Lập trường đối ngoại của Obama và Romney

20 Tháng Mười 201212:00 SA(Xem: 19557)
Lập trường đối ngoại của Obama và Romney

Lập trường đối ngoại của Obama và Romney

Thứ sáu, 19 tháng 10, 2012


image001_306 

 







Hai ứng viên trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, Tổng thống Barack Obama và Thống đốc bang Mitt Romney, sẽ có cuộc đụng độ nữa trong lần tranh luận dự trù diễn ra vào ngày 22 tháng Mười, và tại cuộc tranh luận này Chính sách Ngoại giao sẽ là chủ đề chính.

Dưới đây là một số quan điểm của họ dựa trên trích dẫn những câu nói của hai ứng viên này


Iran

Các vấn đề chính: Chương trình hạt nhân của Iran, mối đe dọa trước việc phát triển một loại vũ khí nguyên từ, khả năng có chiến tranh và đồn đoán về một cuộc tấn công đơn phương từ phía Israel.

  • Ông Obama nói: "Những quốc gia và Tổng thống mạnh nói chuyện với kẻ thù của mình". Quan điểm: Iran không nên được cho phép có vũ khí hạt nhân. Ông không loại bỏ tất cả những ứng phó có thể có nhưng rõ ràng muốn chọn giải pháp thương thuyết thông qua đối thoại và/hoặc cấm vận. Mặc dù những nỗ lực ban đầu trong việc đối thoại với Iran đã thất bại, những cấm vận quốc tế dường như đem lại những tác dụng mà chính quyền của ông Obama mong muốn.
  • Ông Romney nói: "…nếu quý vị bầu chọn tôi là Tổng thống kế nhiệm, họ sẽ không có vũ khí hạt nhân…". Quan điểm: Duy trì một đường lối cứng rắn. Ông cũng thẳng thừng nói về chuyện không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân nhưng còn nói thêm rằng không muốn nước này có năng lực hạt nhân. Ông bác bỏ chuyện đối thoại nhưng nhận rằng ông sẽ gây áp lực để có những trừng phạt nặng tay hơn. Tuy nhiên ông tin rằng cần cho Iran hiểu rõ về một đe dọa thực sự sẽ có hành động quân sự đối với nước này.

 Israel

Các vấn đề chính: Khu định cư Israel tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, thương thuyết hòa bình với chính quyền Palestin, và một nhà nước Palestin.

  • Ông Obama nói: "Cam kết của chúng ta với an ninh của Israel nhất định không được lay chuyển, và cả việc theo đuổi hòa bình của chúng ta cũng vậy". Quan điểm: Nhấn mạnh cam kết của ông về an ninh của Israel nhưng coi tình hình với người Palestin hiện nay là không bền vững và ủng hộ một giải pháp có hai nhà nước. Ông yêu cầu phe Hamas phải chấp nhận quyền tồn tại và bác bỏ bạo động của người Israel. Ông phản đối các khu định cư của người Do Thái tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, một vấn đề đã gây nhiều va chạm với Thủ tướng Netanyahu. Ông Obama quả quyết mối quan hệ là "tốt đẹp" nhưng chưa từng tới thăm Israel trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
  • Ông Romney nói: "Mấu chốt để thương thuyết cho một nền hòa bình dài lâu là một nước Israel mà họ biết rằng họ được bảo đảm an ninh". Quan điểm: Ông miêu tả Israel là một đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ và chỉ trích việc ông Obama đã giữ một khoảng cách với Israel. Ông có quan điểm cởi mở hơn về các khu định cư của người Do Thái và muốn tập trung hơn vào việc cải thiện kinh tế ở các vùng lãnh thổ Palestin hơn là cho phép họ có vị thế chính trị cao hơn. Ông đặt câu hỏi về khả năng tồn tại của một giải pháp hai nhà nước. Ông tới thăm Israel trong thời gian vận động tranh cử và được trích thuật nói rằng “Người Palestin không hề quan tâm tới việc xác lập hòa bình”.

Thế giới Ả Rập/Hồi giáo

Các vấn đề chính: Hậu Mùa Xuân Ả rập, nội chiến tại Syria và bộ phim bài Hồi giáo sản xuất tại Hoa Kỳ đã làm bùng nổ những cuộc biểu tình phản đối chống lại các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trong vùng.

  • Ông Obama nói: "Nước Mỹ và Hồi giáo không phải là chỉ có một trong hai và không cần cạnh tranh với nhau". Quan điểm: Ngay từ lúc khởi đầu chính quyền của ông đã tìm cách thiết lập lại mối quan hệ hữu nghị với thế giới Ả Rập và Hồi giáo. Ông ủng hỗ các cải cách dân chủ trong khu vực và đặt kế hoạch tài trợ đầu tư và các khoản cho vay cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Tham gia liên minh NATO tại Libya chống lại ông Muammar Gaddafi và ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống lại Syria và kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad chuyển giao quyền lực ngay lập tức. Bảo vệ quyền tự do ngôn luận liên quan đến bộ phim bài Hồi giáo và lên án tình trạng bạo lực mà bộ phim này đã gây ra.
  • Ông Romney nói: "Chính quyền Romney sẽ tìm mọi cách để bảo đảm rằng sẽ không có một Mùa Đông Ả Rập theo sau Mùa Xuân Ả Rập". Quan điểm: Coi Mùa Xuân Ả Rập là một cơ hội tích cực để thay đổi nhưng lo ngại nó có thể mở cánh cửa cho những thế lực thù nghịch chống lại Hoa Kỳ tại vùng. Đồng ý với việc tham gia quân sự của chính phủ Mỹ tại Libya nhưng không đồng ý về thời điểm. Chỉ trích ông Obama về việc "đã không có hành động" tại Syria và muốn thấy Hoa Kỳ và các đồng minh tổ chức và trang bị cho các phe nhóm đối lập tại Syria. Ông không ủng hộ hành động quân sự tức thì nhưng nói Hoa Kỳ sẽ phải can thiệp để đề phòng việc vũ khí hóa học có thể lan ra. Vẫn chỉ trích phản ứng của Tổng thống trước những vụ tấn công nhắm vào các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ.

 Trung Quốc

Các vấn đề chính: Kết nối và cưỡng lại sức mạnh quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, điều chỉnh mức bất cân đối về thương mại, kiểm soát những hoạt động tiền tệ và thương mại có vấn đề và thúc đẩy nhân quyền.

  • Ông Obama nói: "Hoa Kỳ không tìm cách kiềm chế Trung Quốc … một đất nước Trung Quốc giàu mạnh có thể là một nguồn lực cho cộng đồng các quốc gia. Quan điểm: Đã tìm kiếm một mối quan hệ hợp tác, tin vào cách tiếp cận hòa giải và thực tiễn hơn, nhưng vẫn khiển trách Bắc Kinh cố tình thao túng đồng nhân dân tệ và tham gia vào những hoạt động thương mại bất công, đồng thời tuyên bố thành lập Đơn vị thực thi thương mại để điều tra những vi phạm này. Quan ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại châu Á và vạch ra các kế hoạch cho sự hiện diện lớn hơn của thủy quân lục chiến Mỹ tại vùng. Phải đối mặt với trường hợp nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc trốn thoát từ tư gia đang bị quản thúc và thành công trong việc thu xếp được cho ông tới Mỹ an toàn.
  • Ông Romney nói: "Nếu quý vị không sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc, quý vị sẽ bị Trung Quốc đè bẹp". Quan điểm: Quảng bá cho một cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn, bao gồm khả năng quân sự mạnh mẽ tại Thái Bình Dương, hợp tác sâu rộng hơn với Ấn Độ và các đồng minh khác trong vùng, bảo vệ nhân quyền và đẩy Trung Quốc tới cho phải theo đuổi các chính sách tự do thương mại công bằng. ÔNg bác bỏ chiến dịch của ông Obama tại Tổ chức thương mại thế giới, WTO, chống lại Trung quốc là "quá ít và quá chậm". Ông công khai nói về tình trạng thao túng tiền tệ mà Trung Quốc bị cáo buộc và việc xâm nhập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính của các công ty và của chính phủ Mỹ. Công nhận Trung Quốc là một cường quốc kinh tế để làm ăn thương mại nhưng phải tuân thủ những quy định chặt chẽ.

 Nga

Các vấn đề chính: Quan hệ chặt chẽ sau khi ông Vladimir Putin trở lại chức vụ Tổng thống, Hiệp ước chung START về giảm vũ khí hạt nhân, hợp tác để kiểm soát Iran và buộc Tổng thống al-Assad phải từ bỏ quyền lực tại Syria.

  • Ông Obama nói: "… quý vị không gọi Nga là kẻ thù số 1 của chúng ta - không phải Al-Qaida, Nga - trừ khi quý vị vẫn còn giữ tư duy của thời Chiến tranh lạnh". Quan điểm: Bấm nút "tái khởi động" trong quan hệ với Nga và ký Hiệp ước START Mới mà theo đó giới hạn con số các đầu đạn hạt nhân được triển khai. Ủng hộ Nga tham gia WTO mà theo đó dẫn dắt cả hai nước tới việc vĩnh viễn bình thường hóa quan hệ thương mại. Đạt một hiệp ước với Matxcova về cấm vận với Iran nhưng đã không tìm được quan điểm chung về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria và chính quyền của ông đã cáo buộc Nga gửi trực thăng tấn công cho chế độ của Tổng thống Assad.
  • Ông Romney nói: "Không có gì phải thắc mắc rằng (Nga) là kẻ thù địa chính trị số một của chúng ta. Họ chiến đấu vì sự nghiệp của những người khó tin cậy nhất trên thế giới". Quan điểm: Ông nói ông sẽ "chỉnh lại nút tái khởi động". Chiến dịch của ông vạch ra một chiến lược nhằm ngăn chặn những gì ông gọi là hành xử gây hấn và bá quyền và ông khuyến khích những cải cách chính trị và dân chủ. Ông nói ông sẽ thẳng thắn đối mặt với chính phủ Nga về những hành động có tính độc đoán. Ông phản đối việc cho phép Nga gia nhập WTO và cáo buộc chính phủ Nga ngăn chặn những trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran và Syria.

 Châu Mỹ Latinh

Các vấn đề chính: Cấm vận của Hoa Kỳ đối với Cuba, kiểm soát vũ khí, ma túy và bạo động tràn qua biên giới với Mexico, tăng cường thương mại với các nước bất chấp các khối thương mại mới được thành lập trong vùng và với các đối tác thương mại khác bên ngoài vùng, đối phó với các chính phủ dân túy thiên về cánh tả và thái độ bài Mỹ.

  • Ông Obama nói: "Vùng Mỹ Latinh (là) một vùng đang chuyển động, tự hào với những tiến triển của mình và sẵn sàng nhận một vai trò lớn hơn trên trường quốc tế... quan trọng hơn bao giờ hết đối với sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ". Quan điểm: Chính sách của ông Obama tại đây vẫn bị mờ nhạt do những cuộc khủng hoảng cấp bách hơn ở trong nước và nước ngoài, mặc dù ông hứa hẹn tham gia vào "một quan hệ đối tác với tinh thần mới" với vùng này. Ông nới lỏng những giới hạn về đi lại cho Cuba nhưng không làm hơn nữa trong việc giải quyết lệnh cấm vận đã kéo dài hàng thập niên áp đặt với hòn đảo này. Ông tiếp tục Kế hoạch Merida, do cựu Tổng thống George W. Bush khởi đầu - một kế hoạch có sự tham gia của nhân viên và nguồn lực Mỹ nhằm ngăn chặn luồng ma túy và vũ khí chuyển qua biên giới với Mexico vào Mỹ và ký hai Thỏa thuận Tự do Thương mại với Colombia và Panama, cũng do người tiền nhiệm của ông thương thuyết. Ông là người khuyến khích trao đổi sinh viên ở bậc cao họ giữa các quốc gia trong vùng với Hoa kỳ. Nhưng không có một chính sách toàn diện hay một chiến lược cho châu lục này trong việc đối phó với sự xuất hiện của những khối mới như ALBA, UNASUR và CELAC, những khối nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
  • Ông Romney nói: "Tôi sẽ tiến hành một chiến dịch nhằm tăng cường cơ hội kinh tế tại vùng Mỹ Latinh, và tạo ra sự đối lập giữa những lợi ích của dân chủ, tự do thương mại và tự do kinh doanh với mô hình đang phá sản về đạo đức và vật chất tại Venezuela và Cuba". Quan điểm: Chính sách của ông Romney ở vùng cũng tương tự với chính sách của ông Obama ở chỗ dường như vùng vẫn chỉ ở vị trí bên lề nếu ông là Tổng thống. Tuy nhiên ông nói ông sẽ theo đuổi một vai trò tích cực tại Mỹ Latinh bằng cách ủng hộ các đồng minh dân chủ. Quan điểm của ông là tiến bộ về dân chủ, an ninh và quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ đạt được tại đó đang bị đe dọa bởi Venezuela và Cuba những nước mà ông nói đang dẫn đầu phong trào bài Mỹ tại vùng và ông cảnh báo các nước này có chung tính chất như Iran và các tổ chức cực đoan như Hezbollah. Ông có kế hoạch tiến hành những gì ông gọi là Chiến dịch vì Cơ hội Kinh tế tại Mỹ Latinh để tiếp tục phát triển dựa trên Thỏa thuận Tự do Thương mại đã có và thành lập một Lực lượng Phối hợp chung Bán cầu chống Tội ác và Khủng bố. Ông ủng hộ việc tái phục hồi những giới hạn đi lại với Cuba và việc hoàn thành một hàng rào biên giới không thể lọt qua tại biên giới phía nam với Mexico.

(Nguồn: bbc.co.uk)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Tư 2011(Xem: 38239)
Trời Phi đã nức hương lài, Thương thay đất Việt đêm dài chưa tan.
19 Tháng Tư 2011(Xem: 108084)
Đã 34 năm qua,một câu chuyện mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ viết thành văn vì biết mình không đủ khả năng để diễn tả hết cái thảm kịch đã kết thúc bằng cái chết hào hùng của một bạn đồng song, KHA TƯ GIÁO. Huỳnh Hưng (Đã đăng tháng 4-2010, nay đăng lại theo gợi ý của Văn Nguyễn để tưởng niệm một đồng môn Thụ Nhân)
27 Tháng Ba 2011(Xem: 28898)
Diễn Đàn Thụ Nhân rất đau buồn thông báo Thụ Nhân Nguyễn Đức Quang,  Nhà báo-nhạc sĩ du ca tài hoa, Thành viên Ban Sáng Lập Diễn Đàn Thụ Nhân, đã vĩnh biệt đại gia đình Thụ Nhân ngày 27-3-2011. Tiếc thương biết bao! Xin cùng nghe lại Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
19 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 13160)
“Rứa c on đi, con có trở về không?” Võ Thà nh Xuân ... ở đây sẽ chỉ là một số kỷ niệm với người Cha tôn kính của một cựu sinh viên may mắn gần g ũi Cha vào quảng đời mà tình cảm của Cha như một người cha già thế tục mong vui với đàn con.
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468