TƯỞNG NIỆM CHA NGUYỄN VĂN LẬP (Gs Ngô Tằng Giao)

23 Tháng Giêng 201212:00 SA(Xem: 28268)
TƯỞNG NIỆM CHA NGUYỄN VĂN LẬP (Gs Ngô Tằng Giao)


 

image001_211


CÁC CỰU GIÁO SƯ TƯỞNG NIỆM

 

CHA NGUYỄN VĂN LẬP

 

Nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt

_____________________

 

 

 Cha Nguyễn Văn Lập là Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt từ năm 1961 tới năm 1970. Tháng 11 năm 1998 Cha được phong Đức Ông, Giám chức Danh dự của Tòa Thánh Vatican. Cha qua đời vào tháng 12 năm 2001 tại Bình Triệu, Việt Nam, hưởng thọ 91 tuổi. Cha làm Linh Mục trong 63 năm. Cha qua đời để lại sự thương tiếc của những người từng cộng tác với Cha, trong đó có các cựu giáo sư của Viện Đại Học Đà Lạt ở khắp nơi trên thế giới. Biết bao nhiêu là kỷ niệm đẹp đẽ từ thuở xa xưa lại ào ạt trở về ...

 

KỶ NIỆM VUI

 

 - Giáo sư Nguyễn Phú Đức nhớ lại phương cách mà cha Lập mời các Giáo sư thuộc các Trường Đại học ở Saigon và những chuyên gia nhiều ngành từ Saigon lên Đà Lạt giảng dạy: "...việc tổ chức tiếp đãi rất chu đáo: tại Saigon, xe hơi của Viện đến tận nhà các Giáo Sư, đưa ra phi trường Tân Sơn Nhất, rồi khi phi cơ đến Liên Khàng thì đã có xe của Viện chờ sẵn để đưa đến nhà Trường. Tại đó mỗi giáo sư được dành riêng một phòng tại Nhà Nguyện, và mấy bữa ăn trong mấy ngày giảng dạy đều dùng cơm chung với Linh Mục Viện Trưởng và các giáo sư khác. Vì vậy, giữa các Giáo sư và Cha Viện Trưởng có những tiếp xúc thường xuyên, ấm áp và cởi mở."

 

 - Giáo Sư Phạm Cao Dương cũng phát biểu tương tự: "Đó là sự gần gũi và thân mật Cha đã dành cho những người từ xa đến giảng dạy ở Đại Học Dalat của Cha..." Giáo sư nhấn mạnh là cách đối xử của Cha "làm cho các giáo chức thỉnh giảng từ xa đến cảm thấy ấm áp, dễ chịu như ở nhà..."

 

 - Giáo Sư Nguyễn Như Cương không quên những kỷ niệm vui: "...mỗi giáo sư sử dụng một phòng riêng trong những ngày cư trú, có đủ trang bị để soạn giảng văn nếu cần. Ẩm thực tại nhà ăn khang trang của Viện, cạnh đó có một phòng khách lớn để các giáo sư họp, thảo luận hay đọc sách báo. Nhớ lại ngay buổi đầu đã thấy vui..."

 

 - Sư huynh Nguyễn Văn Kế ghi nhận rằng Cha Lập: "...đại lượng hảo tâm đối với giáo sư" ... "Ngài có khiếu gợi chuyện, rồi thì các giáo sư tiếp tục kể chuyện liên miên thích thú, thành tâm như anh em một nhà."

 

 - Giáo Sư Ngô Đình Long nhớ lại thời gian gia đình giáo sư cư ngụ ở Đà Lạt: "...chúng tôi được Ngài xem như con em trong gia đình. Có món ngon vật lạ, Ngài cũng ban phần cho chúng tôi. Khi có khách, như nhiều giáo sư ở Saigon lên giảng dạy, mỗi bữa cơm tối tại phòng ăn tư thất Viện trưởng là một dịp cho chúng tôi chứng kiến sự đãi ngộ, lòng hiếu khách và tính rộng rãi vị tha của Ngài"

 

 - Giáo sư Lê Hữu Mục còn bổ túc thêm ý kiến rằng đó là: "...những món ăn ngon và sang trọng không kém gì các nhà hàng lớn ở ngoài phố, có khi lại còn hơn nữa, nhất là về các thứ rượu vang hảo hạng mà ngài mua sắm một cách đặc biệt cho các giáo sư sành rượu".

 

 - Giáo Sư Lê Xuân Khoa thích thú kể chuyện cũ: "...kỷ niệm được lưu lại rõ nhất trong tâm trí của tôi là thỉnh thoảng sau bữa ăn tối, Cha rủ mấy anh em Giáo Sư ở Saigon đi ra phố uống cà phê Tùng. Và nói đủ mọi thứ chuyện thời sự vui buồn. Cà phê này đặc biệt lắm! Vì Cha còn đem theo một chai Cognac để châm thêm vào cà phê cho thêm hương vị. Cha cũng đem thêm một nắm Cigarillos để cho anh em ai biết hút thì thưởng thức cho đầy đủ".

 

  - Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế khó mà quên được dịp 'du hí' rất đặc biệt với Cha Lập: "Ngài rủ tôi đi chơi một vòng ngoài phố. Ngài tự tay cầm lái xe. Đường đất quanh co, lên xuống. Lúc sau, chiếc xe Viện ngừng bánh trước một phòng trà ca nhạc ở trung tâm thị xã. Đủ trai thanh gái lịch, nhạc tiền chiến, nhạc đương thời hùng cũng có nhưng ủy mỵ, lãng mạn thì nhiều". 

 

 - Giáo sư Nguyễn Khắc Dương cũng được đi theo Cha bữa đó, sau này vui vẻ tiết lộ với giáo sư Tế: "Dịp may hy hữu cho chúng tôi đó. Nhờ có giáo sư mà chúng tôi được 'ăn theo', đi 'hộp đêm' với Cha Viện Trưởng!"

 

HÌNH ẢNH TUYỆT VỜI

 

 - Frère Nguyễn Văn Kế nhớ lại hình ảnh Cha Lập là: "...một con người cởi mở, tính tình dễ dãi, ăn nói thành tâm. Ngài quen đứng ở cửa chính nhà hành chính của viện đại học. Có con chó nằm dưới chân quen hơi chủ nó lắm. Một điếu cigare bốc khói trên môi với trời Dalat vào sáng chiều lành lạnh ngọt. Coi ngài thật ấm áp. Ngài đứng thẳng người, tay khoác sau lưng trong tư thế tự tin, bụng ông địa giầu sang..."

 

 - Giáo Sư Nguyễn Cao Hách chẳng quên hình ảnh một thần tượng: "Lúc còn sinh thời, Linh mục Nguyễn Văn Lập tính tình hào hiệp, độ lượng cao cả, với một trí óc cực kỳ thông minh" ... "Những người nào đã giảng dạy tại Viện tất không thể quên được hình ảnh của một vị Viện trưởng, tuy tuổi cao, đầu bạc, nhưng cực kỳ nhũn nhặn và khéo léo. Chưa từng bao giờ để mất lòng ai."

 

 - Giáo sư Trần Long nhận xét rằng: "Cha có tài hùng biện" ..."tôi đã học được nhiều ở nơi Cha về lối tín nhiệm và ủy quyền cho các nhân viên thuộc hạ. Tôi mãi mãi nhớ ơn cha Lập"...

 

 - Giáo Sư Lê Hữu Mục lên tiếng ca ngợi: "Về tài lãnh đạo của Cha Lập, ai cũng thấy là tuyệt luân. Nói như Lão Tử, ngài vô vi, nghĩa là ngài điều khiển mà như không điều khiển".

 

  - Giáo Sư Nguyễn Văn Thạch tâm tình: "Ấn tượng sâu đậm Cha để lại nơi tôi là lối ăn nói nhẹ nhàng và cách đón tiếp ân cần của Cha, phản ảnh của một tâm hồn đơn sơ, hiền hậu và như luôn có một niềm vui và tin tưởng vào mọi người, vào mọi sự ở trong Cha".

 

 - Giáo Sư Vương Văn Bắc ca tụng "Một thái độ tinh thần đáng ghi nhớ" của Cha Lập: "Tôi có thể xác quyết không một chút dè dặt nào là chưa bao giờ Linh mục Viện trưởng Nguyễn Văn Lập tìm cách chỉ thị, kiểm soát, gợi ý hay ảnh hưởng đến nội dung hay cung cách diễn giảng của tôi trong giảng đường. Linh mục đã tuyệt đối tôn trọng tự do tư tưởng của người giảng dạy, chắc chẳng vì lòng tín nhiệm một cá nhân mà vì ý thức sâu sắc rằng tự do tư tưởng chính là bản chất tinh túy, là động lực vạn năng của ngành đại học".

 

KHÔNG KỲ THỊ TÔN GIÁO

 

 - Giáo sư Nguyễn Khắc Dương nhắc lại lời Cha Lập từng nói với ông: "Khi mời một giáo sư, giữa hai vị mà chuyên môn và tư cách ngang nhau, tôi có xu hướng mời giáo dân hơn là linh mục hoặc tu sĩ, một người ngoài kitô giáo hơn là một người công giáo. Như vậy để giữ tính cách 'không tuyên giáo' của nền học vấn nhân bản". Giáo sư nhấn mạnh thêm: "Điều làm tôi sở đắc nhất là Cha Lập là người đã góp phần chủ yếu trong cái tự trị (đương nhiên là tương đối) của Viện Đại Học Dalat."... Cha Lập không "biến nó thành một công cụ tuyên truyền cho bất cứ gì: kể cả truyền giáo cũng không!"

 

 - Giáo sư Lê Hữu Mục vẽ lại chân dung Cha Lập là: "...một vị viện trưởng không kỳ thị, 'No discrimination' là khẩu hiệu của ngài. Không bao giờ ngài phân biệt giáo lương... Có khi ngài lại tỏ ra 'thiên vị' người lương là đằng khác..." Giáo sư không quên một kỷ niệm về sự cởi mở của Cha Lập: "Tôi đã hướng dẫn sinh viên Đại Học Sư Phạm lên nghỉ hè tại Đại Học Dalat. Chúng tôi đã xây một pháp luân trên một ngọn đồi. Ngài đã cho xây thêm một vài kiến trúc phụ để biến khu này thành một công viên nhỏ rất ngoạn mục. Mỗi lần lên dạy học, đi qua khu vực này, tôi lại thán phục tinh thần tôn giáo rất tốt đẹp của cha Viện Trưởng". Cái bánh xe Pháp của Phật giáo này quả có nhiều ý nghĩa trong khuôn viên Viện.

 

MỘT TẤM LÒNG

VỊ THA NHÂN ÁI

 

 - Giáo sư Trần Long viết một bài lấy tiêu đề là "Hiện thân của lòng nhân" trong đó giáo sư phát biểu là: "Tôi rất kính phục Cha vì lòng rộng lượng đối với sinh viên nghèo khó và những người túng thiếu cần sự giúp đỡ" ... "Cha Lập là một tấm gương sáng về lòng nhân ái vị tha giúp đỡ những kẻ khốn cùng".

 

 - Giáo Sư Lê Văn xác nhận thêm: "Cha rất thương sinh viên nghèo, hằng giúp đỡ rất nhiều về phương diện vật chất, nhưng đến lúc thi cử thì Cha nhất thiết không can thiệp với hội đồng để vớt người này hay cho thêm điểm người khác. Điều này khiến tôi càng quý mến Cha hơn nữa".

 

XƯA VÀ NAY

 

 - Giáo Sư Hoàng Ngọc Thành kể lại chuyện cũ. Năm 1956 khi ông đang dạy học tại Huế thì: "...có nhân viên văn phòng đến lớp mời lên gặp soeur bề trên. Tôi liền đến văn phòng soeur hiệu trưởng. Trong văn phòng ngoài soeur hiệu trưởng có một vị tu sĩ mặc áo đen, cao ráo và phương phi đẹp trai. Tôi được giới thiệu đấy là Linh Mục Nguyễn Văn Lập, hiệu trưởng trường trung học tư thục Bình Minh". Rồi đôi bên xa cách nhau 12 năm. Vào năm 1968 giáo sư kể tiếp: "Tôi vui mừng gặp Cha Lập trở lại. Cha cũng rất hân hoan gặp lại tôi lần đầu tôi lên dạy tại Đại Học Dalat. Tay bắt mặt mừng... Tôi thấy Cha phương phi và bắt đầu có 'bụng' vì mập". Giáo sư kể tiếp là khoảng năm 1979 hay 1980 "hai vợ chồng chúng tôi có đi xe lam lên nhà thờ Bình Triệu thăm Cha. Chúng tôi đã nói chuyện khá lâu, có tặng Cha một số tiền nhỏ. Khi đi về cha tiễn khá xa."

 

 - Giáo sư Lê Hữu Mục kể chuyện về Cha Lập khoảng năm 1952 rằng: "Ngài rất đẹp trai với làn da trắng mát, môi lúc nào cũng đỏ thắm như ăn trầu (không như môi các cô có bôi son), miệng hay cười tủm tỉm nhưng cũng đủ để lộ ra một làn da trắng nõn. Chúng tôi thường ví Cha như Clark Gable trong phim Autant en emporte le vent (Cuốn theo chiều gió) nhưng là một Clark Gable không ria. Giọng ngài không mạnh lắm, Ngài hát không hay, nhưng ngài có biệt tài kể chuyện".

 

 - Giáo sư Phó Bá Long cho rằng các hoạt động của Cha Lập từ trước cho tới nay luôn là một tấm gương sáng: "Từ đó đến nay, mỗi lần về nước hầu như hàng năm, tôi đều có dịp thăm hỏi cha Lập và lại học được cách 'nghỉ hưu' của Cha trong những năm cuối của cuộc đời".

 

 - Giáo Sư Lê Xuân Khoa kể lại chuyến về nước và có dịp ghé thăm Cha Lập sau ba mươi năm xa cách: "Cuộc 'hội ngộ' thật là thân tình và cảm động. Cha Lập đã ngồi chờ sẵn trong phòng khách của nhà thờ khi có người đưa tôi vào. Chúng tôi bắt tay nhau bằng cả hai bàn tay và Cha rất xúc động khi tôi ôm chặt lấy Cha một lúc lâu. Tôi thấy Cha ốm đi và già hơn nhiều so với hồi còn ở Dalat, nhưng sức khỏe còn tốt và giọng nói vẫn còn sang sảng"

 

 - Cuối cùng tôi dành lại nơi đây để đặc biệt đề cập đến một sự kiện mà tôi nghĩ là "thật tuyệt vời" trong cung cách của Cha Lập do Giáo sư Lê Hữu Mục nhắc lại: "Với Chúa Kitô được tôn thờ như một kiểu mẫu, Cha Lập cư xử với mọi người như một người Cha hiền lành, nhân từ. Với các giáo dân, Ngài là một Chủ Chiên đã hy sinh vì đàn chiên. Ngài không di cư, không di tản khi đàn chiên của Ngài bị đe dọa về an sinh, về đời sống. Điều này chính Ngài đã thổ lộ với tôi..." Giáo sư nhấn mạnh thêm rằng: "Gần một nửa thế kỷ sống bên cạnh Ngài, được chứng kiến những việc làm và những tính tốt có thể nói là siêu phàm".

 

VĨNH BIỆT GIA TRƯỞNG

 

 Tôi đã lược ghi lại một số những kỷ niệm và tâm tư tình cảm của các cựu giáo sư Viện Đại Học Đà Lạt dành cho cha Lập, đa số là các vị đều từ nơi khác tới xứ hoa đào.

 Riêng phần tôi thì gia đình tôi cư ngụ ngay tại thành phố Đà Lạt và tôi có hân hạnh cộng tác trong ban giảng huấn của Viện dưới thời hai Khoa Trưởng của phân khoa Chính Trị Kinh Doanh từ khoảng năm 1966 tới năm 1975 là Giáo sư Trần Long và Giáo sư Phó Bá Long. Những hình ảnh và kỷ niệm về Cha Lập của các giáo sư khác hầu như cũng ghi đậm nét trong cõi lòng tôi như vậy. Thật đẹp! Thật quý hóa! Thật đáng nhớ!

 Nhưng có lẽ không phải chỉ có vậy mà thôi. Rất tiếc là nhiều vị giáo sư đã qua đời trước Cha Lập. Nhiều vị khác chưa có dịp phát biểu cảm tưởng của mình và nhất là chưa có cơ hội góp mặt trong cuốn sách tưởng niệm Cha Lập. Tâm tư và tình cảm của quý vị đó chắc chắn còn đa dạng hơn nữa... Là một phật tử tôi quan niệm cuộc đời là 'vô thường'. Có chi lạ đâu! Cha Lê Văn Lý (thay thế Cha Lập làm Viện Trưởng về sau này) cũng thường nói với các sinh viên của Viện rằng 'mọi sự đều là giả trá'. Ý Cha muốn nói là không vĩnh cửu, không thật, không trường tồn!

 Nhớ đến cái vẻ đẹp mong manh của sương mù đất Lâm Viên giăng phủ nơi cây thánh giá trên nóc giáo đường của Viện Đại Học thuở nào tôi chỉ xin ghi lại đây một bài thơ họa của tôi. Tôi họa thơ của một cựu sinh viên tưởng niệm đến Cha.

 

 Bài xướng:

 Tiễn Cha


 Cuối cùng Cha cũng đã ra đi

 Đau đớn đàn con biết nói chi.

 Chín chục tuổi trần, đời mãi nhớ,

 Sáu mươi năm thánh, Chúa luôn ghi.

 Lâm Viên Trường cũ buồn xa cách,

 Bình Triệu xóm nghèo khóc biệt ly.

 Dẫu biết Cha về nơi cõi phúc,

 Nhưng sao nước mắt vẫn tràn mi.

 

 Trần Văn Lương

 

 Bài họa (nguyên vận) của tôi như sau


 Tiễn Cha


 Kiếp người ai cũng một lần đi

 Quy luật ngàn năm chẳng lạ chi

 Khi ở tiếng đời luôn vẫn nhắc

 Lúc về bia đá mãi còn ghi,

 Xưa nơi Đà Lạt vừa xum họp

 Giờ chốn Thành Đô đã cách ly

 Trần thế dù hay là cõi tạm

 Tiễn Cha lệ vẫn ứa bờ mi.


 Ngô Tằng Giao

 

 - Và có lẽ lời sau đây của Giáo sư Vũ Quốc Thúc có thể coi như là lời chung của toàn thể các cựu giáo sư của Viện nhớ về Linh Mục Nguyễn Văn Lập, nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt: "Giờ đây Đức Ông Nguyễn Văn Lập đã vĩnh biệt chúng ta. Trong niềm thương tiếc một vị Gia Trưởng từ nay vắng bóng, tôi xin kính cẩn cầu nguyện anh linh Ngài được hưởng An Bình nơi nước Chúa".

________________________________________________________________

 

 (Ghi lại bài nói chuyện của Giáo sư Ngô Tằng Giao trong buổi giới thiệu tập sách Tưởng Niệm Đức Ông Nguyễn Văn Lập do Hội Ái Hữu Đại Học Đà Lạt tổ chức tại Mason District Center, Virginia, USA, ngày 1- 6 -2003)

______________________________________________________________________

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Năm 2022(Xem: 3109)
"Chẳng phải đến khi báo Tuổi trẻ ngày 24/2/2020 đăng bài "Người Việt kém văn minh trên mạng?", cùng chỉ số thật đáng xấu hổ, rằng "Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia kém văn minh nhất trên Internet", nhu cầu cần bàn bạc thẳng thắn về những cái xấu của người Việt mình mới được đặt ra."
16 Tháng Năm 2022(Xem: 3317)
"Từ sự kiện ngẫu nhiên nhưng gây ấn tượng vừa mạnh, vừa sâu như vừa biết, kẻ viết bài này chỉ muốn so sánh một chút giữa “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” với những gì đã xảy ra trên thực tế xoay quanh chuyện ông Chính và tùy tùng đến Washington D.C tuần trước..."
13 Tháng Năm 2022(Xem: 3126)
"Sau 2 năm dịch bệnh Covid 19, rất nhiều người từng nhiễm virus corona than phiền về hội chứng « Covid long » (Covid kéo dài) với hàng trăm triệu chứng rất khác nhau, từ đau đầu, mệt mỏi, rối loạn tim mạch, máu huyết đến tiêu hóa, hô hấp, khả năng vận động, các vấn đề da liễu … "
09 Tháng Năm 2022(Xem: 3294)
"Từ ngàn xưa nước mắt luôn rơi xuống Hạt mưa sa đâu chảy ngược lên nguồn? Trên đường đời mẹ bao lần vấp ngã Có bao giờ con hỏi “Mẹ đau không ?"
26 Tháng Ba 2022(Xem: 3597)
"27 tháng 3 năm 2022 là 11 năm nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang qua đời. Quang Du Ca làm bài nhạc Lìa Nhau vào mùa hè năm 1964, năm anh 20 tuổi. Năm 1964 là năm đất nước Miền Nam Việt Nam rối loạn : Tranh chấp tôn giáo, tranh chấp Bắc Nam, tranh chấp dân sự quân sự, tranh chấp đảng phái …"
17 Tháng Hai 2022(Xem: 4305)
"Thôi thế hôm nay xin giã biệt Bạn về với Chúa hưởng Hồng Ân ! Vui bước ra đi đừng nuối tiếc Cõi trần bạn cũng đã thành nhân."
06 Tháng Giêng 2022(Xem: 4052)
"Giáo sư luật Edward Foley thuộc Đại học bang Ohio đưa ra ý kiến: “Thực tế là Lời Nói dối Trắng trợn đã bắt rễ theo cách của nó, và nó đã trở nên mạnh hơn và tệ hơn trong 12 tháng qua, điều đó thậm chí còn nguy hiểm hơn chính sự kiện 6/1”."
14 Tháng Mười 2022(Xem: 2178)
"Ông Putin có vẻ như đang tuyệt vọng, phải dùng đến những vốn liếng cuối cùng của mình; nghề bài bạc gọi là “đánh cạn láng.”
23 Tháng Năm 2018(Xem: 16340)
"Nhận định rằng bộ luật này "chứa đựng những điều khoản đi ngược lại với những cam kết của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam đã ký", thông cáo của Liên hiệp quốc giải thích những điều khiến họ quan ngại”
23 Tháng Năm 2018(Xem: 17910)
"Vụ án Vũ “nhôm” được xem là một đại án về tình trạng lũng đoạn của bộ máy nhà nước, liên quan đến rất nhiều người, trong đó có cả sự tiếp tay của Tổng cục Tình báo, thuộc Bộ Công an, cho đến các quan chức lãnh đạo ở địa phương và báo chí."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468