Ban Hội tề & Lễ Kỳ yên (Sơn Nguyễn sưu tập & bổ sung)

31 Tháng Mười Hai 201112:00 SA(Xem: 19284)
Ban Hội tề & Lễ Kỳ yên (Sơn Nguyễn sưu tập & bổ sung)


Ban Hội tề thời Nguyễn

 

Sơn Nguyễn (Sưu tập và bổ sung)


Bộ máy hành chánh cơ sở nầy được qui định vào khoảng cuối thế kỷ XVII, được hoàn chỉnh thời chúa Nguyễn Phúc Ánh ở Gia Định. Các địa phương được tùy tiện công cử, nên nơi nầy nơi khác không thống nhất.

Bộ máy hành chánh cơ sở đầu tiên tại làng xã Mỹ Tho có các chức vụ như sau :

 1. Trùm Cả: chức vụ đứng đầu Hội đồng Hương chức.

 2. Trùm Chủ: chức vụ đứng thứ nhì trong Hội đồng Hương chức.

 3. Trùm Nghị: Cố vấn Hội đồng.

 4. Thôn trưởng (hay Xã trưởng): Hương chức làm nhiệm vụ trung gian giữa Hội tề địa phương và chính quyền cấp trên. Vị nầy được giữ con dấu, được phép giải quyết các vụ việc trong phạm vi cho phép.

 5. Thủ Khoán: chức việc quản lý các tài sản công.

 6. Câu Đương: chức việc phụ trách việc chấp hành luật lệ, được phép tham gia giải quyết các vụ khiếu kiện.

 7. Cai Đình: chức việc quản lý bảo vệ ngôi đình, trần thiết ngôi đình khi có lễ Kỳ Yên.

 8. Quản Trị: chức việc phụ trách an ninh trật tự.

 9. Trùm Thâu, Cai Thâu, Tri Thâu: những chức việc phụ trách thuế vụ.

 10. Trùm việc, Cai việc: các chức việc sai phái, hiểu là tạp vụ.

 Sau nhiều lần chấn chỉnh, đến đời vua Minh Mạng, danh xưng Hội đồng Kỳ mục xã thôn (còn gọi là ban Hội tề) được ban hành. Đến khi Nguyễn Tri Phương lúc vào Nam lập đồn điền đã đặt thêm chức Hương Thân (một nhân sĩ làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục) và Hương Hào (làm nhiệm vụ tuần phòng, kiểm tra an ninh trật tự) bên cạnh Thôn trưởng (hương chức trụ cột đương nhiệm), hoàn chỉnh bản Minh Điều Hương ước và được ban hành năm Tự Đức thứ V, 1852 (nay chỉ còn một vài bản cổ, loại viết tay). Các làng tùy theo lớn nhỏ được tùy nghi công cử các chức vụ của Hội đồng, như sau:


1.Trưởng Mục (có nơi gọi là Cả trưởng, Hương trưởng, Hương chủ...và phổ biến là Hương cả) là hương chức đứng đầu Hội đồng Kỳ mục, được quyền đề cử nhân sự vào hội đồng.

2.Hương Chủ: Phó Trưởng mục, là hương chức chịu trách nhiệm luật lệ, được quyền phân xử các vụ việc khiếu kiện.

3.Hương Sư: Hương chức làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Tiêu chí phải là người mẫu mực, mô phạm.

4. Hương Chánh: làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái. Tiêu chí phải là người công bình ngay thẳng.

5.Hương Quản: chức vụ chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu.

6.Hương Thân: làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục. Tiêu chí phải là trí thức, nhân sĩ hoặc quan lại hồi hưu.

7.Hương Hào: làm nhiệm vụ tuần phòng, kiểm tra an ninh trật tự. Tiêu chí phải là người hào hiệp, hay giúp đỡ người hoạn nạn.

8.Thôn trưởng: (có Phó thôn hoặc Lý trưởng giúp việc) là Hương chức trung gian giữa địa phương và chính quyền cấp trên. Người thừa hành công vụ thu các loại thuế, chi xuất nhu phí, giữ mộc triện.

9.Phó thôn: (tùy nơi, có khi gọi là Phó xã, Phó ấp, Phó phường hoặc Lý trưởng) là chức việc phụ tá Thôn trưởng, giữ gìn sổ bộ của xóm ấp.

10. Lý trưởng: là chức vụ trưởng một lý (một xóm) theo Thôn trưởng sai phái, chỉ huy đội dân canh, thúc giục dân đóng thuế.

11.Cai lân: Thừa sai của Lý trưởng, phân xử các việc trong lân.

12.Trưởng ấp: tương tự như Cai lân, thừa sai của Lý trưởng.

13.Cai tuần: Đội trưởng dân tuần phòng.

14.Biện đình: nang hàng với Lý trưởng, là thư ký giúp việc khi làng tổ chức lễ hội Kỳ yên, nhưng có thể giúp Thư lại khi tu chỉnh sổ bộ.

15. Thư lại: thư ký.


Bên cạnh ban Hội tề còn có các dịch mục chuyên trách gồm:

1.Kế hiền: là người có đạo đức, uy tín, dòng dõi các vị Tiền hiền hoặc Hậu hiền, thay mặt dân làng dâng hương cầu nguyện trong ngày Kỳ Yên.

2.Hương quan: một nhân sĩ cố vấn việc lễ nghi.

3.Chánh bái: Người kế tục Kế hiền, giữ gìn truyền thống văn hóa địa phương.

4.Tham trưởng: người đã kinh qua chức Thôn trưởng, làm cố vấn cho Thôn trưởng.

5.Hương lễ, Hương vănTri văn: ba nhân sĩ phụ trách việc quan, hôn, tang, tế tại địa phương.

6.Cai đìnhTri đình: hai chức việc có nhiệm vụ giữ gìn, tu tạo ngôi đình làng hoặc trang trí, trần thiết khi có Kỳ yên, lễ hội.

7. Hương ẩm: chức việc phụ trách việc khen thưởng nội bộ và tổ chức yến ẩm khi có lễ hội.

8.Hương sưTri khách: hai chức việc sai phái khi có quan trên về làng, phục dịch trà nước khi có lễ hội. Ngoài ra còn làm thêm nhiệm vụ phòng gian, ngừa hỏa hoạn.

9.Hương giáo: người trong coi việc giáo dục tại làng, cũng có thể giúp Thôn trưởng thu thuế.

10.Cai binh: chức việc thúc giục dân binh trình diện đúng lệ.

11.Hương điền: chức việc đôn đốc nông nghiệp và quản lý nghĩa địa công cộng.

12.Thủ khoánThủ bổn: chức việc chuyên trách giữ gìn địa bạ, làm thủ quỹ hoặc giữ gìn tài sản công cộng. Có nơi đặt chức Thủ sắc phụng giữ sắc thần Thành hoàng Bổn cảnh.


Nhà Nguyễn chọn quan lại theo tiêu chuẩn học vị khoa bảng, nhưng chọn hương chức Hội tề có ba tiêu chuẩn :

-Một nhóm Hương chức phải dựa vào lý lịch, đạo đức để làm nhiệm vụ giữ gìn truyền thống văn hóa.

-Một nhóm Hương chức phải dựa vào học lực, đạo đức để làm nhiệm vụ thu xuất, sổ sách, công văn hành chánh. Hương chức phải dựa vào sự siêng năng để sai phái phục dịch.

Theo Minh Điều Hương ước ban hành năm 1852, một Hương chức phải đảm bảo ít nhất hai trong ba tiêu chuẩn : học lực, đạo đức, siêng năng.

 Thời Pháp thuộc, ban Hội tề cấp làng xã được qui định bởi NĐ số 4262-IB/I ngày 29-7-1942 của Thống đốc Nam kỳ, gồm có 3 người với nhiệm vụ như sau:

 1. Hương chủ là Xã trưởng trông coi việc quản trị làng xã, giữ liên lạc với tỉnh;

 2. Hương trưởng giữ con dấu, sổ thuế, văn thư lưu trữ, đặc biệt lo thu thuế và các loại đảm phụ;

 3. Hương quản phụ trách an ninh, tư pháp, kiêm chức vụ Hương hào trong vai trò Thừa phát lại theo NĐ. ngày 30-10-1927.

 Xã lớn có thêm Chánh lục bộ, phụ trách và giữ sổ nhân thế bộ số dân người Việt toàn tỉnh. Nhưng chỉ có Hương chủ, Hương trưởng, Hương quản là Ban hội tề chính thức của làng xã.

 Tiêu chuẩn để tuyển chọn Ban hội tề làng xã được áp dụng theo Nghị định ngày 30-10-1927 và điều chỉnh, bổ sung bằng NĐ. ngày 24-2-1939. Năm 1949, Ban Hội tề được thay thế bằng Hội đồng Hương chính (giống như Ủy ban nhân dân xã hiện nay).


* * * * * * * * * * * * * * * *

 

Đình làng Nam Bộ

 

Sơn Nguyễn (Sưu tập và bổ sung)


Trong quá trình Nam tiến, cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ đã gặp không ít khó khăn do thiên tai địch họa gây ra, thú dữ hoành hành. Cuộc sống ngày càng ổn định, thiết chế văn hóa làng xã cũng bắt đầu hình thành. Việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân xác lập trên vùng đất mới.

Dù có một số khác biệt so với tín ngưỡng truyền thống, nhưng cơ bản nó đã đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an vô sự giữa chốn nước đỏ, rừng xanh này.

Đình làng lúc đầu chỉ có chức năng là ngôi nhà lớn, dùng làm nơi nghỉ ngơi, tá túc cho khách lỡ đường. Dần dà về sau, triều đình sắc phong cho các vị có công với nước là thần Thành Hoàng, những mong các vị thần Thành Hoàng này chăm lo, bảo trợ cho dân làng, tá quốc an khang. Ngoài ra, đình làng cũng là một cơ sở văn hóa tín ngưỡng thể hiện sự tri ân của hậu bối đối với tiền nhân - những vị có công dựng làng, lập ấp, tạo chợ, xây cầu, khai khẩn đất hoang… Từ ý thức hồn thiêng sông núi, từ lâu người Việt đã biết thờ các vị thần núi, thần sông, thần đất, để giúp con người bảo vệ mùa màng, giữ vững giang sơn.

Ý nghĩa

Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Ngoài ra, ngôi đình còn là nơi thờ các vị phúc thần, thần linh, danh nhân lịch sử, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công thành lập và xây dựng làng xã); là nơi dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn, là nơi tụ họp dân làng, yến ẩm, vui chơi... Trong một giai đoạn ngắn của lịch sử hành chánh, ngôi đình còn là trụ sở hành chánh của làng xã. Theo các tài liệu hiện có ở đình, thông thường đình do Ban Hội tề làng quản trị, kinh phí xây dựng do quỹ làng xuất ra và một phần do dân làng tự nguyện đóng góp.

Thờ thần là việc vô cùng thiêng liêng, thể hiện ở đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người Nam bộ. Trong tín ngưỡng thờ thần của người Nam bộ còn có một khía cạnh thiêng liêng khác nhằm tôn vinh các vị thần, làm cho các vị thần trở nên thiêng liêng hơn - đó là việc phong sắc cho thần. Công việc này là do triều đình thực thi, mà cụ thể là người đứng đầu nhà nước phong kiến là nhà vua - là thiên tử thay trời giáo hóa chúng sinh, vỗ an thiên hạ.

Do đó, sắc phong của triều đình cho vị thần nào cũng đồng nghĩa với việc xem vị thần đó là cơ sở pháp lý phụng mệnh nhà vua xuống làm thần quyền của làng xã. Khi vị thần nào có sắc phong của nhà vua cho một làng nào đó thì các vị thần đó mặc nhiên được gọi là Thành Hoàng của làng. Sắc phong được để ở nơi trang trọng nhất, đặt trên ngai thờ. Ở mỗi đình làng, gian chính điện là nơi thiêng liêng nhất, thường ghi những chữ Thánh thọ vô cương, Thánh cung vạn tuế, với ý nghĩa là quyền uy nhà vua ngự trị ở nơi thiêng liêng nhất của làng và đó cũng là nơi để sắc thần.

Đôi khi, thần Thành Hoàng không phải là các vị có công với nước, mà là những vị thần hữu danh vô thực, chỉ trong ý niệm của nhân dân. Trong thiết chế văn hóa của làng, đình là cơ sở tín ngưỡng có tính chất chính thống. Việc ông thần Thành Hoàng của làng được vua phong sắc là việc quan trọng vì sắc thần được coi là sự công nhận chính thức của nhà nước về sự hợp pháp của làng.

Về kiến trúc, đình thường được cất cao ráo, thoáng mát, nóc có tượng đôi rồng lượn tranh lấy quả châu, trên các thanh xà ngang trong đình là các hoành phi, câu đối với nội dung thể hiện sự ước vọng về cuộc sống bình an của con người, ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân.

 

image001_215

 image002_88


Miếu Thần nông đình Bình Thủy

Các hình nhân trên nóc mái đình Bình Thủy

 

image003_57

image004_32

 

Miễu thờ hổ ở đình Mỹ Phước (Long Xuyên)  Đình Mỹ Đức (Hà Tiên)

 

Kiểu thức

Không như ngôi đình làng ngoài Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5-7 gian; ngôi đình Nam Bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi (còn gọi là nối đọi); và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.

Ngày nay, đình thần Nam Bộ có lối kiến trúc khá đa dạng, bởi sau khi bị hư hại bởi thời gian & chiến tranh; kiểu thức truyền thống chẳng còn lại bao nhiêu. Tuy đã ít nhiều thay đổi, nhưng một ngôi đình ở Nam Bộ, lần lượt từ ngoài vào trong đại để như sau:

  • Cổng đình có kiểu dáng không chừng. Cổng đẹp thì có trụ cột, trên có mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men.
  • Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng (hoàng hổ) đứng bên gộp đá lởm chởm, có một cây cổ thụ gie cành lá; hoặc cảnh long mã chở cái phù đồ, hoặc cảnh long hổ hội (cọp dưới đất ngước lên nhìn rồng đang bay ẩn trong mây nhìn xuống); cốt để biểu thị âm dương hòa hợp.
  • Sân đình thường có đàn thờ Thần Nông (tức Tắc thần), có nơi lập đàn tế chung với thần Thần Đất (tức Xã thần) gọi là đàn Xã Tắc.  Hai bên đàn thường là các miễu thờ cọp (chúa xứ Sơn quân), miễu thờ Hội đồng hoặc miễu thờ nữ thần (có thể là một trong các nữ thần sau: Năm Bà ngũ Hành, chúa Xứ Nguyên Nhung, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...).
  • Ngôi đình chính thường là ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ (tức nhà vuông có 4 cột cái, một gian, hai chái), cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu “trùng thềm điệp ốc”. Mái đình thường lợp ngói âm dương hoặc ngói ống kiểu Trung Quốc, ngói kiểu vảy cá (kiểu Pháp, có sau năm 1920); trên nóc thường gắn những hình sành tráng men màu như Lưỡng long tranh châu, chim phượng ngậm cuốn thư, lân mẹ dạy lân con, cá hóa long, bát tiên, ông mặt trời, bà mặt trăng, con nạ (một loài thủy quái theo truyền thuyết); nhằm tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng.

Bên trong mỗi đình có cách phân chia hơi khác nhau, nhưng thường là có ba gian chính:

- Vỏ ca (gian trước), dành làm nơi xây chầu & hát tuồng vào mỗi dịp lễ Kỳ yên.

- Vỏ qui còn gọi vỏ cua hay nhà chầu (gian giữa), có nơi như đình Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh), đặt bàn thờ Hội đồng ngoại; có nơi như đình Mỹ Phước (Long Xuyên, An Giang) đặt bàn thờ 18 đời vua Hùng, và cũng có nơi dùng làm chỗ cho các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát Bội) hoặc hội họp.

- Chính điện hay Chính tẩm (gian cuối), là gian được coi là mỹ thuật nhất ở đình, gồm hoành phi, câu đối, khám thờ, các bao lam và các mảng phù điêu...Tất cả đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng đẹp đẽ, tinh tế. Ở gian này, đối tượng thờ chính là Thành Hoàng làng, có nơi như đình Mỹ Phước có thờ thêm Hội đồng nội.

Ngoài ra, ở hiên phụ (cất dọc theo các gian chính), có thờ thêm Tả ban, Hữu Ban, Tiên sư, Tiền hiền, Hậu hiền...Và tùy theo diện tích đình, mà có thể có thêm:

- Nhà hậu hay nhà hội, để hương chức, ban tế tự hội họp; để dân làng qui tụ chuẩn bị lễ cúng tế.

- Nhà trù (nhà bếp) và nhà ở của ông Từ giữ đình v.v...


Bày trí

 

image006_8







Bên trong đình Mỹ Phước (Long Xuyên)


Tuy mỗi nơi có đôi chút dị biệt, nhưng việc bày trí thờ thần ở đình phải tuân thủ mấy nguyên tắc sau. Theo học giả Nguyễn Văn Tố thì:

  • Câu đối ở đình chỉ trạm triện rồng hoặc tứ linh (long, lân, qui, phụng).
  • Cửa võng (bao lam) thường chạm lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng), hoặc là: lục long ngự thiên (sáu con rồng bay về trời), ngũ phụng hàm thư (năm con phụng ngậm tờ thư).
  • Bàn thờ thần Thành hoàng có ngai chạm hai con rồng, với cái long vị hình chử nhật (thần vị) mô phõng dáng người ngồi, ghi tên hiệu của thần...Trước long vị, đặt cái gương nhỏ, tượng trưng cho cái hốt mà vị quan cầm che trước mặt mỗi khi vào chầu vua. Ngoài ra, ở đây còn có tráp đựng sắc phong, tam sự hoặc ngũ sự (Tam sự là cái lư để đốt trầm và hai cái chân đèn. Ngũ sự thì có thêm hai ống cắm nhang), bình, khay, kỷ tam sơn là ba khối vuông (khối giữa nhô lên) dùng để lư hương, trầu, rượu, gợi bóng dáng ba ngọn núi.

Ở đây còn có vài tàn lọng, cờ vía, đồ lỗ bộ, mũ cùng quần áo thờ. Hai bên hương án thường là đôi hạc đứng trên lưng rùa. Nếu thần là quan võ, có nơi còn có chưng cái giá, trên để ba thanh gươm cán dài, gọi là gươm vía hoặc gươm cẩn và ngựa...Chiêng trống là dụng cụ cần thiết khi tế lễ. Cái mõ là một khúc cây dài khoét bọng, dấu ấn của thời xưa, dùng để đánh lên báo động khi trong làng xảy ra hỏa hoạn, hoặc có giặc cướp...


Lễ hội đình

Đặc biệt, thiêng liêng hơn cả là lễ hội ở đình, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, tín ngưỡng thờ thần, biết ơn thần, tạ ơn đất trời đã cho con người cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tạo được sự cộng tác của cộng đồng làng xã. Cũng chính ở sự liên kết cộng đồng làng xã mà con người có ý thức đoàn kết, nhớ về cội nguồn, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, ứng phó trước mọi chuyển biến của lịch sử.

Hàng năm, đình có hai kỳ lễ chính: lễ Kỳ Yên thượng điền và lễ Kỳ Yên hạ điền. Vào các ngày này, dân làng mở lễ hội đình để tưởng niệm công tích của các vị thần. Và dịp cúng đình cũng là ngày lễ hội của dân làng, người ta tổ chức các trò chơi ở làng, diễn hội làng, hát bội, hát cải lương với những tuồng tích xưa… Quy mô tổ chức lễ hội của đình tùy thuộc vào làng giàu hay nghèo, năm trúng mùa hay thất mùa.

Ngày đầu tiên gọi là lễ Túc Yết - ngày cúng các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, các vị có công với nước, có công xây dựng và bảo quản ngôi đình. Kế đến là lễ Chánh Tế, được tiến hành vào giữa đêm thứ hai, có đọc văn tế với nội dung ca ngợi trời đất và các thần linh, ca ngợi công lao của những bậc tiền hiền, hậu hiền, những người có công quy dân, lập ấp, phát triển sản xuất…

 

image007_12image008_6


Lễ thỉnh sắc thần Bàn thờ thần Thành hoàng ở Đình Mỹ Phước


Thường thì, sau phần nghi thức lễ được tổ chức trang trọng là phần hội. Đây là phần sôi động và vui tươi nhất trong dịp cúng đình nên dân làng tham gia rất đông. Mọi người ăn mặc nghiêm trang, chỉnh tề đến tham gia, thưởng thức, diễn trò, từ diễn tuồng đến các trò chơi dân gian như chọi gà, thi bắt vịt, kéo co, thi đấu vật… thể hiện được một nét sinh hoạt văn hóa thiêng liêng và cao đẹp.


image009_5image010_4

 

 

Lễ cúng thần nông

 Hát bội trong đêm cúng đình

 

Những người đến dự lễ hội đình làng được tự do xem hát, tham gia các trò chơi, trao đổi tâm tình và cùng nhau ăn uống vui vẻ, nhưng ăn uống có văn hóa, vui chơi có mức độ. Ai cũng cố gắng giữ tư cách, không say sưa, càn quấy hay nói tục, bởi trong những ngày này, mọi khía cạnh đời thường đã được nâng lên đời thiêng. Không gian thiêng liêng của đình cả năm im lìm nay được tái hiện trở lại bởi con người. Đèn, nến sáng trưng, cờ ngũ sắc tung bay, chiêng trống nổi lên, lòng người khắp nơi náo nức, rộn rã hướng về không gian thiêng liêng đó.

Người đến lễ hội trước hết là để biểu thị lòng tôn kính và biết ơn các vị phúc thần và các bậc tiền nhân đã khuất, có nhiều công lao tạo dựng quê hương, xây nên cơ nghiệp để lại cho những thế hệ cháu con, sau, là dịp để biểu thị ý thức tôn trọng văn hóa truyền thống của dân tộc, hưởng thụ hình thái sinh hoạt tinh thần cộng đồng vốn có nhiều gắn bó với phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian mà mỗi năm chỉ diễn ra có một lần.

Lễ hội đình được diễn ra còn do tín ngưỡng thờ thần và vui được mùa, thắng trận của con người. Tất cả cũng nhằm nhớ về cội nguồn, chuyển giao văn hóa, liên kết cộng đồng. Bởi thế, lễ hội ở đình trở thành rất thiêng liêng, có sức cộng cảm và trở thành nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng dân tộc.

Lễ hội đình làng là cầu nối tâm linh giữa con người, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn những vốn quý của di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Khôi phục các lễ hội ở đình làng cũng là góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng được đời sống văn hóa cơ sở, tạo được sân chơi cho đông đảo dân làng mỗi kỳ lễ hội, đồng thời tạo được một điểm tham quan, vui chơi giải trí cho khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài.


Tế lễ

Tùy theo tập quán của từng địa phương, không nơi nào giống hệt nơi nào, nhưng nhìn chung ở đình làng Nam Bộ thường diễn ra các cuộc lễ như sau:

  • Lễ Niêm ấn & lễ Khai sơn :

Xưa, vào ngày 25 tháng Chạp, hương chức làm lễ rửa con dấu, bỏ vào hộp niêm kín. Kể từ ngày này, công việc hành chính trong làng đều đình chỉ cho đến mồng 7 tháng Giêng. Lễ Khai sơn (hay Khai hạ, Khai ấn), được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Xưa ngày này có lễ Hạ nêu và lễ Khai ấn. Hương chức làm lễ làm lễ Khai sơn xong, thì lấy cuốc bổ vài nhát tượng trưng gọi là động thổ, cho dân theo đó mà khởi sự cày cấy, trồng trọt; và các công việc hành chính trong làng trở lại bình thường.

  • Lễ Bầu ông: Thuở Nam Bộ còn hoang vu, nhiều người sợ cọp nên mỗi làng chỉ cử đến Hương chủ, vì chức Hương cả phải nhường cho cọp (tục lệ này có ghi trong Minh điều hương ước ban hành năm 1852). Và bởi cọp là hương chức đứng đầu, nên hàng năm, tùy theo đình chọn ra một ngày để làm lễ “Bầu ông”: cúng một con heo trắng, kèm theo một tờ cử hương chức. Gần đây, tục cúng Cả cọp vẫn còn nhưng chỉ nhằm cầu an cho bá tánh.
  • Lễ Hạ điềnThượng điền: Đây là hai lễ lớn trong năm (Xuân Thu nhị kỳ). Hai lễ này chính là sự biến đổi từ tập tế xuân (Xuân tế) và tế thu (Thu tế). Ở Nam Bộ, lễ Hạ điền, được cử hành vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như khai trương việc cày cấy, trồng trọt. Lễ Thượng điền, được cử hành vào cuối mùa mưa, lúc mùa màng đã có kết quả. Hai lễ này mang tính chất lễ nghi nông nghiệp rõ rệt. Bên cạnh việc cầu Quốc thái dân an, Thiên hạ thái bình; là lễ cúng Thần Nông, Hậu Tắc, Vũ Sư, Phong Bá, Điển Di...Thông thường, lễ Hạ điền long trọng hơn lễ Thượng điền.

Ngoài ra ở đình Nam Bộ còn có các lễ nhỏ khác, như: Giỗ hậuGiỗ các anh hùng lịch sử; lễ vía Bà (các nữ thần được phối tự); và các lễ khác gọi chung là Tứ thời tiết lạp, gồm: Nguyên Đán, Hàn Thực (3 tháng Ba âm lịch), Thanh Minh (trong khoảng tháng Ba âm lịch), Trung Thu (rằm tháng Tám âm lịch), Trùng Cửu (mồng 9 tháng Chín âm lịch), Trùng Thập (mồng 10 tháng Mười âm lịch), Trừ Tịch (30 tháng Chạp âm lịch)...

  • Lễ Kỳ yên : Đây là lễ chính trong năm. Lệ phổ biến là 3 năm cúng lớn một lần, gọi là Đại lễ Kỳ yên (Tam niên đáo lệ Kỳ yên).

Hiện nay, lễ Kỳ yên cũng được tổ chức trong ba ngày, gồm nhiều lễ tế khá phức tạp nhưng cũng khá bài bản, trong đó có ba lễ chính là: Túc yết, Đàn cả (quan trọng nhất) và Lễ tế Tiền hiền, Hậu hiền. Tuy mỗi nơi có thể khác về giờ giấc, thứ tự và chi tiết

Tùy theo điều kiện kinh tế, nhưng thường thì cứ ba năm (tam niên đáo lệ kỳ yên) Ban quý tế đình làm lễ tế long trọng và qui mô hơn: Đại lễ Kỳ yên, tức ngoài các lễ tế thường kỳ còn có thêm 4 lễ nữa, đó là: Lễ rước Tổ hát bội, lễ Xây chầu, Hát chầu và Hồi chầu.


image011_4







Hát tuồng trong lễ Kỳ yên tại đình Mỹ Phước năm 2010


Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành Hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thầnNam Bộ, Việt Nam. Lễ Kỳ Yên gồm có: lễ cúng tiên sư tưởng nhớ những bậc thầy dạy nghề trong thôn, lễ tụng kinh cầu an theo nghi thức Phật giáo, hoàn sắc, lễ tế thần, lễ tế tiền hiền, hậu hiền những thế hệ khai hoang lập ấp và xây dựng các công trình phúc lợi cho thôn làng, nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thới dân an, mùa màng thắng lợi, cũng là dịp nhân dân tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá và xây dựng làng. Như thế, lễ Kỳ yên mang hai ý nghĩa: vừa tưởng nhớ một vị có công khai phá miền Nam Bộ, vừa cầu mong một cuộc sống no đủ.

Lễ Kỳ yên bắt đầu bằng nghi thức tụng kinh cầu an của Phật giáo, tiếp theo là phần múa lân và biểu diễn võ thuật cổ truyền, các nghi thức tế thần, tế tiền hiền, hậu hiền. Buổi tối có phần xây chầu, đại bội và hát bội. Ngày thứ hai và thứ ba có nghi thức tế nam quan, nữ quan theo truyền thống Bắc bộ. Chấm dứt lễ hội là nghi thức tôn vương và hồi chầu theo truyền thống các đình Nam bộ.

Ở lễ Kỳ yên, phần “lễ” chiếm phần quan trọng hơn phần “hội”. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng Bổn cảnh. Lễ này là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện, vui chơi. Những tục lệ này nhằm thắt chặt tình cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ Kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu. Đặc biệt tiệc tùng trong ngày lễ Kỳ yên ở đình làng Nam Bộ chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có tục “chiếu trên, chiếu dưới”, nhậu nhẹt say sưa như những nơi khác.

 Lễ Kỳ yên thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng qui tụ về với lễ vật trên tay, người nào cũng trang phục chỉnh tề, quỳ lạy trước bàn thờ và cầu nguyện thần linh sao cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, nhân dân ấm no.

Giới thiệu lễ Kỳ yên ở Nam Bộ xưa, sách Gia Định thành thông chí (mục Phong tục chí) của Trịnh Hoài Đức có đoạn:

Mỗi làng (ở Nam Bộ) có dựng một ngôi đình, ngày cúng tế phải chọn cho được ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm tại đình, họ ở lại suốt đêm ấy, gọi là túc yết. Sáng ngày mai học trò lễ mặc áo, mão, gióng trống khua chiêng làm lễ chánh tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Ngày giờ cúng tế tùy theo tục từng làng không đều nhau, hoặc lấy tháng giêng cầu phúc gọi là Tế xuân; hoặc lấy tháng 8, 9 báo ơn thần là Tế thu, hoặc lấy trong 3 tháng mùa đông là tế tròn năm thành công. Tế chưng, tế lạp chạp là đáp tạ ơn thần. Việc tế đều có chủ ý chung gọi là Kỳ yên. Ngoài tế phẩm ra có mổ trâu, bò, và ca hát hay không ấy là tùy lệ từng làng, việc ngồi có thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có học thức thì làm theo lễ Hương ẩm tửu, cùng giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có tục tốt. Cũng trong ngày ấy xét sổ sách làng coi trong một năm ấy thâu nạp thuế khóa, tiêu dịch, lúa tiền thiếu thế nào, ruộng nương được mất thế nào trình bày tính toán công khai; rồi cử người chức sự làm việc làng và cũng bàn giao chức vụ trong ngày ấy.

Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Ngoài ra, ngôi đình còn là nơi thờ các vị phúc thần, thần linh, danh nhân lịch sử, Tiền hiền, Hậu hiền (những người có công thành lập và xây dựng làng xã); là nơi dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn, là nơi tụ họp dân làng, yến ẩm, vui chơi... Trong một giai đoạn ngắn của lịch sử hành chánh, ngôi đình còn là trụ sở hành chánh của làng xã. Theo các tài liệu hiện có ở đình, thông thường đình do Ban Hội tề làng quản trị, kinh phí xây dựng do quỹ làng xuất ra và một phần do dân làng tự nguyện đóng góp.


Ban quí tế

Tên cũ là Ban Hương chức hội tề, hay Ban tế tự, hiện nay gọi là Ban Phụng tự, gồm nhiều người có đạo đức tốt, có nhiều cống hiến cho đình, cho làng. Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì đại khái chia ra làm ba loại hương chức:

  • Hương chức loại 1: tức hương chức Hội chánh, gồm có: Kế hiền (Hội trưởng); Chánh bái (hay Chánh niệm hương), Phó bái, Bồi bái, Tiên bái (bốn chức chung lo việc ngoại vụ); Chánh tế, Phó tế, Bồi tế (ba chức chung lo việc nội vụ).
  • Hương chức loại 2: tức hương chức Hội tề, gồm có: Giáo sư (cố vấn mọi mặt), Hương quan (cố vấn nghi lễ, tục lệ), Hương lễ (chỉ huy ban lễ sinh), Hương nhạc (chỉ huy ban nhạc lễ), Hương văn (soạn thảo văn tế), Hương ẩm (tổ chức tiệc tùng), Thủ bổn (lo việc sổ sách và kiểm tra lễ vật), Thủ từ (giữ đình, lo việc đèn nhang mỗi ngày).
  • Hương chức loại 3: tức hương chức Hội hương hay Ngoại hội tề, gồm những người phụ giúp việc đình miếu.

Một điều khác lạ là ở Nam Bộ, dù là người đỗ đạt cao hay làm quan to thì cũng chỉ là khách quí khi về dự cúng đình chứ không được đứng làm chủ tế.

Một điều khác nữa là ở Nam Bộ không hề phân biệt dân cố cựu, dân ngụ cư. Dân mới cư ngụ đôi ba năm, vẫn có thể được cử làm hương chức. Và ở đây cũng không hề có trường hợp bắt họ phải làm “thằng mỏ”.

Có thể nói Ban quí tế đình miếu ở Nam Bộ là một tổ chức bảo vệ văn hóa truyền thống ở nông thôn. Tuy có nơi, họ bị mang tiếng là bọn xôi thịt; nhưng đa phần đều là những người đáng kính, bởi họ thường gia nhập một cách tự nguyện, tự giác; bổn phận nhiều hơn quyền lợi.


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Hai 2020(Xem: 6281)
"Anh em ơi, giờ đây ta có nhau Chúc sống vui sống khỏe được dài lâu Thụ Nhân ơi, yêu mãi trong tim ta Sẽ không bao giờ phai "
08 Tháng Hai 2020(Xem: 6611)
"Nhưng ngay sau khi tham gia quá trình điều trị, vợ ông bắt đầu chú ý đến những chuyển biến hung bạo. Người đàn ông trước kia từng điềm đạm nay trở nên nóng tính nảy lửa và không biết tự bao giờ đã có xu hướng bạo lực trên đường phố."
15 Tháng Mười Một 2019(Xem: 6444)
"Gặp hải tặc trên đường vượt biển, ba lần bị cướp trên đất Mỹ, và thêm một lần bị bão tố phá huỷ hết cơ ngơi, một chủ vựa hải sản người Mỹ gốc Việt vẫn không cam chịu số phận để viết lên câu chuyện thành công nơi xứ người. "
30 Tháng Ba 2019(Xem: 7793)
"Uống một chai rượu vang 750ml một tuần tăng nguy cơ phát triển ung thư trong suốt cuộc đời, tương đương 10 điếu thuốc lá một tuần với phụ nữ và năm đối với nam, một nghiên cứu kết luận."
05 Tháng Hai 2019(Xem: 8688)
"Trước thềm năm mới Kỷ Hợi, hôm nay chúng tôi xin mời quý vị điểm qua một số bản nhạc Xuân tiêu biểu, với sự tham gia của giáo sư – nhạc sĩ Trần Quang Hải tại Paris."
31 Tháng Mười Hai 2018(Xem: 8083)
Một năm mới đến, giai điệu quen thuộc của ca khúc “Happy new year” của ABBA lại vang lên ở hầu hết khắp nơi. Tính đến thời điểm hiện tại, bài hát nổi tiếng này chạm mốc 39 tuổi đời.
05 Tháng Mười Một 2018(Xem: 8364)
"Một bí quyết nhỏ cô chia sẻ là lập danh sách các việc cần làm (to-do list) hàng ngày... Những cái hành động nhỏ đấy thôi có thể gộp lại thì sẽ dẫn tới được những cái mục đích mình muốn."
16 Tháng Chín 2018(Xem: 8336)
"Nếu không đi bộ thì anh đi xe. Thành phố này người ta dùng xe máy để đi và xe hơi để khoe, vì đi xe hơi có thể chậm hơn đi xe máy rất nhiều nhưng nhiều người vẫn mua với mục đích ra “oai”."
17 Tháng Tám 2018(Xem: 8704)
"Do nhận thức về lợi ích và rủi ro là những yếu tố quan trọng nhất trong ý định muốn làm theo, nên người tiêu dùng chỉ nên tập trung vào cái rủi ro và tránh bị cuốn hút vào những lợi ích tiềm năng."
11 Tháng Bảy 2018(Xem: 8974)
"Sự tham lam là một trong những cạm bẫy lớn nhất của cuộc đời và thường khiến chúng ta quên giữ gìn sức khoẻ."
SINH HOẠT
MINH XÁC QUAN ĐIỂM
- Website do một ít Thụ Nhân chung sức, dù rộng mở đến tất cả đồng môn trong tình thân hữu, nhưng không nhân danh hay đại diện tập thể nào.

- Quan điểm của bài viết trong Diễn Đàn là của cá nhân tác giả, không hẳn phản ánh quan điểm chung của Ban Biên Tập và những người tham gia Diễn Đàn.
KHÁCH THĂM VIẾNG
99,468