai của anh thượng sĩ công an đúng đến nỗi anh thượng sĩ công an khâm phục, gọi ông bằng thầy và xưng con. Giữ đúng lời hứa, anh thượng sĩ đã vận động để cấp trên thả thầy Chiêm. Hai tháng sau, thầy Chiêm được thả. Trần Phước Tuyển và thầy Chiêm gặp nhau tại suối vàng, chắc nay Tuyển đã biết tài năng thầy Chiêm có thật hay không.
Người thứ hai là Lê Đường, CTKD I. Thân mẫu anh Lê Đường an táng tại mả Thánh. Dự lễ an táng, chúng tôi mới biết tên Lê Đường được ghép bởi họ Lê của thân phụ và họ Đường của thân mẫu anh. Lê Đường là một tài năng của khóa I CTKD. Anh là Hướng Đạo sinh có bằng rừng ngành tráng duy nhất tại Đà Lạt. Anh thành lập tráng đoàn Hùng Vương và có cao vọng làm một cuộc cách mạng ngành tráng. Tráng đoàn Hùng Vương có toán tráng nữ. Sau khi tốt nghiệp, anh được tuyển làm phụ khảo của trường CTKD. Năm 1970 anh được học bổng du học Mỹ trong một chương trình đào tạo những người lãnh đạo sau này cho VNCH của người Mỹ. Năm 1991, tôi gặp lại Lê Đường tại Seattle. Tôi ngạc nhiên và không hiểu lý do cuộc sống của anh Đường thay đổi một trăm tám mươi độ. Từ một người có tương lai đầy hứa hẹn trở thành một người có đời sống của kẻ lang bạt kỳ hồ, không vợ con. Anh đi khắp nước Mỹ, làm đủ thứ nghề như bán McDonald, khuân vác, dọn dẹp, quản thủ thư viện … Sau cùng anh trở về sống với người em gái, cô Thoại Anh, tại tiểu bang Massachusetts. Anh đã biến lầu hai nhà của người em gái làm nơi tu thiền. Thỉnh thoảng lắm anh mới trả lời điện thoại của tôi và chúng tôi nói chuyện mỗi lần khoảng hai ba tiếng. Nhiều lần tôi nói với anh :’’ Sinh ra là người có tài, anh không làm việc giúp đời là không công bằng “. Một lần, trong khoảng năm tháng, tôi điện thoại cho anh nhiều lần, nhưng anh không bắt máy. Tôi điện thoại cho anh vào lúc một giờ sáng, giờ Boston. Lê Đường giọng hốt hoảng:
- Có chuyện gì mà Quang gọi giờ này?
- Tôi gọi anh nhiều lần, anh không trả lời. Bây giờ tôi biết anh còn sống. Chúc anh ngủ ngon.
- Quang à, bây giờ mình nói chuyện được không.

Chúng tôi nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ tối hôm ấy.

Mỗi lần viết xong một quyển truyện, tôi thường gửi cho Lê Đường. Tôi đã gởi cho anh hai quyển truyện: Quyển truyện dài Mưa Xứ Huế và quyển gồm nhiều truyện ngắn Seattle Việt Nam Đâu Có Xa. Viết xong quyển Trọc Sĩ Quyển I, tôi quên gởi cho anh. Mấy tháng sau, một hôm tôi chợt nhớ đến anh. Tôi vội vàng gởi quyển Trọc Sĩ Quyển I cho anh. Một tuần sau khi gởi quyển Trọc Sĩ Quyển I, tôi được tin anh từ trần. Cô Thoại Anh kể cho tôi về cái chết của anh. Lê Đường ở nhà cô Thoại Anh tại thành phố Worcester cách xa chỗ cô Thoại Anh làm việc tại Boston khoảng hai giờ lái xe. Hai anh em chỉ gặp nhau vào hai ngày cuối tuần. Hàng ngày cô Thoại Anh điện thoại cho Lê Đường. Tuần lễ khai giảng niên học vì bận việc nên cô Thoại Anh không điện thoại cho anh. Thứ bẩy cô trở về nhà. Kêu cửa nhiều lần không được, cửa khóa bên trong nên không mở cửa được, cô gọi cảnh sát phá cửa để vô nhà. Anh Lê Đường nằm ngay ngắn trên giường, mặt bình thản, không thở, người còn ấm. Khám nghiệm y khoa cho biết anh từ trần vì bệnh quên thở khi ngủ. Hai ngày sau anh qua đời, người đưa thư mới giao quyển Trọc Sĩ đến cho anh. Tôi nói với cô Thoại Anh rất tiếc quyển Trọc Sĩ đến chậm hai ngày. Nếu quyển Trọc Sĩ đến trước hai ngày có khi anh Lê Đường không chết. Anh đọc, suy nghĩ để viết thư cho tôi, anh quên ngủ chứ không quên thở. Tôi yêu cầu cô Thoại Anh, trong lễ tang của anh Lê Đường, cô đọc dùm tôi lá thư tôi gởi kèm theo quyển Trọc Sĩ để coi như tôi có mặt trong buổi lễ tiễn đưa anh. 
Hôm nay, tôi đi trên con đường trải nhựa rộng thênh thang. Một bên là mả thánh nằm trên đồi như ngày xưa. Một bên là cửa hàng chạy dài theo dọc con đường. Người dân ngày nay không còn sợ ma như ngày xưa. Họ dám mở cửa trước trông thẳng ra nghĩa địa. Sợ ma thì vẫn sợ, nhưng văn hóa ngày nay tại Việt Nam là văn hóa mặt đường. Nhà quay ra mặt đường để mở tiệm buôn bán làm ăn.
Về Sài Gòn, tôi gặp anh bạn K. Anh K và con trai đang làm việc cho công ty Đầu Tư Phát Triển tại Sài Gòn. Anh cho tôi biết công ty anh hiện đang thực hiện hai công trình lớn tại Đà Lạt. Một công trình tại khu mả Thánh. Công ty anh đã di dời được hơn một ngàn ngôi mộ. Sau khi hoàn thành việc di dời mộ, công ty sẽ xây Trung Tâm Thể Dục Thể Thao Đà Lạt tại khu mả Thánh. Công trình thứ hai là xây biệt thự tại khu bờ hồ đối diện với vườn Bích Câu. 

Mả Thánh sẽ không còn. Đà Lạt sẽ có một trung tâm thể dục thể thao to lớn. Người dân ở đối diện với mả Thánh sẽ vui mừng. Duy có một điều tôi lo ngại không biết mộ của thân mẫu anh Lê Đường được dời chưa? Về đến Mỹ, tôi điện thoại cho Thoại Anh. Cô Thoại Anh cho biết cách đây hơn mười năm, người bạn cô ở Đà Lạt báo cho cô biết chính quyền đang có kế hoạch giải tỏa khu mả Thánh. Cô đã về Đà Lạt để hốt cốt thân mẫu và anh ba của cô. Thoại Anh đã đem tro cốt của hai người để trong chùa Vĩnh Nghiêm.

(Còn tiếp Phần 2)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Mười Một 2011(Xem: 29252)
" Đau đớn, nơi xưa thành tổ quỷ, Nghẹn ngào, chốn cũ biến hang ma. Âm thầm tưởng niệm ngày Cha mất, Đất khách đàn con lặng xót xa."
23 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6834)
ĐÀ LẠT DU KÝ (Phần 2) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ) Viết về những kỷ niệm mà nhiều người đã viết thì chẳng khác gì bắt độc giả ăn cơm nguội. Anh bạn tôi nói thà có cơm nguội ăn còn hơn không. Tôi cố ghi lại đôi điều ít được đề cập đến.
22 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6577)
Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập Giáo Sư Nguyễn Cao Hách gọi Cha là vị lãnh đạo tinh thần cao cả. Đối với Giáo Sư Vũ Quốc Thúc, Cha là một nhân vật siêu việt, gia trưởng của đại gia đình Thụ Nhân. Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương tôn vinh Cha là Thừa Thiên Thụ Nhân. Giáo Sư Lê Hữu Mục khẳng định Cha là một người Cha nhân lành, có những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm. Giáo Sư Trần Long cho rằng Cha là hiện thân của lòng nhân.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13162)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 7053)
Linh Mục Nguyễn Văn Lập: Một Vị Lãnh Đạo Tinh Thần Cao Cả Gs Nguyễ n Cao Hách Lúc còn sinh thời, Linh Mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh. Trong mấy chục năm liền, tôi hân hạnh được hợp tác với Viện Đại Học Da lat, m à Linh Mục Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng.
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6459)
NHỚ LẠI QUÁ KHỨ Frêre Théo phane NGUYỄN VĂN KẾ, FSC ...ai ai Ngài cũng cư xử với con tim thật tình. Người đối với người: lễ phép kính cẩn mến yêu, trong giọng nói, bình tĩnh, trầm trầm Miền Trung. Ngài để ý đến mọi người. Như vậy đắc nhân tâ m là phần thưởng cho Ngài lúc sống và lúc qua đời.
05 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 8077)
Nhân lần sinh nhật 80 của anh Khương Hữu Điểu, viết về vài kỷ niệm với anh, và viết... về tôi Nguyễn Duy Tưởng TTKTKN/NHPTKNVN, 1968-1975 Một tờ giấy viết tay rơi xuống đất, tôi nhặt lên đọc. Nét chữ viết tay đó làm tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động. Mới đó mà đã gần 42 năm, những hình ảnh về cơ quan cũ, về bạn bè xưa, và về anh với dáng đi tất bật hiện ra mờ nhạt.
04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 6179)
MIẾNG BÁNH ĐA KÊ Tác giả: Người Hànội, CTKD 1 Nghe ba chữ “ Bánh Đa Kê ” thật đơn giản, thật dân dã đối với người dân xứ Bắc, nhưng đối với tôi, nó mang cả một khung trời kỷ niệm đầy nhung nhớ, luyến tiếc, của chuyến về Hànội ngày vào thu, trong buổi tiễn đưa khi phải chia tay con trai tôi.
14 Tháng Mười 2010(Xem: 6321)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn Cuối) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
28 Tháng Tám 2010(Xem: 5660)
Diễn Đàn Thụ Nhân Với sự đồng ý của tác giả, tập truyện "Trọc Sĩ Năm Nhập Môn" dài 75 trang sẽ được chia làm 3 phần đăng trong 3 kỳ. TRỌC SĨ NĂM NHẶP MƠN (Phằn II) Nguyễn Đức Quang (Già Cơ)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468