Ngày Tuyệt Hảo Cho Cá Chuối (J. D. Salinger, HNN dịch)

14 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 18429)
Ngày Tuyệt Hảo Cho Cá Chuối (J. D. Salinger, HNN dịch)

MỘT NGÀY TUYỆT HẢO CHO CÁ CHUỐI

J. D. Salinger

Người dịch: Hoàng Ngọc Nguyên

 

 image001_395


Lời người dịch: Đây là lần thứ hai tôi dịch A Perfect Day for Banana Fish của J.D. Salinger. Bản dịch lần đầu cách đây 45 năm tôi đã thất lạc đâu đó, khi tôi vừa mới bước vào năm thứ ba tại Viện Đại học Dalat năm 1966. Tôi mang sự háo hức của một người trẻ tuổi muốn tìm hiểu một nhà văn lớn và lạ của Mỹ. Nay tôi dịch lại truyện ngắn này khi chuẩn bị cho đề tài về chứng tâm thần và nạn tự vẫn trong xã hội Mỹ ngày nay mà chúng ta đang sống - trong sự mệt mỏi của tuổi già nhìn lại cuộc đời chung quanh. Enjoy!

 

 

Có đến chín mươi bảy người quảng cáo trong khách sạn, và cứ nhìn cách họ độc quyền sử dụng đường dây viễn liên, cô gái trong phòng 507 phải chờ từ giữa trưa cho đến gần hai giờ ruỡi. Tuy thế, cô chẳng để phí thì giờ. Cô đọc một bài báo trong một tạp chí phụ nữ nhỏ như sách bỏ túi. “Tình dục là chuyện vui – hay khủng khiếp”. Cô rửa cái lược và bàn chải. Cô lấy vết bẩn bám trên chiếc váy của bộ áo quần màu beige. Cô dời chiếc nút trên áo khoác hiệu Saks. Cô giật hai sợi lông tơ vừa nổi lên từ một chấm mụn. Cuối cùng, khi người điều hành gọi điện cho phòng cô, cô đang ngồi ở chiếc ghế sát cửa sổ và làm gần xong việc sơn móng tay ở bàn tay trái của mình.

Cô là một cô gái chẳng giật mình khi nghe chuông điện thoại reo. Cô làm như điện thoại của cô đã vang liên tục kể từ khi cô đến tuổi dậy thì.

Với bàn chải tô điểm móng tay nhỏ nhắn, trong khi chuông điện thoại vẫn reo vang, cô xem lại móng tay ở đầu ngón tay nhỏ của mình, ngắm nghía vào đường bao quanh. Rồi cô đậy lại chiếc nắp trên chai thuốc, và rồi đứng dậy để cho bàn tay trái – còn ướt sơn – vung vẩy qua lại. Còn một bàn tay khô, cô nhặt lấy một gạt tàn thuốc đầy ắp từ chỗ ngồi bên cửa sổ, và mang nó đặt trên chiếc bàn đầu giường ngủ, trên bàn là cái máy điện thoại. Cô ngồi xuống trên một trong hai chiếc giường kép xếp ngăn nắp và cầm lấy ống nghe – có lẽ điện thoại đã vang rân được năm, sáu hồi.

“A-lô,” cô nói vào máy, vẫn duỗi thẳng những ngón tay của bàn tay trái, để xa khỏi chiếc áo lụa màu trắng, là thứ duy nhất cô khoác trên người, ngoại trừ đôi dép - những chiếc vòng của cô còn nằm trong phòng tắm.

Người giữ tồng đài nói: “Tôi đã bắt được cho bà gọi New York, bà Glass”.

“Cám ơn ông,” cô gái nói, dọn chỗ trên bàn nhỏ đầu giường đề đặt cái tàn thuốc. 

Có giọng phụ nữ nghe qua máy. “Muriel. Con đó phải không?”

Cô gái nhích nhẹ đầu nghe của máy điện thoại xa khỏi tai. “ Vâng, mẹ. Mẹ khỏe không?”

“Mẹ lo cho con quá chừng. Sao con không gọi. Con có sao không?”

“Con cố gọi cho mẹ đêm qua và đêm trước. Điện thoại ở đây bị…”

“Con có sao không, Muriel?”

Cô gái đẩy xa hơn đầu nghe khỏi tai. “Con bình thường. Ở đây nóng. Đây là ngày nóng nhất ở Florida kể từ …”

“Nhưng sao con không gọi cho mẹ. Mẹ lo muốn chết…”

“Mẹ, con thương mẹ. Đừng lớn tiếng với con. Con có thể nghe mẹ nói rõ lắm. Con gọi mẹ hai lần đêm qua. Một lần ngay sau khi…”

“Mẹ đã nói với cha con có lẽ đêm qua con có gọi, nhưng mà, ông phải…Con có sao không, Muriel? Nói thật cho mẹ nghe đi”.

“Con chẳng sao cả. Con xin mẹ, đừng hỏi con như thế nữa”.

“Khi nào con đến đó”.

“Con không biết. Sáng thứ tư, sớm”.

“Ai lái xe?”

“Anh ấy. Mẹ đừng hồi hộp. Anh lái rất đàng hoàng. Con cũng ngạc nhiên..”

“Nó lái xe hả? Muriel, con nói thật không đó?”

Cô gái cắt lời: “Mẹ, con vừa nói với mẹ đấy thôi. Anh lái rất đàng hoàng. Suốt cả đoạn đường lái dưới năm mươi”.

“Nó có thử cái chuyện buồn cười đó với cây dọc đường hay chăng?”

“Con đã nói anh ấy lái rất đàng hoàng, mẹ. Này con xin mẹ. Con đã yêu cầu anh lái xe sát lằn trắng, và anh hiểu ý con muốn nói gì, anh làm đúng như thế. Anh còn tìm cách không nhìn vào cây dọc hai bên đường – đó là điều con có thể nói. Tiện đây cho con hỏi, cha đã cho xe đi sửa chưa?”

“Chưa. Người ta đòi đến bốn trăm, chỉ để…”

“Mẹ. Seymour đã nói với cha anh sẽ trả khoản đó. Chẳng có lý do gì…”

“Ừ, cứ để xem. Thài độ nó như thế nào – trong xe và nói chung”.

“Bình thường”.

“Nó còn cứ gọi con cái tên gớm ghiếc…”

“Không. Bây giờ anh có cách gọi mới rồi”.

“Cái gì?”

“Thì có khác biệt gì đâu, mẹ”.

“Muriel, mẹ muốn biết. Cha con…”

“Được rồi. Được rồi. Anh gọi con là Hoa hậu Lang thang năm 1948,” cô gái đáp và cười khúc khích.

“Có gì khôi hài đâu Muriel. Nó chẳng có tí gì khôi hài cả. Kinh khủng thì có. Thực ra, thật đáng buồn. Khi mẹ nghĩ làm sao…”

Cô gái cắt lời: “Mẹ. Nghe con nói đây. Mẹ có nhớ cuốn sách anh ấy gởi cho con từ nước Đức hay không. Mẹ biết chứ - những bài thơ tiếng Đức. Con để lạc cuốn sách đó đâu rồi. Con đã soạn hết…”

“Con còn giữ nó đó”.

“Mẹ chắc không?”

“Chắc chắn. Nghĩa là, mẹ đang có nó. Nó nằm trong phòng của Freddy. Con bỏ lạii đây và mẹ không có chỗ cho nó nơi – Sao thế? Nó muốn lấy cuốn đó hả?”

“Không. Có điều, anh ấy hỏi con về cuốn sách đó, khi tụi con đang lái xe. Anh muốn biết là con đã đọc chưa?”

“Sách viết tiếng Đức!”

“Vâng, đúng rồi mẹ. Chuyện này cũng chẳng làm sao cả,” cô gái trả lời, ngồi bắt tréo chân lên nhau. “Anh ấy nói là những bài thơ này ngẫu nhiên được một thi sĩ vĩ đại duy nhất của thế kỷ là tác giả. Anh nói con lẽ ra phải mua một bản dịch gì đó. Hay phải học ngôn ngữ này, nếu được”.

“Quá tệ, quá tệ. Thật đáng buồn, đúng thế, nó đúng như thế. Đêm qua cha con nói…”

“Cho con một giây mẹ,” cô gái ngắt lời. Cô bước đến cái ghế bên cửa sổ để lấy thuốc lá, thắp một điếu, và trở lại chỗ ngồi của mình trên giường. “Mẹ?”, cô hỏi, vừa nhả ra một làn khói.

“Muriel, bây giờ, con nghe mẹ nói đây”.

“Con đang nghe đây”.

“Cha con đã nói chuyện với Bác sĩ Sivetski”.

“Thì sao?”

“Ông nói với bác sĩ hết tất cả. Ít nhất, ông nói ông ta đã – con biết cha của con đấy. Chuyện cái cây. Chuyện cánh cửa sổ. Những chuyện ghê gớm mà hắn nói với bà về những dự tính của bà về chuyện qua đời. Những gì hắn đã làm cho những bức tranh đẹp đẽ đó từ Bermuda – nói hết”.

“Thế thì sao?”

“Thế thì. Trước hết, ông nói đó là một tội rõ ràng khi Quân đội cho hắn ra khỏi bệnh viện. Mẹ thề với con đấy. Chắc hẳn là bác sĩ đã nói với cha con có một khả năng- một khả năng to lớn, ông nói thế - là Seymour có thể đã mất hoàn toàn khả năng tự kiểm soát. Mẹ thề với con như thế.

“Hiện nay trong khách sạn có một bác sĩ tâm lý”.

“Ai đó. Ông ta tên gì?”

“Con không biết. Rieser hay gì đó. Ông ta nghe nói là rất giỏi”.

“Chưa hề nghe tên ông này”.

“Thế đấy, dù sao ông ta có tiếng là rất giỏi”.

“Muriel, con đừng dễ tin. Ở đây ai cũng rất lo lắng cho con. Cha của con muốn gọi điện cho con đêm qua để bảo con về nhà đi, thật ra là thế”.

“Này mẹ, con hiện nay chưa về nhà ngay đâu. Cho nên đừng bồn chồn nữa”.

“Muriel. Mẹ thề với con. Bác sĩ Sverseski nói Seymour có thể đã mất hoàn hoàn tâm thần…”

“Con mới đến đây, mẹ ạ. Đây là kỳ nghỉ hè đầu tiên của con trong nhiều năm nay, cho nên con sẽ chẳng vội gì dọn đồ đạc trở về lại nhà đâu. Dù sao, bây giờ con cũng chẳng đi đâu được. Con bị cháy da đến mức chẳng nhúc nhích gì được.

“Con bị cháy bỏng đến thế kia à? Con có dùng cái lọ Bronze mà mẹ đặt trong xắc của con hay không? Mẹ đặt ngay ở trong …”

“Con có dùng nó. Con vẫn bị phỏng như thường”.

“Khiếp quá. Con bị phỏng ở đâu?”

“Khắp toàn thân, mẹ ơi. Khắp toàn thân”.

“Khiếp quá”.

“Con vẫn còn sống đây!”

“Nói cho mẹ nghe, con đã nói chuyện với bác sĩ tâm thần đó chưa?”

“Cũng có nói rồi”.

“Ông ta nói sao? Seymour ở đâu khi con nói chuyện với bác sĩ?”

“Trong phòng Ocean Room, chơi dương cầm. Anh ấy đã chơi đàn piano trong cả hai đêm chúng con ở đây”.

“Như thế, bác sĩ nói gì?”

“Ồ, chẳng gì nhiều. Ông nói với con trước. Đêm qua, con ngồi bên cạnh ông ở Bingo, và ông hỏi có phải người đàn ông đang chơi dương cầm ở phòng bên cạnh là chồng con phải không. Con nói đúng rồi, chồng tôi đó, và ông hỏi con có phải Seymour bị bệnh gì đó hay không. Và con nói…”

“Tại sao ông ta hỏi thế?”

“Con biết đâu, mẹ. Con đoán có lẽ là vì trông anh quá xanh xao thế nào đó. Dù sao, sau khi Bingo, ông và vợ ông ta mời con đi uống với họ. Nên con đi với họ. Vợ của ông thật ghê rợn. Mẹ có nhớ cái áo dài xấu xí mà mình thấy ở cửa hàng Bonwit không. Cái áo mà mẹ nói mẹ phải nhỏ tí xíu…

“Cái màu xanh chăng?”

“Bà ta mặc thứ đó. Và tất cả quanh mông. Bà cứ hỏi con Seymour có quan hệ gì với cái cô Suzanne Glass có tiệm trên đường Madison Avnue - tiệm bán nón phụ nữ”.

“Nhưng ông ta nói sao? Bác sĩ đó”.

“Ô, chẳng nói gì mấy, thực thế. Con nói là con với ông ở trong quán bar, Nơi đó ồn ào lắm”.

“Đúng, nhưng con có – con có kể cho ông nghe hắn định làm gì với cái ghế của bà hay chăng?”

“Không, mẹ ạ. Con không đi vào chi tiết đến như thế. Có thể con sẽ có dịp nói chuyện lại với ông ta một lần nữa. Ông ta ở trong quán bar suốt ngày.

“Ông có nói ông nghĩ rằng có thể có trường hợp hắn ta có thể - con biết mà - trở nên lạ lùng? Làm cho con chuyện này chuyện nọ đó”.

“Không hẳn. Mẹ này, ông cần có thêm nhiều chi tiết. Người ta phải biết về thời nhỏ của mình – và những chuyện tương tự như thế. Con đã nói với mẹ, con và ông ấy khó nói chuyện với nhau, nơi đó ồn ào quá”.

“Này, thế cái áo màu xanh nước biển của con sao rồi”.

“Được thôi. Con đã gỡ đi vài miếng đệm trong áo”.

“Thế áo quần năm nay thế nào”.

“Kinh khủng. Chẳng giống ai. Mấy chiếc váy ôm người - tất cả mọi thứ.

“Phòng con thế nào?”

“Được thôi. Cũng chỉ được thôi. Mình không thề lấy được cái phòng mình có trước chiến tranh. Năm nay, người ta tệ lắm. Mẹ phải thấy cái gì ngồi cạnh tụi con ở phòng ăn. Ở bàn bên cạnh. Coi họ như thể vừa xuống đây từ trên xe tải”.

“Thôi, đâu đâu cũng thế cả. Cái váy xòe của con sao rồi”.

“Dài quá. Con đã nói với mẹ là dài quá”.

“Muriel, mẹ chỉ hỏi con một lần nữa thôi, con thực sự bình thường chứ?”

“Vâng, thưa mẹ, lần thứ chín mươi rồi đấy.

“Và con không muốn về nhà?”

“Không, con không muốn”.

“Đêm qua, cha con đã nói là ông sẵn sàng trả tiền cho con nếu con tự ý đến môt nơi nào khác và suy nghĩ mọi chuyện. Con có thể đi một du thuyền xinh đẹp. Cả cha và mẹ đều nghĩ…”

“Không, mẹ ạ,”cô gái nói và kéo chân ra, không bắt chéo nữa. “Mẹ ơi, nói chuyện đường dài thế này tốn tiền lắm…”

“Khi mẹ nghĩ đến chuyện con đã chờ đợi hắn trong suốt cuộc chiến - Mẹ muốn nói khi con nghĩ đến những bà vợ điên rồ …”

“Mẹ. Có lẽ mình nên ngưng nói chuyện đi. Seymour có thể vào phòng bất cứ lúc nào”.

“Hắn ở đâu?”

“Trên bãi biển”.

“Ngoài bãi biển? Một mình? Hắn có hiền lành trên bãi biển hay không?”

“Này mẹ. Mẹ cứ nói về anh ấy như thể anh là một người điên lang thang”.

“Mẹ không nói như thế, Muriel”.

“Thế nhưng, mẹ nói nghe như thế. Con muốn nói ở trên bãi anh chỉ làm mỗi một chuyện là nằm nghỉ. Anh còn không cởi chiếc áo tắm của mình”.

“Hắn không cởi áo tắm? Tại sao thế?”

“Con chẳng biết. Có lẽ vì anh quá xanh xao”.

“Trời ơi. Hắn cần mặt trời. Con không bảo hắn được sao”.

“Mẹ biết Seymour mà,” cô gái trả lời, và lại ngồi bắt chéo chân. “Anh nói anh không muốn mấy tên điên nhìn những vết xâm trên người của anh”.

“Nó không có vết xâm nào cả! Hay hồi ở trong lính nó đi xâm mình?”

“Không, mẹ ạ. Không, mẹ,” cô gái đáp, và đứng dậy. “Mẹ nghe con nói đây này. Con sẽ gọi ngày mai, có lẽ thế”.

“Muriel, Này con nghe mẹ nói đây”.

“Vâng, mẹ nói đi,” cô gái đứng đặt tất cả sức nặng của thân mình lên chân phải.

“Hãy gọi cho mẹ ngay khi hắn làm, hay nói, bất cứ điều gì lạ lùng – con biết ý mẹ chứ. Con có nghe mẹ không?

“Này mẹ! Con chẳng sợ Seymour”.

“Muriel, mẹ muốn con hứa với mẹ”.

“Được rồi, con hứa. Chào mẹ, mẹ nhé,” cô gái nói. “Con thương cha”.

Cô gác máy.

 

“Thấy thủy tinh nhiều hơn,” Sybil Carpenter nói, cô đang ở khách sạn với mẹ của mình. “Mẹ có thấy có thủy tinh nhiều hơn không?”.

“Mèo con, đừng nói thế nữa. Con làm mẹ muốn phát điên lên đây. Ngồi yên đi, mẹ năn nỉ con đó”.

Bà Carpenter đang xoa dầu chống nắng lên vai của Sybyl, xoa xuống phía dưới lưng, tỏa ra hai cánh. Sybil đang ngồi chông chênh trên một quả bóng chơi trên bãi đươc thổi căng phồng, nhìn ra bãi biển. Cô mặc một bộ đồ tắm hai mảnh màu vàng, một mảnh cô thực sự không cần đến trong chín mười năm nữa.

“Nó thực là một cái khăn tay vải lụa bình thường – bà có thể thấy khi đến gần,”người đàn bà ngồi trong chiếc ghế trên bãi cạnh ghế của bà Carpenter nói. “Tôi ước gì biết được cô ta cột làm sao, Quả thực là dễ thương”.

Bà Carpente đồng ý: “Nghe có vẻ dễ thương. Sybil, ngồi yên, mèo con.

“Mẹ có thấy thủy tinh nhiều hơn không?”

Bà Carpenter thở dài. “Được rồi,” bà nói. Bà đặt cái nắp lên chai dầu chống nắng. “Bây giờ chạy chơi đi, cưng. Mẹ sẽ đi lên khách sạn và uống một ly martini với bà Hubbel. Mẹ sẽ đem trái olive cho con”.

Được tự do, Sybil tức thì chạy xuống bãi cát bằng phẳng trước mặt biển và bắt đầu bước về hướng của Khu Ngư Phủ. Chỉ ngưng lại một lần để nhúng chân vào một lâu đài trên cát đã đổ và sủng nước, cô bé chẳng bao lâu đã ra khỏi khu vực dành cho khách của khách sạn.

Cô đi cũng được một phần tư dặm và đột nhiên rẽ vào một ngõ đi lên một bãi cát mềm trên bờ. Cô ngừng lại khi đến nơi có một người đàn ông đang nằm ngửa mặt nhìn trời. Cô hỏi: “Ông có xuống nước không, để xem mấy viên đá thủy tinh”.

Người đàn ông trẻ giật mình, bàn tay phải nắm lấy thân chiếc áo choàng. Anh quay người lại, để rơi chiếc khăn cuộn lại đặt trên mắt, và ngước nhìn Sybil.

“Ê, Chào cô. Sybil”.

“Ông có đi xuống nước không?”

“Tôi đang đợi cô,” người đàn ông trẻ nói. “Có gì lạ không?”

“Cái gì?”

“Có gì lạ không? Chương trình có gì không?”

“Cha tôi ngày mai đến đây bằng máy bay,” Sybil nói, chân đá vào cát.

“Đừng đá vào mặt tôi, cô bé,” người đàn ông trẻ nói, đặt bàn tay mình lên mắt cá chân của Sybil. “Ừ, đã đến lúc cha cô phải đến đây. Tôi đã chờ ông từng giờ. Từng giờ”.

“Thế cô ấy đâu?”

“Cô ấy?” Người đàn ông trẻ gạt cát ra khỏi đầu tóc thưa của mình. “Điều này khó nói, Sybil ạ. Cô ấy có thể ở khắp nơi. Ở tiệm làm tóc. Nhuộm tóc của cô qua màu nâu nhạt. Hay làm búp bê cho trẻ em nghèo, trong phòng của cô”. Nay nằm sấp lại và ngửa đầu lên, anh ta đặt hai nắm tay chồng lên nhau, tựa cằm lên nắm tay ở trên. “Hỏi tôi chuyện khác đi, Sybil. Cô đang mặc một áo tắm đẹp lắm. Nếu tôi có thích một thứ gì, đó chính là một bộ áo tắm màu xanh”.

Sybil nhìn anh ta, rồi nhìn xuống cái bụng phình ra của mình. Cô nói: “Đây là màu vàng. Đây là màu vàng”.

“Thế ư. Cô đến gần một chút”.

Sybil bước tới một bước.

“Cô nói đúng quá. Tôi điên khùng làm sao”.

“Thế ông có định đi xuống nước không?”

“Tôi đang thực sự tính chuyện đó. Tôi suy nghĩ nhiều về chuyện đó, Sybil, cô nghe chắc phải vui”.

Sybil sờ chiếc phao cao su mà người đàn ông trẻ đôi khi dùng để tựa đầu. Cô nói: “Phao này thiếu hơi”.

“Cô nói đúng. Nó cần nhiều hơi hơn tôi nghĩ”. Anh ta buông hai nắm tay xuống và để cái cằm của mình tựa trên cát. Anh ta nói: “Sybil. Trông cô dễ thương lắm. Rất vui khi gặp cô. Cô hãy nói cho tôi nghe về cô đi”.

Anh ta đưa tay về phía trước và cầm lấy cả hai mắt cá chân của Sybil trong bàn tay mình. Anh ta nói: “Tôi tuổi Hải Dương. Cô tuổi gì”.

“Sharon Lipschutz nói ông để cô ngồi trên ghế đàn dương cầm với ông”.

“Sharon Lipschutz nói thế?”

Sybil mạnh dạn gặc đầu.

 Anh ta buông đôi mắt cá chân của cô, rút bàn tay của mình về, và để mặt của mình trên cánh tay phải. Anh ta nói: “Đúng. Cô biết chuyện này đã xảy ra như thế nào, Sybil. Tôi đang ngồi đó chơi đàn. Cô chẳng thấy đâu cả. Và Sharon Lipschutz đến và ngồi cạnh tôi. Tôi chẳng thể đẩy cô ta đi được, đúng không?”

“Được chứ”.

“Ồ, không, không. Tôi không thể làm như thế. Tuy nhiên, để tôi nói cho cô biết là tôi đã làm gì”.

“Chuyện gì?”

“Tôi giả bộ như cô ta là cô”.

Sybil tức thì cúi xuống và bắt đầu đào vào mặt cát. Cô nói: “Hãy đi xuống nước đi”.

“Được rồi. Tôi nghĩ tôi có thể biết phải làm gì”.

“Lần tới, đẩy cô ta đi”.

“Đẩy ai đi?”

“Sharon Lipschutz”.

“À, Sharon Lipschutz. Cái tên đó nổi lên như thế nào? Lẫn lộn trí nhớ và sự ham muốn”. Bỗng nhiên, anh ta đứng dậy, nhìn ra biển. Anh nói: “Sybil. Tôi nói cô nghe mình sẽ làm gì. Chúng ta thử xem có bắt được con cá chuối nào không?”

“Cá gì?”

“Cá chuối”.

Anh ta tháo chiếc giây cột quanh chiếc áo khoác của mình. Anh cởi áo khoác ra. Vai của anh trắng và hẹp, va thân mình anh phía dưới màu xanh đậm. Anh xếp lại chiếc áo khoác ngoài, trước theo chiều dài, sau đó gấp ba lại. Anh ta tháo đi chiếc khăn đã dùng che trên mắt, trải ra đặt trên cát, và rồi đặt chiếc áo khoác ngoài đã được xếp lại lên trên đó. Anh ta cúi xuống, nhặt lấy cái phao, và kẹp nó vaò một bên cánh tay phải. Và tay trái của anh nắm lấy bàn tay Sybil.

Cả hai bắt đầu bước xuống biển. Người đàn ông trẻ nói: “Tôi chắc rằng cô đã thấy khá nhiều con cá chuối hồi nhỏ”.

Sybil lắc đầu.

“Cô chưa thấy ư? Như thế thì cô sống ở đâu?”

“Tôi không biết,” Sybil đáp.

“Chắc chắn cô biết. Cô phải biết. Sharon Lipschutz biết cô ta sống ở đâu mà cô đó chỉ mới có ba tuổi rưỡi”.

Sybil đứng lại và giật tay ra khỏi tay anh ta. Cô nhặt lên một vỏ sò bình thường trên bãi biển và nhìn nó với vẻ chăm chú đặc biệt. Cô ném xuống đất. “Whirly Wood, Connecticut,” cô nói, và lại tiếp tục đi, cái bụng ưỡn ra phía trước.

“Whirly Wood, Connecticut,” người đàn ông trẻ nói. “Nơi đó có gần Whirly Wood, Connecticut, không?”

Sybil nhìn anh ta. “Tôi sống ở đó,” cô nói có vẻ bực bội. “Tôi sống ở Whirly Wood, Connecticut”. Cô chạy trước anh ta vài bước, dùng bàn tay trái bắt lấy bàn chân trái, và nhảy một chân hai ba lần.

“Cô chẳng biết điều này đã làm mọi việc trở nên rõ ràng,” người đàn ông trẻ nói. Sybil thả chân mình ra. Cô hỏi: “Ông đã đọc Cậu Bé Sambo Đen chưa?”.

“Cô hỏi tôi một câu khá thú vị đấy,” anh ta trả lời. “Bởi vì tôi vừa mới đọc xong đêm qua”. Anh ta đưa tay xuống cầm lấy bàn tay Sybil. Anh ta hỏi cô bé: “Cô nghĩ gì về cuốn sách đó?”.

“Mấy con cọp có chạy quanh cái cây đó không?”

“Tôi nghĩ chúng chạy chẳng ngừng. Tôi chưa hề thấy nhiều cọp như thế”.

“Chỉ có sáu con mà thôi,” Sybil nói.

“Chỉ có sáu!” người đàn ông trẻ kêu lên. “Cô nói là chỉ có”.

“Ông có thích sáp không?” Sybil hỏi.

“Cô hỏi tôi thích gì?” người đàn ông trẻ hỏi.

“Sáp”.

“Rất thích. Cô thích không?”

Sybil gật đầu. “Ông có thích trái olive không?”

“Olive ư – Có chứ. Olive và sáp. Tôi không hề đi đâu mà thiếu hai thứ đó”.

“Ông có thích Sharon Lipschutz không?”

“Có, có, tôi mến cô ta. Người đàn ông trẻ đáp. “Một điều đặc biệt tôi thích cô ta là cô không làm gì mấy con chó nhỏ trong phòng khách của khách sạn cả. Ví dụ như con chó con của bà khách Canada. Có thể cô không tin chuyện này, nhưng có một số cô bé ưa phá con chó con đó bằng những chiếc que dài gắn vào mấy quả bong bóng. Sharon không như thế. Cô ấy không bao giờ xấu tính hay ác. Vì vậy mà tôi rất mến cô ta”.

Sybil im lặng. Cuối cùng cô nói: “Tôi thích nhai nến”.

“Ai chẳng thích thế,” người đàn ông trẻ nói, để cho chân nhúng vào nước. “Chà! Nước lạnh”. Anh ta để rơi chiếc phao xuống. “Khoan đã, chờ một chút nữa. Đợi cho đến khi mình ra xa thêm một tí”.

Họ bước ra cho đến khi nước ngang tầm bụng của Sybil. Ngưòi đàn ông trẻ bế cô lên và đặt cô nằm ngửa trên chiếc phao. Anh ta hỏi: “Cô không hề đội nón tắm trên đầu hả?”

“Đừng buông tay,” Sybil dặn. “Ông hãy ôm tôi ngay”.

“Cô Carpenter. Xin cô. Tôi biết việc của tôi,” người đàn ông trẻ nói. “Cô chỉ việc mở mắt để xem cá chuối. Đây là một ngày tuyệt vời cho cá chuối”.

“Tôi chẳng thấy con nào cả,” Sybil đáp.

“Tôi hiểu. Chúng có thói quen rất lạ lùng”. Anh ta cứ đẩy cái phao. Nước chưa lên đến ngực của anh ta. “Chúng có một cuộc đời bi đát,” anh ta nói. “Cô biết chúng làm sao không?”

Cô ta lắc đầu.

“Đúng, chúng bơi vào trong một cái lỗ trong đó có biết bao nhiêu là chuối. Trông chúng giống những con cá bình thường khi chúng lội vào. Nhưng một khi đã vào bên trong, chúng giống như những con heo. Tại sao? Tôi đã biết một vài con cá chuối bơi vào một lỗ chuối và ăn một lúc đến bảy mươi tám trái chuối”. Anh ta đẩy cái phao và người hành khách trên phao đến gần chân trời thêm một tí. “Tự nhiên, sau đó chúng mập quá đến mức không thoát ra khỏi được cái lỗ. Không đi qua được cửa”.

Sybil nói:

“Đừng đi ra ngoài xa quá. Thế chuyện gì xảy ra cho chúng?”

“Xảy ra cho ai?”

“Mấy con cá chuối”.

“Ồ, cô muốn hỏi sau khi ăn nhiều chuối quá chúng không ra khỏi lỗ chuối được.

“Đúng”.

“Vâng, tôi chẳng muốn nói với cô. Sybil. Chúng chết hết”.

“Tại sao?”

“Vì chúng bị cơn sốt chuối. Đúng là một căn bệnh khủng khiếp”.

Sybil nói với giọng nôn nao: “Sóng đến kìa”.

“Chúng ta để kệ nó. Chúng ta mặc nó,” người đàn ông trẻ nói. “Hai đợt”. Anh ta cầm mắt cá chân của Sybil trong tay mình và ấn xuống và đẩy ra phía trước. Cái phao trồi lên trên đầu ngọn sóng. Nước làm ướt đầu tóc bạch kim của Sybil, nhưng giọng kêu thảng thốt của cô tràn đầy sự vui thú.

Khi cái phao thăng bằng trở lại, cô dùng bàn tay gạt qua một bên một lọn tóc vướng vào mắt, và nói: “Tôi vừa thấy được một con”.

“Thấy được gì, cô bé?”

“Một con cá chuối”.

Người đàn ông kêu lên: “Không đâu, Chúa ạ! Con cá có trái chuối nào ở miệng không?”

“Có. Sáu trái”.

Người đàn ông trẻ bỗng nhiên cầm lấy một trong hai bàn chân ướt của Sybil, bàn chân này nằm xuôi ở đàng cuối cái phao, và anh ta hôn vào lòng bàn chân.

“Ô kia,” người chủ bàn chân kêu lên, quay người lại.

“Ô kìa, chính cô! Nay chúng ta đi vào đi. Cô đã thấy đủ chưa?”

“Chưa”.

“Thế thì xin lỗi,” anh ta nói, và đầy cái phao đi về hướng bãi cho đến khi Sybil bước ra khỏi phao. Anh ta mang nó đi trong suốt đoạn đường.

“Chào anh,” Sybil nói, và chạy đi về hướng khách sạn không chần chừ.

 

Người đàn ông trẻ mặc vào chiếc áo khoác của mình, kéo lại sợi dây quấn ngang lưng cho chặt và nhét chiếc khăn lông vào trong túi quần. Anh ta nhặt lấy cái phao đẫm ướt và cồng kềnh và ôm nó dưới tay. Anh bước đi một mình qua bãi cát mềm và nóng, tiến đến khách sạn.

Trên tầng chính của khách sạn, mà người ta hướng dẫn những người đi tắm sử dụng, một người đàn bà có chiếc mũi thoa đầy thuốc mỡ đi vào trong thang máy với người đàn ông.

“Tôi thấy bà đang nhìn chân tôi,” anh ta nói với bà khi thang máy chuyển động.

“Xin lỗi ông nói gì?” người đàn bà hỏi.

“Tôi nói tôi thấy bà đang nhìn chân tôi”.

“Tôi xin lỗi ông. Tôi tình cờ đang nhìn dưới sàn mà thôi,” người đàn bà đáp lại, mặt hướng đến cửa thang máy.

“Nếu bà muốn nhìn chân tôi, bà cứ nói,” người đàn ông trẻ nói. “Nhưng đừng có làm cái trò len lén như thế”.

“Hãy để cho tôi ra,” người đàn bà nói vội vàng với cô gái điều khiển thang máy.

Cửa thang máy mở và người đàn bà bước ra không nhìn lại.

“Tôi có hai bàn chân bình thường và tôi chẳng thấy có lý do gì người ta lại muốn nhìn,” người đàn ông nói. “Tầng lầu năm, cô.” Anh ta lấy chìa khóa ra khỏi túi.

Anh ta bước ra tầng lầu năm, đi dọc theo hành lang, và vào phòng 507. Phòng nặc mùi hành lý bằng da mới và mùi chất chùi sơn móng tay.

Anh ta nhìn cô gái đang nằm ngủ trên một trong hai chiếc giường đôi. Rồi anh ta bước đến một trong mấy hành lý, mở nó ra, và lấy ra từ dưới lớp áo quần mặc bên trong một cây súng Ortgies nòng 7.65. Anh ta thả gắp đạn ra, nhìn nó, và nhét nó vào lại cây súng. Anh ta tháo và đóng lại nòng súng. Và rồi anh ta đi tới và ngồi xuống trên chiếc giường trống, nhin cô gái, nhắm cây súng, và bắn một viên đạn qua thái dương bên phải của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Bảy 2011(Xem: 27835)
Thông báo do Tòa Bạch Ốc gởi cho báo giới trích lời Tổng Thống Barack Obama nói: “Miranda Du sẽ làm tăng uy tín cho tòa liên bang tại Nevada. Tôi rất cảm kích những gì bà làm trong việc phục vụ cộng đồng thời gian qua.”
27 Tháng Bảy 2011(Xem: 28755)
Họ là những anh hùng không tên tuổi Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 7779)
Rõ ràng là Việt Nam không thẻ chống Trung Cộng nếu Việt Nam vẫn cứ tiếp tục duy trì guồng máy tham nhũng và chỉ biết lợi dụng thế cờ mâu thuẫn chiến lược giữa các siêu cường quốc để sống còn.
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 31591)
"Về cơ bản, điều này có nghĩa là cải cách hệ thống chính trị và kinh tế vốn đang trì trệ của Việt Nam sẽ không xảy ra trong 5 năm tới."
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 32634)
We sincerely thank you for your thoughts and kindness during these trying times.
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 30047)
Toàn thể cựu môn sinh cung kính bái biệt Thầy và nguyện cầu hương linh Thầy sớm về cõi vĩnh hằng.
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 31394)
Nghi lễ tôn giáo kính biệt Giáo sư Vương Văn Bắc được cử hành ngày 28 tháng 6 năm 2011 tại thánh đường Notre-Dame de la Salette, Paris.
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 32035)
Ce soir je vais écouter tout seul cette chanson " The Impossible Dream" si belle qui traduit si bien son état d'âme.
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 29710)
Ban Biên Tập Diễn Đàn Thụ Nhân cung kính bái biệt Thầy và nguyện cầu hương linh Thầy sớm về miền lạc cảnh.
16 Tháng Sáu 2011(Xem: 30144)
Giáo sư Vương Văn Bắc từ trần lúc 6 giờ 30 sáng 20 tháng 6 năm 2011, nhằm ngày 19 tháng 5 năm Tân Mão tại tư gia.
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468