Nhà văn Võ Hồng và “Lời sám hối của cha” (RFA)

24 Tháng Sáu 201212:00 SA(Xem: 26635)
Nhà văn Võ Hồng và “Lời sám hối của cha” (RFA)

Nhà văn Võ Hồng và “Lời sám hối của cha”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2012-06-16


Trong dịp lễ Father’s Day năm nay, mời quý vị thưởng thức tác phẩm “Lời sám hối của cha” của nhà văn Võ Hồng trong chương trình Văn Hóa Nghệ Thuật do Mặc Lâm thực hiện. 

http://www.rfa.org/vietnamese/vmlam06162012.mp3/inline.html

image001_263 











Nhà văn Võ Hồng. Photo courtesy of Mang Viên Long's blog.

 

Võ Hồng vừa là tên thật vừa là bút danh. Ông sinh năm 1921 tại Tuy An, Phú Yên. Ngoài bút danh được nhiều người biết tới là Võ Hồng, ông còn có các bút danh khác là Ngân Sơn, Võ An Thạch và Võ Tri Thủy.

Ông từng làm bí thư tòa Tổng Đốc 4 tỉnh miền Nam Trung Việt dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim. Trước năm 1950, ông cùng vợ dạy học ở Trung Học Lương Văn Chánh, Phú Yên trong một thời gian dài, sau ông làm hiệu trưởng trường này.

Sau 1975 Võ Hồng chỉ sinh hoạt văn nghệ nơi địa phương Khánh Hòa và giới hạn ngòi bút của mình trong đề tài giáo dục và tuổi thơ. Cho đến nay Võ Hồng đã viết hơn 8 tiểu thuyết, trên 70 truyện ngắn. Ông cũng sáng tác các thể loại tùy bút, bút ký. Ông còn có nhiều tập truyện viết cho thiếu nhi cùng với hơn 40 bài viết, khảo cứu, phê bình.

Nhân ngày Father‘s Day, chúng tôi xin giới thiệu một tác phẩm rất cảm động của ông mang tên: “Lời sám hối của Cha” đăng trong tập truyện Một Bông Hồng cho Cha do nhà An Tiêm xuất bản.

Bài đọc được góp tiếng bởi Nam Nguyên, Việt Long và Thanh Quang, mới quý vị thưởng thức sau đây.

“Đã đến lúc cha viết những lời sám hối chân thành gởi con. Chắc con rất ngạc nhiên. Con đang xót xa vì thương cha cô đơn, ân hận vì không được ở gần cha để săn sóc tuổi già, cũng có thể tưởng tượng cha đang nhẹ nhàng trách con... Vậy mà làm sao có sự ngược đời. Con hãy bình tĩnh nghe cha nói.

Là con gái lớn của một gia đình mất mẹ, con đã chịu bao nỗi thiệt thòi. Mẹ chết khi con mới lên chín và gia đình chỉ gồm một người cha và ba đứa con dại. Đâu có còn ai để trông cậy nhờ vả? Thường thì một người nghèo khó nhất cũng có ông hay bà, chú bác hay cô dì cậu mợ, không họ gần thì họ xa, ở kề cận láng giềng. Đằng này gia đình ta vừa định cư ở thành phố mới được một năm, chỗ láng giềng qua lại không hơn hai hay ba nhà lân cận.

Cha đi dạy học ở trường tư, lương tính trả theo giờ, nghỉ dạy giờ nào miễn trả giờ ấy. Đã vậy mà chỗ dạy đâu có gì bảo đảm. Ai cũng có thể thay thế cha được bất cứ lúc nào. Nhà trường là một cơ sở của Hội Phật Giáo mà má con và phía ngoại con lại là người Thiên Chúa Giáo. Rồi thằng em của con, mãi lên tám mới được chính thức đi học và phải cho học ở một trường tư thục gần nhà. Lại nhằm một trường của Thiên Chúa Giáo. Cha biết có bao nhiêu khó khăn rối rắm cứ tuần tự dệt thành tấm lưới bủa vây cha. Cứ mỗi cuối năm học là chuẩn bị nhận một bức thư "cám ơn" của Ban quản trị nhà trường. Cứ đầu năm học là hồi hộp chờ đợi coi niên khóa này mình được phân phối cho dạy bao nhiêu giờ một tuần. Có những lần phiền muộn, cha lặng lẽ ra ngồi ở cuối sân, lần nhổ những bụi cỏ dại, cho quên đi, cho lắng xuống, cho tan loãng... Cha tránh không dám gặp các con ngay lúc đó, sợ đang cơn bực bội phiền muộn, nếu lỡ gặp điều trái ý mà không giữ được bình tĩnh.

Vậy mà cái "lỡ" đã xảy ra. Hôm đó cha vừa về, vừa bỏ mũ, vừa tháo nịt thì con chạy lên mét cha nghe cái gì đó. Đang uất ức vì việc ở trường, con lại gây thêm điều rắc rối nên sẵn cái nịt trên tay cha vụt con một cái. Cha vội vàng dừng lại, nhìn con mở to mắt, mặt nhăn đau đớn... Con ơi, hình ảnh đó cứ theo mãi cha, ám ảnh cha suốt hơn ba mươi năm nay.

Có thể là con đã quên, chắc chắn là con không giận, nhưng mà cha thì cha cứ nhớ. Con có lỗi, bắt nằm xuống đánh năm roi ba roi, cách phạt đó ngó vậy mà vẫn thanh nhã. Vì đánh có kèm lời dạy, có nảy sinh lời hứa. Cái roi bẻ từ một cành cây còn dính đôi lá xanh non vẫn được nhìn như một người bạn chơi của đứa nhỏ phạm lỗi. Chớ cái nịt! Nó được chế tạo ra hàng loạt để cột, để siết để bó... nó lạnh lùng, nó vô tri, nó mang dáng vẻ một dụng cụ giảo hình.

Sao cha nỡ có hành động tàn bạo như vậy với con? Mới lên chín, con đã nhận trách nhiệm lo lắng cho gia đình. Con tính tiền chợ, con trả tiền điện, con đưa tiền rác, con ngó chừng em, nhắc chị Hai tắm em, tự tay bôi thuốc vào mụn lở cho em. Rồi cái nhìn đi xa hơn một chút: dọn dẹp cái này cho gọn gàng, xếp đặt cái kia cho tươm tất.

Con đâu có hưởng nhiều êm đềm tuổi thơ với cha? Lúc nhỏ thì con lúc thúc bên gối ông bà. Có lẽ đó là những ngày ngọt ngào nhất của con bởi ông bà thương vồ vập, đòi cái gì cũng có, muốn cái gì cũng cho. Sáu tuổi theo cha mẹ về Đà Lạt con phải một mình coi chừng em giúp mẹ. Rồi mẹ con bệnh, gia đình bị xé nát, con lại theo ông bà về quê, cha đưa mẹ xuống Sài Gòn chữa bệnh. Ba năm sau mẹ con mất, con biến thành người quản lý của một gia đình.

Chín, mười tuổi là cái tuổi nhớ trước quên sau, cái tuổi miệng hay ăn vặt và hát nghêu ngao, là dàn bày đồ chơi ra rồi bỏ vãi đó không dẹp, là tuổi đi chơi phố có mẹ cầm tay. Con thì không, con phải đứng vững như một thân cây che hai cây nhỏ đứng kề. Không có mẹ nhẹ nhàng vuốt ve và nói lời dịu ngọt, không có kinh nghiệm về cái không khí yêu thương, con phải tự tìm lấy. Đi chợ qua hàng trứng vịt lộn, thấy có cái trứng quá già bị nứt phát ra tiếng kêu chíp chíp từ bên trong, con nài nỉ mua về gỡ con vịt bé xíu ra nuôi. Ngày hè năm đó cha có việc phải đi Quảng Ngãi nửa tháng, nhà vắng cha, con ghé chợ mua về một con heo để nuôi cho vui nhà, săn sóc chơi đùa với heo để quên niềm cô quạnh.

Sao nỡ giận con, trách con mà tàn bạo với con? Đâu có dễ để xử sự minh bạch, giải quyết rạch ròi ở đời? Thì ngay chính cha: chị Hai cầm cũng số tiền đó đi chợ mà có bữa cho ăn được, có bữa chẳng ra chi, nhưng cha biết nói sao? Con thúc cha nói nhưng cha cứ ngại ngùng, sợ lỡ chị giận, chị bỏ đi nơi khác. Từ khi mẹ con mất, cha thêm rụt rè cam phận, đã có quá nhiều âu lo và bổn phận dành cho cha rồi mà. Thằng em của con mới vừa bị sốt, cha vẫn phải đi dạy cho hết buổi rồi đạp xe hấp tấp về nhà, kêu xích lô chở nó đi bác sĩ. Đầu năm, con út bị chó nhà bạn cắn nơi đùi, vậy là cha suốt đêm nằm lo lắng, mãi đến khi trở mình mới hay nước mắt đã chảy đầm đìa.

Cha có cảm tưởng là chưa bao giờ con nhận một sự dịu dàng nào từ cha. Một người đàn ông nghiêm trang thật khó biết nên dịu dàng như thế nào. Không thể pha chế giọng nói, "biên tập" câu nói, hoa hòe điều nói. Cha chân tình thường chỉ lo nghĩ đến bổn phận nên nhiều khi quên mất sự dịu dàng. Thương yêu tha thiết trong lòng nhưng khó tìm cách để biểu hiện cho tinh tế, tránh xa công thức, thành ra cha con ta sống âm thầm, cha gắng lo sao cho các con không thiếu thốn về vật chất, được đầy đủ về học vấn. Nhưng còn về tình cảm thì, mất đi một người mẹ là tối sầm hết một nửa bầu trời. Cha cố gắng giữ cho nửa còn lại được sáng bằng cách ở vậy nuôi con. Nếu tục huyền, sợ chỉ còn một phần tư còn sáng. Nhưng giữ cho được một nửa cũng không dễ, bởi bao nhiêu thiếu sót, bao nhiêu khuyết điểm phần cha! Chỉ cần một nét mặt trầm ngâm, một cái nhíu mày u uất là đủ làm tắt đi nụ cười nơi mắt các con. Chỉ lỡ dùng một tiếng la rầy hơi nặng là tiếng đó cứ đè nặng dài ngày trên tâm hồn các con.

Bức thư ân hận của nhà văn Livingstone Larnod đã làm xúc động những người cha. Người cha trong truyện đã rầy con vì cách con lau mặt, mắng con vì giầy không đánh bóng, la con vì trong bữa ăn sáng đã bị đổ sữa, ngồi tì tay lên bàn, nhai không kĩ càng. Khi con chào đi học, cha lại rầy "đi thẳng lưng". Trên đường ở trường về con lại bị rầy vì chơi bi dọc đường để làm rách bí tất. Buổi tối con bước vào phòng, giọng cha còn bất bình hỏi "Cái gì?", và bất ngờ con chạy lại ôm chặt cổ cha, đầy tình thương yêu rồi bỏ chạy lên gác. Người cha bất giác thấy cái tâm hồn đại lượng của con, thấy cái hẹp hòi của mình, - con còn con nít mà cha bắt làm người lớn,- cha ngồi bên giường nhìn con ngủ mà lòng đầy ân hận.

Con ơi, những cái lỗi dồn dập trong một ngày của người cha Larnod vẫn quá nhẹ so với chỉ một cái vụt dây nịt của cha. Và nhã nhặn quá, đẹp quá, cái hôn của đứa nhỏ so với cái nhăn mặt đau đớn của con. Cuộc sống của họ sung túc nên dẫu khuyết điểm mà chúng vẫn thuộc loại sang. Chúng như được son phấn điểm trang, như được bọc trong nhung lụa: giày đánh bóng, ngồi bàn ăn làm đổ sữa, như nàng công chúa đầm đìa nước mắt khóc vì cành hoa héo. Phần cha con ta thì niềm đau lớn hơn, bởi cuộc sống thường ngày của một đứa nhỏ chín tuổi mồ côi mẹ đã phải mang chằng chịt những vết roi vô hình.

image002_110 












Cha và Con vào ngày lễ đầu năm tại Nhật. AFP PHOTO.


Mẹ con chết, cha ở vậy nuôi con, người ta khen cha và mừng cho các con. Thì cũng có đúng, nhưng mấy ai tìm hiểu sâu để thấy cho bao nhiêu cái khó khăn. Dẫu không làm ra đồng tiền đi nữa, không đẹp như á hậu, không giỏi như bà Curie, dẫu ốm đau không giúp ích được gì cho chồng cho con, nhưng sự có mặt của mẹ tựa viên đường làm cho chén nước mắm thêm ngon, như ngọn gió làm cho căn phòng thêm mát. Những đêm mưa sụt sùi, những đêm gió ào ào, mưa từng trận vã rào rào trên lá cây ngoài hiên, tiếng gió rít qua khe cửa, ba đứa con chắc thèm mong có được mẹ ngồi giữa, ba đứa bu quanh, hơi ấm từ mẹ tỏa ra, bàn tay mẹ vuốt ve, tiếng nói mẹ êm nhẹ... Tất cả những cảnh đó, mỗi đứa con có thể đang nằm trong chăn mà tưởng tượng, hai đứa lớn dễ tưởng tượng hơn vì có thời gian sống cạnh mẹ, tội cho con út, chỉ biết mặt mẹ qua tấm hình. Thiếu thốn nhiều lắm. Mùa hè ngọt ngào với đủ thứ trái cây chín bày đầy chợ: xoài, thơm, cam, mít, vú sữa... nhưng ai nhớ cho, ai lưu ý mua giùm cho các con ăn? Cha thì chỉ lo được cái bao quát, làm được cái đại khái. Đặt vào thực tế, nhiều khi thiệt thà lúng túng như con rùa bị lật ngửa. Ai lại đi tin lời bà bán hàng, mua pyjama con trai đem về cho con gái bận. Hoặc vô tâm tới mức đi chợ Tết, cứ tuột quần thằng con lên bảy, mặc thử cái quần mới để trả mua.

Nhưng rồi năm tháng lặng lẽ trôi, các con lớn lên và cha già đi. Kỷ niệm gần nhất là kỳ cha bị bệnh, con chạy lo hết mọi mặt để đưa cha vào bệnh viện. Cha được thong thả không ngờ, chỉ cần làm theo lời con, đưa tay lên, hả miệng ra, co chân lại, đứng thẳng dậy, bước chầm chậm. Khỏi lo khỏi nghĩ, khỏi cân nhắc tính toán, khỏi trù liệu trước sau. Trời ơi sao mà dễ chịu vậy! Khỏi phải tìm đến Niết Bàn, Thiên Đường, cứ được thế này đã là hạnh phúc quá rồi. Con đang đóng vai người Mẹ và cha trở thành đứa nhỏ lên bốn lên năm.

Sau một tháng lành bệnh trở về, cha nhìn những đứa nhỏ gặp trên đường với con mắt khác. Dẫu nó ốm o ghẻ lở, mẹ nó vừa ẵm vừa phát vô đít, dẫu nó đi lững chững cha nó vừa dắt vừa la, dẫu nó nằm ngo ngoe trong nôi vừa khóc ằng ặc... thì cha cũng cứ tưởng tượng vài chục năm sau đứa nhỏ đó sẽ lớn sẽ khôn, sẽ dìu trở lại người cha hôm nay, sẽ bế trở lại người mẹ hôm nay đi bệnh viện, lo lắng bữa cơm, chạy mua hộp thuốc. Chắc không đứa con nào giận cái phát vào đít, cái trót ngang lưng.

Gần đây một cô hàng xóm tổ chức mừng sinh nhật, bùi ngùi nhớ lại mới ngày nào. Cô nói: "Mới ngày nào... hồi em lên 12 tuổi... má em tắm cho em... Da em không được trắng, "Bả" cứ tưởng còn đất, "Bả" cứ kỳ hoài..." Mười hai tuổi mà còn được mẹ tắm? Lòng cha xúc động cơ hồ nước mắt muốn rơi, vì cha nghĩ đến con, đến đứa nhỏ mới lên chín đã phải quằn vai trách nhiệm, và đã nhận sự bất công tàn bạo của người cha, dẫu chỉ một lần.

Này con, mỗi cơn mưa, nước cuốn đi chỉ bỏ sót lại một viên sỏi, nhưng sau ba mươi năm đủ thành một đống sỏi lớn rồi.

Hãy thứ lỗi cho người cha cô đơn tự xét thấy mình đầy khuyết điểm.”

Quý vị vừa thưởng thức tác phẩm “Lời sám hối của Cha” của nhà văn Võ Hồng. Hy vọng rằng ngày Father’s Day năm nay, nhiều người cha sẽ nghe được tác phẩm này và thêm thương yêu con của mình hơn nữa.

(Nguồn: rfa.org)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Chín 2022(Xem: 2827)
"Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ Nga, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể dùng vũ khí hạt nhân nhỏ hoặc "chiến thuật" ở Ukraine."
22 Tháng Chín 2022(Xem: 2718)
"Chưa bao giờ lại có nhiều người Việt xây tương lai bên ngoài tổ quốc mình nhiều như thế và như hiện nay."
19 Tháng Chín 2022(Xem: 2560)
"Tại Westminter, ngoài sự kính trọng được toàn thế giới dành cho nữ hoàng Elizabeth II, là hai sự chuyển giao quyền lực êm ái : một quốc vương mới và một thủ tướng mới. Cuộc họp ở Samarcande, hầu như cùng thời điểm với thất bại nặng nề của Nga ở Ukraina và sự kiện toàn cầu ở Luân Đôn, cho thấy sự sụp đổ quyền lực mềm của Matxcơva và Bắc Kinh."
15 Tháng Chín 2022(Xem: 2509)
"Một bên chấp nhận là « tai, mắt » của Bắc Kinh trong ASEAN để đối lấy viện trợ và đầu tư, còn bên kia thì đã trông thấy Cam Bốt là một mảnh đất màu mỡ để cho các doanh nghiệp Trung Quốc khai thác và xem Phnom Penh như một công cụ hữu ích cả về chính trị lẫn chiến lược..."
11 Tháng Chín 2022(Xem: 2429)
"Thời kỳ cai trị lâu dài của Nữ hoàng Elizabeth II được đánh dấu bằng ý thức nghĩa vụ mạnh mẽ và quyết tâm dâng hiến đời mình cho ngai vàng và nhân dân."
08 Tháng Chín 2022(Xem: 2989)
"Đã có các ý kiến nhắc rằng nhờ công cuộc Cải tổ - Perestroika mà Việt Nam có Đổi mới. Nhưng ít ai ở Việt Nam hiện nay nói về sự xuất hiện của một 'hạt giống Gorbachev' ở Hà Nội khi đó, ông Trần Xuân Bách."
14 Tháng Sáu 2022(Xem: 3249)
"Các cố vấn tranh cử thân cận nhất của ông Donald Trump, các quan chức chính phủ hàng đầu và thậm chí cả gia đình của ông đều đã phản bác những tuyên bố sai lầm của ông cho rằng có gian lận bầu cử hồi năm 2020 trước ngày 6/1/2021, nhưng vị tổng thống bị thua trong bầu cử dường như đã “tách rời khỏi thực tế” và tiếp tục bám vào những giả thuyết kỳ quặc hòng duy trì quyền lực, những người làm chứng khai như vậy trước Ủy ban điều tra vụ tấn công Capitol hôm 13/6, theo AP."
08 Tháng Sáu 2022(Xem: 3220)
"Ý tưởng xây dựng các... “bể chứa nước mưa” cho Hà Nội nhằm chống ngập nhắc thiên hạ nhớ tới vấn nạn ngập lụt ở TP.HCM. Trong 15 năm vừa qua, TP.HCM đã chi hàng trăm ngàn tỉ để giải quyết vấn nạn ngập lụt nhưng vô ích vì gần như không thể khắc phục hậu quả của các... “qui hoạch” trước đó! "
05 Tháng Sáu 2022(Xem: 3271)
"Chính phủ Sri Lanka mới đây tuyên bố tạm dừng trả lãi và nợ nước ngoài để dùng ngoại tệ đáp ứng các nhu cầu trong nước. Giáo sư Khương Hữu Lộc sẽ phân tích về nguyên nhân, hậu quả và mối liên hệ đến Việt Nam."
26 Tháng Năm 2022(Xem: 3100)
"Cách đây hơn 50 năm, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson tuyên bố "súng là công cụ chính gây nên cái chết của giới tội phạm Mỹ" và nói rằng vấn đề này "chính là kết quả từ thái độ bình thường của nền văn hóa chúng ta đối với súng đạn và di sản công dân được trang bị vũ khí, tự bảo vệ mình"."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468