Nhân Ngày Thiếu Nhi của Mỹ (Hoàng Ngọc Nguyên)

07 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 17488)
Nhân Ngày Thiếu Nhi của Mỹ (Hoàng Ngọc Nguyên)


may_31-13_-_nhan_ngay_thieu_nhi_cua_my



NHÂN NGÀY THIẾU NHI CỦA MỸ

Hoàng Ngọc Nguyên

 

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi…” thường là ngày vui của trẻ con, ngày chung vui của người lớn. Ngày đó chúng ta đã không còn có nữa từ lâu lắm rồi, đến mức có lẽ chúng ta không còn nhớ nữa. Thảng hoặc có nhớ đến, chỉ là những kỷ niệm của một thời thơ ấu đẹp đẽ nhưng mờ nhạt, càng ngoái nhìn càng thấy xa xăm, tuyệt vọng. Thế nhưng nếu nước Mỹ không có Tết Trung Thu, hẳn phải có một ngày nào đó dành cho thiếu nhi, chỉ có điều người ta chưa xác định hẳn rõ ngày nào vì đất nước này quá tự do, và mỗi tiểu bang quật cường cứ muốn tự ấn định ngày đó cho mình. Chúng ta đã có Ngày Của Mẹ vào tháng năm, Ngày Của Cha tháng sáu. Chúng ta từng biết có một Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, cứ tạm xem đó là ngày của các em bé choàng khăn đỏ ở các nước một thời xã hội chủ nghĩa. Chẳng lẽ một nước tôn trọng con người, mà trong con người thì trẻ em chính là “vốn quí của dân tộc”, lại chẳng có một ngày cho thiếu nhi hay sao. Tổng thống Bill Clinton từng ấn định đó là ngày 11-10, nhưng dường như chẳng ai nhớ. Lại có quan niệm con cái là gạch nối giữa cha mẹ, cho nên ngày này phải nằm giữa Ngày Của Mẹ và Ngày Của Cha - chủ nhật thứ hai của tháng sáu. Tổng thống George W. Bush công bố ngày 3-6-2001 là Ngày Thiếu Nhi, nhưng những năm sau đó, ngày này là chủ nhật đầu tiên của tháng sáu. Một chuyện nhỏ như thế mà cha mẹ, người lớn không tính được cho con cái . Chẳng ai biết trong ngày này, người ta ăn mừng như thế nào. Không trách gì về sau này, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy mình bị bỏ rơi như mình đã từng bỏ bê con cái!

Theo dõi chuyện thời sự ở nước Mỹ ngày nay qua những phương tiện truyền thông, báo chí, người ta có cảm tưởng như trẻ em đang ráo riết cạnh tranh với người lớn trong việc tạo ra tin tức. Thông thường, tin tức là những gì liên quan đến “tình, tiền, tù, tội”, là những thứ “độc quyền” của người lớn. Trẻ em làm sao xâm phạm vào mảnh đất cấm đó được mà đòi cạnh tranh. Nhưng thực tế, một phần một số trẻ đã được người lớn dắt đường, dẫn lối; một phần, trẻ em có thể có tin riêng cho thành phần của mình. Bởi thế mà báo chí trong thời gian gần đây đã nhiều phen thất thanh kêu gọi “Phải cứu lấy trẻ em!”. 

 Chưa bao giờ chúng ta thấy sự an toàn của trẻ em ở Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng như hiện nay. Bạo lực súng đạn trong gia đình, ngoài đường phố, tại trường học… đã cướp đi sinh mạng của bao nhiêu trẻ vô tội. Vụ một thanh niên tâm thần mang súng vào trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, bắn chết 27 người, trong đó có 20 trẻ em chỉ mới 6-7 tuổi quá mới để cho người ta quên. Người ta tính ra ở Mỹ, cứ hai tuần lại xảy ra một vụ nổ súng bắn giết bừa bãi. Trong năm năm qua, đã có 774 người thiệt mạng vì những vụ nổ súng như thế, trong đó có 161 trẻ em. Những con số được thống kê cho thấy trong hai năm 2008 và 2009 mà thôi, có đến 5.740 trẻ em cùng vị thành niên đã tử nạn vì súng ở Mỹ.

Câu chuyện một người cha ở West Valley City, tiểu bang Utah, nhốt hai đứa con trai 2 tuổi và bốn tuổi, cùng với mình trong môt căn nhà ngoài bìa rừng và làm làm nổ tung căn nhà đó, thiêu rụi cả ba cha con, xảy ra đã gần một năm, nhưng vẫn còn là một nỗi xúc động nơi nhiều người. Chuyện cha hay mẹ bạo hành và giết những trẻ thơ vì những tranh chấp, xung đột giữa những người lớn ngày nào cũng xảy ra, nơi nào cũng có! Như câu chuyện mới đây một người cha đang tâm giết ba đứa con nhỏ rồi tự sát chỉ vì vợ mình, tức mẹ “xấp nhỏ”, đang tính chuyện bỏ chồng.

Ghê gớm hơn nữa, trong sự thịnh hành của văn hóa súng truyền thống của Mỹ, trẻ con thời nay cũng bắt đầu học chuyên bạo lực của người lớn. Hôm thứ năm, một bé trai 12 tuổi ở miền bắc California phải ra tòa vì dùng dao đâm chết em gái của mình tám tuổi. Cũng trong tuần này, một thiếu niên 15 tuổi ở Utah đã bị bắt vào tội giết hai người con nuôi của mẹ mình (tức cũng là em của cậu ta) 4 tuổi và 10 tuổi – cũng bằng dao đâm. 

Quan sát sự “thịnh hành” trong đời nay cua tội ác ngoài xã hội và trong gia đình, người ta có lý do để lo ngại cho sự an toàn của trẻ em. Mối đe dọa chết người nhất cho trẻ em thời nay chính là xã hội dư thừa tội ác, đến độ trẻ em cũng phải tham gia tích cực hơn trong vai trò nạn nhân. Chúng ta ai cũng có thể biết câu chuyện ba cô gai từ nhỏ đã bị bắt cóc và nhốt trong một căn nhà nằm trong một khu dân cư lao động ở Cleveland, Ohio trong cả hơn mười năm, và trong hơn mười năm đó, cả ba cháu nhỏ này bị một tên cuồng dâm hãm hiếp liên tục, đến phải mang thai, phá thai, sẩy thai, phải có con…

Mối đe dọa nguy hiêm nhất cho trẻ em chính là sự lung lay đến tận gốc rễ nơi giá trị gia đình của người Mỹ. Theo thống kê mới nhất của Văn phòng Kiểm kê Dân số vào tháng giêng vừa qua cho biết, cứ 10 trẻ sinh ra thì có đến 4 là do những ngưòi mẹ độc thân. Có đến cả một phần ba trẻ em Mỹ sống trong những gia đình đơn chiểc – có nghĩa là chỉ có hoặc cha hoặc mẹ. Có đến 15 triệu trẻ đang sống với mẹ. Khoảng 5 triệu đang sống với cha. Số gia đình có đầy đủ cha mẹ đã giảm đi 1.2 triệu trong vòng một thập niên qua. Phần lớn những gia đình đơn chiếc này nghèo túng, thiêu thốn. Đến gần 8 triệu người mẹ đơn chiếc này chưa bao giờ đi làm và sống chỉ nhờ vào phúc lợi xã hội. Con đường “đi lên” phần lớn của những trẻ này không phải là nhà trường. Cuối đường có thể là nhà tù. Nhìn cách khác, phần lớn những tội phạm trong xã hội thường có những xuất xứ như thế.

Chúng ta thường hay mong ngóng về tương lai của những thế hệ sau mà lại quên nhìn vào hiện tại những sự thiếu sót, tắc trách của ngưòi lớn cho tương lai đó đối với trẻ thơ ngày nay. Đây là một sự thất bại có tính hệ thống: cha mẹ với con cái, xã hội với thế hệ mai sau, các nhà chính trị với môt thành phần công dân cần được chăm sóc. Khi chúng ta không chăm bón trong gieo hạt, trong tương lai nẩy mầm không xa, chúng ta sẽ được gì đây?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Ba 2018(Xem: 8959)
"Bên cạnh những nhân chứng còn sống, bên cạnh những lời ghi chép để lại trong lịch sử vẫn chưa đầy đủ, thì âm nhạc là nơi lưu giữ, là 1 thực thể hiển hiện rõ nhất sự thật về biến cố Mậu Thân 1968."
11 Tháng Hai 2018(Xem: 10020)
"Kế hoạch tổng tấn công của địch qui mô lớn lao như thế, chuẩn bị công phu như thế, mất nhiều ngày giờ như thế, chẳng hiểu vì lý do nào cả tình báo của Mỹ và tình báo của ta không thấy được, hoặc không thấy đủ và hiểu sai, diễn dịch sai ý đồ của địch. "
10 Tháng Hai 2018(Xem: 9681)
Khi quân Bắc Việt mở cuộc tấn công cuối cùng tiến tới thống nhất đất nước hồi 1975, hàng trăm ngàn dân thường ở miền Nam Việt Nam đã bỏ chạy. Dường như trong tâm trí nhiều người, câu chuyện về "những vụ thảm sát ở Huế" vẫn còn đậm dấu ấn.
22 Tháng Giêng 2018(Xem: 9644)
"Những phát biểu sai trái và phóng đại vẫn không ngừng tuôn ra từ tài khoản Twitter, các bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn của ông Trump, đại đa số những tuyên bố này nhằm thỏa mãn cái tôi của ông."
21 Tháng Mười Hai 2017(Xem: 9872)
"Những người nào đã giảng dạy tại Viện tất không thể quên được hình ảnh của một vị Viện Trưởng, tuy tuổi cao, đầu bạc, nhưng cực kỳ nhũn nhặn và khéo léo. Chưa từng để mất lòng ai." (Gs Nguyễn Cao Hách)
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468