Bạn Đọc Viết: Đọc 'A Sense of Duty' của Quang X. Phạm

21 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 26796)
Bạn Đọc Viết: Đọc 'A Sense of Duty' của Quang X. Phạm

Đọc 'A Sense of Duty' của Quang X. Phạm


Đỗ Văn Minh



Tôi biết quyển Hồi Ký "A Sense of Duty' của Quang X. Phạm qua bài giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Nghĩa đăng trên trang mạng "Thụ Nhân Âu Châu" của hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tại Âu Châu ngày 31 tháng 3 năm 2012.


Bài giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Nghĩa hẳn phải được viết sau khi ông dự buổi ra mắt sách tại miền Nam California và có tựa đề là "Hồi Ký 30 năm: Luỡng Quốc Nhất Nghiệp". Lưỡng Quốc ở đây là Việt Nam và Hoa Kỳ; Nhất Nghiệp là Nghiệp Bay . Cha là Phạm Văn Hòa, bay khu trục và vận tải cho Không Lực VNCH ở Việt Nam từ cuối thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970; con là Quang X. Phạm bay trực thăng cho Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Mỹ từ thập niên 80 đến thập niên 1990.


Phạm Văn Hoà, biệt danh là "Hoà Điên" (Hoà Crazy) khởi nghiệp bay khi theo học khóa hạ sĩ quan cơ khí phi hành tại Rochefort bên Pháp năm 1955. Năm 1957, ông sang Hoa Kỳ học bay và về nước phục vụ trong ngành vận tải, chuyển qua khu trục, rồi trong một phi vụ yểm trợ cho 1 cuộc hành quân trực thăng vận, sau khi phi cơ bị phòng không VC bắn hạ và ông được cứu thoát, ông trở lại ngành vận tải. Trong những tháng cuối cùng của VNCH, ông nghỉ bay và chuyển sang chức vụ là một sĩ quan tham mưu. Tóm lại, cha học bay ở ngoại quốc nhưng chiến đấu ở trong nước Việt Nam.


Quang X. Phạm, sau khi được huấn luyện thành một sỹ quan Thủy Quân Lục Chiến, đã tiếp tục học bay để trở thành một hoa tiêu trực thăng. Ông từng bay hành quân tại chiến trường Trung Đông đánh Irak để giải phóng Kuwait trong cuộc chiến được mệnh danh là "cuộc chiến 100 giờ" năm 1991, sau đó lại tiếp tục tại chiến trường Somalia. Vào giai đoạn cuối cùng trong binh nghiệp, ông chuyển sang làm Sỹ Quan Tùy Viên cho vị tướng Chỉ Huy Không Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến tại vùng Nam California. Tóm lại, con học bay trong nước Hoa Kỳ nhưng lại chiến đấu tại ngoại quốc tận những vùng xa xăm như Trung Đông và Phi Châu.


Cuối cùng, ở Việt Nam , Phạm Văn Hoà từ giã quân đội để bước vào nhà tù Cộng Sản kéo dài 12 năm. Ở Hoa Kỳ, Quang X. Phạm xin giải ngũ để chuyển sang hoạt động trong thương trường. Hai cuộc sống trong quân ngũ của hai cha con đã có hai kết cục khác hẳn nhau, khác nhau như thế nào và tại sao thì đã qúa rõ ràng, tưởng không cần phải giải thích thêm làm chi cho lắm.


Tác phẩm "A Sense of Duty - My Father, My American Journey" do Ballantine Books ấn hành vào năm 2005, một tác phẩm có thể gọi là hiếm có. Hiếm có, trước hết là vì người Việt di tản sang Mỹ tới tháng 4 năm 2012 này đã suýt soát 37 năm, thế nhưng các tác giả người Việt viết sách bằng tiếng Hoa Kỳ và được xuất bản chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Kế tiếp, hầu hết nội dung các tác phẩm đều nói về Việt Nam và cuộc chiến tranh Việt Nam, hoặc ít nhiều liên hệ tới cuộc chiến tranh này.


Nhìn lại thì thấy tướng Nguyễn Cao Kỳ có cuốn Twenty years and Twenty days (1976), có lẽ là cuốn sách đầu tiên tại Hoa Kỳ thuộc loại này; nhiều năm sau ông có thêm cuốn Buddha's Child (2002). Tướng Lâm Quang Thi cho ra mắt cuốn Autopsy: The Death of South Vietnam (1985), kế đó là The Twenty-five year Century (2001), rồi Hell in An Lộc (2009). Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cho ra mắt cuốn The Will of Heaven (1980). Ông Nguyễn Tiến Hưng có cuốn The Palace File (1989). Đặc biệt là nhà báo Phạm Kim Vinh đã viết một loạt sách tiếng Hoa Kỳ, tới trên 10 cuốn, khởi đầu với tác phẩm The Politics of Selfishness (1976) tới cuối cùng là True Democracies for a better world (1997) trước khi ông qua đời vào năm 2000. Tuy nhiên tất cả các sách của Phạm Kim Vinh đều do tác giả tự ấn hành, thành ra không được phổ biến rộng rãi, nhất là vì không được giới truyền thông Hoa Kỳ giới thiệu cho nên độc giả Mỹ hầu như không có bao nhiêu. Chắc chắc còn có những tác giả và tác phẩm khác mà tôi không được biết.


Trong khi những tác giả kể trên đều thuộc thế hệ người Việt thứ nhất trên đất Hoa Kỳ thì Quang X. Phạm thuộc thế hệ thứ hai; ông sang Mỹ khi mới có 11 tuổi. Nội dung "A Sense of Duty" tuy có đề cập tới chiến tranh Việt Nam nhưng phần lớn là những gì liên hệ tới nghiệp bay của thân phụ ông trong Không Lực VNCH. Ông lại là một trong số ít người Việt tình nguyện gia nhập và phục vụ Quân Lực Hoa Kỳ, trong một quân chủng tác chiến nổi danh khắp thế giới, hơn nữa lại cũng trong ngành phi hành của quân chủng này, nối dõi nghiệp bay của thân phụ ông, Trung tá phi công Phạm Văn Hoà.


Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã giới thiệu cuốn "A Sense of Duty" của Quang X. Phạm thật là nồng nhiệt, đã tóm lược nội dung tác phẩm thật gọn gàng, với những cảm nghĩ tràn đầy thiện cảm, thêm vào là mấy 'chuyện bên lề' duyên dáng, thú vị. Nhiều bài điểm sách (review) của giới truyền thông Hoa Kỳ cũng đã ca ngợi tác giả và tác phẩm trên nhiều khía cạnh khác nhau và, nhìn chung, đều mang tính cách nhất trí. Cho nên tôi không còn gì để tán tụng thêm. Tôi chỉ nêu ra những nhận xét dưới đây, tất cả đều nhằm vào những gì mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa cùng các bài diểm sách đã không thấy đề cập tới.


* * * * * * *


Trong tác phẩm "A Sense of Duty" của Quang X. Phạm, có nhiều dữ kiện hoặc nhận xét sai lầm, xin liệt kê ra một số như sau:


* Trang 45: "In Saigon, President Ngo Đinh Diem's popularity had declined. The Binh Xuyen, Cao Dai, and Hoa Hao thunhanreligious sects opposed his favoritism toward Catholics ... In November 1963, President Diem and his brother Nhu were murdered in a coup..."


Vụ chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm do Phật Giáo phát động vào năm 1963. Lúc này làm gì còn Bình Xuyên nữa và các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo không dính dáng gì tới chuyện chống đối này.


Tác giả đã nhầm lẫn thời gian năm 1963 với thời gian các năm 1954-1955.


* Trang 67: "Returning to Saigon in September 1966, my father rejoined the 83rd SOG ... Yet before he got to fly into North Vietnam , the unit was disbanded ... President Thieu supposedly didn't want anyone, including Vice President Ky , to have the luxury of a special-operation air unit available to use to possibly unseat him".


Trước hết, những phi vụ oanh kích Bắc Việt do Không Lực VNCH thực hiện đã chấm dứt hẳn từ khoảng cuối năm 1965. Năm 1966 làm gì còn phi vụ 'Bắc Phạt' nào nữa.


Năm 1966, chưa có Tổng Thống Thiệu. Tướng Thiệu lúc đó là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, một chức vụ có tính cách tượng trưng; quyền hành nằm trong chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương do Tướng Kỳ nắm giữ. Do đó lúc này, dù muốn, Tướng Thiệu cũng không có khả năng giải tán Biệt Đoàn 83 (83rd SOG) được. Biệt Đoàn 83 được giải tán do nhu cầu thành lập Không Đoàn 74 tại Cần Thơ thuộc Vùng 4 Chiến Thuật. Thiếu Tá Lưu Kim Cương, Chỉ Huy Trưởng Biệt Đoàn 83 và hầu hết Bộ tham mưu của ông đã xuống Cần Thơ để tổ chức và chỉ huy Không Đoàn tân lập này.


* Trang 68: "Near the DMZ, U.S. Marines courageously held their outpost at Khe Sanh, where ten NVA divisions surrounded the hills".


Có tới 10 sư đoàn quân CSBV bao vây Khe Sanh thì phóng đại quá. Làm gì nhiều đến như vậy! Đúng ra chỉ có từ 2 đến 3 sư đoàn thôi. Hay nói là 10 trung đoàn thì còn có lý.


* Trang 70: "My family had a television set (a rarety in Vietnam then), and we watched Neil Amstrong walk on the moon in July 1969".


Miền Nam Việt Nam bắt đầu có truyền hình từ cuối 1965, đầu 1966 khi tác giả Quang X. Phạm mới 1, 2 tuổi. Vào thời gian này nói là hiếm người có máy truyền hình thì còn cho được là đúng. Nhưng đến các năm 1968-1969 thì máy truyền hình đã thông dụng lắm rồi. Hàng xóm nhà tôi hầu như nhà nào cũng đều có máy truyền hình cả.


* Trang 71: "After the 1971 election, when he failed to defeat Thieu for the presidency, Ky essentially sat out the remainder of the war as a private citizen".


Nhận xét này hoàn toàn không đúng. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1971 là 1 cuộc độc diễn. Ông Kỳ ghi danh tranh cử nhưng bị ông Thiệu gây khó dễ trong vấn đề thủ tục cho nên ông Kỳ đã rút tên khỏi danh sách ứng cử. Không tham dự trong cuộc bầu cử độc diễn này, không có tranh cử thì làm sao nói là ông Kỳ thất bại không hạ được ông Thiệu.


* Trang 74: "The siege ended badly for the North Vietnamese, who suffered 100,000 casualties, or two times South Vietnam 's losses".


Con số 100,000 thương vong (vừa chết vừa bị thương) của CSBV kể trên là quá cao. Trong trận chiến An Lộc, tổng số quân CSBV tham dự chừng 50,000 tới 60,000 người. Có thương vong hết tất cả cũng chưa tới con số 100,000. Tổng số thương vong của CSBV khoảng chừng từ 20,000 tới 30,000 mà thôi.


Cứ theo như trên thì số thương vong của VNCH là 50,000 người (1 nửa của con số 100,000). Thế nhưng tổng số quân trú phòng tại An Lộc là khoảng 7000 người. Tổng số quân từ ngoài vào giải tỏa An Lộc cũng chỉ từ 20,000 tới 30,000. Tính như vậy thì số quân lâm trận của QLVNCH chết và bị thương hết cả sao? Mà có như thế thì vẫn còn chưa tới con số 50,000. Có hợp lý không?


* Trang 82: "Our exact whereabouts was unknown to him; he only knew we had been in good hands when he saw us depart on a U.S. C130 on April 23".


Trong chương trình di tản gia đình các sỹ quan có cấp bậc và chức vụ tại BTL/KQ từ ngày 22 tháng 4, 1975, đảo Guam đã được mọi người biết rõ là địa điểm đến cho những người được di tản này do tin từ các giới chức Hoa Kỳ cho hay. Tôi thực ngạc nhiên sao ông trung tá Phi Đoàn Trưởng KQ Phạm văn Hòa lại không biết.


Sau vì số người di tản quá đông cho nên địa điểm di tản có thêm đảo Wake nữa.


* Trang 86: "... an ARVN colonel in uniform stood at the base of the Vietnamese Marine Memorial, saluted, and killed himself with a single pistol shot ...".


Vị sỹ quan tự tử gần dưới chân tượng Thủy Quân Lục Chiến trước tòa nhà Quốc Hội không phải là một Đại Tá Bộ Binh mà là một Trung Tá Cảnh Sát có tên là Long.


* Trang 182: "On January 29, 1991, three Iraqi armored divisions attacked the small coastal town of Khafji and held it for thirty xix hours".


Trong cuốn "It doesn't take a hero" trang 424, Đại Tướng Tư Lệnh Mặt Trận Trung Đông Norman Schwarzkopf cho biết trận tấn công này chỉ do 1 sư đoàn mà thôi. Đó là sư đoàn 5 cơ giới của Irak đã dùng thiết giáp tấn công theo 3 hướng vào thị trấn Al Khafji. Thị trấn này lúc đó đã là 1 thị trấn bỏ hoang (ghost city), vì 20,000 cư dân đã hầu hết di tản về khu vực an toàn ở hậu phương ngay sau khi cuộc chiến tranh mới khởi sự, vì Al Khafji chỉ cách biên giới chưa đầy 8 dặm.


* Trang 210: Trong bức thư của Trung Tá Phạm văn Hòa gửi từ Van Nuys, California cho con là Quang X. Phạm đề ngày 22 tháng 7, 1992, có câu viết như sau: "I ran into former VNAF commander, Brigadier General Minh".


Sao ông Phạm văn Hòa lại có thể nhầm lẫn như vậy được? Tướng Tư Lệnh Không Quân VN là Trần văn Minh, Trung Tướng (Lt General - Tướng 3 sao) chứ không phải Chuẩn Tướng (Brigadier General - Tướng 1 sao). Không Quân VN trước sau chỉ có 1 Trung Tướng, đó là Tướng Trần văn Minh, Tư Lệnh Không Quân từ 1967 đến 1975.


* Trang 224: "I grabbed my backpack and with my father quickly headed for the parking lot trying to beat 500,000 other departing attendees".


Đây là kể về buổi ông Quang X. Phạm đưa thân phụ là Trung Tá Phạm Văn Hòa đến căn cứ El Toro của Thủy Quân Lục Chiến để coi buổi triển lãm hàng không hàng năm "Marine Corps El Toro Airshow". Trong 1 buổi mà có tới 500,000 người đi coi thì tôi không tin nổi. Nửa triệu người không phải là con số nhỏ. Mà ông Quang X. Phạm lại nói rõ là phải mau ra chỗ đậu xe đề đi trước được 500,000 người cũng đang rời cuộc triển lãm. Tức là có 500,000 đang hiện diện cùng lúc trong cuộc triển lãm. Nói là có nửa triệu người đi coi triển lãm trong trọn một ngày, người bên trong coi xong đi ra, người bên ngoài vào coi tiếp cũng còn khó tin, huống chi là 500,000 người trong cùng lúc.


Trong những lời "Cảm Tạ" (Acknowledgments) ở phần đầu sách, Quang X. Phạm đã ghi tên họ những người quen biết của thân phụ ông trong Không Quân, những người đã giúp tác giả rất nhiều khi viết tác phẩm này, như các vị Hồ Đăng Trí, Lý Ngọc An, Phạm Gia Bảo, Nguyễn Qúy Chấn, Phạm Long Sữu, Trần Bá Hợi, Nguyễn Cầu, ... Thế mà không thấy có ai trong các vị này chỉ ra cho tác giả những chỗ sai lầm kể trên, những sai lầm mà hầu hết đều thuộc về những dữ kiện xảy ra trước 1975 khi ông Quang X. Phạm còn quá nhỏ tuổi nên đã không thể nhớ đến hoặc biết được rõ ràng. Hay là các vị trên đã không được tác giả đưa bản thảo sách dể duyệt lại trước khi cho ấn hành. Hoặc là các vị này có biết nhưng cho là chuyện nhỏ, không đáng nhắc tới.


Riêng ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một người có tiếng là học rộng hiểu nhiều, tôi cũng không thấy ông nêu ra một sơ sót nào trong toàn tác phẩm của Quang X. Phạm. Hẳn ông cho tác phẩm này là toàn bích. Những sai lầm tôi kể bên trên có thể là nhỏ nhặt, nhưng cũng như những hạt sạn trong một nồi cơm gạo tám thơm, chúng khiến cho người ăn cảm thấy khó chịu. Cho nên đã biết thì phải nói ra, để tác giả có dịp điều chỉnh lại khi tái bản. Ngoài ra, ông Phạm văn Hòa mang cấp bậc Trung Tá, điều này đã được Quang X. Phạm nhắc đến nhiều lần trong sách, vậy mà ông Nguyễn Xuân Nghĩa trong bài giới thiệu lại cứ mấy lần hạ cấp bậc xuống còn Thiếu Tá.


Ông còn kể lể không đúng sự thật khi viết rằng "... người cha cố nán lại để hoàn tất nhiệm vụ trong những giờ cuối và bị bắt đi tập trung học tập cải tạo". Điều này trái hẳn với những gì Quang X. Phạm đã thành thực kể ra trong sách, theo đó thì trong giờ phút chót ông Phạm Văn Hoà đã về nhà thân mẫu ở Sài Gòn để cố thuyết phục bà cụ ra đi. Khi thân mẫu ông từ chối, ông trở vào căn cứ tìm đường di tản thì lúc này đã quá trễ. Cuối cùng, đêm 29 tháng 4, ông trở về nhà thân mẫu nằm chờ cho số phận đẩy đưa. (My father decided to go back to Saigon one last time to attempt to bring out my grandmother. When she refused he headed back to Tan Son Nhut and tried to reenter the base ... On the night of April 29 my father drove back to my grandmother's house to await his fate" - Trang 85). Như thế thì làm gì có chuyện Trung Tá Phạm Văn Hòa "cố nán lại để hoàn thành nhiệm vụ" như ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã cố tình đề cao. Hơn nữa, trong những tháng sau cùng của miền Nam tự do, Trung Tá Phạm Văn Hòa đã không còn chỉ huy phi đoàn tác chiến nữa, không còn bay bổng thường xuyên nữa. Ông chuyển sang một chức vụ tham mưu, làm sỹ quan an phi và định chuẩn cho Không Đoàn (Wing Safety and Standardization Officer -Trang 80). Vậy thì cái chức vụ của ông không đòi hỏi ông phải có nhiệm vụ gì để hoàn tất trong những giờ phút cuối cùng này, giờ phút mà có ai còn nghĩ tới chuyện an ninh phi hành, còn tính toán đến việc định tiêu chuẩn bay bổng cho nhân viên phi hành.


Một nhận xét nữa của tôi là ông Quang X. Phạm kễ chuyện rất thành thực.


Thân phụ ông, Trung Tá Phạm Văn Hòa, đi tù lao động cải tạo 12 năm đến năm 1987 ra tù và năm 1992 thì sang Hoa Kỳ trong chương trình HO. Theo như ông Nguyễn Xuân Nghĩa mô tả thì trong thời gian này "người cha còn lang thang vất vưởng ở quê nhà". Nhưng sự thực không đúng hẳn như vậy. Chính người con, Phạm X. Quang, cho biết trong sách là thân phụ ông có một tổ ấm, đã sống với một người đàn bà khác và sinh ra 1 đứa con trai vào năm 1992 trước khi sang Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình. Phạm X. Quang kể là, trong một cuộc điện đàm, ông được thân phụ tiết lộ cho biết chuyện này 2 ngày trước khi ông về thăm lại Việt Nam vào năm 1995. Thân phụ ông khuyến cáo ông nên đến thăm đứa em cùng cha khác mẹ lúc đó đã được trên 3 tuổi. Tin này làm cho tác giả vô cùng sửng sốt. Ông viết: "... my father dropped a 50,000 bombshell on me" (Trang 242). Về Việt Nam, ở Sài Gòn Phạm X. Quang đã đi thăm viếng nhiều nơi, nhất là những nơi mang dấu vết của những kỷ niệm ngày xưa thơ ấu. Cuối cùng ông cũng nghe lời thân phụ đến thăm đứa em, đứa con riêng của thân phụ ông, ở một khu phố chật chội, trong một ngôi nhà tồi tệ (shack). Đứa nhỏ có vẻ bệnh hoạn, tay chân gầy khẳng khiu như đứa trẻ 1 tuổi, không hiểu có phải thiếu dinh dưỡng mà ra như thế. Hẳn vì không thiết tha cho lắm nên không đầy 30 phút thăm viếng, tác gỉả vội vã ra về sau khi đưa cho người mẹ đứa bé 100USD tiền mặt. (An- name of the child - appeared sick, his arms and legs as thin as those of a one-year old. I didn't know if he was malnourished. ... My heart was not in the visit. I came only because my father had asked me. I gave An's mother $100 cash ( U.S. )- Trang 245).


Chuyện đoàn tụ gia đình không xảy ra tốt đẹp như tác giả mong muốn. Song thân ông có mối bất hòa ngấm ngầm, biểu lộ ngay trong ngày đầu tiên gặp lại. Thân mẫu ông không nói chuyện nhiều, giữ vẻ im lặng và sắp xếp để thân phụ ông ngủ ở 1 phòng riêng. Phạm X. Quang hiểu ngay rằng "the Great Homecoming Fantasy were not going to happen" (Trang 203). Việc phải đến cuối cùng rồi cũng đến: song thân ông ly dị rồi thời gian sau thân phụ ông lập gia đình lại với một người vở trẻ hơn 15 tuổi. Có điều đáng buồn là thân phụ ông đã qua đời vào năm 2000 sau khi qua Mỹ đoàn tụ chỉ được 8 năm khi mới 64 tuồi.


Phạm X. Quang đã thẳng thắn kể ra trong sách cả nhũng chuyện riêng tư trong gia đình, có lẽ để cho thấy con người thực của thân phụ ông, có nhiều điều tốt đẹp đáng làm gương cho ông noi theo, nhưng cũng không tránh khỏi có vài chuyện khiến ông không được hài lòng. Và như thế mới là đúng một 'con người', không phải lúc nào cũng toàn thiện toàn mỹ.


Năm 1964 phi cơ của Th/úy Phạm Văn Hòa, trong 1 phi vụ oanh kích yểm trợ cho 1 cuộc hành quân trực thăng vận vào mật khu Đỗ Xá, đã bị phòng không VC bắn hạ. May mắn ông được 1 trực thăng Hoa Kỳ cứu thoát. May mắn thêm nữa là trong lúc nằm tại quân y viện Đà Nẵng, ông gặp Tư Lệnh KQ Nguyễn Cao Kỳ đi thăm viếng thương bệnh binh. Tưóng Kỳ gặp thuộc cấp cũ (Th/úy Hoà từng bay vận tải trong liên phi đoàn dưới quyền chỉ huy lúc đó của Tr/Tá Kỳ) và đã ra lệnh chở Th/úy Hòa vào ngay Sài Gòn để nằm điều trị trong bệnh viện Grall, bệnh viện hàng đầu của miền Nam thời đó. Nhờ vậy, song thân ông và vợ con ông mới có thể hàng ngày vào ra trông nom săn sóc. Quang X. Phạm còn nhấn mạnh "No medical bill ever came" để diễn tả cái tình của cấp chỉ huy với một thuộc cấp cũ, một chiến hữu trong cùng quân chủng.


Khoảng 30 năm sau, tác giả và thân phụ có dịp gặp lại Tướng Kỳ trong một bữa ăn cùng một nhóm cựu quân nhân Không Quân tại 1 nhà hàng vùng nam California.


Tướng Kỳ tới trễ và trong lúc chờ đợi, tác giả Quang X. Phạm đã cảm thấy vừa đói bụng vừa bực bội. Ông cho rằng mọi người đều phải tới đúng giờ và ông oán trách là đã phải chờ đợi làm phí cả một buổi thứ bẩy qúy giá của ông. Tác giả đã quen với lối sống của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ nên muốn mọi người đều phải theo cung cách sống như ông, một người đã từng làm sỹ quan tùy viên, giờ khắc tính từng phút một! (I was getting hungry and a little pissed off. I was an aide-de-camp, and everybody should be on a time line ... I was wasting my precious Saturday at a goddamn restaurant waiting for an ex-general" - Trang 228) Trường hợp này, ông đã có thái độ cứng ngắc một cách quá đáng và không hợp thời. Đây không phải là giờ giấc của một cuộc hành quân nơi chiến địa, không phải giờ của một buổi họp tham mưu, không phải giờ cho một buổi gặp gỡ trên thương trường, cũng không phải giờ khai mạc của một tiệc cưới, ... Đây chỉ là giờ hẹn trong một bữa ăn chơi họp mặt thân mật, người đến trước, kẻ đến sau, đâu có gi mà phải quan trọng hóa đến như thế! Nếu quá đói, ông có thể gọi tạm một cái gì để ăn trước, nếu coi buổi thứ bẩy là quá qúy báu không thể bỏ phí thì ông có thể cáo từ ra về trước, chắc chắn không ai chèo kéo gìữ lại làm gì.


Khi Tướng Kỳ tới, mọi người đều đứng dậy, ngoại trừ thân phụ ông, Tr/Tá Phạm Văn Hòa. (Everyone in the restaurant hurriedly stood up. Except my father" - Trang 228). Mãi sau thân phụ ông mới từ từ đứng lên, và con ông, Quang X. Phạm cũng đứng lên theo. (My father slowly got to his feet and so did I"). Thực tình tôi không hiểu nổi thái độ của ông Tr/Tá Phạm Văn Hòa. Ông có điều bất mãn gì với cấp chỉ huy cũ vậy? Hoặc có thể ông cho là những người vội vã đứng lên chào đón Tướng Kỳ đã biểu lộ một hành động xu nịnh. Ông không đứng lên cùng lúc là để tỏ ra không giống như những người đó, để bày tỏ thái độ phản kháng của một người ngang tàng xứng với biệt hiệu "Hòa Điên". Và rồi cuối cùng ông cũng đứng lên, nhưng chỉ từ từ cất mình lên, lúc đó chắc hẳn mọi người đều đã ngồi xuống, và riêng hai cha con ông đứng thì rõ ràng là nổi bật lên trên tất cả những người khác rồi!


30 năm (1964-1994) quả là một thời gian dài. "Tang điền thương hải", cái gì cũng còn thay đồi, huống chi là tâm tính con người. Nhưng xét cho cùng thì tình đời thường là như vậy, dầu rằng vẫn có những con người lúc nào cũng cố giữ cách đối xử cho được trọn vẹn. Trong một trường hợp gần như tương tự, nhưng phi công Lý Ngọc An, người bạn thân của Trung Tá Hòa "Điên", lúc nào cũng có thái độ đối với Tướng Kỳ trước sau như một, thật là đáng qúy.


* * * * * * *


Quyển "A Sense of Duty" của Quang X. Phạm được in và phát hành từ năm 2005, cách nay đã 7 năm. Nhờ bài giới thiệu của ông Nguyễn Xuân Nghĩa mà tôi mới biết đến nó, dù là quá trễ. Nhưng 'trễ còn hơn không", tôi nêu ra những điều sơ xuất trong cuốn sách mong lưu ý tác giả để khi tái bản thì cần tìm hiểu thêm hầu điều chỉnh cho các dữ kiện được thật chính xác.


Tôi đặc biệt thích thú khi đọc cuốn sách ở những đoạn tác giả kể chuyện gia nhập Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và thời gian ông phục vụ trong quân chủng này trên cương vị một sỹ quan phi công ngành trực thăng. Nhờ thế tôi mới hiểu, để trở thành một sỹ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ thì phải có những điều kiện gì, phải trải qua những chặng đường huấn luyện và thử thách, cam go, vất vả đến như thế nào. Đặc biệt là muốn gia nhập ngành phi hành (Marines Aviation) trong quân chủng nổi tiếng này thì còn phải qua thêm những khóa huấn luyện khác, những đòi hỏi về kiến thức, khả năng cũng như lòng kiên nhẫn.


Ông Quang X. Phạm đã có kinh nghiệm bản thân qua nhiều năm phục vụ trong quân chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ cho nên những gì ông nói về binh nghiệp của ông hẳn phải có giá trị đặc biệt không thể chối cãi. Trên phương diện này, tác phẩm "A Sense of Duty" của Quang X. Phạm thật là đáng qúy.



Đỗ Văn Minh


19 tháng 4, 2012

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Ba 2018(Xem: 8947)
"Bên cạnh những nhân chứng còn sống, bên cạnh những lời ghi chép để lại trong lịch sử vẫn chưa đầy đủ, thì âm nhạc là nơi lưu giữ, là 1 thực thể hiển hiện rõ nhất sự thật về biến cố Mậu Thân 1968."
11 Tháng Hai 2018(Xem: 10020)
"Kế hoạch tổng tấn công của địch qui mô lớn lao như thế, chuẩn bị công phu như thế, mất nhiều ngày giờ như thế, chẳng hiểu vì lý do nào cả tình báo của Mỹ và tình báo của ta không thấy được, hoặc không thấy đủ và hiểu sai, diễn dịch sai ý đồ của địch. "
10 Tháng Hai 2018(Xem: 9680)
Khi quân Bắc Việt mở cuộc tấn công cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước hồi 1975, hàng trăm ngàn dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy. Dường như trong tâm trí nhiều người, câu chuyện về "những vụ thảm sát ở Huế" vẫn còn đậm dấu ấn.
22 Tháng Giêng 2018(Xem: 9633)
"Những phát biểu sai trái và phóng đại vẫn không ngừng tuôn ra từ tài khoản Twitter, các bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn của ông Trump, đại đa số những tuyên bố này nhằm thỏa mãn cái tôi của ông."
21 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9871)
"Những người nào đã giảng dạy tại Viện tất không thể quên được hình ảnh của một vị Viện Trưởng, tuy tuổi cao, đầu bạc, nhưng cực kỳ nhũn nhặn và khéo léo. Chưa từng để mất lòng ai." (Gs Nguyễn Cao Hách)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468