Khoai tây và câu chuyện thời hiện đại (Anvi Hoàng)

02 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 21434)
Khoai tây và câu chuyện thời hiện đại (Anvi Hoàng)


Khoai tây và câu chuyện thời hiện đại

 


Anvi Hoàng/Viễn Đông

Suy nghĩ bình thường thì là: xã hội chỉ tiến lên chứ không tiến lùi. Thay đổi là để tốt hơn, chứ xấu hơn thì ai mà muốn. Thế nhưng, trong thời buổi hiện đại, cái gọi là “tốt hơn” hoặc “xấu hơn” thường khó mà phân biệt cho rõ ràng.


image001_205-content

Gà tây hoang trong công viên ở Indiana - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Khoai tây ngày xưa 

Ở Peru, nơi xuất xứ của khoai tây, ngày xưa, nông dân thường trồng hơn 4 ngàn loại khoai tây khác nhau: mỗi loại có tên riêng, mùi vị riêng, cách dùng riêng, hình dạng lớn nhỏ khác nhau, màu sắc thì đỏ cam vàng trắng tím gì cũng có.
Cũng là chuyện ngày xưa, rau trái tiêu thụ ở Mỹ là do các nông trại địa phương cung cấp. Như vậy, thứ nhất: người nông dân được tự do trồng những gì thích hợp cho đất đai khí hậu địa phương, hoặc trồng những gì họ thích, và đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của khách hàng. Do đó rau trái rất đa dạng vì nhiều chủng loại khác nhau, mùi vị cũng phong phú hơn. Thứ hai: vì rau trái trồng tại địa phương, mùa nào ăn thức nấy, không dùng thức ăn trái mùa. Vì vậy, thứ gì cũng tươi ngon, thơm tho.


image002_83-content

Hoa mùa Thanksgiving ở Bloomington, Indiana - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

 

Không nói chuyện rau trái mà ngay cả đồ dùng hàng ngày cũng thế. Vào đầu thế kỷ 20, người ta có thể tìm thấy ở Mỹ hàng nhập cảng từ hơn 100 nước trên thế giới. Từ kim chỉ làm tại Nhật, gia vị nấu ăn từ Ấn Độ, đến bàn ủi từ Áo, áo quần từ Sri Lanka. Nói đến chuyện đa dạng, nghe mà mê!

Kỹ thuật và quảng cáo

Vào đầu thế kỷ 20, mấy người nhà giàu bắt đầu có phong trào ăn thức ăn trái mùa. Ban đầu, một số doanh nhân đánh liều chở thức ăn từ California vượt núi sang miền Đông. Giá cả cắt cổ. Nhưng vào mùa đông, ở miền Đông, đĩa xà lách tươi nằm trên bàn tiệc trở thành “món ngon vật lạ”. Ai có tiền mà chả ham, để làm le với khách.
Thế rồi đường cao tốc được xây dựng, xe vận tải được gắn tủ lạnh, xăng dầu rẻ mạt. Người ta bắt đầu vận chuyển rau, trái đi khắp nơi trong nước Mỹ, bất kể thời tiết. Vào thời điểm này, California nhanh chóng quảng bá hình ảnh của mình như là một tiểu bang sản xuất rau cải trái mùa.
Ngày nay, ngoài kỹ thuật và quảng cáo, kinh tế thị trường trở thành toàn cầu hóa. Rau trái tiêu thụ ở Mỹ được nhập cảng từ khắp nơi trên thế giới nên quanh năm muốn thứ gì cũng có. Mùa đông ở New York vẫn có cam ăn. Ở Indiana muốn ăn rau thơm quanh năm cũng có. Không có thứ gì là trái mùa nữa cả. Những món ăn trái mùa đắt tiền trước kia chỉ dành cho người nhà giàu bây giờ trở thành bình thường cho mọi người.

 image003_52-content

Trái cà chua vuông - ảnh tài liệu


Để chịu được quãng đường vận chuyển dài đằng đẵng từ nông trại đến chợ, rau trái phải thuộc loại “bất khả xâm phạm” mới sống sót nỗi mà đến tay người tiêu thụ. Đến cuối thế kỷ 20, kỹ thuật trồng trọt trong nông nghiệp, kỹ thuật cấy ghép gene, kỹ thuật đóng gói đã đạt đến mức “cao thủ”. Rau trái bày bán ở tiệm bây giờ là đã trải qua quá trình đổi gene để có thể chống lại sâu rầy, để “nhìn” cho đẹp, để dễ thu hoạch bằng máy, để có kích cỡ và hình dạng đồng đều như nhau, để dễ đóng gói – ví dụ trái cà chua vuông, để cứng cáp khó hư trong lúc vận chuyển. Đi chợ ở Mỹ, rau trái cái gì nhìn cũng thật tươi tốt, bóng bẩy, đẹp mắt.
Thứ được dùng để đánh đổi cho các đặc tính mới này của rau trái không gì khác hơn là mùi vị của chúng. Người Việt Nam lúc mới qua Mỹ thường bảo rau trái ở Mỹ không có mùi vị là vì thế. Rau thơm ở chợ xanh mướt nhưng không thơm. Mướp, trái thật to nhưng không ngọt. Quýt thật mọng nhưng không đậm đà, v.v.. Có để ý thì sẽ thấy rằng, rau cải ở Mỹ nấu rất mau chín - là bởi vì thứ gì cũng bị ép cho lớn nhanh, không được lớn theo tốc độ tự nhiên của chúng, nên bên trong nước nhiều hơn và rỗng hơn, do đó nấu mau chín hơn.

Khoai tây thời hiện đại
 

Ngày nay, có thể tìm thấy ở Mỹ hơn 100 loại khoai tây khác nhau. Tuy nhiên, 90% đất trồng khoai tây ở Mỹ chỉ tập trung vào có 3-4 loại. Ngay cả ở Peru cũng chỉ có vài chục loại khoai tây được trồng phổ biến. Kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến vấn đề trồng trọt nông nghiệp ở các nước khác trên thế giới, và tương tự như khoai tây, các loại cây trái khác cũng không còn đa dạng như trước kia nữa: ví dụ táo ở châu Âu, bí ở Bắc Mỹ, bắp ở Trung Mỹ, ngũ cốc ở Trung Đông. Tình trạng này xảy ra phần nhiều là do các công ty đa quốc gia muốn độc quyền kiểm soát thị trường tiêu thụ trên thế giới, trong đó, 6 công ty – Monsanto, Syngenta, DuPont, Mitsui, Aventis, Dow - kiểm soát 98% tất cả các loại giống bán ra trên thế giới. Đây là một vấn đề lớn mà nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và quyền lợi người tiêu thụ đang đấu tranh để giải quyết, nhưng chưa đạt kết quả gì.


image004_28-content

Khoai tây bán ở tiệm - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

 

image005_15-content

Cranberries (hồng việt quất) bán ở tiệm - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Nhân dịp Lễ Tạ Ơn, nhìn thấy khoai tây tôi lại nghĩ đến câu chuyện 4 ngàn loại khoai tây khác nhau. Thức ăn đồ dùng ngày nay có thể thừa mứa hơn trước, nhưng mùi vị và phẩm chất thì lại là chuyện khác. Đi chợ mà tìm thấy vài loại khoai tây khác nhau cũng là quý rồi, người ta không quan tâm lắm đến chuyện mùi vị khác nhau của khoai tây nữa. Vì nhu cầu của người tiêu thụ thay đổi, ngày nay, chúng ta chỉ được thưởng thức chưa tới 1% trong tổng số mấy trăm ngàn loại rau trái mà ông bà tổ tiên chúng ta từng trồng và thưởng thức.
Tương tự, đi ra siêu thị, nếu muốn tìm hàng hóa làm ở nước ngoài mà không phải từ Trung Quốc thì tìm đỏ mắt cũng khó thấy. Họa may là đi vô các tiệm của người thiểu số như tiệm Đại Hàn, Nhật, Việt Nam, v.v.. Vậy thì cuộc sống của chúng ta “tốt” hơn hay là “xấu” hơn? Thật ra mỗi người phải tự tìm câu trả lời cho câu hỏi này cho chính bản thân mình. Cũng tương tự cho câu hỏi, “Lễ Tạ Ơn, tôi nên tạ ơn cái gì?”.

Lễ Tạ Ơn ở Mỹ
 

Trong tâm thức nhiều người Mỹ ngày nay, trong các ngày lễ lớn ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là thuần túy Mỹ nhất. Họ ăn gà tây, bắp, bí, cranberry (hồng việt quất) - những giống thực phẩm đặc chủng của Bắc Mỹ. Ngày xưa, Lễ Tạ Ơn là để dịp để bày tỏ lòng hân hoan sau những vụ mùa tươi tốt và một mùa đông sắp tới ấm cúng yên bình không đói khát. Ngày nay, người bình thường chúng ta sống cuộc sống công nghiệp thì chả có gặt cũng không có mùa gì cả. May ra chỉ có nông dân mới vẫn thấm thía được một vụ thu hoạch thành công có ý nghĩa như thế nào.


image006_6-content

Gà tây bán ở tiệm - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông

 

image007_10-content

Ruộng bắp sau mùa thu hoạch ở miền Trung Tây - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Tuy nhiên, nông dân hay không thì Lễ Tạ Ơn bây giờ vẫn là một ngày lễ rất lớn ở Mỹ, gần như là Tết ở Việt Nam. Lễ Tạ Ơn là dịp mọi người trong gia đình từ mọi nơi khắp nước Mỹ sum họp quanh một bàn ăn với những câu chuyện vượt biên giới. Là dịp để mọi người đi mua sắm và giúp thúc đẩy kinh tế phát triển. Là dịp các công ty hốt bạc từ việc bán gà tây, nước sốt cranberry, bánh nướng nhân bí (pumkin pie), đồ độn (stuffing). Là dịp trai gái tỏ tình. Là dịp để nghỉ ngơi lấy lại sức. Là dịp người ta tìm mua một món hàng mình mơ ước đã lâu với giá rẻ trên mạng. Là dịp người nào có xích mích với nhau thì tìm cách hòa giải. Vô vàn lý do từ cuộc sống hiện đại bận rộn, choáng ngợp.


image008_4-content

Bí trang trí mùa Thanksgiving ở Indiana - ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông


Cũng giống như củ khoai tây, ban đầu không phải là thực phẩm chính của những người di dân đầu tiên đến Mỹ, nhưng đã “thích nghi” với cuộc sống thời hiện đại và trở thành món ăn truyền thống của người Mỹ trong ngày Lễ Tạ Ơn, người Việt Nam ở Mỹ cũng đã hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Sự hội nhập của họ là một biểu hiện của cuộc sống hiện đại đang diễn ra xung quanh họ. Lễ Tạ Ơn người Việt Nam ở Mỹ cũng ăn mừng vì nhiều lý do khác nhau. Bàn tiệc người Việt Nam không chỉ có gà tây, khoai tây, bắp mà thêm nhiều loại thức ăn đặc biệt Việt Nam khác nữa. Trong dịp này, cha mẹ thường hay nấu các món ăn mà con cháu mình ưa thích.
Lễ Tạ Ơn mà có đông đủ con cháu sum vầy thì đã là một điều may mắn. Mọi người vây quanh một bàn tiệc đầy ắp thức ăn là một điều may mắn khác. Ai cũng vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc là một điều may mắn khác nữa. Như vậy cũng đủ lý do để tạ ơn cuộc đời rồi. Nhưng cuối cùng lại, mỗi người, mỗi gia đình đều có những may mắn, hạnh phúc khác nhau để mà tạ ơn.

Tài liệu tham khảo: Animal, Vegetable, Miracle: A Year of Food Life, của tác giả Barbara Kingsolver.

 

Anvi Hoàng/Viễn Đông

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7303)
Những điều ta chia sẻ trên truyền thông xã hội có thể phô bày những ý nghĩ sâu xa trong đầu óc ta nhiều hơn ta tưởng.
22 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7423)
Các nhà khoa học gần đây cho rằng chỉ số này có thể không đáng tin cậy và không nên áp dụng đối với tất cả mọi người.
15 Tháng Mười Một 2016(Xem: 7429)
21 Tháng Hai 2016(Xem: 9571)
Không chỉ là những món ngon cho gia đình sum họp mà mâm cỗ Tết còn thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên.
05 Tháng Hai 2016(Xem: 8503)
Câu trả lời của Bill Gate: ... quyết định thông minh nhất đó là tìm người phụ nữ phù hợp để kết hôn. Người phụ nữ quyết định hạnh phúc của thế hệ trước, vui vẻ của thế hệ này và tương lai của thế hệ sau.
19 Tháng Giêng 2016(Xem: 8751)
70 năm mưa gió đằng đẵng, từ tuổi trẻ xanh tươi đến cụ già tóc bạc, từ thế giới của hai người đến con cháu đầy đàn. "Họ đã dùng 70 năm để nói với mọi người rằng, tình yêu chính là cho đi, tình yêu chính là bầu bạn."
23 Tháng Chín 2015(Xem: 14092)
Trong khi người mẹ quyết bỏ đi đứa con dứt ruột đẻ đau của mình thì “chú chó ân nhân” lại thể hiện tình yêu thương và cứu em bé dù đó không phải đồng loại của mình.
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468